Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

20180716. XIN ĐỪNG GỌI THAM NHŨNG LÀ NỘI XÂM

ĐIỂM BÁO MẠNG
XIN ĐỪNG GỌI THAM NHŨNG LÀ NỘI XÂM
(Bàn về hai sự chệch hướng của Tổng bí thư)

HÀ SĨ PHU/ BVN 12-7-2018

1/ Câu chuyện Tuổi Thân-Tý-Thìn tam hợp
 Xin mở đầu vấn đề rất nghiêm túc và hệ trọng này bằng một mẩu chuyện tầm phào, nửa đùa nửa thật:
Có lần một anh bạn chỉ tận mặt tôi mà khôi hài:
- Bác đáp ứng trúng tiêu chuẩn của ông TBT rồi nhá, bác là “người miền Bắc, có ní nuận” mà! Chỉ có điều người ta thì ní nuận xây dựng đảng, còn bác thì “xây dựng” gì nhỉ, xây dựng con người, xây dựng đất nước… hả?
Tôi phì cười:
- Mình là phó thường dân, ông ấy là Cộng sản đệ nhất quyền lực, liên quan làm gì?
- Liên quan quá đi chứ, giống nhau lắm. Một ông tuổi Thân một ông tuổi Thìn. Thân Tý Thìn tam hợp. Nhiều cái liên quan bác thấy không? Năm 2000 bác bị Công an và viện Kiểm sát khởi tố tội Phản quốc nhưng không xử được. Còn ông Trọng vừa rồi bị hàng trăm ngàn công dân “đả đảo” cái tội Phản quốc vì là người chủ chốt cho kẻ thù chiếm cứ ba đặc khu, chẳng biết rồi có xử được không?...
Tôi vốn không tin chuyện Tử vi, số mệnh do ngày sinh tháng đẻ, nhưng ngẫm ra anh bạn nói sao mà có lý. Thân Tý Thìn liên quan thật. Ngay bây giờ đây, khi trên báo nhà nước vừa trích lời ông Trọng  cuộc chiến chống giặc Nội xâm đang ở giai đoạn quyết liệtthì quả thực tôi (HSP) cũng đang muốn nói một câu y như vậy! Chỉ có điều nội hàm trong câu nói thì khác hẳn nhau, mỗi bên chỉ tay vào mặt một bọn “Nội xâm” khác nhau để nói những điều khác nhau. Thân Tý Thìn vừa tương đồng vừa tương khắc mới đúng, có lẽ thế. Cùng người Việt nói chuyện với nhau mà đôi lúc cứ như hai người ngoại quốc “ngôn ngữ bất đồng”! Bất đồng trước hết ở nội hàm “Nội xâm” mà tôi xin nói rõ dưới đây.
2/ Sự ví von giữa Tham nhũng và Nội xâm có mặt trái nguy hiểm
Tham nhũng rất đáng ghét, đáng phải trị tội thật nặng nề, nhưng xin các vị đừng gọi Tham nhũng là Nội xâm nữa! Nói như vậy bọn Nội xâm nó sướng lắm!
Gọi Tham nhũng là Nội xâm chỉ là sự ví von, thể hiện được lòng căm ghét và sự nguy hiểm của Tham nhũng, nhưng sự đồng nhất hai khái niệm này khiến người ta quên đi kẻ Nội xâm thật, Nội xâm theo đúng nghĩa, và quên rằng tội của bọn Nội xâm thật thì to lớn và nguy hiểm hơn nhiều. Vậy Nội xâm đúng nghĩa là gì?
Cách đây 11 năm (2007) ba khái niệm Mất nước, Ngoại xâm, Nội xâm lúc nào cũng lởn vởn trong đầu óc tôi. Trong bài Vừa nội xâm vừa ngoại xâm, phải làm gì trước? tôi đã nêu định nghĩa sự mất nước và nạn Nội xâm như sau:
“Xuất phát từ quan điểm Dân là gốc của nước thì ngày nay phải hiểu “mất nước” là tình trạng nhân dân bị mất quyền làm chủ đất nước của mình. Nước vẫn còn đó nhưng dân không làm chủ thì đấy là mất nước!
… Quyền làm chủ ấy của nhân dân bị mất vào tay người nước ngoài thì gọi là nạn ngoại xâm, mất vào tay kẻ thống trị độc tài trong nước thì đó là nạn nội xâm. Giặc ngoại xâm hay nội xâm đều cướp mất của dân quyền làm chủ đất nước, trong đó có quyền quan trọng nhất là quyền làm chủ đối với đất đai, lãnh thổ. Cả hai trường hợp đều do thiếu dân chủ, thiếu bình đẳng, hoặc là thiếu dân chủ giữa các quốc gia, hoặc do thiếu dân chủ trong nội bộ một nước”.
Xem như vậy thì làm sao có thể gọi bọn Tham nhũng là giặc Nội xâm được? Tham nhũng là tội ác phải trừng trị nhưng chưa hẳn đã làm cho nhân dân mất quyền làm chủ đất nước. Tham nhũng tiền bạc là tội về đạo đức, tội hình sự về kinh tế, còn tội làm mất quyền làm chủ của nhân dân là tội Chính trị, chỉ những kẻ có quyền lực Chính trị lớn, bọn “tham quyền lực” đầu sỏ mới mắc được tội Nội xâm, tức tội “cướp nước” của dân. Khi đã cướp được nước của dân thì kẻ Nội xâm sẵn sàng “sang nhượng” tức bán nước cho ngoại bang là việc quá dễ dàng mà nhân dân đành cam chịu.
Với một nhân vật Chính trị thì “con người cá nhân” không quan trọng bằng “con người chức năng”. Chức năng của họ là dẫn dắt, điều hành dân tộc, nếu dẫn dắt đi lầm đường, đi vào ngõ cụt, đi vào nguy hiểm thì tội cực lớn, trong khi có thể hắn không tham nhũng nhiều về kinh tế, và có thể vẫn giữ được tư cách đạo mạo, không mắc những điều đạo đức thông thường hoặc những khiếm khuyết dễ thấy về tác phong ứng xử. 
Cho nên, trong khi ông Tổng bí thư nói cuộc chiến chống giặc Nội xâm đang ở giai đoạn quyết liệt thì tôi cũng muốn nói một câu hệt như thế nhưng nội hàm hoàn toàn khác. Nói cách khác, theo tôi, câu nói rất mạnh nói trên của ông Tổng bí thư có hai sự chệch hướng:
- Bọn Nội xâm là bọn tội phạm chính trị như vừa định nghĩa ở trên, chứ không phải bọn Tham nhũng!
- Chống bọn Nội xâm theo đúng định nghĩa như vậy quả là “đang ở giai đoạn quyết liệt” nhưng “giai đoạn” ở đây là giai đoạn mà toàn dân đang phải khẩn trương đoàn kết lại thành sức mạnh đập tan sự kết hợp giữa bán nước và cướp nước để bảo toàn lãnh thổ và chủ quyền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, chứ không phải giai đoạn hừng hực đốt lò chống Tham nhũng của ông Tổng bí thư.
Chống Tham nhũng tuy là việc quan trọng và rất cần thiết nhưng điều quan trọng là phải chống cơ chế chính trị độc quyền là nguyên nhân phát sinh, đồng lõa và bảo vệ cho Tham nhũng và phải tiến hành tại thời điểm thích hợp sao cho không làm lu mờ nhu cầu bức thiết số một là nhu cầu tập trung sức mạnh toàn quốc vào việc chống nạn ngoại xâm kiểu mới của Tàu Cộng (mà Luật Đặc khu đang là đòn quyết định trong chiến lược cướp nước và bán nước ấy).
Một khi chủ quyền của Tổ quốc không còn thì kết quả chống Tham nhũng dẫu có “vĩ đại” đến mấy cũng trở thành vô nghĩa! (Ấy là cứ giả thiết việc “đốt lò” là nhằm chống Tham nhũng thật, chứ không nhằm dọn dẹp nội bộ, tập trung quyền lực để việc trao ba Đặc khu nhượng địa cho Tàu Cộng làm “một vành đai” xiết chặt Việt Nam được thực hiện suôn sẻ!).
10-7-2018
H.S.P.
Tác giả gửi BVN.


ĐÁNH GIÁ TÀI ĐỨC CỦA NHÂN VẬT CHÍNH TRỊ

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 14-7-2018

Ông Hà Sĩ Phu vừa có bài “Xin đừng gọi tham nhũng là nội xâm”, đăng trang Bauxitvn ngày 11/7/2018. Bài viết vạch ra nhầm lẫn cơ bản của Nguyễn Phú Trọng khi đồng nhất tham nhũng với giặc nội xâm.
Tham nhũng thuộc lĩnh vực đạo đức, kinh tế. Giặc nội xâm thuộc lĩnh vực chính trị, do một số nhân vật chính trị cầm đầu, chúng cướp quyền của dân. Ông Hà Sĩ Phu nhận định: “Với một nhân vật Chính trị thì “con người cá nhân” không quan trọng bằng “con người chức năng”. Chức năng của họ là dẫn dắt, điều hành dân tộc, nếu dẫn dắt đi lầm đường, đi vào ngõ cụt, đi vào nguy hiểm thì tội cực lớn, trong khi có thể hắn không tham nhũng nhiều về kinh tế, và có thể vẫn giữ được tư cách đạo mạo, không mắc những điều đạo đức thông thường hoặc những khiếm khuyết dễ thấy về tác phong ứng xử”.
Nhân định về nhân vật chính tri tôi xin tát nước theo mưa, tán rộng ra vài ý. Trước tiên viết lại 3 chuyện cũ.
Chuyện 1- Thời nhà Lý, Tô Hiến Thành (1102-1179), là Tướng quốc, quan phụ chính cho vua còn bé. Cấp dưới ông có Vũ Tán Đường, trung thành và mẫn cán, được ông yêu mến và tin cậy. Khi Tô Hiến Thành ốm sắp chết, Hoàng hậu hỏi xem ông đề cử ai thay, Tướng quốc cử Trần Trung Tá. Hoàng hậu rất ngạc nhiên vì Tá không phải người thân cận của Tô Hiến Thành. Trong thời gian dài, kể cả khi Tướng quốc ốm đau, không thấy Tá đến nhà thăm hỏi. Để trả lời sao không cử Đường mà cử Tá, Tô Hiến Thành nói:
“Kính thưa Đức bà. Đối với hạ thần, Tá và Đường, về mẫn cán thì hai người như nhau, nhưng viễn kiến của Tá hơn Đường (viễn kiến: tầm nhìn xa). Vì vậy cử người lo việc nước thì thần xin cử Tá, còn nếu cần người hầu hạ trung thành thì thần sẽ chọn Đường”.
Chuyện 2- Thời Đông Chu bên Tàu, cách ngày nay khoảng 3 ngàn năm, Bão Thúc Nha và Quản Trọng là 2 người bạn thân, đều rất giỏi ở nước Tề. Khi vua Tề chết, hai người con tranh nhau. Bão Thúc Nha theo Tiểu Bạch, là em. Quản Trọng giúp người anh là anh là Củ, và trong 1 trận đánh Trọng đã bắn trúng Tiểu Bạch, mũi tên găm vào đai áo. Củ thất bại, chết, Tiểu Bạch lên ngôi. Vua định cử Bão Thúc Nha làm Tướng quốc, nhưng Bão từ chối, xin tiến cử Quản Trọng là người tài giỏi hơn. Ban đầu vua không chịu, nói rằng ta bị hắn bắn, suýt chết, tha cho hắn khỏi chém đầu là may, không thể dùng tên phản tặc ấy. Nhưng sau khi được biết Quản Trọng thực sự có tài năng, vua đã dùng ông và ông đã giúp vua lập nên nghiệp bá chủ. Khi Quản Trọng ốm, sắp chết, vua hỏi ông tiến cử ai thay. Ông cử Thấp Bằng. Vua hỏi sao không cử Bão Thúc Nha. Quản Trọng thưa: Bão là vị quan có năng lực, cương trực, trung thành, nhưng viễn kiến kém, thường chỉ thấy cái lợi trước mắt nên không thể làm người đứng đầu triều đình.
Chuyện 3- Thời Hán Sở tranh hùng, cách nay khoảng trên 2 ngàn năm. Hán vương Lưu Bang đang gặp nhiều khó khăn, rất cần người tài. Ngụy Vô Tri tiến cử Trần Bình, Hán vương phong Bình làm Đô úy, là chức quan cao. Bình đã nghĩ ra mưu kế hay, giúp Hán vương lập nhiều công lớn. Thế nhưng Bình bị một số tướng tá dèm pha, cho rằng ông đã từng theo Ngụy và Sở, từng nhận vàng của một số người đem biếu. Hán vương gọi Ngụy Vô Tri đến trách, tại sao lại tiến cử người có vấn đề về lý lịch và có biểu hiện tham nhũng.
Ngụy Vô Tri tâu: Thần biết Trần Bình trước có theo Ngụy, Sở và có một số nhược điểm trong cuộc sống, nhưng thần tiến cử là vì nhận thấy ông ta thực sự có tài năng mà Hoàng thượng đang cần, nếu Hoàng thượng thấy ông ta không có tài thì đuổi ông ta đi và thần xin chịu tội. Còn nếu Hoàng thượng cần một người có lý lịch trong sạch, để làm gương về đạo đức thì người đó không phải là Trần Bình, để thần xin đi tìm người khác.
Sau đó Hán vương gọi Trần Bình đến trách. Bình tâu:
“Thần thờ Ngụy vương, Ngụy vương không biết mưu kế của thần, cho nên thần bỏ đi thờ Sở vương Hạng Vũ. Sở vương không biết tin người, những người ông ta yêu chẳng qua chỉ là họ Hạng và anh em bên vợ, tuy có kẻ sĩ tài năng cũng không chịu dùng, nên thần bỏ Sở theo Đại vương. Thần nghe Đại vương biết dùng người, cho nên mới mình trần mà sang đây. Nếu thần không lấy vàng thì không có gì dùng, nếu như mưu kế của thần có cái gì có thể dùng được, thì xin đại vương dùng; nếu không dùng được thì số vàng vẫn còn ở đấy cả, thần xin gói lại nộp vào của công, xin được từ chức mà về”.
Hán vương xin lỗi, lại thăng chức cho Bình và Trần Bình trở thành một trong vài người có công đầu triều đại nhà Hán.
Bình luận
Hà Sĩ Phu nhận định: “Với một nhân vật Chính trị thì “con người cá nhân” không quan trọng bằng “con người chức năng”. Đó là nhận định rất chuẩn. Cả 3 chuyện trên đều đề cao con người chức năng. Ngoài ra còn có thể kể hàng ngàn, hàng vạn chuyện khác tương tự trong lịch sử, trong cuộc sống để minh họa.
Con người cá nhân thể hiện bởi tính tình, đạo đức, tác phong, nó thể hiện ra bề ngoài dễ thấy, nó có thể ngụy trang bằng cách đóng kịch để thể hiện ta đây có cuộc sống giản dị, là người tốt, biết quan tâm đến mọi người v.v… Con người chức năng thể hiện tư tưởng theo đuổi, bởi mong muốn sâu kín và mãnh liệt, bởi chủ thuyết và con đường mà họ dẫn dắt mọi người đi theo, bởi kết quả cuối cùng công việc họ làm cho dân cho nước.
Rất khó để người ngoài biết được mong ước sâu kín của ai đó vì điều mong ước nói ra cho mọi người nghe bao giờ cũng tốt đẹp, còn mong ước thật được giấu kín thường khác với điều công khai. Thí dụ ông Võ Kim Cự, khi cho Formosa thuê đất Kỳ Anh 70 năm, nói ra mồm là vì sự phát triển của Hà Tĩnh, còn mong ước thầm kín là kiếm vài triệu đô la tiền đút lót. Thí dụ Chu Nguyên Chương, nói ra mồm rằng nguyện vọng thiết tha nhất là đánh đuổi bọn thống trị nhà Nguyên, giành độc lập cho dân tộc Trung Hoa, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, nhưng khát khao cháy bỏng được giấu kín là làm hoàng đế triều Minh (bên Tàu).
Đứng đầu một nước, một tổ chức là điều mà nhiều nhân vật chính trị rất thèm muốn và giấu kín.
Như vậy, nhân vật chính trị hàng đầu, mặc dầu nêu gương đạo đức cần kiệm liêm chính, tác phong giản dị, gần gũi quần chúng v.v.., để cho người khác học tập, mặc dầu vẫn giữ được vẻ đạo mạo, không có biểu hiện tham nhũng kinh tế (nghĩa là con người cá nhân hoàn hảo), nhưng con người chức năng không đạt yêu cầu thì vẫn là kẻ công ít tội nhiều, thậm chí có khi trở thành tội phạm chính của dân tộc. Con người chức năng của nhân vật chính trị cấp cao thể hiện ở chỗ dẫn dắt dân tộc đi theo con đường nào, nếu dẫn dắt đi lầm đường, đi vào ngõ cụt, đi vào nguy hiểm thì tội cực lớn. Để đánh giá nhân vật chính trị không thể dùng sự tốt đẹp bên ngoài của con người cá nhân (mà một phần có thể do đóng kịch) để che lấp sự thiếu sót và sai lầm của con người chức năng. Để đánh giá một nhân vật chính trị phải chủ yếu dựa vào con người chức năng. Nhân dân theo họ, rất quan trọng và chủ yếu là theo con đường họ dẫn dắt chứ không phải là học tập, noi gương đạo đức và tác phong. Đành rằng đạo đức và tác phong của nhà chính trị cũng khá quan trọng, dễ gây ảnh hưởng.
Về con người cá nhân, Pắc Chung Hy, Lý Quang Diệu và Trump chịu một số phê phán, nhưng con người chức năng của Pắc và Lý là tuyệt vời nên đã tạo ra Nam Hàn và Singapore phát triển, con người chức năng của Trump là mạnh mẽ nên đang làm chuyển biến nước Mỹ và thế giới.
Con đường đã sai thì dù có được vài tác phong tốt để cho người ta học vẫn chẳng thể bù đắp lại những tai họa do con đường ấy gây ra, còn nếu tác phong đó do đóng kịch mà có, nghĩa là trong đó có dối trá, thì tai họa càng chồng chất.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

'CẢNH CÁO TRƯƠNG MINH TUẤN' HAY THÂM Ý NGUYỄN PHÚ TRỌNG ?

PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 15-7-2018

clip_image002
Vụ Mobifone mua cổ phần AVG tưởng như chìm xuồng, nay được hâm nóng trở lại.
Cái cách ‘cảnh cáo Trương Minh Tuấn’ - mà vai trò ‘tổng đạo diễn’ hiển nhiên thuộc về Tổng bí thư Trọng - có khiến người ta dễ hình dung hơn về một chủ ý, hay sâu xa hơn nữa là một thâm ý của ông Trọng trong sách lược phân biệt đối xử giữa ‘củi nhà’ và ‘củi rừng’ cùng tương lai chiến dịch ‘chống tham nhũng’ của “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”?
‘Ăn thì cá nhân, hậu quả thì tập thể’
Sau một thời gian dài tưởng như bị chìm xuồng, vào tháng Bảy năm 2018, vụ ‘MobiFone mua AVG’ cùng trách nhiệm của hai ‘con chuột’ Nguyễn Bắc Son - cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông và Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Thông tin và truyền thông đã được hâm nóng lại trước sức ép của dư luận xã hội và có cả sức ép từ ngay trong nội bộ đảng.
Ngày 13/7/2018, Bộ Chính trị của Nguyễn Phú Trọng đã ‘kiến tạo’ một hình thức kỷ luật mới đối với Nguyễn Bắc Son - cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông: ‘kỷ luật nghiêm minh’. Còn Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Thông tin và truyền thông đương nhiệm bị cho thôi giữ chức, mà thực chất là bị cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin truyền thông nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Trước đó vài ngày, Ban bí thư đảng cầm quyền ở Việt Nam đã chỉ “thi hành kỷ luật Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016 bằng hình thức cảnh cáo”.
“Kỷ luật Ban cán sự Đảng” vào tháng Bảy năm 2018 là một khái niệm lập lờ không kém thua việc Uỷ ban Kiểm tra trung ương ‘đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật’ trước đó một tháng đối với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vào thời ‘ăn đậm ăn dày’ vụ MobiFone mua AVG.
Tính chất lập lờ của hình thức kỷ luật trên đối với vụ ‘MobiFone mua AVG’ là không khác gì một đúc rút chính trị đương đại ở Việt Nam: ‘Khi ăn thì cá nhân, còn hậu quả đổ cho tập thể’.
Cái cách kỷ luật trên có vẻ giống như một kiểu ‘đánh bùn sang ao’ để cứu vớt Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn khỏi phải theo chân cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng vào ‘lò’.
Kết quả kỷ luật trên cũng xác nghiệm mối lo ngại của dư luận ngay trước đó về việc Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã ‘chạy án’ và thoát tội là có cơ sở.
‘Chạy án’ thắng lợi?
Những đồn đoán ngay sau khi Uỷ ban Kiểm tra trung ương “đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật” đối với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vào tháng Sáu năm 2018 là rất có thể sẽ xảy ra kịch bản Son sẽ bị ‘cách tất cả các chức vụ thời trước’, còn Tuấn sẽ bị cảnh cáo đảng nhưng vẫn được cho ngồi tiếp cái ghế Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, tức vẫn ‘nắm đầu’ hơn 800 tờ báo nhà nước để vẫn tiếp tục kiên định “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” và “làm trong sạch đội ngũ báo chí”.
Trương Minh Tuấn là nhân vật được một số dư luận xem là ‘sát thủ báo chí’, nắm giữ quyền sinh quyền sát đối với gần hết khối báo chí nhà nước, cũng là người đặc biệt tỏ ra ‘cực đỏ’ và ‘kiên định chủ nghĩa xã hội’ từ năm 2016 khi chính thức nhậm chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông.
Trương Minh Tuấn cũng được xem là ‘phe ta’, tức người của phe Tổng bí thư Trọng, trái ngược với ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’.
Không chỉ cần thiết cho Nguyễn Phú Trọng trong chủ trương kiên định “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, Trương Minh Tuấn còn có thể trở thành nhân vật khó có thể thay thế vào lúc này khi Luật An ninh mạng đã được một Quốc hội ‘nghị gật’ cắm đầu bấm nút thông qua và một Tổng bí thư muốn ‘vận dụng’ luật này để ‘bảo vệ chế độ’ và áp chế mọi tiếng nói khác biệt chính kiến. Trương Minh Tuấn chính là công cụ đắc lực để một đảng toàn trị và độc đoán được bảo vệ và kéo dài hơi thở phập phù ngày nào hay ngày nấy.
Nhưng Trương Minh Tuấn cũng bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi nhân vật này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG.
Vào thời gian khoảng vài tuần trước ngày 23/4/2018 là thời điểm bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra Chính phủ và C46, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách “khắc phục hậu quả” - nhưng lại bị dư luận xem là một cách chạy án quá lộ liễu và trắng trợn.
Khi đó, đã phát ra nhiều đồn đoán rằng viên bộ trưởng đậm chất cộng sản này đã tự nguyện hoàn trả một căn hộ triệu đô - vốn được Phạm Nhật Vũ là em trai của Phạm Nhật Vượng Tập đoàn Vingroup tặng - như một cách “khắc phục hậu quả”.
Vì sao “bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng”?
Đến lúc này, người ta có thể hiểu ra một thâm ý của ông Trọng khi phát ra chỉ đạo “Bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng” vào cuối tháng Tư năm 2018.
Nguyễn Phú Trọng lại chính là Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng. Theo nguyên tắc bất thành văn trong đảng cầm quyền, những vụ án tham nhũng đã bị trực tiếp Tổng bí thư xem xét chỉ đạo thì đương nhiên bị xếp vào loại trọng án.
Tuy nhiên, nguyên tắc trên cũng có thể bị đảo lộn theo cách nếu vụ AVG không được xếp vào diện “theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng”, cơ quan điều tra của Bộ Công an không cần phải “xin ý kiến Bộ Chính trị và Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng”, tức không cần phải xin ý kiến của Tổng bí thư Trọng trong việc quyết định có khởi tố hay không vụ AVG, và nếu có thì sẽ khởi tố và bắt giam những quan chức nào, còn những quan chức nào sẽ được cho ‘chìm xuồng’. Trong trường hợp Bộ Công an muốn thi hành lệnh bắt đối với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn để công cuộc ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng được xem là ‘công bằng’ mà không phải chỉ ‘chống tham nhũng một bên’ hay ‘chống tham nhũng thời kỳ trước’, ông Trọng sẽ khó lòng can thiệp vào việc cứu vớt ‘chuột nhà’ nếu không yêu cầu Bộ Công an phải xin ý kiến Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trước khi hành sự.
Tức quy trình khởi tố và bắt bớ vụ AVG còn phải chờ ‘quyết định của Bộ Chính trị’ trong cuộc họp ngày 10/7/2018.
Thâm ý trên của Nguyễn Phú Trọng cũng có thể là nguồn cơn chính yếu của việc vì sao vào đầu tháng Sáu năm 2018, Ủy ban Kiểm tra trung ương lại ‘đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật’ đối với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, trong khi ‘đồng chí Lê Nam Trà’ chỉ là cấp dưới của Son và Tuấn nhưng lại bị Ủy ban Kiểm tra trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cao nhất là khai trừ đảng.
Hoàn toàn không nêu về hình thức kỷ luật đảng đối với hai ông Son và Tuấn, cũng không giải thích về ‘cấp có thẩm quyền’ là ai, đề nghị trên của Ủy ban Kiểm tra trung ương giống như một sự đánh đố hỏa mù và cũng là thách thức dư luận.
Chi tiết đáng mổ xẻ là vào những ngày này, cùng lúc với việc Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn có thể thở phào vì không bị ‘cẩu đầu trảm’, cựu Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty MobiFone Lê Nam Trà và cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Thông tin truyền thông Phạm Đình Trọng lại bị khởi tố và bắt giam, dẫn đến một sự bất công ghê gớm bởi hai nhân vật này chỉ là kẻ thừa hành, trong khi Nguyễn Bắc Son mới là kẻ chủ mưu, cùng một kẻ chủ mưu khác và thừa hành đắc lực là Trương Minh Tuấn thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, cho dù cả Son và Tuấn đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm là “rất nghiêm trọng”.
Mất ghế Bộ trưởng, thoát án tù và sẽ trả thù?
Trong chiến dịch được xem là “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng, vụ “Mobifone mua AVG” và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Giờ đây khi tất cả mọi người chứng kiến ông Trọng xử vụ Trương Minh Tuấn quá nhẹ nhàng theo cách “đập chuột sợ vỡ bình”, điều được ông Trọng tuyên xưng là “chống tham nhũng không có vùng cấm” sẽ hoàn toàn vô giá trị trong con mắt thế thái nhân tình, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như “Sỹ phu Bắc Hà”, “Minh quân”, “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” và gần đây nhất là “Người đốt lò vĩ đại” sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay và chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Thực ra, không bao lâu sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra như một cách điểm mặt chỉ tên Trương Minh Tuấn, nhân vật này bỗng dưng ‘tái xuất’ trên cương vị Bộ trưởng Thông tin và truyền thông để điều hành một số cuộc họp. Khi đó, không thể nghĩ khác là nếu so sánh với trường hợp Đinh La Thăng sau khi mất chức Ủy viên Bộ chính trị đã ‘chìm’ hẳn vào hậu trường chính trị tại “cái lồng nhốt quyền lực” là Ban Kinh tế trung ương đảng, số phận của Trương Minh Tuấn có lẽ đã được Tổng bí thư ưu ái hơn nhiều. Chỉ là khi đó Nguyễn Phú Trọng chưa công khai một quyết định ‘tha bổng’ nào mà có thể khiến dư luận xã hội phản ứng mạnh mẽ.
Nhưng với cái cách Bộ Chính trị và Ban bí thư chỉ áp dụng mức kỷ luật cảnh cáo đối với Trương Minh Tuấn, dường như Nguyễn Phú Trọng đã từ những ẩn khuất trong thái độ che chắn cho thủ hạ thân tín tiến ra công khai bằng hành động công nhiên bảo vệ ‘chuột nhà’, trong khi vẫn không ngừng gia tăng chiến dịch ‘đốt lò’ để giết ‘chuột đồng’.
Tức Trương Minh Tuấn dù có thể sẽ mất ghế Bộ trưởng nhưng lại thoát án tù.
Còn trong thời gian vẫn ngồi ghế Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, không có gì bảo đảm là Trương Minh Tuấn sẽ không ngoái cổ nhìn lại những kẻ đã dám mạo phạm mình.
Không biết vô tình hay hữu ý, ngay tại thời điểm Bộ Chính trị họp và kết luận chỉ cảnh cáo Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016, đã có tin ngoài lề về việc báo Tuổi trẻ đang bị xem xét kỷ luật, thậm chí có thể bị đình bản trong vài ba tháng.
Tuổi trẻ lại là tờ báo nhà nước đầu tiên dám quay ngược mũi giáo công kích ‘sát thủ báo chí’ Trương Minh Tuấn ngay sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ AVG với trách nhiệm liên quan trực tiếp đến Bộ trưởng Thông tin-truyền thông Trương Minh Tuấn.
Liệu vào những ngày tới đây, Trương Minh Tuấn có xuống tay trả thù những tờ báo đã dám vạch trần chân tướng và hạ nhục ông ta trên mặt công luận?
Nếu vụ ‘hồi tố’ trên xảy ra, người ta sẽ hình dung rõ hơn hẳn về việc là ‘củi nhà’ có ý nghĩa lợi hại như thế nào so với ‘củi rừng’, để từ đó nhìn lại chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng đã chỉ chủ yếu tấn công vào ‘thời kỳ trước’, tức giai đoạn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, còn tương lai ‘chống tham nhũng’ của ông Trọng là quá thiên vị, mờ mịt và bế tắc.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN

KỲ CỤC THAY MẤY CHỮ 'NGHIÊM TRỌNG' VÀ 'NGHIÊM MINH'

Nguyễn Nguyên Bình / BVN 15-7-2018

Báo Hà Nội mới hôm 13/7/2018 có bài đăng trang nhất và trang 2 về việc Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cán bộ vi phạm là 2 ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Hai ông này đều là Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, đều là Uỷ viên Trung ương Đảng CSVN, chỉ là trong hai nhiệm kỳ khác nhau.
Luận về tội trạng của Bạn cán sự Đảng Bộ TTTT, thì chính BCT đó cũng cho là họ đã "vi phạm khuyết điểm rất nghiêm trọng, đã làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và quá trình cổ phần hoá Tổng Công ty Mobifone, đến uy tín của tổ chức Đảng và Bộ Thông tin và Truyền thông, gây bức xúc trong xã hội; đã để một số đồng chí lãnh đạo Bộ vi phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng trong thực hiện nguyên tắc làm việc và chức trách nhiệm vụ được giao"...
Vậy mà cái Ban cán sự tồi tệ ấy chỉ bị BCT giáng một kỉ luật... như phủi bụi là "HÌNH THỨC CẢNH CÁO". Và đồng chí Bộ trưởng, Ủy viên TƯ của đảng đương chức cũng đã được BCT "giáng cho" cái hình thức kỷ luật nặng nề là... CẢNH CÁO!           
Riêng đồng chí Bắc Son thì BCT lại còn ngập ngừng chưa dám quyết, lại còn phải "đề nghị BCH Trung ương xem xét thì hành kỷ luật nghiêm minh đối với đồng chí Nguyễn Bắc Son theo thẩm quyền".
Chao ôi! Kì cục thay cho mấy chữ NGHIÊM TRỌNG và NGHIÊM MINH của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Đúng là Bốn lần quang vinh!!!
Phải chăng ông Trọng lú đang chơi trò… ĐẬP RUỒI thay cho ĐẢ HỔ, có lẽ vì hổ ấy là hổ chuồng của… đảng ông?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét