Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

20180116. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ 'DẸP VỈA HÈ'

ĐIỂM BÁO MẠNG
VÌ SAO ÔNG ĐOÀN NGỌC HẢI THẤT BẠI TRONG 'CUỘC CHIẾN' DẸP VỈA HÈ ?

PHẠM LAN PHƯƠNG/ Zing 14-1-2018

Vi sao ong Doan Ngoc Hai that bai trong 'cuoc chien' dep via he? hinh anh 9

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Phạm Lan Phương (Khải Đơn), cây viết ở TP.HCM từng có thời gian làm việc tại Tuổi Trẻ, Yahoo Việt Nam, Thanh Niên và BBC. Lan Phương từng xuất bản một số cuốn sách như “Sài Gòn – Thị thành hoang dại”, “Đừng tháo xuống nụ cười”. 
Trong đơn từ chức ngày 8/1, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM), viết: "Nhìn lại, tôi thấy mình không thực hiện được lời hứa trước nhân dân và kỳ vọng của đồng chí lão thành cách mạng là sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này. Vì vậy, tôi xin từ chức".
Nhớ lại lúc ông Hải khởi xướng chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, phong trào này đã lan ra cả nước. Chiến dịch dẹp vỉa hè lan đến tận những đường làng miền Bắc, nơi không có vỉa hè để mà dọn, nhưng họ cứ "giành lại vỉa hè" bằng cách chặt hạ những hàng cây xanh vô tội ven đường.
Trong khi đó, ở Sài Gòn, hành động của ông Hải được rất nhiều người dân ủng hộ với khát vọng “biến TP.HCM thành Singapore”.
Tan rồi giấc mộng Singapore
Ở Sài Gòn, nơi đang có khao khát mãnh liệt… giống Singapore, người dân đổ lỗi hàng rong làm tắc nghẽn đường, kẹt xe, bẩn thỉu, đẩy người đi đường xuống lề đường, nên đa số thấy hành động ông Hải làm là đúng. 
Ông xuất hiện với cần cẩu, lực lượng đô thị, sẵn sàng đập phá những đoạn vỉa hè và đẩy người bán hàng rong khỏi các vị trí “cố thủ” nhiều năm của họ.
Lý do tôi cho rằng việc này không đúng là vì nó hoàn toàn được nhìn từ góc độ làm thỏa mãn những người dân có việc làm trong văn phòng, có nơi kiếm sống ổn định và cảm thấy khó chịu vì sinh cảnh của họ bị đe dọa.
Nó không hề nhìn từ góc độ rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam ra sao (tỷ lệ này ở Việt Nam trong quý II/2017 là 2,05%, tương đương 1,12 triệu người), tỷ lệ người lao động từ nông thôn đổ về đô thị thế nào và bao nhiêu người đang sống dựa trên sinh kế vỉa hè.
Cần nói rõ, nhóm người này cũng là công dân và họ xứng đáng được đưa vào sự xem xét chung để có cuộc sống tốt hơn, chứ không phải chỉ nằng nặc “giành lại” vỉa hè từ tay họ mới là đúng.
Khi thực hiện chiến dịch lập trật tự vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải dường như không hề tính đến các vấn đề xã hội khác đi kèm với vỉa hè như: Các lực lượng nào đang chiếm vỉa hè chính? Số người sống dựa vào vỉa hè ra sao, và họ vẫn bất chấp quay lại bán buôn vì lý do gì? Sau khi dẹp xong... thì sao nữa? Nhóm thất nghiệp này sẽ đi về đâu?
Vậy hành động "lập trật tự" này có tiếp cận từ cái nhìn muốn thực sự chỉnh trang lại đô thị văn minh hay không? Không hề, nó diễn ra một cách vội vã, lộn xộn sau hai tháng đập phá om sòm, nhằm biến các tuyên ngôn của ông thành hiện thực một cách đầy cưỡng bức.Tôi nói điều này vì chiến dịch vỉa hè của ông Hải tiến hành từ tháng 1 đến tháng 10/2017, nhưng mãi đến tháng 3/2017, báo chí mới cho biết TP.HCM vừa giao “Viện Nghiên cứu phát triển TP phối hợp với Sở GTVT và UBND quận, huyện hoàn thành đề án quy hoạch các khu vực được phép kinh doanh buôn bán trên vỉa hè…”.

Ngoài ra, hành động đột ngột xuất hiện, đập phá tài sản, thu giữ tủ kính, tài sản, hàng hoá, phần xây dựng của các chủ cơ sở kinh doanh, các gia đình... đã được thực hiện theo đúng quy định hay chưa?
Ông Đoàn Ngọc Hải là Phó chủ tịch quận 1, có lẽ ông rõ ràng hơn ai cả về những hành động vượt qua tất cả các quy tắc thông thường và gây tổn hại đến tài sản của người dân, dù là một món đồ để sai phép của người bán hàng rong hay các tài sản của doanh nghiệp đang vi phạm trên vỉa hè.
Dùng sự bất chấp pháp luật để chống lại sai phạm của người dân không phải là cách hành động hợp lý của người thực thi công quyền.
Trong chiến dịch thiết lập trật tự vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải không mang gương mặt của một chính quyền muốn hành xử văn minh, mà nó thể hiện hành vi của một người quản lý dân túy. Điều này làm hài lòng một nhóm người mừng rỡ vì có nhà ở an ổn và vui lòng vì hàng rong nên được dẹp đi cho đẹp mắt trước sân nhà họ.
Ngoài ra, một lượng lớn vỉa hè tại TP.HCM không hề do người hàng rong chiếm, mà chính các tòa nhà, công ty, quán cà phê, quán nhậu, vũ trường…
Mười người bán hàng rong có thể ngồi ở một góc hồ Con Rùa (quận 1) và lấn chiếm một đoạn vỉa hè.
Trong khi đó, một quán cà phê ở đường bên kia của hồ Con Rùa chiếm sạch một quãng vỉa hè để đậu xe. Tôi không chắc ai mới là kẻ đang đẩy người dân xuống lòng đường để gặp nguy hiểm khi đi bộ, người bán hàng rong hay những tòa nhà và các thế lực sử dụng vỉa hè kia?
Singapore đã làm gì với vỉa hè ?
Vì các lãnh đạo và cả người dân Sài Gòn đều coi Singapore là tấm gương đối với TP.HCM, nên trong bài viết này, khi nói về chiến dịch của ông Đoàn Ngọc Hải, tôi sẽ chọn trường hợp Singapore làm điển hình so sánh.
Trong một "fact sheet" của Hội đồng lập pháp Hong Kong về lịch sử của hàng rong ở Singapore, thành phố này có tỷ lệ thất nghiệp cao trong thập niên 1950-1960, dẫn đến việc nhiều người cần phải ra đường bán hàng rong mưu sinh.
Hàng rong đem đến hàng hóa rẻ, đồ ăn, trái cây, đồ tươi, hàng sinh hoạt, báo chí, nhu yếu phẩm. Giá mềm và thò chân đi xuống là mua được. Đi kèm hàng rong là các nguy cơ như mất vệ sinh, lây lan các bệnh về thực phẩm, vệ sinh, sức khỏe công cộng, nơi bùng phát dịch tả và bệnh thương hàn, là nơi dung chứa các loại như muỗi, bọ...
Cũng giống Việt Nam, nó làm tắc đường và lấn chiếm vỉa hè. Đây cũng chính là lý do khiến người dân đang bực mình vì hàng rong ở Sài Gòn. Vì vậy họ một mực ủng hộ ông Hải trong chiến dịch dẹp vỉa hè. Họ muốn có lại vỉa hè, có lại sự sạch sẽ khi hàng rong chưa xuất hiện. 
Ở giai đoạn này, chính quyền Singapore cũng làm những vụ bắt bớ, thu giữ đồ đạc của người hàng rong, phá hỏng và đập đồ của họ. Cùng với đó là chế độ cấp giấy phép, nhưng chỉ có 1/3 số người bán hàng rong đăng ký giấy phép này. 

Vi sao ong Doan Ngoc Hai that bai trong 'cuoc chien' dep via he? hinh anh 7
Chính sách của chính quyền Singapore khi ấy không được công chúng ủng hộ vì rất nhiều người dân thông cảm với những người nghèo đang phải mưu sinh trên đường.
Con cái của các tiệm hàng rong cũng tham gia vào việc nấu ăn, bán hàng. Hàng rong trở thành mưu sinh của rất nhiều người và cả gia đình, mà việc loại bỏ họ là điều không thể. 

Nhà nghiên cứu Azhar Ghani viết: “Trò chơi mèo vờn chuột liên tục này giữa những người bán hàng rong và chính quyền làm sinh ra nhiều vấn đề khác, như người bán hàng rong sẽ hối lộ cảnh sát hay trả tiền bảo kê cho các băng nhóm và thế giới ngầm để thoát khỏi các cuộc trấn áp quy mô và bắt bớ lớn.” 
Từ năm 1968-1969, chính phủ Singapore tiến hành một đợt đăng ký lớn, làm bước đầu tiên để hợp pháp hóa hàng rong. 18.000 xe hàng rong đã được đăng ký trong giai đoạn này.
Sau đó, người bán hàng rong được yêu cầu dời vào những vỉa hè ít đông đúc hơn, đứng bán ở làn xe trong, hoặc trong bãi gửi xe vào các giờ quy định. Lúc này, các đợt trấn áp song song tiếp tục bắt giữ các xe hàng rong bán không đăng ký. 
Tái định cư hàng rong
Sau khi đăng ký, việc thiết lập nơi nào cho người bán hàng rong là một vấn đề. Người bán hàng rong không muốn bị đẩy tới những khu xa xôi, không có khách hàng. Họ muốn bán ở nơi họ đã bắt đầu tụ lại buôn bán, nơi khách tiện đường ghé qua đông, và có những người mua hàng đã quen nhiều năm.
Ban Phát triển và nhà ở (HDB) Singapore cho rằng tái định cư những người bán hàng rong này phải gần các nơi bán hàng ban đầu của họ. Khi đó, các tòa nhà mới được xây, HDB sẽ xây luôn chợ và khu hàng rong gần đó trong tổ hợp tòa nhà.
Khi các tòa nhà bắt đầu có người ở, hàng rong cũng có thể vào bán. Quá trình này diễn ra từ năm 1974-1979 và 54 trung tâm bán hàng rong được xây trong vòng 9 năm ở Singapore. 
Ông Lý Quang Diệu nói về cuộc “tái định cư hàng rong” này sau thành công: “Trong nhiều năm, chúng ta đã không thể làm sạch thành phố bằng cách loại bỏ những xe hàng rong trái luật và taxi dù. Chỉ sau năm 1971, khi chúng ta đã tạo ra nhiều việc làm, chúng ta mới có thể áp dụng luật pháp và giành lại đường phố".
"Chúng ta cấp giấy phép cho thực phẩm bán trên đường phố, di dời họ khỏi đường và vỉa hè, đưa họ đến những trung tâm hàng rong được xây dựng đúng mực gần đó, với nước máy, cống thải và nơi bỏ rác. Vào đầu thập niên 1980, chúng ta đã tái định cư lại toàn bộ người bán hàng rong", ông Lý mô tả. 
Ngày nay, Singapore có 107 trung tâm bán hàng rong, với 15.000 quầy hàng. Các quầy hàng này đều gần các khu nhà ở hoặc các nút giao thông lớn. Cần chú ý, nhà lãnh đạo Singapore nhấn mạnh tới việc tạo việc làm, cấp giấy phép, đưa người bán hàng tới nơi quy hoạch, sau đó mới là trấn áp.
Toàn bộ quy trình trên diễn ra từ thập niên 1950 đến 1980, tức là khoảng 30 năm tròn giữa nghiên cứu, thỏa thuận, cân đong chính sách, giáo dục người bán hàng rong - tầng lớp nghèo khó của Singapore.
Tìm hiểu về số miệng ăn trong gia đình họ, lao động trẻ em trong nhà, các nghiên cứu trong thập niên 1970 chỉ ra chỉ có 12% người bán hàng rong thuê người phụ việc bên ngoài, còn lại là toàn gia đình làm việc để mưu sinh. Do đó một chính sách hàng rong sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ gia đình và trẻ con.
Những người mở chiến dịch trấn áp giống ông Hải ở Singapore đã thất bại từ thập niên 1950. Họ buộc phải nhìn lại mọi thứ nghiêm túc hơn và thực hiện chậm rãi hơn để chính sách thực sự có gương mặt con người và giữ gìn được trật tự một thời gian dài sau đó.
Bài học của Bangkok
Tại Thái Lan, vào năm 2013, có 20.000 quầy hàng rong đăng ký và đóng tiền hàng tháng cho chính quyền Bangkok dọn dẹp vệ sinh và duy tu các con đường có hàng rong.
Chính quyền cũng quy định giờ bán hàng rong. Các con đường Ratchadamri hoặc Tha Phrachan được yêu cầu dọn dẹp để có lối cho người đi bộ đi từ 17-19h. Ratchadamri là đường ở trung tâm, rất nổi tiếng với du khách và có đông sinh viên ở khu vực này qua lại.
Nếu ai đến Bangkok nhiều sẽ biết hàng tuần vào thứ 2, các quầy bán hàng rong ngon sẽ nghỉ. Năm 2013, chính quyền Bangkok quy định thứ 2 là ngày dọn dẹp đường và làm vệ sinh nên người bán hàng rong phải nghỉ.
Sự hợp lý này trong thời gian dài đã giúp Bangkok nổi tiếng về các chợ quà vặt, hàng rong và thức ăn đặc sản có thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khiến du khách an tâm.
Người bán hàng rong có vị trí đổ rác, lấy nước sạch, nơi thoát thải... và chính quyền Bangkok có thể kiểm tra, bắt giữ rất nhanh những xe hàng sai phạm về an toàn thực phẩm.
Vỉa hè trở thành một ngành kinh tế quan trọng đi kèm với du lịch, đặc biệt là ở Bangkok, nơi phần lớn là du lịch mua sắm và "nightlife".


Vi sao ong Doan Ngoc Hai that bai trong 'cuoc chien' dep via he? hinh anh 11

Quay trở lại yếu tố bán ở đâu, tại sao Singapore coi chuyện “bán hàng ở đâu” là quan trọng với người hàng rong?Sau khủng hoảng kinh tế năm 1997, một tầng lớp có học thức phải nghỉ việc vì khủng hoảng đã “xuống đường” buôn bán và tạo hình thành gương mặt đa dạng, thú vị của hàng rong vỉa hè Bangkok ngày nay. 

Người bán hàng rong muốn bán ở các nơi quen thuộc, thường là trung tâm, nơi họ có đông khách quen, nhiều người qua lại, và họ sẽ dễ dàng chống lại lệnh đổi chỗ nếu không được bán ở nơi ban đầu, hoặc gần chỗ đông khách.
Yếu tố này thấy rất rõ vào năm 2016 tại Thái Lan, khi chính quyền Bangkok bất ngờ… đổi ý dẹp sạch hàng rong quanh các khu chợ lớn ở trung tâm Siam, Ratchadamri, Pratunam… và một số chợ đêm được yêu cầu dời về rất xa so với trung tâm.
Người bán hàng rong đã chống lại lệnh này. Bởi các khu chợ mới được tái định cư không hứa hẹn có nhiều khách mua hàng như vị trí cũ. Sau một năm thực hiện, trên các báo về du lịch, du khách phương Tây và châu Á đặt câu hỏi về việc họ sẽ chơi gì khi đến Bangkok nếu không có chợ hàng rong để mua sắm và ăn uống.
Tới giờ, vấn đề đó chưa được giải quyết, nhưng sự tổn thương mà ngành du lịch hứng chịu là có thật ở Bangkok.
Và câu chuyện thất bại ở Mumbai
Mumbai ở Ấn Độ cũng gặp tình trạng tương tự, khi họ xây một trung tâm hàng rong cao 5 tầng, với ý định đưa dân bán hàng rong từ khu vực khác tới. Rất ít người bán hàng rong muốn đến bán ở đây vì khách hàng chả bao giờ muốn đến cái thương xá đó, để trèo lên 5 tầng mua món hàng lặt vặt, thay vì mua bán ở gần nhà ga xe lửa Dadar cho đơn giản.
Hầu hết, các quầy hàng ở Hawkers Plaza tại Mumbai không có ai vào bán trong 12 năm, trừ những quầy ở tầng trệt.
Vài trường hợp thành công như Singapore, hay hai câu chuyện có hoàn cảnh và điều kiện gần giống Sài Gòn là Bangkok và Mumbai, cho thấy chuyện quản lý vỉa hè, trấn áp để có vỉa hè văn minh cần một lộ trình dài.
Chiến dịch này gồm có nghiên cứu khoa học, đánh giá mong muốn và khảo sát nguyện vọng của nhóm người đang sống dựa vào vỉa hè, quy hoạch lại và sau cùng mới là dùng đến cưỡng chế, trấn áp để mọi thứ đi vào nền nếp, lâu dài.
Hành động đập, thu giữ và đuổi bắt, trấn áp người bán hàng rong trên thực tế không tính tới các phần khác trong đời sống được đóng góp ra sao từ thành phần kinh tế vỉa hè nhếch nhác này.
Cách tiếp cận này chính là điều Singapore làm - không phải đổ lỗi và trấn áp là có thể đẩy người bán hàng rong khỏi vỉa hè - mà là đưa họ vào hành lang pháp lý, cung cấp cho họ sinh kế tương đương, mới có thể “đẩy” họ tự nguyện rời khỏi vỉa hè. 


Vi sao ong Doan Ngoc Hai that bai trong 'cuoc chien' dep via he? hinh anh 13

Một kiến trúc sư từng nói với tôi: “Khi xây các khu căn hộ cao cấp ở trung tâm, người ta không hề nghĩ đến chuyện làm sao để người nghèo chung sống hòa bình với họ trong đô thị".
"Và khi Tết đến, lúc họ phải về quê, cần người giúp việc, tỉa cây, chăm sóc thú cưng, họ chẳng thể tìm được ai. Bởi vì họ đã đẩy sạch người nghèo ra khỏi những khu vực đó rồi, ai mà phục vụ họ nữa”, anh nói.
 Anh bạn tôi là một kiến trúc sư chuyên về thiết kế nhà ở văn minh cho người thu nhập thấp trong đô thị. 
Cách để một xã hội văn minh hơn, là nhiều thành phần và tầng lớp có thể chung sống với nhau, chứ không phải tiêu diệt một nhóm nào đó để một nhóm khác được hài lòng, như cách mà ông Đoàn Ngọc Hải thực hiện.
Nếu muốn Việt Nam giống Singapore, như nhà nghiên cứu Kỷ Quang Vinh từ Đại học Cần Thơ nói: “Không nên cưỡi ngựa xem hoa rồi về trồng hoa mà phải học tập nghề trồng hoa thực sự nghiêm túc”. 
"Trồng hoa" hàng rong ở Singapore mất tới 30 năm và đủ các thỏa thuận giữa người dân và chính quyền. Hàng rong ở Bangkok đã định hình từ năm 2005, tới nay còn đầy vấn đề lộn xộn.
TP.HCM chẳng lẽ muốn nhanh chóng cấp tập thực hiện tất cả trong 10 tháng để thành công?
Khải Đơn
Ảnh: Tùng Tin
Đồ hoạ: Phượng Nguyễn


ÔNG ĐOÀN NGỌC HẢI KHÔNG TỪ CHỨC MỚI LÀ BI KỊCH

NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ GDVN 14-1-2018

Những ngày qua, xung quanh lá đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, tôi thấy đa phần các ý kiến đều thể hiện sự “nể phục”, “ngưỡng mộ”, “tiếc nuối”... cho ông Đoàn Ngọc Hải.
Lý do theo nhiều người thì ông Hải là người “dũng cảm”, “người tài”, “người tốt”, “người tử tế” nhưng “đơn độc” trong “cuộc chiến” giành lại vỉa hè mà ông đã phát động gần một năm trước...
Thậm chí có vị đại biểu Quốc hội còn cho rằng việc ông Hải xin từ chức là “một bi kịch” của xã hội...
Có thật như thế không? Tôn trọng quyền suy nghĩ và phát biểu của mọi người tuy nhiên, tôi lại có suy nghĩ khác.
Tôi cho rằng việc ông Hải từ chức là hợp lý và cần thiết.
1. Đâu là bản chất của vấn đề? Ông Hải có phải là “người tài” không?

Trước hết, cần khẳng định rằng trong bối cảnh xã hội và đất nước ta hiện nay việc những quan chức, lãnh đạo mà biết giữ lời hứa nếu không làm được việc thì “cởi áo về vườn” như ông Hải là rất hiếm (chứ không phải không có).
Thế nên, dù muốn dù không công luận cũng nên khen ngợi lá đơn xin từ chức của ông. Vì đây là hành vi và cách ứng xử cho thấy sự tự trọng của một cá nhân trong vai trò và vị trí của một quan chức.
Đó là vấn đề mà lâu nay nhiều người thường hay nói ở Việt Nam ta không/chưa có “văn hóa từ chức”.
Tuy nhiên, điều này nói cho cùng cũng là chuyện hết sức bình thường, thiết nghĩ mọi người cũng không nên vì sự “rất hiếm” kia mà quên đi một sự thật hiển nhiên trong vụ việc này.
Nói khác đi, chúng ta phải thật bình tĩnh không nên để cho cảm xúc, tình cảm nhất thời dẫn dắt, để rồi vô tình quên đi một sự thật đó là ông Hải đã không hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên ông giao phó. 
Chúng ta cần thống nhất với nhau rằng, vấn đề quan trọng nhất ở đây là hiệu quả công việc. 
Thế nhưng trên thực tế, qua tất cả những gì đã diễn ra đến thời điểm này có thể kết luận rằng công cuộc lập lại trật tự đô thị nhất là “cuộc chiến” giành lại vỉa hè trên địa bàn Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh do ông Hải trực tiếp phụ trách đã hoàn toàn thất bại. 
Chúng ta (trong đó có tôi) không ai phủ nhận ông Hải là một công chức có trách nhiệm, là một người năng động, nhiệt huyết.
Nhưng rất tiếc phải nói rằng ông làm việc không hiệu quả.
Từ đây, theo tôi trước khi bàn sang những vấn đề khác có liên quan thiết nghĩ chúng ta cần phải thừa nhận và tôn trọng sự thật này.
Nhất định phải phân biệt và không nên đánh đồng hay nhầm lẫn giữa hai vấn đề: sự năng nổ nhiệt tình của ông Hải với hiệu quả trong công việc mà ông đã được phân công.

Tóm lại, trong chuyện này ông Hải tuy có thừa sự nhiệt huyết, sự tận tụy và trách nhiệm trong công việc.
Nhưng trên thực tế trong vai trò của một công chức và với trách nhiệm của một lãnh đạo ông đã không hoàn thành được nhiệm vụ của cấp trên giao phó.
Dù muốn dù không đây vẫn là một sự thật không thể chối cãi và cần được tôn trọng.
Chỉ điều này thôi cũng có lẽ cũng đủ để cho chúng ta phải suy nghĩ lại về ý kiến cho rằng ông Hải một công chức “có tài” hay không?
Tôi không biết quan niệm của mọi người như thế nào về sự tài năng của một công chức Nhà nước, nhưng tôi nghĩ rằng một người không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì trước trước hết hãy tự biết xấu hổ về bản thân mình.
Mà không hoàn thành nhiệm vụ thì tự giác xin nghỉ việc âu cũng là chuyện bình thường. Hơn nữa, đó còn là chuyện phải thực hiện lời mà mình đã hứa trước công luận.
2. Ông Hải có “đơn độc” trong “cuộc chiến giành lại vỉa hè” không? Vì sao ông Hải thất bại trong “cuộc chiến” này?

Nhiều ý kiến cho rằng ông Hải là “người tốt”, “người tử tế” nhưng lại “đơn độc”trong công cuộc lập lại trật tự đô thị thời gian qua để lý giải nguyên nhân không hoàn thành nhiệm vụ của ông Hải.
Theo tôi đây là nhận định cảm tính, không khách quan và đương nhiên cũng rất phiến diện, không thuyết phục.
Trước hết, về vấn đề ông Hải có phải là “người tốt”, “người tử tế” hay không cá nhân tôi xin không dám bàn và cũng không muốn bàn vì đây không phải là vấn đề tôi quan tâm trong vụ việc này.
Hơn nữa đến thời điểm này không có “cơ sở dữ liệu” nào để chúng ta – những người ở xa, chưa một lần tiếp xúc với ông Hải – khẳng định điều ấy.
Tất cả những gì chúng ta biết được thời gian qua đều là những chuyện liên quan đến công tác dọn dẹp vỉa hè mà ông Hải đã đảm nhiệm thông qua sự phản ánh và cung cấp của các phương tiện truyền thông.
Vậy nên, việc đánh giá ông Hải có phải là “người tốt”, “người tử tế” hay không có lẽ nên để cấp trên, cấp dưới cùng bạn bè, người thân - những người từng làm việc và cộng tác cận kề với ông Hải phát biểu có lẽ sẽ khách quan hơn chăng?
Tuy vậy, nói ông Hải “đơn độc” trong việc dọn dẹp vỉa hè theo tôi là hoàn toàn không đúng với bản chất của vụ việc.
Nếu chúng ta nhìn lại toàn bộ diễn biến câu chuyện này thời gian qua sẽ thấy từ đầu tới cuối ông Hải luôn được sự ủng hộ của không những cấp trên ông mà còn của đại bộ phận dân chúng.
Thậm chí ngay lúc này đây, không phải sau khi ông Hải nộp đơn xin từ chức thì đa phần mọi người vẫn ủng hộ và hết lời khen ngợi ông đó sao?
Nói khác đi, theo tôi trước sau trong “cuộc chiến” giành lại vỉa hè lúc nào ông Hải cũng được “tiền hô hậu ủng”, đặc biệt là về mục tiêu và chủ trương.
Vậy thì tại sao được đa phần mọi người ủng hộ nhưng ông Hải lại thất bại? Rất đơn giản, câu trả lời là do ông Hải đã phạm phải sai lầm trong cách thức, phương thức thực hiện.
Hay nói cách khác, ở đây nếu nói ông “đơn độc” thì thật ra ông Hải đơn độc trong việc đề ra giải pháp; đơn độc trong nhận thức lẫn phương cách tiến hành công tác dọn dẹp vỉa hè chứ hoàn toàn không đơn độc về mặt chủ trương.
Nếu không tin mọi người có thể tìm đọc lại những bài báo ghi lại phát biểu của ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh – là cấp trên của ông Hải sẽ rõ.
Và nhất là hãy xem lại những bài viết, video clip phản ánh và ghi lại những thời điểm ông Hải xuống đường dọn dẹp vỉa hè sẽ thấy:
Nếu ông Hải “đơn độc” thì một mình ông có thể cẩu những chiếc xe vi phạm hay đập phá những hạng mục, công trình của các cơ quan, hàng quán mà theo ông là đã vi phạm hay không?
Và không phải tìm đâu xa, trong lá đơn xin từ chức dài hai trang giấy của mình ông Hải cũng đã vô tình thừa nhận chuyện này.
Thứ nhất, về mặt khách quan ông có trình bày rằng:
"…Việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng, lề đường đã động chạm đến lợi ích rất to lớn - hàng ngàn tỉ đồng, của các bãi ô tô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền...và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó".
Thứ hai, về mặt chủ quan ông viết:
“Khi trở lại là một người công dân bình thường, tôi sẽ có thời gian suy nghĩ về các giải pháp “căn cơ”, “nhân văn”, “không làm ảnh hưởng đến mưu sinh của người nghèo” trong công việc này.”
Như vậy là đã rõ, ông Hải thất bại trong công cuộc giành lại vỉa hè trước hết là do bản thân ông.
Nghĩa là nếu ông đã ý thức được chuyện “lợi ích nhóm” trong “kinh doanh vỉa hè” thì càng phải cẩn trọng và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và “căn cơ” chứ không nên nóng vội xuống đường để rồi chỉ một thời gian sau đó mọi chuyện lại như cũ.
Bên cạnh đó, như chính ông cũng đã thừa nhận những giải pháp của ông đề ra là không “nhân văn”“làm ảnh hưởng đến mưu sinh của người nghèo”.
Chính những điều trên mà có không ít lần chúng ta thấy ông Hải đã bị một số người phản ứng do sự máy móc và cứng nhắc trong cách xử lý.
Cho dù như thế nào thì vẫn là rất khó coi khi phải chứng kiến cảnh ông trong tư cách một quan chức, lãnh đạo cơ quan Nhà nước nhưng hết lần này đến lần khác đứng chỉ trỏ và “cãi tay đôi” với người dân, thậm chí là du khách nước ngoài giữa phố xá đông người qua lại.
3. Ông Hải có đang “giận dỗi”?

Trong đơn xin từ chức của mình ông Hải viết khá dài nhưng tôi đặc biệt chú đến đến đoạn văn sau:
"Nhìn lại, tôi thấy mình không thực hiện được lời hứa trước nhân dân và kỳ vọng của đồng chí lão thành cách mạng sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này. Vì vậy, tôi xin từ chức."

Đây là quan điểm cá nhân của ông Hải và được nhiều người hết lời ca ngợi tung hô và cảm thấy “tiếc nuối”.
Tôi tôn trọng quan điểm và suy nghĩ riêng của mọi người.
Tuy vậy, cá nhân nhân tôi thấy hơi thất vọng về câu nói trên của ông Hải. Ông xin từ chức chỉ vì phải giữ lời hứa trước nhân dân và các “đồng chí lão thành cách mạng” thôi ư?
Vậy còn các đồng chí đang đương chức và là cấp trên cao nhất của ông như ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thì sao?
Hay các đồng chí là thuộc cấp – những người đã sát cánh cùng ông trong chiến dịch dọn dẹp một thời – vốn cũng chịu rất nhiều áp lực nữa?
Chi tiết trên cũng là một trong nhiều lý do mà tôi thấy không thể đồng cảm với một số ý kiến cho rằng “cán bộ tốt như ông Hải hiện nay rất hiếm...”.
Có thật vậy không, nói như vậy có khi nào đã vô tình coi thường và xúc phạm những công chức cần mẫn khác?
Tôi không tin cả thành phố Hồ Chí Minh rộng lớn thế kia lại hiếm cán bộ đến nỗi không thể tìm người thay thế vị trí hiện tại của ông Hải.
Bởi như tôi đã phân tích, cho đến nay ông Hải đã hoàn toàn thất bại trong cuộc chiến giành lại vỉa hè do ông phát động. Đây là sự thật.
Và nguyên nhân của sự thất bại này là do bản thân ông ấy đã nóng vội nên dẫn đến sai lầm về giải pháp, phương pháp thực hiện.
Một vấn đề khác, tại sao chúng ta không nghĩ rằng, bản thân chuyện xin nghỉ việc của ông Hải cũng là một giải pháp cần thiết và tích cực trước hết là với cá nhân ông ấy?
Sau nữa, đây còn là một bài học kinh nghiệm để qua đó lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh nhìn và đánh giá lại một cách khách quan, toàn diện và thấu đáo mọi vấn đề có liên quan.
Đặc biệt là việc đề ra những giải pháp tổng thể và đồng bộ; hay lựa chọn cán bộ có thực sự năng lực để thực thi và hoàn thành chủ trương lập lại trật tự đô thị mà thành phố đã đề ra.
Trong khi hoàn thành bài viết này, tôi được một người bạn vong niên “nhắc nhở”,có khi nào lá đơn xin từ chức của ông Hải chỉ là một “động tác giả” vì ông ấy đang “giận dỗi” ai đó không?!
Thật lòng bản thân tôi không nghĩ và cũng không muốn tin những gì bạn tôi nói là thật. Vì nếu như thế thì bẽ bàng quá!
Tuy nhiên, tôi nghĩ giá như trong đơn từ chức của mình ông Hải nên viết gọn lại, ông nên thừa nhận bản thân không hoàn thành nhiệm vụ nên từ chức (chứ không chỉ đơn thuần là “không thực hiện được lời hứa trước nhân dân”);
Và nhất là ông nên thêm vào đó một “lời cảm ơn” gửi đến các đồng chí cấp trên và cấp dưới đã ủng hộ ông thời gian qua thì hay biết mấy.
4. Thay lời kết

Qua tất cả những gì đã xảy ra trên thực tế, nếu phải nói về sự “tiếc nuối” trong câu chuyện này bản thân tôi hoàn toàn không tiếc nuối về việc ông Hải xin từ chức mà là tiếc nuối về một chủ trương đúng đắn nhưng đã không hoàn thành.
Và theo thiển ý của tôi (có lẽ khác với đa phần mọi người), nếu ông Hải thật sự muốn nghỉ việc và đã suy nghĩ thấu đáo về chuyện này thì lãnh đạo thành phố hãy nên tôn trọng quyết định của ông ấy.
Vì trước hết đó là nguyện vọng của ông ấy, nếu lãnh đạo thành phố không cho ông ấy nghỉ rất có thể sẽ gây ra sự hiểu lầm về sự “giận dỗi” của ông như tôi phân tích ở trên.
Ngoài ra, trong tư cách của một lãnh đạo, một công chức ông Hải tuy năng nổ nhiệt tình nhưng đã không hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn giữ lại thì đó mới thực sự là bi kịch của xã hội.
Không phải mọi người đang khuyến khích quan chức làm không được việc thì hãy mạnh dạn từ chức để nhường lại cho người khác hay sao?
Tại sao khi thì bảo rằng xã hội ta không thiếu người tốt người tài khi thì bảo rằng người như ông Hải rất hiếm?
Lòng thương cảm và trắc ẩn là cần thiết nhưng phải đặt đúng chỗ.
Tại sao không suy nghĩ tích cực rằng sau khi ông Hải nghỉ sẽ có người khác lên thay và làm tốt hơn ông bây giờ?
Nói tóm lại, tôi cho rằng, với riêng trường hợp này chúng ta hoàn toàn có thể lấy câu ca dao mà cha ông ta đã đúc kết để suy nghĩ và chiêm nghiệm:
“Không cô thì chợ vẫn đông
Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui!”

Nguồn tham khảo:
1. “Đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Don-xin-tu-chuc-cua-ong-Doan-Ngoc-Hai-Pho-Chu-tich-quan-1-post182904.gd
2. “ĐBQH Dương Trung Quốc: Ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức là một "bi kịch". Xem tại: https://laodong.vn/xa-hoi/dbqh-duong-trung-quoc-ong-doan-ngoc-hai-xin-tu-chuc-la-mot-bi-kich-585359.ldo
3. “Chủ tịch UBND Thành Phố Hồ Chí Minh nói về việc ông Đoàn Ngọc Hải từ chức”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/ong-doan-ngoc-hai-tu-chuc-chu-tich-tp-hcm-len-tieng-422560.html
4. “Đừng để sự tử tế cô đơn”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/blog/nhom-loi-ich-thao-tung-via-he-dung-de-su-tu-te-co-don-422698.html
5. "Tôi thấy sự cô đơn của ông Hải, cán bộ tốt vậy, tìm đâu dễ..."  Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Toi-thay-su-co-don-cua-ong-Hai-can-bo-tot-vay-tim-dau-de-post182956.gd
8. “Tiếc nuối về một sự từ chức”. Xem tại: http://nguoidothi.net.vn/tiec-nuoi-ve-mot-su-tu-chuc-12174.html
7. “Quân tử nhất ngôn nhưng tôi mong ông Hải hãy ở lại”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Quan-tu-nhat-ngon-nhung-toi-mong-ong-Hai-hay-o-lai-post182927.gd
Nguyễn Trọng Bình
NÊN ĐIỀU ÔNG ĐOÀN NGỌC HẢI VỀ LÀM CHUYÊN VIÊN ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 17-1-2018
Chuyện ông Phó Chủ tịch quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh Đoàn Ngọc Hải nộp đơn xin từ chức vì chưa hoàn thành lời hứa dẹp vỉa hè, lòng đường tưởng bé như cái móng tay, hóa ra không phải.
Quận 1 có diện tích chưa đến 8 km2, dân số gần 200.000 người, thuộc loại nhỏ nhất trong 24 quận huyện của thành phố.
Với một quận nhỏ như vậy mà số tiền người ta thu được nhờ vỉa hè - tức là đất công - đã lên đến "hàng nghìn tỷ đồng" (như cách nói của ông Đoàn Ngọc Hải trong lá đơn từ chức, cho dù con số này chưa được khẳng định bởi cơ quan quản lý nào), vậy Thành phố Hồ Chí Minh có 19 quận, 5 huyện, số tiền mà “vỉa hè” mang lại cho các đối tượng liên quan, hoặc cố tính chiếm dụng là bao nhiêu?
Còn nhớ năm học 2006-2007, ngành giáo dục - đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân - phát động phong trào “hai không” (nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục-nv). 
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm đó khiến cả xã hội bất ngờ, tỉnh Tuyên Quang chỉ có 14,1% hệ trung học phổ thông và 0,22% hệ bổ túc đạt tốt nghiệp.
Ba năm sau, vào năm 2010 ông Nguyễn Thiện Nhân thôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để tập trung cho nhiệm vụ Phó Thủ tướng, không thấy ai nhắc đến cụm từ “hai không” nữa. 
Và cũng từ đó đến nay tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông lại là con số ấn tượng, xấp xỉ 99%.
Câu chuyện “vỉa hè, lòng đường” của ông Đoàn Ngọc Hải có cái gì đó giông giống “hai không” lúc mở đầu, khác chút là kết thúc thì người khởi xướng xin từ chức.
Từ câu chuyện “hai không” mười năm trước, chắc chắn Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thấu hiểu tâm tư, vị thế của ông Hải, thấu hiểu áp lực mà người chỉ đạo, điều hành phải đón nhận dù việc làm của họ hoàn toàn đúng.
Một khi đã thấu hiểu, vậy Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quyết định thế nào với đơn xin từ chức của ông Hải?
Người đời thường nói, một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân. Nếu cánh én đó lại cô đơn giữa giông bão thì làm sao có thể gọi mùa xuân về?
Chợt nhớ bài hát “Chim yến bay”, một sáng tác của nhạc sĩ Nguyên Nhung có câu: “Chim yến bay, cánh của ngàn sải bước; Đảo mùa xuân nơi ấy ta yêu”.
Câu chuyện Đoàn Ngọc Hải không phải chỉ vươn xa ngàn sải bước mà là nghìn cây số từ Nam ra Bắc, thế nhưng dẫu có là “đảo mùa xuân” ở một thành phố được ca ngợi: “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân đẹp nhất quê mình” thì ông Hải vẫn cô đơn, vẫn cảm thấy bất lực, tại sao?
Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội trao cho 4 cơ chế đặc thù trong hoạt động quản lý nhằm biến thành phố này thành hình mẫu phát triển cho miền Nam và cả nước. 
Vậy mà một cán bộ diện Thành ủy quản lý, Phó Chủ tịch quận trung tâm của thành phố như ông Đoàn Ngọc Hải vẫn bị “sự chống phá công khai và ngấm ngầm, sự đe dọa đến sinh mạng của bản thân và gia đình đến từ các đối tượng mất đi nguồn lợi phi pháp” thì người ta không thể không hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật thành phố đã làm gì để bảo vệ những người góp phần làm đẹp thành phố?
Liệu có xảy ra trường hợp những kẻ “đe dọa đến sinh mạng của bản thân và gia đình” ông Hải được bật đèn xanh, được dung túng nhằm bảo vệ lợi ích của những “chiếc gậy chống” lẩn khuất đâu đó nơi công sở nhằm bảo vệ nguồn lợi lên đến "hàng ngàn tỷ đồng" của phe nhóm?
Và không thể không nêu câu hỏi khác, khi một Phó Chủ tịch quận đương chức còn bị “đe dọa sinh mạng” vì lập lại trật tự, kỷ cương thì người dân thường sẽ thế nào nếu dám lên tiếng chống tham nhũng?
Còn nhớ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã nhận được lời đe dọa của “cát tặc” và phải cầu cứu Thủ tướng, một phiên tòa đã được mở và kẻ nhắn tin đã phải ra tòa.
Vậy Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là Công an quận 1 có nên khởi tố một vụ án hình sự với tội danh “Đe dọa giết người” để tìm kẻ giấu mặt, đưa chúng ra tòa như Công an Bắc Ninh đã làm?
Dư luận không thể quên vụ “quán cà phê Xin chào” và vụ “chiếu lều vịt” ở huyện Bình Chánh, nếu công an các quận huyện Thành phố Hồ Chí Minh đều “sốt sắng” như vị nguyên Trưởng Công an quận Bình Chánh thì vụ án “đe dọa đến sinh mạng của bản thân và gia đình Phó Chủ tịch quận” đã phải được mở không cần ông Đoàn Ngọc Hải có đơn yêu cầu.
Ngày 11/1/2018, Văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn yêu cầu 24 quận, huyện rà soát, kiểm tra, chấm dứt tình trạng trông giữ xe trên vỉa hè, báo cáo thành phố trong quý I.
Vấn đề không phải chỉ là chấm dứt các bãi trông giữ xe không phép trên vỉa hè và báo cáo kết quả.
Vấn đề là phải làm rõ số tiền thu được từ các bãi giữ xe (có giấy phép) do các phòng, ban, uỷ ban nhân dân các phường, quận đứng tên trên toàn thành phố được sử dụng như thế nào? 
Nếu ngân sách không thu được đồng nào thì rõ ràng đây là lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm thu lợi cho cá nhân, đơn vị và cần phải có chế tài xử lý.
Mặt khác, khi phương tiện vận tải công cộng chưa đáp ứng việc đi lại của nhân dân thì xe máy vẫn còn được sử dụng, cấm toàn bộ các bãi trông giữ xe không phép cần phải đi kèm với việc bố trí các tuyến xe buýt thuận tiện cho người dân đi lại.
Cấm ngay lập tức việc trông giữ xe trên vỉa hè tại tất cả quận huyện sẽ không có gì phải bàn luận nếu Thành phố Hồ Chí Minh đã có phương án khoa học, khả thi như tận dụng tầng hầm các khu nhà cao tầng, bố trí lại hệ thống giao thông công cộng thành phố.
Cấm các điểm trông giữ xe lớn thì người dân sẽ dùng nhà riêng trông giữ xe. 
Liệu thành phố có thể thu thuế những người dân dùng nhà riêng “cho người quen” để nhờ xe cộ khi chưa có những chế tài quản lý cụ thể? 
Như báo Thanhnien.vn đề cập tình trạng “chặt chém” người gửi xe diễn ra thường xuyên tại hầu hết các phường, quận với giá 10.000 đồng/1 xe máy nhưng không hề có vé do thành phố phát hành, vậy thành phố dùng cách nào để thu thuế?
Nếu quả thật việc trông giữ xe mang lại lợi nhuận "hàng ngàn tỷ đồng" cho chủ bãi thì nên nghiên cứu thành lập một đơn vị dịch vụ công ích, lấy tiền trông giữ xe để phát triển hạ tầng giao thông cho đến khi hệ thống tàu điện ngầm và xe bus đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, khi đó cấm xe máy và hạn chế phương tiện cá nhân trong thành phố.
Việc giao cho thanh niên xung phong tổ chức trông giữ xe là ý tưởng tốt nhưng yêu cầu giá trông giữ thấp, thậm chí là miễn phí - như một số ý kiến - lại là ý tưởng tồi.
Giá trông giữ thấp chỉ khuyến khích người dân dùng phương tiện cá nhân và tình trạng kẹt xe không thể cải thiện. 
Cần tăng giá trông giữ xe như là một biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, lấy tiền đó đầu tư cho các dịch vụ công ích khác.
Trở lại vấn đề của ông Đoàn Ngọc Hải, nếu một cán bộ đã hứa trước cử tri mà không hoàn thành nhiệm vụ thì xin từ chức là hành động cần được ghi nhận.
Sẽ là thảm họa nếu cán bộ lãnh đạo hứa nhưng không hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn không chịu viết đơn từ chức.
Đọc lá đơn của ông Đoàn Ngọc Hải, có cảm giác ông Hải như Dongkisot (Đôn Ki-hô-tê) thời hiện đại chống lại cả bầy bạch tuộc mà những chiếc vòi của chúng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách thành phố.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta” [1], phải chăng ông Đoàn Ngọc Hải vì “ta tự đánh ta” mà phải viết đơn từ chức?
Nếu quả thật như vậy thì chẳng lẽ phải nhờ người khác “đánh” hộ?
Ý tưởng nhờ “người khác đánh hộ” là ý tưởng hay nếu “người khác” ở đây là nhân dân, nhờ nhân dân “đánh” thì chắc chắn chẳng kẻ nào đủ sức nhắn tin đe dọa.
Vấn đề là muốn nhờ nhân dân “đánh” thì phải trang bị cho nhân dân “công cụ hỗ trợ” chứ tay không làm sao đánh mãi được, mỏi lắm.
Không nhờ nhân dân, cứ “tự lực cánh sinh ta đánh ta” thì quả thật là khó, chỉ cần Đảng, Nhà nước có chính sách khuyến khích nhân dân tham gia, ví dụ công khai tài sản cán bộ tại khu dân cư thì lập tức người dân sẽ chỉ giúp “ông đày tớ” ấy giàu hay nghèo, khai đúng hay khai sai?.
Cứ xem cái vụ "biệt phủ" tọa lạc trên khu đất có tổng diện tích hơn 2.363m2 ở huyện Bình Chánh mà chủ nhân là một cô gái 22 tuổi, con một nguyên Phó Thống đốc ngân hàng mà báo chí đề cập đến nay im lìm thì cũng hiểu vài phần. 
Chuyện của ông Đoàn Ngọc Hải buồn một tí nhưng mà vui, vui vì trong số “ta” vẫn có người không phải là “ta”, vẫn có người sẵn sàng đương đầu với những lời đe dọa để giữ gìn kỷ cương phép nước.
Thế nên người viết hy vọng Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiếp thu ông Hải về Ủy ban làm việc chứ không cần phải chờ Thành phố Hồ Chí Minh quyết định. 
Nếu điều đó thành hiện thực, người dân sẽ đỡ lo cho sự an toàn của gia đình ông Hải mà tổ chức lại có thêm một người sẵn sàng từ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/tong-bi-thu-chong-tham-nhung-kho-vi-ta-tu-danh-ta-334382.html

Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét