Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

20180530. HẬU QUẢ XẤU CỦA ĐIỀU 62 LUẬT ĐẤT ĐAI VỚI AN NINH QUỐC PHÒNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐIỀU 62 LUẬT ĐẤT ĐAI, TẬP ĐOÀN FLC VÀ NGUY CƠ MẤT NƯỚC !

HOÀNG HẢI VÂN/ FB HHV/ BVN 29-5-2018

clip_image002
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC. Ảnh: internet
Quốc hội Mỹ đã từng chặn một thương vụ Trung Quốc thâu tóm một cảng biển của Mỹ. Trong hồi ký của mình, cựu Chủ tịch FED Greenspan không tán thành việc ngăn cản trên, ông cho rằng làm như vậy là không cần thiết và có thể hạn chế tự do thương mại. Giữa Trung Quốc với Mỹ không có tranh chấp lãnh thổ, dù cho điều gì xảy ra thì Trung Quốc cũng không thể sử dụng phương tiện của họ trên đất Mỹ để gây hại cho an ninh quốc gia của Mỹ, nên có lẽ các chính trị gia Mỹ đã lo quá xa. Nhưng sự lo xa của họ không phải là không có lý do khi nhìn thấy Trung Quốc thâu tóm đất đai khắp nơi trên thế giới.
Nước Mỹ còn lo xa như thế, còn nước ta thì sao? Việt Nam và Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ, nói trắng ra là Trung Quốc đang chiếm Hoàng Sa, một phần Trường Sa của Việt Nam và đang tiếp tục đe dọa chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Vì vậy, nước ta không những phải lo xa mà còn lo gần, vì nguy cơ mất đất mất biển đang hiện hữu.
Nỗi lo đó không phải thể hiện ở việc “vô cùng quan ngại” hay “cực lực lên án”, mà ở chiến lược phòng thủ và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đa phương hóa vấn đề Biển Đông, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc là một chuyện, nhưng chuyện quan trọng nhất là khả năng tự vệ, không những đối với thế hệ này mà phải bảo đảm khả năng tự vệ dài lâu cho con cháu, đến khi nào thế giới đại đồng thành một ngôi nhà hòa bình mới không còn nỗi lo đó nữa, nhưng chẳng bao giờ có một thế giới như vậy đâu.
Tôi không biết các nhà lãnh đạo đất nước và các nhà lãnh đạo quân sự chiến lược nước ta nghĩ gì khi nhìn thấy đất đai khu vực dọc bờ biển từ Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ, cả những vị trí phòng thủ chiến lược trọng yếu, đã và đang đẩy dân đi để giao cho doanh nghiệp làm dự án kinh tế mà không hề có một động thái gì cho thấy việc triển khai các dự án kia nằm ngoài vành đai phòng thủ chiến lược bờ biển quốc gia. Những địa điểm phòng thủ quan trọng nhất trên bờ biển Đà Nẵng thực sự đã bị các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm giữ. Còn các nơi khác thì như thế nào?
Xin dẫn trường hợp của FLC. Người ta không thể nào hình dung nổi tập đoàn bất động sản mới nổi này lấy tiền đâu mà chỉ trong một thời gian cực ngắn đã thâu tóm một diện tích đất đai khổng lồ dọc bờ biển từ Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ (chưa kể đất đai ở Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh khác). Thâu tóm thần tốc, thi công thần tốc, đó là những gì người ta nhìn thấy, kéo theo đó là những “công văn hỏa tốc” của chính quyền địa phương (như trường hợp của Quảng Ngãi) phục vụ cho sự “thần tốc” này. Tôi chưa nói đến những vi phạm pháp luật, chưa nói đến tình trạng dân oan ca thán khắp nơi xung quanh việc thu hồi đất, bài này chỉ giả định mọi thứ họ làm là hợp pháp.
Bạn hãy hình dung: FLC là một công ty đại chúng niêm yết trên thị trường chứng khoán. Dù công ty này chưa nằm trong số các công ty được mở room 100% cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng tại một cuộc hội thảo diễn ra ở Nhật vào năm ngoái, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tuyên bố, ngoài việc bán cổ phần, “FLC có thể chuyển nhượng cả dự án cho nhà đầu tư nước ngoài” (tinnhanhchungkhoan.vn, 7-9-2017). Nếu như các dự án của FLC được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư Trung Quốc thì điều gì sẽ xảy ra? Trung Quốc, thông qua các doanh nghiệp của họ, sẽ khống chế toàn bộ bờ biển Việt Nam. Họ có thể ém quân, đưa vũ khí khí tài, tổ chức các hoạt động thu thập thông tin tình báo và bí mật huấn luyện quân sự tại những cơ sở của họ dọc theo bờ biển của ta, nếu như họ có ý đồ – mà chắc chắn là chúng có ý đồ chứ còn “nếu như” gì nữa (BVN chú). Và nếu như Trung Quốc ngang nhiên sử dụng vũ lực để uy hiếp chủ quyền của ta trên Biển Đông, đương nhiên chúng ta phải dùng vũ lực để đáp trả nhằm bảo vệ chủ quyền, khi ấy chiến tranh có thể lan rộng, Trung Quốc có thể đem hải quân tấn công vào bờ biển của ta với sự tiếp ứng của lực lượng tại chỗ trên bờ biển của ta mà họ chuẩn bị sẵn. Chúng ta sẽ dựa vào đâu để phòng thủ?
Khi ấy, nước sẽ mất. Chúng ta sẽ rút lên rừng, mà rừng thì nhiều nơi Trung Quốc cũng chiếm giữ theo một cách tương tự. Chúng ta sẽ sống trong nô lệ và sẽ âm thầm truy ra nguyên nhân sâu xa của tình trạng mất nước chính là Điều 62 của Luật Đất đai cho phép chính quyền địa phương thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp để doanh nghiệp giao lại cho doanh nghiệp Trung Quốc khi ấy đã thành giặc. Và khi ấy, những người xây dựng và duy trì điều luật này, có thể sẽ tiếp tục làm quan cho Trung Quốc hoặc đã đủ tiền để chạy ra nước ngoài.
Kịch bản trên có thể xảy ra không? Không gì là không thể.
Cách đây mấy ngày, cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cùng ông Trịnh Văn Quyết đi khảo sát để chuẩn bị giao cho FLC 1000 ha khu vực bãi biển Cửa Việt của tỉnh này. Đây là thông tin mới nhất của quá trình thâu tóm thần tốc. Tại đây FLC dự kiến ngoài khu resort, sân golf, còn xây dựng một sân bay. Có khả năng Tập đoàn này sẽ lấp kín các bờ biển mà doanh nghiệp khác chưa chiếm cứ.
Điều 62 Luật Đất đai với quy định cho phép chính quyền địa phương lấy đất của dân giao cho các doanh nghiệp làm dự án, ngoài những tác hại như tôi đã nói ở các bài trước, còn có thể dẫn đến nguy cơ mất nước. Trước mắt, điều khoản này đang biến một số chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp huyện từ công cụ phục vụ lợi ích của nhân dân thành công cụ của doanh nghiệp. Và không chỉ có mỗi một FLC.
Điều nguy hiểm là, đã là luật rồi thì chính quyền địa phương cứ thế thi hành, không ai cản được. Cho dù Tổng Bí thư hay Thủ tướng có nhìn thấy nguy cơ cũng bó tay, nếu điều luật này không được sửa.
H.H.V.
Nguồn: FB Hoàng Hải Vân

NGHĨ VỀ CÁC ĐẶC KHU ĐANG ĐƯỢC QUỐC HỘI XEM XÉT
 Nguyễn Trung Dân/ BVN 29/5/2018
Để chiến thắng và chiếm đóng nước Việt dễ dàng nhất là bằng con đường đầu tư, mua góp, thâu tóm đất đai mà hiện nay ở nhiều nơi tại Việt Nam, Trung Quốc đã tiến hành rất thành công. Rẻ và hiệu quả hơn chiến tranh mà Trung Quốc vẫn lăm le tiến hành! Lòng tham của người Việt, nhất là các quan chức Việt Nam đã tạo rất nhiều cơ hội cho Trung Quốc mua đất, đầu tư nhưng tạo thành những ĐẶC KHU dành riêng, mà người Việt, thậm chí quan chức Việt khó bước được vào bên trong, đừng nói đến kiểm tra, xem xét!
Ngày anh Bá Thanh (Đà Nẵng) còn sống làm Chủ tịch Đà Nẵng, có lần sau khi tìm hiểu việc xây dựng của Khách sạn Crown đầu tư trên bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng (ban đầu còn dùng nhân công Việt), tôi báo động cho Bá Thanh biết họ đang xây những gì không hiểu được. Sau đó tôi biết nhiều cơ quan chức năng không thể vào đó để kiểm tra và đến nay vẫn vậy!
Hơn nữa khi bắt đầu đổi mới (1986) nền kinh tế chúng ta cần những thí điểm làm mẫu, mô hình đặc khu tạo những ưu đãi đặc biệt, có thể cần thiết, hữu dụng. Nhưng khi kinh tế chúng ta đã khá phát triển, đã có Luật pháp tương đối hoàn chỉnh và mọi doanh nghiệp Đà Nẵng đều bình đẳng trong làm ăn và trước pháp luật, thì những ưu đãi dành riêng cho các đặc khu là không cần thiết mà sẽ gây nên những bất công, thiếu bình đẳng tạo điều kiện cho loại TƯ BẢN THÂN HỮU dễ dàng phát triển đối với mô hình này.
Vì vậy, việc làm Luật riêng cho 3 Đặc Khu mà Quốc Hội đang bàn thảo cần được xem xét dưới khía cạnh này để không tạo những cơ hội dễ dàng cho sự bành trướng, xâm chiếm của Trung Quốc mà họ đã lộ rõ trong các tuyên bố trên biển Đông, chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và bây giờ là đất đai dọc biển đất nước đang bị người Trung Quốc thâu tóm dần.
Hãy làm cuộc tổng kiểm kê đất đai dọc biển và những vùng quan trọng nhạy cảm của đất nước, để biết chúng ta đang đứng trước nguy cơ như thế nào!
N.T.D.
Nguồn: FB Nguyễn Trung Dân

SAU 'ÁO LƯỠI BÒ' SẼ LÀ GÌ ?

PHẠM CHÍ DŨNG/NV/ BVN 29-5-2018

clip_image002
Du khách Trung Quốc cố tình mặc áo in hình “lưỡi bò” nhập cảnh vào Việt Nam tại phi trường Cam Ranh hôm 13 tháng Năm, 2018. (Hình: Facebook)
Từ sau thời “ngàn năm Bắc thuộc”, xã hội và lãnh thổ Việt Nam chưa bao giờ cận kề với nguy cơ bị Hán hóa như giờ đây.
Phép thử mới nhất mà Bắc Kinh tung ra, xem ra đã thành công bước đầu: “áo lưỡi bò”.
Cơ thể chính trị bại xụi
Ngày 13 tháng Năm, 2018, 14 du khách Trung Quốc – được chuẩn bị như một hành vi tập thể, có tổ chức – đã đồng loạt cởi áo ngoài để lộ hẳn áo thun nổi bật hình “đường lưỡi bò” ngay tại sân bay Cam Ranh – một vị trí nằm trọn trong tầm ngắm của giàn tên lửa của Trung Quốc đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Trong khi đó, nhiều tàu cá Việt Nam vẫn bị tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc tấn công, đâm chìm, còn ngư dân Việt bị hành hung và bị hất xuống biển.
Không chỉ đặt tên lửa, Trung Quốc còn tiến thêm một bước dài khi mang cả máy bay quân sự ra đảo Đá Subi ở quần đảo Trường Sa.
Đến lúc này, tình thế đã trở nên bi kịch hơn hẳn: không những các giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa đã chẳng thể khiến Trung Quốc hoảng sợ, mà cả sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson ở Đà Nẵng vào đầu tháng Ba, 2018 (theo lời “cầu viện” chính thức của Bộ Quốc phòng Việt Nam) cũng chẳng mấy có tác dụng răn đe Trung Quốc.
Sau bi kịch quân sự là bi kịch xã hội. Phép thử chiến thuật “áo lưỡi bò” mang tính thách thức của giới chuyên gia tâm lý chiến Bắc Kinh đã khiến cho toàn bộ bộ máy đảng cầm quyền, chính quyền và chính sách “Ba không” của Việt Nam hầu như tê liệt.
Trong suốt hai tuần lễ từ ngày 13 Tháng Năm đến nay, đã không có bất kỳ một phản ứng ra hồn ra vía nào từ phía các cơ quan chức năng được xem là “có trách nhiệm” của Việt Nam. Trong khi Phó giám đốc công an tỉnh Khánh Hòa nói như vớt vát “Chúng tôi phải điều tra, khi đấy mới có đủ cơ sở kết luận để có hướng xử lý”, thì cơ chế “phản ứng nhanh” đã được thể hiện thành văn bản giữa Tổng cục Du lịch, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an đã trở thành một cơ thể bại xụi.
Sau những cuộc họp liên ngành và chắc chắn vụ áo “lưỡi bò” đã được báo cáo cho thường trực Ban Bí Thư và Bộ Chính Trị, vẫn không có bất kỳ cơ quan nào dám chịu trách nhiệm để thực thi một động tác cảnh cáo nào, càng không xử lý du khách Trung Quốc, thậm chí còn không dám công khai nêu ra bất kỳ một đề xuất nào để xử lý vụ việc tưởng nhỏ nhưng đã lộ rõ nguy cơ mất nước này.
Cụm từ “cả hệ thống chính trị vào cuộc” mà giới quan chức từ cao cấp lan xuống cấp dưới của Việt Nam ưa khoa trương đã biến sạch khỏi đầu môi chót lưỡi. Thay vào đó là hình ảnh “trùm mền” và đùn đẩy trách nhiệm chính trị giữa các cơ quan.
Sau vụ khiêu khích công khai của các du khách Trung Quốc, điều rất dễ hình dung là các cơ quan như chính quyền Khánh Hòa, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Du lịch đã quyết liệt… họp. Nhưng cũng hệt như rất nhiều cuộc họp thậm chí được tổ chức ở cấp Bộ Chính trị khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao thẳng vào vùng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông như chốn không người vào thời gian từ tháng Năm đến tháng Bảy năm 2014, đã chẳng có nổi một giải pháp, càng không có lấy một hành động ra hồn nào được thực hiện.
“Giải pháp” duy nhất để xử lý vụ khủng hoảng trên té ra lại là “Không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đại cục” – thuộc về Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn – một quan chức mà ngay sau phát ngôn này đã bị mạng xã hội phản ứng dữ dội và thái độ của Nguyễn Văn Tuấn bị lên án là không khác gì sự chuẩn bị cho hành vi bán nước.
Chỉ giỏi ‘hèn với giặc, ác với dân’
Rốt cuộc, bạc nhược và hèn yếu vẫn là đặc trưng lớn nhất của một chế độ luôn tuyên rao “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”, thêm một lần nữa minh chứng cho cái hiện thực khốn quẫn về chính quyền Việt Nam chỉ giỏi “hèn với giặc, ác với dân”.
Cho tới nay, tất cả những biểu thị và những cuộc xuống đường của người dân yêu nước phản đối “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vẫn bị chính quyền và công an Việt Nam cấm đoán quyết liệt. Trong lúc rất nhiều cảnh sát mất dạng khi xảy ra những vụ cướp bóc mà phải để giới hiệp sĩ đường phố ra tay và chết thế mạng, người ta lại quá dễ chứng kiến đàn đàn công an sắc phục và thường phục nhảy xổ vào những người biểu tình phản đối Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt vào bất kỳ khi nào có một cuộc xuống đường hay chỉ là một cuộc biểu thị nhỏ.
Trong khi đó, quan hệ Việt - Trung đang “cải thiện” thấy rõ. Nếu trước đây, tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc chỉ dừng ở mức độ áp sát, ngăn cản, hoặc tấn công đánh đập ngư dân Việt, húc lật thuyền Việt… chứ không trực tiếp bắn thẳng vào ngư dân Việt, thì gần đây hành vi “đám người lạ” nhảy thẳng sang tàu cá Việt Nam để bắn chết ngư dân là chưa từng thấy. Vụ ngư dân Trương Đình Bảy bị “tàu lạ” dùng súng AK bắn chết vào tháng Mười Một, 2015 là một minh chứng quá đau đớn.
Vào năm 2017, Quảng Ngãi là địa phương phải chịu áp lực gây hấn nặng nề nhất. Rất nhiều tàu cá và ngư dân Việt đã bị một số lực lượng của Trung Quốc tấn công, trong đó ba tàu cá bị tông va, đập phá dẫn đến chìm.
Các vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt và bắn giết ngư dân Việt đột ngột tăng mạnh kể từ tháng Bảy năm 2017 – thời điểm Việt Nam đưa giàn khoan Repsol – liên doanh với Tây Ban Nha – ra khu vực Bãi Tư Chính để khoan thăm dò dầu khí, cho đến nay.
Thái độ bị xem là quá phụ thuộc và quá ươn hèn của chính thể Việt Nam đã “di truyền” từ quá khứ đến tận hiện tại, khi cả Chính phủ lẫn các bộ ngành liên quan của Việt Nam tuyệt đối “cấm khẩu” trước hàng loạt tàu cá Việt bị “tàu lạ” đâm chìm, còn ngư dân Việt tiếp tục bị người Trung Quốc bắn giết.
Trong mối quan hệ với Hải Quân Hoa Kỳ, có một sự thật trần trụi và đau đớn là giới chóp bu Việt Nam đã chỉ quan tâm đến việc bảo vệ những mỏ dầu và khí đốt phục vụ cho lợi ích cùng sự tồn tại của đảng cầm quyền, trong khi chẳng hề quan tâm đến nhiều cái chết của ngư dân Việt bị bắn giết bởi tàu Trung Quốc.
Hiện rõ mất nước!
Hình ảnh “đường lưỡi bò” lại xuất hiện ở Việt Nam gần như trùng với một sự kiện được xem là “nhục quốc thể”: vào tháng Tư năm 2018, công ty khai thác dầu khí Repsol của Tây Ban Nha – liên doanh với Vietsopetro của Việt Nam – đã lần thứ hai trong vòng 9 tháng phải cắm mặt rút khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính phía Đông Nam Việt Nam. Nguồn cơn của vụ rút lui này, dù không hề được giới tuyên giáo và báo đảng Việt Nam thông tin, nhưng ai cũng biết đó là do sức ép và đe dọa của Trung Quốc.
Với bản đồ mới nhất được Bắc Kinh tự vẽ, “đường lưỡi bò” liếm qua đến 67 lô dầu khí, tức gần như toàn bộ các vùng biển có trữ lượng dầu khí mà Việt Nam đã hợp tác với Tây Ban Nha để khai thác, và đang định hợp tác với những công ty dầu khí của Mỹ và Nga để khai thác.
Nhưng “nhục quốc thể” không chỉ bởi vụ chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” trước Trung Quốc khi muối mặt yêu cầu Repsol rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ vào tháng Bảy năm 2017 và tháng Tư năm 2018, mà còn là nỗi nhục không còn đất để chui trong phát ngôn “bán nước” của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: “Không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đại cục”.
Cuộc chiến không cần tiếng súng của Trung Quốc đã bắt đầu từ lâu và đang khởi động một giai đoạn mới. Từ nhiều năm qua, xã hội và toàn bộ thể chế đảng kèm Chính phủ ở Việt Nam đã buộc phải quen với tình trạng thương lái Trung Quốc tung hoành ở khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long khi họ tìm cách vơ vét đến cả lá điều khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim, rễ hồi, lá khoai mì, lá khoai lang và cả… đỉa.
Cũng hàng chục năm qua, lớp nông dân Việt Nam nhẹ dạ luôn lao từ nỗi bấn loạn này sang cơn điêu đứng khác khi phải chặt bỏ những cây nông nghiệp chính và lâm vào cảnh bị ngân hàng xiết nợ.
Nhưng khi thương lái Trung Quốc “xù” hợp đồng cũng là lúc nông dân lẫn ngư dân Việt Nam rơi vào cảnh điêu đứng vì nợ vay ngân hàng và sản phẩm không tiêu thụ được.
Đó là cuộc chiến và những thủ đoạn chiến tranh kinh tế của Trung Quốc.
Còn với chiến thuật áo “lưỡi bò,” hẳn là Bắc Kinh đã tính toán lấn từng bước và tự tạo hình ảnh “đường lưỡi bò” ngay trên lãnh thổ Việt Nam, ngay trước mũi các cơ quan bị xem là “cực kỳ vô trách nhiệm” của Việt Nam, và lâu dần sẽ khiến hình ảnh này trở nên bình thường hóa trong nhận thức và tâm lý của người dân, và khi đó sẽ là thành công của chủ trương “Hán hóa Việt Nam”.
Được “nội gián” bởi không ít quan chức của chế độ CSVN, có thể chẳng bao lâu nữa Bắc Kinh sẽ hoàn tất kế hoạch Hán hóa Việt Nam. Trạng thái vô cảm, cấm khẩu và có thể cả tê dại vì sợ hãi của các cơ quan “có trách nhiệm” ở Việt Nam sẽ là một nhân tố tích cực để xúc tác cho một phong trào du khách Trung Quốc, và cả một số người Hoa sinh sống ở Việt Nam, phô diễn “áo lưỡi bò,” cùng những hình ảnh và hành động biểu thị chủ quyền Trung Quốc trong vùng chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, trong không bao lâu nữa.
Việt Nam, một đất nước vô luật.
Để đến lúc đó, thêm một lần nữa, trong rất nhiều lần của lịch sử “bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước”, nước Việt khốn khổ này bị đẩy vào nhà tù Bắc thuộc.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN

NỖI LO VỀ 3 ĐẶC KHU

ÁNH LIÊN/ VNTB/ 29-5-2018

Mong muốn các đặc khu ra đời và hỗ trợ cho nền kinh tế Việt nam vượt qua các giai đoạn khó khăn cũng như tiến tới cái gọi là ‘cất cánh’ là mong muốn của nhiều người. Nhưng bên cạnh mong muốn và kỳ vọng, thì cũng tồn tại nỗi lo lắng không khác gì nỗi lo của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.
“Không ai muốn có thêm nhiều 'củi' sau khi đặc khu ra đời!”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho biết sau khi nghe báo cáo dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc vào ngày 23.05.
Nỗi lo của ông đại biểu bao gồm 9 điểm; theo đó là có sự nôn nóng, chạy theo thành tích thông qua việc các đặc khu hiện tại chỉ chú trọng 'ưu đãi về thuế thuê đất, mặt nước'; Luật đặc khu vẫn chưa thiết kế điều cấm với Hiến pháp và nguyên tắc cơ bản của pháp luật; chưa quy định rõ việc đầu tư có sử dụng và khai thác tài nguyên biển - nước phải tuân theo Luật Biên giới, Luật biển và Luật Tài nguyên nước; thời hạn giao đất quá dài lên đến 99 năm; chưa tính đến cái lợi và hại của việc mở casino; chưa chú trọng đến quy trình rà soát với nhà đầu tư chiến lược trong khi ưu đãi lớn, quyền hạn lớn.
Nỗi lo 9 điểm nêu trên phản ảnh về nỗi lo ‘đi tắt đón đầu’, chỉ thấy lợi ích trước mắt của đặc khu đem lại nguồn ngân sách cho tỉnh/quốc gia mà tìm mọi giá để thực thi, trong khi tính rủi ro về ưu đãi chưa tính đến; sự chồng chéo về luật đặc khu với các văn bản luật khác chưa tính đến. Nếu hiểu một cách toàn diện thì đặc khu hiện nay chỉ đem lại lợi ích lớn nhất cho các nhà đầu tư và đầu tư, cũng như tiềm ẩn những mối nguy hại về an ninh quốc phòng, bởi mọi yếu tố và phương án rủi ro chỉ dừng ở mức ‘sơ khai’.

clip_image002
Các đặc khu kinh tế đang trở thành sân chơi của giới đầu cơ đất?

Nhiều Facebooker cũng bày tỏ nỗi lo về tính ưu đãi của 3 đặc khu này, nhất là mảng cho thuê đất, và ví von 99 năm không khác gì một hình thức ‘nhượng địa’ mà Trung Quốc từng áp dụng đối với Hồng Kông thời kỳ thực dân Anh. Và nếu như thế, đặc khu vô tình trở thành tiền đồn để phá hoại an ninh quốc phòng, an ninh kinh tế của các thế lực thù địch thực sự đối với Việt nam. Nguy cơ này càng cao khi nền pháp quyền Việt nam còn yếu kém, soạn thảo - ban hành luật cho đến thực thi và giám sát còn chưa vững. Ai có thể dám khẳng định rồi đây, Phú Quốc – một trong những đặc khu kinh tế – không trở thành kiểu mẫu của ‘một quốc gia, hai chế độ’ tức từ ‘đặc khu kinh tế’ chuyển thành ‘đặc khu hành chính’; là bán đảo Crimea một thời bị chia tách khỏi nước Nga mặc dù hiện tại, từ chính sách và quy hoạch đều do T.Ư quyết?
Ở một khía cạnh khác, có thực 3 đặc khu sẽ là nơi thu hút đầu tư và sinh lợi hay đơn thuần đây chỉ là một vụ buôn bán đất lớn ở tầm quốc gia. Trước đó, không phương tiện truyền thông đại chúng nào phản ánh về tình trạng cò đất, sốt đất cũng như chuyển quyền sử dụng đất không hợp pháp tại ba đặc khu này; một số tập đoàn kinh tế tư nhân cũng nhảy vào và chiếm lấy đất vàng; cũng như sự buông lỏng quản lý đất đai trên địa bàn đặc khu (mà báo Tiền phong mới đây đã phải phản ảnh rằng, lập dự án 'ma' trên đất nông nghiệp, loạn phân lô bán nền, mua bán trái phép đất rừng, nhiều công trình dự án đã không tuân thủ qui hoạch, nhiều vùng biển đã bị bao chiếm trở thành “vùng cấm” của các nhà đầu tư,... đã băm nát đảo Ngọc trước khi trở thành đặc khu). Trong khi đó, dư luận nổi sóng vụ một số cán bộ, công chức, viên chức phòng ban ở huyện đảo Phú Quốc bỏ việc đi làm cò đất.
Đó chưa kể trình độ của các vị ĐBQH về đọc luật và thông qua luật hiện nay là khá hạn chế, không ai có thể tin tưởng được việc duyệt Luật đặc khu – vốn là nền móng quản lý kinh tế đặc khu – khi mà các vị ĐBQH từng có tỳ vết thông qua các văn bản pháp luật với nhiều lỗi sai sót nghiêm trọng, mà gần nhất đây là Bộ Luật hình sự tồn tại những sai sót khó có thể chấp nhận khi được thông qua. Do đó, nó không đơn thuần như cách nói của ông TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, người từng cho rằng không nên ‘lo sợ nhiều’ về Luật đặc khu, bởi, ‘Cứ lật qua lật lại, lo sợ nhiều quá thì không làm được đâu’.
Tính thiếu quản lý hành chính từ đầu và sự vội vã trong hình thành đặc khu khiến tính rủi ro trong phát triển đặc khu ngày càng cao đến mức, không ai sẽ đảm bảo các đặc khu này sẽ thành công. Rủi ro tiếp tục tăng cao, khi các đặc khu được ví như một ván bạc trong khi bản thân tiềm lực tài chính Việt nam hoàn toàn không dồi dào, và cơ sở pháp lý như ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu lên là còn ở giai đoạn ‘sơ khai’. Việc tiến hành cùng lúc 3 đặc khu với xuất phát điểm như nhau dù mang tính sống còn cho nền kinh tế, nhưng lần này cũng sẽ không còn ‘sợi kinh nghiệm’ nào để rút khi nó đổ bể hàng loạt và 1,5 triệu tỷ đồng (Việt Nam) sẽ trôi ra sông, ra biển và hàng loạt các hệ lụy khác nhau sẽ nảy sinh?
Câu chuyện đặc khu không khác gì những đề án liên quan đến hình thành Chaebol tại Việt Nam thời ông Nguyễn Tấn Dũng, cũng với tư duy ‘nhanh, mạnh’ nhưng lại thiếu vững chắc, trong khi nguồn tài chính quốc gia lúc đó không khó khăn như bây giờ, nhưng đề án Chaebol đó đã đổ bể, và trong gần 10 năm, nền kinh tế Việt Nam bị tổn thương cực kỳ mạnh mẽ.
Câu chuyện ‘nóng lòng’ khi hoạch định chính sách cũng đã từng hiện diện không ít trong quá khứ, ở cấp quốc gia là Chaebol, ở cấp vùng miền là sự ‘dày đặc cảng biển, khu kinh tế, sân bay’ nhưng kinh tế không cất cánh được.
Còn ‘củi’, không có ai cả, trách nhiệm toàn dân; 3 đặc khu với 99 năm lại càng không thể có củi để đốt, vì quá lớn và quá lâu.
Liệu nên chăng các vị trí thức phải lên tiếng và gióng hồi chuông cảnh báo các vị ĐBQH hãy đặt cả tâm thế của người dân nước Việt, tâm thế của sự sinh tồn của giống nòi Việt nam, tâm thế của một thời cha ông đổ máu xương đi mở đất mà hãy dừng bấm khi chưa sẵn sàng. Và liệu cần thiết cho một trưng cầu ý dân về vấn đề này?
Xưa có 9 điều bi ai của dân tộc, nay liệu có nỗi lo 9 điểm có phải là dự báo về sự tồn vong của dân tộc Việt?
A.L.
VNTB gửi BVN

1 nhận xét:

  1. trao đổi với luật sư chưa bao giờ dễ dàng hơn với iura app ứng dụng cho luật hót nhất hiện nay
    chi tiết tại https://iura.vn/tai-ung-dung/

    Trả lờiXóa