Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được chọn là đích nhắm cho bộ luật có tính đột phá về cơ chế, thể chế này.
Bà Phạm Chi Lan có nhận định phản biện rất hay về dự luật và địa điểm chọn lựa làm ĐKKT này. Bà cho rằng thời đại 4.0 thì ĐKKT phải là ĐKKT 4.0 mà công nghệ thông tin, tự động hoá là cốt lõi. Vậy thì Khu Hoà Lạc, Hà Nội và TP. HCM là nơi thích hợp chọn làm ĐKKT 4.0 nhất. Ở đây ưu tiên mọi ưu tiên là thể chế tiến bộ mà các nước phát triển trên thế giới đang áp dụng.
Tôi cho rằng để làm ĐKKT công nghệ 4.0 thì thực tiễn nhất về điều kiện nguồn nhân lực không đâu hơn Sài Gòn và Hà Nội như ý của bà Phạm Chi Lan.
Đây là khác về ĐKKT chung.
Yếu tố hấp dẫn thu hút đầu tư bền vững và hiệu quả cho một ĐKKT ngoài yếu tố thể chế, nền tảng hạ tầng, nhân lực, ưu đãi thuế, dịch vụ mà trên thế giới đang áp dụng, VN chắc chắn áp dụng thể hiện bằng luật thì yếu tố quyết định cạnh tranh mà ít nơi nào có đó là Không gian Văn hoá và cảnh quan thiên nhiên ở nước ta.
Khi chọn Phú Quốc ĐKKT, chúng ta có ưu thế cảnh quan hấp dẫn vùng biển đẹp của đất nước. Nhưng nơi đó giá đất quá cao, quỹ đất quá ít và bị chiếm dụng theo hình thái băm thịt. Phú Quốc nên là ĐKKT chuyên về du lịch với các ưu đãi về thể chế, visa là đủ.
Thể chế ở đây là mô hình quản lý theo mô hình tập đoàn kinh tế không theo mô hình địa phương. Cả Phú Quốc được quản lý bởi một Hội đồng Quản trị trực thuộc thủ tướng chứ không phải mô hình huyện uỷ, bộ tứ dưới sự lãnh đạo của tỉnh uỷ và bị chi phối bởi các bộ, các ban ngành trung ương.
ĐKKT du lịch Hạ Long nếu có và rất cần phải có, cũng như vậy.
Đó là nói về ĐKKT chuyên ngành du lịch.
Trong luật ĐKKT nên chia ra các loại để có luật thích ứng.
Theo tôi nên bỏ mô hình ĐKKT ''lẩu'', cái gì cũng nhét vào mà nên làm mô hình ĐKKT chuyên ngành.
Có thể chia ra các chuyên ngành sau:
- Nông nghiệp và công nghiệp chế biến sản phẩm Nông nghiệp.
-Công nghệ TT và Công nghiệp công nghệ cao.
- Du lịch.
- Giáo dục.
- Kinh tế thủ công.
Mỗi loại hình có đặc thù riêng, có nguồn nhân lực và không gian văn hoá riêng nên cần các chính sách riêng, thể chế riêng, mức ưu đãi thuế đặc biệt riêng.
Chúng ta nên nhận thức rằng ĐKKT trước hết và trên hết là phục vụ cho các nhà đầu tư trong nước. Một nền KT bền vững phải lấy Tư sản dân tộc làm nòng cốt. Ưu đãi cho Tư sản dân tộc là dành mọi điều tốt nhất cho người dân chúng ta, và đó chính là sự đền ơn đáp nghĩa đúng nhất cho người dân chúng ta, những người chịu quá nhiều thiệt thòi và áp bức bao năm nay không ngóc đầu lên làm giàu chính đáng được. Và đây chính là chiến lược xin lại Lòng Dân để cùng đột phá cách mạng thay đổi đất nước.
Hãy nhòm các nước Nhật, Hàn, Israel xem, họ phát triển bởi các ĐKKT giành thu hút đầu tư nước ngoài hay thu hút đầu tư của người dân của họ?
Các ĐKKT thực sự chỉ là mô hình thí điểm tạo động lực để nhà nước mạnh dạn và khôn ngoan áp dụng bằng luật cho toàn quốc.
Từ đây mô hình quản lý quốc gia sẽ phải thay đổi theo hướng cách mạng, tiên tiến chính nhờ những mô hình này.
Vậy còn yếu tố Không gian Văn hóa là thế nào?
Nguồn nhân lực chỉ có thể phát huy hết năng lực lao động và sáng tạo nếu họ thực sự có Không gian Văn hóa tại nơi làm việc và nơi sống. Không gian Văn hóa đó chính là không gian đời sống sức khoẻ vật chất, tinh thần của họ được bảo đảm nhân văn và thiết thực nhất. Gia đình, con cái của họ có không gian sống, học tập thoải mái nhất. Họ được thiên nhiên phong phú, cảnh quan đẹp, chất lượng khí thở trong lành, hoà quyện dâng hiến nhất.
Luật ĐKKT nếu không có các định chế về Không gian Văn hóa này sẽ không thể thu hút nguồn nhân lực tốt nhất, không thể thu hút nhà đầu tư bền vững nhất.
Khi đặt luật ĐKKT mọi điều luật trước hết và trên hết phải trên nền tảng cốt lõi Không gian Văn hóa.
Lưu Trọng Văn
DỰ THẢO LUẬT ĐẶC KHU ĐANG RƠI VÀO TÌNH TRẠNG 'ĐẼO CẦY GIỮA ĐƯỜNG'

 PV LÊ NGUYỄN /VnF 19-5-2018

(VNF) – Theo nhận định của luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Công ty luật BASICO), dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật đặc khu) đang rơi vào tình trạng đẽo cày giữa đường vì loay hoay và thay đổi liên tục với việc ưu tiên cái gì, ưu tiên lĩnh vực nào và ưu tiên đến đâu.

Dự thảo Luật đặc khu đang rơi vào tình trạng ‘đẽo cày giữa đường’?

Luật đặc khu sắp trình Quốc hội thông qua

Nếu chỉ tập trung ưu đãi thì chỉ tạo ra sự dịch chuyển về kinh tế

Theo ông Đức, không có một lĩnh vực nào không cần ưu tiên trong đặc khu, từ kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, du lịch, giải trí, thanh tra, công an, toà án cho đến luật sư, tư vấn pháp luật. “Nếu đi theo hướng đó, thì ưu tiên tất cả là không được, mà thu hẹp thì cũng vô lý”.
Ông Đức cho rằng đã đặt ra đặc khu thì phải đặt ra mục tiêu đột phá phát triền gấp hàng chục lần so với không có đặc khu. Nếu chỉ tập trung vào việc tạo ra ưu đãi về tiền thuế, đất, tài nguyên… thì chỉ tạo ra sự dịch chuyển kinh tế chứ không phải là tạo ra sự phát triển kinh tế.
Đặc khu, do đó, cần tạo ra môi trường tự do, thuận lợi, thông thoáng về chính quyền, thủ tục hành chính, chính trị và giải quyết tranh chấp để phát triển mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nhằm thu được nhiều thuế, chứ không phải là miễn giảm thuế, tiền đất, dịch chuyển lợi ích từ đia bàn khác về đặc khu. Tức giảm tiền đóng góp cho ngân sách ở nơi khác, cách khác để tăng thu ngân sách cho đặc khu.
Về hành chính, tuy tên gọi là khu hành chính – kinh tế đặc biệt nhưng thực chất chỉ là nhằm tạo ra khu kinh tế đặc biệt chứ không phải nhằm tạo ra khu hành chính đặc biệt.
“Sự đặc biệt của hành chính chỉ nhằm phục vụ cho sự đặc biệt về kinh tế chứ không có mục đích tự thân. Vì vậy, cần thiết kế cơ chế hành chính vì kinh tế chứ không phải là ngược lại”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo tinh thần này, ông Đức cho rằng nhà nước cần áp dụng cơ chế hành chính đặc biệt để tạo ra môi trường kinh doanh đặc biệt nhằm tạo ra kết quả kinh tế đặc biệt, thay vì áp dụng cơ chế kinh tế đặc biệt này để tạo ra kết quả kinh tế đặc biệt khác.
“Đặc khu cần phải áp dụng một trong hai cơ chế. Thứ nhất, nếu có Hội đồng nhân dân thì không có Uỷ ban nhân dân; chỉ có thị trưởng, chế độ thủ trưởng lãnh đạo thay vì chế độ tập thể lãnh đạo. Thứ hai, nếu có Uỷ ban nhân dân thì không có Hội đồng nhân dân. Nếu có cả hai và bó buộc trong khuôn khổ bất hợp lý, không sửa Hiến pháp thì không có gì đáng gọi là đặc khu.
“Về quản lý nhà nước, dù có hay không có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thì cũng chỉ nên có một đầu mối cơ quan hành chính quản lý nhà nước thay vì 5 - 7 cơ quan như dự thảo và cũng tương tự như đối với các huyện thị hiện hành. Tức là cần coi đặc khu kiểu giống như một khu công nghiệp hay khu chế xuất, chỉ có 1 Ban quản lý khu công nghiệp. Đồng thời, nó không chỉ là các chính sách miễn giảm hay cơ chế ưu đãi như đối một khu công nghiệp”, ông Đức đề xuất.
Đi xa hơn, chủ tịch Công ty luật BASICO còn cho rằng nhà nước cần phải chấp nhận đặc khu có sự đặc biệt cả về chính trị, chứ không chỉ có sự đặc biệt về kinh tế và hành chính. Chẳng hạn, đặc khu cần không có cán bộ mà chỉ có công chức, tập trung gần như toàn bộ vào phát triển kinh tế, không tổ chức các cơ quan, đoàn thể đầy đủ ban bệ như các cấp chính quyền khác.

Tránh sử dụng nhiều ưu đãi thuế

Theo ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng - Ngân hàng Thế giới, để thành công, các đặc khu phải nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp toàn diện với tầm nhìn/mục tiêu rõ ràng.
Thành công của các đặc khu phụ thuộc chủ yếu vào môi trường đầu tư và vị trí các đặc khu kinh tế; sự kết nối chặt chẽ với các cụm công nghiệp trong nước; sự xuất sắc về môi trường và xã hội; các ưu đãi thông minh, chú trọng tới đầu tư chiến lược; và khung theo dõi, đánh giá tốt.
Do đó, nhà nước cần tập trung thu hút đầu tư cho những doanh nghiệp tạo được mức lương cao hơn; thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ và R&D trong nước; khuyến khích sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên (không chỉ năng lượng mà cả đất đai, nước, nguyên liệu thô, v.v…); tạo cơ hội cho các doanh nhân và nhà đầu tư trong nước hợp tác với các công ty nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Sebastian Eckardt khuyến cáo Việt Nam nên tránh sử dụng quá nhiều ưu đãi thuế và phân mảnh trong quản lý các đặc khu.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các đặc khu tại Việt Nam được định hướng phát triển với hai mục tiêu chính.
Một là hình thành 3 khu vực tăng trưởng kinh tế cao có tác động lan tỏa tới khu vực và toàn bộ nền kinh tế, thu hút công nghệ cao với những ngành nghề, lĩnh vực cạnh tranh phù hợp xu thế phát triển của thế giới; nơi đáng sống và làm việc, nơi thịnh vượng về kinh tế song song với phát triển bền vững về môi trường, đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân.
Hai là chủ động tạo ra một "sân chơi mới" với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D); các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ mới 4.0; giáo dục, y tế chất lượng cao; dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại và tài chính quốc tế gắn với cảng biển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Luật đặc khu của Việt Nam quy định quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm gắn với những chính sách vượt trội, cạnh tranh, không phải chỉ là những ưu đãi về thuế và đất đai mà chủ yếu là tổ chức chính quyền, thẩm quyền người đứng đầu, cam kết của Chính phủ giữ ổn định và lâu dài về chính sách; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế với môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương.
Dự án Luật đặc khu đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự án luật đã được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 5 tới.