Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

20180515. THÂN PHẬN NHÀ BÁO VIỆT ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
''PHẢI TRẢ TỰ DO CHO CÁC NHÀ BÁO CHÂN CHÍNH', 10 NĂM NHÌN LẠI...

FB HOÀNG HẢI VÂN 12-5-2018

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười

Ngày này 10 năm trước, hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ bị cơ quan an ninh điều tra bắt giam vì đưa tin ủng hộ cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong vụ PMU18.
Ngay trong ngày hôm sau, 13-5, báo Thanh Niên đưa trên trang nhất cái tít “2 nhà báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ bị bắt vì đưa tin vụ PMU 18” và dành 2 trang chứng minh nhà báo Nguyễn Việt Chiến vô tội. Báo Tuổi Trẻ cũng đưa tin, bài bảo vệ phóng viên của mình. Ban Tuyên giáo Trung ương không có chỉ đạo gì, nghĩa là báo chí có quyền đăng tiếp.
Ngày hôm sau nữa, 14-5, Thanh Niên tiếp tục dành 2 trang bảo vệ nhà báo Nguyễn Việt Chiến với cái tít giật trên trang nhất “Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính”. Bạn đọc gửi thư dày đặc trên email và gọi điện thoại tới tấp ủng hộ cái tít “lịch sử” này của Báo Thanh Niên. Hôm đó, cấp trên chỉ đạo dừng thông tin.
Như vậy là Thanh Niên (và cả Tuổi Trẻ nữa) đã nói được những gì cần phải nói để bảo vệ phóng viên của mình trước khi bị cấm không cho nói. Là Tổng thư ký tòa soạn, khi rút cái tít và đăng loạt bài này tôi chỉ nghĩ đơn giản : Những người làm báo nhân danh bảo vệ sự thật bảo vệ lẽ phải, nhân danh bảo vệ những người yếu thế, bảo vệ những người lương thiện bị oan sai, nhưng sự thật, lẽ phải, người yếu thế, người lương thiện bị oan sai ngay trong cơ quan của mình mà mình không dám bảo vệ thì không những không đủ tư cách làm báo mà còn không đủ tư cách làm người nữa. Tôi biết Tổng Biên tập và các anh trong Ban Biên tập cũng nghĩ như tôi, nên Thanh Niên chấp nhận trả giá. Cái chức Tổng Thư ký tòa soạn tôi vốn đã không muốn làm ngay từ đầu, nên mất cái chức đó chẳng làm tôi buồn vui gì. Nhưng vì cái tít “lịch sử” đó mà tôi làm liên lụy đến sự nghiệp của anh Nguyễn Công Khế và Phó Tổng Biên tập Nguyễn Quốc Phong, sau khi các anh bị mất chức tôi cảm thấy áy náy, mặc dù tôi biết các anh không bao giờ chấp nhận sống hèn để duy trì “sự nghiệp” của mình.
Và một cuộc truy bức vô tiền khoáng hậu trong lịch sử báo chí đã diễn ra. Một loạt các nhà báo bị mất chức, bị thu thẻ nhà báo và một loạt nhiều nhà báo hơn bị cơ quan an ninh triệu tập thẩm vấn. Tại báo Thanh Niên, anh Quốc Phong và tôi bị thẩm vấn nhiều nhất, riêng tôi bị thẩm vấn 13 buổi.
Cán bộ điều tra hỏi : “Anh có biết tờ báo có cái tít “Phải trả tự do…” như một triệu tờ truyền đơn chống Đảng và Nhà nước không ?”. Tôi trả lời rằng tôi không nghĩ có sự đồng nhất giữa Bộ Công an với Đảng và Nhà nước. Bộ Công an, cũng như Bộ Y tế, Giáo dục, Giao thông… mỗi khi làm sai báo chí vẫn lên tiếng phản đối, đó là chuyện bình thường lâu nay, không ai nghĩ phản đối những việc làm sai của những bộ này là “chống Đảng và Nhà nước” cả. Hỏi : “Anh có biết Thanh Niên đã thông tin sai không ?”. Tôi trả lời không, vì xung quanh vụ PMU18 Thanh Niên đã đăng bài liên tục trong 3 năm qua, chưa có một cơ quan nào nói Thanh Niên viết sai sự thật cả, đây là lần đầu tiên tôi nghe các anh nói Thanh Niên đăng sai.
Cơ quan an ninh điều tra lôi ra tất cả những tin, bài, ý kiến bạn đọc về vụ tham nhũng tại PMU 18 mà Thanh Niên đã đăng từ năm 2006 cho đến lúc bấy giờ, trong vòng ba năm, để truy bức tôi rằng Thanh Niên sai trái. Trong đó có cả những bài của nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Đăng Tuấn, nhà thơ Thanh Thảo…, các vị này đều bị cơ quan an ninh liệt vào hàng “địch” cả. Tôi tự hỏi, ông Trần Bạch Đằng khi làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn Gia Định trong kháng chiến, lúc đó ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nông Đức Mạnh làm những việc gì, nhưng tôi đã không nói ra vì các điều tra viên có thể không biết ông Trần Bạch Đằng là ai, họ có nhiệm vụ mang những bài của ông ấy ra truy bức là do sự chỉ đạo của cấp trên của họ.
Những người làm báo nên lưu ý điều này nữa : tuyệt đối không được bịa ra bất kỳ một ý kiến nào nhân danh bạn đọc ủng hộ quan điểm của báo. Tôi đã phải chứng minh tất cả những ý kiến bạn đọc đăng trên Thanh Niên về vụ PMU18 đều có nguồn gốc và trung thực. Tôi cũng phải chứng minh một số thư gốc gửi đến Thanh Niên dài hơn cái thư được đăng, nhưng cái thư rút gọn được đăng hoàn toàn giữ được nội dung mà người viết thư muốn nói. Không ai chỉ ra được bất kỳ sự giả dối nào trên Thanh Niên. Người ta chỉ cần chỉ ra sự giả dối dù rất nhỏ thì tòa lâu đài chính trực mà chúng ta dày công xây đắp có khả năng sụp đổ.
Cho đến những buổi thẩm vấn cuối, điều tra viên bảo : “Anh có bị bắt hay không là phụ thuộc vào ý kiến của các cụ và phụ thuộc vào sự thành khẩn của anh”. Tôi nói, tất cả những gì thuộc trách nhiệm của tôi là hoàn toàn minh bạch diễn ra trên mặt báo, các anh có thể đếm từng chữ mà luận tội. Tôi đã ký tất cả các biên bản hỏi cung mà không cần phải xem lại. Các điều tra viên bảo tôi nên đọc kỹ lại trước khi ký, tôi bảo không cần. Tôi không cần đọc vì tôi cho rằng những cuộc thẩm vấn này là bất hợp pháp, tôi ký là tôi giúp các điều tra viên có cái để báo cáo với cấp trên, nếu tôi bị bắt thì tòa có thể “đếm từng chữ” trên báo mà luận tội chứ những biên bản này thì có giá trị gì. Còn việc điều tra viên bịa ra cái gì đó để gây bất lợi cho tôi trong xã hội “hậu cộng sản” sau này tôi cũng không quan tâm luôn, vì nếu có cái xã hội “hậu cộng sản” kia thì tôi cũng chắc chắn không làm chính trị.
Điều tôi muốn nói khi kể lại câu chuyện này, là Việt Nam ta pháp quyền đã bị xé bỏ dưới thời ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Tấn Dũng, cho nên cơ quan an ninh chỉ làm theo “ý kiến của các cụ” chứ không làm theo luật pháp. Tuy vậy, cũng còn có chút may mắn là khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo bắt tiếp 4 nhà báo là anh Quốc Phong và tôi ở Báo Thanh Niên, anh Bùi Thanh và anh Đà Trang ở Báo Tuổi Trẻ, tôi có nghe nói là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao lúc đó là ông Trần Quốc Vượng đã không đồng ý, vì vậy mà chúng tôi mới thoát tù.
Cũng còn một chút an ủi nữa. Là tại thời điểm đó, tôi được tặng Giải báo chí quốc gia với loạt bài đăng trên Thanh Niên “Euro 2 và chất lượng xăng dầu – những “nỗ lực” làm nhỏ đất nước”. Loạt bài đó đã tấn công mạnh mẽ vào sự gian trá về chất lượng xăng dầu của nhóm lợi ích khủng tại Tổng công ty Xăng dầu và Bộ Thương mại. Sự thật là không thể chối cãi, nhưng không ai bị điều tra xử lý.
Qua vụ đàn áp báo chí chống tham nhũng trong vụ PMU 18, ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Tấn Dũng chính thức thay luật pháp bằng "ý kiến các cụ". Thanh Niên và Tuổi Trẻ từng là hai tờ báo hậu thuẫn mạnh mẽ nhất công cuộc Đổi Mới và nhà nước pháp quyền dưới thời ông Nguyễn Văn Linh, ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải, đã bị hai ông trên đập nát để răn đe ý định bảo vệ pháp quyền của các tờ báo khác.
HOÀNG HẢI VÂN

TỪ SỰ KIỆN THỦ THIÊM: NHỮNG BỘ MẶT NHÀ BÁO 

LAN NGUYÊN/ RFI/ BVN 14-5-2018

Ngày 10-5, sau đợt sóng thương cảm, chia sẻ với người dân mất đất ở Thủ Thiêm, cộng đồng mạng bắt đầu quay sang tấn công cánh nhà báo. Một câu hỏi được nhiều người đồng loạt không rủ mà cùng đặt ra, rằng mười mấy năm qua báo chí ở đâu, để rồi mãi tới tận mấy ngày gần đây mới đồng loạt lên tiếng? Đặc biệt có người là nhà báo mảng chính trị xã hội ở một tờ báo lớn cũng đặt câu hỏi này (!). Kèm theo một chú thích nho nhỏ: có người đặt câu hỏi là các nhà báo đã được mua đất dự án Thủ Thiêm với giá rẻ? Status này nhận được gần 1.000 like, vài trăm share và vô số comment tán tụng người hỏi, phỉ báng những nhà báo im lặng ăn tiền.
Lại cũng không hẹn mà gặp, cũng hôm qua, nhiều nhà báo viết những “chuyện bây giờ mới kể”. Có người buồn bã kể chuyện mình đã lặn lội ghi nhận những trường hợp người dân bị giải tỏa, phải sống chui rúc cực khổ như thế nào để bám đất khiếu nại. Sau đó, về viết bài, cũng được đăng, nhưng lọt thỏm vào im lặng. Có status thuật lại hai mươi năm trước thuở mới vào nghề, bị đàn anh và sau đó là một toà soạn khác, dặn dò, “chỉ đạo” đừng dính vào vụ Thủ Thiêm, vì những người đi khiếu nại nhận tiền của “phản động” để gây rối…, dù trong thực tế không phải như vậy.

Lại cũng có một nhà báo cũng của một tờ báo lớn, nổi giận với câu hỏi “nhà báo ở đâu?”. Người này cho rằng còn rất nhiều nhà báo mảng chính trị xã hội đầy nhiệt huyết. Nhiều năm trước, họ cũng đã có những bài báo về chuyện Thủ Thiêm, chỉ là hiệu quả không như mong muốn, thế nên, đừng quơ đũa cả nắm, sỉ nhục nhà báo… Nhiều người, sau khi hoàn thành nhiệm vụ viết bài trên báo, “viết tiếp” hoặc “viết riêng” những chuyện chỉ có thể viết trên Facebook về sự kiện nóng đang xảy ra.
Cánh nhà báo đang tự thú, tự hối, xỉa xói nhau và bị đám đông xỉa xói. Những nét chấm phá này – kể cả một số đông nhà báo chọn thái độ không bao giờ viết gì về nghề nghiệp trên Facebook – vô tình tạo nên bức tranh tổng thể về nghề báo, với nhiều bộ mặt. Có bộ mặt sầu thảm, đau đáu nỗi niềm làm nghề nhưng bị bó tay bịt miệng; có bộ mặt cau có giận dữ, chửi bới vung vít; có bộ mặt của những người gió chiều nào cũng sống tốt, sáng xách cặp đi, tối xách cặp về, đều đặn lãnh lương. Không thiếu những bộ mặt câng câng thỏa mãn vì mới mua được miếng đất này, cổ phần kia với giá “thân hữu”; lại có những bộ mặt đóng vai “nhà báo dũng cảm”, với những hợp đồng truyền thông béo bở, sẵn sàng dùng ngôn từ hạ cấp nhất để đấu tố đồng nghiệp bên đối phương!
“Bức tranh” những người ngoài nghề “vẽ” dân làm báo trong mấy ngày qua, ôi thôi, rất, rất nhiều chê trách, sỉ nhục, không kể xiết. Nào là hèn, bút nô, “cho sủa mới được sủa”… Không phải tới tận bây giờ người ta mới nhận ra báo chí Việt Nam chỉ là công cụ của Đảng và chính quyền. Nhưng vụ Thủ Thiêm là một minh họa trực quan, dễ hiểu và hài hước nhất. Ai đời một sự kiện xảy ra ở sát trung tâm thành phố, liên quan đời sống cả mười mấy ngàn dân, nhiều người mất đất, mất nhà oan khuất, hàng tấn đơn từ, vạn lời kêu khóc… mà chìm vào im lặng suốt mười năm? Tiến sĩ Erik Harms, Đại học Yale (Mỹ) nói với tờ Zing: “Những người dân Thủ Thiêm đã bị [chính quyền – NV] phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại”.
Ở đây có lẽ phải bổ sung rằng người dân Thủ Thiêm chẳng những không hề tồn tại dưới mắt nhà cầm quyền mà còn cũng trở nên “vô hình” trước gần 1.000 tờ báo, tạp chí và hơn 17.000 nhà báo (thỉnh thoảng họ cũng có xuất hiện, lướt qua, trong vài bài báo hiếm hoi). Thế rồi đùng một cái, báo chí đồng loạt kêu khóc vang trời cho dân Thủ Thiêm, bài vở tới tấp không kịp đọc.
Đã là công cụ thì sẽ bị sử dụng. Chẳng qua việc sử dụng tùy thời, tùy nơi, tùy cách, có lúc khéo léo, kín đáo, có lúc lộ liễu, công khai. Đã là nhà báo, chắc chắn ai cũng biết “chức năng” công cụ của mình. Người thì tặc lưỡi sống; người thì đành nương theo đó để làm được gì giúp ích được cho xã hội, cho người yếu thế thì làm; người thì lợi dụng nó để kiếm chác. Chỉ có bạn đọc có thể không nhận ra (trước đây) thôi.
Trong khi tôi đang viết những dòng này thì đọc được tin Ban Tuyên giáo Trung ương có chỉ thị miệng đề nghị ngưng đăng chuyện Thủ Thiêm. Chỉ thị này chỉ là một khẳng định nối dài cho cái ý rằng, gần 1.000 tờ báo-tạp chí chỉ có một tổng biên tập và hơn 17.000 nhà báo chỉ có một bộ mặt: BỘ MẶT CỦA TUYÊN GIÁO. Phàm đã mang bộ mặt này thì người sang cũng như kẻ hèn, người chính trực lẫn kẻ gian manh, nhà báo tử tế hoặc những tay “điếm bút”, cũng cùng xếp vào một rọ như nhau cả thôi! Sự kiện Thủ Thiêm cho thấy rõ điều này hơn bao giờ hết. Nó bộc lộ rõ “thế đứng” của báo chí trong tình thế hiện thời – một “thế đứng” có thể bị xô ngã bất cứ lúc nào, một thế đứng kỳ dị tạo nên một diện mạo xấu xí khó có thể nhận được đồng cảm xã hội. Sự thật này, có muốn tránh, có thể tránh được sao!
Tin nhắn của ban Tuyên giáo Trung ương (nhắn bằng điện thoại) gửi đến các tổng biên tập sáng 11-5-2018: “Từ phản ánh dư luận, báo chí về Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, TPHCM, các cơ quan chức năng đang xem xét, xử lý theo quy định. Yêu cầu các cơ quan báo chí tạm dừng thông tin về vấn đề này. Cám ơn các anh chị”.
L.N.
Nguồn: https://www.triviet.news/tu-su-kien-thu-thiem-nhung-bo-mat-nha-bao/


BÀN TAY TUYÊN GIÁO

MAI HIỀN/ TRẺ 15-5-2018

ban-tay-tuyen-giao
Ban Tuyên giáo Trung ương thường xuyên tổ chức các hội nghị “tập huấn” cho các ban tuyên giáo 63 tỉnh thành để “trao đổi các chuyên đề nghiệp vụ liên quan đến công tác tuyên truyền” (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Đầu tháng 5, sự kiện đất Thủ Thiêm cháy bỏng trên báo lề trái lẫn lề phải và các mạng xã hội. Một vụ khiếu nại đền bù giải toả xảy ra cách đây gần 20 năm, giờ đây mới chính thức được phanh phui. Dư luận xã hội giận dữ đối với báo chí cũng ngang bằng sự phẫn nộ trước thói vô cảm đến nhẫn tâm của Đảng, chính quyền thành phố. Trong 20 năm đó, nhà báo ở đâu? Tại sao không lên tiếng? Dân hỏi nhà báo đã đành, những người làm báo cũng hỏi nhau.
Vì sao vụ đất Thủ Thiêm nóng lên một cách bất thường? Mọi người đoán già, đoán non: Phải chăng anh Ba, Anh Tư, Anh Sáu, thủ phạm tước đoạt quyền sinh sống của người dân Thủ Thiêm, là những gộc củi mà người đốt lò cần phải cho lộ diện trước khi đưa vào lò, nên đã bật đèn xanh cho báo chí và dân oan Thủ Thiêm được may mắn ăn theo?
Bất luận từ nguyên nhân gì, các nhà báo cũng đã có khoảnh khắc được tự do tác nghiệp. Tuy nhiên, đèn xanh chỉ bật được mấy ngày, các Tổng Biên tập nhận được lệnh qua điện thoại của Ban Tuyên giáo Trung ương: “Từ phản ảnh của dư luận, báo chí về dự án khu đô thị Thủ Thiêm,TPHCM, các cơ quan đang xem xét xử lý theo quy định. Yêu cầu các cơ quan báo chí tạm dừng thông tin về vấn đề này. Cảm ơn các anh chị”.
Hơn ba mươi năm trong nghề báo, nhất là khi làm công việc quản lý, tôi không lạ những mệnh lệnh chỉ bằng điện thoại kiểu trên của Ban Tuyên giáo. Thậm chí chỉ cần nghe giọng nói của ông Phó Ban Tuyên giáo bên kia đầu dây cất lên “Tôi, N. X đây” là tôi đã thấy lạnh gáy, vì sau đó là bài đang lên khuôn ở nhà in cũng phải bị gỡ xuống, bài đang viết cũng phải dừng lại.
Ở trong nghề báo, ai cũng biết rõ, cứ đầu tuần, Tổng Biên tập các báo ở thành phố đi họp để nhận lệnh đưa hay không đưa tin gì từ định hướng tuyên truyền của một “Tổng Biên tập” chung là Ban Tuyên giáo.
Thời của ba chục năm về trước, đối với những sự kiện được xem là quan trọng như lễ lạt, đón khách nước ngoài, quy hoạch đất đai, biểu tình…, báo chí đều phải sử dụng thống nhất nội dung viết sẵn trong bản tin màu xanh của Thông Tấn Xã Việt Nam. Bản tin màu vàng là thông tin được đánh dấu mật, dành cho Ban Biên tập, trưởng ban, trong đó nêu các sự kiện diễn biến trong và ngoài nước cộng với định hướng của Đảng mà phóng viên hoặc dân chúng không được xem. Tôi còn nhớ thời điểm bức tường Bá Linh sụp đổ, cảm xúc trước người dân Đông Đức được giải phóng khỏi ách cộng sản, chị thư ký toà soạn của báo tôi liền viết một bài có tựa Bức tường ô nhục Bá Linh sụp đổ. Sáng mai khi báo ra, độc giả đâu có biết rằng, đêm hôm trước, trước mấy chục ngàn tờ báo ở nhà in đem về, từ phóng viên đến Tổng Biên tập xúm lại thức thâu đêm, hì hục dùng bút mực xoá hai chữ “ô nhục”, báo mới được phát hành! Cả thế giới đều thấy sự ô nhục của bức tường, đó là sự thật, nhưng lại là từ rất “nhạy cảm” đối với các nước cộng sản, như Việt Nam!
Thời các báo phải dùng tin Thông Tấn Xã đã qua, nhưng người làm báo Việt Nam hàng chục năm nay kể từ sau 1975 phải chịu sự chỉ đạo định hướng tuyên truyền của một Tổng Biên tập chung cho gần 1.000 tờ báo lớn, nhỏ là Ban Tuyên giáo. Gọng kìm Tuyên giáo càng siết chặt hơn đối với các tờ báo địa phương trước những vấn đề chống cái ác, cái tiêu cực của lãnh đạo chính quyền, Đảng (thậm chí cả những công ty mà thành phố ưu ái, chọn làm “điển hình”); những cuộc biểu tình, đình công của công nhân đòi quyền lợi; sự kêu cứu một cách tuyệt vọng của nông dân ngoại thành, các tỉnh miền Tây bị lấy đất, lấy nhà, đùm đề khăn gói từ quê lên, túc trực ngày ngày ở cửa văn phòng Chính Phủ phía Nam, cửa Thành ủy… Cũng có không ít bài báo dũng cảm lọt được khỏi tầm ngắm, nhưng rồi sau đó tác giả phải chịu sự trừng phạt nghiệt ngã: cách chức, tước thẻ nhà báo, thậm chí đi tù.
Một trong những nguyên tắc bất thành văn mà các tờ báo nhỏ, lớn gì ở địa phương đều ngầm hiểu: Phải biết điều với các ông bà tuyên giáo nếu muốn được yên thân, để không bị quy là “yếu kém quan điểm chính trị, bị kích động bởi phần tử xấu, đi chệch định hướng tuyên truyền của báo …”. Người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau. Cứ gần đến Tết, hầu như toà soạn nào cũng mang quà cáp kính biếu các nơi, cũng cử một người trong Ban Biên tập đi máy bay ra tận Hà Nội thăm hỏi các “anh chị Tuyên giáo” kèm phong bì gọi là chút “quà mọn”. Phong bì cũng được chia thành nhiều loại to, nhỏ tuỳ theo cấp bậc, sức ảnh hưởng đối với tờ báo. Có một lần, cậu nhà báo ở cơ quan tôi được phân công đi đưa quà Tết về kể một câu chuyện dở khóc, dở cười: Phong bì cậu đem theo có ghi cẩn thận tên từng người và chức vụ. Do lơ đễnh, cậu đưa nhầm phong bì của ông Y cho ông X đang họp ở hội trường. Năm phút sau, khi phát hiện mình nhầm, cậu chạy vào hội trường nói với ông X: “Anh ơi em nhầm, cho em xin lại phong bì lúc nãy, đây mới là phong bì của anh”. Ông X “Ô, thế à?”, rồi đưa phong bì cũ kẹp trong cuốn sổ tay, nhận phong bì mới, “Cảm ơn nhé”, rồi ông lại dán mắt nhìn lên cử toạ. Cậu nhà báo đi ra cầm lại phong bì đưa nhầm thấy nhẹ, nhìn vào bên trong thì tiền đã bị rút! Đứng lặng một lúc, cậu đành lấy tiền trong ví mình để bù lại!
Sự bầy hầy về tư cách như trên vẫn thường thấy tương tự bằng nhiều dạng: vòi vĩnh trực tiếp hoặc nói bóng gió gợi ý quà, tiền của các vị tự cho là mình có quyền sinh, quyền sát đối với những tờ báo địa phương trong các dịp họ ghé thăm báo, dịp kiểm tra cuối năm…
Đèn đỏ đã bật. Tất cả tờ báo lề phải đều im tiếng, các nhà báo viết về vụ Thủ Thiêm có thể đã yên tâm vì đã làm hết trách nhiệm của mình trong khoảnh khắc may mắn có được sự tự do để tác nghiệp. Còn ngày mai thì sao? Trên khắp đất nước này, tiếng kêu oan vẫn còn chất ngất từ các vụ cướp đất đai nhà cửa mang danh nghĩa phát triển, tước đoạt nguồn sinh sống người dân dựa vào thể chế đất đai thuộc “sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý”! Nhà báo Việt Nam sẽ làm được gì để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật, bảo vệ người yếu thế? Các nhà thơ đã khắc họa con đường an bài cho số phận của người làm báo Việt Nam: Hãy… ngậm tăm kiếm tiền mà tiêu/ Hãy thoả hiệp kiếm tiền mà xài … (Đỗ Trung Quân); hoặc nặng nề, chua chát hơn: Bảo sủa / sủa / Bảo im / im/ Cứ thế triền miên một đời con chó (Tường Vân).
Cách đây mấy năm, có một bài nhạc, cứ đến ngày 21 tháng 6 (“Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”) lại vang lên trên phát thanh, truyền hình: “Nhà báo, nhà báo Việt Nam/ Một lòng trung thành với Đảng”. Tuy đã về hưu, thoát được vòng “kim cô” trên đầu, tôi vẫn thấy xấu hổ vì chất “bưng bô” trong ngôn từ bài nhạc, sao mà thô thiển! Xấu hổ, vì mình cũng đã một thời làm báo công cụ!

Từ Trí Việt News, tác giả Mai Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét