Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

20180510. LẠI BÀN VỀ NHỮNG ĐỀ XUẤT THUẾ CỦA BỘ TÀI CHÍNH

ĐIỂM BÁO MẠNG
THUẾ TÀI SẢN DỰA TRÊN CĂN CỨ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN NÀO ?

NGUYỄN SĨ PHƯƠNG/ TBKTSG 8-5-2018

Thuế nhà đất cần lấy các tiền đề của Adam Smith như công bằng, chừng mực và không gây áp lực làm thước đo và đối chiếu với cách thức vận dụng nó. Ảnh minh họa: Thành Hoa
(TBKTSG Online) - Đề xuất Luật Thuế tài sản nước ta vừa đưa ra đã chấn động truyền thông, bởi chính quy phạm của nó cùng một số cách hiểu và giải thích trong giới quan chức và tinh hoa có vấn đề. Tuần trước, trong cuộc tiếp xúc với cử tri Cẩn Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải trấn an cử tri việc “đánh thuế nhà trên 700 triệu”.
Thuế được định nghĩa là số tiền chuyển từ sở hữu thể nhân có trách nhiệm pháp lý đóng thuế, sang nhà nước, không được hoàn trả đối ứng. Do liên quan tới chuyển quyền sở hữu, nên hình thái kinh tế xã hội Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) về nguyên lý không có phạm trù thuế (chứ chưa nói thuế tài sản) bởi chỉ có mỗi nhà nước là chủ sở hữu, còn toàn dân là người làm công do chính nhà nước trả thù lao; trên thực tế ở các nước XHCN trước đây, riêng công chức hầu như không đóng bất kỳ khoản thuế gì.
Ngược lại, nền kinh tế thị trường dựa trên chế độ đa sở hữu nên mới “đẻ“ ra thuế để bảo đảm quyền sở hữu tài chính cho nhà nước vận hành và phân phối lại thu nhập quốc dân. Do chuyển quyền sở hữu (lợi ích, ăn chia), thuế đụng chạm lớn nhất tới lợi ích cá nhân và nhà nước, lại còn tùy thuộc thực trạng kinh tế, nên luôn đặt ra đòi hỏi phải được cải cách thích ứng, chưa nói ở ta còn bắt buộc do chuyển đổi mô hình kinh tế.
Lý thuyết và thực tiễn
Học thuyết thuế lần đầu tiên do Adam Smith đề xuất năm 1776, cách đây 242 năm, với những tiền đề cơ bản: Công bằng trong tính thuế, nghĩa là căn cứ vào thực lực kinh tế (chứ không phải cào bằng); Chừng mực, không quá cao, quá thấp; Không cực đoan, tức thích ứng với những ngoại lệ thông qua miễn giảm; Không áp dụng luật mới cho quá khứ (cái gì đã có theo luật cũ phải thừa nhận); Có hiệu quả, tức phí hành chính thu kiểm tra thuế và phí thủ tục khai báo thuế thấp (cũng vì vậy dự luật thuế phải trình được bảng dự toán cân đối thu chi khi thu thuế); Đơn giản hóa, và người đóng không bị áp lực bởi thuể tăng (có ý kiến so sánh với vặt lông ngỗng hay luộc ếch đun từ từ bị truyền thông phản ứng, chắc suy diễn sai từ tiền đề này); Minh bạch, rõ ràng (nếu kinh tế là nền tản xã hội có thể gây bất ổn nó thì thuế là nền tảng của thiết chế kinh tế có thể gây bất ổn kinh tế, một khi thiếu minh bạch rõ ràng).
Theo kinh tế học, thuế tài sản thuộc thuế “gốc“, tức đánh vào tài sản sẵn có (khác thuế thu nhập đánh vào tài sản tăng thêm) được tính trên tổng số tài sản hiện có trừ đi trị giá vay mượn chưa trả. Do không mang bản chất khấu trừ đó, nên thuế nhà đất và thuế ô tô không thuộc thuế tài sản như trong đề xuất và một số ý kiến chuyên gia. Nó mang bản chất phí để thực thi chức năng nhà nước đối với tài sản nhà đất và ô tô. Có liên quan, chẳng qua ô tô nhà đất được gọi là tài sản, tức thuần túy về khái niệm.
Thuế tài sản ở Đức được ban hành lần đầu năm 1893, nghĩa là cách thời điểm Việt Nam hiện đang tranh cãi tới 125 năm! Nhưng đi sau họ xa đến thế, ta lại bỗng gặp may. Từ năm 1997, họ thôi không áp dụng nữa - một căn cứ thực tế để ta không nhất thiết phải áp dụng (sẽ bàn ở một chuyên đề khác).
Mức đánh thuế năm cuối cùng 1997 = Tài sản hiện có - Nợ chưa trả - Mức miễn thuế đổ đồng 120.000 DM cho 1 thành viên gia đình (Điều 6 Luật thuế tài sản VStG) x Thuế suất 1% đối với cá nhân và 0,6% đối với pháp nhân (Điều 10 Luật VStG). Kết quả năm cuối cùng, 1997, Đức thu được 9 tỉ DM (4,62 tỉ euro). Tuy nhiên, chỉ riêng chi phí hành chính cho nó đã mất 3% tổng thuế thu được.
Theo một công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế (RWIW) do Bộ Tài chính Đức đặt hàng, tổng chi phí cả nhà nước lẫn người đóng (tiền tập hợp hồ sơ, thuê kế toán, tư vấn thuế khai) năm 1984 chiếm tới 32% số thuế thu được (20% khi thu và 12 % khi kiểm tra). Dự luật của Việt Nam không hề khái toán chi phí trên, xét theo tiền đề Adam Smith về minh bạch rõ ràng và hiệu quả, không bảo đảm.
Thuế ở Đức không phải nhà nước cứ muốn là được, nó phải qua ít nhất 2 rào cản. Trước hết do được hiến định tại Điều 106 Hiến pháp Đức. Rào cản tiếp theo: Do cách thức nhà nước đánh thuế lại cực kỳ phức tạp, và không công bằng đối với từng loại tài sản, nên ngày 22-6-1995 bị Tòa án Hiến pháp phán không phù hợp với nguyên lý công bằng của chính Hiến pháp, và cho phép thi hành tới hết 1996 phải thay đổi. Bước sang năm 1997 thay vì sửa đổi quá phức tạp, Chính phủ đề xuất thuế thu nhập của nhà giàu nâng lên tới 53% được Quốc hội thông qua, nên bỏ luôn thuế tài sản.
Sau kỳ bầu cử Quốc hội mới nhất năm 2017, vấn đề thuế tài sản lại được đề cập sôi sục chính trường Đức, thảo luận chi tiết và rõ ràng hơn Việt Nam nhiều vì họ đã có 125 năm nhìn lại.
Câu chuyện của nước Đức
Ở Đức, thuế nhà đất và ô tô là 2 loại thuế mang tính chất phí để đầu tư cho hạ tầng, trường học, đường phố, điện nước... nên do điạ phương thu. Bất kỳ ai sở hữu đều phải đóng, tuy nhiên phải tuân theo nguyên lý Adam Smith.
Thuế nhà đất được phân ra làm 2 dạng, A dành cho đất sử dụng nông lâm nghiệp và B cho đất xây dựng kể cả nhà trên đó.
Để tính thuế, trước hết phải định lượng được yếu tố thứ nhất: Trị giá nhà đất, được tính theo 2 cách. Cách thứ 1, tính theo doanh thu áp dụng cho nhà ở hay căn hộ cho thuê, sẽ bằng tiền thuê cả năm ấn định từ năm 1964 cho phía Tây, và từ năm 1935 cho phía Đông, rồi nhân với chỉ số tăng giảm tùy thuộc các yếu tố chất lượng tác động tới giá thuê. Cách thứ 2, tính áp dụng cho những căn nhà hiện đại, bằng trị giá đất và nhà tính tại thời điểm 1964/1935.
Yếu tố thứ 2 được gọi là tỷ suất thuế cơ bản chung áp dụng cho từng mức trị giá và loại nhà ở theo  Điều 14 và 15 Luật thuế nhà đất GrStG. Ở phía Tây, với nhà ở 1 gia đình trị giá tới 38.346,89 euro, tỷ suất thuế cơ bản là 2,6 phần ngàn. Trên mức đó là 3,5 phần ngàn. Nhà cho 2 gia đình trở lên là 3,1 phần ngàn, đất nông lâm nghiệp 6 phần nghìn. Ở phiá Đông từ 5 đến 10 phần ngàn.
Yếu tố thứ 3 là hệ số điạ phương thu thuế, do chính quyền điạ phương tự quyết định. Năm 2017, mức cao nhất toàn Liên bang thuộc thành phố Witten lên tới 910% (tức gấp hơn 9 lần tỷ suất thuế cơ bản).
Từ đó, giả sử một ngôi nhà gia đình ở phía Tây Đức được Sở Tài chính định trị giá vào năm 1964 là 30.000 euro, tỷ suất thuế cơ bản theo luật là 2,6 phần ngàn và hệ số điạ phương là 534%, thuế phải trả 1 năm là: 30.000 euro x 2,6 phần ngàn x 534 phần trăm = 416,52 euro. (Tính ra sau 72 năm gần một đời người, tiền thuế phải nộp cộng lại bằng đúng tiền nhà đất ban đầu. Chỉ số đó của họ, ở ta cần tham khảo, chưa tính mức sống ở ta thấp hơn họ hàng chục lần).
Thuế đối với nhà đất cho thuê được coi là chi phí, tính vào giá thuê gọi là phụ phí, người thuê phải trả. Vì vậy thuế nhà đất không ảnh hưởng mấy tới kinh doanh hay đầu tư, trái với một số ý kiến chuyên gia suy diễn sai cho rằng đánh thuế nhà đất có tác dụng chống đầu cơ (vốn là một nghiệp vụ kinh doanh đương nhiên trong kinh tế thị trường và do quan hệ cung cầu quyết định. Thuế rượu thuốc lá ở nhiều nước cao vô địch nhưng các hãng kinh doanh nó vẫn phất).
Hiện cách thức Đức tính thuế nhà đất trên đang gây tranh cãi chính trường, trước hết trị giá nhà đất lấy từ xa xưa, nay đã thay đổi và chênh lệch tùy điạ phương, nên cuối tháng qua, Toà Bảo hiến ấn định, thuế nhà đất chỉ được phép thu theo luật hiện hành tới hết năm 2019, sau đó phải cải cách. Do chi phí cao khi xây dựng các chuẩn mực mới, nên các chuẩn mực cũ được vận dụng tiếp trong luật cải cách thêm 5 năm, muộn nhất hết năm 2024.
Rõ ràng, thuế không chỉ nước ta phải đối mặt, mà toàn cầu, một thách thức thường trực đối với bộ máy nhà nước bắt buộc phải đủ năng lực vượt qua nếu không muốn bất ổn bùng nổ.
Ở Đức, câu chuyện thuế căn hộ thứ 2 cũng nhằm mục đích trang trải chi phí nhà nước phát sinh ở điạ phương có căn hộ đó, chiểu theo Điều 105 Hiến pháp, đánh vào những ai đăng ký hộ khẩu ở căn hộ thứ 2 dù thuê hay sở hữu. Tỷ suất tùy từng điạ phương từ 5% tới 23% mỗi năm, phổ biến 10% trị giá.
Công bằng, chừng mực và không gây áp lực trong thuế nhà đất
Ba tiền đề của Adam Smith nêu trên nhằm bảo đảm cuộc sống bình thường cho người dân, nên thuế căn hộ thứ 2 ở Đức phần đa được miễn, nếu do điều kiện bất khả kháng, như ly thân tạm thời ở riêng, dùng nhà thứ 2 để ở điều trị, hay điều dưỡng, hay do công việc đòi hỏi, hay dành cho con cái nhỏ đi học xa nhưng  phụ thuộc gia đình, sinh viên không có thu nhập, hoặc những gia đình có thu nhập dưới 29.000 euro/người hoặc tổng cộng vợ chồng dưới 37.000 như ở tiểu bang Bayern...
Thuế nhà đất cũng được quy định những ngoại lệ ghi trong Luật thuế nhà đất. Chẳng hạn nhà cổ do phí bảo dưỡng cao theo Điều 31 được miễn. Được giảm chẳng hạn bỏ trống không tìm được người thuê. Trên nguyên tắc tiền thuê bị thất thu 50% sẽ được giảm 25% thuế.
Ở Đức bất kỳ ai không đủ thu nhập để trang trải chi phí cuộc sống cơ bản (tầng lớp đáy xã hội) đều được nhà nước bù đủ nhằm bảo đảm an sinh (năm 2018 là 416 euro/tháng/người độc thân; thành viên gia đình giảm theo tuổi) cùng với toàn bộ tiền thuê nhà, tiền điện nước, bảo hiểm y tế, đồ dùng học tập, các khoản chi bất thường như chết, cưới, sinh đẻ, bệnh kinh niên, chuyển nhà... Vì vậy thuế nhà đất của Đức không hề ảnh hưởng tới tầng lớp này. Còn ở Việt Nam nếu đánh thuế nhà đất sẽ không tránh khỏi đẩy họ vào cùng cực, nếu họ không được miễn trừ.
Việt Nam chưa đủ tiềm lực kinh tế để bảo đảm an sinh như Đức. Nhà đất tự sử dụng thuộc nhu cầu thiết yếu. Vì vậy để bảo đảm được nhu cầu đó cho dân, thuế nhà đất cần lấy các tiền đề của Adam Smith làm thước đo và đối chiếu với cách thức vận dụng nó như dẫn liệu ở Đức, để trả lời thoả đáng các câu hỏi: - Liệu đã nên đánh thuế nhà đất đại trà? Hay chỉ đánh thuế những nhà đất sử dụng cho kinh doanh? - Hoặc nếu đánh thuế đại trà thì công thức miễn giảm nó như thế nào, để mọi chủ nhà đất tự bảo đảm được an sinh? Qua đó khuyến khích dân cư xây dựng nhà ở (ở Đức còn được nhà nước tài trợ)? - Công thức tính thuế nhà đất như thế nào để thu đủ, dễ giám sát với chi phí phát sinh thấp nhất ? Đặc biệt khi tham nhũng đang là vấn nạn, bộ máy hành chính hiện nhiều vấn đề liệu có thích ứng với tính phức tạp của loại thuế này?
Mời xem thêm:

3 ĐỀ XUẤT VỀ THUẾ KHÔNG NÊN THỰC HIỆN TRONG VÀI NĂM TỚI ĐỂ KHOAN SỨC DÂN

CẨM TÚ /VOV.VN  9-5-2018

Đây là những đề xuất của các học giả, các chuyên gia kinh tế khi thảo luận về tình hình ngân sách nhà nước và dự thảo sửa đổi bổ sung 6 loại thuế do Bộ Tài chính đưa ra.
Trước bối cảnh thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao như hiện nay, đặc biệt là tài khóa ngày càng trở nên thiếu bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế mới, trong hơn một năm qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật thuế theo hướng tăng mức thuế của nhiều sắc thuế.
Đó là, tăng thuế bảo vệ môi trường với các sản phẩm xăng dầu lên mức kịch trần với lý do cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, bù đắp nguồn thu giảm do hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh.

3 de xuat ve thue khong nen thuc hien trong vai nam toi de khoan suc dan hinh 1
Bộ Tài chính đề xuất tăng 1 loạt thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách (Ảnh minh họa: KT)
Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% và giảm bớt số mặt hàng được hưởng thuế VAT ưu đãi 5% với lý do là mức thuế VAT của Việt Nam hiện nay chưa theo kịp thông lệ quốc tế, cần cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
Bộ Tài chính cũng dự kiến áp thuế tiêu thụ đặc biệt với một số hàng hóa như nước ngọt với mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Gần đây nhất là đề xuất đánh thuế tài sản, theo đó, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế đối với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng, với mức thuế suất 0,3-0,4% trên giá trị của căn nhà.
Những đề xuất sửa đổi các mức thuế trên của Bộ Tài chính đã và đang vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều, bởi các loại thuế trên được cho là ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết đại bộ phận người dân (đặc biệt là những người nghèo và có thu nhập thấp), cũng như các doanh nghiệp (DN) và theo đó là đến cả nền kinh tế.
Khoan sức dân để bền gốc
Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, thuế là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế xã hội; có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…). Do đó, mỗi khi sửa đổi một sắc thuế cần thận trọng và có bước đi, lộ trình cụ thể, đặc biệt, đối với những loại thuế có tác động rộng tới mọi đối tượng.
“Mức thuế, phí hiện nay của chúng ta so với thu nhập đã là rất cao, theo Ngân hàng Thế giới, thuế, phí của Việt Nam chiếm 32%/GDP, trong khi đó khuyến cáo chỉ nên từ 18-20%/GDP. Nếu thu nữa bằng biện pháp tăng thuế thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và DN, tác động không tốt tới sản xuất. Đặc biệt, khi DN gặp khó khăn do thuế tăng lên thì không thể cạnh tranh, thua trên sân nhà, phá sản, không tạo ra công ăn việc làm, không nộp thuế cho ngân sách được nữa”, PGS. Ngô Trí Long khuyến cáo.

3 de xuat ve thue khong nen thuc hien trong vai nam toi de khoan suc dan hinh 2
PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính
Phân tích cụ thể về thuế VAT, ông Long cho rằng, đây là thuế tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Tuy nhiên, thuế VAT có tính “lũy thoái”, bởi vì, người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn so với người có thu nhập cao. Do vậy, khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.
“Trong một nền kinh tế khó khăn, chúng ta cần khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, đó là thượng sách tạo động lực cho sự phát triển bền vững, chúng ta không nên chọn phương án khiến người dân phải thêm căng mình đóng thuế”, PGS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nợ công tăng cao, bội chi ngân sách đang là căn bệnh trầm kha của nền kinh tế nước nhà, tăng trưởng dưới tiềm năng, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn ở mức trung bình thấp so với thế giới... Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một bài toán khó đối với Bộ Tài chính. Để tái cơ cấu ngân sách, tìm giải pháp cân đối ngân sách, cách dễ nhất là tăng thuế. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng với việc tăng thuế và nên thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW về tái cơ cấu ngân sách và giảm chi, tiết kiệm, không phải chỉ tăng thuế. Bởi tăng thuế sẽ đánh vào các mặt hàng thiết yếu, đánh vào người nghèo. Điều này không phù hợp với tinh thần của Chính phủ là kích thích tiêu dùng, đảm bảo tăng trưởng.
“Để tái cơ cấu nguồn thu, nếu chỉ dùng biện pháp tăng thu bằng cách tăng thuế thì rất khó lòng được công chúng chấp nhận. Do vậy, cần phải đưa ra các giải pháp kiểm soát chi, tiết kiệm chi, chống nợ đọng thuế, chống thất thu thuế,... Cùng với nó là những giải pháp về chi tiêu ngân sách, chống tham nhũng, lãng phí thất thoát, đầu tư công có hiệu quả...”, PGS Ngô Trí Long khuyến cáo.
Bên cạnh đó, TS Phan Hữu Nghị, Trưởng Bộ môn Tài chính công, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, để cơ cấu lại ngân sách, cần rà soát và đánh giá định kỳ công tác quản lý chi; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh giảm bộ máy, vì tiền lương công chức viên chức là khoản chi chiếm tỷ trọng rất lớn trong ngân sách nhà nước (NSNN).
“Cần xem lại chi đầu tư công và khai thác tiềm lực tài chính từ tài sản công, vì giá trị tài sản công hiện tại có giá trị rất lớn gấp hơn 2 lần GDP của nước ta và hàng năm cần khoản chi thường xuyên có tính chất đầu tư nhằm duy tu sửa chữa bảo dưỡng khá lớn. Kết hợp với đó là việc quản lý vốn, tài sản thật hiệu quả tại các doanh nghiệp nhà nước. Nếu khai thác tốt nguồn tài sản công này sẽ là nguồn thu thường xuyên và lâu dài của NSNN”, TS Phan Hữu Nghị nhận định./.
ĐỌC THÊM:


Cẩm Tú/VOV.VN

HOA MẮT VỚI ĐỀ XUẤT TĂNG THUẾ

TÔ HÀ /NLĐ 9-5-2018

Thời điểm này không nên tăng thuế vì Chính phủ đang kêu gọi khởi nghiệp. Thay vào đó, hãy tìm cách chống thất thu thuế

Ngày 8-5, tại Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã tổ chức hội thảo khoa học "Đề xuất tăng các mức thuế của Bộ Tài chính: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều". Ban tổ chức đã cố gắng mời gần như tất cả các chuyên gia đã từng lên tiếng góp ý về thuế cùng tham dự để tập hợp ý kiến phản biện đa chiều ngay từ giai đoạn đề xuất chính sách thuế.
Chủ yếu tăng thu là chính
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế, hệ thống thuế hiện nay gồm 10 loại thuế và 2 khoản phí, lệ phí. Giai đoạn 1996-2016, tỉ lệ động viên thu ngân sách nhà nước bình quân khoảng 23,7% và tỉ lệ động viên GDP khoảng 16,7%. Mức động viên này còn khoảng cách xa so với Chiến lược thuế 2011-2020.
Trong 5 năm qua, sắc thuế sửa đổi nhiều nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ năm 2017 đến nay, Bộ Tài chính lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa 6 luật thuế (gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân...); Luật thuế bảo vệ môi trường (Chính phủ đã xin lùi thời hạn trình vào năm 2019) và lấy ý kiến xây dựng hồ sơ dự án Luật thuế tài sản.

Hoa mắt với đề xuất tăng thuế - Ảnh 1.
Cần làm cho người dân và doanh nghiệp hiểu đúng và chính sách thuế phải thông thoáng, tạo động lực phát triển. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục thuế tại TP HCMẢnh: HOÀNG TRIỀU
PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng nhà đầu tư và người dân luôn phải đánh cược với người làm chính sách thuế vì nhiều sắc thuế sửa đổi liên tục, mỗi lần sửa đổi chỉ cách nhau 1 năm. Những giải trình, dẫn chứng của Bộ Tài chính chưa thuyết phục, thiếu chi tiết và chưa đánh giá hiệu quả của việc đề xuất đối với kinh tế - xã hội.
Dư luận cảm thấy mục tiêu sửa đổi thuế hướng tới huy động nguồn thu ngân sách nhà nước, chưa tính đến chính sách thuế phải tạo động lực cho phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, đóng góp nhiều hơn nữa cho nguồn thu ngân sách. "Với Bộ Tài chính, nếu chỉ đứng ở góc độ thu ngân sách trong quá trình tái cơ cấu ngân sách, tìm giải pháp cân đối ngân sách thì cách dễ nhất là tăng thuế" - ông Long nói.
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, nhận xét Bộ Tài chính đang lúng túng trước áp lực cân đối ngân sách do thu thuế nhập khẩu giảm, vấn đề chống chuyển giá... Từ đó dẫn đến việc "dễ thu, khó bỏ" như đề xuất đánh thuế tài sản nhà đất có giá trị từ 700 triệu đồng, chạm vào vấn đề an sinh xã hội, vi phạm nguyên tắc công bằng trong chính sách thuế.
"Nợ đọng thuế lên đến 70.000 tỉ đồng. Thu thuế tài sản cao nhất chỉ khoảng 30.000 tỉ đồng. Hãy tăng hiệu quả của ngành thuế, đặt mục tiêu chống thất thu hơn mục tiêu tăng thu; đừng để thu 10 đồng chi cho ngành 7 đồng, chưa kể tham nhũng, ăn chia" - ông Phong kiến nghị.
Tăng thu - phản tác dụng
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cùng nhận định trong các đề xuất tăng thuế, Bộ Tài chính đều lập luận "để phù hợp với thông lệ thế giới" là cứng nhắc, chưa thuyết phục. Chuyên gia Bùi Trinh nhấn mạnh: "Việt Nam nợ nần, chi tiêu quá tay, hội nhập không mục đích khiến ngân sách thất thu, phải đánh thuế cao. Cần giải thích thế nào để người dân hiểu được, không thể nói các nước thế tôi cũng thế vì các nước không bội chi cao như Việt Nam, không cùng cách tính nợ công. Như thế khác nào cứ thiệt thòi cho dân thì áp dụng".
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết bản thân ông cũng "hoa mắt" với các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính gần đây. Chỉ riêng dự thảo một luật thuế sửa 6 luật, nếu bóc tách ra đã liên quan tới 30 loại thuế khác nhau. Tính tăng thu rất đậm nét trong các đề xuất sửa đổi chính sách thuế. Cần đặt vấn đề tăng thuế trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải tăng chi phí rất lớn như tăng lương tối thiểu, tăng giá xăng dầu. Nếu tăng thuế nữa sẽ ảnh hưởng ngay đến hiệu quả kinh doanh. Hơn nữa, đã có cảnh báo về tốc độ tăng chi phí đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng doanh thu và như vậy rất đáng báo động với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cho biết viện đã có nghiên cứu cho thấy đề xuất tăng thuế GTGT đem lại nguồn thu trước mắt cho ngân sách nhưng khi tính toán tất cả các yếu tố tác động do tăng thuế và các tác động khác thì lại đưa đến một kết quả tiêu cực, tức là kết quả âm chứ không phải tăng thu.
Ông Hiếu cho rằng người dân có quyền nghi ngờ tất cả các chính sách được đưa ra. Trong các đề xuất chính sách cần phải giải thích nhằm mục tiêu gì, tác động toàn diện như thế nào. Sai lầm của Bộ Tài chính là chỉ đưa ra một phương án chính sách, không có căn cứ để so sánh, lựa chọn.
Không nên tăng thuế lúc này
GS-TS Nguyễn Văn Nam, Viện Ngân hàng Tài chính, cho rằng thời điểm này không nên tăng thuế vì Chính phủ đang có phong trào khởi nghiệp. Khi đầu tư, doanh nghiệp phải tính điều kiện đầu tư trong đó có thuế, đất..., chính sách thay đổi thì các phương án đầu tư cũng phải thay đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét