Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2018

20180706. QUANH ĐỀ XUẤT BÁN 'DỮ LIỆU DÂN CƯ' CỦA CHÍNH QUYỀN HÀ NỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
'DỮ LIỆU DÂN CƯ ' LÀ GÌ , HÀ NỘI CÓ ĐƯỢC 'BÁN' ĐỂ THU TIỀN KHÔNG ?

TRINH PHÚC/ GDVN 3-7-2018

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng thì cần tránh tình trạng thu theo kiểu bòn rút, sử dụng thông tin không đúng mục đích. (ảnh quochoi.vn).
Ngày 2/7, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất Chính phủ cho thành phố Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số các lĩnh vực khác.
Theo ông Chung, nếu được đồng ý, mỗi năm, thành phố trước mắt sẽ thu được trên 300 tỷ đồng.
Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí có nhiều cách hiểu khác nhau về thông tin dữ liệu dân cư khiến nghi ngại về việc để lọt thông tin cá nhân.
Bàn luận về vấn đề này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Việc chia sẻ dữ liệu dân cư rất quan trọng.
Tuy nhiên, bây giờ phải làm rõ nội hàm chia sẻ dữ liệu dân cư như thế nào?
Chia sẻ cho đối tượng nào và phương thức chia sẻ như thế nào cần làm rõ. Khi xác định rõ nội hàm phương thức mới định được giá dịch vụ”.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: “Những gì thuộc vào dạng miễn phí hay thuộc vào tính dịch vụ thu phí cần làm rõ.
Tôi cho rằng, không được làm tràn lan, đặc biệt việc sử dụng nguồn tiền này để làm gì?
Cái này rất quan trọng, tránh tình trạng thu theo kiểu bòn rút, sử dụng thông tin không đúng mục đích”.
Ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Nếu thu giá để tăng thu cho ngân sách nhà nước hoặc tăng thu cho địa phương thì cần tính toán cân nhắc cho kỹ lưỡng.
Bởi vì với người dân và doanh nghiệp thì bản thân nhà nước phải phục vụ".
Cũng liên quan đến đề xuất này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiến sĩ Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, pháp luật hiện hành, luật căn cước công dân đã có quy định tương đối cụ thể về xây dựng dữ liệu dân cư.
Cụ thể, theo ông Sơn, trách nhiệm xây dựng dữ liệu dân cư của Bộ Công an và chính quyền địa phương.
Cơ sở dữ liệu dân cư được xây dựng trên nền tảng các thông tin cá nhân, các thể nhân nhằm phân biệt người này với người khác để không bị chồng chéo, trùng lắp, lẫn lộn.
Cơ sở dữ liệu dân cư trước hết phục vụ quản lý hành chính nhà nước và phục vụ cho công dân khi tham gia xác lập cơ sở dữ liệu cho chính họ và sau này có quyền truy xuất thông tin của mình và các cơ quan có thẩm quyền khi thực thi nhiệm vụ hành chính nhà nước.
Việc trích xuất dữ liệu của những cá nhân để phục vụ cho yêu cầu quản lý chống việc quản lý không chính xác giữa công dân này với công dân khác và loại trừ trường hợp giả mạo, lừa đảo, sai trái.
Cơ sở dữ liệu phục vụ cho yêu cầu quản lý, bảo đảm trật tự an ninh, an toàn trong xã hội.
Theo quan điểm của ông Lê Hồng Sơn, việc chia sẻ cơ sở dữ liệu cho một số ngành, một số doanh nghiệp hoặc đơn vị liên quan 7 thông tin cá nhân để đối chiếu, so sánh tránh lừa đảo, nhầm lẫn là việc có lợi và nên làm.
Ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: “Hoàn toàn không có chuyện gì e ngại trong việc này.
Vấn đề cần phòng chống là các hành vi sai trái nên cần quy chuẩn chặt chẽ, ai được quyền cung cấp, chia sẻ những thông tin này;
Trách nhiệm quản lý thông tin được chia sẻ như thế nào để bảo đảm bí mật đời tư".
Cuối cùng vị chuyên gia này khẳng định: “Tôi ủng hộ hướng đề xuất của Hà Nội, còn việc đưa ra hệ thống quy chuẩn thế nào cho chặt chẽ, chống tùy tiện, vi phạm pháp luật thì các văn bản quy phạm pháp luật quy định cho chặt chẽ”.
Liên quan đến vấn đề này, giải thích về đề xuất của mình, Chủ tịch thành phố Hà Nội- ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, cơ sở dữ liệu đề xuất là 7 thông tin trong chứng minh thư.
Từ trước đến nay, thông tin chứng minh thư chỉ lưu trong phòng quản lý hành chính, nhưng tới đây sẽ lưu trữ trong một hệ thống.
Thông tin này không chỉ dùng trong ngành công an mà chia sẻ cho các ngành như ngân hàng, đơn vị hành chính, đơn vị công chứng…Việc chia sẻ thông tin này không vi phạm, vẫn đúng luật.
Bởi thực tế chứng minh thư đi đâu cũng phải xuất trình. Còn đơn vị muốn có thông tin thì phải được phép thì mới được truy cập.
Đề xuất như vậy là đúng luật và có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp, có lợi cho ngành kinh tế.
Trinh Phúc
HÀ NỘI ĐỀ XUẤT CHIA SẺ DỮ LIỆU DÂN CƯ ĐỂ THU GIÁ
BẢO NGỌC/ TTO/ BVN 4-7-2018
TTO - Thành phố Hà Nội vừa đề xuất Chính phủ cho thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác.
Hà Nội đề xuất chia sẻ dữ liệu dân cư với ngành khác để thu giá - Ảnh 1.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu đề xuất chia sẻ dữ liệu dân cư với ngân hàng, công chứng... Ảnh: T.L
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội sáng 2-7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cho TP Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác.
Nếu được Chính phủ đồng ý, trước mắt mỗi năm thành phố Hà Nội dự kiến thu được trên 300 tỉ đồng từ việc chia sẻ dữ liệu này.
Để thực hiện thu giá dịch vụ, Chủ tịch TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành tháo gỡ các thủ tục, quy trình về thuê các dịch vụ công nghệ thông tin (đường truyền, phần mềm dịch vụ công trực tuyến…).
Ngoài ra, Chính phủ sớm có hướng dẫn, tháo gỡ các quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ban, ngành.
Trước đó, năm 2010, tại điều 8 Nghị định 90 của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có nêu các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về dân cư nhằm phục vụ những mục đích chính đáng của mình nhưng phải nộp lệ phí.
Bộ Tài chính chủ trì, thống nhất với Bộ Công an quy định cụ thể đối tượng, mức thu và việc quản lý, sử dụng lệ phí cung cấp dữ liệu về dân cư.
Về việc việc chia sẻ dữ liệu dân cư, tại điều 10 Luật căn cước công dân (2014) quy định "cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, do Bộ Công an quản lý".
Việc khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định như sau:
- Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
- Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
- Tổ chức và cá nhân không thuộc 2 đối tượng trên có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cụ thể hơn điều này, Nghị định 137/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân, tại điều 11 - Sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nêu rõ: Việc sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân;
Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chỉ được sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc giải quyết thủ tục hành chính.
B.N.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ha-noi-de-xuat-chia-se-du-lieu-dan-cu-voi-nganh-khac-de-thu-gia-20180702154648644.htm

DỮ LIỆU DÂN CƯ ĐỂ QUẢN LÝ SAO HÀ NỘI LẠI BÁN ?

ĐÌNH BÌNH/ VNEx/ BVN 4-7-2018

Hà Nội  vừa đề xuất Chính phủ cho thành phố thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư. Việc thu phí được thực hiện khi cung cấp dữ liệu dân cư cho các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác. Nếu được đồng ý thì mỗi năm thành phố sẽ thu được trên 300 tỷ đồng.
Tôi thắc mắc dữ liệu dân cư là để quản lý sao lại bán? Vì đó là quyền riêng tư của công dân. Cơ quan công quyền chỉ được sử dụng nó trong chức năng của mình, vì thông tin dữ liệu cá nhân của người dân là nhằm phục vụ công tác quản lý chứ đâu phải để kinh doanh?
Đ.B.
Nguồn: https://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/cau-hoi-hom-nay/du-lieu-dan-cu-de-quan-ly-sao-ha-noi-lai-ban-3772126.html

CỨ TRẢ TIỀN LÀ CÓ THÔNG TIN CÁ NHÂN NGƯỜI KHÁC THÌ CÒN GÌ LÀ QUYỀN RIÊNG TƯ ?

TRINH PHÚC /GDVN 6-7-2018

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Giám đốc công ty Luật trách nhiệm hữu hạn HTC Việt Nam (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) - ảnh Trinh Phúc.


Đề xuất cho thành phố Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp chia sẻ các dữ liệu dân cư với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác... đang gặp sự phản biện của dư luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc trao đổi, mua bán, chia sẻ dữ liệu dân cư vi phạm đến quyền riêng tư. 
Để có góc nhìn sâu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Giám đốc công ty Luật trách nhiệm hữu hạn HTC Việt Nam (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).
Quan điểm của luật sư Hùng cho rằng: “Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Căn cước công dân: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Việc chia sẽ cơ sở dữ liệu công dân bước đầu đã tạo được những tín hiệu tích cực hứa hẹn sẽ tạo ra lợi ích lớn.
Ưu điểm của nó là nhanh chóng, thuận tiện vì giúp cho cơ quan nhà nước cũng như công dân dễ dàng trong việc tra cứu thông tin cá nhân, tiết kiệm thời gian làm việc.
Tuy nhiên, xét về lâu dài chúng ta có thể đánh đổi nó với việc đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu của cá nhân và liệu rằng người dân có phải là người trực tiếp được hưởng lợi từ chính thông tin của mình hay không?”.
Theo Luật sư Hùng: “Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Luật Căn cước công dân quy định: Công dân có quyền được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định.
Việc sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm bí mật Nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân.
Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chỉ được sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc giải quyết thủ tục hành chính.
Vậy, khi cơ sở dữ liệu dân cư được chia sẻ rộng rãi mà bất kì ai cũng có thể tra cứu được thì có còn là bảo đảm bí mật nữa hay không?
Nếu suy nghĩ đơn giản cơ sở dữ liệu được chia sẻ chỉ là thông tin cơ bản trong chứng minh thư chứ không phải là thông tin cá nhân thì chứng minh thư không thuộc thông tin cá nhân thì là cái gì?
Kể cả chứng minh thư chỉ bao gồm nội dung cơ bản về họ tên, ngày tháng năm sinh, hộ khẩu đăng kí thường trú nhưng không phải ai cũng muốn người khác biết được thông tin này của mình và họ cho rằng đó là hành vi xâm phạm thông tin cá nhân”.
Theo quan điểm cá nhân của Luật sư Hùng, “Việc chia sẻ dữ liệu dân cư một cách công khai là không hợp lí, ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của công dân.
Sơ hở này sẽ làm cho đời sống cá nhân bị ảnh hưởng vì hiện nay không ít người đã bị quấy nhiễu bởi các cuộc gọi điện thoại chào mời, bảo hiểm, tập thể hình…
Thêm vào đó, một khi các dữ liệu về nơi thường trú, chỗ ở hiện tại được chia sẻ rộng rãi thì ai sẽ bảo đảm người dân sẽ được bảo vệ?
Do đó, cần phải cân nhắc và hoàn thiện khung pháp lý chuẩn về chia sẽ dữ liệu quốc gia trước khi triển khai dự án”.
Cuối cùng Luật sư Hùng cho rằng: “Phải lấy ý kiến của người dân, phải để cho người dân thấy được thông tin cá nhân được số hóa nhưng vẫn được đảm bảo an toàn, và lợi ích của việc chia sẽ dữ liệu cá nhân mang lại cho chính cá nhân họ.
Khi có được sự đồng thuận của người dân thì dự án mới được đảm bảo thực hiện và phát triển mang lại lợi ích cho xã hội”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia pháp lý – xin giấu tên cho rằng, thông tin cá nhân của người dân là bí mật đời tư.
Cụ thể, Điều 21 Hiến pháp 2013  quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. 
Điều 387 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết;
Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác”.
Do đó, nếu đem thi giá dịch vụ dữ liệu dân cư đòi hỏi phải đảm bảo được bảo vệ bí mật cá nhân và phải quản lý được bên mua không sử dụng vào mục đích khác. Muốn làm được điều này, cần thiết phải có các quy định pháp lý chặt chẽ.
Trinh PhúC
GIỚI HẠN CỦA ... AN TOÀN THÔNG TIN CÁ NHÂN
NGUYÊN LÊ/ TBKTSG 5-7-2018
(TBKTSG) - Chuyện thành phố Hà Nội vừa đề xuất Chính phủ cho thí điểm thu phí cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác đang “nóng” trên các mặt báo, mạng xã hội, diễn đàn thảo luận chính sách.
Lần ngược thời gian, có thể thấy vấn đề cung cấp và thu phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư... không mới. Từ tháng 10-2017, Bộ Tài chính đã dự thảo thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLQG về dân cư; trong đó quy định cụ thể mức phí “khai thác dữ liệu chi tiết dân cư” là “800 đồng/01 thông tin về công dân” (hiện nay, theo Luật Căn cước công dân, có 15 thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào CSDLQG về dân cư). Bộ Tài chính cũng đã công bố nội dung trên Cổng thông tin điện tử của mình để lấy ý kiến đóng góp. Đến nay, thông tư này chưa được ban hành. Cơ sở pháp lý của dự thảo thông tư nêu trên là Nghị định 137/2015 về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân (có hiệu lực từ năm 2016).
Từ trước khi có Luật Căn cước công dân, Nghị định 90/2010 quy định về CSDLQG về dân cư cũng cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về dân cư (không phải thông tin của mình) nhằm “phục vụ những mục đích chính đáng của mình” và phải nộp lệ phí.
Người dân đang lo ngại đề xuất của thành phố Hà Nội sẽ xâm phạm “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình” - những đối tượng được Hiến pháp, Bộ luật Dân sự bảo vệ. Nhiều người viện dẫn những luật khác, như Luật An toàn thông tin mạng cấm hành vi “thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác”, Bộ luật Hình sự quy định “hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin” là... tội phạm.
Theo Luật Tiếp cận thông tin (có hiệu lực thi hành vào đầu tháng này), cơ quan quản lý nhà nước chỉ được cung cấp thông tin về “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” trong trường hợp “cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng”, ngoài ra thì việc cung cấp những thông tin này là “có điều kiện” - phải được sự đồng ý của chủ thông tin.
Vấn đề pháp lý đặt ra là 15 thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào CSDLQG về dân cư nói trên có phải là “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình” theo Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Tiếp cận thông tin hay không? “Thông tin cá nhân” theo Luật An toàn thông tin mạng là gì, “thông tin riêng” theo Bộ luật Hình sự là gì? Làm sao để đảm bảo được rằng trong khi các cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư cung cấp thông tin cho bên thứ ba thì họ vẫn hoàn thành được trách nhiệm quy định trong Luật Căn cước công dân là “bảo đảm an toàn, bí mật thông tin trong CSDLQG về dân cư” hay trách nhiệm quy định trong Nghị định 137/2015 là “việc sử dụng thông tin về công dân trong CSDLQG về dân cư phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân”. Lưu ý rằng một khi Luật Căn cước công dân và Nghị định 137/2015 hướng dẫn luật này quy định như vậy thì đã có hàm ý rằng việc khai thác các thông tin đó có... nguy cơ xâm phạm đến các loại bí mật phải được bảo vệ nói trên.
Ranh giới giữa việc khai thác thông tin về công dân một cách hợp pháp và bất hợp pháp ở đâu? Phải chăng là ở chỗ người ta có nộp phí cho Nhà nước hay không? Cơ sở nào để cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư “cho phép” hay “từ chối” cung cấp thông tin về công dân, trong khi Nghị định 137/2015 chỉ nêu hai khả năng này mà không giải thích gì thêm? Hoặc giả như vẫn thực hiện theo Nghị định 90/2010 (đã hết hiệu lực) thì làm sao để xác định và kiểm soát được việc yêu cầu cung cấp thông tin là để “phục vụ những mục đích chính đáng của mình”?
Bước ra khỏi những thắc mắc, tranh luận về mặt pháp lý, chúng ta sẽ đối diện với một vấn đề thực tế nhức nhối là bất kể ngày đêm, nhiều người bị quấy rối bởi các cuộc điện thoại, tin nhắn, e-mail quảng cáo dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, taxi, giáo dục, y tế... mà trong nhiều trường hợp thông tin bản thân bị tiết lộ không chỉ là tên tuổi, số điện thoại, hình ảnh, mà cả các mối quan hệ gia đình.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Internet, viễn thông, thông tin cá nhân đang được khai thác ngày càng nhiều cho mục đích kinh doanh, tìm kiếm khách hàng, bất chấp ý chí của người sở hữu thông tin. Đòi hỏi của người dân, rằng cơ quan quản lý nhà nước phải điều tra, xử lý hoạt động mua bán thông tin bất hợp pháp đang như sỏi ném ao bèo...
Đặt vấn đề này trong bối cảnh đề xuất nói trên của thành phố Hà Nội để thấy rằng luật dù quy định ra sao, được áp dụng thế nào đi nữa thì cũng không thể thoát ra ngoài thực tế bức xúc xã hội hiện nay về an toàn thông tin cá nhân. Có thể báo chí đã không tường thuật đầy đủ những ý tưởng tốt đẹp về khả năng dùng chung dữ liệu dân cư mà Chủ tịch thành phố Hà Nội chia sẻ khi nêu ra đề xuất nói trên. Hiện thực hóa những ý tưởng đó, trong khi đảm bảo phòng ngừa được nguy cơ tác động tiêu cực là điều không dễ nhưng cũng cần bắt tay vào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét