Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

20180126. BÀN VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
TỔNG BÍ THƯ: 'CHẠY CHỨC CHẠY QUYỀN, NAY ĐÃ LÀM RÕ VIỆC AI CHẠY, CHẠY AI'

P.THẢO/ DT 18-1-2018

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?".
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2017 do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở, nhấn mạnh về nhận thức xung quanh công tác xây dựng Đảng trên cơ sở nhìn lại công tác này trong thời gian qua.
Tổng Bí thư khẳng định, ngành tổ chức xây dựng Đảng gắn liền với lịch sử phát triển của Đảng. Với ý nghĩa đó, có thể nói, trong toàn bộ hệ thống các cơ quan tham mưu của Đảng thì Ban Tổ chức Trung ương và Ban tổ chức các cấp có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Ban có chức năng tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ các cấp về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực tổ chức, xây dựng Đảng; trực tiếp là về công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ…
Trong 2 lĩnh vực của công tác, trước hết về “tổ chức”, Tổng Bí thư nhắc đến nguyên tắc tổ chức; hệ thống tổ chức; cơ cấu tổ chức, biên chế; cơ chế vận hành, lề lối làm việc; sự phân công và phối hợp trong mỗi tổ chức cũng như giữa các tổ chức trong một hệ thống. Còn về lĩnh vực “cán bộ”, đó là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đánh giá, lựa chọn cán bộ; bố trí, sắp xếp cán bộ; và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ...
“Đây là công việc con người đối với con người cho nên rất hệ trọng và nhạy cảm” - Tổng Bí thư lưu ý.
Người lãnh đạo đứng đầu Đảng nhấn mạnh: “Lâu nay chúng ta thường nói, sau khi có đường lối đúng thì cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện đường lối. Nhưng mặt khác, lại phải thấy, nhiều khi cán bộ quyết định cả việc định ra đường lối; cán bộ nào thì đường lối ấy. Chúng ta càng ngày càng thấm thía "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "là nguyên nhân của mọi nguyên nhân".
Tổng Bí thư so sánh, nếu "xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt" thì công việc của Ban tổ chức các cấp là "then chốt của then chốt". Nếu "chốt" rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ; còn nếu chẳng may cái "chốt" này mà mọt hoặc trục trặc thì không biết tình hình sẽ thế nào.
Tổng Bí thư đánh giá cao nỗ lực, đóng góp của Ban Tổ chức Trung ương từ sau Đại hội XII đến nay, trước hết là việc khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự. Tiếp nữa, Ban Tổ chức đã tích cực, chủ động tham mưu để xây dựng Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Những việc đó đã góp phần chỉnh đốn Đảng trên tinh thần lấy "xây" là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, lấy "chống" là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.
Ban Tổ chức cũng tham mưu xây dựng hàng loạt văn bản quan trọng, tập trung khắc phục hạn chế, sơ hở trong công tác cán bộ, góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức, cán bộ. Tổng Bí thư điểm lại quy định về luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ, xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng…
Dù vậy, bên cạnh những thành tích, kết quả, Tổng Bí thư cũng chỉ ra nhiều hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục.
Thực tế, tình hình vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, đáng báo động. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn bất cập. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước rất lớn; dẫn đến chi thường xuyên ngày càng tăng, chiếm tỉ trọng cao trong tổng chi ngân sách Nhà nước.
Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả.
“Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?... Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong việc này thế nào?” – Tổng Bí thư nêu vấn đề.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư lưu ý, tư tưởng chỉ đạo chung là phải tiếp tục cụ thể hoá Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng.
Tổng Bí thư phân tích, năm 2017 ngành làm được nhiều việc, năm 2018 tiếp tục làm và còn nhiều việc phải làm. Thuận lợi là cả hệ thống chính trị đang có khí thế, hăng hái vào cuộc; cấp uỷ các cấp đang đặc biệt quyết tâm; nhân dân đang hồ hởi, ủng hộ. Tổng Bí thư đặt câu hỏi, vậy những người làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng chúng ta thế nào? Có lẽ hơn ai hết chúng ta càng phải khí thế, đẩy mạnh và làm quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình với tinh thần kiên quyết, kiên trì đưa các Nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét và biến thành hiện thực sinh động.
Tổng Bí thư cũng giao nhiệm vụ trước mắt là hoàn thiện đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" để trình Hội nghị Trung ương 7.
Lãnh đạo Đảng yêu cầu chú trọng đến công tác cán bộ thường xuyên; đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ. Thực tế hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp.
“Ngay từ năm 2014, tôi nêu vấn đề, trong nhân dân có nói chuyện chạy chức chạy quyền, đề nghị làm rõ, có hay không, ai chạy, chạy ai; nay đã làm rõ một bước nhưng đây vẫn là vấn đề nhức nhối” – Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư nhắc nhở, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới hết sức nặng nề. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn cái sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen nào không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”.
P.Thảo

ÔNG PHẠM MINH CHÍNH: Ở TRUNG ƯƠNG KHÔNG CÓ 'CHẠY'

THU HẰNG/ VNN 19-1-2018

Phạm Minh Chính,chạy chức,chạy quyền,kiểm soát quyền lực,trưởng ban tổ chức trung ương
Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính
Phát biểu bế mạc hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 và cho ý kiến về đề án Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ chiều nay, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm rút ra sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 12.
Một là, tiếp tục bám sát Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết Đại hội toàn quốc, bám chủ trương đường lối sát với tình hình để thực hiện có hiệu quả. 
Hai là, thường xuyên tranh thủ ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của thường vụ cấp uỷ, đặc biệt là của bí thư cấp ủy.
Đề cập vai trò của người đứng đầu, mối quan hệ của cấp uỷ, ông nhấn mạnh việc này hết sức quan trọng. Liên quan tổ chức, nhân sự là rất nhạy cảm mà không có sự lãnh đạo, không làm việc đầy đủ thì thiếu thông tin.
“Thiếu lãnh đạo cộng với thiếu thông tin thì đúng quy trình nhưng không đúng người, đúng việc”, ông lưu ý.
Minh bạch, dân chủ không tạo ra 'chạy'
“Làm nhân sự cấp Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý từ đầu khoá đến giờ hơn 400 đồng chí, các cấp uỷ cấp dưới làm rất nhiều. Đặc biệt bố trí lại các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên TƯ Đảng phải tham khảo ý kiến rất nhiều kênh. Từ cách làm như vậy cộng công khai minh bạch dân chủ và tạo ra không khí dân chủ, nhưng không tạo ra chạy.
Ta đưa ra quy trình 5 bước cải tiến quy trình 3 bước, cộng thông tin, cách làm đổi mới sáng tạo, tôi nghĩ từ đầu khoá đến giờ, không biết đồng chí dưới thế nào nhưng tôi thấy là ở TƯ không có 'chạy'. Kết quả bố trí cán bộ chứng minh điều này”, Trưởng Ban Tổ chức TƯ khẳng định.
Bài học thứ 3 là tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng.
"Chúng ta xây dựng bộ máy tinh gọn, hệ thống vận hành thông suốt nhưng chúng ta phải bố trí đúng con người. 3 điều này làm hệ thống chính trị phát triển bền vững, ổn định và có hiệu quả. Tất cả việc này đều dưới sự chỉ đạo cấp uỷ mà cấp uỷ lơ là thì bộ máy rệu rạo, cơ chế vận hành cũng không phù hợp, trục trặc, bố trí con người sai. Cả 3 cái này kéo hệ luỵ rất lớn", ông lưu ý.
Thứ 4, ông Phạm Minh Chính lưu ý là phải tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, tôn trọng và bám sát thực tiễn, dám nhìn thẳng, đánh giá đúng sự thật để tham mưu và tổ chức thực hiện.
Trong đó ông nhấn mạnh đến vấn đề phân cấp, phân quyền, TƯ chỉ làm cấp trực thuộc TƯ, cấp trực thuộc TƯ làm xuống cấp huyện, cấp huyện làm xuống cấp cơ sở.
"Như thế mới phân cấp, mới quy định trách nhiệm rõ ràng, sát thực tế. Bây giờ 1 Vụ Tổ chức cơ sở Đảng trên này có 7-8 cán bộ phải nghĩ ra cho mười mấy ngàn tổ chức cơ sở đảng làm sao làm hết được", ông dẫn chứng và nhấn mạnh phải thực hiện phân cấp từ tư duy này.
“Phấn cấp phân quyền chính là chỗ này, kiểm soát quyền lực cũng chính là chỗ này”, Trưởng ban Tổ chức TƯ nhấn mạnh.

Phạm Minh Chính,chạy chức,chạy quyền,kiểm soát quyền lực,trưởng ban tổ chức trung ương
Các đại biểu dự hội nghị
Bài học thứ 5, phải thường xuyên chăm lo tinh thần, vật chất của cán bộ, công chức, người lao động, quan tâm đến môi trường làm việc.
Cuối cùng, cần chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhưng phải đi đôi với giải phóng nguồn lực, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và tính tích cực chủ động của mọi người, mọi lúc.
“Cứ loay hoay lúc nào cũng dùng kỷ luật, kỷ cương, bó hết cả lại, khoanh lại vòng kim cô không có không gian cho phát triển”, Trưởng Ban Tổ chức TƯ lưu ý phải phát huy tối đa sáng tạo, đổi mới.
Có tình trạng biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho
Trưởng Ban Tổ chức TƯ cho hay, phương châm của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2018 là:  "Tích cực, chủ động, bám sát thực tiễn, đổi mới, sáng tạo, coi trọng hiệu quả". Ông đề nghị lãnh đạo cấp uỷ các cấp phấn đấu, nỗ lực theo tinh thần này.
Trong 8 nhiệm vụ trọng tâm, Trưởng Ban Tổ chức TƯ lưu ý có 2 vấn đề mới tiếp tục làm. Đó là xây dựng Đảng về đạo đức, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng.
Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ông nhấn mạnh cái gì đã rõ, đã chín thì phải cương quyết làm, cái gì luật pháp chưa tới hoặc vượt qua thì mạnh dạn thí điểm, cái gì còn có những ý kiến khác nhau thì tiếp tục bàn và tìm ra giải pháp phù hợp. 
Ông cũng cho hay, quy định về thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu sẽ được hoàn thiện, những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, lãng phí bị xử lý trách nhiệm, cho thôi, miễn nhiệm cán bộ làm việc kém hiệu quả.
"Về cơ chế kiểm soát quyền lực, vừa qua không đủ cụ kiểm soát nên bị lợi dụng, tha hoá, biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho. Bây giờ phải xây dựng quy chế, quy định của Đảng, luật pháp hoá, đồng thời công khai, minh bạch. Còn nếu để một vài người sử dụng quyền lực sẽ tha hoá".
Trưởng Ban Tổ chức TƯ cho rằng phải tìm đối tượng phòng chống, có biện pháp phù hợp đối với người chạy và người được chạy, nâng cao trách nhiệm giải trình.
Kiểm tra sức khỏe 6 tháng/lần
Ông cũng nhấn mạnh đến việc coi trọng công tác cán bộ thường xuyên, đột xuất, tham mưu, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ và quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là lãnh đạo chủ chốt. Phải rà soát kỹ lưỡng, căn cứ tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình chặt chẽ, đúng nguyên tắc.
Trưởng Ban Tổ chức TƯ cho hay, vừa rồi xây dựng quy chế khám bệnh, giờ nhiều người ngại đi khám bệnh hoặc chủ quan. Sắp tới, 6 tháng cán bộ phải kiểm tra sức khoẻ 1 lần. Lấy phiếu tín nhiệm phải khách quan, trung thực, quy hoạch cũng phải làm 5 bước nên khó chạy.
"Việc luân chuyển cán bộ, Quy chế 98 nói rất rõ, muốn chạy không chạy được", ông nói và cho biết, tinh thần của Bộ Chính trị sắp tới là căn cứ vào con người cụ thể, luân chuyển phải căn cứ vào tình hình thực tế, không theo từng đợt thì lại có chuyện chạy.
Trưởng Ban Tổ chức TƯ cũng cho hay việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 13 của Đảng phải thực hiện từ bây giờ để sang năm 2019 thảo luận.

BÀN VỀ THEN CHỐT CỦA THEN CHỐT

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 25-1-2018

Ngày 19/1/2018, tại Hội nghị toàn quốc về xây dựng đảng, TBT đã phát biểu chỉ đạo, trong đó có ý: “Công tác tổ chức cán bộ là then chốt của then chốt”. Ông cũng cho rằng: “Công tác tổ chức xây dựng đảng là lĩnh vực cực kỳ quan trọng nhưng vô cùng khó khăn phức tạp”. Quan trọng thì rõ rồi, còn khó khăn phức tạp thể hiện như thế nào? Xin thưa: Đảng ra hết nghị quyết hoặc quyết định này đến nghị quyết hoặc quyết định kia, tổ chức hết phong trào hoặc hội nghị này đến phong trào hoặc hội nghị khác, hết học tập đạo đức Hồ Chí Minh lại xiết chặt kỷ luật bằng 19 điều cấm và QĐ 102 về thi hành kỷ luật, rồi QĐ 105 về cán bộ…, thế mà chất lượng cán bộ ngày càng giảm sút, then chốt ngày càng mục nát. Tại sao vậy?
Tại vì thiếu trí tuệ nên chỉ mới thấy hiện tượng mà không thấy bản chất, chỉ thấy ngọn mà không thấy gốc của vấn đề, bệnh nặng nhưng đoán sai nguyên nhân, bốc nhầm thuốc. Cũng có thể một số nào đó biết được bản chất, thấy được gốc rễ nhưng vì quyền lợi cá nhân mà cố tình che giấu hoặc vì sợ mà không dám vạch ra.
Thiếu trí tuệ cơ bản ở chỗ không nhận thức được đúng quy luật khách quan, nhầm lẫn giữa đảng cách mạng và đảng chính trị cầm quyền. Khi đấu tranh giải phóng dân tộc cần có đảng cách mạng, còn khi xây dựng đất nước trong hòa bình lại cần đảng chính trị. Hai loại đảng này khác nhau về tổ chức, về đường lối. Tên đảng có ý nghĩa nhưng không thật sự quyết định. Quan trọng và quyết định là ở đường lối. Sự thiếu trí tuệ của Đảng Cộng sản VN là ở chỗ vẫn kiên trì Chủ nghĩa Mác Lê nin với vô sản chuyên chính, với kinh tế quốc doanh và quốc hữu hóa đất đai. Đường lối đó dẫn tới những sai lầm trong lựa chọn, sử dụng, đề bạt cán bộ.
Để lựa chọn cán bộ cần 3 vấn đề cơ bản: Tiêu chuẩn; Tổ chức việc tuyển chọn và Nguồn cung cấp. Trong cả 3 vấn đề này Đảng đều phạm những điều nhầm hoặc sai cơ bản.
Về tiêu chuẩn. Đảng quá đề cao lòng trung thành. Tuy giải thích là trung thành với Đảng, với Chủ nghĩa, nhưng ngầm hiểu và thực hành là trung thành với một vài người đứng đầu. Tiêu chuẩn này là cần cho một đảng cách mạng, đặc biệt là khi còn hoạt động bí mật hoặc trong chiến tranh, có thể không cần đối với đảng chính trị trong thời bình. Ở các nước dân chủ, khi bầu cử hình như không ai đề ra tiêu chuẩn nào cả, quan trọng là tranh cử, là ứng viên tự thể hiện những phẩm chất và năng lực của mình. Theo Lý Quang Diệu, khi chọn cán bộ ông chỉ cần quan tâm tới 2 tiêu chuẩn là tài giỏi và liêm chính. Đề ra quá nhiều tiêu chuẩn như trong QĐ 90 (Tiêu chuẩn chức danh) tưởng là chi tiết, cụ thể, thực ra có vô số tiêu chuẩn trong đó chỉ là đồ dổm hoặc hư ảo, tạo sơ hở cho bọn cơ hội lợi dụng chui sâu, leo cao. Thực tế thì tiêu chuẩn 4 ệ (hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí ruệ) vẫn lộng hành dưới cái ô vô sản chuyên chính.
Về tổ chức lựa chọn. Cái sai cơ bản là Đảng đã đoạt quyền của dân và đặt mình cao hơn Hiến pháp để độc đoán trong việc lựa chọn cán bộ cho các cơ quan dân cử và chính quyền, là mồm thì hô hào dân chủ nhưng thực chất không có dân chủ từ trong đảng. Sai thứ hai là giao quá nhiều quyền cho các ban tổ chức trong khi phẩm chất những con người trong các ban đó thường thấp, không đáp ứng được. Trong nhiều năm tôi biết ở trường đại học lớn, trưởng phòng tổ chức thường là cán bộ chính trị từ quân đội chuyển ngành hoặc có khi là thầy giáo đảng viên, không thể làm tốt công tác chuyên môn nên chuyển sang làm về tổ chức. Những cán bộ như thế, tuy có học chính trị để được cấp chứng chỉ trung cấp hoặc cao cấp, có cái vỏ lập trường và trung thành nhưng thiếu khả năng đánh giá đúng con người. Phần nhiều họ dựa vào hồ sơ, lý lịch, bằng cấp, giấy tờ và cả thư tay giới thiệu mà không thể, không biết cách hoặc không dám đánh giá con người thật. Những cán bộ tổ chức như thế rất dễ bị bọn cơ hội qua mặt và chính họ cũng dễ trở thành cơ hội. Gần đây có việc thi tuyển công chức. Phần nhiều các cuộc thi như vậy chỉ là hình thức và lừa dối, rất không đáng tin.
Về nguồn cung cấp. Lãnh đạo đảng từng than thở: “Phải đốt đuốc đi tìm cán bộ trước mỗi kỳ đại hội”. Vì thế đã có sáng kiến làm “Quy hoạch cán bộ” và mở các lớp đào tạo cán bộ nguồn. Cách làm như thế tưởng là hay nhưng ẩn giấu một sai lầm khá nghiêm trọng. Đó là vấn đề thay cho việc tìm nhân tài trong quảng đại thì thu hẹp lại trong một nhóm cùng phe cánh, là việc dùng người của quá khứ để quyết định cán bộ của tương lai
Về vấn đề cán bộ, trước đây tôi có viết vài bài đăng trên các trang mạng (bài Để tránh cái vỏ dừa- Về quy hoạch cán bộ - Tháng 5/2015; bài Sự vô minh trong Quy định 90 - Về tiêu chuẩn chức danh - tháng 8/ 2017). Viết bài này mong được trao đổi ý kiến với những người còn có thiện chí trong và ngoài đảng để thấy rõ sự thiếu trí tuệ trong lời nói và việc làm của một số người, mới nghe qua tưởng là hay là đúng, nhưng chứa đựng những điều sai và nhầm. Muốn làm đúng, có hiệu quả phải thay đổi từ gốc. Có một ý khá nổi tiếng như sau: “Không thể nào sửa chữa được sai lầm nếu vẫn dùng những nguyên lý, những biện pháp làm phát sinh ra cái sai đó”.
Riêng đối với Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo và Hội đồng lý luận của Đảng, nếu các vị cho rằng những điều tôi viết là sai thì tôi xin vui lòng chấp nhận sự đối thoại trực tiếp, vì chỉ có đối thoại như vậy hai bên mới trao đổi được hết ý.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
ĐẤT NƯỚC TANH BÀNH, VÌ ĐÂU NÊN NỖI ?
BÙI TÍN/ VOA/ BVN 25-1-2018
Những người nông dân đang lên thành phố bán sức lao động tại Hà Nội. (Hình: Nguyễn Đình Hà)
Những ngày đầu năm, tỉnh dậy là nhớ đến quê hương, đất nước, dân tộc ta, nhân dân ta.
Càng ở xa, lại càng nhớ, da diết, thiết tha.
Đất nước ta, quê hương ta tài nguyên, gia tài tổ tiên cha ông để lại gồm có những gì, nay ra sao, rất cần được cháu con ngày nay điểm lại, đánh giá tỷ mỷ kỹ càng.
Hơn 20 vụ đại án đang được đưa ra xét xử cho thấy tiền của tài nguyên của đất nước đã được quản lý tùy tiện, vô trách nhiệm ra sao, khi hàng trăm ngàn tỷ đồng bị thất thoát một cách «nhẹ nhàng» trong một thời gian dài hàng chục năm, mà những người đứng đầu chính phủ, đứng đầu đảng, đứng đầu Nhà nước, đứng đầu Bộ Chính trị phải chịu trách nhiệm trước ai hết, nay mới đưa ra xét.
Xét cho cùng, những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh… cũng chỉ là những tội phạm kiêm nạn nhân của một chế độ chính trị lạc hậu quá mức mà ông Tổng bí thư đến nay vẫn không nhận ra, khi ông quyết định khai trừ mọi đảng viên đòi xây dựng chế độ Tam quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp) phân lập và xây dựng các tổ chức xã hội dân sự. Ông định sẽ còn sống với ai trên đất nước và trên thế giới này?
Nền độc lập là cấu thành đầu tiên của đất nước có chủ quyền, đã thu lại được từ tháng Ba, 1945 sau khi Nhật Bản hất cẳng thực dân Pháp qua đảo chính 9/3, tô đậm thêm qua «cướp chính quyền 19/8/1945» và sau đó với chiến thắng Điện Biên Phủ, đến nay còn gì? Còn ít, ít lắm, khi chính quyền độc đảng vừa cam kết với chính quyền bành trướng Trung Quốc «cùng có chung một tương lai gắn bó keo sơn, núi liền núi, sông liền sông», lại còn cam kết hợp tác chặt chẽ «đào tạo cán bộ cao cấp các ngành, kể cả ngành quốc phòng và ngoại giao», cam kết hợp tác giữa 4 tỉnh biên giới Việt Nam với khu tự trị Choang tỉnh Quảng Tây / Trung quốc, cứ như trong một quốc gia thống nhất vậy! Vậy thì còn đâu là độc lập? Rõ ràng là mang chất Bắc thuộc rồi! Lời thề gìn giữ độc lập 2/9/1945 đã tan biến.
Độc lập kiểu gì mà từ Bắc chí Nam người Trung Quốc nhập cảnh đi về như trên đất nước họ, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng độc lan tràn mọi ngả, các công ty Tàu giành mọi gói thầu béo bở nhất về khai khoáng, nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, giao thông cầu đường, trồng rừng, gang thép, phân bón, bô-xít, thủy sản, không thiếu một ngành nào, một nơi nào. Đây là thuộc địa kiểu mới hoàn chỉnh mẫu mực của bọn bành trướng. Có người Việt nào không phẫn nộ và không cảm thấy nhục?
Tài nguyên cơ bản đất nước là ruộng đồng, rừng, biển thì quyền sở hữu ruộng đất của tư nhân trong nông nghiệp từ ngàn đời bị đảng nghiểm nhiên tịch thu theo cái «quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước (của đảng) thay mặt quản lý» để nông thôn xơ xác, nông nghiệp lụn bại, nông dân thành tá điền nghèo khổ làm thuê cho đảng, đến mức em sinh viên luật Đỗ Thúy Hằng phải lên tiếng khóc cho một nền nông nghiệp bị đảng nhẫn tâm bức tử, với vô vàn nông dân bị các quan chức cộng sản cướp đất, bị trắng tay.
Tài nguyên rừng từ thời nguyên thủy vốn có hằng triệu héc ta, hằng trăm loại gỗ quý, hàng ngàn động vật chim muông quý hiếm, đã bị thu hẹp hơn 2/3 diện tích chỉ trong 70 năm cộng sản cầm quyền, thành địa bàn tàn phá chia chác của các quan chức kiểm lâm - chúa sơn lâm, bọn hải quan, công an - cảnh sát, hành chính địa phưong, xuất khẩu gỗ quý theo giá rẻ mạt, đua nhau làm các biệt thự biệt phủ lỗng lẫy kiểu của các vua chúa ngày xưa.
Cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh đau lòng than rằng:
Đất nước mình buồn quá phải không anh?
Rừng đã hết, và biển thì đang chết!
Cả đất Việt hướng mặt ra biển cả, đại dương, cá và muối nuôi sống dân tộc từ nghìn xưa, «cơm với cá như mạ với con», nay cá chết trắng khắp dọc bãi biển miền Trung, ô nhiễm lan rộng kéo dài do kẻ tội phạm Formosa đến từ đất Tàu, ngư dân bị ngăn chặn cấm đoán, tàn phá người và phương tiện làm nghề do tàu tuần dương từ đảo Hải Nam đổ xuống.
Cho đến cát là sản phẩm tự nhiên rẻ nhất cũng bị bán đổ bán tháo đi rất nhanh, bị Tàu cho tàu hút cát khổng lồ, một giờ hút trộm 600 ngàn tấn cát để phun lên các đảo nhân tạo ở biển Đông, số cát này mỗi chuyến có thể chất đầy một sân vận động. Sau «địa tặc» – cướp đất, «lâm tặc» – cướp rừng, «hải tặc» – cuớp biển, «ngân tặc» – cướp tiền bạc, «đạo tặc» – cướp của, nay đến «sa tặc» – cướp cát, chúng vơ vét không trừ một thứ gì.
Mang danh lãnh đạo chính trị, bảo vệ đất nước, đảng cộng sản đã bảo vệ được những gì?
Mang nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, đất đai, thì người Trung Quốc thả sức thâm nhập; chủ quyền quốc gia bị xem nhẹ dưới danh nghĩa hợp tác toàn diện cả về nội trị, quốc phòng, ngoại giao.
Mang nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên rừng biển, thì cho họ vào hợp tác trồng rừng, đánh cá, tự do khai thác cướp phá mọi thứ trên rừng, ven biển, dưới biển.
Lãnh đạo kinh tế là hướng dẫn chỉ đạo cuộc khởi nghiệp xây dựng kinh tế, phân chia thành quả phát triển cho công bằng, thu chi ngân sách hợp lý, không để rơi vãi thất thoát, thế nhưng thực tế tham nhũng lan tràn, ngân sách thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng, khi xử tham nhũng không thu hồi nổi 5%, nợ quốc gia vượt quá Tài sản quốc gia PNB một năm, vậy là thất bại hoàn toàn về kinh tế. Tài chính thu không đủ chi, không đủ tiền trả lãi nợ quốc gia hằng năm, ngân hàng phá sản hàng loạt, hiệu quả lãnh đạo kinh tế tài chính hầu như là con số âm.
Lãnh đạo xã hội là xây dựng mối đoàn kết quốc gia keo sơn, cuộc sống dân chủ, tiến bộ, bình đẳng văn minh, nhưng họ nuốt lời hứa hòa giải hòa hợp dân tộc, họ cai trị miền Nam như cai trị kẻ thù theo kiểu ân oán tàn bạo ác độc nhất.
Nền giáo dục quốc gia cực kỳ lạc hậu, giáo điều, nhồi sọ cổ lỗ, bằng giả bằng dỏm tràn ngập, không một trường đại học Việt nào được xếp trong số 300 trường khá nhất ở châu Á.
Nền y tế suy đồi đi ngược với phương châm «thầy thuốc như mẹ hiền», theo kiểu tiền thầy bỏ túi, thuốc giả tràn lan, thầy thuốc giết bệnh nhân.
Xã hội đảo điên, người yêu nước chống bành trướng, bênh dân oan bị tuyên án nặng nề, trong khi các quan lớn có bồ nhí, có biệt phủ hàng vài chục tỷ đồng, tội rất nặng chỉ bị khiển trách như phủi bụi. Đạo đức lao dốc cùng cực, mất tính người, vợ chặt cổ chồng, ông và bố cưỡng hiếp cháu gái, con gái mới 5, 6 tuổi.
Lãnh đạo đất nước mà lại hèn với giặc, ác với dân. Vậy mà còn huênh hoang khuyên dân ta «không nên ngủ quên trên vòng nguyệt quế». Chuyên nói phét, nói không biết ngượng, vòng nguyệt quế ai cho? Bắc Kinh à?
Có còn gì để mà «ngắm nhìn, rung đùi tự khen tự sướng đất nước ta chưa bao giờ đẹp như thế này». Khi ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên TƯ đứng trước mức án tử hình và tù chung thân, khi các đồng chí thù địch tìm cách hãm hại nhau, đuổi bắt nhau như những kẻ tử thù chỉ vì kèn cựa ngôi thứ và bổng lộc phi pháp.
Cả xã hội đều nhìn thấy trước năm 2018 vừa khởi đầu sẽ là năm các đồng chí cộng sản thù địch nhau sẽ làm thịt nhau không thương tiếc, không phải vì công bằng, vì lý tưởng gì cao siêu mà chỉ vì chức quyền, chiếc ghế quyền lực cùng những lợi ích vật chất phù phiếm nó mang lại.
Đảng cộng sản đến cuối năm 2017 và vào đầu năm 2018 đã lộ nguyên hình là kẻ đã tàn phá có hệ thống, tận gốc, tanh bành cuộc sống tinh thần và vật chất của xã hội ta, từ hạ tầng cơ sở - hiến pháp, pháp quyền đến thượng tầng kiến trúc – đạo đức xã hội của đất nước ta.
Nhìn lại thảm cảnh đất nước mà căm giận, mà tủi nhục dâng tràn. Đảng Cộng sản cứ như có một cơn đại hồng thủy bão quét Tsusami vừa đi qua tàn phá triệt để mọi giá trị vốn có, cứ như có một đạo quân ô hợp giặc ngoại xâm cùng giặc nội xâm hung hãn nhất trong lịch sử vừa tràn qua từ Bắc chí Nam, san bằng đất nước tươi đẹp từ ngàn xưa bỗng trở thành đất nước lụi tàn tan hoang và hấp hối.
Vì ai nên nỗi? vì đâu có cảnh đất nước điêu tàn? Bi đát hơn thời phong kiến. Lạc hậu hơn thời thực dân. Cực nhục đau đớn hơn thời chiến tranh quyết liệt.
Cả xã hội ta, trong và ngòai nước, xin bà con ta hãy bàn bạc tập thể về hiện tình đất nước tan nát tanh bành ra sao, xã hội tha hóa đến mức nào, đâu là nguyên nhân thật sự và cùng nhau hành động có trách nhiệm để cứu dân cứu nước, tự cứu mình ra khỏi cuộc trầm luân khổ ải này.
B.T.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét