Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

20180526. ĐỂ 'HỒI TỴ' THỜI NAY HIỆU QUẢ

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỂ 'HỒI TỴ' HIỆU QUẢ

GIA MINH/ TBKTSG 26-5-2018
(TBKTSG) - Đề xuất không để cho người địa phương đứng đầu tỉnh, thành ở địa phương mình đã trở thành một chủ trương sau khi Hội nghị Trung ương lần thứ 7 kết thúc vào cuối tuần qua. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu đã nói rõ “từng bước thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy, cấp tỉnh, cấp huyện không là người của địa phương”.
Trước khi hội nghị này diễn ra, báo chí qua thông tin chưa chính thức đã nói đến đề xuất này. Nhiều chuyên gia, học giả trong cũng như ngoài nước nhiệt tình tham gia ý kiến, phần lớn cho rằng biện pháp này mang tính tích cực trong phòng chống tham nhũng, hạn chế tệ nạn bè phái “một ông làm quan cả nhà làm cán bộ”, thậm chí có người cho rằng “cũng cải thiện được một phần tính tương đối trung lập của bộ máy quan chức”. Thế nhưng cũng có ý kiến lo ngại rằng một người nơi khác đến liệu có thể hiểu biết hết về địa phương để đưa ra những chính sách tốt nhất hay không.
Thật ra, chuyện bố trí người nơi khác đến làm quan đầu tỉnh ở một địa phương không có gì mới ở nước ta. Hơn 500 năm trước đây, dưới triều vua Lê Thánh Tông (1442-1497), bộ Lê Triều hình luật - còn gọi là Luật Hồng Đức - đã nói đến nguyên tắc bố trí quan lại với tên gọi là “Hồi tỵ”.
Hồi tỵ có nghĩa là “tránh đi”, theo đó những người có quan hệ huyết thống, đồng hương không được bổ nhiệm làm quan ở cùng một địa phương. Nếu gặp trường hợp này thì phải báo cáo với triều đình để thuyên chuyển người thân đi nơi khác. Theo Luật Hồng Đức thì: Quan lại không được lấy vợ, làm thông gia nơi mình cai quản, không được tậu đất vườn nơi mình làm quan lớn...
Vua Minh Mạng triều Nguyễn (1820-1841) vốn là người nghiêm khắc trong việc thực thi phép nước, nguyên tắc hồi tỵ được ông quy định chặt chẽ hơn: Các quan lại không được làm quan ở trú quán, ở quê vợ, quê mẹ và ngay cả nơi học tập thời trẻ. Dịch lại ở nha môn của các bộ tại kinh đô và các tỉnh nếu là cha con, anh em ruột, anh em họ, phải tách ra bổ nhiệm làm việc nơi khác .
Khi ban hành những quy định ngặt nghèo như vậy, chắc hẳn các nhà làm luật thời phong kiến đã nắm bắt được quy luật muôn đời về tương quan quyền và lợi, để tìm cách khắc chế sự lạm dụng, làm trong sạch bộ máy cai trị.
Việc bố trí quan chức lãnh đạo như vậy cũng đã từng diễn ra ở nước ta gần đây với chủ trương “luân chuyển cán bộ”, bổ nhiệm người địa phương này về làm bí thư thành uỷ, tỉnh uỷ ở địa phương khác, nhưng liệu có phải kế thừa nguyên tắc hồi tỵ hay vì một mục đích gì khác? Có điều là sau một thời gian ngắn chẳng khác gì thời kỳ chuyển tiếp, phần lớn các vị ấy được bổ nhiệm vào một vị trí cao hơn (ít có trường hợp hiếm hoi nửa đường đứt gánh như ông Đinh La Thăng). Thế nhưng, dường như việc luân chuyển như vậy không tạo ra được những diễn biến tích cực rõ nét trong đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương nơi các vị đã từng tại chức như kỳ vọng của nhiều người.
Pháp lệnh cán bộ, công chức sửa đổi năm 2003 cũng nói rõ: người đứng đầu và cấp phó cơ quan, tổ chức không được bố trí vợ hoặc chồng, bố mẹ, con, anh chị em ruột của mình giữ chức vụ lãnh đạo về tổ chức nhân sự... Thế nhưng có mấy ai nghe đâu, vẫn chuyện một ông làm quan cả nhà làm cán bộ.
Lý do có thể là vì hoàn cảnh xã hội đã đổi thay theo chiều hướng xấu hay là tinh thần “hồi tỵ” không đọng lại ở các vị làm công tác quản lý về mặt hành chính.
Đã có nhiều mô hình tổ chức công quyền tương đối hiệu quả được biến tấu từ nguyên tắc hồi tỵ. Chẳng hạn trong cơ chế hành chính của chế độ cũ ở miền Nam trước đây, quan đầu tỉnh trực thuộc Bộ Nội vụ, do nơi này bổ nhiệm (và cách chức). Đó là những người đại diện cho chính quyền trung ương về quản lý hành chính ở địa phương, nhưng đồng thời cũng là công bộc của dân, không làm tròn một trong hai nhiệm vụ là bị triệu hồi về trung ương xử lý. Vậy mà cơ chế ấy cũng chỉ làm tăng hiệu quả của bộ máy hành chính chứ vẫn chưa thể hạn chế được tệ nạn tham nhũng, mua quan bán chức và lợi ích phe nhóm diễn ra một cách tinh vi khác xa điều kiện xã hội của thời thịnh trị ba bốn trăm năm về trước.
Những thông tin trước Hội nghị Trung ương 7 được dư luận xã hội quan tâm là vị trí chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh thành cũng được khuyến khích không phải là người địa phương. Không thấy Hội nghị Trung ương 7 đề cập đến vấn đề này, nhưng nếu có chủ trương như vậy cũng chưa hẳn khả thi, bởi cơ chế còn nhiều ràng buộc, người đứng đầu bộ máy hành chính của đất nước vẫn không thể cách chức chủ tịch ủy ban nhân dân vì là người của địa phương.
Thế cho nên để “hồi tỵ” hiệu quả cũng cần phải thay đổi nhiều điều khác nữa.

TRÁCH NHIỆM CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG Ở ĐÂU ?

TRÚC GIANG/ VNTB/ BVN 26-5-2018

Với cơ chế “Đảng cử dân bầu”, nhưng lại thiếu chế tài khi Đảng cử sai người, đưa đến việc người dân nhầm lẫn khi so bó đũa chọn cột cờ. Như vậy, trách nhiệm lớn nhất ở đây là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khi Đảng cấp trên ‘tự phê’

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 19-5-2018 [tải về tại http://bit.ly/2IEJuAE], có đánh giá như sau (trích):
“Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.


Đảng cử dân bầu! Ảnh: Internet
Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi” (hết trích).
Như vậy dễ nhận ra là để giải quyết vấn đề “năng lực đội ngũ cán bộ”, cần thay đổi phương thức tuyển chọn nhân sự cho bộ máy quản trị quốc gia. Nói một cách khác đã đến lúc cần cáo chung phương thức “Đảng cử, dân bầu”.

Lỗi ở… Đảng cấp dưới (!?)

Theo nội dung chi tiết nêu tại văn bản có tên “Hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị (Khóa IX) và Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị (Khóa XI)” số 15-HD/BTCTW do Trưởng Ban tổ chức Ban Chấp hành Trung ương Đảng – ông Tô Huy Rứa ký ban hành ngày 05 tháng 11 năm 2012, thì Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Chính trị cùng có trách nhiệm thực hiện những nội dung chi tiết của Hướng dẫn 15-HD/BTCTW.
“Được sự ủy quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, phê duyệt quy hoạch và bổ sung nhân sự từ nơi khác vào quy hoạch các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thông báo lại cho địa phương, cơ quan, đơn vị; phê duyệt kế hoạch luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sắp xếp các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Phần IV “Tổ chức thực hiện” của Hướng dẫn 15-HD/BTCTW, ghi như vậy.
Và chiếu quy định ‘giấy trắng mực đen’ nói trên, cho thấy người đứng đầu Ban Bí thư là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải chịu mọi trách nhiệm về công tác quy hoạch nhân sự các chức danh.
Tuy nhiên thật đáng tiếc, trong toàn bộ nội dung của Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, lại hoàn toàn không có dòng nào nói về trách nhiệm của Tổng Bí thư.
Trong phần đánh số thứ tự '2' của Nghị quyết (nói trên), Tổng Bí thư cho rằng lỗi ở đây hoàn toàn từ các cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới: “Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, về cán bộ và công tác cán bộ chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, toàn diện. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa được coi trọng đúng mức” (hết trích).

Chỉ được chọn trong giới hạn của 4,5 triệu đảng viên

Cá nhân người viết tin rằng cần hết sức chia sẻ về lỗi ở đây (nếu có) của Tổng Bí thư trong tìm kiếm cán bộ liêm chính đủ tài và đức. Bởi ông Nguyễn Phú Trọng chịu sự giới hạn tìm kiếm nhân sự trong số chỉ có 4,5 triệu đảng viên trên tổng số dân Việt Nam là 96.387.394 người vào ngày 22/05/2018, theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc (Nguồn: https://danso.org/viet-nam/).
Con số từ Tổng cục Thống kê công bố về kết quả khảo sát tình hình kinh tế xã hội cả nước 9 tháng đầu năm 2017, cho biết về lĩnh vực lao động, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tại thời điểm khảo sát ước tính 48,21 triệu người, tăng 391,8 ngàn người so với cùng thời điểm năm trước.
Như vậy, nếu làm phép toán trừ lớp bốn, số người lao động này với các đảng viên (bao gồm cả đảng viên quá tuổi lao động), thì có đến 43,5 triệu lao động không đảng viên. Chỉ cần 2/10 trong số này là thành phần thuộc nhân sự quản trị giỏi, thì vẫn vượt quá xa trong con số vỏn vẹn 4,5 triệu đảng viên để ông Tổng Bí thư chọn lựa.
Xin được gửi đến ông Tổng Bí thư về nội dung của Điều 14.1, Hiến pháp 2013 liên quan đến chuyện ‘quy hoạch cán bộ nguồn’: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
T.G.
VNTB gửi BVN

'LÒ' ÔNG TRỌNG LẠI TỰ NGUỘI LẠNH ?

PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 25-5-2018

Nửa năm sau những triệu chứng nguội lạnh bất thường tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017, một lần nữa lại xuất hiện dấu hiệu đổ bệnh của ‘lò ông Trọng’ ở Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018.

‘Lò’ lại đổ bệnh

‘Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa’ và ‘mở đường cho người ta tiến’ là những phát ngôn đượm nét xuôi xị của Tổng bí thư Trọng trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau Hội nghị trung ương 7, cho dù ông Trọng vẫn không quên dùng bổ túc từ ‘lò đã nóng rực’.
‘Nhân văn’ cũng là một từ được ‘Người đốt lò vĩ đại’ – một tụng danh mà Đài Tiếng nói Việt Nam của Ủy viên trung ương đảng Nguyễn Thế Kỷ đặc cách dành để tôn cao Nguyễn Phú Trọng – lặp lại một cách đầy chủ ý kể từ lúc được phát ra lần đầu tiên vào trước Tết nguyên đán năm 2018.
Sau khi xuất hiện ‘chủ nghĩa nhân văn Nguyễn Phú Trọng’, đã có một luồng dư luận cho rằng thực ra ông Trọng là người thiếu kiên quyết trong chống tham nhũng và đa phần chỉ là giơ cao đánh khẽ, chủ đích nhằm răn đe để giữ đảng, thu hồi tài sản tham nhũng và lấy tiếng ‘Sỹ phu Bắc Hà’ hay ‘Minh quân’ cho cá nhân mình.
Từ quá khứ đến hiện tại
Còn nhớ vào ngày 29/11/2017, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành cuộc tiếp xúc cử tri thường lệ sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội Việt Nam. Tại đây, những khẩu hiệu cũ được ông Trọng tiếp tục hô: “Lò đã nóng lên rồi thì tất cả phải vào cuộc”, “Không để các vụ tham nhũng chìm xuồng”…
Khi đó, ông Trọng chưa có biệt danh ‘Người đốt lò vĩ đại’, nhưng đã được vài ba văn sĩ cận thần xưng tụng là “Minh quân” và “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”.
Thế nhưng ông Trọng đã khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lão thành, công chức và người dân vốn còn nặng tâm lý “theo đảng, tin đảng” một lần nữa suýt vỡ tim vì thất vọng.
Bởi triết lý mới nhất khi đó của ông Trọng là: “xử lý là để cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn, mở đường cho người ta tiến, chứ không phải kỷ luật nhiều mới là tốt. Quan trọng là nhắc đừng có nhúng chàm nữa và đã trót nhúng rồi thì phải sửa”.
Nếu so sánh “Lò đã đốt lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” – một phát ngôn cảm xúc cao độ của ông Trọng vào đầu tháng Tám năm 2017 khi nổ ra vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh “theo cáo buộc của Chính phủ Đức, còn phía Việt Nam thì công bố trên truyền hình “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về đầu thú”, với “Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa”, và “Từ nay bất cứ ai vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý nghiêm” – những phát ngôn của Tổng bí thư Trọng trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị 6, cho đến “Quan trọng là nhắc đừng có nhúng chàm nữa và đã trót nhúng rồi thì phải sửa”, thì khẩu khí khi đó của ông Trọng đã xuống dốc ghê gớm.
Một ngày sau Hội nghị trung ương 6, trước nhiều bức xúc của cán bộ lãnh thành và nhiều cử tri Hà Nội hỏi tại sao cho đến lúc đó Thanh tra Chính phủ vẫn chưa công bố kết luận thanh tra biệt phủ của Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn cho rằng ‘phải bình tĩnh xem xét toàn diện các mặt để tìm nguyên nhân, khi xử lý thì không phải dập cho người ta không thể ngóc đầu dậy được, Bác Hồ dạy cốt để cán bộ sửa sai, để tiến bộ trưởng thành…’.
Cần đối chiếu với quá khứ gần để nhận ra thực chất hiện tại và tương lai
Từ sau Hội nghị trung ương 6, nhiều dư luận xã hội đã đặt một dấu hỏi lớn về liệu đã có một “thỏa thuận ngầm” nào đó giữa người đứng đầu đảng cầm quyền với một thế lực chính trị nào đó từ ngay trước hội nghị này, để những vụ tày trời như Võ Kim Cự – cựu Bí thư Hà Tĩnh và bị xem là một trong những thủ phạm gây ra nạn xả thải của nhà máy Formosa làm ô nhiễm biển 4 tỉnh miền Trung; Nguyễn Thị Kim Tiến – đương kim Bộ trưởng Bộ Y tế và là nhân vật phải chịu trách nhiệm về vụ Công ty Pharma nhập thuốc ung thư giả gây phẫn uất trong dư luận; biệt phủ gây phẫn nộ dư luận của Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái và là em ruột Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thanh Trà… được cho “chìm xuồng”…
Nhưng dù sao tại Hội nghị trung ương 6 vẫn có một ủy viên trung ương là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị ‘mổ’. Còn Hội nghị trung ương 7 mà trước đó đã xuất thần phát ngôn ‘Ai không chống tham nhũng được thì dẹp sang một bên’ của Tổng bí thư Trọng lại đã kết thúc bằng một con số 0 to tướng: không có bất cứ Ủy viên trung ương đảng nào, từ Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Thông tin truyền thông với dấu hiệu cố ý làm trái và tham nhũng trong vụ AVG, Tất Thành Cang - Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM với dấu hiệu tham nhũng và cố ý làm trái trong vụ Tân Thuận… bị đưa ra kỷ luật.
Nguy cơ chìm xuồng vụ AVG
Ngay sau Hội nghị trung ương 7, vụ ‘Mobifone mua AVG’ đầy hứa hẹn trở thành đại án này đã có nguy cơ chìm xuồng trong việc xử lý các cá nhân sai phạm như Phạm Nhật Vũ, Lê Nam Trà, Nguyễn Bắc Son, Phạm Đình Trọng, Trương Minh Tuấn.
Dư luận đang đặc biệt chú ý trường hợp Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn - nhân vật từng được ông Trọng sủng ái và chỉ định kiêm Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương vào năm 2016.
Trước Hội nghị trung ương 7, Trương Minh Tuấn có vẻ đã ‘được cho’ xuất hiện trở lại trên cương vị Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông khi ông ta được chủ trì cuộc họp quản lý báo chí của bộ này cùng vài cuộc họp không quan trọng khác.
Sau Hội nghị trung ương 7, Trương Minh Tuấn lại xuất hiện với vai trò chủ trì một cuộc tọa đàm có tên Tọa đàm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam, trong đó ông Tuấn đánh giá ‘Nhiều bí mật Nhà nước bị lộ trên mạng xã hội’ (có thể bao gồm cả những bí mật có liên quan đến Trương Minh Tuấn chăng?).
Mặc dù sau khi công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’, Bộ trưởng Thông tin -Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’, nhưng động tác này đã bị nhiều ý kiến cho là ‘chạy tội’.
Nếu Trương Minh Tuấn được cho “hạ cánh an toàn” trong vụ này, ông Trọng sẽ đương nhiên bị dư luận đánh giá rất thiếu công tâm khi bao che cho “phe ta”, và chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Trọng sẽ chẳng còn có ý nghĩa gì nữa.
Nguy cơ chìm xuồng vụ Thủ Thiêm và đổ vỡ ‘đốt lò’
Ở một vụ việc Thủ Thiêm – có dấu hiệu tham nhũng và cố ý làm trái còn lớn hơn nhiều vụ AVG – đang có dấu hiệu chính quyền TP.HCM xin trung ương ‘xử lý nội bộ’, còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa tổ chức một cuộc họp về vụ Thủ Thiêm với kết luận rất nước đôi và rất yếu ớt, như thể ông Phúc đang cố che chắn cho một nhóm lợi ích nào đó đã ‘ăn đất’ ở cái vùng đất đã chứng kiến không ít oan hồn dân oan phẫn uất này.
Trong kết luận chỉ đạo của mình vào trung tuần tháng Năm năm 2018, Thủ tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và một quyết định ‘thay thế’ của Phó chủ tịch chính quyền TP.HCM Nguyễn Văn Đua, trong lúc lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền TP.HCM, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 hecta đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ.
Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc cũng chỉ dùng từ ‘sai sót’ đối với trách nhiệm của giới quan chức TP.HCM, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng…
Sau vụ chỉ đạo bắt cựu Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng vào tháng Mười hai năm 2017 và giáng hai bản án tổng cộng 31 năm tù giam đối với nhân vật này, Nguyễn Phú Trọng đã chính thức ‘leo lên lưng cọp’, chính thức xóa bỏ tiền lệ Ủy viên Bộ chính trị không bị bắt giam và xử tù, và cũng chính thức vượt qua lằn ranh lo sợ ‘mình mà xử thằng này thì thằng khác sẽ xử mình’.
Hiện tại và tương lai, ông Trọng dù có muốn cũng không còn nhảy khỏi lưng cọp được nữa.
Nhưng lại đang có những biểu hiện cho thấy ông Trọng đang thỏa mãn quá sớm với bản thành tích chống tham nhũng còn quá ít ỏi của ông, để trong khi tương lai trở thành ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và ‘lưu danh sử xanh’ của ông còn xa mới đạt tới, Nguyễn Phú Trọng có thể bị hất đổ vào bất kỳ thời điểm nào ông bị đổ bệnh hoặc phải tạm thời rời bỏ quyền lực tối cao, để sau đó bị ‘hồi tố’ – không chỉ bởi những đối thủ chính trị và các thế lực tham nhũng, mà còn có thể do chính những ‘người tâm phúc’ và cận thần mà ông Trọng đã từng tin cậy như loại ‘cộng sản tốt tương đối’ hoặc ‘có nhúng chàm nhưng đã gột rửa’.
P.C.D.
VNTB gửi BVN


NHỮNG BIỆT THỰ  MA QUÁI QUẬN TÂY HỒ

Bùi Tín/ BVN 26-5-2018

Căn biệt thự khiến tờ Môi Trường và Đô Thị phải đính chính.
Căn biệt thự khiến tờ Môi trường và Đô thị phải đính chính.
Giữa tháng 5/2018, báo Môi trường và Đô thị đăng một loạt ảnh các biệt thự khủng thuộc khu Vườn Đào thuộc phường Phú Thượng trong quận Tây Hồ đi với bài báo dài  «Chiêm ngưỡng những ngôi biệt thự siêu đẹp ở Vườn Đào». Đây là khu đất vàng của thủ đô, giá hiện là 400 triệu đồng một mét vuông. Các biệt thự được đánh giá trên dưới 1 triệu đôla. Bài báo cho biết các biệt thự sang nhất thuộc quyền sở hữu của các quan chức cao cấp đương quyền, các đại gia điện lực, khoáng sản, hóa chất. Trong đó, vẫn theo bài báo, 2 biệt thự hoành tráng nhất, một thuộc về một Ủy viên Bộ Chính trị; và một thuộc về Bộ trưởng Công thương.
Bộ trưởng Công thương hiện nay là ông Trần Tuấn Anh, con trai nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Ngay ngày hôm sau 18/5 Bộ Công thương có công văn cải chính, cho đó là tin bịa đặt, không phải nhà của ông Trần Tuấn Anh, yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông xử lý bài báo này. Báo Môi trường và Đô thị đã đính chính và xin lỗi độc giả về sự lầm lẫn, đã nghe theo một số cư dân quanh khu biệt thự mà không thẩm tra lại.
Nhưng sự thanh minh, cải chính vội vàng trên đây hoàn toàn không có tác dụng.
Vì quanh mấy chục tòa biệt thự hoành tráng trong Vườn Đào  - Tây Hồ, người dân vẫn không biết thuộc về ai? Ai làm chủ nhà? Do ai xây dựng lên? Có sổ đỏ chưa, và mang tên ai. Vì sao lại giữ bí mật, việc gì mà phải che che giấu giấu vậy? Không có lửa sao lại có khói?
Cứ như đó là một vùng ma quái, khó hiểu, khó tìm ra sự thật.
Theo thông lệ, theo thủ tục thông thường, ắt là chính quyền phường Phú Thượng có sổ sách ghi từng biệt thự, mang số nhà bao nhiêu, đường gì? Do ai xin phép xây dựng, hoàn thành lúc nào, nay chủ nhà là ai, làm gì? Có sổ đỏ hay chưa?
Ắt là Phòng Xây dựng quận Tây Hồ cũng có đầy đủ các giấy tờ lưu trữ như thế.
Sở Xây dựng của Thủ đô ắt là am hiểu rành rọt, cụ thể, tỷ mỷ nhất về từng biệt thự một.
Phiên họp Quốc hội mới họp cũng bỏ qua, không chất vấn, trao đổi nhận định về vụ việc quan trọng này, coi như chuyện vặt, báo chí lề phải vẫn êm ru, coi như báo Môi trường và Đô thị cải chính là xong, là hết chuyện, ngoan ngoãn dễ bảo đến thế là cùng! Việc xử lý hàng ngàn biệt thự hoành tráng không lý giải được nguồn gốc minh bạch rõ ràng là của cải bất lương đang là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Chính quyền không thể bênh che mãi cho bọn cướp của dân!
Rất mong các ông nghị đang họp và lãnh đạo của các phiên họp quan tâm đến các vấn đề nóng bỏng trong cuộc sống, như tình hình dân xã Đồng Tâm/Mỹ Đức bị ức hiếp, vấn đề đất đai quận Thủ Thiêm tan nát, nhà Chùa và Nhà Tu tại đó bị nguy cơ tiêu hủy, gần một trăm trạm BOT trong cả nước vẫn hoành hành ngang ngược, vụ đại án MobìFone vẫn mờ mịt dù Thanh tra đã có ý kiến, Luật Biểu tình lại hoãn không biết đến bao giờ!
Một chính quyền giấu giếm công luận, không cho biết ngôi biệt thự khủng giá hàng triệu đôla ở góc Võ Chí Công và Lạc Long Quân phường Phú Thượng là của ai, cứ mờ ám không minh bạch, không công khai bàn đến những việc đại sự của xã hội, vẫn chỉ là một chính quyền non nớt chưa đến độ trưởng thành.
B.T.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét