Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

20180512. BÀN VỀ 'ĐÔ THỊ THÔNG MINH'

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHẬN DẠNG 'ĐÔ THỊ THÔNG MINH'

NGUYỄN THANH LÂM/ KTSG 12-5-2018


Ảnh THANH HOA
(TBKTSG) - Nhiều đô thị của Việt Nam đang đặt ra mục tiêu trở thành đô thị thông minh (Smart City). Tại TPHCM, đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” cũng đã được công bố vào cuối năm ngoái, và theo chính quyền thành phố là hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân.
Nghĩa hẹp, nghĩa rộng
Smart không chỉ mang ý nghĩa thông minh (intelligent) mà còn ngụ ý đẹp, sang, thanh nhã, lịch sự, khéo léo..., nói chung là lịch lãm. Thuật ngữ smart city có từ năm 2007 và định nghĩa về nó đã luôn được hoàn thiện, đi từ nền tảng công nghệ đến chất lượng đời sống của người dân.
Thế nhưng, khái niệm đô thị thông minh dường như đang được hiểu theo nghĩa hẹp là đưa công nghệ thông tin truyền thông (ICT) số hóa những gì số hóa được, những gì mà chính quyền điện tử cải thiện dịch vụ và quản trị công. Điển hình là trong năm 2017, các hội thảo về đô thị thông minh ở Bình Dương quy tụ hàng ngàn đại biểu mỗi lượt gần như chỉ bàn về trọng tâm ứng dụng ICT, Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu mở (open data) và chuyển đổi số (digital transformation).
Nhiều chuyên gia đều nhất trí là ICT và các ứng dụng công nghệ 4.0 trong tương lai là hạ tầng của hạ tầng, là nền tảng quản trị công. Nhưng như thế chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Có thể ví như cây có gốc có cành nhưng chưa có hoa lá, trái ngọt và bóng râm trong tương lai.
Thật ra, đây chỉ là nội hàm đô thị thông minh theo nghĩa hẹp.
Đô thị thông minh là để phục vụ con người, phải được hiểu bao quát hơn, nghĩa là, đô thị thông minh và sống tốt, với bản sắc, những đặc trưng và thế mạnh của chính mình, được kế thừa, xây dựng và hoàn thiện không ngừng để phát triển bền vững.
Đô thị thông minh có từ bao giờ?
Năm 64 sau Công nguyên, nếu hoàng đế Nero, sau cuộc đại hỏa hoạn ở thành La Mã suốt năm ngày đêm, không vạch ra mạng nhện giao thông và những công trình để đời thì sẽ không có một quy hoạch đô thị và kiến trúc tuyệt vời của Roma ngày nay. Câu cửa miệng “con đường nào cũng về La Mã” ẩn hiện một thành phố thông minh, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng sống và mỹ quan đô thị tuyệt đẹp.
Nước Anh cũng thế. Sau trận hỏa hoạn thiêu rụi 13.200 căn nhà vào năm 1666, thành phố London được tái thiết với một vẻ đẹp không lẫn vào đâu được, biến dòng sông Thames thành xương sống của đô thị và không bị nhà cao tầng băm nát, chia cắt.
Làng quê Việt Nam cũng đã được tổ chức khá thông minh, như những ghi nhận của nhà địa lý học người Pháp Pierre Gourou, bởi ở đó có lũy tre làng, có sự bình yên, có cuộc sống thanh thản và môi trường trong lành.
Thời nhà Lý, Lý Thái Tổ nhận ra hơn trăm hồ nước và con sông Hồng chạy qua đất Thăng Long mới xứng là thủ đô nước Việt.
Vào thế kỷ 17, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã xác định khu vực Bến Thành là khởi điểm của Sài Gòn đất lành chim đậu, không bị bão lũ, thời tiết và địa lợi rất tốt để phát triển đất phương Nam. Rồi đến người Pháp xây dựng Sài Gòn cũng dựa trên phác thảo của Nguyễn Cửu Đàm (vị quan thời chúa Nguyễn) gần một trăm năm trước. Thật đáng tự hào với quy hoạch thông minh của người xưa.
Thế nhưng, quá trình đô thị hóa tự phát của nửa thế kỷ qua đã biến những vùng đô thị cũ và mới ngày càng xấu đi. Cách áp dụng máy móc kiến trúc nén của hàng chục hàng trăm nhà cao tầng chỉ làm nạn kẹt xe tăng lên đến nghẹt thở, nhất là khi hệ thống giao thông không được mở rộng.
17 mục tiêu của Liên hiệp quốc
Các mục tiêu phát triển bền vững do Liên hiệp quốc đề ra cho thiên niên kỷ này bao gồm: (1) Xóa nghèo; (2) Xóa đói; (3) Cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi; (4) Giáo dục chất lượng; (5) Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái; (6) Tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh; (7) Tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy; (8) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm và công việc tốt; (9) Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa và bền vững, khuyến khích đổi mới; (10) Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia; (11) Các thành phố trở nên an toàn, vững chắc và bền vững; (12) Tiêu dùng và sản xuất bền vững; (13) Ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động của nó; (14) Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển; (15) Quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học; (16) Thúc đẩy xã hội hòa bình; (17) Đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững.
Mô hình thành phố thông minh và lịch lãm không thể không dựa trên những mục tiêu nêu trên và những mục tiêu đặc thù của từng địa phương (kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, khu ổ chuột, kênh rạch và môi trường cần được cải thiện...).
Nhận dạng Smart City theo nghĩa rộng
Nhà quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng nhận xét: Thành phố thông minh là công cụ để giúp chính quyền vượt qua một số thách thức trong quá trình phát triển đô thị. Thách thức mỗi nơi mỗi khác. Ở TPHCM là tắc nghẽn giao thông và ngập lụt. Tại Singapore là ô nhiễm không khí do đốt rừng. Ở Indonesia và sự già đi của dân số khiến cho hệ thống y tế phải chuyển đổi để phù hợp. Do đó, đô thị thông minh ở TPHCM sẽ rất khác với Singapore (*)... Công nghệ chỉ là nền tảng, cốt lõi của thành phố thông minh vẫn là con người. Xây dựng đô thị thông minh là tạo ra kết nối giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân (*).
Theo nhà văn Tạ Duy Anh, một đô thị thông minh phải hội tụ đủ: kinh tế thông minh (phát triển bền vững, có năng lực cạnh tranh), kết cấu hạ tầng thông minh (giao thông, dịch vụ đồng bộ, phúc lợi công cộng, môi trường an toàn, giáo dục, văn hóa, lao động việc làm, phân phối...), cư dân thông minh, tài nguyên thiên nhiên, cuộc sống thông minh (chất lượng sống tốt cho mọi cư dân) và không thể thiếu là quản lý đô thị cũng là quản lý thông minh (*).
Doanh nhân Đoàn Hiểu Minh nói: Với tư cách người dân, tôi nghĩ và mong muốn đơn giản, đô thị thông minh phải là nơi đáng sống, là thành phố nhân văn và nâng cao giá trị con người (*).
Theo kiến trúc sư Phan Bảo An và Trần Văn Tâm, khái niệm về “đô thị thông minh” có thể hiểu rộng hơn, không chỉ gói gọn trong phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ mà phải hướng đến các giải pháp toàn diện mang tính sáng tạo, tổng hợp các năng lực vốn có trong đô thị nhằm xây dựng các giải pháp quản lý và ứng xử khoa học đối với môi trường sống của chính mình, chung tay xây dựng một môi trường đô thị phát triển bền vững, phục vụ tối đa lợi ích của các cá thể sống trong đô thị (*).
Tạm kết
Nói tóm lại, đô thị thông minh và sống tốt có thể dựa trên nền tảng công nghệ nói chung của giai đoạn xây dựng ban đầu, cần có các nhóm giải pháp, các mô hình với tầm nhìn xa, dựa trên 17 mục tiêu của Liên hiệp quốc và những mục tiêu đặc thù của địa phương. Luôn hoàn thiện chất lượng sống thật tốt cho người dân trên nhiều lãnh vực với ưu điểm nổi trội của chính địa phương mình, tích hợp trong mô hình cả nước vừa hiện đại vừa nhất quán về mặt nền tảng công nghệ. Chính quyền điện tử và quy hoạch thông minh là hai tiền đề chính và việc xây dựng nó ở các đô thị mới sẽ dễ hơn các đô thị lâu đời.
(*) https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/do-thi-thong-minh.html

RỒI CHÚNG TA QUÊN LỐI VỀ QUÁ KHỨ... 

UÔNG NGỌC DẬU/ TVN 12-5-2018

 - Phát triển, với tư duy phá bỏ hết cái cũ, e rằng rồi một ngày chúng ta ngẩn ngẩn ngơ ngơ giữa thời hiện đại, quên cả lối về quá khứ.
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước quê tôi rùng rùng phong trào xoá bỏ mê tín dị đoan, mà thực chất là phá bỏ nơi thờ tự thần linh hình thành từ thời trước cuộc cách mạng tháng 8-1945, nó cũng đồng nghĩa với việc xoá bỏ cơ sở văn hoá tâm linh tàn dư thời phong kiến.
Làng tôi ngày ấy không có chùa, chỉ có đình và nghè, nơi thờ thành hoàng. Đình được dỡ xuống, cột lim mái ngói đưa về làm trường học, trạm y tế. Đồ thờ bằng gỗ vàng tâm được xẻ ra làm phao lưới. Rừng cây nguyên sinh rộng cả héc ta bao quanh ngôi nghè, phút chốc bị chặt phá trắng... Gia đình nào có sách chữ Nho đều đem ra đốt hoặc phất diều thả chơi. Ngay cả cái miếu nhỏ đầu làng cũng bị phá. Làng cơ bản thành làng vô thần vô thánh.
Sau này lớn lên, được đi đây đi đó, tôi biết, chuyện phá đình phá chùa thời đó là phong trào chung của cả miền Bắc, do ảnh hưởng từ cuộc “cách mạng văn hóa” bên Trung Quốc. “Xuất khẩu” cuộc cách mạng sang bên ta họ một công đôi ba việc, trong đó có cái việc, tôi nghĩ, rất thâm độc và nguy hiểm, là dưới cái mũ xoá bỏ tàn dư phong kiến, họ mượn tay chúng ta hòng xóa hết mọi dấu vết quá khứ của chính dân tộc chúng ta.
Cũng may, hồi đó không phải làng nào, xã nào trên miền Bắc cũng quá tả, quyết liệt, triệt để như ở làng tôi.
Cách đây mấy năm, có đôi lần sang Trung Quốc, qua mấy nơi, từ Quảng Tây, Vân Nam đến Tây An, Bắc Kinh, tôi nhận thấy các công trình kiến trúc văn hoá tâm linh, lâu đài, thành quách của họ vẫn đồ sộ, lung linh. Hoá ra họ chỉ xúi, ép ta phá, còn họ, hầu như không sứt mẻ.
Giữa năm ngoái, tôi được sang đất nước Cuba. Người dân Cuba có một tư duy rất thực tế mà đầy chất lãng mạn: Biến cái cũ thành cái cổ; biến cái cổ thành di sản. Không chỉ là tư duy, đó là hiện thực, hiển hiện trên khắp xứ sở “hòn đảo tự do”. Thử tưởng tượng, một loạt những xe hơi cũ, từ Lada, Volga, Moskvitch hay Ford, Dodge... có tuổi thọ 50, 60 năm, nếu ở Việt Nam, đã biến thành đồng nát, sắt vụn từ thuở nào. Nhưng ở Cuba, chính quyền khuyến khích người dân giữ lại, tân trang, thành phương tiện phục vụ khách du lịch rất bắt mắt và ăn khách.

Dinh Thượng thơ,Quy hoạch Thủ Thiêm,Bảo tồn và phát triển,Nhà thờ Thủ Thiêm,TP.HCM,Hòn ngọc Viễn Đông
Người dân Cuba có một tư duy rất thực tế mà đầy chất lãng mạn: Biến cái cũ thành cái cổ; biến cái cổ thành di sản. Ảnh: Uông Ngọc Dậu
Cuộc cách mạng 1959 nhân dân Cuba đánh đổ chế độ độc tài Batista nhưng hầu hết cơ sở vật chất của chế độ cũ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, trở thành di sản, phát huy giá trị, thành nguồn lợi phục vụ chính cuộc sống người dân. Những con phố lát đá, vườn hoa, lâu đài, tượng đài, quảng trường, khách sạn, bến cảng, pháo đài... có từ nhiều trăm năm trước vẫn tồn tại hài hoà bên những công trình kiến trúc của thời đại Fidel Castro và nhà nước Cuba Xã hội chủ nghĩa.

Dinh Thượng thơ,Quy hoạch Thủ Thiêm,Bảo tồn và phát triển,Nhà thờ Thủ Thiêm,TP.HCM,Hòn ngọc Viễn Đông
Hầu hết cơ sở vật chất của chế độ cũ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, trở thành di sản, phát huy giá trị, thành nguồn lợi phục vụ chính cuộc sống người dân. Ảnh: Uông Ngọc Dậu.
Trong thủ đô La Havana còn nguyên vẹn những nghĩa trang từ thời thực dân Tây Ban Nha, đó là một phần thực thể sinh động của lịch sử, đó cũng là một dạng bảo tàng kiến trúc bia mộ, là địa chỉ cho khách tham quan và hậu duệ những người nằm dưới bia mộ kia tìm đến... Khách sạn Ambos Mundos được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, có căn phòng nhà văn người Mỹ Hemingway từng ở và viết tác phẩm Chuông nguyện hồn ai (1939-1940) được giữ bền đẹp như xưa, trở nên thu hút du khách lạ kỳ.

Dinh Thượng thơ,Quy hoạch Thủ Thiêm,Bảo tồn và phát triển,Nhà thờ Thủ Thiêm,TP.HCM,Hòn ngọc Viễn Đông
Hầu hết cơ sở vật chất của chế độ cũ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, trở thành di sản, phát huy giá trị, thành nguồn lợi phục vụ chính cuộc sống người dân. Ảnh: Uông Ngọc Dậu
Nói chuyện nước người, lại nói chuyện nước mình.
Hơn hai năm trước, những người làm nghề chài lưới ở thị xã Sầm Sơn, Thanh Hoá (khi ấy chưa nâng cấp lên thành phố) kéo lên UBND tỉnh phản đối chủ trương xoá bến chài của họ ở phía đông đường Hồ Xuân Hương...Trước đó, người dân làng chài các xã Quảng Cư, Quảng Tiến đã phải chấp nhận di dời khỏi nơi cư trú bao đời, nhường đất cho Tập đoàn FLC thực hiện dự án sân golf, biệt thự, nhà hàng, khách sạn. Tư duy của những nhà làm dự án còn đi xa hơn, họ không muốn những bến chài tồn tại trong không gian phát triển du lịch mở rộng của họ. Tập đoàn FLC muốn xoá sổ các bến chài, còn người dân thì đòi giữ lại. Xung đột chỉ được tháo ngồi nổ khi người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Thanh Hoá-ông Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp đối thoại với người dân và tuyên bố giữ nguyên trạng các bến chài như nó vốn tồn tại.
Ở đây có câu chuyện về tư duy giải quyết bài toán giữa phát triển và bảo tồn, kinh tế và văn hoá. Các bến chài phía đông con đường ven biển mang tên Hồ Xuân Hương của thành phố Sầm Sơn tồn tại đến bây giờ không làm tổn hại không gian du lịch, cũng không đến mức làm sụt giảm nguồn thu của nhà đầu tư. Thực tế nó đang là điểm nhấn cho không gian du lịch biển, là minh chứng cho hoạt động cư dân trong không gian sinh tồn truyền thống giữa một đô thị hiện đại có cái gốc là những làng chài. Hơn thế, nó giúp hoá giải xung đột giữa người dân với chính quyền, người dân và nhà đầu tư.
Mấy tuần nay, dư luận xã hội và báo chí lại rộ câu chuyện bảo tồn và phát triển ở thành phố mang tên Bác, nơi từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Một, là thành phố đang có ý định phá bỏ Dinh Thượng Thơ, nằm ở góc đường Đồng Khởi và Lý Tự Trọng thuộc quận 1, TP.HCM, ngay phía sau trụ sở UBND thành phố, để xây mới, cao hơn, to hơn, hiện đại hơn. Hai, là phá bỏ nhà thờ Thủ Thiêm và tu viện Dòng tu Mến thánh giá cũng như các chùa chiền nằm trong khu vực dự án khu đô thị Thủ Thiêm.
Thực tế những gì đang diễn ra trên đất nước ta, khi thực hiện các dự án phát triển, vẫn thường nghiêng về di dời, phá bỏ toàn bộ cái cũ để xây cái mới. Về kinh tế, đó có thể là cái lợi dễ thấy, trước mắt. Nhưng về văn hoá, thì đó là cái hại, cả trước mắt và lâu dài. Ngay cả về kinh tế, ai dám chắc phá bỏ Dinh Thượng Thơ để xây mới có lợi hơn là giữ nó lại, biến nó thành di sản, với công năng mới, thành “Ngôi nhà ký ức”, nơi lưu giữ hình ảnh, kỷ vật thành phố 300 năm chẳng hạn? Thành phố Hồ Chí Minh có thừa nguồn lực tài chính và quỹ đất để xây trụ sở mới bề thế, hoành tráng mà không cần phải phá bỏ Dinh Thượng Thơ. Dinh Thượng Thơ, một điểm nhấn kiến trúc với giá trị khác biệt, là một phần ký ức, một tín hiệu dẫn dắt con người trở về với quá khứ, phá bỏ nó đi, liệu có là quyết định khôn ngoan?

Dinh Thượng thơ,Quy hoạch Thủ Thiêm,Bảo tồn và phát triển,Nhà thờ Thủ Thiêm,TP.HCM,Hòn ngọc Viễn Đông
Dinh Thượng Thơ Sài Gòn. Ảnh: Tim Doling sưu tầm/ Tuổi trẻ online
Tương tự, phá bỏ Nhà thờ Thủ Thiêm, Tu viện Mến thánh giá, hay các công trình kiến trúc chùa chiền có lịch sử hàng trăm năm trong vùng dự án khu đô thị Thủ Thiêm, sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, lợi bất cập hại, là một quyết định thiếu thận trọng. Một kiến trúc sư bình thường cũng có thể giải bài toán bảo tồn nguyên trạng các công trình này trong khu đô thị mới.
Ông Võ Viết Thanh, cựu Chủ tịch UBND thành phố, người chủ trì lập dự án khu đô thị Thủ Thiêm, mới đây cho hay: “Chúng tôi đã đề xuất giữ lại ngôi chùa, nhà thờ, đình Thủ Thiêm, nâng cấp khu chợ Thủ Thiêm và đường Lương Định Của... Ưu tiên tái định cư tại chỗ để đảm bảo đời sống xã hội cho người dân, bao gồm các sinh kế lẫn đời sống tâm linh”. Vị cựu Chủ tịch thành phố cũng bày tỏ quan điểm: “Còn về các cơ sở tôn giáo, giữ những nơi đó rõ ràng có lợi cho đời sống tâm linh của người dân, văn hoá lịch sử của khu vực, nó đâu có hại gì cho các công trình công ích”.
Những nguyên tắc này rõ ràng là nhân văn, minh bạch, không lẽ những người kế nhiệm lại hoặc vô tình quên, hoặc phủ nhận?
Chính chúng ta, chứ không ai khác, tự tạo nên hội chứng đứt gãy văn hoá, và đang phải gánh chịu hậu quả.
Phát triển, với tư duy phá bỏ hết cái cũ, e rằng rồi một ngày chúng ta ngẩn ngẩn ngơ ngơ giữa thời hiện đại, quên cả lối về quá khứ!
Uông Ngọc Dậu
ĐỌC THÊM:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét