Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

20180519. VINH HAY NHỤC ?

ĐIỂM BÁO MẠNG

HUY HIỆU 50 NĂM TUỔI ĐẢNG CHO LÊ THANH HẢI: NHỤC HAY VINH ? 
NGUYỄN ĐĂNG QUANG/ BVN 18/5/2018

Đã từ lâu, tôi thực sự không có ý định cũng như hứng thú viết bất cứ một câu nào khen hay chê ai đó có “diễm phúc” hoặc “bất hạnh” khi “trúng hoặc trượt” cái huy hiệu này, song thực sự tôi không thể im lặng khi hôm 15/5/2018 vừa qua, người ta gài lên ngực ông Lê Thanh Hải cái huy hiệu mà ông này hoàn toàn không xứng đáng được nhận: Huy hiệu 50 tuổi Đảng!
Ngày 15/5/2018, toàn bộ hệ thống truyền thông đại chúng của Đảng và Nhà nước đồng loạt đưa tin ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên BCT, nguyên Chủ tịch UBND, nguyên Bí thư Thành ủy Tp.HCM vinh dự được đương kim Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng! Việc trao hay không trao huy hiệu này cho ai, đó là quyền và chuyện riêng của Đảng, người nhận có xứng đáng hay không cũng là chuyện nội bộ của Đảng, người ngoài ít ai quan tâm và cũng chẳng ai thọc mạch, xía vô. Nhưng trong trường hợp cụ thể này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh, việc trao cho ông Lê Thanh Hải huy hiệu này trong bối cảnh có thể nói là rất bê bối ở Tp.HCM khi chuyện động trời về quy hoạch ở Thủ Thiêm bị phát lộ, liên quan đến trách nhiệm của cá nhân ông Lê Thanh Hải suốt thời gian 15 năm tại vị (2001-2016) cũng như uy tín, danh dự cá nhân ông lúc này cho dù ông đã nghỉ hưu 2 năm nay!
Khi làm Chủ tịch UBND (2001-2006), rồi Bí thư Thành ủy Tp.HCM 2 nhiệm kỳ (2006-2016), ông Hai Nhựt (Lê Thanh Hải) để lại không ít tai tiếng, không thể liệt kê hết ra đây được. Trong số này có nhiều việc tày đình, điển hình là việc để cho cấp dưới làm bậy. Chỉ đơn cử một việc đã bị phanh phui trước công luận báo chí: Tháng 12/2005, ông Hải làm ngơ cho Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Văn Đua lộng quyền, cả gan ban hành Quyết định 6565/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ, cố tình sửa lại quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm trái với quy hoạch của Chính phủ đã phê duyệt trước đấy, làm lợi cho các nhóm lợi ích, gây thiệt hại lớn cho công quỹ, đẩy cả ngàn hộ dân vào cảnh khốn cùng trong suốt 15 năm ròng! Chỉ riêng việc đó thôi, ông Hải và ông Đua đã không chỉ vi phạm kỷ luật và Điều lệ Đảng, và rõ ràng vi phạm cả pháp luật nữa! Đây là một tội ác, hoàn toàn đáng bị truy cứu trách nhiệm hình sự! Ấy vậy, ông Hải chẳng hề hấn gì, ngược lại, còn vinh dự được Đảng trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng giữa tiếng kêu khóc khổ đau của chục ngàn người dân Thủ Thiêm bị giải tỏa lố đến 1.600.000 m2 đất (160ha), đẩy họ vào cảnh màn trời chiếu đất, mất cả nơi cư ngụ lẫn kế sinh nhai. Thậm chí có người đã quá phẫn uất phải tìm đến cái chết do bị chính quyền đẩy đuổi, cưỡng chế, bắt bớ, đẩy họ đến bước đường cùng!
Nói về việc ông Hai Nhựt được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, tôi nhớ lại trường hợp của lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh “bị gây khó dễ” khi nhận huy hiệu này khi cụ có 75 năm tuổi Đảng. Cụ Vĩnh sinh năm 1916, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939 lúc mới 23 tuổi. Cụ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam 16 năm (1960-1976), từng lần lượt là Bí thư Tỉnh ủy 3 tỉnh khác nhau là Thái Bình, Vĩnh Yên và Thanh Hóa. Năm 2014 cụ tròn 75 năm tuổi Đảng, lẽ ra cụ phải được trao tặng Huy hiệu này trong năm 2014! Theo lệ thường, vào mỗi dịp lễ như kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3/2), sinh nhật Chủ tịch HCM (19/5) hoặc ngày Quốc khánh (2/9), Đảng bộ các cấp thường tổ chức trao Huy hiệu cho các đảng viên. Năm 2014 đã qua 3 dịp lễ kể trên mà không thấy Thành ủy Hà Nội thông báo gì về việc trao Huy hiệu 75 năm cho cụ Vĩnh. Hóa ra nguyên nhân là do cụ cùng với 60 đảng viên tâm huyết khác ký tên vào “Thư ngỏ 61”(1) đề ngày 28/7/2014 gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên ĐCSVN!
Người viết bài này có vinh dự được cụ Nguyễn Trọng Vĩnh mời dự buổi cụ tiếp Phái đoàn Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đến thăm để “thẩm tra tư cách đảng viên” (chiều 19/11/2014) cũng như buổi trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng (sáng 1/9/2015). Được chứng kiến từ đầu đến cuối buổi Phái đoàn Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đến “nắn gân cụ” (chiều 19/11/2014), tôi thật sự cảm phục cụ, và rút ra kết luận sau: Nếu cụ Vĩnh không cương quyết trong thái độ, không vững vàng trong lập luận và đập lại đích đáng những quy kết vô lối của Phái đoàn này, thì chắc Thành ủy Hà Nội đã thành công trong cái mà cụ Vĩnh gọi là “mưu đồ quy kết kỷ luật” để lấy cớ không trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho cụ! Nhưng họ đã lầm to và thất bại ê chề! Khi ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội kết luận việc cụ ký vào TN61 và phát tán lên mạng xã hội là vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm “19 điều cấm đảng viên”, cụ kiên quyết bác bỏ. Cụ vạch rõ: “Chính cái quy định “19 điều đảng viên không được làm” này đã triệt tiêu tinh thần dân chủ trong Đảng, mà ngay cả một số văn bản Đảng ban hành gần đây cũng vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, cụ thể như Quy chế bầu cử trong Đảng (tức Quyết định số 244/QĐ-TƯ ngày 9/6/2014) chẳng hạn”.
Thừa biết ý đồ của Phái đoàn Thành ủy Hà Nội lấy lý do cụ không chịu rút chữ ký cũng như từ chối ra tuyên bố rút tên khỏi danh sách 61 đảng viên ký TN61 để không trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, cụ Vĩnh tuyên bố thẳng: “Tôi đã 99 tuổi và 75 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng. Việc trao hay không trao Huy hiệu 75 năm cho tôi thì tuổi Đảng của tôi vẫn là 75, chẳng ai cho thêm và cũng chẳng ai có thể bớt được của tôi một tuổi nào! Mọi người đều rõ điều đó. Tôi chưa hề bị kỷ luật nên việc trao Huy hiệu 75 năm cho tôi là việc bình thường, điều đó chỉ có lợi và tốt cho Đảng, nếu không, chỉ có xấu và bất lợi cho Đảng! Còn nếu vin vào việc tôi ký TN61 mà kỷ luật, không trao Huy hiệu hoặc thậm chí kỷ luật khai trừ tôi, thì xin nói rõ với các anh là tôi không để cho ai làm điều đó đâu! Trong trường hợp như vậy, tôi sẽ công bố quyết định mà tôi đã trăn trở nhiều năm qua”! Cụ không nói “quyết định mà cụ đã trăn trở nhiều năm qua” là gì, nhưng tôi thì biết rất rõ điều đó!
Không rõ vị Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy về báo cáo với Bí thư và Thường vụ Thành ủy Hà Nội ra sao, mà mãi gần 1 năm sau, ngày 1/9/2015, nghĩa là chậm đúng 1 năm, người ta mới tổ chức trao Huy hiệu này cho cụ Vĩnh, mà người đứng ra trao chỉ là cấp thấp (Phó Bí thư Quận ủy Đống Đa). Lẽ ra, với các chức vụ đã kinh qua, và ở tuổi như cụ (cả tuổi đời cũng như tuổi Đảng), chí ít cụ Nguyễn Trọng Vĩnh cũng phải do cấp Bí thư Thành ủy đứng ra trao mới đúng đạo lý! Nhưng tôi biết rõ tính cụ, cụ đâu có để ý đến những chuyện lặt vặt này!
Nhân việc Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho ông Lê Thanh Hải, tôi bày tỏ đôi điều như trên để rộng đường dư luận. Hẳn phải có điều gì đó ẩn chứa đằng sau động thái này, phải chăng Thành ủy Tp.HCM muốn thăm dò phản ứng hoặc thách thức dư luận, hay cả hai, hoặc còn mục đích nào khác? Điều này không ai có thể trả lời thay ông Nguyễn Thiện Nhân được! Song việc ông Lê Thanh Hải nhận Huy hiệu 50 tuổi Đảng có xứng đáng và chính đáng hay không, vinh hay nhục, có lẽ người dân Thủ Thiêm nói riêng và Tp.HCM nói chung là nắm vững và biết rõ hơn ai hết! Nhưng dù sao, đây cũng là việc riêng và thẩm quyền của Đảng, trao cho ai, vào thời điểm nào, hình thức ra sao là đặc quyền của Đảng, người dân không được xía vô. Nhưng xin Đảng chớ vội quên, phải ghi nhớ lời răn dạy của tiền nhân: “Đẩy thuyền là dân, và lật thuyền cũng là dân”!
Hà Nội, ngày 17/5/2018
N.Đ.Q.
__________
(1) https://xuandienhannom.blogspot.com/2014/07/rfa-nhung-iem-ang-chu-y-cua-buc-thu-ngo.html
Tác giả gửi BVN.

CÁC BÀI LIÊN QUAN:

BÀI HỌC THỦ THIÊM

NGUYỄN QUANG DY/ viet-studies/ BVN 17-5-2018

Nếu tra Google từ khóa “Thủ Thiêm” chắc bạn sẽ thấy hàng trăm bài viết và hàng ngàn thông tin về những dấu hiệu của một vụ “đại án” với nhiều “củi to” sắp bị cho vào lò. Những khuất tất của nhóm lợi ích đã thao túng quy hoạch Thủ Thiêm để chiếm đoạt đất đai và đối xử bất nhân với người dân, thậm chí còn cố ý làm “mất bản đồ quy hoạch”, đang được báo chí trong nước lẫn ngoài nước, báo chí “chính thống” lẫn báo chí “lề dân” cùng vào cuộc ồ ạt như dòng nước lũ (chắc được lãnh đạo “bật đèn xanh”). Báo chí chính thống như chợt bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài (chắc bị “đèn đỏ” chặn họng) vì đụng vào “vùng cấm” của lãnh đạo (hay nhóm lợi ích). Để rút bài học, cần lý giải các biến số đang lật ngược bàn cờ Thủ Thiêm.

Truyền thông báo chí

Đối với báo chí “chính thống” (hơn 800 báo/đài) được các cơ quan chức năng (như Bộ TT&TT) kiểm soát chặt chẽ (nhất là thời Trương Minh Tuấn), nên các đợt tuyên truyền lớn thường được chỉ đạo từ các cấp cao nhất. Khi truyền thông mạng xuất hiện và lấn sân, việc chỉ đạo (như bật “đèn xanh” hay “đèn đỏ”) chắc khó khăn hơn. Tuy các cơ quan chức năng không chỉ đạo được mạng xã hội, nhưng họ vẫn có thể thao túng được (nếu biết cách). Mỗi khi cả báo chí “chính thống” lẫn truyền thông mạng cùng vào cuộc (như hiện nay), nó thường phản ánh mức độ đấu tranh nội bộ quyết liệt hơn (giữa các nhóm lợi ích) và thường được lòng dân hơn (nếu chống tham nhũng quyết liệt). Truyền thông mạng là một vũ khí lợi hại, nhưng cũng dễ “đứt tay” như một con dao hai lưỡi. Bên cạnh vai trò báo chí chính thống (như một hằng số), sức mạnh của truyền thông mạng (như một biến số) có thể giúp chính quyền lấy lại chính danh, bằng cách lấy lòng dân, khi lòng tin của họ đã bị cạn kiệt (như tài nguyên quốc gia).
Cách đây 10 năm, vụ án PMU-18 là một ví dụ điển hình, đã từng làm dư luận cả nước bức xúc. Lúc đó, báo chí chính thống và truyền thông mạng cũng vào cuộc (tuy mạng xã hội lúc đó chưa đủ mạnh). Một số báo lớn (như Thanh Niên và Tuổi Trẻ) đã đi đầu trong việc điều tra và đưa tin (chắc được bật “đèn xanh”). Nhưng khi chống tham nhũng đụng đến “vùng cấm” quá nhạy cảm thì lãnh đạo lại sợ “vỡ bình” nên họ lại bật “đèn đỏ” để dừng vụ án. Lúc đó, không chỉ có hai nhà báo đi đầu trong vụ này đã bị bắt (Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải) mà thiếu tướng công an Phạm Xuân Quắc (Cục trưởng C14 và Trưởng ban điều tra chuyên án PMU-18) và một trưởng phòng trong C14 (thượng tá Đinh Văn Huynh) cũng bị khởi tố.
Vì vậy, người ta có lý do để nghi ngại liệu vụ Thủ Thiêm có lặp lại bài học về vụ PMU-18, trong đó Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải, và Phạm Xuân Quắc (cùng nhiều người khác) đã trở thành nạn nhân của nghịch lý chống tham nhũng. Trong vụ khủng hoảng con tin Đồng Tâm, ông Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến Đồng Tâm, ký (và điểm chỉ) vào bản cam kết trong đó hứa sẽ không khởi tố người dân Đồng Tâm, và sẽ điều tra tranh chấp đất đai. Qua sự kiện đó, ông Nguyễn Đức Chung (cũng như ông Lê Đình Kinh và bà Nguyễn Thi Lan) đã trở thành ngôi sao trong mắt người dân (và báo chí). Nhưng khi ông Chung nuốt lời hứa, lòng tin của người dân cũng mất hết. Một khi lòng tin đã mất thì khó lấy lại.

Dân vận hay dân túy

Trong một thể chế chồng chéo và bất cập, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay Ủy ban Dân vận Trung ương đều do một ủy viên Bộ Chính trị phụ trách, để lo công tác dân vận (hay “dân túy”). Trong khi chính quyền luôn hô khẩu hiệu về nhà nước “của dân, do dân, vì dân” thì lòng tin của người dân ngày càng cạn kiệt. Trong khi Chính phủ luôn quảng bá hình ảnh về “Chính phủ kiến tạo và liêm chính”, thì các bộ ngành vẫn đang ỳ ạch trong tình trạng “trên bảo dưới không nghe” và “trên nóng dưới lạnh” hay “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”. Nghịch lý chống tham nhũng có thể biến Thủ Thiêm trở thành một quả “bom nổ chậm” (như Đồng Tâm và Formosa). Một đất nước có quá nhiều “bom nổ chậm” thì việc tụt hậu và rạn nứt là dễ hiểu.
Theo khảo sát của viện Gallup, Việt Nam và Singapore là hai quốc gia trong nhóm nước được xếp hạng “vô cảm nhất thế giới”. Nhưng trong khi Singapore (một nước tư bản “high-tech”) biết lo cho dân, thì Việt Nam (một nước XHCN “low-tech”) chỉ biết “ăn của dân không từ một cái gì”. Có lẽ sự vô cảm được biểu hiện rõ nhất là qua thái độ ứng xử của các quan tham (là “đầy tớ của dân”) đối với nhân dân (là “ông chủ”) trong các vụ cưỡng chế để chiếm đoạt ruộng đất làm dự án. Trong khi các vụ tranh chấp đất đai tại Văn Giang, Dương Nội, và Đồng Tâm… vẫn chưa được khắc phục, thì “bàn cờ Thủ Thiêm” đang trở thành một biến số mới trong chiến dịch chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, không chỉ nhắm vào nhóm lợi ích tại thành phố HCM, mà còn đụng chạm đến các bộ ngành Trung ương (cùng chung lợi ích nhóm).
Để bắt chước mô hình “Phố Đông” (Thượng Hải), dự án xây dựng đô thị Thủ Thiêm đầy tham vọng (nhưng quan liêu và vô cảm). Các nhà quy hoạch “tháp ngà” thường “cưỡi ngựa xem hoa”, chỉ quan tâm đến lợi ích và duyệt quy hoạch trên hồ sơ, mà không quan tâm đến con người (nên sớm muộn sẽ thất bại). Thật đáng xấu hổ khi một người nước ngoài như tiến sỹ Erik Harms (Đại học Yale) tác giả của cuốn sách “Xa hoa và Đổ nát” (Luxury và Rubble) viết về các đô thị mới (trong đó có Thủ Thiêm) còn biết nghĩ đến người dân khi nhận xét một cách xác đáng: “người dân Thủ Thiêm đã bị đối xử như không hề tồn tại” (Zing, 11/5/2018).

Kiểm soát quyền lực

Trong khi các quan tham ngày càng xa dân và đối xử với họ như “không hề tồn tại”, thì chính quyền càng tự cô lập mình và đánh mất chính danh. Trong một thể chế dựa trên độc quyền chứ không phải “pháp quyền” (rule of law), thì không thể kiểm soát được quyền lực, nhất là khi nó bị tha hóa trở thành “tư bản đỏ” (hay “xã hội đen”). Nếu không cải tổ thể chế toàn diện, thì dù có chống tham nhũng quyết liệt, cũng không thể diệt trừ được nguồn gốc sinh ra tham nhũng. Vì vậy, “người đốt lò vĩ đại” không thể cho hết “củi khô hay tươi” vào lò vì khu rừng tham nhũng quá lớn. Việt Nam có một thể chế chồng chéo, tự vô hiệu hóa, chỉ tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích dễ thao túng, làm cho kiểm soát quyền lực trở nên bất khả thi. Nhưng mô hình Trung Quốc không phải là sự lựa chọn khôn ngoan, vì sớm muộn nó cũng “đổ vỡ” (crack up). Những gì đang diễn ra tại bán đảo Triều Tiên là một lời cảnh báo mới, vì xu hướng “thoát Trung” đang diễn ra tại Đài Loan, Miến Điện, Triều Tiên (cũng như Việt Nam).
Theo Franscis Fukuyama (China’s bad emperor returns, Francis Fukuyama, Washington Post, March 6, 2018), Tập Cận Bình đã dập tắt hy vọng của người Trung Quốc về một xã hội cởi mở, minh bạch và tự do hơn, đàn áp mọi biểu hiện chống đối, và thiết chế một hệ thống kiểm soát xã hội bằng cách sử dụng “dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo” (big data and artificial intelligence) để theo dõi hành vi hàng ngày của công dân. Rốt cuộc, Trung Quốc dưới thời Tập sẽ cho thế giới thấy một nhà nước độc tài toàn trị trong thế kỷ 21 là như thế nào. Viêt Nam đang bắt chước Trung Quốc chống tham nhũng (như phương tiện) nhưng liệu có muốn bắt chước mô hình của Trung Quốc (như mục đích) hay không? Hy vọng lãnh đạo Việt Nam sẽ không dại dột trở thành “Hoàng đế An Nam”, theo mô hình “bad emperor” của Trung Quốc.
Muốn kiểm soát quyền lực, và chống tham nhũng có hiệu quả, phải hiểu sự chuyển dịch của quyền lực (power shifts), để cải tổ thể chế đúng hướng, dựa trên pháp quyền và sự đồng thuận của người dân (chứ không chỉ “dân vận” hay “mỵ dân”). Trong cuốn sách “sự cáo chung của quyền lực” (the end of power, Moises Naim, Basic Books, 2013), tác giả lập luận “trong thế kỷ 21, có thể dễ giành quyền lực, nhưng khó sử dụng, và dễ đánh mất”. Naim cảnh báo sự suy tàn của “siêu cường” (superpower) sẽ làm cho thế giới càng bất ổn định, dẫn đến tình trạng ách tắc (gridlock) và hỗn loạn (anarchy). Các “tiểu quyền lực” (micropowers) sẽ ngày càng nổi lên thách thức các “đại quyền lực” (megaplayers). Nếu dân chủ tự do trong thế kỷ 21 gặp rắc rối thì ít khả năng do các mối đe dọa “thông thường” (conventional threat) từ bên ngoài (như Trung Quốc hay Hồi giáo) mà là do mâu thuẫn nội tại từ bên trong xã hội.

Sửa đổi luật hay quy hoạch

Nguyên tắc “sở hữu toàn dân” về ruộng đất là một di sản từ thời bao cấp (với tư duy “công hữu hóa” công cụ sản xuất), nay trở thành một rào cản lớn cho cải cách và phát triển kinh tế thị trường tại Việt Nam, tạo ra bất cập lớn cho nền kinh tế chuyển đổi. Nếu không thay đổi tư duy lỗi thời đó và sửa đổi hiến pháp để tháo gỡ cái nút thắt này, thì Việt Nam vẫn bị mắc kẹt trong mối quan hệ xã hội thân hữu bị lợi ích nhóm thao túng, dẫn đến tham nhũng đất đai và phát triển bất động sản vô tội vạ, tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. Cũng như tranh chấp đất đai tại khắp nơi trên toàn quốc, những khuất tất về quy hoạch Thủ Thiêm phản ánh thực trạng chung khi các nhóm lợi ích lợi dụng kẽ hở của luật đất đai để thâu tóm tài sản, xô đẩy người dân vào bước đường cùng, tạo ra một quả bom nổ chậm (hay cái nồi áp suất khổng lồ).
Chính quyền Thành phố HCM (dưới thời Bí thư Lê Thanh Hải và Phó Bí thư thường trực là Nguyễn Văn Đua) đã ban hành quyết định QĐ 6565 (ngày 27/12/2005) phê duyệt đồ án tỷ lệ 1/2.000 điều chỉnh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Những “điều chỉnh” này đã làm thay đổi hẳn bản quy hoạch gốc về Thủ Thiêm đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt (quyết định QĐ 367 ngày 4/6/1996). Theo ông Võ Viết Thanh (cựu Chủ tịch UBND thành phố) quyết định 6565 (của UBND thành phố) đã thay thế quyết định 367 (của Thủ tướng Chính phủ). Ông Võ Viết Thanh còn lưu giữ đầy đủ những bản đồ quy hoạch gốc được Chính phủ duyệt, chứ không phải “bị biến mất” như nhóm lợi ích nói (hòng xóa dấu vết để chạy tội).
Dựa vào quy hoạch đã được sửa đổi này, nhóm lợi ích (được Bí thư Lê Thanh Hải chống lưng) đã thẳng tay đuổi dân, “xẻ thịt” đất Thủ Thiêm, chia cho nhóm lợi ích dưới danh nghĩa “nhà đầu tư”. Theo đó, UBND thành phố HCM đã giao cho công ty (sân sau) Đại Quang Minh thực hiện 4 cung đường với chiều dài có 11,9 km nhưng tổng chi phí đầu tư lên đến 12.182 tỷ đồng. Đổi lại, UBND thành phố đã giao cho Đại Quang Minh khu đất sạch có diện tích gần 79 hecta. Đại Quang Minh tiếp tục được UBND thành phố giao cho xây dựng cầu dây văng Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 với quận 2) với tổng chi phí lên đến 4.260 tỷ đồng. Đổi lại, UBND thành phố đã cấp cho Đại Quang Minh 13,5 hecta đất cũng tại Thủ Thiêm. Có lẽ vì vậy mà ông Võ Viết Thanh đã bất lực thốt lên rằng “Đồng tiền đã làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm”.

Lời kết

Với vụ đại án Thủ Thiêm sắp tới, khi nhiều “củi to” sắp bị cho vào lò đang “nóng rực lên rồi”, chiến dịch chống tham nhũng ngày càng quyết liệt có dấu hiệu đang “biến lượng thành chất”. Muốn hay không, phải thừa nhận rằng “người đốt lò vĩ đại” là một biến số lớn, như một câu hỏi khó giải mã đối với các nhà “Việt Nam học” đang nghiên cứu quá trình chuyển đổi kinh tế và chính trị tại quốc gia theo mô hình “không chịu phát triển” này. Điều đó có thể đúng với nhận định của Moises Naim trong cuốn sách “Sự cáo chung của quyền lực”.
Cũng như bài học Đồng Tâm và các bài học khác (như Formosa), “Hội chứng Thủ Thiêm” còn phản ánh quy luật “cùng tắc biến”, (tuy chưa biết nó có dẫn đến “biến tắc thông” hay không). Nếu chiến dịch chống tham nhũng “từ trên xuống” (top-down) dẫn đến tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hay “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”, thì đã đến lúc “người đốt lò vĩ đại” cần nghĩ phải làm gì tiếp để công sức chống tham nhũng không bị uổng phí. Để hóa giải “nghịch lý chống tham nhũng”, Đảng không phải chỉ lấy lòng dân để lấy lại chính danh và nhất thể hóa để củng cố quyền lực và giảm chi phí quá lớn cho một hệ thống chồng chéo, mà còn phải cải tổ thể chế toàn diện để đảm bảo hệ quả của chống tham nhũng không bị đảo ngược.
15/5/2018
N.Q.D.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 15-5-18
Nguồn: http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_ThuThiem.html

ÔNG NGUYỄN THIỆN NHÂN CÓ DÍNH ÂM MƯU CHIẾM ĐẤT DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THỦ THIÊM ?

THIỀN LÂM/ CaliToday/ BVN 17-5-2018

Vietnam - Cali Today news - ‘Hơn 15 năm trước tôi là người cực kỳ ái mộ, xem ông Nguyễn Thiện Nhân như thần tượng. Nhưng thời gian và hiện tình đất nước giúp tôi mở mắt. “Tôi nhận ra, một cá nhân dù có giỏi đến đâu, dù đạo đức cao vợi thế nào, nhưng nếu ở trong “tổ quỷ” lâu ngày rồi thì cũng phải thỏa hiệp để tồn tại, và như vậy dần biến chất đến mất chất. Nếu có tỉnh táo cố gắng giữ mình lương thiện để không hại dân hại nước thì sẽ chẳng làm được việc gì ra hồn, còn nếu dụng tâm chứng tỏ “năng lực”, leo cao luồn sâu trong bộ máy cai trị ấy thì chẳng chóng thì chầy, hắn sẽ tha hóa. Vì sao? Vì không có “người cộng sản tốt”; Chỉ có người tốt chọn nhầm cộng sản và khi đã chọn nhầm thì sớm muộn cũng thành người không tốt’ - lời tự bạch của một facebooker là Nguyễn Hồng.
Vào những ngày cận Tết Nguyên Đán 2018, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã bất ngờ đến thăm Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Trong cuộc thăm viếng đột ngột này, ông Nhân còn chúc các xơ ‘giữ vững đức tin’.
Khi đó, có ý kiến đánh giá rằng Nguyễn Thiện Nhân lại là người thuộc trường phái “chính trị gia co thủ”, vốn hết sức thận trọng với các giao tiếp “nhạy cảm chính trị” và càng tránh xa những hoạt động bề nổi chẳng có lợi gì cho mình. Do vậy, cuộc thăm Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm của ông Nhân vào những ngày cận tết nguyên đán 2018 đã cho thấy cơ sở tôn giáo này tạm thời không bị rủi ro của âm mưu giải tỏa.
Nhưng chẳng bao lâu sau đó, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã trở lại quá khứ Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân với lời hứa như đinh đóng cột vào năm 2006: ‘Năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương’.
8 năm sau cái mốc 2010 đó, hàng ngàn giáo viên ở nhiều vùng thôn quê phải nghỉ việc vì lương không đủ sống, vì bị nợ lương, và vì bị cho nghỉ việc.
Tuyệt đối không thấy cựu Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân cải chính một lời nào về sự cam kết của mình.
Vào đầu tháng Năm năm 2018, khi xuất hiện tin tức về Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm nằm trong số 9 lô đất mà Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong chuẩn bị đưa ra đấu giá và tin tức này đã bị nhiều dư luận phản ứng mãnh liệt, có tin vỉa hè nói rằng Bí thư Nhân có ý kiến không đồng tình với việc giải tỏa Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm. Tuy nhiên sau đó, đã chẳng có một biểu hiện công khai nào của Nguyễn Thiện Nhân nhằm khẳng định cái ý tứ tốt lành đó.
Thậm chí Nguyễn Thiện Nhân đã hành động ngược lại.
Cuối tuần trước, ngay sau khi trở về Sài Gòn từ Hội nghị Trung ương 7 ở Hà Nội, một trong những việc đầu tiên mà ông Nguyễn Thiện Nhân làm là dẫn đầu một đoàn đi thăm và tặng quà cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn Thủ Thiêm vào chiều tối ngày 12/5/2018. Các cơ sở tôn giáo ông Nhân đi thăm lần này là các cơ sở Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “quốc doanh”.

https://www.baocalitoday.com/wp-content/uploads/2018/05/thien-nhan.png
Nguyễn Thiện Nhân thăm chùa Thiền Tịnh, quận 2. Ảnh: VIỆT DŨNG
Báo Đảng TP.HCM cho biết Bí thư Quận 2 Nguyễn Hoài Nam đã báo cáo rằng đã có khoảng 22 cơ sở tôn giáo trong khu vực qui hoạch đã “đồng thuận di dời, bàn giao mặt bằng”, chính quyền thành phố đã hoán đổi cho các cơ sở tôn giáo nhưng vị trí vị trí mới ở nơi có đầy đủ cơ sở hạ tầng, diện tích được tăng thêm 20%, giá trị bồi thường vật kiến trúc xây dựng được áp dụng cao hơn so với nhà dân 2,8 lần, hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/m² đối với phần diện tích chính điện (của cơ sở phải di dời), tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cấp phép xây dựng, hỗ trợ kéo điện, nước… cho quá trình thiết kế, xây dựng lại chỗ mới. v.v.
Tường thuật của báo Đảng còn cho biết các chùa mà ông Nhân đến thăm rất vui khi được hỗ trợ thêm 20% đất, hỗ trợ tiền di dời, xây dựng lại chùa mới to đẹp hơn và Phật tử sẽ đông hơn.
Nguyễn Thiện Nhân đi thăm các chùa Phật giáo ở Quận 2 để làm gì, nếu không phải nhằm gián tiếp gửi thông điệp cho Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm về một vị trí mới sẽ ‘đàng hoàng hơn, to đẹp hơn’ nếu cơ sở Công giáo này chịu di dời?
Cũng có nghĩa là Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vẫn còn nằm nguyên trong một âm mưu chiếm đất của cơ sở tôn giáo này.
Trong khi đó, sự biến mất của bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm càng tạo điều kiện để chính quyền và các nhóm lợi ích lấp liếm rằng Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm ‘nằm trong quy hoạch giải tỏa’.
Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tọa lạc tại một vị trí sát sông Sài Gòn, nhìn thẳng sang khu trung tâm quận 1, quá đủ để khêu gợi con mắt thèm thuồng của những đại gia và quan chức “2 Đ” (đất và đô la), và hứa hẹn không biết bao nhiêu lợi lộc nếu ai đó “chiếm” được. Diện tích này lại lọt thỏm trong quy hoạch của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm mà chính quyền luôn lấy cớ quy hoạch để giải tỏa đất tôn giáo.
Nhiều thông tin cho biết chính quyền TP.HCM và quận 2 (đứng đằng sau là Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang) cùng những tổ hợp nhóm lợi ích sẽ hưởng một nguồn lợi trực tiếp và khổng lồ từ việc giải tỏa Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Đến lúc này, trên sân khấu lợi ích nhóm đất vàng Thủ Thiêm không chỉ là những cái tên quá quen mặt trong quá khứ như Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân, Tất Thành Cang, mà còn hé lộ cả những ‘diễn viên’ mới là Nguyễn Thành Phong và Nguyễn Thiện Nhân.
T.L.
Nguồn: https://www.baocalitoday.com/chinh-su-viet-nam/ong-nguyen-thien-nhan-co-dinh-muu-chiem-dat-dong-men-thanh-gia-thu-thiem.html
Vụ Thủ Thiêm: mượn ‘lò’ để tống tiền lẫn nhau?

VỤ THỦ THIÊM: MƯỢN 'LÒ' ĐỂ TỐNG TIỀN LẪN NHAU ?
PHẠM CHÍ DŨNG/VOA/BVN 19-5-2018

Bản đồ Thủ Thiêm. (courtesy image of NamPhatLand)
Bản đồ Thủ Thiêm. (courtesy image of NamPhatLand)
Tháng Năm năm 2018. Trong tuần đầu tiên của vụ ‘khủng hoảng Thủ Thiêm’, đã có dấu hiệu khá rõ về ‘cả hệ thống chính trị vào cuộc’, không chỉ liên quan vụ biến mất Bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, mà còn ‘hồi tố’ toàn bộ quá trình xây dựng quy hoạch, trình duyệt phê chuẩn và triển khai bồi thường, giải tỏa và cưỡng chế tại khu vực này.

Tuần đầu tiên bùng nổ

Trong tuần đầu tiên đó, vụ Thủ Thiêm đã được xới tung lên và trở nên ồn ào một cách đầy chủ ý. Báo chí nhà nước ồ ạt vào cuộc và tung tin bài như thể vô số bất công của vụ Thủ Thiêm mới được phát hiện lần đầu tiên.
Nhiều quan chức của TP.HCM và bộ ngành liên quan vội vã lên tiếng thanh minh để tránh trách niệm của quá khứ và hiện tại…
Cũng khá nhanh chóng, đã có những tờ báo chỉ mặt điểm tên các quan chức đứng đầu bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm trong quá khứ: Nguyễn Văn Đua - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, Lê Thanh Hải - Chủ tịch TP.HCM và sau đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Nguyễn Văn Đua bị ‘tố’ là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyễn Văn Đua, mà trong giới quan chức thường gọi là ‘Anh Ba Đua’, là người ‘trưởng thành’ từ đoàn thanh niên cộng sản, từng được kỳ vọng là một chính khách trong sáng và tâm huyết. Nhưng sau khi từ Phó Chủ tịch Thành phố trở thành Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM vào thời Lê Thanh Hải làm Bí thư, ‘Anh Ba Đua’ đã nắm khối an ninh nội chính và mau chóng trở thành một ‘sát thủ’ đối với giới hoạt động dân chủ nhân quyền ở Sài Gòn.
Nhiều trận đàn áp, bắt bớ người hoạt động nhân quyền đều in đậm dấu ấn của ‘Anh Ba Đua’. Vào ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12 năm 2013, trong khi các nhà hoạt động nhân quyền đang tụ tập ở Công viên Quách Thị Trang tại trung tâm quận Nhất để tổ chức kỷ niệm trong vòng vây của hàng trăm nhân viên công an, thì hàng chục bịch mắm tôm từ tứ phía ào ạt ném vào đám đông kỷ niệm. Rất nhiều người đã bị dính mắm tôm, bốc mùi kinh khủng. Ngay sau đó, một số nhà hoạt động nhân quyền nhìn thấy từ một góc công viên, Nguyễn Văn Đua hiện ra giữa một đám công an. ‘Anh Ba Đua’ hỏi gấp ‘Bọn nó đâu?’, và đám công an chỉ thẳng vào những nhà hoạt động nhân quyền đang bị phủ từ đầu xuống chân bởi mắm tôm…
Một số tờ báo nhà nước cũng đã bắt đầu chỉ đích danh Lê Thanh Hải - vào thời còn là Chủ tịch Thành phố, đã ‘dọn đường’ cho việc thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm giải tỏa lố sang 160 ha đất mà trước đó dùng làm khu vực tái định cư cho dân, đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.
Chỉ sau 5 ngày từ thời điểm một phóng viên ‘vô tình’ đặt câu hỏi đối với Văn phòng Ủy ban Nhân dân TP.HCM về việc tại sao không thấy tồn tại Bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, ‘Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM’ - một cơ quan được xem là đại diện cho tiếng nói của các cử tri tại thành phố này - đã xuất hiện.
Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên ‘Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM’ đến làm việc một cách chính thức với dân oan Thủ Thiêm, cho dù khoảng thời gian khiếu nại và tố cáo của người dân nơi đây đã kéo dài suốt từ mười mấy năm qua mà chẳng có cơ quan chính quyền hay ‘đoàn đại biểu Quốc hội’ nào thèm đoái hoài.

Từ ‘đoàn đại biểu Quốc hội’ đến đại án quốc gia?

Đợt ‘đấu tố’ của báo chí nhà nước và cú nước rút thần tốc của ‘Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM’ là hai dấu hiệu mà từ đó có thể cho rằng vụ Thủ Thiêm đang bị ‘hồi tố’ và thậm chí còn có thể trở thành một đại án quốc gia trong năm 2018.
Cái cách báo chí nhà nước đăng bài ồ ạt như trên lại khá giống với vụ ‘xe Lexus’ của Phó Chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh - cũng được báo chí làm đậm vào tháng Sáu năm 2016. Tháng Sáu ấy lại được đặc thù bởi ‘việc cần làm ngay’ của Nguyễn Phú Trọng.
Phải chăng Nguyễn Phú Trọng đang đi một nước cờ chưa từng có kể từ lúc khởi động chiến dịch ‘đốt lò”: xới tung hồ sơ một vụ việc gây ảnh hưởng diện rộng đối với dân chúng và do đó vừa diệt cả quan chức tham nhũng cấp ‘tập đoàn quân’, vừa thu hồi tài sản tham nhũng, vừa được tiếng lo cho dân?
Khởi đi từ vụ ‘mất bản đồ Thủ Thiêm’, hiện tượng ‘Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM’ đang cho thấy có thể sẽ dẫn đến một đại án quốc gia về tham nhũng, trực chỉ ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ và phe cánh chính trị mà quan chức ‘đại gia tư bản đỏ’ này đã dày công gây dựng từ vài chục năm qua ở Sài Gòn.
Chỉ từ đầu tháng Ba đến nay, đã có 3 người thân của Lê Thanh Hải bị ‘lên thớt’: Lê Tấn Hùng - em ruột ông Hải - với vụ chi khống 13,3 tỷ đồng, Lê Trương Hải Hiếu - con trai ông Hải - với vụ ‘có con ngoài giá thú không báo cáo với tổ chức đảng’, và gần đây nhất là Tất Thành Cang.
Tất Thành Cang - Phó Bí thư thường trực TP.HCM - sẽ chắc chắn mất chức vì chỉ đạo vụ Công ty Tân Thuận của Thành ủy TP.HCM bán trái phép 32 ha đất Nhà Bè cho tư nhân. Khi con bài này bị ‘cháy’, Lê Thanh Hải sẽ mất đi một lá chắn mạnh nhất trong Thành ủy TP.HCM, và do vậy ông Hải sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn hẳn khi bị kiểm tra, thanh tra và điều tra trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, sau khi tiếp xúc dân oan Thủ Thiêm và kiểm tra lại hồ sơ khiếu nại tố cáo, ‘Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM’ sẽ báo cáo vụ việc này cho Quốc hội - dự kiến sẽ bắt đầu kỳ họp Quốc hội từ ngày 20/5 tới.
Khác với vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Thủ Thiêm không chỉ được khởi phát bằng dấu ấn của ‘báo nói’, mà còn là hoạt động tiền trạm của cơ quan dân cử.
Người ta cũng còn nhớ là vào ngày 8/12/2017 khi Đinh La Thăng bị bắt, ngay trước đó đã diễn ra động tác Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của ông Thăng.
Cứ theo cách đó, vụ việc Thủ Thiêm có thể được đẩy lên tầm mức quốc gia, nhưng không phải được khởi động ngay bằng hoạt động thanh tra, kiểm tra hay điều tra, mà bằng ‘tiếng nói dân cử’.
Một khả năng có thể là sau khi nghe báo cáo của ‘Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM’, Quốc hội - mà cụ thể là Ủy ban Thường vụ Quốc hội - sẽ đặt vấn đề cần có một văn bản hoặc quan trọng hơn hẳn là một nghị quyết để yêu cầu Chính phủ phải ‘vào cuộc’ nhằm thanh tra toàn diện vụ quy hoạch và đền bù giải tỏa ở Thủ Thiêm để ‘chống tham nhũng’ và ‘lấy lại niềm tin của nhân dân’.
Và sau thanh tra có thể sẽ là điều tra, tức vụ việc Thủ Thiêm sẽ được chuyển sang chân Bộ Công an…

Tuần tiếp theo im bặt

Trong những ngày này, chắc chắn không ít dư luận người dân và công chức đang ủng hộ Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch truy quét tham nhũng ở Thủ Thiêm. Tuy nhiên, cái tuần tiếp theo im bặt của báo chí đã khiến người dân lại lờ mờ nhìn thấy bóng dáng một nhóm quyền lực và lợi ích khổng lồ nào đó đứng đằng sau, hoặc sát bên cạnh chiến dịch này, thậm chí sát cạnh ông Trọng.
Sau tuần đầu tiên với hiện tượng các tờ báo nhà nước được bật đèn xanh và do đó được ‘mở miệng’ gần như không hạn chế và một vài facebooker ẩn danh liên tiếp tung bài ‘đánh’ phe nhóm Lê Thanh Hải, sang tuần tiếp theo đã xảy ra một hiện tượng kỳ lạ: cũng báo chí nhà nước và cũng những tờ báo vừa lên tiếng mạnh mẽ nhất về vụ Thủ Thiêm, đã im bặt như thể bị ai đó khóa miệng.
Vào cuối tuần đầu tiên của vụ Thủ Thiêm, có tin Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã vào Sài Gòn làm việc và yêu cầu báo chí ngừng đăng bài về vụ này.
Một lần nữa kể từ sau vụ Formosa, ‘nền báo chí cách mạng’ cùng hơn 800 tờ báo như thể bị một cái bạt tai ‘rọ mõm’.
Trong vụ Formosa, báo chí nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo Trung ương ‘khóa miệng’ sau khoảng một chục ngày ‘xả xu pap’.
Cũng đang có dấu hiệu chính quyền TP.HCM xin trung ương ‘xử lý nội bộ’. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa tổ chức một cuộc họp về vụ Thủ Thiêm với kết luận rất nước đôi và rất yếu ớt, như thể ông Phúc đang cố che chắn cho một nhóm lợi ích nào đó đã ‘ăn đất’ ở cái vùng đất đã chứng kiến không ít oan hồn dân oan phẫn uất này.
Nhóm đó là nhóm nào, gồm những ai? Nhóm quyền lực - lợi ích này có lợi dụng chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng để ‘tống tiền’ nhóm quyền lực - lợi ích cũ của Lê Thanh Hải?
Bởi một kịch bản mà nếu trở thành hiện thực thì người dân sẽ phải dìm chút hy vọng còn lại vào Nguyễn Phú Trọng xuống tận đáy: sau khi đã có kết quả kiểm tra hoặc thanh tra, một thế lực chính trị - lợi ích sẽ lấy kết quả đó để tống tiền và ngã giá với những quan chức sắp bị tống vào ‘lò’. Lối thoát duy nhất của những quan chức tham nhũng là phải ‘ói ra’, tức phải nhả ra nhiều lô đất vàng tại khu vực Thủ Thiêm cho nhóm lợi ích mới với giá cực thấp hoặc ‘cho không’. Nếu chịu ‘ói ra’, sẽ chẳng có quan chức ‘ăn đất’ nào phải trả giá, hoặc cùng lắm chỉ bị ‘cách hết mọi chức vụ trong quá khứ’ như một động tác ma mị đối với dân chúng. Và cũng chẳng có đồng tiền bồi thường nào đến tay dân oan, mà tất cả sẽ chui vào túi của những kẻ tống tiền.
Phải chăng vào khoảng thời gian báo chí bị ‘khóa miệng’, một nhóm quyền lực - lợi ích mới đang bí mật đàm phán với nhóm quyền lực - lợi ích cũ để ‘chuyển giao với giá rẻ’ một phần lớn hoặc toàn bộ đất vàng ở Thủ Thiêm?
Liệu Nguyễn Phú Trọng có biết âm mưu đó?
P.C.D.
Tác giả gửi BVN.


'TƯ BẢN ĐỎ' THAO TÚNG MỌI CHÍNH SÁCH Ở VIỆT NAM

VĂN LANG/ NV/ viet-studies 20-5-2018

Giới “tư bản đỏ” mới chỉ hình thành vài ba chục năm nay, sau khi đảng CSVN tuyên bố “đổi mới” kể từ 1986, nhưng giờ đây đã thao túng, lũng đoạn mọi chính sách của nhà cầm quyền Cộng Sản tại Việt Nam.
Biết rõ “tư bản đỏ” là một mối an nguy lớn nhất của chế độ, nhưng nhà cầm quyền Cộng Sản hầu như không có kế sách gì để loại trừ mối nguy cơ này. Thậm chí, chẳng có tay lãnh đạo Cộng Sản nào nghĩ tới chuyện lập “pháp trường cát.” Mà nếu có, thì có thể bắn được hết đám “tư bản đỏ” không? Và trên hết, bắn rồi có cứu nguy được chế độ không?
Khi ‘tư bản đỏ’ hiện nguyên hình
Vụ lùm xum đất đai ở Thủ Thiêm Sài Gòn gần đây đã cho thấy “tư bản đỏ” hiện nguyên hình, không còn là “hình bóng mơ hồ,” hay chỉ như thiên hạ đồn đoán.
Đầu tiên là vụ phó bí thư Thành Ủy Sài Gòn ký giấy bán 32 hécta (ha) đất cho Tập Đoàn Quốc Cường Gia Lai. Lúc này bàn dân thiên hạ mới “té ngửa,” vì trước kia thiên hạ chỉ đồn đoán về các vụ “đi đêm” của các cá nhân có chức quyền ở Sài Gòn. Và có tin đồn là cơ quan công quyền của Sài Gòn có tới 30% cổ phần sở hữu trong “liên doanh” với Phú Mỹ Hưng.
Thực hư chưa ai đứng ra xác nhận, nhưng cách đây chừng vài năm khi cư dân khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng kêu gọi trên mạng xuống đường biểu tình vì chính sách thu thuế sử dụng đất bất hợp lý của thành phố Sài Gòn. Lập tức, công an được huy động chốt chặn hết các ngả đường vô Phú Mỹ Hưng và dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh. Với một khí thế nghiêm trọng chưa từng có, thậm chí được đánh giá là còn nghiêm ngặt hơn cả những ngày chốt chặn người dân xuống đường biểu tình chống Trung Cộng xâm lấn ở Biển Đông. Rõ ràng giới chức của Sài Gòn không có quyền lợi gì ở Phú Mỹ Hưng, đời nào họ huy động quân bảo vệ nghiêm ngặt như vậy?
Thiên hạ một thời “đồn đoán”là các cơ quan công quyền ở Sài Gòn, đều tự ý lập ra một cái ban (không quy định bằng văn bản) gọi là “ban đời sống.” Ban này chuyên chạy lo các dự án đất đai, sau khi hoàn thành quy hoạch (thực chất là đi cướp đất của dân, đền bù với giá rẻ mạt), thì tư túi, chia chác với nhau, tạo điều kiện “làm giàu tập thể” cho các ban chức quyền, có thế lực. Nhưng với vụ Phó Bí Thư Thành Ủy Tất Thành Cang ký giấy bán đất cho Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ mạt là 1 triệu 250 ngàn đồng/mét vuông, thì việc hé lộ ra là Thành Ủy Sài Gòn (cơ quan quyền lực cao nhất thành phố) có hẳn một công ty mang tên Tân Thuận, chứ không đơn thuần là một “ban đời sống” con con lo chuyện “cải thiện” đời sống cho các chức sắc trong đảng nữa.
Từ vụ Tất Thành Cang báo chí, truyền thông được “bật đèn xanh,” đồng loạt tấn công vụ đất đai tại bán đảo Thủ Thiêm. Nơi trước kia Tất Thành Cang làm bí thư quận ủy quận 2, người đã “cầm quân” giải tỏa trắng khu Thủ Thiêm. Đồng thời người ta cũng nhắc lại Tất Thành Cang là cánh tay (sai) đắc lực của cựu Bí Thư Lê Thanh Hải, người mà giai đoạn làm chủ tịch rồi bí thư Sài Gòn gần 20 năm, trùng với thời kỳ đen tối nhất của dân đen vùng bán đảo Thủ Thiêm. Nơi mà cho tới nay vẫn là một vùng tăm tối nhất nước, dù Thủ Thiêm chỉ cách Sài Gòn lung linh ánh đèn xa hoa chỉ bằng bề ngang của mặt sông dài chưa tới 200 mét.
Từ vụ đất đai ở Thủ Thiêm thiên hạ lại “té nhào” dựng tóc gáy, vì những chuyện không sao hiểu nổi. Đầu tiên là bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm do thủ tướng Cộng Sản ký từ năm 1996, đột nhiên bị… biến mất. Mà theo luật đất đai của Cộng Sản Việt Nam, thì chỉ có thủ tướng mới có quyền ký quyết định quy hoạch – giải tỏa đất đai (cho phép địa phương áp giá đền bù, vì quốc kế dân sinh, vì lợi ích chung của quốc gia). Nhưng mất bản đồ quy hoạch (đã có hiệu lực), thì người đi quy hoạch (chính quyền Sài Gòn) có quyền “co giãn” vô tội vạ số đất đai bị giải tỏa (bị chiếm) rồi đem bán lại cho các tập đoàn bất động sản tư nhân (thu bạc tỷ tiền Mỹ).
Đã vậy, chính quyền cộng sản Sài Gòn lại “trưng” ra bản đồ do thành phố quy hoạch ký từ năm (2002 -2003), trên bản đồ ghi rõ: “Bản đồ quy hoạch này có hiệu lực thay thế bản đồ quy hoạch do thủ tướng ký từ năm 1996.”
Có lẽ dưới “vòm trời”này, chỉ có xứ Việt Cộng mới có chuyện cấp dưới ký giấy hủy bỏ và thay thế lệnh của cấp trên.
Chưa hết, báo chí cũng mạnh tay đưa tin. Trong khi đoàn đại biều quốc hội, do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vừa là “nghị sĩ,” kiêm chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố đi gặp đồng bào ở Thủ Thiêm. Đồng bào trong cơn phẫn uất đã đề nghị bà Tâm phải từ chức, vì đã không hoàn thành nhiệm vụ giám sát của mình. Để cho sai phạm đất đai tại Thủ Thiêm kéo dài trên 20 năm nay, làm cho dân Thủ Thiêm sống không nhà, chết không nhắm được mắt.
Đồng bào Thủ Thiêm tố cáo với các đại biểu “của dân.” Người thì bị “cướp” 3 ngàn mét vuông đất, mà chỉ được đền có 150 ngàn đồng (bằng giá 3 tô phở hạng trung). Đau khổ hơn, có hai ông bà già, chồng 92 tuổi nằm liệt một chỗ, vợ 83 tuổi vừa chăm chồng vừa khiếu kiện các nơi hơn 10 năm nay. Nhà của họ hơn 70 mét vuông đất trong khu giải tỏa, bị đập phá họ phải che chòi sống tạm trong tứ bề mưa nắng. Quyết định của quận 2 về trường hợp của họ, đền bù bằng 0 (tức mất trắng), diện tái định cư: Không đủ điều kiện (nghĩa là bị tống khỏi nhà, đi đâu sống chết mặc kệ, chánh quyền vô can).
Trong khi tập đoàn Đại Quang Minh liên kết với nhà cầm quyền cộng sản Sài Gòn, làm con đường vành đai trong khu quy hoạch. Còn đường dài 12 km, được “thổi giá”lên tới 12 ngàn tỷ đồng, tức 1 km đường = 1,000 tỷ đồng ($1 triệu, chưa tới 23 tỷ đồng). Con đường của Đại Quang Minh làm là con đường đắt giá nhất địa cầu. Mà chưa hết, với tiền đường “trên trời”như vậy, Đại Quang Minh sẽ được chính quyền trả bằng đất mà chính quyền đã “cưỡng chế” từ dân. Và khu dân cư hạng sang mang tên SaLa của tập đoàn Đại Quang Minh trong khu Thủ Thiêm được niêm yết giá bán là 336 triệu đồng/mét vuông.
Cứ nhìn cái cách làm ăn từ vụ đất đai ở Thủ Thiêm, thì đủ hiểu “tư bản đỏ” là tư bản như thế nào?

Nói về sự lũng đoạn quyền lực, xin nhắc lại vụ Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, mà thủ tướng đương nhiệm lúc đó không đồng ý. Con rể của một cán bộ cấp cao, trong lúc rượu say tâm tình với một “chân dài” văn nghệ đã nói: “Thế trận đất đai đã hình thành rồi, người ta chờ một đêm sáng ra thức dậy đã thấy mình thành…tỷ phú đô la. Thủ tướng mà chống đối, thì mỗi ‘nhà đầu tư’ chỉ cần quăng ra mỗi người 1 mét vuông đất thôi, là có thể ‘thổi bay’ cái ghế thủ tướng.” (Văn Lang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét