Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

20180718. BÌNH LUẬN VỀ VỤ GIAN LẬN THI THPTQG Ở HÀ GIANG

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIAN LẬN THI CỬ Ở HÀ GIANG: SAU PHANH PHUI QUYẾT LIỆT LÀ GÌ ?

LƯU MINH SANG / TVN 18-7-2018

Gian lận thi cử ở Hà Giang: Sau phanh phui quyết liệt là gì?
Gian lận thi cử ở Hà Giang đang khiến dư luận nổi sóng. Tranh minh họa: Đan/ Báo Lao động
 - Muốn giáo dục đi đúng hướng thì phải triệt tiêu những nhu cầu xã hội giả tạo và hình thức.
Nhờ phản ánh của Báo chí và dư luận về những bất thường trong số liệu thống kê về phổ điểm thi tại Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc để tiến hành điều tra. Với tinh thần làm việc kịp thời, nhanh chóng và quyết liệt, những chiêu trò gian lận “hô biến” kết quả thi đã bị phanh phui. Bộ GD&ĐT cũng đã thẳng thắn thừa nhận và công khai những sai sót, tiêu cực trong công tác tổ chức thi tại Hà Giang. Tác giả cho rằng đây là hành động bước đầu rất đáng được ghi nhận của cơ quan chủ quản ngành giáo dục nước nhà.
Dư luận vẫn đang tiếp tục chờ đợi những hành động tiếp theo của Bộ GD&ĐT trong việc xử lý các vi phạm nghiêm trọng tại Hà Giang nói riêng và vấn đề minh bạch, công bằng trong thi cử nói chung. Bởi lẽ, nếu chỉ dừng lại ở việc xử lý các đối tượng vi phạm và tiếp tục rút kinh nghiệm cho những lần thi sau thì e rằng sẽ còn những "quả bom" hẹn giờ khác, có điều kín đáo, tinh vi và khó phát hiện hơn.
Từng nhiều lần tham gia công tác coi thi tại kỳ thi THPT Quốc gia, tác giả nhận thấy những quy định, quy trình về thi cử được ban hành luôn theo xu hướng năm sau chi tiết, thậm chí rườm rà hơn năm trước. Có nhiều thủ tục, quy trình thậm chí quá chi li và tiểu tiết khiến cho cả giám thị và thí sinh đều mệt mỏi.
Chung quy lại, mong muốn của Bộ GD&ĐT đều hướng đến việc tạo ra một kỳ thi công bằng, minh bạch, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho thí sinh và đặc biệt là phòng ngừa tiêu cực. Năm nào các quy định mới cũng được cập nhật bổ sung từ kinh nghiệm của năm trước đó, vậy tại sao tiêu cực vẫn cứ tiếp tục xảy ra? 
Khi quy trình chặt nhưng có những kẻ thực thi tồi
Công bằng mà nói, Bộ GD&ĐT trong những năm qua đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải cách công tác thi cử, từ cách thức tổ chức thi đến phương thức đánh giá năng lực người học. Một số hiệu quả từ nỗ lực này đã được chứng minh trên thực tế, nhưng dường như vẫn thiếu tính toàn diện và chưa thực sự đi vào cốt lõi.
Khi đọc các quy định về tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy việc tổ chức một kỳ thi sẽ bao gồm nhiều công đoạn, từ ra đề thi, vận chuyển đề thi, coi thi, chấm thi, xử lý và công bố kết quả. Ở mỗi giai đoạn đều có một quy trình đi kèm với sự tham gia của nhiều bên. Điểm chung là luôn tồn tại một lực lượng thực hiện vai trò giám sát, thanh tra cũng như sự tham gia của lực lượng công an nhằm tạo ra những cơ chế kiểm tra chéo, đối trọng lẫn nhau phòng chống sự lạm dụng dẫn đến can thiệp vào kết quả thi cử.
Song, thực tế đã chứng minh, quy định, quy trình có tốt và chặt chẽ đến mức nào cũng sẽ bị vô hiệu hóa nếu được thực thi bởi những kẻ kém tử tế, không trung thực và cố ý vi phạm. Đồng thời, một cá nhân khó lòng có thể dùng "vải thưa che mắt thánh" với cơ chế giám sát, thanh tra hiện hành. Như vậy, ngoài một đối tượng đã được công khai danh tính, còn những ai tham gia thực hiện hoặc liên quan đến sai phạm hay không? Bộ GD&ĐT và cơ quan điều tra cần phải có câu trả lời thích đáng cho người dân cả nước.
Tất cả những người có trách nhiệm liên quan phải bị lôi ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh, chứ không thể "đóng cửa bảo nhau". Vấn đề của tiêu cực nằm ở yếu tố con người. Đâu chỉ ở công tác khảo thí, còn trong công tác giảng dạy, nghiên cứu. Hiện tượng chạy trường, chạy điểm, chạy bằng cấp, đạo văn vẫn không ngừng được thông tin trên truyền thông.
Cần lắm một sự thanh lọc mạnh mẽ, dứt khoát và toàn diện từ nội bộ những người gắn với sự nghiệp trồng người. Nền giáo dục nước nhà không thể tiếp tục dung dưỡng những con người gian dối, xem thường đạo đức và luật pháp. Đây là những chất độc hại có thể phá vỡ toàn bộ sự nghiệp trồng người và gây hậu quả khôn lường, bởi giáo dục là cái gốc của một xã hội văn minh. Hậu quả sẽ kéo dài hàng thế hệ chứ không phải trong một hai kỳ thi.
Sự nghiệp giáo dục không thể chỉ xoay quanh những kỳ thi
Với truyền thống khoa bảng bao thế kỷ, tâm lý người Việt nói chung rất coi trọng việc thi cử. Nhìn lại một chút nền giáo dục Việt Nam của thập niên qua cũng dễ nhận thấy công tác thi cử là khía cạnh được thay đổi nhiều nhất, thậm chí qua từng năm. Và cũng chính bởi cách thức quản lý cũng như vận hành nền giáo dục như hiện nay diễn ra trong thời gian quá dài khiến cho kết quả của kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi tuyển sinh đại học trở thành một đại lượng quyết định tương lai của một con người.
Thực tế đã chứng minh, xã hội hiện nay vẫn dung dưỡng cho những người không có năng lực thực chất nhưng đầy đủ bằng cấp. Một bộ phận không nhỏ những người chỉ cần có thể bước vào được trường đại học, qua 4 năm sẽ có được tấm bằng cử nhân, bằng cách này hay cách khác, rồi sau đó, suôn sẻ kiếm được công việc, chỗ đứng trong xã hội. Đây cũng là một động lực, nguyên nhân sâu xa cho những gian dối, sai phạm. Và tiêu cực đâu chỉ dừng lại ở công tác thi tuyển đại học, nó còn gắn liền với quãng đường hậu tuyển sinh cho đến khi có được tấm bằng.
Hoạt động cốt lõi của giáo dục là dạy và học, thi cử vốn là hoạt động phái sinh để đánh giá hiệu quả của quá trình đó. Công tác khảo thí tốt sẽ giúp cho việc dạy và học trở nên thực chất hơn, chứ không thể quyết định chất lượng giáo dục.
Bởi theo lẽ thường, trong một nền giáo dục và một xã hội coi trọng những giá trị thực, thì dù anh có điểm thi tuyển sinh đại học cao đến cỡ nào, nếu không có năng lực cũng khó lòng đáp ứng những chuẩn đầu ra của trường đại học để có tấm bằng cử nhân. Hoặc nếu bằng cách nào đó, anh có được tấm bằng cử nhân, dù là loại ưu, nhưng không đi kèm theo đó là kiến thức, kỹ năng, thái độ tương xứng, anh sẽ không được trọng dụng tại bất kỳ đơn vị tuyển dụng nào. Khi đó, người sở hữu tấm bằng cũng như ngôi trường cấp bằng cho anh ta sẽ bị đánh giá, sẽ dần bị đào thải nếu không đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Người ta sẽ giảm chạy điểm, chạy trường nếu như sau cánh cửa trường đại học là cả một quá trình đào tạo và cả đào thải nghiêm túc, một cuộc “chạy đua” học tập, nghiên cứu, thực hành, chứ không phải “vào được ắt ra được”. Người ta sẽ thôi bất chấp thủ đoạn can thiệp kết quả thi cử nếu như đó chỉ là những con số chuyển tiếp sự nghiệp học hành của một con người, chứ không phải là yếu tố trọng yếu quyết định tương lai.
Nhu cầu và cách vận hành của xã hội sẽ định hướng tính chất của nền giáo dục, và ngược lại giáo dục sẽ là yếu tố tác động sự thay đổi của xã hội. Muốn giáo dục đi đúng hướng thì phải triệt tiêu những nhu cầu xã hội giả tạo và hình thức. Muốn xã hội văn minh thì phải bắt nguồn từ một nền giáo dục công bằng, minh bạch và tử tế.
Lưu Minh Sang
Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

'PHÙ PHÉP' ĐIỂM THI Ở HÀ GIANG: CÒN NHỮNG CƠ HỘI NÀO BỊ TƯỚC ĐOẠT ?

VŨ MẠNH CƯỜNG/ VN N 18-7-2018

'Phù phép' điểm thi ở Hà Giang: Còn những cơ hội nào bị tước đoạt?
- 114 thí sinh, chủ nhân của 330 bài thi được sửa nâng điểm ở Hà Giang, nếu không bị phát hiện ra, thì có thể sẽ chễm chệ ngồi trong giảng đường của những trường đại học danh tiếng ở Việt Nam.
Thực sự phải cảm ơn ban ra đề thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay đã ra đề thi khó, khiến những con chuột đốt cháy nhà bị lột mặt nạ.
114 thí sinh này sẽ tước cơ hội học tập của 114 em khác, những người mà nhiều khả năng đã nỗ lực học tập, đã thi cử trung thực, nhưng không đỗ vào được những ngôi trường mà các em mong muốn.
Nhưng quan trọng hơn bằng cách gian lận này 114 thí sinh được phù phép điểm sẽ trở thành những cử nhân trong tương lai và sẽ góp phần phá vỡ những điều tốt đẹp của cuộc sống, làm xói mòn những giá trị của xã hội.
Sửa kết quả bài thi ở quy mô đó chắc không thể là lần đầu tiên. Và chắc không chỉ do một ông phó phòng cấp sở đơn thương độc mã tạo ra. Một ông phó phòng cấp sở liệu có thể một mình thu thập được 114 đơn đặt hàng? Và có đến chừng đó đơn đặt hàng chứng tỏ đã có những lần thử trước đó thành công, và “khả năng phi thường” này đã được đem đi "tiếp thị" khá rộng rãi.
Câu hỏi đặt ra là liệu có thể có những cơ hội đã thực sự bị tước đoạt? Tức là đã có những thí sinh được phù phép điểm và cướp cơ hội của những người khác? Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đã nắm giữ trong tay toàn bộ dữ liệu điểm thi của kỳ thi năm 2017 được lưu giữ trong máy tính cá nhân của Vũ Trọng Lương, và việc điều tra tiếp để làm sáng tỏ là việc trong tầm tay.
Câu hỏi nữa đặt ra là liệu câu chuyện này chỉ xảy ra ở Hà Giang, hay còn xảy ra ở cả những địa phương khác nữa?
Nếu những kẻ phù phép điểm chỉ nâng một cách “biết điều” mỗi bài thi đôi ba điểm, thì khả năng bị phát hiện là khó. Nhưng thế cũng đủ để “giết chết” những thí sinh khác vì điểm chuẩn vào trường đại học có ranh giới rất mong manh: chỉ thiếu nửa điểm thôi bạn có thể phải trượt.
Thế nên, để lấy lại sự công bằng cho các thí sinh, Bộ GDĐT cần kiểm tra lại công tác chấm điểm ở tất cả những nơi bị nghi ngờ, cũng như kiểm tra xác xuất ở một số địa phương khác. Đừng thờ ơ: con em của chúng ta hoàn toàn có thể bị tước đoạt cơ hội bởi những kẻ gian lận thi cử này.
Vũ Mạnh Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng - Bộ Y tế)

TIÊU CỰC Ở HÀ GIANG: KHI TIỀN TÀI TRỞ THÀNH NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA ?

ÁNH LIÊN/ BVN 18-7-2018

Hà Giang trở thành điểm nóng sau kỳ thi THPT quốc gia, lý gia vì phổ điểm cao bất thường của tỉnh này. Căn cứ vào phổ điểm, Hà Giang có thể 'tự hào' vì đã vượt qua các vùng đất học khác như Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Ninh Bình, và Hà Nội. Tuy nhiên, báo chí lên tiếng, thí sinh thi bức xúc, Thanh tra Bộ GD-ĐT vào cuộc cho thấy vấn đề ở khía cạnh khác.
Đầu tiên, điểm cao bất thường tại Hà Giang bị nghi ngờ là tiêu cực, bởi lẽ sự đột biến và bất thường về phổ điểm các môn ở tỉnh này. Facebooker Đỗ Ngọc Hà - Là một giáo viên tại tỉnh Hà Giang cũng phẫn nộ cho biết, ông chưa chứng kiến điều lạ lùng đến thế, nhất là khi điểm thi cho biết lượng học sinh đạt từ 8-9 điểm và từ 9-10 điểm môn Lý và môn Toán là ngang nhau.
Chính vì vậy, điểm cao giờ đây trở thành một yếu tố bị kỳ thị lẫn bức xúc hơn là một niềm tự hào của nhóm học sinh học được ở tỉnh Hà Giang, nó nhắc lại câu chuyện cách đây gần 6 năm về trước (2012), tại trường THPTDL Đồi Ngô (Bắc Giang) vì gian lận tốt nghiệp, dẫn đến quyết định xử lý kỷ luật 42 cán bộ, giáo viên liên quan. Điều này có nghĩa là gì? Đó là sau 6 năm hết mình tuyên truyền về sự cải cách, cũng như làm mọi sức để thuyết phục người dân về tính hiệu quả và công bằng của kỳ thi hợp nhất, thì nay, Bộ GD-ĐT cũng đành bất lực trước tệ nạn tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.
Việc ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang trả lời báo chí là 'chưa phát hiện tiêu cực' nó không khác gì với cách phân trần rằng, 'tiêu cực chỉ là cá biệt, kết quả tốt nghiệp là thực chất' của Phó bí thư tỉnh Bắc Giang 6 năm về trước nhằm chống chế tiêu cực ở Đồi Ngô. Tức ngay cả khi tiêu cực được phát lộ, thì hiện tượng bao che, giấu diếm, không nhìn thẳng vào sự thật vẫn diễn ra trước mắt. Và thực tế, trong một phản ánh mới nhất đến từ báo Dân Trí, đã có ít nhất 98 trường hợp bị can thiệp làm sai lệch kết quả thực, dung sai bị sửa cao nhất lên đến 8,75 điểm.
Facebooker Trần Cường chia sẻ cho hay: Một vài cá nhân ăn chơi nhảy múa thì điểm cao, còn những người đi thi Học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia thì điểm kém hơn. Những cá nhân tiêu cực được nhắc đến là những người đã có ô tô đi đến tận sân trường...

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang 'chưa phát hiện ra tiêu cực' liên quan tới việc điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại địa phương dù phổ điểm cao bất thường.
Thứ hai, kỳ thi gọp này vô tình tạo ra sức ép cho chính những học sinh học thực, nhưng đồng thời thả cửa cho những học sinh học yếu kém nhưng nhà có tiềm lực. Việc em P.H. - học sinh trường THPT chuyên Hà Giang - đạt gần 28 điểm khối thi A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) mặc dù kết quả học tập thường ngày đứng cuối lớp là một ví dụ cơ bản về sự chi phối của đồng tiền trong học vấn. Ngay cả khi vẫn đề tiêu cực bị phát lộ trên báo chí, thì em đã lên tiếng và cho rằng, ‘phần lớn đề thi và suy luận, hỏi ý kiến bạn cùng phòng’. Như vậy, chỉ với việc em ‘hỏi ý kiến bạn cùng phòng’ phần nào cũng cho thấy mức độ cởi mở của phòng thi tỉnh Hà Giang cũng như tính quy phạm quy chế của chính bản thân em. Thậm chí, nhiều học sinh tại Hà Giang cho biết, đã có tiêu cực ở khâu chấm thi từ năm ngoái, tuy nhiên vì năm ngoái phổ điểm các tỉnh cao như nhau nên không bị lộ,... Số tiền chi ra cho điểm là vài trăm triệu/ 1 môn.
Thứ ba, những em có điểm số cao đều có nguyện vọng vào trường đào tạo lực lượng vũ trang (công an, quân đội). Những năm gần đây, ngành học liên quan đến cảnh sát và quân đội trở thành top thu hút học sinh, đây là điều dễ hiểu khi lương và phúc lợi dành cho đối tượng này khá cao. Việc bãi bỏ sự phân tách kỳ thi, đưa về địa phương cũng đồng thời mở rộng cơ hội vào khối trường này cho các gia đình có tiềm lực. Việc chạy điểm vào trường vũ trang không phải vì thế mà thiếu cơ sở. Tệ nạn chạy điểm vào các trường đào tạo lực lượng vũ trang về lâu dài sẽ đào tạo ra những con người vừa thiếu tài, vừa thiếu đức,... Nói cách khác, đặt trong việc chạy điểm để vào trường quân đội, thì lực lượng tương lai này sẽ gián tiếp làm suy yếu khả năng của quân đội để chống lại 1 cuộc chiến tranh hiện đại trong tương lai.
Rõ ràng, càng cải cách càng thấy loạn, sự kiện bất thường tại Hà Giang cho thấy nỗ lực giáo dục đào tạo người tài và đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học trong những năm qua rơi vào bế tắc. Ít nhất là trong khâu kiểm soát đầu vào sinh viên và đầu ra của học sinh THPT có phần phá sản trước nạn ‘tiêu cực và thành tích trong giáo dục’. Vấn đề là những người trong Bộ GD-ĐT không nhận ra, hoặc nhận ra nhưng giá trị của mục tiêu giáo dục nằm thứ yếu so với mục tiêu cải cách nhằm thu lợi, bởi sau mỗi cuộc cải cách, thì các đề án mà Bộ GD-ĐT đưa ra thường phình to về mặt ngân sách đến mức khiến cho dư luận phát hoảng.
Facebooker Hà Trang trong một bình luận có liên quan đến tiêu cực này đã cho biết: Tiêu cực này gạo nấu thành cơm rồi, cũng dấy lên được một thời gian rồi lại xẹp. Đến bác sở bác còn kêu cái này tôi chưa biết, tôi xin từ chối câu hỏi này thì chúng cháu cũng chịu rôi. Ăn dây từ đầu lõ trở xuống.
Điều đó cho thấy rằng, mảng giáo dục tại Việt nam vẫn bết bát, ít nhiều vẫn bị chi phối bởi nguyên tắc: tiền tài là nguyên khí quốc gia.
A.L.
VNTB gửi BVN

GIÁO DỤC, NHỮNG BẤT THƯỜNG VÀ ... BÌNH THƯỜNG!

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 18-7-2018

(GDVN) - Người viết cho rằng “Sự kiện Hà Giang 2018” vẫn nằm trong phạm vi bao phủ của chiếc chăn “Giáo dục quốc gia” vốn đã quá cũ đến mức đang có nguy cơ “bục chỉ”.
Hàng loạt tờ báo chạy tít: “Nhiều chuyên gia, giáo sư cũng phải “bó tay” với đề thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018” hay “Giáo sư từng chinh phục huy chương vàng Toán quốc tế cũng "bó tay" với đề thi Toán Trung học phổ thông quốc gia”,…
Nếu quả thật đề thi khiến giáo sư cũng phải “bó tay” thì đương nhiên phải đặt ra câu hỏi:
Do đề khó quá khiến giáo sư “bó tay” hay giáo sư “bó tay” vì lĩnh vực mà giáo sư quan tâm phải ở tầm “quốc gia đại sự” chứ không phải là giải các bài toán thực tế?
Nếu đề khó quá thì vì sao Hà Giang, một tỉnh miền núi kết quả thi nhiều năm không có gì vượt trội mà học sinh nơi đây năm nay lại cao hơn hẳn nhiều tỉnh thành cả nước?
Nhận định của một số chuyên gia, nhà giáo đều tập trung vào khâu chấm thi, đa số ý kiến cho rằng không thể có gian lận trong phòng thi, tuy nhiên khẳng định như vậy có thể là hơi sớm.
Đã kiểm tra lại thì nên rà soát tất cả các khâu, từ khi thi đến khi công bố kết quả, chỉ có thế mới tránh bỏ sót sai phạm. 
Thông tin được ông Cục trưởng Mai Văn Trinh, (Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay đã phát hiện đối tượng gây ra sai phạm này.
Có hai khả năng, sai phạm do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kém của cán bộ thuộc Hội đồng thi hoặc sai phạm có chủ đích nhằm nâng điểm cho một số đối tượng “đặc biệt” (họ hàng, con em cán bộ) hoặc vì mục đích kinh tế?
Nếu khả năng thứ hai xảy ra thì xử lý thế nào các đối tượng sai phạm bao gồm cả cán bộ và thí sinh?
Không thể chỉ chấm lại bài thi và lấy kết quả mới thay thế kết quả cũ bởi không phải ngẫu nhiên các thí sinh được nâng điểm. 
Nếu sự gian dối trong kỳ thi chỉ đến từ phía cán bộ thì việc cần làm là phải xử lý hình sự cán bộ mắc sai phạm chứ không thể xử lý hành chính.
Về phía thí sinh, sau khi nộp bài, biết đáp án (qua truyền thông) thì đã có cơ sở để xác định mình được bao nhiêu điểm.
Điểm bài thi cao bất thường mà không có phản ứng chứng tỏ có thí sinh đó không trung thực, đồng ý với sự gian dối của người lớn.
Trường hợp này cần hủy kết quả thi của thí sinh, thậm chí với những thí sinh liên quan (được nâng điểm) nên cấm thi một thời gian.
Hàng trăm bài báo nói về sự bất thường ở Hà Giang với nghi ngờ có gì đó không bình thường trong công tác tổ chức thi, chấm thi. 
Người viết cho rằng gian lận thi cử trong môi trường giáo dục Việt Nam vốn không có gì lạ, nó xảy ra không chỉ với thí sinh là học sinh phổ thông mà cả với cán bộ, công chức, viên chức, điển hình là vụ thi viên chức giáo dục gần đây ở một tỉnh phía Nam mà báo chí đã phản ảnh.
Xin điểm qua vài sự bất thường xảy ra hàng ngày, ai cũng biết và đều coi là … bình thường:
Thứ nhất, trong khi kết quả thi của Hà Giang bị nghi ngờ và thực tế chứng tỏ sự nghi ngờ đó là đúng - qua phát biểu của ông Mai Văn Trinh - thì năm 2007, kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia thấp một cách đặc biệt lại không bị nghi ngờ, lại được đón nhận với những lời khen ngợi, rằng đó là một kỳ thi minh bạch, không tiêu cực.
Nếu công nhận kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia đạt trên 90% là bình thường thì tỷ lệ 67,5% của năm 2007 là không bình thường và ngược lại (xin xem bảng thống kê).

Năm
2005
2006
2007
2008
2009
2010
2011
Tỷ lệ %
90,62
93,78
67,5
75,96
83,8
92,57
95,72
Năm
2012
2013
2014
2015
2016
2017
2018
Tỷ lệ %
97,63
97,52
99
91,58
92,93
97,42
97,57
        Bảng 1: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia từ 2005 đến 2018
Nếu công nhận kỳ thi năm 2007 phản ánh đúng thực chất trình độ của thí sinh cả nước thì có nên xem kết quả những năm có tỷ lệ cao chót vót tới trên 95% (2011, 2012, 2013, 2014, 2017, 2018) là không “thực chất”? 
Xin nói thêm là những năm đầu nhiệm kỳ ông Phạm Vũ Luận làm Bộ trưởng (2010 - 2014) tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông tăng vọt từ 92,7% lên đến 99%, năm cuối nhiệm kỳ (2015) tỷ lệ này đột ngột giảm xuống chỉ còn hơn 90%.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp quản Bộ Giáo dục và Đào tạo từ tháng 4/2016 và tỷ lệ lập tức thay đổi từ 92,93% (2016) lên gần 98% (2018).

Tôi quan niệm giáo dục không phải là một trận đánh, giáo dục là con người…”. Thứ hai, khi ông Bộ trưởng cũ nói giáo dục là một “trận đánh lớn” thì ông Bộ trưởng mới nói:
Quan điểm trái ngược nhau của hai vị Bộ trưởng có phải là nguyên nhân khiến giáo dục luôn “đổi mới”, khiến học sinh bị biến thành “chuột bạch” để thí nghiệm các “phương pháp đổi mới”, chẳng hạn “Bàn tay nặn bột”, “Vnen” hay “Công nghệ giáo dục”,…
Thứ ba, khi dân chúng than thở về chuyện sách giáo khoa thay đổi liên tục khiến năm nào cũng phải bỏ tiền mua cho con cháu thì lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo lại thấy bình thường, càng bán được nhiều sách, lợi nhuận càng “khủng”!
Thứ tư, khi cả xã hội sôi sục về chuyện “lò ấp tiến sĩ” và việc phong giáo sư, phó giáo sư năm 2018 thì có bao nhiêu cán bộ liên quan từ các Hội đồng chức danh bị đưa khỏi các hội đồng, bị kỷ luật thích đáng hay chỉ là những “vuốt ve từ vai trở xuống”?
Thứ năm, khi vấn nạn “đạo văn” xảy ra thường xuyên ở khá nhiều cơ sở giáo dục đại học (trong đó có không ít trường nổi tiếng) thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm gì ngoài vụ lùm xùm liên quan đến ông Hoàng Xuân Quế (Trường Kinh tế Quốc dân)?
Thứ n, khi…, và khi…
Nêu vài dẫn chứng để thấy, vụ việc Hà Giang không có gì đặc biệt, nó chỉ góp phần làm cho tiếng chuông báo động về chất lượng giáo dục vang to thêm, ngân xa thêm.
Nếu có gì đó “đặc biệt” thì phải kể đến đánh giá của một vị lãnh đạo, rằng “Kỳ thi tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn, nhẹ nhàng được nhân dân các địa phương ủng hộ…”, rằng theo vị này thì “cơ bản là thành công”. (Vov.vn, 02/07/2018)
Ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang khẳng định:
Sẽ làm rõ việc điểm thi bất thường và có câu trả lời thỏa đáng cho dư luận, không có chuyện bao che cho bất kỳ ai”. [1]
Khẳng định của ông Trần Đức Quý khiến người ta có cảm giác ông là người đứng ngoài trong vụ việc nghiêm trọng này và ông là người rất cương quyết chống thói gian dối trong thi cử.
Thực ra ông Trần Đức Quý chính là Trưởng ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông Quốc gia tỉnh Hà Giang và vì thế không thể nói ông không chịu trách nhiệm tí gì về vụ việc đã xảy ra.
Ông Quý có thể không bao che cho ai nhưng liệu có nên tin ông cũng không hề “bao che” cho chính mình?
Đến đây thì một vấn đề cần được thảo luận thêm, đó là quy định trong Luật Giáo dục về việc học sinh học xong Trung học phổ thông cần phải qua một kỳ thi để công nhận tốt nghiệp.
Những năm gần đây, kỳ thi này được lồng ghép “2 trong 1” nghĩa là vừa dùng xét tốt nghiệp Trung học phổ thông (kết hợp với điểm học bạ) vừa dùng làm cơ sở để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Cách thức thi này còn duy trì đến 2020 (theo ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ), sau 2020, nếu xuất hiện một vị Bộ trưởng khác thì … chưa biết!
Phải chăng đây cũng chỉ là một dạng “nhường nhiệm kỳ sau giải quyết”?
Người viết cho rằng “Sự kiện Hà Giang 2018” vẫn nằm trong phạm vi bao phủ của chiếc chăn “Giáo dục quốc gia” vốn đã quá cũ đến mức đang có nguy cơ “bục chỉ”.
Những “lò đào tạo tiến sĩ”, các vị giáo sư tố nhau “đạo văn”, những cơ sở giáo dục đại học bị dư luận đánh giá:  
“Nạn “đạo văn” lan tràn ở Đại học … Hà Nội”, vấn nạn mua bằng cấp trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức,… nếu không được giải quyết tận gốc thì không có cơ sở để khẳng định “Sự kiện Hà Giang 2018” sẽ không tái xuất hiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khá sốt sắng trong “vụ Hà Giang” nhưng chưa (hay không) thấy Bộ sốt sắng trong những vụ liên quan đến những cá nhân, cơ quan có tiếng tăm, chẳng hạn vụ lùm xùm giữa hai giáo sư Tồn - Thêm, vụ Trưởng khoa Lý luận Chính trị - Đại học Bách Khoa bị nghi “đạo văn”, vụ thi tuyển viên chức giáo dục tại Quảng Ngãi thí sinh từ rớt thành thủ khoa,… 
Chỉ với sự kiện Hà Giang, liệu đã đủ cơ sở để kết luận “Kỳ thi tổ chức chưa nghiêm túc, chưa khách quan và cơ bản là chưa thành công”? 
Nếu kỳ thi là “thành công” thì Hà Giang có bị “oan”, có bị đối xử không công bằng?
Tài liệu tham khảo: 
[1] https://vtc.vn/bo-gd-dt-phat-hien-sai-pham-trong-cham-thi-o-ha-giang-nam-2018-d413664.html
Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét