Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

20180124. QUANH CHUYỆN 'TÍCH HỢP' SÁCH GIÁO KHOA

ĐIỂM BÁO MẠNG
KIẾN NGHỊ BỘ GIÁO DỤC CÔNG KHAI THẢO LUẬN LÀM RÕ 2 MÔN TÍCH HỢP

PHAN TUYẾT /GDVN 22-1-2018

Dạy học tích hợp với hình thức "một sách ba thầy" gây ra nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh minh họa: Vtv.vn)
Dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được công bố rộng rãi hôm 19/1 để lấy ý kiến đóng góp của những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà.
Ngay sau khi dự thảo được đăng tải, khá nhiều ý kiến thắc mắc, băn khoăn xung quanh những đổi mới của chương trình đã được chia sẻ trên nhiều phương tiện truyền thông.
Là một giáo viên nên bản thân tôi cũng luôn theo dõi sát những bài viết, những bình luận của độc giả xung quanh vấn đề chương trình mới.
Tôi nhận thấy rằng, bên cạnh những ý kiến đồng tình trước những đổi mới của chương trình vẫn còn khá nhiều những hoài nghi, những băn khoăn và nỗi trăn trở của nhiều giáo viên, nhiều chuyên gia giáo dục về chuyện tích hợp “một sách ba môn, một môn ba thày”.
Cũng đã có nhiều góp ý, nhiều phản đối về kiểu tích hợp "cơ học" này nhưng dường như các nhà làm chương trình vẫn cứ tảng lờ như không nghe thấy.
Nay Ban soạn thảo chương trình cho công chúng thời gian góp ý là 60 ngày với 20 môn học / hoạt động giáo dục, thời gian đúng vào tháng Tết Nguyên đán, và sau đó là "tháng ăn chơi", để góp ý thấu đáo chẳng phải chuyện dễ dàng.
Nhưng với những tiếng nói tâm huyết và trách nhiệm cũng chưa biết có được Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban phát triển chương trình có tiếp thu hay không, và tiếp thu đến đâu?
Hay các thày chỉ lấy ý kiến cho có, cho mang tính dân chủ, còn sau đó vẫn “việc mình thì mình làm thôi”?
Bởi lẽ riêng chủ đề 2 môn "tích hợp" mới này, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có khá nhiều bài viết phân tích, mổ xẻ từ thực tiễn dạy và học của các thày cô trên khắp cả nước.
Và đã có những cuộc trao đổi chân thành, thiện chí từ phía các thầy Tổng chủ biên, chủ biên các môn học.
Tuy nhiên thành thật mà nói, câu trả lời của quý thầy nhiều khi chưa đúng trọng tâm câu hỏi, chưa giải đáp được thắc mắc của anh chị em giáo viên chúng tôi.
Để tránh tình trạng góp ý cũng như không, chúng tôi - những nhà giáo tâm huyết với nghề - xin được kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho mở một kênh thông tin để dư luận góp ý công khai, để được trực tiếp tương tác và tranh luận, được bày tỏ việc đồng ý hay không đồng ý kiểu tích hợp các môn học kiểu này.
Chính các bạn đọc cũng là những người trực tiếp được theo dõi kết quả thăm dò của công luận một cách tường minh.
Sau 2 tháng lấy ý kiến, nếu phần đông độc giả phản đối kiểu tích hợp “gộp môn” như này thì buộc ban soạn thảo chương trình phải xem xét có nên tích hợp kiểu này hay không để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Nếu như đa số đều ủng hộ kiểu tích hợp “một sách 3 thày, một thày 3 môn” như chương trình vừa công bố thì Bộ Giáo dục sẽ cho phép tiến hành bình thường.
Phần nữa, nếu các nhà biên soạn chương trình luôn tự tin chuyện mình gộp môn như thế là đúng, là khoa học, là sẽ giúp học sinh phát triển thêm kiến thức, đạt được những kĩ năng yêu cầu hơn hẳn để riêng các môn độc lập như hiện nay thì cũng chẳng nên sợ gì mà không tạo điều kiện cho độc giả tương tác.
Chẳng phải khi có sự ủng hộ nhiệt tình từ công chúng thì người làm chương trình sẽ có thêm sức mạnh hay sao?
Mỗi lần biên soạn chương trình, mỗi lần thay sách giáo khoa đã ngốn hàng ngàn tỷ đồng của ngân sách nhà nước.
Bởi thế, mọi chuyện cần được tính toán thật kĩ càng để không có chỗ cho sai lầm ẩn náu.
Đừng nên để xảy ra tình trạng như lần thay sách năm 2000, sách mới thay chưa ráo mực đã bị chê tơi tả, bị lôi ra không ít sai sót không đáng có. 
Nhưng dù biết sai sót cũng chẳng dễ gì phá bỏ đi ngay vì kinh phí không cho phép.
Thế nên thiệt thòi lớn nhất vẫn là những em học sinh phải học những chương trình bị lỗi như vậy.
Đành rằng trong cuộc sống không phải lúc nào số đông cũng đúng.
Nhưng trong giáo dục lại khác, những ý kiến từ người trực tiếp giảng dạy hằng ngày, từ những chuyên gia giáo dục tâm huyết, từ những kinh nghiệm học tập của nhiều độc giả trong và ngoài nước chắc chắn sẽ là những ý kiến đóng góp vô cùng quý giá mà không thể bỏ qua.
Hãy vì tương lai con em chúng ta, các nhà biên soạn chương trình cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy lắng nghe những đóng góp chân thành từ công chúng để công cuộc chấn hưng giáo dục được thành công như mong muốn.
Phan Tuyết
TÍCH HỢP KIỂU NÀY,  'GIẾT' MÔN SỬ?
NHẬT DUY/ GDVN 23-1-2018
Hình minh họa, cắt từ clip phóng sự của Chuyển động 24h, VTV.
Tích hợp” 2 môn, 3 môn vào 1 sách đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Vụ “ép duyên” Vật lý - Hóa học - Sinh học vào 1 môn Khoa học tự nhiên nhưng vẫn do 3 ông thầy đảm trách, quý thầy cô đã phân tích nhiều. 
Nay chúng tôi xin phân tích những bất cập khi cột 2 môn Lịch sử, Địa lý vào 1 sách Lịch sử và Địa lý bậc trung học cơ sở trong chương trình mới, một cách làm rất chủ quan, duy ý chí và phản khoa học.
Sau những câu hỏi không có lời đáp thỏa đáng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam giữa anh chị em giáo viên đứng lớp với một số quý thầy chủ biên, tổng chủ biên, chúng tôi chỉ còn biết chờ đợi công bố dự thảo các chương trình môn học.
Ngày 19/11/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình các môn học, chúng tôi nhận thấy môn Lịch sử và Địa lý vẫn là 2 “phân môn” độc lập.
Sự khác biệt cơ bản nhất là môn học này là được sự sắp xếp theo một trình tự không gian: Thế giới- khu vực-Việt Nam- địa phương, riêng trong “phân môn” Lịch sử thì rối rắm hơn rất nhiều so với Chương trình 2000.
Vì ngoài trục thời gian (sắp xếp theo niên đại), nay có thêm trục không gian, tức là trong cùng 1 giai đoạn lịch sử, thay vì học sử thế giới hoặc sử Việt Nam, nay học trò sẽ phải học cả 2 và thêm 2 phần nữa: sử khu vực, sử địa phương.
Cùng với sự thay đổi về cách sắp xếp về không gian thì ban biên soạn chương trình môn học cũng chưa “nghĩ thêm” được chủ đề tích hợp nào, ngoài 4 chủ đề “tích hợp” Lịch sử với Địa lý.
Loạn tích hợp
Việc tích hợp 2 môn học Lịch sử với Địa lý được ban biên soạn định hướng như sau:
“Trong chương trình có ba mức độ tích hợp nội dung Lịch sử và Địa lý: a) tích hợp nội môn (trong từng nội dung giáo dục Lịch sử và giáo dục Địa lý); 
b) Tích hợp nội dung Lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lý và tích hợp nội dung Địa lý trong những phần phù hợp của bài Lịch sử, nhằm tạo ra sự đối chiếu, tương tác tốt nhất giữa các kiến thức của hai môn;
c) Tích hợp tạo thành chủ đề liên môn”. [1]
Trả lời báo chí về môn học này trong mấy ngày trước, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới nói về việc tích hợp môn Lịch sử và và Địa lí ở cấp trung học cơ sở rằng: 
“Điểm mới trong cấu trúc, tích hợp của phân môn lịch sử ở cấp trung học cơ sở là nếu chương trình và sách giáo khoa lịch sử hiện hành viết riêng lịch sử thế giới, sau đó là lịch sử Việt Nam, thì nội dung lịch sử trong chương trình mới ở cấp trung học cơ sở lấy trục thời gian làm trục xuyên suốt. 
Vì thế, ở mỗi giai đoạn lịch sử đều cố gắng thiết kế theo mô hình: thế giới - khu vực – Việt Nam - lịch sử địa phương trong đó, lấy lịch sử Việt Nam làm trọng tâm, chiếm 60% thời lượng của chương trình”. [2]
Như vậy, việc tích hợp nội môn sẽ được xoay theo trục thế giới- khu vực- Việt Nam- địa phương. Trong một số bài của 2 phân môn Lịch sử và  Địa lí sẽ có thể tích hợp ở những “phần phù hợp” và ngoài ra còn có thêm 4 chủ đề tích hợp cho cả cấp học trung học cơ sở.
Theo chúng tôi, nếu chương trình chỉ “tích hợp” có bấy nhiêu thôi thì việc gộp 2 môn học độc lập hiện nay ở cấp trung học cơ sở thành 1 môn học tích hợp là một việc làm không thuyết phục và phản khoa học. 
Bởi thực tế yếu tố “tích hợp” chỉ nằm ở 4 chủ đề cho 2 phân môn này mà thôi. 
Những cái mà ban soạn thảo chương trình gọi là “tích hợp nội môn” liệu có phải là tích hợp hay không? 
Theo chúng tôi thì việc sắp xếp các phần nội dung của Lịch sử hay Địa lí lại với nhau theo một cấu trúc nhất định chưa phải là tích hợp. 
Bởi so với chương trình hiện hành được bố trí theo từng phần riêng biệt thì bây giờ ban soạn thảo chương trình chỉ “sắp xếp” lại cho nó “mới” hơn và phức tạp hơn, kết hợp niên đại với trình tự không gian. 
Vì vậy, việc gán ghép các đơn vị kiến thức của 1 môn học theo trình tự không gian lại để gọi là “tích hợp” theo chúng tôi là rất khiên cưỡng, không đúng thuật ngữ khoa học và những gì mà Bộ đã triển khai cho giáo viên trong thời gian qua.
Chẳng hạn, với môn Ngữ văn có 3 phân môn là tiếng Việt, tập làm văn và tác phẩm văn học. Nội dung 3 phần này có vai trò, mục đích khác nhau thì gộp lại mới có thể gọi là tích hợp nội môn. 
Còn nếu nói phân môn Lịch sử hay phân môn Địa lí gộp các nội dung về thế giới- khu vực- trong nước- địa phương lại với nhau là “tích hợp nội môn” thì đối với môn Văn nên gọi là tích hợp gì, bởi môn Văn cũng có phần văn học thế giới- văn học khu vực - văn học Việt Nam-văn học địa phương?
Việc sắp xếp các điểm tương đồng theo không gian của một môn học để gọi là “tích hợp” rõ ràng chỉ là trò chơi ngôn từ để qua mắt dư luận, nhưng không thể thuyết phục được giáo viên đang dạy 2 môn này cũng như dư luận xã hội. 
Giáo viên đã tích hợp lâu rồi
Chỉ vì muốn có “môn học tích hợp” để cho có “cái mới” so với chương trình hiện hành mà ban soạn thảo chương trình đã muốn xóa bỏ những môn học độc lập với nhau thì thật chẳng biết phải nói gì. 
Bởi thực tế, từ khi chưa có chủ ý gộp 2 môn học này thành 1 thì trong quá trình giảng dạy, giáo viên đã làm công việc tích hợp từ lâu rồi, mà thầy cô làm còn làm hay hơn chương trình các thầy chuẩn bị cho ra đời.
Ví dụ, khi giảng về Đồng bằng Sông Hồng (môn địa lí) thì giáo viên không chỉ cung cấp cho học sinh những  kiến thức địa lí mà cũng đã cung cấp cho các em lịch sử hình thành đồng bằng Sông Hồng (lịch sử);
Cũng có thể đọc chùm thơ Thu của Nguyễn Khuyến và một số bài thơ, câu ca dao về các mùa trong năm (văn học), cũng cung cấp mùa nào thì có loại hoa trái sản vật gì đặc trưng vùng miền và địa phương (sinh học)…
Khi giảng về địa hình vùng Bắc Trung Bộ và đề cập đến dãy Trường Sơn, giáo viên cũng có thể đọc bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan (văn học); 
Cũng có thể ngân nga hát Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây của Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Phạm Tiến Duật ( m nhạc); cũng có thể kể cho các em nghe về chuyến hành trình nhân đôi nước Việt của Chúa Nguyễn Hoàng (Lịch sử)…
Bản chất của việc mà ban biên soạn chương trình nói sẽ tích hợp nào là nội môn, nào là liên môn hay “chỗ nào phù hợp” thì những công việc này lâu nay giáo viên đã làm, mà làm từ mấy chục năm về trước. 
Môn Sử đã một lần bị hủy hoại vì “tích hợp”
Trong lần thay chương trình, sách giáo khoa hiện hành (Chương trình 2000), chính quý thầy biên soạn chương trình sách giáo khoa đã 1 lần “tích hợp” cả các kiến thức về quản lý nhà nước, văn hóa, kinh tế, chính trị...vào trong phân môn Lịch sử, sách Lịch sử và Địa lý lớp 4, lớp 5.
Cách làm này đã giết môn Lịch sử, vì trước Chương trình 2000, thế hệ chúng tôi đến bậc trung học cơ sở mới bắt đầu học Lịch sử, Địa lý, thì chương trình hiện hành đã đưa 2 môn này xuống bậc tiểu học.
Hơn nữa, quý thầy soạn chương trình sách giáo khoa lại biết những đứa trẻ mới 9, 10 tuổi đầu thành những siêu nhân, những cái đầu có bộ nhớ như siêu máy tính;
Bởi riêng phần lịch sử lớp 4 trong môn "tích hợp" Lịch sử với Địa lý, chúng đã phải ghi nhớ “tri thức thông sử” của 26 thế kỷ, từ Nhà nước Văn Lang đến triều đình nhà Nguyễn.
Hơn nữa, quý thầy còn “tham tích hợp” đủ thứ thông tin kiến thức các môn khoa học mà bậc đại học mới tiếp cận nổi, vào cái đầu còn rất non nớt của học sinh lớp 4:
Bài 13. Nhà Trần và việc đắp đê; Bài 17. Nhà Hậu Lê và việc tổ chức quản lý đất nước; Bài 18. Trường học thời Hậu Lê; Bài 19. Văn học và khoa học thời Hậu Lê; 
Bài 22. Cuộc khẩn hoang ở Đàng Trong; Bài 23. Thành thị ở thế kỷ XVI-XVII; Bài 26. Những chính sách về kinh tế và văn hóa của vua Quang Trung. [3]
Thế nên trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2015, môn Lịch sử có số lượng thí sinh chọn thi thấp nhất, với 153.688 em đăng ký (chiếm 15,3% trong tổng số gần 960 nghìn thí sinh đăng ký dự thi). 
Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), chỉ có 1 học sinh chọn môn Lịch sử. Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) có 3% Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng có 6% học sinh đăng ký thi môn này… 
Trong buổi sáng ngày 4/7, các điểm thi ở Yên Thành và thị xã Thái Hòa (Nghệ An) do Hội đồng thi của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chủ trì, chỉ có duy nhất 1 thí sinh thi môn Lịch sử…[4]
VTV đã có một phóng sự khiến chúng tôi giật mình, đau đớn cho nền giáo dục phổ thông nước nhà, đặc biệt là giáo dục lịch sử.
37/40 học sinh Hà Nội độ tuổi từ 9-15 trả lời sai câu hỏi Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối liên hệ gì với nhau. [5]
Tất cả những thảm trạng này là trách nhiệm của ngành giáo dục, nhưng không ai phải chịu trách nhiệm cả.
Nói như một vị giáo sư đang đảm nhiệm trọng trách chuyến thay chương trình, sách giáo khoa lần này, “ông đương chức còn chả chịu trách nhiệm huống hồ ông về hưu”, bởi “nước mình lâu nay nó thế”. [6]
Chương trình mới sẽ bồi thêm 1 đòn nữa vào môn Lịch sử khi ngoài “kiến thức thông sử” như trên, các em còn phải nhớ thêm “sử thế giới, sử khu vực, sử địa phương” cùng với sử Việt Nam trong cùng một giai đoạn.
Giáo dục hiện nay đang khiến học sinh của chúng ta mất gốc. 
Đã có quá nhiều bài học về sự diệt vong của một quốc gia, dân tộc bắt đầu từ sự vong bản trong cách làm giáo dục. Không biết quý thầy biên soạn chương trình có bao giờ vắt tay lên trán suy nghĩ về điều này?
Tài liệu tham khảo:
Nhật Duy
TÍCH HỢP 1 SÁCH 2, 3 THÀY NẾU THẤT BẠI AI CHỊU TRÁCH NHIỆM ? KHÔNG AI CẢ! 
NHẬT DUY /GDVN 24-1-2018
37/40 học sinh Hà Nội độ tuổi từ 9-15 không trả lời đúng câu hỏi Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau, và đưa ra nhiều thông tin cười ra nước mắt, ví như Quang Trung chính là Nguyễn Du.

Ngày 4/8/2017 trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết:
"Dạy học tích hợp là xu thế chung của chương trình giáo dục phổ thông các nước."
"Đến giai đoạn hiện nay, xu thế chung của khoa học là nghiên cứu liên ngành. 
Có nghiên cứu liên ngành mới giải quyết được nhiều vấn đề mà từng ngành khoa học riêng rẽ không giải quyết được hoặc không giải quyết toàn vẹn được." 
"Dạy học tích hợp là một xu thế hiện đại." [1]
Tích hợp 2-3 môn vào 1 sách là xu thế của thế giới nào? Xin quý thầy hãy chứng minh
Trong bài viết trước “Tích hợp kiểu này, “giết” môn sử”, chúng tôi đã phân tích, dạy học tích hợp là điều các thày cô giáo bậc phổ thông vẫn làm suốt mấy chục năm nay, không có gì mới. 


Sách giáo khoa "tích hợp" Lịch sử và Địa lý lớp 4 của chương trình hiện hành vẫn giữ 2 phần sử, địa độc lập. Riêng lịch sử, học sinh lớp 4 phải học "tri thức thông sử" của 26 thế kỷ, để rồi không biết Quang Trung - Nguyễn Huệ có mối liên hệ gì với nhau. Ảnh chụp màn hình VTV.
Nhưng phương pháp dạy học tích hợp khác hoàn toàn với "tích hợp" 2, 3 môn vào 1 sách.
Ghép cơ học 2, 3 môn khác nhau vào 1 sách mà vẫn do 2, 3 thầy dạy là phản khoa học, là đánh tráo khái niệm “tích hợp”.
Hơn nữa, cái mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết giải thích “xu thế chung của khoa học là nghiên cứu liên ngành” dù có đúng đi nữa, nhưng đó là chuyện "nghiên cứu" của các nhà khoa học, chứ không phải chuyện "dạy và học" của giáo viên - học sinh phổ thông.
Không thể dùng chuyện nghiên cứu của các nhà khoa học để giải thích cho việc quý thầy ghép 2, 3 môn học trong giáo dục phổ thông lại với nhau.
Và dường như thầy Tổng chủ biên đang có sự nhầm lẫn về các khái niệm này.
Một khi quý thầy Tổng chủ biên, chủ biên các môn học đã tin tưởng chắc chắn, khẳng định rõ ràng rằng, “tích hợp” kiểu các thầy đang muốn làm là “xu thế chung”của giáo dục phổ thông trên thế giới, xin hãy chứng minh.
Xin đề nghị quý thầy giới thiệu vài quốc gia tiên tiến đã tích hợp Lịch sử với Địa lý; Vật lý, Hóa học và Sinh học với nhau, họ làm từ bao giờ, như thế nào, thành công ra sao?
Tiếp đến, để thuyết phục hơn nữa, xin quý thầy giới thiệu một số cuốn sách giáo khoa “tích hợp” Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên bao gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học dạy cho bậc trung học cơ sở ở các nước này.
Như thế khỏi mất thời gian tranh cãi.
Bằng không, quý thầy không thể ngăn được dư luận nghi ngờ tính trung thực của các nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa hiện nay.
Bài học làm chương trình chỉ để giải ngân hàng trăm triệu đô la Mỹ khi làm Chương trình sách giáo khoa 2000 vẫn còn nguyên giá trị, và chính các nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa đã "hỗ trợ" cho việc làm chương trình để giải ngân này. [2]
5 sự thật về "tích hợp" 2, 3 môn vào 1 sách
Còn về phần chúng tôi, xin được trình bày cụ thể quan điểm của mình về vụ “tích hợp” 2, 3 môn vào 1 sách như sau:
Thứ nhất, chúng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào thể hiện việc gộp 2, 3 môn học độc lập vào 1 sách như quý thầy đang làm là xu thế của thế giới.
Nói cách khác, chúng tôi chưa thấy quốc gia nào làm cái việc “tích hợp” như quý thầy đang làm. Chúng tôi hy vọng quý thầy có thể chứng minh chúng tôi sai, xin hãy đưa ra bằng chứng.
Trong khi quý thầy làm chương trình chưa chứng minh được tính hiệu quả, khoa học hơn chương trình hiện hành thì khi giảng dạy sẽ không nâng được chất lượng mà vô tình lại làm rối nội dung môn học mà thôi. 
Theo chúng tôi, chương trình mới vẫn giữ 5 môn học độc lập như hiện nay ở bậc trung học cơ sở, 4 chủ đề tích hợp cho 4 năm học là quá ít để gom Lịch sử và Địa lý vào 1 sách.
Với 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học ở bậc trung học cơ sở thì càng ít và càng khó "tích hợp" chúng lại.
Hoàn toàn có thể đưa các chủ đề / vấn đề “tích hợp” này vào cái quý thầy sáng tạo ra là “hoạt động trải nghiệm”.
Xin thưa, dù có thay tên đổi họ thế nào, thì những cái quý thầy nghĩ ra như "tích hợp 2, 3 môn 1 sách", hay sao chép của nước ngoài như “trải nghiệm sáng tạo”vẫn không vượt qua được tư tưởng “học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nói cách khác, mục tiêu “dùng kiến thức học tập để giải quyết tình huống thực tiễn”như những gì Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hướng tới cũng chỉ là thực hiện nguyên tắc “học đi đôi với hành” mà thôi.
Nhưng chúng tôi tin rằng, nói “học đi đôi với hành” thì từ quan chức đến thứ dân, mọi tầng lớp trong xã hội đều hiểu.
Quý thầy nào có thể chứng minh được món “tích hợp” và “trải nghiệm sáng tạo” quý thầy đang theo đuổi vượt qua cả tư tưởng “học đi đôi với hành”, xin hãy chứng minh cho dư luận mở rộng tầm mắt, chúng tôi sẵn sàng rửa tai lắng nghe.
Nếu xem đây là nguyên tắc, kim chỉ nam của mọi hoạt động giáo dục, đào tạo, thì thiết nghĩ sẽ không tốn hàng trăm triệu, hàng tỉ USD đi vay để thay đổi chương trình, sách giáo khoa mà vẫn hiệu quả, chứ giáo dục phổ thông không rối ren như bây giờ.
Thứ hai là đội ngũ viết chương trình mới vẫn là những gương mặt cũ, trong đó nhiều vị đã tham gia làm chương trình, viết sách giáo khoa năm 2000.
Điều này trái với lẽ tự nhiên, vì thứ nhất các quý thầy đã từng tham gia làm chương trình - sách giáo khoa 2000 bất cập ngay từ ngày đầu áp dụng, thì quý thầy sẽ khó có thể vượt ra khỏi các giới hạn về tư tưởng, tư duy của chính mình.
Thứ ba, sản phẩm của quý thầy cô làm ra có biết bao nhiêu lỗi mà xã hội phải gánh chịu, nhưng không một ai lên tiếng nhận trách nhiệm.
Làm khoa học, nhất là khoa học giáo dục mà chỉ để tiêu tiền ngân sách và không phải chịu trách nhiệm trước công luận về các sản phẩm của mình thì theo chúng tôi, đó là thảm họa.
Ngay cả món “tích hợp” trong chương trình mới cũng chỉ là sự tiếp nối “sáng tạo” trên sách vở của các thầy. 
Việc ghép cơ học Lịch sử với Địa lý ở lớp 4, lớp 5 chương trình hiện hành là bằng chứng rõ nhất về sự “sáng tạo” của quý thầy, mà chúng tôi đã phân tích trong bài viết trước.
Quý thầy không có bất kỳ tổng kết nào về món “tích hợp” Lịch sử và Địa lý ở lớp 4, lớp 5, cũng không đưa ra bất kỳ cơ sở khoa học thực nghiệm, thực chứng nào về tích hợp 2, 3 môn bậc trung học cơ sở vào 1 sách, mà cứ thế triển khai.
Làm khoa học như thế có khác nào đi chơi?
Thứ tư, đội ngũ giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn, lâu nay vẫn chỉ dạy 1 môn học chính còn chưa ăn ai, giờ theo chủ ý của quý thầy làm chương trình thì trước tiên là 1 sách 2 thầy nhưng một vài năm khi áp dụng sẽ tiến tới 1 sách/ 1 thầy/ 2 hoặc 3 phân môn là một điều đáng lo ngại.
Lúc đó ngoài phân môn chính giáo viên nắm chắc kiến thức, các phân môn còn lại chỉ cần “tụng đọc” sách giáo khoa của quý thầy cho học sinh chép, ai sẽ chịu trách nhiệm? Số giáo viên dôi dư rất lớn do "tích hợp" sẽ giải quyết thế nào?
Nếu cứ hiểu theo logic lời một giáo sư khi nhận xét Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2014, thì sẽ chẳng có ai chịu trách nhiệm về việc này cả. [3]
Cũng như chương trình 2000, đến nay có ai phải chịu trách nhiệm đâu?
Như đã phân tích ở trên, dù “tích hợp” kiểu gì, thì 2 sách giáo khoa mới vẫn bao gồm 5 môn độc lập. Mà người xưa nói, một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Dù thầy cô có cố gắng đền đâu, thì dạy giỏi 1 môn đã tốt lắm rồi.
Cách làm “đổi mới” của quý thầy rất có nguy cơ đẩy thầy và trò lún sâu vào vòng xoáy đọc - chép mà không có lối thoát.
Không lẽ đến 2022 khi kết thúc dự án, lại phải làm lại chương trình sách giáo khoa như bài học của Chương trình 2000?
Thứ năm, là vấn đề triển khai các môn “tích hợp” nếu quý thầy, quý Bộ vẫn kiên quyết việc mình mình cứ làm.
Ngoài các bất tiện và rắc rối về sổ sách, thời khóa biểu, thi kiểm tra, vào điểm mà các thầy cô đã phân tích khá nhiều, cụ thể, chi tiết trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mà chưa giáo sư, phó giáo sư nào trả lời được, thì còn vấn đề nữa chúng tôi xin nói thêm.
Đó là vấn đề tính điểm tổng kết. Chẳng hạn phân môn Địa lí có em toàn điểm 9-10, phân môn Lịch sử chỉ điểm 4-5, thậm chí 1-2 thì tính trung bình cộng có phải là bất công hay không? 
Quan trọng hơn là mục đích giáo dục của các môn này có đạt được, khi điểm lấy “trung bình cộng” thì môn này có thể gánh cho môn kia, và thay vì 5 điểm môn Lịch sử là qua kỳ kiểm tra, nhưng giờ 2 điểm Lịch sử vẫn qua vì có 8 điểm Địa lý gánh lại?
Nói như dân gian thì thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng. Văn hoa hơn, trung ngôn nghịch nhĩ.
Chúng tôi chỉ mong rằng quý thầy biên soạn chương trình mới và quý lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy thể hiện bản lĩnh của nhà khoa học và nhà lãnh đạo;
Xin quý thầy hãy tiếp thu một cách thực sự cầu thị, chân thành, khách quan những góp ý thẳng thắn từ dư luận, sẵn sàng thảo luận, thậm chí tranh luận trực tiếp với chúng tôi trên diễn đàn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam này.
Được như vậy chân lý sẽ sáng tỏ, và không ai có thể bác bỏ được những “đổi mới” của quý thầy, nếu quý thầy chứng minh được tính khoa học, hiệu quả và khả thi của nó.
Nhược bằng không được như vậy, thì đó cũng là cơ hội để quý thầy ngăn chặn sai lầm, bởi sai lầm trong giáo dục có thể trả giá cả trăm năm mà không một ai gánh nổi.
Tài liệu tham khảo:
Nhật Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét