Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

20180507. BÀN VỀ CHỐNG THAM NHŨNG TRONG QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐẤT CÔNG BỊ 'PHÙ PHÉP' GIÁ BÈO BỌT VÌ CÓ QUAN CHỨC THOÁI HÓA BIẾN CHẤT

VŨ PHƯƠNG/ GDVN 3-5-2018

Nhiều nhà đất công trên đường Lê Duẩn (Đà Nẵng) được "ưu ái" bán cho Vũ "nhôm" nay trở thành nhiều cửa hàng kinh doanh. Ảnh: VTV.
Cố ý làm trái quy định pháp luật
Nhiều ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm đến việc xảy ra tại một số địa phương, đất công nằm ở vị trí đẹp được “phù phép” chuyển nhượng, bán “giá bèo” cho cá nhân gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Sự việc xảy ra ở Đà Nẵng là một thí dụ điển hình khi hàng chục tài sản nhà đất công ở những vị trí đắc địa, mặt phố lớn đã rơi vào tay ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm").
Đáng nói, có những mảnh đất mà sau khi Vũ Nhôm mua được chỉ sang tay đã ăn chênh lệch nhiều tỷ đồng.
Hay vụ việc mới đây nhất là hơn 30 héc-ta đất công khu Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) được bán với giá chỉ 1,29 triệu đồng/m2.
Từ những sự việc trên đây, nhiều ý kiến băn khoăn lo ngại công tác quản lý tài sản công đang vẫn còn kẽ hở, còn thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí bị nhóm lợi ích “làm phép” để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công.
Trước sai phạm quản lý đất công tại Đà Nẵng, trả lời trên VTV, Đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) đánh giá: “Quản lý nhà đất công sản tại Đà Nẵng khi hàng loạt đất, nhà công sản bán cho tư nhân với mức giá rất thấp không thông qua đấu giá là đặc biệt nghiêm trọng.
Bởi đó không phải là đất, nhà công sản nhỏ lẻ mà là những nhà đất có quy mô, giá trị lớn mà lại bán trực tiếp cho tư nhân.
Việc đó xảy ra rất nhiều lần, không phải một hai lần mà đã nhiều năm liền cứ lặp đi lặp lại. Để làm được điều này đã bỏ qua nhiều quy định pháp luật, đứng trên dư luận xã hội”.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích: “Chuyển nhượng đất công cho cá nhân trong luật pháp đã quy định và được phép. Tuy nhiên, khi thực hiện việc chuyển nhượng phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất nếu như mảnh đất đó đã được quy hoạch chi tiết đến mục đích sử dụng của từng thửa đất.
Trường hợp phải đấu thầu dự án nếu vùng đó chưa được quy hoạch chi tiết đến từng thửa đất.
Trong khi đó, Đà Nẵng bán trực tiếp cho cá nhân với mức giá do thành phố quy định mà không phải đấu giá công khai. Điều này cho thấy sự cố tình làm sai quy định pháp luật.
Việc cố tình này rõ ràng đằng sau đó có yếu tố về lợi ích rất là lớn. Những mảnh đất mà thành phố bán cho Vũ "nhôm", có mảnh đất sang tay đã lãi đến cả trăm tỷ đồng.
Điều đó cho thấy lợi ích kinh tế ở đây rất lớn và có những khuất tất ở đằng sau đó. Không phải lợi ích này một mình Vũ Nhôm được hưởng, chắc chắn có sự liên kết với nhau để nhằm chia sẻ lợi ích đó”.

Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, có tình trạng tư nhân điều khiển chính quyền bằng các quyết định để thay đổi quy hoạch nhằm mục đích trục lợi tài sản công. Ảnh: Vũ Phương
Cũng theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, để làm được việc này thì không phải đơn giản bởi từng đó mảnh đất có giá trị vô cùng lớn. Điều này cho thấy có sự câu kết giữa người có thế lực, trách nhiệm trong việc quản lý, thực thi pháp luật tại Đà Nẵng. 
Nhiều ý kiến cho rằng từ năm 2013 Thanh tra Chính phủ đã có kết luận tại Đà Nẵng về sự chênh lệch về giá quá lớn tại Đà Nẵng, số tiền thất thoát lên đến nhiều tỷ đồng nhưng đến nay mới xử lý.
Về việc này Đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay: “Đúng là dư luận đã nghe rất lâu về việc này, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những khuất tất, sai phạm trong việc chuyển đất công thành đất tư tại Đà Nẵng làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng.
Sau đó vấn đề cũng không giải quyết vấn đề ngày một cách dứt điểm, điều đó cho thấy vụ việc này không phải là việc nhỏ mà có những vấn đề hết sức phức tạp.
Đến nay chúng ta mới quyết liệt làm việc này cho thấy có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, còn để địa phương xử lý chắc sẽ khó có thể giải quyết.
Với sự quyết tâm của Trung ương cho thấy bất kể sai phạm nào, dù cấp nào cũng phải xử lý nghiêm minh không có vùng cấm”.
Có ý kiến cho rằng phải có sự câu kết giữa quan chức và tư nhân mới có thể “hô biến” nhiều đất vàng đến như vậy.
Đại biểu Hoàng Văn Cường thẳng thắn chỉ ra: “Thất thoát lượng tiền lớn cho nhà nước thì ai cũng nhìn thấy, nhưng điều nữa là khi giao nhà đất công cho tư nhân người ta sẽ vin vào cớ dùng mảnh đất vì mục đích công cộng, vì mục đích chung không sinh lợi.
Nhưng khi tư nhân sở hữu họ sẽ điều khiển cả bộ máy chính quyền để thay đổi quy hoạch.
Và rõ ràng việc ra những quyết định quản lý, đường hướng phát triển đã không phải là chính quyền nữa mà là tư nhân điều khiển. Điều đó là điều rất nguy hại và có thể họ điều khiển chính quyền theo hướng có lợi nhất.
Có sự câu kết giữa những cá nhân mưu mô để chiếm đoạt tài sản của nhà nước và câu kết với người có chức có quyền để sinh lợi nhiều nhất cho nhóm lợi ích.
Rõ ràng đây không phải sự minh bạch, không mang lại cho lợi ích xã hội, lợi ích chung mà chỉ mang lại cho lợi ích cá nhân và làm lệch lạc sự phát triển chung”.
Có nhiều hình thức tham nhũng từ tài sản công
Cũng theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, việc sắp xếp lại các cơ quan nhà nước tại nhiều tỉnh thành sẽ dẫn đến dôi tài sản công. Nhiều nhà đất công sẽ không sử dụng đến, phần lớn tài sản này nằm ở vị trí đắc địa, đất vàng sẽ chuyển nhượng cho tư nhân.  
Xu thế này đang diễn ra phổ biến tại nhiều tỉnh thành, bởi vậy phải hết sức cẩn trọng. Không phải chỉ việc bán đất công mới có tham nhũng. Có thể thông qua chuyển đất công thành đất tư như cho thuê với giá thấp và nhiều năm.
Một hình thức nữa là liên kết với công ty tư nhân, cho công ty tư nhân vào xây dựng và khai thác, trong khi đó đất của nhà nước. Còn tiền nhà nước thu được rất thấp vì định giá thấp.
Một hình thức nữa là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, có thể định giá đất không đúng với vị trí đắc địa.
Hoặc hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), khi nhà đầu tư xây dựng một công trình, chúng ta trả cho nhà đầu tư bằng đất mà không thông qua đấu giá công khai cũng có thể dẫn đến sai phạm.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, phải có sự moắc ngoặc, câu kết giữa doanh nghiệp với người có chức có quyền nhằm trục lợi từ tài sản công. Ảnh: Vũ Phương
Đồng quan điểm với Đại biểu Hoàng Văn Cường, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh: “Tình trạng nhà, đất tài sản công bán giá rẻ mạt cho tư nhân diễn ra nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới có.
Việc bán, chuyển nhượng này không theo nguyên tắc thị trường, cũng như nguyên tắc bảo vệ tài sản chung.
Làm sao có chuyện giá thị trường 10 đồng mà bán có 1 đồng? Một số vụ việc xảy ra ở  một vài tỉnh thành gần đây chỉ là một phần nổi của tảng băng, còn cả tảng băng đó thế nào cần phải tiếp tục làm đến nơi đến chốn”.
Ông Bùi Kiến Thành đặt vấn đề: “Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là một ví dụ thôi. Các tỉnh thành khác trên cả nước thì như thế nào? Hà Nội cũng cần phải thanh tra nhà, đất công sử dụng, chuyển nhượng ra sao.
Một vấn đề mà người dân bức xúc đó là việc không ít nhà, đất của nhà nước bán cho tư nhân với giá bèo, thậm chí có dự án còn cho không đất.
Có tình trạng cấp đất cho doanh nghiệp từ đất của người dân, nhưng tiền bồi thường lại rất thấp. Người dân phải chấp nhận, không hiểu quyền nào anh nào làm như vậy?
Qua đó có thể thấy rõ việc quản lý phải xem lại, Luật Đất đai và các văn bản liên quan cũng phải xem lại”.
Hàng loạt các quan chức trục lợi từ đất công khi “hóa phép” nhà, đất công tại những vị trí đắc địa, vị trí vàng cho doanh nghiệp tư nhân bỏ túi nhiều tỷ đồng chênh lệch so với giá thị trường gây bức xúc dư luận đã bị bắt giữ, phải chăng có sự câu kết, chia chác, lợi ích nhóm.
Về việc này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh: “Hàng loạt tài sản công có giá trị lớn rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân là có sự câu kết, chia chác ở đây.
Sự móc nối giữa chính quyền và doanh nghiệp, cá nhân dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhiều tỷ đồng. Làm gì có chuyện cho không dự án, bán rẻ nhà,  đất vị trí vàng hay được dự án nọ, dự án kia mà không có sự chia chác giữa một số quan chức có chức có quyền với tư nhân”.
Vũ Phương

THU HÚT ĐẦU TƯ KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ ĐI DỌN ĐẤT CHO DOANH NGHIỆP

TBKTSG 4-5-2018

(TBKTSG) - Hiện vẫn còn dai dẳng một sự hiểu nhầm về vai trò của chính quyền địa phương trong thu hút đầu tư từ doanh nghiệp.

Ảnh minh họa mặt bằng của Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: TTXVN
Đúng là chính quyền phải tìm mọi cách để làm sao doanh nghiệp sẵn lòng chuyển cơ sở sản xuất hay mở cơ sở mới tại địa phương của mình từ đó mới tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương, tạo nguồn thu cho ngân sách, cũng như tạo sự lan tỏa ra các hoạt động kinh doanh khác. Những ưu đãi các tỉnh, thành có thể đưa ra gồm cả mức thuế hấp dẫn, nguồn lao động dồi dào, các cơ sở hạ tầng thuận lợi, điện nước có sẵn...
Nhưng, nếu thế, làm sao phân biệt được với các doanh nghiệp sân sau, các mối làm ăn thân hữu; làm sao loại trừ hiện tượng bắt tay với nhau để khai thác các nguồn lợi của địa phương cho túi tiền riêng của các quan chức?
Có rất nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là đất đai và các nguồn tài nguyên công sản khác. Đã đến lúc phải chấm dứt việc chính quyền địa phương “thu hồi” đất của người dân rồi giao cho doanh nghiệp dưới danh nghĩa vì sự phát triển kinh tế địa phương. Chính quyền địa phương có thể làm tất cả mọi việc khác, kể cả miễn hẳn thuế cho doanh nghiệp nhưng khi đụng đến đất đai thì cứ để doanh nghiệp thỏa thuận với người dân. Có thể đi theo cách này, doanh nghiệp sẽ mất thời gian hơn, vất vả hơn, tốn kém hơn nhưng sẽ chấm dứt tình cảnh mâu thuẫn giữa ba bên: chính quyền - người dân - doanh nghiệp.
Nếu cứ để cho quy luật cung cầu của thị trường tác động, doanh nghiệp cũng sẽ cân nhắc đầu tư hay rút đi khi người dân gây sức ép để đòi mức đền bù cao không thực tế và người dân cũng sẽ cân nhắc lợi hại khi nhìn nhận các cơ hội được đưa ra.
Với đất đai đã là đất công hay các nguồn tài nguyên công sản khác, mấu chốt là sự công khai minh bạch. Công khai sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh để tự thân các doanh nghiệp không cần phải móc nối với quan chức khi cân nhắc đấu thầu hay không, đưa ra giá như thế nào... vì lúc đó họ sẽ được bảo đảm không bao giờ có chuyện bị bắt buộc hủy bỏ hợp đồng mang tính chạy chọt. Thiết nghĩ các doanh nghiệp lớn, tầm nhìn lâu dài vượt qua tính nhiệm kỳ của hệ thống hành chính, sẽ biết ứng xử chuyên nghiệp để tự bảo vệ cho chính họ.
Gần đây các hiện tượng “chủ nghĩa tư bản thân hữu” trắng trợn đã dần dần được bóc trần qua các vụ án đang trong quá trình điều tra hay xét xử. Người dân bình thường không thể nào hiểu nổi vì sao những khoảng đất lớn, ở vị trí đắc địa được giao một cách dễ dàng cho các doanh nghiệp sau một hai bút phê của lãnh đạo địa phương. Trong khi đó, khiếu kiện về đất đai vẫn không suy giảm.
Giới làm chính sách phải nhân các vụ án để thiết kế các biện pháp chặn đứng sự cấu kết giữa quan chức tham nhũng và doanh nghiệp “thân hữu” - các khuôn khổ pháp lý thật ra cũng đã có sẵn; chỉ cần một quyết tâm áp dụng luật một cách cương quyết, không có ngoại lệ. Và từ đó cũng nên bỏ cái thông lệ “bút phê” để buộc bất kỳ lãnh đạo địa phương nào phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình bằng văn bản chính thức mà người dân có thể tiếp cận dễ dàng. 

ĐẠP ĐỔ TÂM LINH ĐỂ ĐỔI LẤY ĐẤT ĐAI, DẤU HIỆU SUY TÀN ĐẾN CÙNG CỰC ?

CHÂN HỒ/ BVN 7-5-2018

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2018/05/2-15-300x169.jpg
Nhà nguyện tu viện dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Ảnh: Trí thức VN
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ là một trong số rất nhiều dự án bất động sản đầy ‘tai tiếng’ khác đang được phanh phui. Đáng nói, tại các dự án này, người ta sẵn sàng đạp đổ nhà thờ, chùa chiền, tu viện… để đổi lấy đất đai và tiền bạc – một dấu hiệu của sự suy tàn đến cùng cực?
“Tấm bản đồ bị thất lạc” ở Thủ Thiêm đang trở thành đề tài gây bức xúc trong dư luận. Đa phần các tầng lớp trí thức đều lên tiếng bảo vệ cho những người dân Thủ Thiêm – người bị buộc phải rời khỏi mảnh đất gắn bó để nhường chỗ cho các dự án kinh tế, khu đô thị sầm uất, tráng lệ…
Bên cạnh những khuất tất về quy hoạch, mổ xẻ đất quy hoạch để đầu cơ, phân lô, bán nền với giá cao gấp 10 - 20 lần mức giá đền bù… còn có những góc khuất trong dự án đầy tai tiếng.
Những bất cập xảy ra không hề mới, nó là hệ quả tất yếu của chính sách phát triển kinh tế phụ thuộc vào đầu cơ bất động sản.
Bất động sản không mang lại lợi ích cho Kinh tế - Xã hội ngoài các nhóm lợi ích, chính vì mải mê đầu tư bất động sản nên cả nền kinh tế Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới vẫn chưa sản xuất được cái đinh hay con ốc vít, ngành công nghiệp phụ trợ hoàn toàn bị bỏ quên trên bàn nghị sự để thay thế vào đó những nào là khu đất công nghiệp, đặc khu kinh tế, hay các dự án đón đầu chính sách của những công ty sân sau.
Đạp đổ tâm linh để đổi lấy đất đai
Điều nguy hiểm hơn hết, vì để làm dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, người ta sẵn sàng san bằng các chứng tích mang dấu ấn lịch sử từ thuở sơ khai của vùng đất Sài Gòn.
Theo kế hoạch phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM), hai cơ sở tôn giáo nằm trong Thủ Thiêm là Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm đều có khả năng bị phá dỡ để nhường chỗ cho khu đô thị mới.
Cụ thể, trong cuộc họp báo thường kỳ vào hôm 2/5/2018, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa chấp thuận phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 tại Thủ Thiêm, mà Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Trường tiểu học Thủ Thiêm nằm trong số 9 lô đất vàng bị yêu cầu di dời, thu hồi đất.
Đặc biệt, quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM được đưa ra không lâu sau khi Bí thư Thành ủy TP.HCM ông Nguyễn Thiện Nhân đến thăm và chúc Tết các sơ ở Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào ngày 9/2/2018.
Một điều đáng nói nữa, Tu viện trên đã tồn tại ở đất Thủ Thiêm từ năm 1840, tức trải qua khoảng 178 năm với nhiều dấu ấn lịch sử và được khá nhiều tổ chức quốc tế về tôn giáo lẫn chính trị và môi trường chú ý.
Trước sự việc này, Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM cũng từng đặt nghi vấn: “Có nên phá hủy một di sản còn lâu đời hơn cả Canada?”.
Trong khi đó, Nhà thờ Thủ Thiêm cũng là cơ sở tôn giáo có tuổi thọ gần 160 năm, được xây dựng từ năm 1859.
Trước đó, một cơ sở tôn giáo khác là Chùa Liên Trì trong khu vực này cũng đã bị san phẳng để lấy đất làm dự án. Đây là một trong số vài ngôi chùa cổ còn sót lại từ sau biến cố năm 1975.
Dấu hiệu suy tàn đến cùng cực
Trong văn hóa tự bao đời, mùi khói hương lẫn trong tiếng chuông chùa trong đêm vắng hay tiếng chuông ngân nhà thờ trong buổi sớm luôn là biểu hiện cho sự thanh bình và thịnh vượng của một vùng đất.
Ấy vậy, vùng đất Thủ Thiêm bấy lâu đã vắng tiếng chuông chùa để thay vào đó những khu đô thị sầm uất mà tuyệt nhiên không cơ sở tôn giáo nào được cấp phép tại đó.
Văn hóa kính trời, kính đất và các cơ sở tâm linh là nơi tìm kiếm sự an ổn của tâm hồn con người, nhưng những giá trị văn hóa tinh thần đó lại đang bị xem thường và sẵn sàng bị đạp đổ để đổi lấy đất đai, lợi ích tiền bạc.
Tuy nhiên, sự suy tàn của một quốc gia hay một chế độ, vương triều đều bắt đầu từ sự tha hóa trong tâm linh con người, khi con người bị chủ nghĩa vô thần dẫn động, không việc ác nào mà họ không dám làm. Và sự suy vong của chế độ đó là điều đã được dự báo trước.
Như ai đó đã từng nói: “Nơi nào vắng tiếng chuông từ bi, thì nơi đó cái xấu, cái ác sẽ cùng ma quỷ đội mồ sống dậy”.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2018/05/Tr%C3%AD-th%E1%BB%A9c.png
C. H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét