Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

20180527. TINH HOA CỦA TINH HOA !

ĐIỂM BÁO MẠNG
AI LÀ 'TINH HOA CỦA TINH HOA' ĐÂY ?

TƯƠNG LAI/ BVN 26-5-2018

Hình ảnh có liên quan

Báo chí “chính thống-lề phải” đang rộn ràng chuyện 600 cán bộ cấp “chiến lược”. Có lẽ lâu nay toàn chuyện đấm đá, bắt giam, cầm tù với những phiên tòa với bản án bỏ túi… tạo nên một không khí nồng nặc sát khí, nay được dịp nói chuyện “ngày mai tươi sáng” nên thả giàn mà cao đàm khoát luận.
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực của Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội Việt Nam thì bay bổng với những ngôn từ có cánh rất chi là uyên bác kiểu “tuần hoàn sinh, tử”, “chấn diệu hồng đồ”, “vạn sĩ hàm đan” để nói về “cán bộ chiến lược” là “những người có năng lực tư duy vượt trội, thấu hiểu quy luật vận động của tự nhiên - xã hội, cảm nhận được những biến thiên của đất, trời, thấu tỏ muôn triệu nhân tâm, dự báo được quá trình hình thành, phát triển, diệt vong và sự tuần hoàn sinh, tử của vạn vật… người có khả năng thuyết phục muôn người bằng chính tấm gương về trí tuệ và phẩm hạnh đạo đức của bản thân, làm ngọn cờ dẫn dắt các lực lượng xã hội đi theo, khai thác triệt để nguồn lực và biết trọng dụng nhân tài, thực bồi nguyên khí, chấn diệu hồng đồ để muôn dân ngưỡng vọng và vạn sĩ hàm đan đi theo. “Cán bộ cấp chiến lược” là “lương đống của quốc gia, xã tắc” có lòng tự trọng và liêm sỉ, hội đủ các phẩm chất của Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, chí thành tâm huyết…”.
Ông Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản thì dõng dạc mà xướng lên rằng với văn kiện này thìcán bộ cấp chiến lược” sẽ là những rường cột quốc gia, làtinh hoa của tinh hoa dân tộc.  Mà “cán bộ chiến lược” là ai? Đó là “600 cán bộ cấp chiến lược gồm các cán bộ trong Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ trưởng, trưởng các ngành, thứ trưởng, phó trưởng các ngành, bí thư và phó bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch UBND và HĐND tỉnh” theo giải thích của Vụ trưởng của Ban Tổ chức Trung ương Phạm Quang Hưng. Vậy là những vị này đích thị là tinh hoa của tinh hoa dân tộc! Rồi sẽ họ là những thiên tài “thấu hiểu quy luật vận động của tự nhiên - xã hội, cảm nhận được những biến thiên của đất, trời, thấu tỏ muôn triệu nhân tâm, dự báo được quá trình hình thành, phát triển, diệt vong và sự tuần hoàn sinh, tử của vạn vật” để vạch ra “chiến lược” mà “lịch sử xưa nay chưa từng có”.
Oách chưa? Thật đúng đây cũng là cách tự sướng mà “lịch sử xưa nay chưa từng có”, nghe cũng đủ ngây ngất! Nó minh họa sống động cho chuyện lò ông Trọng cháy rừng rực để nướng thịt những “đồng chí chiến lược” một cách “nhân văn” cũng theo đúng “quy trình” bổ nhiệm của bộ sậu nắm quyền tối thượng, để rồi một ngày bất định nào đó chuyển thành giặc nội xâm phải diệt bằng được với bất cứ thủ đoạn nào, kể cả thủ đoạn bắt cóc.  Thế là từ “tinh hoa của tinh hoa dân tộc” đến “ăn không chừa một thứ gì” để phải đưa vào lò, rồi lại theo đúng quy trình để một ngày đẹp trời nào đó, lại ra đời một kiểu loại mới những “cán bộ chiến lược” rồi sẽ là “tinh hoa của tinh hoa của dân tộc” thì quả là “lịch sử chưa từng có” chứ còn gì nữa?
Mới hôm nào bà Phó Doan than vãn “họ ăn của dân không từ một thứ gì” tại cuộc họp của Ban Thường vụ Quốc hội: “Tiền của các cháu dân tộc thiểu số còn bị biển thủ đến gần 3 tỷ đồng, liều vacxin tiêm cho một cháu, lại san ra tiêm cho hai cháu, tôi càng đi càng thấy buồn, ăn không chừa một thứ gì”. Ê chệ hơn nữa, “đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế mà không có tiền là mệt, cô y tá chích vào người cũng đau hơn” (Tuổi Trẻ ngày 11.9.2013). Nhưng được cái là “cô y tá” không thuộc “cán bộ chiến lược”, mà các “tinh hoa của tinh hoa” thì cũng chẳng gặp cô làm gì nên chắc khó trải nghiệm nỗi đau của cây kim chưa được nhúng tiền ấy nên có cách đâm vào da thịt “hơi bị mạnh” , vì “cán bộ chiến lược” đâu cần chữa bệnh ở chốn này!
Còn chuyện suy ra cái gốc để nảy nòi ra những chuyện tồi tệ cỡ ấy cũng chính là do cách tuyển chọn “cán bộ chiến lược” của chế độ toàn trị phản dân chủ đặt ý thức hệ lên trên tổ quốc, đưa cương lĩnh của đảng đè lên trên Hiến pháp, dùng chỉ thị của một nhóm người thao túng quyền lực để đưa ra những bản án bỏ túi áp đặt cho phiên tòa, biến việc xử án trở thành trò hề để những chuyện tồi tệ, hư hỏng đáng xấu hổ nhưng cũng đáng thương ấy ngày càng phổ biến thì không phải ai cũng có thể nói ra công khai. Phải ngậm miệng ăn tiền, giả đui giả điếc mà nếu có mở miệng thì phải ăn theo nói leo những lừa mỵ, bịp bợm thì mới có thể được coi là “lương đống của quốc gia, xã tắclà “rường cột quốc gia, tinh hoa của tinh hoa dân tộcchứ!
Không thế thì hãy nhìn vào gương những người yêu nước chống Trung Quốc xâm lược dám công khai vạch rõ âm mưu và thủ đoạn của bọn cướp nước đang bị gây sức ép bằng bao vây, ngăn chặn, “bắt cóc”, dằn mặt để rồi hành hung gây thương tích mà việc bức hại Huỳnh Tấn Mẫm gần đây là một ví dụ. Nên nhớ rằng Huỳnh Tấn Mẫm từng là nhân vật tiêu biểu trong cuộc đấu tranh cam go của thanh niên, sinh viên Miền Nam trước 1975, được cử tri thành phố Sài Gòn bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI, khóa đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất.
Cần nhắc lại rằng, đây không phải là lần đầu tiên trong ba năm gần đây kể từ lần bị cướp micro để cắt lời anh trong cuộc mít tinh chống Trung Quốc xâm lược ngày 15.5.2015 trước thềm Nhà hát thành phố. Hai lần trước, Huỳnh Tấn Mẫm đã bị ngất bởi những thủ đoạn ác hiểm, người dân đã kịp thời đưa đi cấp cứu. Anh đã phải nằm bệnh viện một thời gian mới bình phục. Lần này, Huỳnh Tấn Mẫm đi xe gắn máy từ trường Trẻ em tự kỷ do anh phụ trách ra, đi sát mép phải đường Điện Biên Phủ dành riêng cho xe hai bánh thì một ô tô từ làn đường dành cho loại xe bốn bánh lao sang, từ phía sau húc thẳng khiến xe gắn máy và Huỳnh Tấn Mẫm bị hất văng đi hơn 5 mét. Bị trọng thương, anh được bà con đưa đi cấp cứu, cho đến nay, thân hình anh vẫn còn nhiều chỗ bầm tím, đầu gối vẫn còn bị sưng sau gần ba tuần bị húc ngã. Trả lời câu hỏi của bạn bè sao anh không báo ngay cho công an, anh mỉm cười cay đắng: “Tôi đã có kinh nghiệm của những lần trước nên chẳng muốn mất thì giờ vô ích”!
Phải nói thêm rằng, không chỉ một Huỳnh Tấn Mẫm “có kinh nghiệm” cay đắng này. Cùng với trải nghiệm mà Huỳnh Tấn Mẫm vừa nói còn có Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, Hạ Đình Nguyên, Bùi Tiến An, Nguyễn Văn Ly (Tư Kết) và nhiều người khác nữa, những người từng vào sinh ra tử trong phong trào đấu tranh trước 1975, những cựu tù chính trị Côn Đảo nay lại được “hân hạnh” nếm trải những đòn thù nhơ bẩn chắng khác là bao với kẻ thù của mình trước 1975 từ những kẻ nhân danh “bảo vệ chế độ”!
Xin dẫn ra trường hợp Lê Công Giàu. Anh đã từng kiên nhẫn mềm mỏng giảng giải cho những chàng trai được lệnh đến bao vây, ngăn chặn anh, vi phạm một cách thô bạo quyền công dân đã được ghi vào Hiến pháp, mời ngồi cùng ăn sáng để chuyện trò giúp họ hiểu ra sự vi hiến, phạm pháp của chủ trương mà họ đang là công cụ phải thực hiện. Và rồi anh đã có bài học từ trải nghiệm ngày 25.3.2018 vừa rồi khi “chủ trương” của ai đó được đẩy tới một cách quyết liệt hơn. Cho dù đã mềm mỏng và kiên trì giải thích, đám người mới được phái đến có vẻ bặm trợn và xấc láo hơn đám trước, khi anh vừa bước lên xe đã hung bạo bẻ quặt tay anh rồi khiêng xuống đường và quát bảo tài xế xe buýt phải “Chạy đi, không được chở ông này”. Thế là nguyên Tổng Thư ký Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn (1966), nguyên Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn TNCS tp HCM (1975) cũng cùng chung số phận như cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm, chỉ khác là anh bị “khiêng xuống xe” chứ không là bị “ném lên xe như ném một con vật” rồi chở đi sau khi bị đạp gãy xương đùi trong mưu toan định thủ tiêu ngọn cờ đấu tranh bất khuất của nhân dân Đồng Tâm ngày 15.4.2017 như vị lão nông 82 tuổi đời, 55 tuổi đảng đã kể lại!
Mà đâu chỉ một ứng xử thất nhân tâm với một chiến sĩ kiên cường từng bị địch tra tấn dã man chết đi sống lại trong nhà tù trước 1975! Những thủ đoạn bỉ ổi và tệ hại như “bắt cóc” Hạ Đình Nguyên, gây “sự cố đụng xe” để mời về đồn đối với Bùi Tiến An, Tư Kết, những cựu tù chính trị Côn Đảo, và nhiều người nữa bằng những chiêu trò bẩn thỉu được dàn dựng kỹ lưỡng không thể liệt kê hết ra đây.
Vậy là đã kết thúc một thời kỳ mà những người dấn thân đi đầu trong cuộc chiến đấu, vì lý tưởng cao cả đã sẵn sàng hy sinh tính mạng, quật cường bất khuất chống lại bạo quyền, chịu đựng thương tật trong ngục tù Côn Đảo nay tiếp tục muốn giữ khí tiết và phẩm chất. Cũng có thể biện hộ rằng thời kỳ đấu tranh lật đổ chế độ cũ đã qua, đã đến lúc lớp “tinh hoa của tinh hoa” phải  là lớp người tài năng trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.
Nếu thế thì hãy thử hỏi những tài năng đích thực, những bản lĩnh khoa học được khẳng định không chỉ với giới khoa học trung thực trong nước và giới khoa học thế giới trân trọng như những Tạ Quang Bửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Lê Văn Thiêm và gần đây nhất là Ngô Bảo Châu và nhiều tài năng khác nữa thì thế nào? Hãy chỉ nói cách ứng xử với một tài năng toán học vừa qua đời, giáo sư Phan Đình Diệu làm ví dụ. Chỉ bằng những phát biểu thẳng thắn của nhà toán học tại diễn đàn Quốc hội khóa VI và Mặt trận Tổ quốc, thể hiện rõ bản lĩnh của một trí thức chân chính, ông đã bị gạt khỏi Quốc hội. Người ta dùng một bồi bút (cũng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận cùng với ông) viết bài trên báo Nhân Dân phê phán, lăng mạ ông nhưng khi ông viết trả lời thì báo Nhân Dân ỉm đi không đăng. Nhà cầm quyền e ngại những tiếng nói tâm huyết của một nhà khoa học có tầm nhìn vượt khỏi quỹ đạo của giáo điều, bảo thủ sẽ có sức vẫy gọi trí tuệ và lương tâm của thế hệ trẻ và giới trí thức. Chế độ toàn trị phản dân chủ rất sợ tiếng nói của sự thật, nhất là khi sự thật được nói lên bởi những trí thức có uy tín.
Chẳng riêng một Phan Đình Diệu nhận được cách ứng xử như vậy. Việc huy động một lũ “dư luận viên” lăng mạ giáo sư Ngô Bảo Châu nhân một ý kiến thẳng thắn của ông cho thấy người ta đã làm gì với một tài năng trẻ đem vinh quang về cho đất nước. Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai sau Nhật Bản có nhà toán học nhận được giải Fields, thành tựu khoa học của nhà toán học trẻ Việt Nam là một trong 10 phát kiến khoa học quan trọng nhất của năm 2009 như tạp chí Time của Mỹ nhìn nhận. Điều ấy dường như không là gì đối với những đầu óc xơ cứng bị trói chặt trong mớ giáo điều ý thức hệ chỉ cần những kẻ ăn theo, nói theo, trung thành với mớ lý thuyết mốc meo của họ! Những tầm vóc trí thức không thể trói mình trong cái xiềng ý thức hệ cũ kỹ ruỗng nát mà rêu phong đã phủ lên tầng tầng lớp lớp thì đúng là không thể “chấn diệu hồng đồ để muôn dân ngưỡng vọng và vạn sĩ hàm đan đi theo” theo cách quan niệm của những người vạch kế hoạch cho ra lò một cơ cấu mới “cán bộ cấp chiến lược, tinh hoa của tinh hoa” được!
Vậy thì ai đây đang được xem là hoặc sẽ là “tinh hoa của tinh hoa dân tộc” đây? Hãy chỉ dẫn ra một ví dụ nóng hổi đang dấy lên làn sóng phẫn nộ về tầm vóc của một ngài bộ trưởng nọ “chỉ xuẩn về chữ, chứ rất gian về tâm, về trí. Là sự ngu độn về ngôn ngữ, nhưng đây chẳng phải sự ngu độn thật thà. Ngu cái này nhưng cáo già trong cái khác, là sự trí trá về lập luận, là sự xảo quyệt về ý đồ, sự lỳ lợm và trắng trợn trong thái độ đối với người dân. Khi sự gian xảo xuất phát từ một quan chức cấp Bộ và những cố vấn của ông ta, nó là sự  phá hoại tính công chính của Nhà nướcĐây là nói về cái ngu của một “cán bộ chiến lược” từ một cây bút có trách nhiệm rất quen thuộc với công chúng: tiến sĩ Trần Đăng Tuấn.
Và rồi không phải là ngẫu nhiên mà cùng với Trần Đăng Tuấn  là hàng loạt những cây bút có trách nhiệm khác như tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, giáo sư Trần Ngọc Vương, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thẳng thắn chỉ rõ “sự vi phạm chuẩn mực ngôn ngữ có chủ đích… khi từ bên trong đã có một sự lúng túng rối rắm, thì lời phát ra thường khuất tất, quanh co, được khoả lấp bằng những thủ pháp tạm gọi là giả tu từ học, đó là một thủ đoạn gọi là ngu” có chủ định. Chủ định gì, đó là câu hỏi mà mọi người đều có thể tự tìm câu trả lời”!
Câu trả lời thì đã có sẵn, chẳng cần phải viết gì thêm về “cái ngu có chủ định” ấy làm gì khi mà “hành pháp thì biến thái, tư pháp thì thối tha, lập pháp lại ngu dốt. Quan chức vừa tham lam, vừa hèn, lại xảo ngôn, ngụy biện” như tác giả của bài viết “Thua toàn tập” đã tổng kết. Nếu để cho thật tường minh thì nhân chuyệnông đại biểu Quốc hội nọ cao giọng tại diễn đàn Quốc hội: “Dù siêu lợi nhuận nhưng người bán trà đá tại Việt Nam lại không đóng đồng nào cho ngân sách mà nói đến một bài viết trên mạng ngày 23-5-2018 về Câu lạc bộ “nhóm ngu nhất” của FB Đinh Thế Hiển bàn về tương đối và tuyệt đối: “Cái gì cũng cần tính đến tương đối – tuyệt đối; tức là không có ngu tuyệt đối, mà chỉ có ngu thuộc nhóm ngu nhất mà thôi! Hình như ngày càng lộ ra những người tham gia clubnhóm ngu nhất” này!
Khi trong hàng ngũ những người được xem là “cán bộ cấp chiến lược”, là những “rường cột quốc gia” mà lại tóe loe ra những chuyện đáng xấu hổ như vậy thì rồi cái gọi là “tinh hoa của tinh hoa dân tộc” rồi sẽ ra sao đây?
Liệu có phải vì thế mà một bài báo vừa xuất hiện trên mạng của một ngòi bút năng nổ xưa nay bỗng nổi đóa lên mà tung hê cả ra: “Nửa năm sau những triệu chứng nguội lạnh bất thường tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017, một lần nữa lại xuất hiện dấu hiệu đổ bệnh của “lò ông Trọng” ở Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018. Thế là, danh xưng “Người đốt lò vĩ đại”, và tiếp đó vài ba văn sĩ cận thần xưng tụng là “Minh quân” và “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” đang khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lão thành, công chức và người dân vốn còn nặng tâm lý “theo đảng, tin đảng” một lần nữa suýt vỡ tim vì thất vọng. Hiện tại và tương lai, ông Trọng dù có muốn cũng không còn nhảy khỏi lưng cọp được nữa. Nhưng lại đang có những biểu hiện cho thấy ông Trọng đang thỏa mãn quá sớm với bản thành tích chống tham nhũng còn quá ít ỏi của ông, để trong khi tương lai trở thành “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” và “lưu danh sử xanh” thì cứ mờ dần không hiểu đến lúc nào thì “thua toàn tập” đây? Cho dù có sự tung hê vào phút thăng hoa bất chợt đi nữa thì bằng những gì đang diễn ra, người ta không thể không suy ngẫm về những gì ngòi bút kia nói đến. Mà có điều đó vì, xã hội đã quá dị ứng với cái thói “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” khiến người ta nhớ đến câu tục ngữ “dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”. Người ta quên mất rằng “Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn, là những kẻ không có đủ trí óc để trung thực”. Đó lời cảnh báo của Benjamin Franklin, nhà lãnh đạo thời đại Khai sáng, một trong những người lập nước nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ.
Ở phương Đông thì Đạo đức kinh của Lão Tử từng viết: “Ta có ba cái quý: cái thứ nhất là nhân từ, cái thứ hai là tiết kiệm, cái thứ ba là không dám xem mình đứng trước thiên hạ”. Còn trong giáo lý Đạo Phật thì chỉ rõ “Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại” là điều thứ hai trong 14 điều răn. Tự cao tự đại trái ngược với khiêm tốn… người thành công là người biết mình là ai, hiểu rõ bản thân mình, tránh được những sân hận do lòng đố kỵ, tự cao của chính bản thân mình gây ra.
Gần gũi hơn có lẽ nên nhắc đến cái bổn cũ soạn lại về “học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh”, bài tụng niệm dai dẳng nhất dùng làm cái bình phong che chắn cái thực trạng ruỗng nát nên mọi ngôn từ tuyên giáo dường như đã quá mất thiêng, nhưng lại quên một trong những điều phải học nhất là sự khiêm nhường và ý thức trọng dân. Xin nhắc lại đây một phát biểu chân thành của Salvador Allende, tổng thống Chi Lê, vị chính khách nước ngoài cuối cùng tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi một nhà báo châu Âu hỏi: “Ba đức tính của những nhà chính trị mà Ngài muốn có và với ai Ngài sẽ lấy làm gương?”. Ông trả lời: “Tính liêm khiết, lòng nhân đạo và đức khiêm tốn tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Mà quên cũng phải, vì trong thời buổi này muốn “để muôn dân ngưỡng vọng và vạn sĩ hàm đan đi theo”, để là “lương đống của quốc gia, xã tắc”, là “tinh hoa của tinh hoa dân tộc thì phải “trí trá về lập luận, xảo quyệt về ý đồ, lỳ lợm và trắng trợn trong thái độ đối với người dân” hoặc “ngu có chủ định”! Sự lố bịch thì có nhiều dạng, nhiều cấp độ. Nhưng lố bịch đến cỡ này thì đáng ghi vào “Kỷ lục Guinness” của thế giới!
Thật ra thì cách đây khá lâu, Trần Độ đã từng đau xót vạch trần cái sự thật thê thảm “Nói thì “dân chủ, vì dân”, mà làm thì chuyên chính phát xít. Cái đặc điểm đó cũng có nghĩa là nói dối, nói láo, lừa bịp, trò hề “nói vậy mà không phải vậy”. Suốt ngày đóng trò, cả năm đóng trò, ở đâu cũng thấy các vai hề, ở đâu cũng thấy các trò lừa bịp. Suốt ngày đêm, suốt năm tháng cũng lúc nào cũng chỉ nghe thấy những lời nói dối, nói lừa”.
Từ thực trạng đó mà hãy tìm câu trả lời cho câu hỏi vừa đặt ra!
T. L.
Tác giả gửi BVN.

NGU CÁI NÀY NHƯNG CÁO GIÀ TRONG CÁI KHÁC *

TRẦN ĐĂNG TUẤN/ FB TĐT/ BVN 26-5-2018

BOT,trạm thu giá BOT,phí BOT,giá BOT,Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể
1- "Thu giá" là sự ngu độn về ngôn ngữ. Nhưng đây chẳng phải sự ngu độn thật thà. Ngu cái này nhưng cáo già trong cái khác. Bởi vì:
2- 'Thu giá" là sự trí trá về lập luận. Đường BOT không phải là "sản phẩm của doanh nghiệp". Nếu doanh nghiệp mua quyền sử dụng đất, làm đường riêng không dính gì vào các tuyến đường của nhà nước, thì đó mới là sản phẩm doanh nghiệp, họ định giá vé thế nào, có ai đi là việc của họ. Còn BOT là sản phẩm của hợp tác công tư. Doanh nghiệp làm đường trên đất nhà nước cho, cải tạo đường vốn có của xã hội, được khai thác trong thời hạn nhất định để hoàn vốn và có lãi trong khuôn khổ được định ra qua phương án tài chính. Hiện nay đa số các dự án đó ký với nhà nước là hợp đồng "mở". Nghĩa là thời gian họ được thu tiền căn cứ vào lưu lượng xe đi qua và mức phí xe đi qua phải trả. Cho nên họ mới được kêu ca là thu thấp thì phải thu lâu hơn. Bây giờ nói là sản phẩm của họ tức là phủi cái phần của dân của nước trong BOT đó. Thử hỏi nếu nó là sản phẩm của doanh nghiệp sao lại phải kiểm soát xác minh số tiền thực đầu tư, số tiền thực mỗi ngày thu vào như vừa qua đã buộc phải làm?
3- "Thu giá" là sự xảo quyệt về ý đồ. Việc thu tiền vé đi đường BOT theo cách thực hiện ở Việt Nam thời gian qua xung đột với quy định về phí theo pháp luật. Tách nó ra khỏi phí là để hợp pháp hoá việc thu tiền lần thứ hai đối với người dân trên nhiều đoạn đường BOT, đánh bật khỏi tay người dân vũ khí pháp lý hợp pháp để phản đối sự bất công thiếu minh bạch.
4- "Thu giá" là sự lỳ lợm và trắng trợn trong thái độ đối với người dân. Dân không phản đối BOT, dân không phản đối chuyện đi đường BOT tốt hơn thì phải nộp tiền. Cũng không phải BOT ở chỗ nào cũng không hợp lý. Có những đường, cầu BOT làm cả vùng xưa nay thiếu đường, thiếu cầu nay đi lại giao thương thuận lợi hơn. Cái đó dân ủng hộ. Dân phản đối cái gì? Dân phản đối chuyện đường quốc lộ số 1 của đất nước tráng lên một lớp rồi thu như thể đường đó họ làm ra từ đầu. Dân phản đối chuyện không có lựa chọn, đi đường nào cũng phải nộp BOT. Dân phản đối chuyện khai khống giá trị đầu tư BOT rồi từ đó định ra giá vé và thời hạn thu. Dân phản đối chuyện cầu nhà nước làm vẫn đi được bị ngăn lại lùa xe sang bắt đi cầu mới phải trả tiền BOT. Dân phản đối chuyện cho thu BOT cả đường mới lẫn đường cũ để lùa dân sang đường mới BOT. Dân phản đối chuyện không dùng đường BOT nhưng buộc phải đi qua trạm và phải mất tiền. Dân phản đối chuyện ém giảm số lưu lượng xe qua trạm BOT để thu lời tối đa. Dân phản đối chuyện chẳng có cuộc đấu thầu nào cả mà chỉ số quan chức cùng doanh nghiệp ký với nhau làm BOT chỗ này, chỗ kia. Dân phản đối chuyện làm BOT có thể "tay không bắt… vàng". Dân phản đối vì đóng thuế, đóng phí đường bộ và đóng góp suốt bao năm bây giờ đất nước đến con đường xuyên Việt đầu tiên cũng chi chít trạm thu tiền. Dân phản đối vì tiền nộp BOT nhiều hơn chi cho xăng dầu, mọi hoạt động kinh tế hay dân sinh đều bị thêm gánh nặng.
Những cái đó có không? Dân phản đối có sai không?
Đành là có những cái sai đã xảy ra nhưng khó xoá đi làm lại được, mà phải chấp nhận hậu quả, thì cách làm vẫn là phải nhìn vào bản chất sự thật mà nói với dân.
Thay vì thẳng thắn rành mạch với dân, cùng dân tìm giải pháp khắc phục, thì lấy chữ mà che đậy bản chất vấn đề, nặn ra cái cơ sở lý cùn để ép dân phải theo. Đó là cái cách mà ngài Thể chọn.
5- Do vậy, "thu giá" chỉ xuẩn về chữ, chứ rất gian về tâm, về trí. Khi sự gian xảo xuất phát từ một quan chức cấp Bộ và những cố vấn của ông ta, nó là sự phá hoại tính công chính của Nhà nước. Tôi sẽ rất thất vọng nếu cái cách cư xử này được Nhà nước cho qua.
T.Đ.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét