Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

20180105. BÀN VỀ 'LỰC LƯỢNG 47'

ĐIỂM BÁO MẠNG
NƯỚC NGOÀI CÓ QUÂN ĐỘI 'TÁC CHIẾN TRÊN MẠNG', NHƯNG...

NAM QUỲNH/LK/ BVN 1-1-2018

clip_image002
Trong một nỗ lực bảo vệ “Lực lượng 47” của Việt Nam, nhiều người đã viện dẫn việc quân đội Anh cũng có Lữ đoàn 77 chuyên “tác chiến trên mạng”. Nhưng mọi việc không đơn giản như thế. Ảnh: Website Lữ đoàn 77 của Anh.
Chuyện 10.000 chiến binh mạng bỗng nhiên “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017 hôm 25/12 vừa rồi đã trở thành câu chuyện gây chú ý nhất trên các trang mạng xã hội Việt Nam mấy ngày qua.
Hóa ra là, quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh “Trung với nước, Hiếu với dân”, đang dùng tiền thuế dân đóng để nuôi 10.000 người trong một lực lượng có tên là “Lực lượng 47”, vốn có nhiệm vụ “đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng”.
Cõi mạng Việt Nam, người thì khen Quân đội Việt Nam hiện đại tân thời, người thì chê sao quân đội không đi đánh giặc lại đi quản dân trên mạng xã hội. Có kẻ lại cười đùa, bảo bản thân đã viết bài “bênh chế độ” bao nhiêu năm nay không ăn đồng lương nhà nước nào, bây giờ mới biết hóa ra có thể tham gia lực lượng 10.000 này để cống hiến cho Tổ quốc.
Nhìn chung, “bật mí” tại hội nghị hôm 25/12 dường như khiến toàn cõi mạng bất ngờ và bối rối, lẽ đơn giản là vì không có nhiều thông tin được công khai tại Việt Nam về “Lực lượng 47” này.
Báo chí nước ngoài nhân dịp này cũng đăng bài chỉ trích việc chính phủ Việt Nam đã chuyên chế, thích đàn áp tự do bằng các lực lượng an ninh cảnh sát rồi, nay lại còn vời đến cả quân đội quốc gia.
Tờ Financial Times có trụ sở ở Anh còn nhân cơ hội lôi cả chuyện Việt Nam đàn áp bất đồng chính kiến, kiểm soát truyền thông và Internet ra mà kể.
Nhiều người trong số 10.000 người của “Lực lượng 47” có thể nhanh chóng chỉ ra rằng giới báo chí Anh “đạo đức giả” như thế nào.
Vì thực tế là, Quân đội Anh cũng có lực lượng chuyên về “chiến tranh mạng” và “giám sát mạng xã hội”: Lữ đoàn 77.

clip_image004
Website chính thức của Lữ đoàn 77 – Quân đội Anh. Ảnh: Chụp màn hình từ British Army Website
Thấy chuyện “Lực lượng 47” nóng lên trong nước là ngay lập tức một trang tin Facebook chuyên làm truyền thông “chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng” của Việt Nam đã đưa tin về Lữ đoàn 77 này.
Trang tin này lại còn giải thích thêm rất tường tận “[n]hiệm vụ của họ là giám sát các mạng xã hội như Facebook, Twitter và các trang tin tức để viết bài định hướng dư luận”.
Biết thêm thông tin này, vài phó thường dân cõi mạng Việt Nam mấy ngày nay chỉ trích “Lực lượng 47” có thể phải tự nghi ngờ bản thân: hay mình “chửi” sớm quá ta? Chuyện quân đội quốc gia đi quản mạng xã hội trong nước thế giới người ta cũng làm mà?
Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn vào Lữ đoàn 77 của Quân đội Anh, họ có thể sẽ thấy rằng mọi thứ không đơn giản như họ tưởng.
Lữ đoàn 77 của Anh: công khai, minh bạch, “chiến đấu” với nước ngoài
Qua Google, người dùng mạng Việt Nam biết tiếng Anh có thể tìm được thêm khá nhiều thông tin về Lữ đoàn 77 của Anh.
Họ là lực lượng mới được thành lập năm 2015, có tổng hành dinh tại doanh trại Denison ở Berkshire, và có cả trang Facebook riêng.
Họ được chia làm 5 “đội” (group) khác nhau, mỗi “đội” có chức năng nhiệm vụ riêng được ghi chi tiết trên trang web của Quân đội Anh.
Trong đó “đội” Hoạt động Thông tin (Information Activity) có hai “nhóm” (team) nghe chức năng khá “hãi”:
“Nhóm” Hoạt động Kỹ thuật số (Digital Operations) chuyên thu thập thông tin và “tìm hiểu tình cảm/cảm xúc trên không giản ảo”; và nhóm Nội dung (Content), chuyên thiết kế, tạo lập video hình ảnh, âm thanh, sản phẩm in và sản phẩm kỹ thuật số nhằm ảnh hưởng đến hành vi của một đội quân và khán thính giả ngoài lực lượng quân sự”.
Nghe đúng là hao hao các … “dư luận viên” xứ mình rồi nhỉ?
Nhưng vấn đề quan trọng không hẳn là họ làm những gì, mà làm ở đâu, và với ai?
Chuyện Lữ đoàn 77 được thành lập không hề là một bí mật được “bật mí” trong một hội nghị về… tuyên giáo.
Khi Lữ đoàn này được thành lập năm 2015, báo chí và công chúng Anh đều được Quân đội Anh thông tin đầy đủ, như các tin bài trên BBCThe Guardian, và The Independent cho thấy.
Chuyện thành lập Lữ đoàn 77 còn được bàn thảo, bình luận công khai trên các blog và trang web trong nước về quốc phòng của Anh. Các trang blog và web đó chưa bao giờ bị chặn ở Anh.

clip_image005
Truyền thông Anh đưa tin, bình luận về Lữ đoàn 77 tại thời điểm thành lập năm 2015 và sau đó. Ảnh: Chụp màn hình các trang BBC và UK Defence Journal
Quan trọng hơn là thái độ công khai minh bạch của chính Quân đội Anh.
Qua Thông cáo báo chí và cả trên trang web của mình, Quân đội Anh xác định chức năng nhiệm vụ của Lữ đoàn 77 “được xây dựng dựa trên Báo cáo Chiến lược về việc Tham gia Phòng vệ Quốc tế, và Báo cáo Chiến lược về Tạo dựng Ổn định ở Nước ngoài”.
Cả hai báo cáo này đều là những tài liệu do Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Ngoại giao Anh biên soạn.
Đặc biệt, cả hai tài liệu đó đều được công bố công khai trên truyền thông đại chúng ở Anh, và có thể được mỗi người dân tải về để đọc (xem link).
Hai tài liệu đó có thể tóm gọn là xác định rằng, để bảo vệ Anh quốc một cách hiệu quả, quân đội phải tích cực tham chiến tại một số chiến trường và vùng lãnh thổ bất ổn trên thế giới; vừa cố gắng đánh bại các lực lượng gây bất ổn, vừa tìm cách bình ổn lâu dài các khu vực địa phương đó. Thế giới an toàn hòa bình thì mình mới yên ấm.
Có nghĩa là, Lữ đoàn 77 không phải là một lực lượng được xây dựng để bảo vệ quốc phòng Anh tại Anh, mà để bảo vệ quốc phòng Anh trong các chiến dịch quốc tế.
Chức năng nhiệm vụ nói trên của Lữ đoàn 77 còn được khẳng định thêm khi một dân biểu đặt câu hỏi chất vấn tại Nghị viện Anh về chức năng nhiệm vụ của Lữ đoàn 77.
Vị bộ trưởng Quốc phòng Anh khi ấy đã đăng đàn để trả lời vị dân biểu, Lữ đoàn 77 có nhiều nhiệm vụ, bao gồm nhiệm vụ đầu tiên chính là:
“Hỗ trợ, cùng các cơ quan ban ngành khác, cho các nỗ lực tạo dựng ổn định ở nước ngoài, và cho các công tác ngoại giao quốc phòng cũng như tham gia phòng vệ quốc tế trên diện rộng”.
Phạm vi chức năng nhiệm vụ ở tầm quốc tế, liên quan đến các chiến dịch ở nước ngoài, của Lữ đoàn 77 Quân đội Anh như thế được xác nhận khá công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng và qua cơ quan đại diện người dân là Nghị viện.
Việc cung cấp thông tin một phần, rằng Lữ đoàn 77 “giám sát các mạng xã hội như Facebook, Twitter và các trang tin tức để viết bài định hướng dư luận”, rồi dùng nó như một thứ so sánh “người ta cũng làm vậy” với Lực lượng 47 của Việt Nam, đơn giản là một hành vi thông tin thiếu trung thực.
Lực lượng 47 của Việt Nam: Dân không biết, dân không bàn…
Khác với Anh, tất cả những gì được công khai trên truyền thông đại chúng Việt Nam mấy ngày qua về Lực lượng 47 đều thông qua phát biểu của một vị quan chức tại một hội nghị về tuyên giáo.
Qua tường thuật của một tờ báo chính thống tại Việt Nam, có thể thấy là vị quan chức, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, có vẻ không nói gì nhiều về “quốc tế” hay các nhiệm vụ phòng vệ có hợp tác quốc tế của Việt Nam.
Ông Nghĩa nói về tình hình sử dụng Internet phát triển trong nước, dẫn đến mặt trái là “các thế lực lợi dụng Internet để chống phá”.
Ông Nghĩa chia sẻ rằng, “Quân ủy Trung ương hết sức quan tâm, xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái. Lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng trong quân đội cũng phát triển và tới đây sẽ có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng”.
Công tâm mà nói thì, ông Nghĩa chỉ nói là Lực lượng 47 “đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng” chứ có phải là “chỉ đấu tranh chống người dùng mạng có quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc tại Việt Nam” đâu (một luận điểm phản bác chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam trên một trang web tiếng Hoa vẫn có thể tính là một “luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng”).
Tuy nhiên, dựa vào các thông tin ít ỏi nói trên từ hội nghị hôm 25/12, thì có thể thấy là chức năng nhiệm vụ, phạm vi hoạt động cụ thể của Lực lượng 47 không hề rõ ràng và công khai, cho dù chỉ ở mức tương đối như trường hợp Lữ đoàn 77 của Anh nói trên.
Trong bối cảnh thông tin bị bưng bít và kiểm duyệt tại Việt Nam, người dùng mạng xã hội Việt Nam buộc phải tự suy ra chức năng nhiệm vụ, và phạm vi hoạt động của Lực lượng 47.
Và theo một số tìm hiểu tự phát đó, ví dụ như tìm hiểu này của một nghiên cứu sinh tiến sỹ người Việt Nam tại Bỉ, thì chức năng nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của Lực lượng 47 rất rộng và ôm đồm cả việc “quản lý giám sát” mạng xã hội và “đấu tranh” với tất cả những người dùng mạng xã hội nào tại Việt Nam có quan điểm chính trị khác đảng Cộng sản Việt Nam.
Việc ôm đồm này tạo ra bức xúc rõ rệt trong công luận tại Việt Nam.

clip_image007
Có quân số lên đến 10.000 người nhưng các thông tin cơ bản về vai trò, chức năng nhiệm vụ, và phạm vi hoạt động của Lực lượng 47 vẫn là những ẩn số. Ảnh: Bloomberg.com
Bên cạnh các tranh cãi nền tảng, ví dụ với câu hỏi là việc đàn áp các ý kiến chính trị trái chiều đóng góp ra sao cho quốc phòng, thì một câu hỏi đơn giản cần phải được trả lời chính là các hoạt động “ôm đồm” của Lực lượng 47 có phải là một cách sử dụng hiệu quả tiền thuế nuôi quân đội mà người dân Việt Nam đóng góp hay không.
Mỗi người Việt Nam đi làm đóng thuế nuôi quân đội Việt Nam đều có quyền chất vấn là tiền thuế của họ có đang được sử dụng hiệu quả hay không cho các công tác quốc phòng.
Câu hỏi đó chỉ có thể được trả lời đàng hoàng nếu như Bộ Quốc phòng Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam chủ động công khai minh bạch hơn về Lực lượng 47.
Lực lượng 47 được xây dựng dựa trên những chiến lược quốc phòng gì?
Lực lượng 47 bao gồm những cá nhân có trình độ, kỹ năng gì? Họ được đào tạo tới mức nào?
Phạm vi hoạt động, chức năng nhiệm vụ của Lực lượng 47 cụ thể là gì?
Như đã thấy, những thông tin nói trên liên quan đến Lữ đoàn 77 Quân đội Anh đều có thể được mỗi người dân Anh tìm ra một cách dễ dàng qua các kênh thông tin báo chí trong nước và của Bộ Quốc phòng Anh.
Thậm chí, thấy thông tin không đủ, một người dân còn có thể yêu cầu dựa trên đạo luật Tự do Thông tin (FOI – Freedom of Information request) bắt buộc Bộ Quốc phòng Anh tiết lộ thêm thông tin, như một blogger chuyên về quốc phòng Anh đã làm được.
Các tiết lộ đã có về Lữ đoàn 77 trên truyền thông đại chúng Anh không hề đến mức “bô lô ba la” lộ hết các hoạt động quân sự của Lữ đoàn 77.
Các tiết lộ đó chỉ vừa đủ để mỗi người dân Anh có thể yên tâm rằng Lữ đoàn 77 mà họ đang trả tiền nuôi được xây dựng dựa trên những chính sách quốc phòng chi tiết, công khai minh bạch.
Và rằng Lữ đoàn 77 đó có một chức năng nhiệm vụ và phạm vi hoạt động tương đối rõ rệt, không bao gồm việc “giám sát” mạng xã hội trong nước, cũng như “đấu tranh”, “bút chiến” chống lại chính họ.
Người Việt Nam cũng xứng đáng được biết như thế về Lực lượng 47.
N.Q.

HƠN 10.000 NGƯỜI  TRONG LỰC LƯỢNG 47 ĐẤU TRANH TRÊN MẠNG

MAI HOA/ TTO 24-12-2017

TTO - Hiện nhân sự Lực lượng 47 đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, "vừa hồng vừa chuyên", kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao.

clip_image001
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - trình bày tại hội nghị ngày 25-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức tại TP.HCM ngày 25-12, cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng đã được đề cập nhiều lần.
Hơn 10.000 hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - cho rằng mới 20 năm kể từ khi nước ta bước vào thế giới của mạng internet, Việt Nam đã là một quốc gia phát triển nhanh, đến nay có 62,7% người dân sử dụng internet.
"Sự phát triển này có hai mặt. Ở mặt trái, các thế lực lợi dụng internet để chống phá. Nội dung chống phá không thay đổi, nhưng lực lượng, phương tiện, thủ đoạn, công nghệ thì rất mới", thượng tướng nói.
Thượng tướng cho biết Quân ủy trung ương xác định bảo vệ Tổ quốc thì quân đội vẫn là nòng cốt, tác chiến bây giờ không chỉ trên bộ, trên biển, trên không nữa mà có tác chiến trên cả không gian mạng, thậm chí tác chiến trên vũ trụ.
"Quân ủy trung ương hết sức quan tâm, xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái. Lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng trong quân đội cũng phát triển và tới đây sẽ có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng", phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị nói.
"Có người hỏi tôi thông tin này có thể công khai không. Tôi thấy các thế lực và nước khác cũng đang tuyên bố là đang có cuộc chiến tranh trên không gian mạng thực sự. Nên chúng ta hàng giờ, hàng phút, hàng giây phải sẵn sàng chủ động tác chiến, đấu tranh với các quan điểm sai trái".
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết hiện lực lượng này (gọi là lực lượng 47 - theo chỉ thị 47) đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, "vừa hồng vừa chuyên", kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ.
Lực lượng này đang hoạt động rất tích cực, hiện có ở tất cả các đơn vị cơ sở, mọi miền mọi lĩnh vực của quân đội".
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa
Xuất hiện các biểu hiện "an ninh phi truyền thống"
Cũng phát biểu tại hội nghị, thượng tướng Nguyễn Văn Thành - thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng hiện nay các vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống đều đã xuất hiện ở Việt Nam dưới dạng này hay dạng khác.

clip_image002
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - thứ trưởng Bộ Công an - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nói về tình hình tội phạm xuyên quốc gia, thượng tướng Nguyễn Văn Thành lấy ví dụ tỉ lệ người Việt phạm tội ở Nhật Bản tăng lên.
Bộ Công an điều tra thì thấy xuất hiện những nhóm người nước ngoài ở Nhật, phối hợp với một số tổ chức ở Việt Nam đưa người sang Nhật đào tạo, lao động với nhiều lời hứa hẹn. Nhưng sang tới nơi không có việc làm, dẫn tới phạm tội...
Một ví dụ khác là nạn buôn người sang các nước Trung Đông. Ông Thành kể khi sang Dubai (Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất), đến đại sứ quán đã thấy có người Việt đứng khóc vì bị lừa bán, ông phải chỉ đạo xử lý ngay.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị sau đó, ông Trần Quốc Vượng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thành viên thường trực Ban Bí thư - nhận định cuộc đấu tranh trên không gian mạng là vấn đề khó khăn phức tạp không chỉ riêng ở Việt Nam.
"Vấn đề có quyết tâm, quan tâm và đầu tư không. Người ta đặt câu hỏi là một lực lượng làm công tác tuyên giáo hùng hậu như thế này, chúng ta có tới 800 tờ báo cách mạng, vậy mà chúng ta lại chịu thua trên mặt trận này? Đây thực sự là một thách thức", ông Vượng nói.
clip_image003
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Công tác tuyên giáo TP.HCM phải luôn đi trước một bước
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: "Những thách thức và nguy cơ về công tác tư tưởng mà TP phải đối diện rất gay gắt hơn nơi nào hết và hơn bao giờ hết. Điều đó đòi hỏi công tác tuyên giáo TP phải luôn đổi mới, luôn đi trước một bước".
Theo ông Nhân, TP.HCM có một Đảng bộ với hơn 220.000 đảng viên, là nơi tập hợp đông đảo các giới đồng bào, văn nghệ sĩ, trí thức, phóng viên, người lao động, sinh viên... cả nước tụ về, và luôn là nơi trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch.
"Nhiệm vụ phía trước của Đảng bộ TP là tiếp tục lãnh đạo thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM", ông Nhân nói.
"Để biến thời cơ thành động lực, hiện thực cách mạng mới cần có sự tự tin, quyết tâm đổi mới cao độ, sự đồng thuận trước hết trong cấp ủy, bộ máy chính quyền, các doanh nghiệp, nhà khoa học, thanh niên, và cần sự ổn định chính trị".
M.H.

AK47

Đó là tên môt loại tiểu liên bền bỉ có sức công phá mạnh, nó được trang bị cho bộ binh trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Ngày ấy có hai loại AK47 do Liên Xô cũ và Trung Quốc sản xuất. Các cựu binh già kể rằng họ thích loại do Trung Quốc sản xuất hơn vì bắn nhiều không đỏ nòng, độ chính xác cao hơn. Những khẩu tiểu liên ấy, dù uy lực đến thế nào cũng chỉ là vật vô tri nếu như nó không nằm trong tay những người lính mang trái tim yêu tổ quốc, có chính nghĩa và sức mạnh lòng dân, vũ khí chỉ là một chuyện, còn người sử dụng và mục đích sử dụng lại là câu chuyện khác, thật dễ thấy những người của Taliban, hay IS cũng dùng cây AK47, nhưng họ là những kẻ bị căm ghét và nguyền rủa.
10.000 người trong lực lượng 47 vừa hồng vừa chuyên ngày đêm trên mạng (theo những gì báo chí đăng tải) cho người ta liên tưởng đến cây tiểu liên AK47 thần thánh, đặc biệt chữ "vừa hồng, vừa chuyên" gợi cho người ta về xuất xứ của nơi sản xuất ra những công cụ ấy.
Đất nước đã thu về một mối hơn 40 năm, tất cả các đơn từ văn bản của công dân ngay trên đầu trang đều có chung một dòng ghi trang trọng: "CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM - ĐỘC LẬP TỰ DO HẠNH PHÚC", thiết nghĩ đó không chỉ là một tiêu đề mà là cả một ước vọng, hàng núi xương, sông máu của bao thế hệ đổ xuống vì tin sẽ có nó, đi dọc đất nước này, có xã nào, huyên nào, tỉnh nào mà không có nghĩa trang của những người con Việt ngã xuống ở tuổi 20? Thế nhưng chỉ cần đọc Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp, và những dòng trong TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ngày 2/9/1945 để so sánh ngày hôm nay với những ngày chúng ta còn dưới ách đô hộ của người Pháp, sẽ biết đất nước ta tiến xa đến đâu, nhân dân ta thực sự được độc lập, tự do, hạnh phúc đến đâu.
Thật hạnh phúc khi chúng ta ra đường nhìn vào hình ảnh các anh cảnh sát giao thông, các anh cảnh sát cơ động, và khi ta đau ốm được chăm sóc bởi đôi ngũ y tế được đảng và nhà nước dạy dỗ, con ta được học và tiếp thu nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, chúng ta an toàn và được bảo vệ đến tận nhận thức được đổ khuôn kỹ lưỡng. 10000 chiến sỹ "vừa hồng vừa chuyên" ấy theo ta trong từng hơi thở,uốn nắn ta nếu ta chệch hướng cho dù mới chỉ là trong ý nghĩ.
Tôi luôn tin rằng, thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ của chúng ta luôn tài giỏi nhất và làm việc hiệu quả nhất, xin các bạn đừng cười nhạo và đem dẫn chứng ông VŨ, hay ông DUY cao chạy xa bay để bảo họ vô dụng, họ không vô dụng, bằng trải nghiệm của bản thân và quá trình quan sát tôi nhận thấy, dù bạn là ai, ẩn danh trên mạng, hay công khai danh tính, khi họ cần triệu tập bạn họ sẽ tìm ra, họ có thể biết chính xác giờ nào bạn uống cà phê, bạn đi đâu, làm gì nếu họ muốn, để ai đi, hay tìm đến ai, đó chính là trò chơi ô chữ về tư pháp mà thôi. Tôi một tay thợ vô danh viết một bài thơ, nó chỉ là suy nghĩ, cảm xúc cá nhân, ấy vậy mà cũng bị lùa lên phường để chất vấn, vậy xin bạn yên tâm sống vì chúng ta luôn an toàn cao nhất.
Đọc dòng tin trên báo bỗng nghĩ về đồng tiền thuế của dân ta, nhớ về khuôn mặt của ông bác sỹ khi ông ấy thông báo với tôi rằng: "Phải nộp ngay 18.500.000 đồng” để con tôi được lên bàn mổ cấp cứu sau một ngày một đêm chờ đợi chuyển qua ba bệnh viện, nhớ đến tấm thẻ bảo hiểm y tế vô dụng và những đồng tiền ít ỏi vét vội với cảm xúc hoảng hốt bất lực tột cùng, nhớ đến câu chuyện bạn tôi kể về cuôc sống nơi anh ấy đang sống ở một nước tư bản giẫy chết, khi anh ấy bị cấp cứu, dãy phố nhà anh ấy ở xe không tới được, lập tức có cảnh sát chắn ngay đầu dãy để trực thăng đỗ đưa anh ấy đi cấp cứu kịp thời, nhớ đến buổi sáng tôi đang ngồi bình an bên ly cà phê trong nhà bếp thì các anh cảnh sát tới điệu đi không có bất kỳ lệnh hay giấy tờ nào, thật không giống như các phim tôi xem ở nơi bọn tư bản thối nát đang sống, các cảnh sát bảo với nghi phạm: "Ông đươc quyền im lặng, từ giờ phút này mọi lời nói của ông đều được sử dụng làm bằng chứng chống lại ông, trước toà ông có quyền có luât sư...". Và tôi nhớ đến câu nói của bạn tôi "nếu ở nơi tôi sống khi chúng tôi gặp điều cần trợ giúp chỉ cần nhấc máy gọi 911, bởi vì chúng tôi trả tiền thuế cho điều ấy".
Ở đất nước này chúng tôi cũng đóng rất nhiều thuế và phí, chúng tôi không có 911 nhưng chúng tôi có những khẩu AK47.
Một cảm giác ghê tởm và khinh bỉ đến tận cùng!

MỘT CÂU HỎI “VẤN NẠN”

Ông thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội hôm 25.12 cho biết chính quyền xứ ta hiện có 10.000 người (cán bộ chiến sĩ) lập trường cách mạng vững vàng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, làm nhiệm vụ đấu tranh trên mạng, phản bác, đè bẹp các thế lực thù địch lợi dụng internet.
Đội quân hơn 1 sư đoàn này được ông Nghĩa gọi là "lực lượng 47". Còn dân gian gọi nôm na là dư luận viên.
Lại nhớ hồi ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng từng khoe đang nắm cả đội ngũ dư luận viên hùng hậu, sẵn sàng bóp chết các thế lực thù địch. Tất cả những ai nói trái, nghĩ trái với các ông ấy đều là thế lực thù địch. Đầu óc mấy ông tuyên giáo lúc nào cũng nuôi tư tưởng chiến tranh, bạo lực.
Nuôi cả 10.000 người (và chắc chắn hơn thế nữa), chỉ mỗi ông bà ấy nhổ một bãi nước bọt thì mạng cũng đủ ô nhiễm nặng, còn ai dám vào đó làm gì. Tiền chi cho đội quân này chắc cũng hơi nhiều, đồng chí Quang nùn nhỉ.
Tôi thách 10.000 đồng chí trả lời được chính xác cho tôi 2 câu hỏi này (thực ra là một): Tại sao hầu hết những nước phát triển kinh tế tư bản, thể chế dân chủ tư sản lại đều giàu có, thịnh vượng, đời sống vật chất cao, xã hội yên lành, con người hạnh phúc, phát triển không ngừng, thu hút sự quan tâm, học tập của mọi nơi (mà con cái các ông bà cai trị xứ ta đều qua xứ họ du học là một minh chứng)?
Tại sao tất cả những nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, kể từ Liên Xô, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Romania, Cuba, Việt Nam, Triều Tiên, Trung Quốc, Etiopia, Mozambique, Afganistan, Congo, Nicaragua, Venezuela... đều chìm đắm mãi trong nghèo đói, chậm phát triển, nội chiến, xung đột với bên trong và bên ngoài, nợ nần chồng chất, tham nhũng là quốc nạn, lẹt đẹt đi cuối đội ngũ nhân loại, rồi tự tan rã, tự phải chuyển hóa thay đổi (như kiểu Trung Quốc)...?
Gợi ý: Các ông bà có thể tham khảo những quốc gia bị chia cắt thành hai phe như Việt Nam, Đức, Triều Tiên thì coi bên nào đời sống cao, đầy đủ, hạnh phúc hơn.
Thông cào

'LỰC LƯỢNG 47'- HỌ LÀ AI?

 MẠNH KIM/ BVN 29-12-2017

Làm công việc truyền thông nên tôi không thể không quan sát truyền thông mạng và yếu tố “tâm lý truyền thông” của nó. Nếu chịu khó quan sát và đọc ý kiến (comment) trên các trang của một số người có sức ảnh hưởng, sẽ thấy không khó để phân loại các nhóm mạng xã hội và cũng không quá khó để “định vị” được các nhóm tác chiến của “lực lượng 47”.
Cái gọi là “10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng” hẳn nhiên không chỉ là một nhóm “lưu manh” có mỗi nhiệm vụ văng tục bừa bãi. Như được thừa nhận công khai là một tổ chức chuyên nghiệp thì, tương tự “cơ cấu tổ chức” của một bộ máy truyền thống, họ hẳn được chia thành từng nhóm hoặc từng tổ, với mỗi đơn vị được phân công theo dõi một người hoặc một nhóm, nhận nhiệm vụ “tác chiến” trên một hay vài “mặt trận”, hoặc “đồng loạt ra quân” “tổng công kích” vào một thời điểm cụ thể, chẳng hạn sự kiện Biểu tình Cá chết năm 2016.
“Lực lượng 47” không chỉ gồm những kẻ lưu manh vô học. Tôi không nghĩ việc “giữ gìn an ninh nội chính” trên không gian mạng có thể hiệu quả, nếu người ta chỉ tung ra một đám được huấn luyện đánh võ mồm chuyên nghiệp đứng ở bờ đê này chửi với sang bờ bên kia. Đó chỉ là một đám, dù đông nhất nhưng thấp kém nhất, được sử dụng như một lực lượng phản ứng nhanh nhằm chữa cháy cấp thời. Chiến lược của bộ phận an ninh mạng không chỉ là dập đám cháy. Mà là ngăn chặn đám cháy. Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao một chế độ thối nát đang làm tan hoang đất nước mà không thể sụp đổ? Vì họ vẫn còn kiểm soát tốt vấn đề an ninh trong đó có an ninh mạng.
Tôi đã đọc các báo cáo về an ninh mạng trên trang web Bộ Công an. Tôi đã đọc những bài báo về “công tác an ninh mạng trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của thế lực phản động” trên tờ Nhân Dân, Công An Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân. Những cụm từ như “tác động gây phân hóa” đã gợi lên nhiều điều. Làm thế nào để “tác động gây phân hóa”? “Nằm vùng” và “cài cắm” là “nghề” của cộng sản. Những bài học và kinh nghiệm trong lịch sử giành chính quyền của cộng sản cho thấy “nằm vùng”, “địch vận”, “đánh từ trong lòng địch” luôn là những kỹ thuật hữu hiệu để tàn phá và bào mòn sức mạnh đối phương. Bằng “nằm vùng”, người ta có thể gây chia rẽ, gây hiềm khích và gây hoang mang.
Lịch sử giành chính quyền của cộng sản cũng cho thấy yếu tố tâm lý và các thủ thuật sử dụng “tâm lý chiến” là rất quan trọng trong “công tác đấu tranh nhân dân”. Quan sát không gian mạng, sẽ thấy rằng chưa bao giờ cảm xúc được thay bằng lý trí bằng lúc này. Bằng việc kiểm soát và thậm chí “thao túng” cảm xúc, người ta sẽ làm cho nhận thức bị lệch lạc. Khi một vấn đề được suy nghĩ hoặc suy diễn lệch lạc, sẽ có một điểm cộng và một bàn thắng nữa được ghi cho những kẻ không đứng về phe nhân dân nhưng nhân danh “đấu tranh nhân dân”. “Định hướng dư luận” không chỉ là “tuyên truyền đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước”. “Định hướng dư luận” còn là lái dư luận sang những vấn đề vô bổ và tầm phào. Trong một thế giới mạng được khống chế tràn lan bằng cảm xúc, công việc này ngày càng trở nên đơn giản. Xã hội chỉ có thể thay đổi bằng lý trí và nhận thức chứ không thể bằng cảm xúc. Một xã hội cảm xúc là một xã hội bế tắc. Một xã hội bế tắc là một xã hội bất lực, trong khi, nhiệm vụ của “lực lượng an ninh mạng” là triệt tiêu mọi nguồn lực dẫn đến thay đổi.
Tôi tin những kẻ chóp bu chỉ huy “lực lượng 47” là những người được đào tạo bài bản về tâm lý truyền thông và các kỹ thuật sử dụng truyền thông để tác động tâm lý con người. Họ biết đánh vào tính đố kỵ, tính ích kỷ và cái tôi của con người. Họ biết chọn ai để đánh. Chúng ta đang thấy có một sự bơm phồng cá nhân và vuốt ve cá nhân một cách không bình thường. Khi mỗi cá nhân đều được “cộng đồng” nhìn nhận như một “vì sao sáng nhất” thì sẽ chẳng có “tập thể vì sao” nào đủ mạnh để đối phó với chế độ cả. Có bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao một số cá nhân lại được xưng tụng như vậy và những người chen lẫn trong đám khán giả phấn khích vỗ tay cuồng nhiệt này thật sự là ai? Sự xưng tụng cá nhân một cách vô tội vạ, bên cạnh sự bát nháo của cộng đồng được dẫn dắt theo hướng được định sẵn, cuối cùng, mang lại một hậu quả: sự chán nản của thành phần trí thức (tôi muốn nói đến những vị “trí thức tích cực” chứ không phải “trí thức trùm chăn”). Khi trí thức chán nản không lên tiếng, lại một điểm cộng nữa được ghi cho chính quyền.
Tôi không nghĩ sự lộn xộn và hỗn tạp của không gian mạng chỉ xuất phát từ lỗi dân trí thấp mà không hề có tác động của những kẻ giấu mặt đang kéo dân trí đi xuống bờ vực của suy đồi, hoài nghi và nghi kỵ. Càng nghi kỵ càng mất đoàn kết. Càng manh mún càng dễ bị kiểm soát. Một phút giây mất kiểm soát là một tiềm ẩn mất chế độ - chính những người trong hệ thống cầm quyền đã nói đi nói lại điều này.
Tuy nhiên, chẳng có gì là không có mặt trái. Với cách họ làm, những đốm lửa nhỏ vẫn hình thành mỗi ngày. Nó tạo ra sự rạn nứt hơn là xoa dịu xã hội. Nó tạo ra sự chia rẽ cộng đồng hơn là cùng cộng đồng tìm tiếng nói chung cho những thực trạng hiển hiện đến mức gần như không cần phải chứng minh đúng-sai. Nó tạo ra sự bất ổn và hỗn loạn hơn là cùng nhau tìm kiếm giải pháp ôn hòa. Nó tạo ra một xã hội hung hăng và thù địch. Chẳng phải tự nhiên mà xã hội ngày càng bạo lực. Những oán giận của ngày hôm nay sẽ được trả bằng nắm đấm hoặc thậm chí bằng máu của ngày hôm sau. Lịch sử hình thành việc “cướp chính quyền bằng tay nhân dân” của chính cộng sản đã minh chứng điều đó.
Với những người thuộc “lực lượng 47”, không người dân nào biết họ là ai. Nhưng có điều chắc chắn rằng họ là người mang cùng dòng máu dân tộc với tôi. Họ cùng thở bầu không khí như những người Việt khác. Họ ăn hạt cơm và con cá như những người Việt khác trên quê hương này. Họ cùng chịu những ảnh hưởng khủng khiếp của vô số thực trạng mà đất nước đang đương đầu với sự kiệt quệ tột cùng: tham nhũng, ô nhiễm nguồn sống, bất công, bạo quyền…
Họ nghĩ gì cho tương lai con em của họ? Họ vẫn sẽ an tâm khi nhìn con của họ bước vào sân trường mà không biết bữa ăn hôm nay có an toàn hay không? Họ có thể, bằng cách nào đó, thoát khỏi mọi bất an đời sống đang bủa vây họ được không? Tôi không thể biết họ là ai nhưng chắc chắn họ không phải là những người đủ giàu để mua thực phẩm ngoại và đủ tiền để định cư nước ngoài trong một cuộc tháo chạy công khai đang diễn ra. Không biết họ là ai nhưng tôi tin rằng họ là những người ở tầng lớp rất gần với tầng lớp người dân đang cùng chịu ảnh hưởng của một trong những thời khắc bi thảm nhất lịch sử đất nước này. Như những người dân khác, họ cũng đang cùng ngồi trên một con tàu đang chìm.
M.K.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét