Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

20180504. TỪ CHUYỆN THU PHÍ 'BÒ ĂN CỎ'

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIÁM SÁT QUYỀN LỰC ĐỊA PHƯƠNG

NGUYỄN KHẮC GIANG/ TBKTSG 2-5-2018

Mô hình trung ương tập quyền cần phải đi kèm một hệ thống giám sát đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng cát cứ quyền lực. Ảnh: THÀNH HOA
(TBKTSG) - “Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ Đừng sang đồng bạn để mà gãy răng”.
Câu ca dao từ xưa của cha ông có lẽ không còn đúng nữa với nông dân làng Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa, khi “trâu ta ăn cỏ đồng ta” cũng không còn yên ổn. Vừa qua, họ bị hợp tác xã buộc phải đóng phí “gặm cỏ” là 100.000 đồng/gia súc/năm.
Sự việc tất nhiên gây chú ý ngay tức thì với dư luận, khiến cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng và hủy bỏ loại “phí” vô lý kể trên. Thật may mắn cho nông dân xã Thiệu Dương, bởi câu chuyện thật như bịa này dễ lan truyền nhờ tính bi hài của nó, đặc biệt là lại xảy ra ở vùng ven của một đô thị lớn.
Nhưng nếu đó là chuyện ở địa phương khác, đặc biệt là những nơi “trời thì cao, hoàng đế ở xa”, vấn đề có lẽ sẽ không được xử lý nhanh như vậy. Còn nhớ cách đây vài năm, báo chí rộ lên các tuyến bài về gánh nặng thuế, phí của dân nghèo ở các vùng quê tại Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Ở cấp độ cao hơn, đâu đó hiện lên trong đầu mọi người hình ảnh của những Đà Nẵng, Đồng Nai, Yên Bái, về sai phạm đất đai đang bị xử lý. Không có số liệu chính thức để đánh giá hiện tượng “cát cứ” địa phương, nhưng về mặt quan sát mà nói, dường như đây là tình trạng khá phổ biến ở nhiều nơi trong thời gian qua.
Đáng lo ngại hơn, hiện tượng này thường diễn ra ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi trình độ dân trí còn chưa cao và khả năng phản biện của người dân còn thấp. Điều này tạo ra một nghịch lý: những nhóm càng dễ bị tổn thương thì lại càng bị chèn ép và bần cùng hóa.
Thêm vào đó, nhiều quyết định lạm quyền được gắn mác “tự nguyện”. Các loại phí, lệ phí vượt khung ở nông thôn đều được giải thích là “đã hỏi ý kiến và nhận được đồng thuận cao của người dân”. Những ai đã từng ở nông thôn đều hiểu rằng việc bỏ phiếu ở một cuộc họp làng sẽ diễn ra như thế nào. Trưởng thôn công bố đề xuất, sau đó yêu cầu đại diện các hộ biểu quyết công khai. Với những lãnh đạo có quyền lực lớn, hoặc chỉ đơn giản là có nhiều phe cánh ủng hộ hơn trong làng - đông họ hàng, bạn bè, đồng niên hơn - thì việc gây áp lực để các hộ thiểu số phải chấp nhận “chủ trương chung” theo nguyên tắc “tập trung dân chủ” là không mấy khó khăn.
Giám sát cát cứ quyền lực
“Nhất thể hóa” tiêu chuẩn quản trị của các địa phương khác nhau vẫn cần là một ưu tiên chính sách trong giai đoạn phát triển tới. Thực hiện nhiệm vụ đó không chỉ cần có vai trò của các cơ quan nhà nước, mà còn cần sự tham gia tích cực của người dân.
Câu chuyện “phép vua thua lệ làng” thực chất dẫn đến vấn đề nghiêm trọng hơn trong hệ thống quản trị công ở nước ta. Từ xưa đến nay, kể cả dưới thời phong kiến, mô hình tổ chức bộ máy nhà nước của Việt Nam là từ trên xuống dưới, từ trung ương xuống địa phương. Mô hình này giúp thống nhất hệ thống quản trị, các quyết định chính sách có thể được thực hiện nhanh và hiệu quả. Nhưng nó cũng có lỗ hổng: cơ quan công quyền ở những địa phương vùng biên, hoặc ở cấp cơ sở, sẽ có nhiều không gian để lạm quyền khi mức độ giám sát từ trung ương giảm đi.
Mô hình trung ương tập quyền vì thế cần phải đi kèm một hệ thống giám sát đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng cát cứ quyền lực. Có hai cách để xây dựng hệ thống giám sát đó.
Thứ nhất, Nhà nước trung ương trực tiếp tạo ra và vận hành bộ máy giám sát. Đây không phải là một giải pháp tồi, và thực tế đã được chúng ta thực hiện qua hai kênh: Thanh tra Chính phủ (về mặt chính quyền) và Ban Kiểm tra Trung ương (về mặt Đảng).
Tuy vậy, hệ thống giám sát tập trung lại có hai nhược điểm lớn: không thể giám sát thường xuyên và tạo ra chi phí quản lý lớn. Thậm chí trong một số trường hợp, chính cơ quan giám sát đó lại tha hóa và buộc Nhà nước tiếp tục tạo ra một cơ quan “giám sát của giám sát”.
Cơ chế giám sát thứ hai, ngược lại, được xây dựng từ dưới lên, với cán cân quyền lực nghiêng về người dân. Hệ thống giám sát này yêu cầu một cơ chế bầu cử địa phương minh bạch, các tổ chức đại diện đủ mạnh, và các kênh truyền dẫn thông tin hiệu quả. Đây là vấn đề mà bộ máy các cấp cũng đã nhìn ra, đặc biệt là sau sự biến ở Thái Bình năm 1997, với hàng loạt văn bản chỉ đạo được ban hành sau đó như Chỉ thị 30 CT-TW về xây dựng dân chủ cơ sở (1998), Nghị định 71 NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan (1998), hay Pháp lệnh 34 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (2007).
Cách giám sát dựa vào trách nhiệm giải trình này, tuy vậy, còn gặp nhiều trở ngại ở nước ta. Thí điểm bầu cử trực tiếp lãnh đạo cấp cơ sở vẫn nằm trên bàn giấy sau 10 năm, các tổ chức đại diện (chủ yếu là các tổ chức chính trị - xã hội và Mặt trận Tổ quốc) hoạt động thiếu hiệu quả, trong khi kênh thông tin truyền thống là báo chí lại không mấy để ý đến những chuyện lẻ tẻ ở địa phương. Mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, tạo ra một đường dẫn khác để người dân thực hiện vai trò giám sát, nhưng tất nhiên với những hạn chế của nó, không thể là giải pháp dài hạn.
Hơn nữa, không thể phủ nhận rằng tâm lý cục bộ, ưu ái “người nhà” và “quê nhà” của một số cán bộ cấp cao cũng phần nào góp phần vào tình trạng bè phái, cát cứ địa phương. Nghiên cứu của một nhóm tác giả người Việt đăng tải trên tạp chí đầu ngành về kinh tế, tạp chí kinh tế Mỹ: Kinh tế học Ứng dụng (American Economic Journal: Applied Economics)(*), cho thấy mối quan hệ giữa việc cán bộ được thăng chức và gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng ở địa phương Việt Nam. Vấn đề này rõ ràng chỉ được giải quyết khi hệ thống tuyển dụng và đánh giá công chức nhà nước được chuẩn hóa và dựa vào chế độ trọng nhân tài (meritocracy) hơn.
Xử lý căn nguyên của “con bệnh”
Tình trạng cát cứ địa phương, vì những lý do trên, không hẳn là vấn đề tự thân mà còn là di chứng của những căn bệnh trầm kha khác. Để giải quyết nó, do vậy, sẽ phải song hành cùng với việc xử lý căn nguyên của “con bệnh”.
Trải qua ba giai đoạn cải cách bộ máy hành chính (mỗi giai đoạn kéo dài 10 năm, bắt đầu từ năm 1990), hệ thống chính quyền địa phương đã vận hành tốt hơn trước khá nhiều, đặc biệt là ở những đô thị lớn. Nếu theo dõi những chỉ số đánh giá năng lực của địa phương, cũng như cảm nhận của doanh nghiệp và người dân ở địa phương như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI, hay Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) của UNDP phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và CECODES khảo sát và công bố, có thể thấy xu hướng tiến bộ trong hệ thống quản trị công của Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. Nhưng khoảng cách lớn giữa nhóm dẫn đầu và cuối bảng cho thấy sự tiến bộ này là không đồng đều. Ở những địa phương đội sổ về các chỉ số như minh bạch, trách nhiệm giải trình, hay cảm nhận tham nhũng, thì rõ ràng nguy cơ “cát cứ” sẽ càng cao hơn.
Chính vì vậy, “nhất thể hóa” tiêu chuẩn quản trị của các địa phương khác nhau vẫn cần là một ưu tiên chính sách trong giai đoạn phát triển tới. Thực hiện nhiệm vụ đó không chỉ cần có vai trò của các cơ quan nhà nước, mà còn cần sự tham gia tích cực của người dân. Suy cho cùng, nói như nhà văn Anh Bernard Shaw, chúng ta không thể có một hệ thống cai trị tốt hơn những gì mình xứng đáng. 
(*) Do, Q. A., Nguyen, K. T., & Tran, A. N. (2017). One mandarin benefits the whole clan: hometown favoritism in an authoritarian regime. American Economic Journal: Applied Economics, 9(4), 1-29. (Một người làm quan cả họ được nhờ: chủ nghĩa ưu ái địa phương trong thể chế chuyên quyền. Tạp chí
Kinh tế Mỹ: Kinh tế học Ứng dụng 9(4), 1-29.)

PHÉP VUA THUA LỆ LÀNG

LÊ THƯ/ TBKTSG 3-5-2018

(TBKTSG) - Mỗi quốc gia đều có hệ thống pháp luật của mình để đảm bảo vận hành và giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo điều kiện và cũng đồng thời buộc mọi công dân phải sống và làm việc trong khuôn khổ pháp luật. Ở từng địa phương, còn có hương ước làng xã có giá trị tuân thủ, vốn được hình thành từ rất lâu dựa trên tập quán truyền thống của địa phương đó.
Hương ước, nôm na là lệ làng với những quy định riêng của địa phương có thể song hành với hệ thống pháp luật nhưng không được trái với những gì pháp luật quy định. Cách nói “phép vua thua lệ làng” trong chừng mực nào đó là sự thừa nhận tình trạng tồn tại song song của lệ làng bên cạnh pháp luật Nhà nước, song thành ngữ ấy cũng hàm ý phê phán khi những chức sắc làng xã tự đặt ra những quy định tùy tiện.
Ấy thế mà những người dân vùng nông thôn ở nơi này nơi nọ trong thời hiện đại, thời đề cao sự thượng tôn pháp luật, đôi khi phải chịu những quy định trái khoáy nhân danh hương ước. Những ngày qua dư luận lại sôi nổi bàn luận chuyện một hợp tác xã dịch vụ ở Thanh Hóa đã đặt ra “phí đồng cỏ” để thu tiền của người dân khi họ chăn thả trâu, bò ngoài đồng. Không chỉ trâu bò, hợp tác xã cũng quy định mức xử phạt đối với những trường hợp chăn nuôi dê, gà, ngan, ngỗng cố tình chăn thả tự do ngoài đồng.
Trần tình với báo chí, ông chủ nhiệm hợp tác xã cho biết việc thu tiền là trên tinh thần tự nguyện và có văn bản họp dân, dựa trên “quy ước đồng điền” của làng từ xưa đến nay.
Điều khó hiểu ở chỗ, dựa trên quy ước của làng từ xưa đến nay, tức đã thành hương ước từ trước, nhưng sao mãi bây giờ người dân mới phản ứng, sao họ ngạc nhiên và cho rằng “vô lý quá mức”? Mặt khác, dù có là hương ước thì như đã nói, cũng không được trái với pháp luật, ở đây là luật về phí và lệ phí, trong đó loại phí và mức phí phải được hội đồng nhân dân địa phương ban hành, chứ không thể từ một hợp tác xã dù có nói rằng đã họp thống nhất với dân.
Thật ra, hương ước hay “quy ước của làng từ xưa đến nay” như cách nói ông chủ nhiệm hợp tác xã ở trên được hiểu một cách phổ biến là những quy phạm xã hội được cộng đồng dân cư trong phạm vi một làng, một xã thỏa thuận và thừa nhận như những quy tắc để điều chỉnh lối sống trong mối quan hệ cộng đồng, chủ yếu để bảo vệ những giá trị thuộc về phong tục, tập quán đã được cộng đồng địa phương ấy thực hành bấy lâu nay. Cộng đồng làng xã lập ra hương ước và tất nhiên trong đó cũng quy định những biện pháp xử phạt để đảm bảo cho hương ước được tuân thủ.
Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là được tự ban hành luật riêng. “Luật” trong hương ước chỉ có thể dựa vào quy định của pháp luật chung để cụ thể hóa vào điều kiện đặc thù của làng xã mình. Trong chừng mực nào đó hương ước cũng có thể là một sự bổ sung cho luật pháp khi khung luật pháp không thể bao quát hết các mối quan hệ phức tạp trong sinh hoạt làng xã, trong những tập quán đã được duy trì lâu đời. Tuy nhiên, ngay cả sự bổ sung này cũng không thể bao hàm những điều không phù hợp với tinh thần chung của luật pháp.
Trở lại câu chuyện thu “phí đồng cỏ” ở trên, khi nói đó là dựa trên “quy ước đồng điền” của làng từ xưa đến nay thì thiết nghĩ chỉ là một lối bào chữa cho cách hành xử tùy tiện, bỏ qua điều cốt lõi là mọi quy định buộc người dân thực hiện đều phải được căn cứ trên pháp luật. Tiếc rằng ở những làng xã, vùng nông thôn cứ ít lâu lại có những cách hành xử hay những quy định tùy tiện, kiểu như trai gái lấy vợ lấy chồng là người ở làng xã khác phải nộp tiền cho thôn; hoặc như phê bình thay vì chứng thực trong bản lý lịch xin việc nếu như gia đình chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với địa phương… Những quy định ấy đã lộ ra cung cách làm việc quan liêu và hạn chế về nhận thức pháp luật. Chuyện xảy ra gần nhất: cán bộ một xã ở thành phố Hải Phòng mới đây đã từ chối giải quyết thủ tục cấp giấy khai sinh cho con của một người dân với lý do gia đình còn nợ tiền làm đường trong chương trình nông thôn mới.
Người dân ở làng xã, vùng nông thôn có thể nhiều người không nắm rõ pháp luật, nhưng họ đủ sức nhận ra đâu là cách làm có đạo lý, đâu là những quy định không hợp lý. Những người có chức quyền tại địa phương cần nhận ra điều này để hành xử chuẩn mực tránh đi ngược lại pháp luật. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét