Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

20180522. CÁN BỘ TUỔI TRẺ, TÀI CAO, HẬU DUỆ VÀ PHÚC DÂN ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐẤT NƯỚC SẼ RA SAO KHI CÁN BỘ VI PHẠM KHUYẾT ĐIỂM VẪN CHUI SÂU, LEO CAO?

NGUYỄN HUY VIỆN/ GDVN 20-5-2018


Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng (Ảnh: TTXVN)

Lịch sử dân tộc cũng như lịch sử các quốc gia trên thế giới, việc những kẻ cơ hội, vụ lợi, thậm chí những phần tử phản động vẫn chui sâu, leo cao vào bộ máy nhà nước vẫn xảy ra nhưng không nhiều.
Thông thường, trong quá trình chui sâu leo cao, những phần tử đó rất kín đáo, luôn tỏ ra là người “nhiệt huyết”, “liêm khiết trong sạch”, “chuẩn mực”…
Thế nên từ người dân đến các cơ quan làm công tác nhân sự và cả những người có quyền quyết định bổ nhiệm nhân sự đều bị đánh lừa, khó phát hiện được.
Nhưng ở nước ta có điều kỳ lạ là nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, thậm chí đã bị khiếu kiện hoặc được các cơ quan truyền thông phản ánh nhưng vẫn thăng quan tiến chức đều đều.
Nói có sách mách có chứng, xin nêu một số trường hợp cụ thể trong vô số cán bộ thuộc loại này.
Đó là bà Phan Thị Mỹ Thanh nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
Trong thời gian từ năm 2003 đến năm 2014, liên tục vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng, có tính hệ thống, có những vụ việc dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài; báo chí cũng đã rất nhiều lần lên tiếng. 
Khuyết điểm của bà Thanh được Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 4/5/2018 kết luận:
"Những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân bà Phan Thị Mỹ Thanh.
Căn cứ Quy định số 102 - QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; 
Đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật." (1)
Ấy vậy mà cũng trong thời gian từ năm 2003 đến 2016, bà Thanh liên tục thăng tiến, từ Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai được cất nhắc làm Bí thư huyện uỷ huyện Nhơn Trạch (năm 2009), được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai (năm 2011), được cơ cấu bầu vào Tỉnh uỷ và được bầu làm Phó Bí thư (Nhiệm kỳ 2015 - 2020); được giới thiệu bầu Đại biểu Quốc hội và làm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Khoá XIV (Nhiệm kỳ 2016 - 2021) của tỉnh Đồng Nai.
Đó là Trịnh Xuân Thanh từng leo lên đến ghế Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Khi còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Trịnh Xuân Thanh đã vi phạm khuyết điểm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo kết luận ngày 11/7/2016 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương:
Trong thời gian từ năm 2007 - 2013, Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc Tổng Công ty PVC thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011 - 2013)” (2).
Với tội trạng trên đây, đầu năm 2018, Trịnh Xuân Thanh bị toà sơ thẩm tuyên án chung thân (mức án dành cho tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).
Thế mà từ năm 2013 - 2016, Trịnh Xuân Thanh thăng tiến đến chóng mặt, được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng, Vụ trưởng, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (Nhiệm kỳ 2011 - 2016), Tỉnh uỷ viên Hậu Giang (Nhiệm kỳ 2015 - 2020), được bầu làm Đại biểu Quốc hội (Nhiệm kỳ 2016 - 2021).
Không những vậy, năm 2011, Trịnh Xuân Thanh còn được tuyên dương Anh hùng Lao động Thời kỳ đổi mới.
Một trường hợp khác là Dương Chí Dũng - nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Khi còn là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Dương Chí Dũng đã dẫn dắt doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ nặng nề. Chỉ 6 tháng đầu năm 2011, Vinalines lỗ tới 660 tỉ đồng. (3)
Trước thực trạng đó, ngày 7/9/2011, Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Vinalines.
Theo đánh giá của một cán bộ trong Đoàn thanh tra Chính phủ, những sai phạm tại Vinalines đều diễn ra trong thời gian ông Dương Trí Dũng lãnh đạo doanh nghiệp này (từ tháng 7/2005 - 7/2011). (4)
Cuối năm 2011, đang trong giai đoạn Thanh tra Chính phủ hoàn tất nội dung thanh tra sai phạm của Vinalines thì đầu tháng 2/2012, Bộ Giao thông Vận tải ra quyết định bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Kỳ lạ đến khó tưởng tượng, khi người đứng đầu một doanh nghiệp Nhà nước có nhiều sai phạm nghiêm trọng, thua lỗ nặng nề đang bị thanh tra lại được bổ nhiệm đứng đầu ngành Hàng hải Việt Nam!
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp cục, vụ ở các bộ là việc làm rất nghiêm túc, trải qua rất nhiều quy trình, thủ tục.
Việc Bộ Giao thông Vận tải bổ nhiệm một người có khả năng bị coi là tội phạm trong vụ án kinh tế lớn vào cương vị đứng đầu Cục Hàng hải Việt Nam là một sai lầm…” (5)
Đến năm 2013 và 2014, với tội danh Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản, Hội đồng xét xử toà sơ thẩm và toà phúc thẩm đều tuyên phạt Dương Chí Dũng mức án tử hình (mức án dành cho tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).
Ngoài ra còn một loạt những cái tên khác như bà Châu Thị Thu Nga (nguyên Đại biểu Quốc hội Khoá XIII), ông Ngô Văn Tuấn (nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá), ông Trần Quốc Cường (nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk), ông Võ Kim Cự (nguyên nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh), ông Đinh La Thăng (nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh)…  trước khi được bổ nhiệm hoặc bầu vào những vị trí quan trọng đều vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng.
Thực trạng trên đây cho thấy ba vấn đề:
Thứ nhất: Nhiều địa phương và không ít ban ngành Trung ương đã bỏ qua quy hoạch, quy trình, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, lựa chọn nhân sự bổ nhiệm hoặc bầu vào các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai: Nhân sự chọn ai hoàn toàn thuộc vào ý chí chủ quan của những người nắm quyền quyết định, tức là lạm quyền.
Thứ ba: Quy trình chỉ là để hợp thức quyết định nhân sự của người nắm quyền lực và cũng là tấm khiên, tấm mộc để đối phó với thanh tra, kiểm tra.
Ba vấn đề trên đây giải thích vì sao, trong vô số những sai phạm về công tác tổ chức cán bộ bị công luận phanh phui, nhưng khi thanh tra, kiểm tra đều được khẳng định “đúng quy trình”.
Cũng chính vì ba vấn đề đó mà tệ nạn chạy tội, chạy chức chạy quyền càng ngày càng hoành hành ở các cấp, các ngành.
Để những người từ lừa đảo (như Châu Thị Thu Nga) đến vi phạm pháp luật nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, thậm chí tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (như Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh) vẫn chui sâu, leo cao.
Rồi cả những người mang hàm Tướng trong ngành công an cũng vi phạm dính lứu đến tội phạm cờ bạc.
Lạm quyền cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cả nhà làm quan, cả họ làm quan; ăn đút lót, hối lộ lôi kéo cánh hẩu vào bộ máy Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội.
Chính vì vậy mà càng hô hào tinh giản biên chế thì bộ máy càng phình to, lãnh đạo nhiều hơn nhân viên.
Xin đơn cử cấp bộ, ngành: So sánh thời điểm 2011 với tháng 12/2016, các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) tăng từ 12.216 lên 13.556.
Tương tự, cán bộ cấp vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng từ 3.871 lên 4.619. (6)
Không những vậy, với tình trạng “đồng chí con” kính thưa “đồng chí bố”, “đồng chí vợ” kính gửi “đồng chí chồng”, “đồng chí em” báo cáo “đồng chí anh” …. như tỉnh Hà Giang, huyện Hoài Đức (Thành phố Hà Nội), huyện A Lưới (tỉnh Quảng Bình)… là nguy cơ cho những kẻ độc đoán, lạm quyền biến tổ chức của Đảng, bộ máy chính quyền ở địa phương thành tổ chức của gia đình mình, dòng họ mình để họ tha hồ thao túng, lũng loạn.
Thực trạng này không chỉ là nguy cơ đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ mà còn là nguy cơ đối với vận mệnh Quốc gia.
Bởi vậy, không thể chậm trễ hơn nữa trong việc xem xét cải tiến quy trình, xây dựng tiêu chuẩn, cách thức lựa chọn nhân sự bầu, bổ nhiệm cán bộ vào bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng như việc tuyển dụng công chức, viên chức vào các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội.
Để bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch không thể không tham khảo, tiếp thu vận dụng phương cách tổ chức bầu cử, xây dựng nhà nước pháp quyền của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Vì đó là tinh hoa của nhân loại và trở thành những giá trị phổ quát của thế giới văn minh.
Nếu chúng ta tẩy chay hoặc dè dặt tiếp thu thì vô tình kéo lùi dân tộc lại phía sau, kinh tế đất nước vẫn sẽ có khoảng cách cả trăm năm so với những nước phát triển mà không biết đến ngày nào mới đuổi kịp.
Tài liệu tham khảo:
NGUYỄN HUY VIỆN
CON LÃNH ĐẠO LÀM LÃNH ĐẠO MANG LẠI HẠNH PHÚC CHO DÂN TỘC NHƯ THẾ NÀO ?
NGUYỄN TƯỜNG THỤY/ Blog RFA 19-5-2018
Hình minh hoạ. Ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Đà Nẵng dự một cuộc họp ở Hà Nội hôm 24/3/2017
Hình minh hoạ. Ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Đà Nẵng dự một cuộc họp ở Hà Nội hôm 24/3/2017-Reuters
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 8, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu một câu nổi tiếng đến mức ai cũng nhớ, có thể tóm gọn như sau: Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc cho dân tộc.
Có vẻ như câu nói này, bà vận vào chính bản thân bà vì cha bà trước đây từng làm bí thư tỉnh ủy Tây Ninh. Nay bà làm Chủ tịch HĐND thành phố lớn trực thuộc trung ương lại thêm chức phó bí thư thành ủy nên có thể xem chức của bà ngang ngửa với ông cụ thân sinh.
Như vậy, bà thuộc diện con lãnh đạo làm lãnh đạo. Không biết bà đã đem lại hạnh phúc cho dân tộc như thế nào. Chỉ biết rằng, hôm bà tiếp xúc với dân bị cướp đất Thủ Thiêm, toàn thấy nỗi bức xúc, oán hờn, tiếng than khóc như ri. Dân còn lôi thẳng tên bà ra chất vấn. Khi ông Tất Thành Cang, lạm quyền phê duyệt bán rẻ 32 héc ta đất của Công ty Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai thì bà thản nhiên nói với cử tri rằng 32 héc ta này không phải là đất công do tài sản ấy hình thành từ vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp. Thành ủy đã chỉ đạo hủy hợp đồng nên nhà nước không... thiệt hại gì. Phát ngôn của bà cẩu thả tới mức, báo Người tiêu dùng mắng bà như mắng trẻ “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”.
Bà Tâm còn nhiều phát ngôn lạ tai nữa. Bà cứ nói câu nào là dư luận giễu cợt câu đó. Phải chăng, dân tộc đang hạnh phúc vì những việc bà làm.
Xin nhắc thêm vài ví dụ để xem con lãnh đạo làm lãnh đạo, dân tộc hạnh phúc đến đâu.
Nguyễn Xuân Anh là con ông Nguyễn Văn Chi, nguyên ủy viên Bộ Chính trị. Xuân Anh được nhanh chóng đưa vào Trung ủy, đề bạt lên tới chức Bí thư tỉnh ủy Thành phố Đà Nẵng khi chưa đầy 40 tuổi. Chỉ hai năm sau, Xuân Anh bị kết luận vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tháng 10 và tháng 11/2017, Xuân Anh lần lượt bị cách tuốt mọi chức vụ: Ủy viên trung ương, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tp Đà Nẵng.
Lê Phước Hoài Bảo là con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh.  Hoài Bảo có sở thích chơi chim nên luôn sưu tầm những loại chim hót hay, nhảy đẹp. Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư khi mới 30 tuổi. Nhưng cũng chỉ hơn 2 năm sau, Bảo bị kết luận không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định trong thời gian đi học ở nước ngoài.
Lê Phước Hoài Bảo bị khai trừ ra khỏi đảng, cách chức Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, chuyển xuống làm chuyên viên Sở KH - ĐT tỉnh Quảng Nam. Không chỉ thế, Bảo còn bị  thu hồi toàn bộ các quyết định bổ nhiệm trước đó như thể Bảo chưa bao giờ kinh qua các chức vụ: công tác tại UBND huyện Thăng Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phó GĐ Sở KH&ĐT Quảng Nam. Đây là một kiểu kỷ luật lạ đời, mới được sáng tạo ra, bắt đầu từ vụ kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công thương. Ngoài ra, Bảo còn bị cấm làm lãnh đạo Sở KH&ĐT, bị cấm tham gia các ban chỉ đạo, hội đồng, tổ chức tư vấn, giúp việc do UBND tỉnh thành lập.
Lê Trương Hải Hiếu, là con trai nguyên bí thư Thành ủy Tp HCM Lê Thanh Hải. Hiếu được đề bạt lên Phó bí thư quận ủy, Chủ tịch quận 12 khi mới 34 tuổi. Hiếu “can tội” quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng không báo cáo với tổ chức. Kể ra, Hiếu chưa vợ nên việc có con với người yêu khi chưa cưới cũng là chuyện thường, nhưng Hiếu lại là người đang giữ các trọng trách nên mọi việc làm cần cẩn thận hơn, tránh “quan trên trông xuống, người ta trông vào”.  Kể ra vụ kỷ luật này khá lãng nhách. Với mức kỷ luật thấp nhất có thể là khiển trách, mang tính nhắc nhở, răn đe là chính, Hiếu còn nhiều cơ hội để “mang lại hạnh phúc cho dân tộc” như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Nguyễn Thanh Nghị con trai cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nghị được giữ chức Phó chủ tịch Kiên Giang khi mới 38 tuổi và năm sau thì được làm bí thư tỉnh khi mới 39 tuổi, tức là cũng thuộc diện “tuổi trẻ tài cao” như Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng. Dư luận có nhiều đồn đoán về sự nghiệp chính trị của Nguyễn Thanh Nghị, tương lai thế nào chưa rõ. Chỉ biết một dạo, từ hồi tháng 11/2016 có lùm xùm về việc xe Range Rover Evoque màu trắng, mang biển số xanh 68A.001.43 của công an được điều đi công tác, hay sai phạm về đất đai tại huyện đảo Phú Quốc. Sau đó chuyện cũng qua đi.
Nhắc lại mấy vụ để thấy rằng, con quan làm quan có phải là do tuổi trẻ tài cao, là hạnh phúc cho dân tộc hay không. Việc con lãnh đạo làm lãnh đạo thì nhiều lắm, ở cấp nào cũng có. Cao là mấy quan đầu tỉnh và trung ương, vừa vừa là dạng đầu cơ quan tỉnh và tương đương, làng nhàng là quan huyện, dưới nữa là quan xã. Không nơi nào là không có con lãnh đạo làm lãnh đạo. Dù có biện minh kiểu gì thì dân chúng đều hiểu rằng, các cậu ấm, cô chiêu lên lãnh đạo là nhờ cái bóng của phụ mẫu chứ tuổi trẻ tài cao gì. Tất nhiên, không phải cứ con lãnh đạo là bất tài nhưng tìm ra một vài gương mặt xem chừng rất hiếm. Vì con đường thăng tiến quá dễ dàng, yên tâm với cái ô của phụ mẫu nên các cậu ấm, cô chiêu này dễ sinh ra chủ quan. Sống trong nhung lụa, kiến thức xã hội non nớt, thiếu kinh nghiệm chính trường lại không chịu tu dưỡng nên không tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc. Vì vậy, lấy đâu ra hạnh phúc của dân tộc từ nguồn này như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó bí thư thành ủy, chủ tịch HĐND Tp HCM nói.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét