Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

20180115. BÌNH LUẬN VỀ PHIÊN XỬ ĐINH LA THĂNG VÀ ĐỒNG PHẠM

ĐIỂM BÁO MẠNG
XÉT XỬ ĐINH LA THĂNG VÀ ĐỒNG PHẠM: NGHIÊM KHẮC VÀ NHÂN VĂN

THIỆN VĂN/ TVN 15-1-2018

Đinh La Thăng,Trịnh Xuân Thanh,Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm,xét xử các vụ đại án
Nếu ai lợi dụng chức quyền để đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật thì trước sau cũng phải chịu sự phát xét nghiêm khắc của pháp luật. Ảnh: TTXVN.
Đã có những giọt nước mắt rơi xuống má, đã có những lời nói nghẹn ngào của bị cáo trước khi tòa đưa ra lời tuyên án trong vụ xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm. Thật ra trong tâm lý và nỗi lòng sâu xa của con người, trước khi bị tước mất quyền tự do của một công dân, hầu như ai cũng cảm thấy xót xa, ân hận cho những hành vi tội lỗi trong quá khứ của mình.
Đối với những người từng được ăn học đàng hoàng, tử tế, từng có những năm tháng đứng trên đỉnh cao quyền lực, được kẻ đón người đưa, “nói có người nghe, đe có kẻ sợ”, thậm chí đi một bước cũng có người “tiền hô hậu ủng”, thì đối với họ, bị tước mất quyền tự do của công dân không chỉ là nỗi đau tột cùng, mà còn là điều day dứt, ám ảnh khôn nguôi suốt những năm tháng còn lại của họ.
“Bị cáo mong làm sao chấp hành án, trước khi chết được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù” được thốt ra từ bị cáo Đinh La Thăng, nghe sao mà ai oán, cảm thương thay!
Khi nghe những lời nói ấy, chắc hẳn những người ruột thịt, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp một thời của bị cáo đâu khỏi nỗi niềm trắc ẩn trước sự sa cơ của một chính khách từng nổi đình nổi đám trước công luận.
Giọt nước mắt nào suy cho cùng cũng đáng thương. Nhưng luật pháp bất vị thân. Ánh sáng công đường không có chỗ “trú chân” cho những hành vi mờ ám, khuất tất. Cán cân công lý không được phép một chút “chênh chao” trước nỗi ân hận muộn màng của người phạm tội. Sự nghiêm khắc, anh minh, sáng suốt của pháp luật là đòi hỏi tất yếu để giữ nghiêm kỷ cương phép nước và trật tự xã hội.
Một nền pháp lý công bằng trước hết là một nền pháp lý bình đẳng, bất cứ công dân nào vi phạm pháp luật đều được đưa ra xét xử công khai và bị xử lý bằng những hình thức tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi tội phạm mà người phạm tội gây ra. Luật pháp không có vùng cấm, đã là công dân sống trong một xã hội pháp quyền đều phải thượng tôn pháp luật, chịu sự điều chỉnh của pháp luật và chấp nhận hình phạt của pháp luật khi phạm tội. Nếu ai lợi dụng chức quyền để đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật thì trước sau cũng phải chịu sự phán xét nghiêm khắc của pháp luật.
Bài học không ở đâu xa. Việc cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye mới hôm nào còn ung dung với tư thế của người “thống soái quyền lực” một cường quốc ở châu Á, nhưng nền pháp lý công minh của quốc gia này đã đưa người đàn bà đang là chủ nhân của phủ tổng thống đầy uy nghi, sang trọng, phải sang “ở trọ” trong phòng giam chật hẹp chỉ vì bà đã không giữ gìn được sự liêm khiết, chính danh của một nguyên thủ quốc gia!
Hay nữ chính khách trẻ trung, xinh đẹp Yingluck Shinawatra từng nắm giữ quyền lực cao nhất của chính phủ Thái Lan, nay cũng phải bỏ trốn và sống lưu vong nơi đất khách quê người vì thời gian đương chức bà đã không làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với quốc gia! 
Và nước láng giềng ngay bên cạnh, hai chính khách Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai một thời có thể làm “khuynh đảo” quyền lực trên chính trường Trung Quốc, nhưng cũng đã vướng vào lao lý và phải ôm hận suốt đời bởi sống không đúng tư thế của “người quân tử”!
Nói thế để thấy, đã là người “ăn cơm nhà nước, ở nhà công” mà không những không hết mình phụng sự, cống hiến cho quốc gia dân tộc, mà lại còn có những việc làm gây tổn hại cho nước cho dân, thì đương nhiên họ phải bị nghiêm trị bởi luật pháp. Đó cũng là lẽ công bằng ở đời. Lời bộc bạch của người đứng đầu Đảng ta “Kỷ luật một người để cứu muôn người” có cơ sở vì lẽ ấy.
Tuy vậy, với người Việt Nam ta, từ trong bản chất truyền thống vẫn ít nhiều mang tâm lý “đằng sau cái lý còn tí cái tình”. Lối ứng xử trọng tình nghĩa của người Việt xuất phát từ nền văn hóa trồng lúa nước và truyền thống làng xã luôn đòi hỏi có tính cố kết cộng đồng cao. Thế nên, khi nhìn nhận, xem xét, đánh giá sai lầm của một con người, bao giờ ông cha ta cũng tạo cho họ một cơ hội sửa chữa lỗi lầm, nhất là những người biết ăn năn, hối cải thật sự. Đối với những người phạm tội từng có một thời đóng góp, cống hiến nhất định, luật pháp bao giờ cũng có tình tiết giảm nhẹ.
Cho dù cán cân công lý không thể và không được phép mất thăng bằng, nhưng chính sách khoan hồng của thể chế pháp lý “do con người, vì con người” sẽ góp phần làm cho nền pháp lý tiến bộ hơn, nhân văn hơn. Ngoài những giọt nước mắt ân hận tại tòa, khi các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng… nếu tiếp tục khai báo thành khẩn, trung thực và chủ động khắc phục hậu quả do những sai phạm trong quá khứ, chắc chắn sẽ nhận được sự khoan dung, rộng lượng của pháp luật. Nền công lý Việt vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn là ở chỗ đó. Tinh thần đổi mới tư pháp cũng là ở chỗ đó. Truyền thống bao dung “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại” của cha ông ta tiếp tục được kế thừa và phát huy, cũng là ở chỗ đó!
Một vụ án được xét xử công tâm, tuyên án đúng người, đúng tội và đủ sức cảnh tỉnh, răn đe trong công tác phòng ngừa tội phạm, mà vẫn tạo cơ hội cho người phạm tội được cải tà quy chính, sớm phục thiện và được quyền làm người tự do chân chính, đấy là một bản án phản ánh và thể hiện đúng tinh thần nhân đạo của một nền công lý tiến bộ.
Thiện VănThượng tá Nguyễn Văn Hải, Báo QĐND

VẪN CHỈ LÀ XỬ ÁN KIỂU XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

BÙI QUANG VƠM/ BVN 10-1-2018

Hôm qua, ngày 8/01/2018 bắt đầu xử Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Một trò diễn tiếp của vở kịch nhiều màn. Nhắm mắt, người ta cũng biết: Toà sẽ không dám quyết án quá 20 năm cho Đinh La Thăng. Kẻ phải bị kết án tử hình là Trịnh Xuân Thanh, nhưng sẽ giảm vào phiên phúc thẩm với những trò xin nộp lại tài sản, thành khẩn ăn năn, v.v…
Trịnh Xuân Thanh chỉ là cấp thừa hành, là kẻ biết lợi dụng các kẽ hở của cấp trên và chỉ là kẻ ma mãnh, biết tranh thủ vơ vét cho cá nhân, khi biết rõ ý định tham nhũng của cấp trên của mình. Dưới Đinh La Thăng không chỉ có một mình Trịnh Xuân Thanh, còn Nguyễn Xuân Sơn, Hoàng Văn Thắm, còn Vũ Đình Duy, còn Lê Chung Dũng, còn hàng chục đầu mối tham ô và gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ khác. Hàng trăm dự án mà Đinh La Thăng đề ra và tìm cách cung cấp kinh phí cho chúng, chính là hàng trăm đầu mối tham nhũng như đầu mối Trịnh Xuân Thanh. Mục đích là giải toả đống tiền đang nằm trong két sắt của PVN, đi qua các Ban quản lý để đến thẳng tay các nhà thầu, các công ty dưới tay và trong tay của Trịnh Xuân Thanh. Nhưng đích đến cuối cùng là sự quay lại của những đồng tiền buông ra đó. Và nếu một đầu mối “quay lại” tới hàng trăm tỷ đồng thì khi tới Thăng không thể tính bằng số trăm tỷ được. Toà tất nhiên không ngu đến nỗi không thấy điều đó.
Trịnh tham ô 20 tỷ, làm thiệt hai 3.300 tỷ, nhưng Đinh La Thăng làm thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ, phá huỷ hàng trăm cơ sở nền tảng của nền kinh tế, có thể gây thiệt hại hàng triệu tỷ. Hệ thống chính quyền mất hàng nghìn cán bộ. Cuộc sống của hàng chục triệu dân bị ảnh hưởng. Tất cả những văn bản, những quyết định, những cú phôn v.v.., chỉ là những tiểu tiết tất yếu, nhằm đạt bằng được mục tiêu tham nhũng. Nếu xử Trịnh tử hình, thì Đinh xứng đáng bị xử hàng chục lần tử hình.
Nhưng đảng sợ, ông Trọng sợ. Trước hết là sợ tạo ra làn sóng khủng bố làm tê liệt xã hội. Thứ hai là Đảng sợ phản ứng của phe cánh, của nhóm lợi ích gắn liền với với tham nhũng Toàn quốc mà đứng đầu là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Không một quan chức nào, cả những kẻ đã hạ cánh lẫn đương chức, trong suốt ba mươi năm cải cách mở cửa không dính tới tham nhũng. Đặc biệt như nấm mùa xuân thời ông Dũng, vì biết tường tận những hành vi tham nhũng của ông Dũng. Nếu ai cũng cảm thấy không an toàn thì hoặc là bỏ mặc buông xuôi tất cả, gây tê liệt hoàn toàn xã hội, hoặc là tự tìm cách tự vệ và phản công, theo quy tắc «được ăn cả, ngã về không» hoặc «đạp đổ hay chờ chết».
Nhưng có một nguyên nhân sâu xa là, khi quy kết tội tham nhũng cho một cán bộ cao cấp cỡ uỷ viên Bộ chính trị, người ta biết rõ phía sau lỗi cá nhân, có lỗi hệ thống. Phía sau sự tha hoá cá nhân có nguyên nhân từ cơ cấu của thể chế. Có thể giết oan mạng sống một dân thường, hoặc cao hơn là của một quan chức, nhưng giết chết mạng sống của một trong 19 người đứng đầu chế độ không còn là vấn đề pháp luật nữa. Đó là vấn đề chính trị, đó là vấn đề nền tảng tính chính danh của chế độ.
Hệ thống đẻ ra tham nhũng. Hệ thống sinh ra và tạo ra sự tha hoá của con người. Hệ thống biến những con người đạo đức ban đầu thành những kẻ tham lam vô đạo. Hệ thống tạo ra những Nguyễn Tấn Dũng chỉ tìm kiếm phát hiện và bồi dưỡng những đảng viên có biệt tài ăn cắp và biệt tài cung phụng cấp trên.
Ngay chính Bộ Chính trị nghi ngờ tư cách xét xử và phán quyết một cái án như vậy. «Mạng phải trả bằng mạng», ông Trọng, khi không dám tin vào tính chính danh của chính mình, có dám liều mạng để chịu nhận một trách nhiệm cá nhân như vậy không? Khi không thừa nhận tính đại diện công lý của Toà, thì trách nhiệm sẽ được tính cho cá nhân người quyết định cao nhất. Người ta biết, nếu Thanh «chết» hay Đinh La Thăng «chết», bất cứ kẻ nào bị «xử chết» tại Toà án chính trị Cộng sản, dứt khoát phải có sự đồng ý của cá nhân ông Trọng, của Tổng bí thư đảng. Vì «đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối», không phải là luật pháp, luật chỉ «thể chế hoá của cương lĩnh đảng».
Chính vì vậy mà sẽ chẳng có án tử hình nào cả. Nếu có thì sẽ chỉ là đóng kịch. Sẽ tuyên án, rồi vài năm, sẽ giảm án, khi có thành tích hối cải. Cái chính là bản án có thể đã thoả thuận trước trong đảng và với chính bị can. Đó là Toà án kiểu Xã Hội Chủ Nghĩa, của một nhà nước XHCN.
Ông Trương Tấn Sang, hôm qua nói trên Vnexpress.net: «Chẳng phải chúng ta đã chứng kiến những kẻ có lòng tham vô đáy lợi dụng kẽ hở của chính sách, lạm dụng quyền lực để móc túi nhân dân, rồi chính những kẻ đó và bè cánh lại tìm mọi cách để "chui sâu, leo cao" hơn nhằm bảo đảm cho khối tài sản ăn cắp đó tiếp tục sinh sôi, nảy nở?».
Đọc những dòng chữ này, người ta hiểu ông Sang nói tới ông Dũng và những kẻ thuộc vây cánh của ông Dũng đang «chui sâu leo cao». Ông Trần Đại Quang leo lên chức Chủ tịch nước, Nguyễn Văn Bình lên Trưởng ban Kinh tế trung ương, Đinh La Thăng lên Bí thư Sài Gòn, Hoàng Trung Hải lên Bí thư Hà Nội. Ông Dũng đã bỏ quên ông Vũ Huy Hoàng. Nếu ông Vũ Huy Hoàng lọt vào Bộ chính trị, thì sự việc chưa chắc suôn sẻ như vậy cho ông Trọng.
Nhưng ông Sang quên không hỏi tiếp: «Rồi đảng sẽ làm gì tiếp nữa? Nhân dân không muốn sau khi trảm những nhân vật này, đảng lại đưa lên những kẻ tương tự khác, với thủ đoạn tinh vi cao siêu hơn». Bởi vì những điều kiện để tạo ra tham nhũng là «Quyền chức» và «Của công» vẫn còn nguyên. Quyền chức vẫn do duy nhất đảng nắm giữ và ban phát, không một quyền lực độc lập nào kiểm soát được đảng.Quyền lực không thể kiểm soát là nguồn gốc của tham nhũng. Cái mục tiêu vươn tới của tham nhũng là chiếm đoạt «của công» thì mọi thứ vẫn là «của công». Đất và tài nguyên quốc gia vẫn là «sở hữu toàn dân», ông Bộ trưởng, ngài Thủ tướng hay bà lão bán rau, thằng bé đánh giày đều là chủ. Nhưng bà bán rau và thằng bé đánh giày chỉ có thể khốn nạn thêm khi ông Bộ trưởng hay ông Thủ tướng giàu có thêm với quyền làm chủ của mình. Các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn «mỗi ngày một lớn mạnh», «giữ vai trò chủ đạo», chiếm giữ mỗi ngày một nhiều tiền vốn của nền kinh tế, thứ tiền vốn của nhà nước, tức là tiền không phải của ai cả. Và cái lượng tiền không của ai cả này sẽ vào túi kẻ có quyền có chức.
Công cụ hiệu quả nhất chống tham nhũng là Tư pháp độc lập và Tự do báo chí, thì vẫn tiếp tục bị cấm. Quyền tự do ngôn luận và biểu đạt của dân vẫn bị quy thành tội chống đối chế độ và bị bắt giam 9-10 năm dù là phụ nữ đơn thân nuôi mẹ già và con nhỏ.
Cho nên, việc xử uỷ viên Bộ chính trị Đinh La Thăng hôm nay, hay có thể còn tiếp tục với những kẻ khác, không tạo ra lòng tin của dân đối với đảng hay bất cứ kẻ nào. Ông Sang đừng ảo tưởng nhầm lẫn như vậy. Đảng chống phe này hay phe kia cuối cùng không phải là để tiêu diệt tham nhũng, mà chỉ thay tên, đổi chỗ kẻ tham nhũng.
Nhưng biết đâu, diễn biến của các phiên toà cũng lại vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của đảng. Vì ngoài đảng cộng sản công khai cầm quyền, còn một thứ không thành đảng nhưng chi phối mọi thứ lý trí và tình cảm của xã hội: Đó là lòng dân.
Và những ông Thẩm phán, ngoài nghĩa vụ đảng viên còn có gia đình vợ con, còn bà con thân thuộc, còn bàn dân thiên hạ, còn nỗi khổ của dân nghèo hiện hình hàng ngày, còn những khát vọng tự do, và ngay chính danh dự và lòng tự trọng...
Mục đích hướng tới của vụ án là «cái đáng phải xử và phải sửa là chế độ chứ không phải chỉ là tội lỗi của cá nhân con người thuộc chế độ đó».
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN
ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG VÀ CƠ HỘI CUỐI CÙNG
NGUYỄN THỊ OANH/ BVB 10-1-2018
Ông Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Getty
Có lẽ trong các đời Tổng Bí thư của ĐCSVN, ông Nguyễn Phú Trọng (NPT) là người vừa may lại vừa xui nhiều nhất!

May là vì vào thời buổi “nhân tài như lá mùa thu” trong ĐCSVN, ông đã ngoạn mục vượt qua mọi đối thủ bằng khả năng “lý luận của người miền Bắc”, để nắm giữ vững vàng vị trí quyền lực cao nhất của đảng. Sau sự ra đi chính thức của ông X vào tháng 4/2016, nhiều người cũng đã nhận ra ông Trọng không hề “lú” như thiên hạ vẫn nhạo!
Thế nhưng ông lại cũng là người xui xẻo nhất vì phải lãnh đủ hậu quả của sự sụp đổ uy tín nghiêm trọng chưa từng thấy trong lịch sử ĐCSVN. Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, dưới khẩu hiệu “giành độc lập tự do, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, ĐCS đã chiếm giữ được vai trò lãnh đạo độc tôn ở VN. Chiến thắng năm 1975 càng làm cho đảng ngất ngây trong hào quang của “bên thắng cuộc” mà không biết rằng chính khi bước vào thời bình thì những thách thức nặng nề nhất mới bắt đầu…
Điều hành và xây dựng để một đất nước phát triển văn minh không hề giống như tham gia một cuộc chiến! Càng ngày, sự lúng túng, yếu kém và thậm chí dốt nát, duy ý chí của bộ máy lãnh đạo chính quyền càng bộc lộ rõ nét. Thói kiêu căng, tự mãn cũng làm mờ mắt đảng suốt một thời gian dài để rồi trong khi cứ mải mê gặm nhấm vinh quang từ quá khứ thì đất nước đã tụt hậu so với người ta hàng thế kỷ!
Bên cạnh đó, tham nhũng không còn là tình trạng tồn tại ở “vài cá nhân, vài bộ phận” như lời trấn an quá nhàm của một số lãnh đạo cao cấp nữa, mà đã thật sự “ổn định” thành “quốc nạn”. Còn gì để tự hào khi ngay cả về mặt này, VN cũng “được” đứng ở vị trí 113/176 quốc gia trong bảng chỉ số xếp hạng tham nhũng toàn cầu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế? Cũng chưa có thời kỳ nào mà những khái niệm mới như “tư bản đỏ”, “lợi ích nhóm” lại được biết và nhắc đến nhiều như thời nay…
Ông Trọng đã bước lên đỉnh cao quyền lực trong một giai đoạn hỗn mang như thế – giai đoạn mà những căn bệnh mãn tính kinh niên đã tàn phá tận cùng cơ thể đất nước. Lòng dân hoang mang, niềm tin cạn kiệt. Ngay chính trong nội bộ ĐCSVN cũng đã có sự phân hoá và “tự diễn biến” về tư tưởng của các đảng viên. Chưa có khi nào mà người lãnh đạo cao nhất của đảng lại phải công khai kêu gọi ngăn ngừa tình trạng “chán đảng, khô đoàn, nhạt chính trị” như ông Trọng vừa qua.
Có lẽ, hơn ai hết, với cương vị là Tổng Bí thư, ông Trọng là người cảm nhận rõ nhất những nguy cơ đe doạ sự sống còn của ĐCSVN trong giai đoạn hiện nay. “Còn đảng còn mình” luôn là niềm tin bất biến mà đảng đã gieo vào ý thức của các đảng viên. Nhưng làm sao đảng có thể vững mạnh “trường tồn cùng dân tộc” như mong muốn của ông Tổng Bí thư, khi độc quyền nắm giữ vị trí lãnh đạo đất nước mà lại để đàn sâu tham nhũng đục khoét đến kiệt quệ sức dân và rỗng ruột cả tài nguyên quốc gia? Nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu chắc chắn luôn là bài học nằm lòng không bao giờ được quên đối với những người lãnh đạo ĐCSVN.
Bởi thế, ông Trọng cần ra tay. Nhưng những cú ra đòn của ông bây giờ liệu có còn kịp để dẫn đến một màn knock-out hiệu quả nhằm khôi phục uy tín cho đảng? Thách thức to lớn nhất là làm sao để chứng minh rằng ông đang thật sự tuyên chiến với tham nhũng và đây là cuộc chiến vì sự sống còn của đất nước chứ không phải là một cuộc đấu đá thanh trừng phe phái trong nội bộ đảng. Và một khi đã “đặt mồi lửa vào dưới đống củi”, ông có dám đốt hết đám củi mục không, hay lại chỉ đốt được vài thanh đủ cho thấy có khói?…
Nếu để ý sẽ thấy rằng tất cả các vụ việc xử lý hình sự cán bộ trong bộ máy đảng và chính quyền hiện nay, kể cả cỡ ông Đinh La Thăng trở xuống, đều chỉ xuất phát từ lý do kinh tế. Điều này gây ra hai hệ luỵ khá tiêu cực:
1- Sự hoang mang và bất mãn ngấm ngầm trong đội ngũ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhà nước. Ngay cả khi chính bản thân những người này còn cảm thấy họ không được bảo vệ bằng một thể chế pháp luật văn minh, tiến bộ, và sự phán xét giữa công hay tội chỉ là một lằn ranh mỏng manh tuỳ thuộc vào “thời thế” thì việc làm sếp trong các doanh nghiệp Nhà nước ngày nay quả thật nguy hiểm như đi trên dây!
Nhớ một thời, dầu khí từng được xem là một trong những ngành trọng điểm hàng đầu và là “con cưng” của nền kinh tế VN. Kể từ khi khai thác tấn dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ vào năm 1986, bình quân mỗi năm thu từ dầu thô luôn chiếm trên 20% ngân sách. Từ khoảng thời gian 2009 đến 2013, khi PetroVietnam có nhà máy lọc dầu, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi giá dầu thế giới bắt đầu sụt giảm, nhưng thu từ dầu thô vẫn chiếm 13,6% trên tổng thu ngân sách hàng năm. Trong khi đó thu từ tất cả các doanh nghiệp nhà nước (không kể dầu khí) chỉ chiếm khoảng 15-16% ngân sách.
Cho đến khi giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc không phanh và chẳng còn hy vọng trở lại thời huy hoàng như ngày xưa thì “con cưng” giờ đây bỗng trở thành “con ghẻ”. Một loạt lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (tức PetroVietnam) lần lượt bị “sờ gáy”. Các vấn đề làm ăn thua lỗ ở PetroVietnam cũng là khúc dạo đầu, khơi mào cho câu chuyện từ Trịnh Xuân Thanh đến Đinh La Thăng. Từ anh hùng trở thành tội đồ chỉ trong nháy mắt… Dầu khí bỗng trở thành ngành mang nhiều tai tiếng và ẩn giấu những nguy cơ “quá nhanh, quá nguy hiểm”… Tâm lý chán nản, lo âu từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo ngành dầu khí ngày nay cũng là tâm trạng chung của nhiều lãnh đạo các ngành kinh tế trọng điểm khác, bởi họ không biết ngày mai khi nào thì đến lượt mình bị phán xét. Càng là doanh nghiệp chủ chốt thì mối lo này lại càng tăng!
2- Giảm sút lòng tin trong dân vào công cuộc chống tham nhũng. Người dân đang trông mong nhìn thấy các vụ xử lý tham nhũng thật sự ở cấp cao hơn và trong nhiều lĩnh vực rộng hơn, với những động thái quyết liệt đủ để chứng minh rằng công cuộc chống tham nhũng đang được tiến hành triệt để, không có vùng cấm, đúng như tinh thần “củi tươi vào lò cũng phải cháy” mà ông Trọng đã tuyên bố. Lý do làm ăn gây thất thoát hay thua lỗ trong một vụ đại án chỉ tập trung ở PetroVietnam chưa đủ thuyết phục dân tin vào quyết tâm làm trong sạch đảng của Tổng Bí thư. Ông Đinh La Thăng là UVBCT đầu tiên bị truy tố và đưa ra toà khi còn đương chức. Tuy nhiên, sự hả hê của một bộ phận dân chúng đối với ông Đinh La Thăng vẫn là sự hả hê thường thấy dành cho quan chức ngã ngựa, theo tâm lý kiểu “cứ lãnh đạo lâm nạn thì dân thích”, chứ chưa phải là niềm vui được chứng kiến một con sâu béo bị vạch trần vì tham nhũng. Mặt khác, do chỉ “đánh” được ông Thăng về những sai phạm trong quản lý kinh tế nên việc hạ bệ ông Thăng kèm theo cuộc truy đuổi đắt giá nhân vật Trịnh Xuân Thanh trước đó làm cho dư luận vẫn có lý do để nghi ngờ về động cơ của vụ “đốt củi” này.
Ông Trọng không còn nhiều thời gian. Chắc chắn ông không thể tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa, và vì thế, điều gấp rút nhất lúc này với ông là phải thực thi thành công kế hoạch “đốt lò” để có thể để lại một dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ của mình. Nhưng có lẽ chỉ mình ông mới biết chính xác rằng ông muốn đốt gì vào lúc này! Sẽ là một thất bại đầu tiên cho ông Trọng nếu phiên toà xử Đinh La Thăng và “đồng bọn dầu khí” đang diễn ra không đủ “nội công” để làm cho toàn dân quan tâm đến vụ án và tán thành bản luận tội những bị cáo này. Không phải vậy nghĩa là người ta ủng hộ ông Thăng mà như thế có thể hiểu rằng dân chỉ thể hiện sự thờ ơ như đang xem một vở kịch biết trước hồi kết.
Tôi tin ông Nguyễn Phú Trọng thật lòng đang nỗ lực muốn làm trong sạch bộ máy, diệt trừ tham nhũng, nhằm cứu vãn uy tín và tiếp tục củng cố quyền lực cho ĐCSVN. Nhưng ông đang gặp phải chính mâu thuẫn giữa việc muốn bảo vệ chế độ độc đảng cai trị và yêu cầu minh bạch hoá để chống tham nhũng – một chỉ dấu bắt buộc phải có ở các quốc gia tiến bộ theo thể chế dân chủ, đa nguyên và tam quyền phân lập. Các thế lực lợi ích nhóm với những quyền lợi kếch xù đang cắm rễ trong bộ máy nhà nước hiện nay mới chính là các “đồng chí” đang gây cản trở lớn nhất cho những nỗ lực của ông Trọng, chứ không phải là “bọn phản động” hay các nhóm “xã hội dân sự” nào khác!
Đã có những người viết bài ca tụng ông NPT như là một nhân vật “thế thiên hành đạo”. Hãy chờ xem với cơ hội cuối cùng hiện nay, ông Trọng sẽ đi vào lịch sử như một nhà lãnh đạo đủ tầm để có thể “thay trời” đổi vận cho đất nước, hay chỉ là một Tổng Bí thư với một nhiệm kỳ nhiều tai tiếng nhất về những cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt trong nội bộ ĐCSVN?
Nguyễn Thị Oanh
P/s: Status thể hiện những suy nghĩ và quan điểm cá nhân của người viết, nhân vụ xét xử một UVBCT đầu tiên trong lịch sử ĐCSVN. Vui lòng tôn trọng tôi bằng cách comment nghiêm túc, không chửi bới, thoá mạ và công kích cá nhân. Các comment quá khích cũng sẽ bị buộc phải xoá vì đó không phải là mục tiêu của tôi khi chia sẻ status này.
(FB Nguyễn Thị Oanh)
BAO GIỜ ÔNG ĐINH LA THĂNG MỚI SÁNG MẮT ?
KAMI/ RFA/ BVB 15-1-2018

Chúng ta thường nghe ước muốn được làm người tự do của kẻ đang sống, chứ ít nghe thấy ai mong ước bi đát "được làm ma tự do" như cựu Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh la Thăng. Bày tỏ nguyện vọng trước tòa ngày 13/1/2018, ông Đinh La Thăng đã nói rằng ông “chỉ có mong muốn cuối cùng là làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra ngoài, được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân, gia đình, bạn bè”. Đã có nhiều tờ báo nhà nước trích lời nói rằng ông  Thăng “cũng mong muốn, nếu có chết thì được làm ma tự do chứ không phải ma tù”.
Có lẽ phát biểu thể hiện sự bất lực này của ông Đinh La Thăng hôm 9/1/2018, không chỉ liên quan đến việc ông Thăng đã khai trước tòa: "Chỉ định thầu là chủ trương của Bộ Chính trị và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người chỉ đạo”. Song việc hàng loạt các báo của nhà nước đồng loạt giật tít như vậy, nhưng đến chiều hôm 10/1/2018, thì tất cả các báo đều đồng loạt hạ các tít bài này xuống.
Không chỉ thế, đêm 10 Tháng Giêng, Luật Sư Nguyễn Văn Quynh, người bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh, công khai về chi tiết này trên trang Facebook cá nhân: “Chiều nay tôi xin phép Hội Đồng Xét Xử hỏi giám định viên Bộ Tài Chính đúng một câu nhưng bị đại diện Viện Kiểm Sát “nháy” giám định viên không trả lời câu hỏi. Tôi hỏi: “Giám định viên cho Hội Đồng Xét Xử biết, ngoài bản giám định kết luận hậu quả thiệt hại 119 tỷ đồng là hậu quả được tính bằng lãi suất từ “cơ hội đầu tư” ra, thì giám định viên trong quá trình giám định của mình đã kết luận doanh nghiệp nào bị thiệt hại giống như phương pháp tính thiệt hại “cơ hội đầu tư” giống như của PVN chưa? Rất tiếc, vị kiểm sát viên ngồi trước mặt nhắc giám định viên đã không trả lời tôi và giữ quyền im lặng.”
Cũng như việc Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội trong bản luận tội đã cố ý cho rằng các bị cáo phải có trách nhiệm trọng việc để xảy ra chậm tiến độ của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và làm đội vốn dự án. Theo Luật sư Nguyễn Chiến - ĐBQH khóa XIV: “Nếu suy luận như vậy, đối với nhiều dự án khác đang chậm tiến độ, đội vốn, như dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, thì liệu những người thực hiện có chịu kết cục thế này hay không?" là một những ví dụ về những bản án đã được định trước.
Những điều kể trên là hệ quả của một nền tư pháp thiếu tính độc lập, chịu sự chi phối của nhà nước độc đảng. Hơn thế nữa, trong một xã hội mà nền tư pháp bị "kim ngân phá luật lệ", khi chuyện "thằng kia nó đúng - (đút tiền nhiều) hơn mày" là phổ biến. Thì sự "oan ức" của Đinh La Thăng cũng là chuyện dễ hiểu.
Chỉ có trong các nền chính trị độc đoán mới có những chuyện bi hài như chúng ta thấy đang xảy ra ở Việt Nam trong những tháng gần đây. Nguyên nhân không có gì khác, trước hết là sự tê liệt của hệ thống kiểm soát và điều chỉnh quyền lực nhà nước ở mọi cấp độ.
Cách đây chưa lâu, những Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Nhôm không thể nghĩ rằng họ có một kết cục bi thảm như ngày hôm nay. Trước khi chưa bị lộ, các đồng chí Đinh La Thăng Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP HCM, đồng chí Nguyễn Xuân Anh Ủy viên TW đảng - Bí thư TP Đà Nẵng, đồng chí Trịnh Xuân Thanh - phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đồng chí Phan Văn Anh Vũ - thượng tá Công an được báo chí của bộ máy này tung hô không tiếc lời và những người này đã không ngừng thăng tiến lên những vị trí đầy quyền lực.
Vậy mà đến hôm nay, những kẻ đó chỉ chớp mắt những người hùng ấy hôm qua nay đã trở thành những kẻ cắp với tội danh tham nhũng. Chỉ trong một vụ án Trịnh Xuân Thanh đã nhận bản án chung thân, còn Đinh La Thăng nghị án 14-15 năm tù cho dù đã đã thành khẩn nhận tội. Riêng Nguyễn Xuân Anh và nhiều các đồng chí chưa bị lộ thì bây giờ chuyện cũng chưa hết, chắc chắn đến nước này khi Vũ Nhôm đã bị bắt thì chẳng còn gì để mất. Chắc chắn Vũ sẽ khai sạch đã chi cho những ai, chi bao nhiêu, chi như thế nào chắc chắn Phan Văn Anh Vũ có thừa bằng chứng và tài liệu. Và không chỉ Nguyễn Xuân Anh thôi đâu, mà sẽ là hàng lô, hàng lốc những ông Trời con ở Bộ Công An và Thành phố Đà Nẵng cũng sẽ rơi mặt nạ trong vụ việc này.
Đó là hệ quả của vũng lầy chính trị ở Việt Nam, nơi mà hầu hết các quan chức ngày hôm nay vẫn cao giọng đạo đức để răn dạy công chúng, nhưng thực chất tất cả bọn họ cũng chẳng sạch sẽ gì hơn Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh...
Khi mà ở đó ý chí của người đứng đầu bộ máy đảng đứng trên cả luật pháp, một khi những người này họ muốn thì tay chân của họ trong bộ máy nhà nước sẽ thực hiện bằng mọi giá. Việc giới chức Việt Nam sau khi đề nghị Chính phủ CHLB Đức không được, đã bất chấp luật pháp cho lật tung nước Đức để bắt cóc bằng được nghi can Trịnh Xuân Thanh về nước là một ví dụ. Song nó chưa bi hài bằng chuyện hành vi của Trịnh Xuân Thanh đã "tự nguyện" bỏ vợ bỏ con về nước đầu thú nhưng không được xem xét để giảm nhẹ tội. Mà lại (bit.ly/2COADKw) bị đề nghị tình tiết tăng nặng vì... không thành khẩn khai báo (!?).
Sau nữa cũng bởi cái thứ pháp quyền Xã hội Chủ Nghĩa mà đảng CSVN đang sử dụng để cai trị ở Việt Nam, khi mà Tổng BT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, ngày 28/09/2013 từng lớn tiếng khẳng định "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng". Nghĩa là ý đảng là trên hết, đảng đã muốn là đảng phải được.
Song nguy hiểm nhất là họ đã quên cái chất lượng của đảng CSVN, một đảng chính trị duy nhất có vai trò lãnh đạo đất nước, được Tiến sỹ Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã từng cảnh báo rằng, “Các tổ chức của đảng là tập hợp những củ khoai tây trong cái bao tải. Cắt cái dây một cái là nó bung ra mỗi củ khoai tây lăn một góc... Lợi ích phường hội, bè cánh trong Đảng là những u bướu ác tính, hay nói cách khác, là những cục nghẽn mạch, nếu không kịp thời chữa trị thì Đảng sẽ bị đột quỵ”. (bit.ly/2AkmSAj). Và điều dự báo của ông Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cách đây chưa lâu, hôm nay đã trở thành hiện thực.
Nói thế để thấy, nêu như hệ thống kiểm soát và điều chỉnh quyền lực nhà nước ở mọi cấp được coi trọng. Đảng CSVN và nhà nước biết tôn trọng luật pháp vốn là nền tảng của việc cai trị thì chắc chắn không có chuyện những cán bộ lãnh đạo mới hôm qua được tung hô như một vị anh hùng, một điểm sáng hay một nhân tố mới thì chỉ qua một đêm đã bị xộ khám với tội danh ăn cắp.
Một khi vấn đề đạo đức xã hội không dựa trên một chuẩn mực cụ thể của luật pháp, mà tùy hứng dựa theo ý chí của lãnh đạo cao nhất thì việc "sáng đúng, chiều sai và ngày mai lại đúng" để phong anh hùng cho những tên kẻ cắp là điều dễ hiểu. Chuyện cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng được ca ngợi là tấm gương chống tham nhũng, người từng được Tổng Bí thư điều ra trung ương chịu trách nhiệm về việc chống tham nhũng là một ví dụ. Khi những lùm xùm ở Đà Nẵng được bạch hóa thì người ta mới biết Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh là kẻ cầm đầu và tạo dựng ra đế chế tham nhũng tại thành phố lớn nhất miền Trung. Vậy mà trước đây ông Nguyễn Bá Thanh từng lớn tiếng rao giảng về chuyện chống tham nhũng, thậm chí là chuyện đạo đức
Ông Đinh La Thăng và đồng bọn có tội là chuyện không phải bàn cãi, nhưng các tội danh bị truy tố phải được xem xét đầy đủ trên cơ sở của luật pháp, chứ không thể xét xử theo lối những bản án đã được định sẵn theo chỉ đạo như chúng ta đang thấy. Điều đáng ngạc nhiên là, dẫu như vậy song ông Đinh La Thăng vẫn nói với luật sư của mình là vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự công tâm, xem xét của cơ quan điều tra, viện kiểm sát luận tội.
Ngày 15 tháng 01 năm 2018
© Kami
(Blog RFA)
NƯỚC MẮT ĐINH LA THĂNG
FB PHẠM VIẾT ĐÀO/ BVB 14-1-2018
Lần đầu tiên, đông đảo người dân được chứng kiến cảnh sụt sùi, nước mắt vắn dài của một quan chức cộng sản cao cấp khi bị đẩy ra trước vành móng ngựa: Ông Đinh La Thăng. Những giọt nước mắt của ông Đinh La Thăng trước tòa trong phiên xử 13/1/2018 khiến cho chúng ta nhớ tới một câu ngạn ngữ của phương Tây: Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ…
Đinh La Thăng, nguyên ủy viên BCT, nguyên Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh,nguyên Phó Ban Kinh tế TW, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam ( PVN), nguyên Phó bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế…một yếu nhân của Đảng.
Đinh La Thăng là loại can phạm VIP nhất trong hàng ngũ của Đảng từ trước đến nay bị buộc phải ra Tòa. Trước đây một số quan chức của Đảng từng phải hầu tòa như Bùi Quốc Huy, Trần Mai Hạnh…nhưng lại sụt sùi nhỏ giọt lệ đài trang thì đây là lần đầu tiên người dân được chứng kiến quan chức Đảng khóc…
Trước Đinh La Thăng có cụ Hồ khóc về những lầm lỗi của cải cách ruộng đất và ông Nguyễn Phú Trọng khóc vì không bắt được sâu !
Đinh La Thăng là lớp thanh niên được đào luyện trong nhà trường XHCN, tốt nghiệp được bố trí về công trường thủy điện Sông Đà làm kế toán; Do năng lực và khả năng tự thể hiện mình, tự thân vận động, Đinh La Thăng được bầu làm Bí thư đoàn của Tổng Công ty Sông Đà, và từ cái nôi này mà Đinh La Thăng vươn lên…
Từ trước đến nay, phong trào đoàn, cán bộ trưởng thành trong môi trường Đoàn TNCS được dùng làm nơi tôi luyện, được coi là nơi chọn cánh tay và đội hậu bị của Đảng. Đinh La Thăng coi là một nhân tố, một hạt giống nảy mầm đắc địa gặp thời, gặp vận, gặp chủ…như là những nhân tố để được trọng dụng, thi thố tài năng…
Có một nguồn tin lan trên mạng rất lâu, người viết chưa có dịp kiểm chứng: Đinh La Thăng có một chỗ dựa quan trọng; vợ Đinh La Thăng là em vợ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng…
Thế nhưng qua phiên tòa hôm qua, qua những lời tự bào chữa và qua 2 lần sụt sùi trước tòa dư luận thấy chất nam nhi, quân tử, đại ca của Thăng đã tiêu tán nhanh chóng. Dân gian vẫn có câu: Có gan ăn muống, có gan lội hồ; Có gan ăn trộm, có gan chịu đòn; Dám làm dám chịu trách nhiệm và trả giá cho trách nhiệm mà mình gánh vác, gây ra…
Trước Tòa, Thăng đã hiện nguyên hình là kẻ “miệng hùm gan sứa”, đã nhỏ những “giọt lệ đài trang” khi thấy án tù đã sát nách. Những giọt nước mặt sụt sùi của 1 cán bộ cao cấp của Đảng, được Đảng tin tưởng, đào luyện, dìu dắt và trưởng thành nhanh làm cho chúng ta không thể không liên tưởng tới khí tiết của những đảng viên CS tiền bối như Nguyễn Lương Bằng, Phạm Hùng, Xuân Thủy, Trần Hữu Dực, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Trần Độ…
Rất nhiều người vẫn còn nhớ những câu thơ đầy khí tiết của Hoàng Văn Thụ: Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành; Một Phạm Hùng với những dòng hồi ức viết trong xà lim án chém kể về hình ảnh cuối cùng của Hoàng Văn Thụ hiên ngang, bình thản khi bị giải ra pháp trường: “Chúng tôi dán mắt vào khe cửa nhìn theo dáng gày gò mảnh khảnh của anh Thụ: Các anh ở lại, tôi đi…Thế là anh Thụ phải đi rồi…”
Một Xuân Thủy viết nên những câu thơ hào sảng khi bị giam trong nhà giam đế quốc: “ Này này đế quốc biết hay chăng; Người đã già nua ta trẻ măng”… Một Trần Hữu Dực luôn ở tư thế: “Bước trên đầu thù” mặc dù bị cùm chân, cùm tay, ăn ỉa một chỗ…
Còn Trần Độ, là người dám đứng ra bốc cứt ăn trước lời thách của cai ngục Sơn La...
Còn Đảng cộng sản với một khách VIP mới bị giam chưa đầy một tháng mà nước mắt đã nhạt nhòa, vắn dài khi đứng trước tòa tự bào chữa cho những hành vi tự mình vi phạm pháp luật.
Đây là những giọt nước mắt theo người viết bài này khó tin là chân thành mà đây vẫn là hành vi đóng kịch, chạy tội. Bởi cái nước mắt nhạt nhòa vắn dài của Thăng không do sự ân hận về những hậu quả nghiêm trọng do hành vi cố ý của mình gây ra mà chẳng qua do anh ta cảm thấy khổ nhục vì cảnh tù tội chưa từng phải chịu đựng…
Để lấy được lòng thương cảm của Đảng và những ai nhẹ dạ cả tin: Đinh La Thăng đã kể về cảnh phòng giam 3-4 người chung nhau trong phòng khoảng 7 m2; Một phòng giam chuẩn theo chế độ tù hiện nay…
Người viết bài này, từng ở phòng giam như thế. Đó là loại phòng giam ánh sáng được giảm thiểu tối đa, chỉ để tù nhìn nhận ra mặt nhau, đọc viết một cái gì là hơi khó. Phòng được bố trí 2 giường, thực chất là 2 bệ xi măng rộng 0,8 m dài quãng 2,4; ở giữa là lối đi. Điều Thăng đã thuật lại chuyện này trước Tòa là xác thực. Kế bên 2 cái giường, dân tù quen gọi là “ cái mà” một bên là bể nước chứa được 40-50 cm3 nước; còn bên kia lái cái hố xí xổm…
Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Nguyễn Hữu Vinh, Mẹ Nấm, Cù Huy Hà Vũ, Trần Thị Nga, Hải Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức, Bọ Lập…đều đã trải nghiệm loại tiện nghi đó, nhưng ra Tòa không một ai khóc thân vì chuyện đó cả…
Thăng khóc bởi Thăng từng sống cuộc sống vương giả, giờ đây phải nằm co ro, tắm rửa bằng nước lạnh trong cái tiết trời 10 độ chắc bắt đầu ngấm và hiểu được kiếp nhân sinh của cảnh tù tội…Còn khó tin nước mắt của Thăng do sự ân hận, khóc cho những hậu quả của hành vi cố ý làm trái do mình gây ra.
Trước Tòa Thăng khéo léo tự bào chữa rằng cái sự cố ý làm trái pháp luật của mình là do nóng vội, là do cái tính quyết liệt, ham công tiếc việc phổi bò do cha sinh mẹ đẻ của mình gây ra.
Thăng lờ đi cái chuyện cái tính quyết đoán, độc đoán, gia trưởng của mình đã gây tai họa cho hàng loạt cấp dưới, trên dưới vài chục người phải vào tù vì làm theo lệnh Thăng. Và trước đây nếu không nghe Thăng, chống Thăng coi chừng phải đi ăn mày. Một thuộc cấp của Thăng đã khai trước Tòa rằng từng bị Thăng dọa: Không làm thì biến đi…Những Nguyễn Quốc Khánh, Phùng Đăng Thực chắc chắn giờ này cũng đang cắn răng chịu đựng vì bị Thăng kéo vô tù cùng cả dây.
Có điều hệ lụy của cái hành vi cố ý làm trái của Thăng cùng với hậu quả nhãn tiền gây ra cho nhà nước, cho nhân dân phải gánh chịu; Điều này Thăng làm tìm cách lờ đi, né tránh?
Đó là việc chọn PVC một nhà thầu không đủ năng lực, đang đứng bên bờ vực của sự phá sản, nợ nần, đứng đầu là Trịnh Xuân Thanh một kẻ với trình độ viết chữ Việt còn lỗi chính tả đầm đìa; nghĩa là chưa thoát nạn mũ chữ; bằng đại học thì dư luận cho là bằng chạy, bằng mua; đứng ra chỉ huy thi công một dự án nhà máy nhiệt điện với dự toán ban đầu 1,7 tỷ USD.
Hiện tại giá của dự án đã vượt qua số liệu ban đầu này vì thời gian kéo dài thêm 4 năm may ra mới hoàn thành ? Dự án khởi công 2011, dự kiến hoàn thành 2014 nhưng đến cuối năm 2017 mới hoàn thành được 80 % công việc xây lắp. Đó là những thông tin được các bị cáo khai trước tòa.
Đinh La Thăng khai trước Tòa là PVC đã từng liên doanh với LILAMA lắp đặt một công trình nhiệt điện đã giảm giá thành 100 triệu USD nên mạnh dạn đứng ra nhận thầu một mình. Đó là do liên doanh với một đơn vị có năng lực và có kinh nghiệm. Liệu cái nhà máy điện Thái Bình 2 này do PVC đứng ra xây lắp khi hoàn thành có phát ra điện, phải đắp chiếu, sản sinh một thứ điện với giá trên trời do phải chữa lên, chữa xuống như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự toán ban đầu dưới 2 tỷ USD, sau đội lên trên 3 tỷ USD?
Những giọt nước mắt của Đinh La Thăng liệu có khóc than cho những hành vi liều lĩnh sử dụng đồng tiền thuế của dân hay do phải tắm nước lạnh, nằm bục xi măng trong mùa đông buốt giá...
Khi xưa, các chiến sĩ cách mạng tiền bối, vì quyền lợi dân tộc họ đã coi mạng sống của mình nhẹ tựa lông hồng; Còn ngày nay những quan chức VIP của Đảng như Đinh La Thăng lại coi sinh mạng của mình đáng giá hơn tiền thuế cả tỷ USD của dân; Lại sợ làm “ma tù”…Tại sao Thăng lại không sợ điều này khi đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN ?
Còn nhớ, trong cái hội nghị TW kiểm điểm về việc thực hiện nghị quyết TW 4, trong khi trên bục ông Nguyễn Phú Trọng gạt lệ vì đã phải lùi trước những con sâu, con mối đang đục khoét ngân khố quốc gia; Phía dưới ống kính VTV1 chộp hình ảnh Đinh La Thăng ngồi đắc chí rung đùi. Hình ảnh này hiện đã bị VTV1 cắt. Đúng là cười người chưa vội cười lâu…
Thời Tam Quốc khi bình định xong Tây Xuyên, Gia Cát lượng đã đặt ra những luật lệ trị nước, binh pháp hơi nặng. "Pháp Chính can rằng: Ngày xưa Hán Cao tổ cai trị xứ này, chỉ đặt ra 3 điều nhân dân đều cảm phục. Xin quân sư phải rộng hình nhẹ luật để yên lòng dân.
Gia Cát Lượng đã giải thích:Ngươi chỉ biết một mà không biết hai. Nhà Tần dùng pháp luật dữ dội quá muôn dân cũng oán cho nên Cao tổ dùng phép rộng rãi để được lòng dân. Nay Lưu Chương.nhu nhược chính lệnh không được nghiêm minh thể thống dần dần suy tàn; chiều chuộng cho người dân cho ngôi chức cho vinh ngôi cao quá thì sinh hỗn yêu người ta ân tình cho thiết ân đằm thắm quá thì sinh nhờn bởi thế nên thế sự nát bét.Ta nay trên dưới có phép tắc có phép tắc rồi mới ban ơn,; tước lộc có hạn, có ngữ có hạn ngữ rối mới có vinh. Ân uy gần đủ trên dưới có bậc đạo trị dân như thế là rõ ràng
Pháp Chính chịu là lẽ phải. Từ đó, quân dân yên ổn, chia binh ra bốn mươi châu, đâu đấy đều an cư lạc nghiệp"...( Tam Quốc hồi 65)
Về chính sách hà khắc của Gia Cát Lượng, Mao Tôn Cương bình:" Xưa thầy Tử Sản có nói:" Nước mát dịu dàng, người ta coi thường đùa giỡn với nước nên nhiều kẻ sĩ chết đuối. Lửa nóng bỏng, ai thấy cũng sợ, nên ít người bị chết chay. Khổng Minh dùng chính sách khắc khổ ở nước Thục, phải chăng đã nghĩ tới quan niệm ấy? Hình pháp mà không nghiêm minh, bê tha khiến dân chúng không còn ai sợ nữa, đó chính là đã đưa dân vào vòng nguy hiểm. Còn hình pháp tuy khắt khe, nhưng thi hành đúng đắn, để cho dân chúng tìm lánh, lánh dữ, đó là đang giúp dân chúng tránh khỏi tội"...
Để xem TBT Nguyễn Phú Trọng xử lý Đinh La Thăng thế nào đây khi mà ông từng tuyên bố: Trị một người để cứu muôn người !
Phạm Viết Đào/(FB Phạm Viết Đào)
'THẰNG' CƠ CHẾ
BÙI VĂN BỒNG/ BVB 14-1-2018
Vụ đại án động trời đang xét xử  Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh   hiện nay, có những bị cáo đổ lỗi tại Cơ chế!
Cơ chế là “thằng” nào mà có tác dụng ghê gớm như vậy? Tội trạng, mức độ vi phạm pháp luật, vi phạm đường lối, chính sách của đảng, vi pham pháp luật Nhà nước dù cho cỡ nào, bí quá, đổ tại cơ chế, coi như xong, êm xuội! Không có một Tòa án nào có thể lôi “thằng” cơ chế ra hầu tòa. Cơ chế do con người đẻ ra, là hiện hữu, nhưng cũng rất trừu tượng, chung chung, nói cách gì cũng được. Con người đẻ ra cơ chế, lại dùng ngay cơ chế để vụ lợi, chạy tội, bỏ qua pháp luật…
Cơ chế là gì? Ta vẫn thường nghe các cụm từ "đi xin cho X một cơ chế?", "cơ chế xin cho", “cơ chế giải quyết chính sách”, “cơ chế cho nhân sự”…
Từ "cơ chế" là chuyển ngữ của từ mécanisme của phương Tây. Từ điển Le Petit Larousse (1999) giảng nghĩa "mécanisme" là "cách thức hoạt động của một tập hợp các yếu tố phụ thuộc vào nhau" (có thể "Tập thể lãnh đạo" cũng đồng hành với định nghĩa này?!). Còn Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học 1996) giảng nghĩa cơ chế là "cách thức theo đó một quá trình thực hiện". Cách giải thích của Từ điển Tiếng Việt như vậy rất chung chung, lấy khái niệm giải thích cho khái niệm, chưa thể gọi là chuẩn xác.
Không rõ từ “cơ chế” bắt đầu được dùng ở nước ta tự bao giờ, nhưng có thể khẳng định rằng nó được dùng trước tiên và từ lâu trong ngành y. Các thầy thuốc thường nói đến cơ chế gây bệnh và cơ chế tác dụng của thuốc.  Và khi người ta đã nhận biết được những cơ chế ấy, có nghĩa là đã giải thích được bệnh và phương pháp chữa bệnh có cơ sở khoa học. Cơ chế (nguyên nhân) gây bệnh, tiến trình biến chứng, phát tán, ... cùng gọi chung là cơ chế gây bệnh.
Nếu chưa nhận biết được thì việc chẩn đoán và điều trị vẫn chỉ là theo triệu chứng, theo kinh nghiệm mà thôi. Điều đáng lưu ý là cả cách dùng trong ngành y, cả định nghĩa trong từ điển, đều cho thấy “cơ chế” được dùng với hàm ý chỉ hiện tượng ở trạng thái động chứ không phải ở trạng thái tĩnh. Cho nên hiểu cơ chế chỉ là các chủ trương, qui định quản lý, điều hành là hiểu theo trạng thái tĩnh, chưa thấu triệt hết tính chất động của hiện tượng.
Từ "cơ chế" được dùng rộng rãi trong lĩnh vực chính trị-kinh tế, quản lý xã hội từ khoảng cuối những năm 1970, khi chúng ta bắt đầu chú ý nghiên cứu về quản lý và cải tiến quản lý kinh tế, với nghĩa như là những qui định về quản lý. Cách hiểu đơn giản này dẫn tới cách hiểu tách rời cơ chế với con người như nêu trên.
Việc tiến hành công việc theo "Cơ chế xin-cho" có thể được hiểu trong xã hội hiện nay theo 1 cách như sau: Trong mọi ban ngành đều có các chỉ tiêu, nguồn vốn do Nhà nước giao hàng năm theo kế hoạch và cơ quan chủ quản có quyền quyết định đơn vị nào sẽ được thực hiện. Nhưng để giành được các chỉ tiêu, nguồn vốn đó thì đơn vị thực hiện cần phải đề đạt mong muốn của mình và có một số hoạt động sao cho đáp ứng được yêu cầu của Cơ quan Chủ quản. Trong quá trình thực hiện, cả hai bên đều phải nỗ lực vì các chỉ tiêu, nguồn vốn đều có thời hạn xác định và nếu không kịp thì sẽ không thực hiện được và nhất là nguồn vốn Nhà nước sẽ không kịp giải ngân được.
Có lẽ cái "cơ chế xin-cho" phải được hiểu theo một cách khác, vì nếu nó có giá trị tích cực như vậy, sao nhiều cơ quan, đơn vị yêu cầu phải xóa bỏ "cơ chế xin-cho"? 
Cơ chế xin-cho được mang nghĩa tích cực hay tiêu cực, tùy thuộc vào trong quá trình con người thực hiện, những "hoạt động" và "yêu cầu" đặt ra như đã nói ở trên là tích cực hay tiêu cực.
Riêng trong lĩnh vực quản lý, có các loại cơ chế sau đây, xin liệt kê để khi ai đó viết bài cơ chế đỡ mất công tìm: cơ chế hiện đại; cơ chế lạc hậu; cơ chế cũ; cơ chế mới; cơ chế một cửa; cơ chế đúng; cơ chế sai; cơ chế vay trả; cơ chế xin cho; cơ chế thoáng; cơ chế mở; cơ chế cải cách, cơ chế phù hợp, cơ chế không phù hợp...
Bàn về cơ chế quản lý như là một hiện tượng đang chuyển động, không thể không nói tới những con người hoạt động trong đó như là những chi tiết không thể thiếu của bộ máy quản lý. Con người nằm trong cơ chế, tham gia vào sự vận hành của cơ chế, bị cơ chế điều khiển, chứ không nằm ngoài cơ chế và điều khiển cơ chế. Quan hệ giữa cơ chế với con người là quan hệ giữa cục bộ với toàn bộ. Cho nên nó không chỉ bao gồm những qui định về cách thức vận hành, mà còn bao gồm cả con người hoạt động theo những cách thức đã được định sẵn trong thiết kế cơ chế. Và chính những hành động của tất cả chi tiết con người như thế tạo nên cơ chế như là một bộ máy quản lý đang vận hành.
Cần nhấn mạnh rằng cơ chế phải và chỉ có thể vận hành theo những cách thức định sẵn, trong đó mỗi chi tiết phải đóng được vai trò của mình. Chỉ cần một chi tiết hư mòn hay kém chất lượng, sự vận hành của cơ chế sẽ lập tức trục trặc. Cho nên cơ chế tự nó có khả năng phát hiện và đòi hỏi loại trừ những chi tiết, ở đây là những con người không phù hợp với nó.
Theo tác giả Lê Văn Tứ (Tuổi trẻ): Cơ chế phân bổ quota hàng dệt may đã không đạt được tới mức như thế nên mới có vụ Mai Thanh Hải. Cho nên không thể qui vụ này chỉ là do có người xấu, mà phải thấy ngược lại, chính là do cơ chế có khiếm khuyết. Nếu cơ chế tốt thì dù có Mai Thanh Hải là chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu, y cũng không dám làm và không thể làm. Và nếu y cả gan làm thì cũng sẽ bị cơ chế phát hiện và thải loại, vụ việc không thể xảy ra. Còn nếu cứ theo cơ chế hiện hành thì dù không có Mai Thanh Hải đang bị tạm giam hiện nay, cũng sẽ có một hay những Mai Thanh Hải khác. Người ta bàn nhiều về tính không minh bạch, không công khai của cơ chế phân bổ quota hiện nay. Vì vậy kết quả phân bổ không phụ thuộc vào cơ chế, mà phụ thuộc vào người làm việc phân bổ. Phải chăng chính vì thế mà tiêu cực đã xảy ra, và còn có thể tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi khác.
Có người lý luận rằng trong quan hệ giữa cơ chế với con người, con người là yếu tố quyết định vì cơ chế do con người tạo ra. Ở đây có sự lẫn lộn giữa người tạo ra cơ chế và đứng ngoài cơ chế với người thực hiện nằm trong cơ chế như là một bộ phận của cơ chế. Cơ chế đúng là do con người tạo ra, nhưng người đó không phải là ông vụ phó Lê Văn Thắng hay ông chuyên viên Mai Thanh Hải, mà là những người thiết kế ra cơ chế và giám sát nó vận hành. Xét cho cùng trách nhiệm phải qui về đó.
Đến đây có thể gút lại câu chuyện như sau: Cơ chế phân bổ quota khiếm khuyết đã khuyến khích và tạo điều kiện khách quan cho Mai Thanh Hải và đồng bọn tiêu cực. Đó là lỗi về cơ chế. Tất nhiên nếu Mai Thanh Hải là người liêm chính thì tiêu cực có thể không xảy ra, song đó là trường hợp may mắn, mà quản lý thì không thể dựa vào may rủi được. Đến lượt mình, cơ chế không tốt là do người thiết kế cơ chế yếu kém hoặc cũng không tốt nốt. Đó mới là lỗi về con người. Câu chuyện đã đi tới cội nguồn của nó…
Một ví dụ khác: Trên thực tế, cam kết trong WTO về doanh nghiệp nhà nước ghi rõ: Chính phủ Việt Nam không tác động trực tiếp hay gián tiếp tới các quyết định thương mại của doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước kiểm soát, hay doanh nghiệp được hưởng độc quyền. 
Cho đến gần đây, quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước được thực hiện bởi các bộ, các ủy ban tỉnh, và hội đồng quản trị các tổng công ty. Cơ chế này, đã dẫn đến tình trạng các quyết định đầu tư vốn ở doanh nghiệp do nhiều cấp thực hiện (bộ, ngành, địa phương, tổng công ty) theo kiểu phong trào.Việc giao vốn, cấp vốn trực tiếp từ ngân sách hoặc cho vay ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước mang tính hành chính, bao cấp nên hiệu quả đầu tư chưa cao.Việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp còn rất “lỏng lẻo” vì trách nhiệm của cơ quan quản lý và doanh nghiệp được nhà nước đầu tư vốn không rõ ràng.
“Cơ chế chủ quản” đối với các doanh nghiệp như hiện nay là không phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và Luật doanh nghiệp đòi hỏi. Do đó phải có biện pháp kiên quyết xoá bỏ sự can thiệp trực tiếp của cơ chế này nhằm nâng cao hiệu quả tạo môi trường, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện nay, Đảng ta đã thể hiện rõ chí quyết vạch ra từ những đại hội các khóa trước. Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 ( khóa XI) chiều ngày 15-10-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhân mạnh: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nhiều khoá nay có một số khuyết điểm lớn, đặc biệt là chưa ngăn chặn và khắc phục được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Việc một số cán bộ cao cấp (cả đương chức và nguyên chức) có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân các đồng chí đó. Chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ thực chất tình hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết khắc phục một số tiêu cực (như chạy chức, chạy quyền, chạy tội...) và một số trường hợp phân công, đề bạt cán bộ chưa chính xác, chưa được dư luận đồng tình. Trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết và kết luận của Trung ương, nhất là về doanh nghiệp nhà nước, còn lúng túng, buông lỏng; kiểm tra, giám sát không chặt chẽ, dẫn đến một số tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước (điển hình là Vinashin, Vinalines) hoạt động kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất lớn, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Một số hạn chế, khuyết điểm, chưa được làm rõ thực chất, mức độ, địa chỉ cụ thể, ai phải chịu trách nhiệm, như tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm”…
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu.
Có một điều gây bức xúc từ lâu: Người ta cho rằng đã thành cơ chế thì không thể hoặc rất khó thay đổi. Do hiểu vậy, người ta coi cơ chế  như   một   “hằng đẳng thức”, không mấy ai dám sáng tạo trong thực thi và vận dụng, không mấy ai dám bỏ hoặc thay nó bằng một cách thức khác, hoặc bỏ đi, hoặc chuyển đổi cho phù hợp thực tế. Cho nên, “thằng” cơ chế cứ nghiễm nhiên tồn tại, thành bức bình phong cho những ai chỉ nhăm nhe tìm cớ áp dụng nó, đổ lỗi tài "cơ chế", coi cơ chế là "thần độ mạng", "đấng cứu tinh", nhằm vơ lợi cho cá nhân, phe nhóm, thậm chí cho cả ‘hệ thống lợi ích’ của các tầng, hệ quan chức!
BVB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét