Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

20180117. QUANH VIỆC THỐNG KÊ GDP

ĐIỂM BÁO MẠNG


ĐIỀU CHỈNH PHẠM VI TÍNH GDP SÁT VỚI HOẠT ĐỘNG KINH TẾ

TƯ GIANG /TBKTSG 15-1-2018

Tổng cục trưởng GSG cho biết sẽ tính toán lại quy mô GDP. Ảnh TG
(TBKTSG Online) - Tổng cục Thống kê (GSO) sẽ điều chỉnh quy mô GDP và sẽ trình Thủ tướng phê duyệt đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết tại hội nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra vào chiều 15-1 ở Hà Nội.
Tại hội nghị có sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lâm khẳng định, GSO sẽ điều chỉnh quy mô GDP trên cơ sở kết quả của Tổng điều tra nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2017.
Bên cạnh đó, cơ quan thống kê sẽ trình Thủ tướng phê duyệt để thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, nhằm thu thập đầy đủ thông tin của các hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra và ảnh hưởng đến quy mô nền kinh tế nhưng chưa được đo lường và tính toán đầy đủ trong GDP.
Ông cho biết, khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: (1) Hoạt động kinh tế ngầm; (2) Hoạt động kinh tế phi pháp; (3) Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; (4) Hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu; (5) Hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.
Hoạt động kinh tế ngầm bao gồm các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu diếm một cách chủ ý nhằm tránh thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, với người lao động và với xã hội và tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính như thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thống kê.
Hoạt động kinh tế phi pháp bao gồm: Các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm (sản xuất và buôn bán ma túy, hoạt động mại dâm,…); các hoạt động kinh tế hợp pháp không bị pháp luật cấm nhưng do các nhà sản xuất trái phép thực hiện.
“Đối với hai thành tố nói trên rất khó cho cơ quan thống kê thu thập thông tin để tính toán”, ông Lâm chia sẻ, và cam kết, trong quí 1-2018, sau khi Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Thống kê hứa với Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng với các Bộ, ngành và địa phương tìm giải pháp có tính khả thi để triển khai thực hiện, sẽ từng bước tính toán đầy đủ hơn quy mô chỉ tiêu GDP trong những năm tới.
Trước đó, tại hội nghị ngành của Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu cần tính toán lại GDP và cần bổ sung khu vực kinh tế chưa được tính toán vào GDP với hàm ý muốn tăng nợ cho đầu tư phát triển.
Nhân dịp này, GSO cũng khẳng định, phương pháp biên soạn chỉ tiêu GDP và GRDP của Việt Nam thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và của Thống kê Liên hợp quốc; theo đúng phương pháp khoa học, được quốc tế công nhận. Vì vậy số liệu GDP do cơ quan này biên soạn là chính xác, tin cậy.
Đầu đề bài NTB sửa lại

VIỆT NAM THỐNG KÊ KINH TẾ NGẦM: KHU VỰC NÀO CAO NHẤT ?

PV  HOÀI AN /ĐẤT VIỆT 16-1-2018

Viet Nam thong ke kinh te ngam: Khu vuc nao cao nhat?
Kinh tế ngầm được coi là môi trường cho các hoạt động phạm pháp phát triển.

 Những lĩnh vực, những ngành mang tính phục vụ cho an sinh, xã hội đang là lĩnh vực có hoạt động phi chính thức cao nhất.

ĐBQH Trần Anh Tuấn - Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, kinh tế ngầm không phải là những hoạt động xấu, nếu kiểm soát tốt đây còn là thành phần bổ trợ cho kinh tế chính thức phát triển.
PV:- Thưa ông, Chính phủ vừa giao trách nhiệm cho Bộ KH-ĐT phải khẩn trương hoàn thiện Đề án thống kê kinh tế ngầm, phi chính thức... Là ĐBQH ông đánh giá thế nào về chỉ đạo trên?
ĐBQH Trần Anh Tuấn:- Kinh tế ngầm là một khái niệm mới trong quản lý đối với Việt Nam nhưng về bản chất hoạt động này đã tồn tại từ rất lâu rồi.
Theo cách hiểu của tôi, kinh tế ngầm không phải là một thành phần xấu, kinh tế ngầm chỉ đơn giản là kinh tế không chính thức. Trong đó, bao gồm các hoạt động giao dịch giữa người dân với nhau, giao dịch giữa các hộ kinh doanh cá thể, giữa các doanh nghiệp nhỏ... với nhau. Các giao dịch này chủ yếu sử dụng tiền mặt trực tiếp, không được ghi nhận bằng hóa đơn, chứng từ mà giao dịch thông qua các thỏa thuận riêng được thống nhất từ trước.
Hiện đã có nhiều nghiên cứu về nền kinh tế phi chính thức, trong đó Việt Nam được đánh giá là quốc gia có hoạt động giao dịch kinh tế không chính thức xếp loại rất cao trên thế giới.
Việc xây dựng một Đề án tổng thể để đánh giá về quy mô, cách thức, thực trạng hoạt động của kinh tế phi chính thức trong nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết. Bởi khi hiểu rõ được bản chất của nó thì mới đưa ra được cơ chế điều hành, quản lý cho phù hợp.
Tất nhiên, việc thực hiện công tác thu thập số liệu, thông tin về một hoạt động ngầm, không để lại dấu vết là rất khó khăn.
Theo những số liệu tôi có được thì ở những lĩnh vực, những ngành mang tính phục vụ cho an sinh, xã hội đang là lĩnh vực có hoạt động phi chính thức cao nhất. Ở những lĩnh vực dịch vụ cao cấp thì hoạt động không chính thức có thấp hơn.
PV:- Vậy theo ông, kinh tế ngầm tại Việt Nam có được hiểu khác so với các nước trên thế giới? Liệu có thể ước đoán về quy mô và tầm ảnh hưởng của các hoạt động này hay không? 
ĐBQH Trần Anh Tuấn:- Kinh tế ngầm theo khái niệm của thế giới cũng như Việt Nam không có nhiều sự khác biệt và nó đều là một phần của nền kinh tế.
Tuy nhiên, khái niệm là như vậy, song cách hiểu về kinh tế ngầm sẽ được điều chỉnh theo đặc thù riêng của mỗi nền kinh tế.
Tại Việt Nam, kinh tế ngầm được hiểu là những hoạt động kinh tế không chính thức. Những hoạt động này đang được xem là một cấu phần của nền kinh tế và cho tới thời điểm hiện tại nó chưa được xem là yếu tố gây hại cho nền kinh tế.
Những hoạt động giao dịch như rửa tiền, buôn bán vũ khí, buôn lậu... ở một số nước cũng được coi là hoạt động kinh tế ngầm, vì các nước này vẫn cho phép người dân được buôn bán vũ khí với nhau. Nhưng ở Việt Nam, khái niệm này sẽ được hiểu theo một cách khác, đó là những hoạt động phạm tội, hoạt động phi pháp và là những hoạt động cần phải ngăn chặn, xử lý vì Việt Nam không cho phép người dân buôn bán vũ khí.
Trong thực tế, khái niệm kinh tế ngầm cũng đang bị hiểu theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn, do thường hay bị liên hệ tới những hoạt động phi pháp. Tuy nhiên, tôi nhắc lại, kinh tế ngầm chỉ là những hoạt động không chính thức, những hoạt động phạm pháp là những hoạt động không được phép tồn tại vì vậy, không thể coi đó là một cấu phần của nền kinh tế.
Còn đâu đó vẫn có sự liên kết, móc nối từ các hoạt động kinh tế không chính thức để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp như rửa tiền, tẩu tán tài sản tham nhũng, tham ô... đó là trách nhiệm của công tác điều hành, quản lý.
Mặc dù, kinh tế phi chính thức không bao gồm sự tồn tại của các hoạt động phi pháp song sự yếu kém trong quản lý, giám sát lại tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động sai trái, phi pháp phát triển. Đây là trách nhiệm quản lý.
Đây chính là lý do Chính phủ yêu cầu phải xây dựng đề án thống kê kinh tế ngầm. Khi kiểm soát được hoạt động của khu vực kinh tế ngầm sẽ có những giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp để kiểm soát, hạn chế được những hoạt động phi pháp.
PV:- Trước đó, từng có nghiên cứu chỉ ra rằng, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 3 tỷ USD bị chuyển ra ngoài bất hợp pháp. Theo ông, việc này có mối liên quan như thế nào tới các hoạt động kinh tế ngầm? Xin ông chỉ rõ.
ĐBQH Trần Anh Tuấn:- Như tôi đã nói, những hoạt động chuyển tiền không chính thức, không theo quy định của pháp luật thì đó là những hoạt động phi pháp, phạm pháp, những hoạt động này không nằm trong cấu phần kinh tế nên nó không thuộc thành phần kinh tế không chính thức. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Tuy nhiên, khi thực hiện các giao dịch kinh tế không chính thức thường sẽ rất khó kiểm soát. Đây là điểm hở để các nhóm tội phạm lợi dụng thực hiện các hoạt động giao dịch trái pháp luật, gây nguy hại cho nền kinh tế. Tôi nhắc lại, đây chính là trách nhiệm của công tác quản lý, giám sát.
Ngoài những cảnh báo chuyển ngoại tệ ra nước ngoài thì còn có nhiều hoạt động trái pháp luật khác cũng đang lợi dụng kẽ hở này để tồn tại, phát triển, cần phải được kiểm soát chặt chẽ.
PV:- Cái khó trong quản lý hoạt động kinh tế ngầm là chắc chắn nó phải có sự bảo trợ của các nhóm quyền lực, không loại trừ khả năng trong chính bộ máy quản lý nhà nước. Để có thể quản lý kinh tế ngầm, khó khăn này phải được tháo gỡ ra sao? Nếu xử lý tốt các hoạt động kinh tế ngầm, điều đó sẽ mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế?
ĐBQH Trần Anh Tuấn:- Quan điểm của tôi rất rõ ràng, nếu hiểu kinh tế ngầm là những hoạt động tiêu cực, phạm pháp thì phải xử lý, phải đưa nó vào quản lý theo đúng khuôn khổ của pháp luật. Bất kể những hoạt động đó tồn tại trong bối cảnh nào, có sự bảo trợ của nhóm quyền lực hay không, tất cả làm trái pháp luật đều phải bị xử lý.
Việc xử lý cũng không khó, ví dụ như trường hợp 48 bãi đỗ xe được cho là hoạt động trái phép tại Quận 1 TP.HCM. Nếu có dư luận cho rằng, những bãi đỗ xe này tồn tại được là nhờ có sự bảo kê của những cán bộ có quyền lực thì việc phải làm ngay là rà soát lại tính hợp pháp và bất hợp pháp của những bãi đỗ xe này. Những bãi nào được cấp phép thì cho phép hoạt động nhưng phải tuân theo những quy định của pháp luật. Những bãi nào không được cấp phép mà vẫn hoạt động phải xóa sổ, xử phạt nghiêm minh.
Nếu tất cả quy trình đều được làm công khai, minh bạch thì không có lý gì lại không xử lý được.
Còn nếu hiểu kinh tế ngầm là những hoạt động kinh tế nhưng không thực hiện các giao dịch theo cách chính thức thì phải được nghiên cứu, đánh giá. Khi có nghiên cứu, đánh giá mới có thể theo dõi được xu hướng hoạt động, quy mô, hình thức hoạt động của loại hình này từ đó mới đưa ra giải pháp quản lý phù hợp.
PV:- Xin cảm ơn ông!
Hoài An (ghi)

KHI TĂNG TRƯỞNG GDP BỊ NGHI NGỜ

TƯ GIANG/TBKTSG 16-1-2018

Ông Trương Đình Tuyển và bà Phạm Chi Lan. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) - Lần đầu tiên kể từ khi mức tăng trưởng GDP kỷ lục 6,81% của năm 2017 được chính thức công bố, các chuyên gia hàng đầu đã lên tiếng đặt câu hỏi.
Tại buổi lễ công bố  báo cáo kinh tế vĩ mô quí 4 và cả năm 2017 diễn ra ngày 16-1 tại Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - chính sách (VERP) Nguyễn Đức Thành cho biết, cơ quan ông đã tính toán Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI (Viet Nam Economic Performance Index) và cho kết quả không quá ấn tượng như tăng trưởng GDP.
GDP không thực sự vượt bậc
VEPI được xây dựng dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng tín dụng và chỉ số. VEPI quí 4 đạt 7,28%, cao hơn nhiều so với các quí trước và cùng kỳ năm 2016, trong khi mức tăng trưởng GDP của quí 4 được công bố là 7,65%.
“Việc chỉ số VEPI vẫn thấp hơn có thể phản ánh rằng tăng trưởng GDP không thực sự vượt bậc như thực tế”, ông Thành nhận định, và bổ sung thêm: "Có thể có sự tăng trưởng bất thường của kinh tế Việt Nam hoặc là có thể có báo cáo cao quá so với mức bình thường”.
Bài báo cáo của ông Thành đã khuấy lên sự hưởng ứng của các chuyên gia kinh tế về thực chất của tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận xét, số liệu có sự chênh lệch giữa VEPR và Tổng cục Thống kê (GSO). Bà cho rằng khi cơ quan thống kê đưa ra con số tăng trưởng GDP đã làm nhiều người đặt không ít câu hỏi, dựa vào đâu mà tăng trưởng quí 3 và quí 4 tăng cao như vậy.
Bà Lan kể lại rằng hồi đầu năm 2017, nhiều chuyên gia còn có gợi ý Thủ tướng Chính phủ rằng khi đặt ra chỉ tiêu quá cao sẽ dẫn đến việc "gồng" lên chạy theo tốc độ tăng trưởng mà phần nào quên đi cải cách trong khi cải cách mới là động lực tăng trưởng bền vững và lâu dài cho nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế này còn cho biết một lãnh đạo của GSO đã mất nửa giờ đồng hồ tại một hội thảo để giải thích, khẳng định số liệu của cơ quan này đáng tin cậy và sử dụng số liệu “có trách nhiệm” với hàm ý phê phán những người có ý kiến phản biện. “Tôi tin tưởng ở VEPR vì cân bằng hơn và khách quan hơn”, bà nói.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định ông đồng tình với bản báo cáo nói trên, với số liệu của VEPR. Tự nhận xét mình không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực thống kê, nhưng những năm trước ông đã có những dự báo sát với thực tế tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, năm nay lời dự báo của ông “rất sai”. Trong khi ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư dự báo mức tăng trưởng là 6% thì ông Tuyển dự báo là 6,3%, cả hai con số đều xa so với con số của GSO.
Liên quan đến chỉ số tiêu dùng điện giảm mâu thuẫn với tăng trưởng sản xuất công nghiệp, ông Tuyển nói: “Họ giải thích thì mình phải chịu chứ mình không có số liệu”. “Tóm lại số liệu GSO khiến cảm nhận của nhiều người là…”, ông nói, và ngắt lửng.
Nhiều rủi ro phía trước
Theo VEPR, nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế.
Thứ nhất, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua. Bên cạnh đó, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm.
Thứ hai, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao vẫn tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng cản trở nền kinh tế.
Thứ ba, việc phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét