Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

20180119. 'THỦ PHẠM' GÂY RA DẠY THÊM ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
THỦ PHẠM KHIẾN DẠY THÊM TRÁI PHÉP, BIẾN TƯỚNG LÀ THÔNG TƯ 17 ?

THUẬN PHƯƠNG /GDVN 16-1-2018


Để né những quy định quản lý nhà nước, có giáo viên bắt tay với các trung tâm để lùa học sinh vào các lớp dạy thêm, ảnh minh họa: VTV.vn
Dạy thêm học thêm tràn lan đã trở thành vấn nạn, biết rồi khổ lắm nói mãi, nhưng vẫn luôn nóng trên các phương tiện truyền thông. Người ủng hộ thì ít, người bức xúc, phản ứng lại quá nhiều. 
Xét về mặt tích cực thì dạy thêm tự nguyện từ 2 phía cũng đã giúp khá nhiều học sinh có lực học yếu, tiếp thu chậm theo kịp các bạn cùng trang lứa để duy trì việc học tập. 
Những học sinh khá trở nên giỏi hơn, các em có học lực giỏi trở thành xuất sắc nhờ được thầy cô giỏi hướng dẫn cho nhiều phương pháp học hay hoặc phù hợp với mình, mà các em không tìm thấy trong chương trình chính khóa. 
Người xưa hay nói “tầm sư học đạo” là tìm thầy, tìm người giỏi để học. Nếu như thầy dạy có tiếng tăm, học sinh khắp nơi sẽ tự tìm đến xin học. 
Học thêm kiểu này có bị lên án? Đương nhiên là không. Bởi trong việc này cả thầy và trò đều hoàn toàn tự nguyện (tự nguyện theo đúng nghĩa của của nó) và xuất phát từ nhu cầu có thực. 
Và thông thường các thày cô dạy giỏi, có thương hiệu thì học sinh trường khác tự tìm đến. 
Nếu chỉ như thế thì học thêm không đáng bị dư luận lên án, bị xã hội tẩy chay như vậy. 
Nhưng trong thực tế hiện nay, thường học sinh đi học thêm lại học chính thầy cô đang giảng dạy mình trên lớp. Trong số những em đi học, có không ít em buộc phải đi dù bản thân không có nhu cầu. 
Và trong số những giáo viên ấy có không ít người đã luôn dùng thủ đoạn để ép buộc học sinh đến lớp học thêm gây nên áp lực mệt mỏi cho các em, gây nên khó khăn về tài chính cho một số gia đình nghèo…
Đã có nhiều công văn, Thông tư, nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng dạy thêm học thêm nhưng dường như mọi nỗ lực đều thất bại. 
Những đứa trẻ phải học miệt mài từ sáng đến đêm, những đứa trẻ ngồi sau lưng mẹ ăn vội để tới lớp, những đứa bé vừa học vừa ngủ gà ngủ gật luôn xuất hiện trên truyền thông đã tố cáo tình trạng học thêm quá tải của các con ở trường. 
Góp phần làm cho dạy thêm mỗi ngày một tràn lan, biến tướng, theo chúng tôi còn có vai trò của Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và đào tạo. 
Một số quy định của Thông tư 17 tạo điều kiện dạy thêm bùng phát
Điều 5. Tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường
1. Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết.
2. Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh.
3. Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
4. Hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm, phân công giáo viên dạy thêm, xếp thời khoá biểu dạy thêm phù hợp với học lực của học sinh.
Tận dụng triệt để quy định của Thông tư và sự tiếp tay của nhà trường
Nói chung 4 điều kiện đưa ra trong Điều 5 của Thông tư 17 đã được giáo viên, được nhà trường vận dụng tối đa và sự biến tướng cũng bắt đầu từ đây.
Ở tiêu chí 1: Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường cha mẹ học sinh có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết.
Vào thanh tra bất kì trường học nào cũng có đầy đủ những lá đơn xin học thêm và chữ kí của phụ huynh. Nếu chiếu theo yêu cầu thì các trường đã thực hiện đúng theo quy định. Vậy tại sao người dân vẫn ca thán?
Vấn đề là nhà trường và chính giáo viên dạy thêm đã tác động trực tiếp đến việc đăng kí học thêm của học sinh để biến “không” thành “có” (không muốn đi học thêm thành có nhu cầu đi học) như nhắc nhở trước lễ chào cờ, thông báo trong buổi họp phụ huynh đầu năm. 
Giáo viên thông báo, tư vấn trước lớp và yêu cầu học sinh viết đơn đăng kí (có trường thầy cô phô tô sẵn để học sinh đưa về cho ba mẹ kí). 
Có giáo viên còn tác động đến các em bằng lời nói (chì chiết, bóng gió, nói khích…), đã hành xử với các em bằng việc làm (gọi lên bảng thường xuyên, cho điểm gắt gao…), bằng thái độ không thân thiện... 
Vậy nên trò đành “tự nguyện” đăng kí học thêm (đôi khi không có nhu cầu) để được yên thân.
Những tiêu chí còn lại trong Điều 5 giao cho hiệu trưởng toàn quyền quyết định xét duyệt danh sách giáo viên xin dạy thêm, xét đơn xin học thêm của trò…
Việc xét duyệt của hiệu trưởng dễ đến nỗi bất kì giáo viên dạy (môn có thể học thêm) là đều có thể được duyệt. 
Các trường mà cụ thể là Ban Giám hiệu đều lờ đi quy định ở điều này “tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh”. 
Hầu như trường nào cũng xếp giáo viên dạy ngay chính những học sinh học chính khóa của mình mà không thể xếp nhóm dạy theo trình độ vì như thế mới thu hút được lượng học sinh đến lớp học thêm đông. 
Có ai đặt câu hỏi, vì sao hiệu trưởng lại dễ dàng trong việc tổ chức dạy thêm như thế?
Do có quy định ở điều 5 của Thông tư 17 hầu như trường học nào cũng tổ chức hình thức dạy thêm công khai trong trường học như thế. Một hình thức dạy thêm núp bóng nhà trường khá hiệu quả. 
Nhiều trường tận dụng triệt để quy định này để tổ chức dạy thêm. Dạy thêm trong nhà trường mang đến khá nhiều điều lợi cho nhiều cá nhân. 
Do có lợi ích nhóm nên việc dạy thêm trong nhà trường được một số giáo viên và Ban Giám hiệu ủng hộ tuyệt đối. 
Ban Giám hiệu, bảo vệ, kế toán, thủ quỹ đều được “thơm lây” khi nhà trường tổ chức dạy thêm, 20% số tiền trích lại được chia cho Ban Giám hiệu từ 10-15%, các bộ phận khác 5-10%.
Số lượng học sinh đăng kí càng nhiều số tiền thu được càng cao và phần trăm trích lại càng lớn. Thế nên có khá nhiều người giúp sức nên số lượng học sinh buộc phải đăng kí đi học thêm khá đông.
Chỉ mới điều 5 trong Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT đã bộc lộ khá nhiều bất cập về dạy thêm trong nhà trường hiện nay, góp phần làm cho tình trạng dạy thêm học thêm vẫn luôn tồn tại. 
Bài viết sau chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập tới một số bất cập khác của Thông tư.
Thuận Phương
BỎ THÔNG TƯ 17/2012/ TT-BGDĐT MỚI NGĂN ĐƯỢC DẠY THÊM BIẾN TƯỚNG, TRÁI PHÉP

THUẬN PHƯƠNG /GDVN 17-1-2018
Ở bài viết trước, chúng tôi đã phân tích Điều 5 của Thông tư 17 về quy định dạy thêm trong nhà trường. Có thể nói vì có quy định này nên nhiều trường học đã công khai tổ chức dạy thêm một cách hợp pháp. 
Thực sự bên trong những lớp học thêm ấy chẳng có bao nhiêu phần trăm học sinh tự nguyện theo học đúng nghĩa. 
Bởi lẽ quy luật của thặng dư, của lợi nhuận đã và đang lái các nhà trường, thầy cô vào vòng xoáy kiếm tiền từ dạy thêm học sinh chính khóa, buổi 2.
Nhà trường được phép dạy thêm trong trường, bên ngoài giáo viên cũng được phép dạy thêm, bảo sao dạy thêm không loạn và chẳng thể nào chấm dứt được?
Hãy xem Điều 6 trong Thông tư 17 quy định thế nào?
Điều 6. Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm:
1. Cam kết với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm.
2. Công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm:
a) Giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm;
b) Danh sách người dạy thêm;
c) Thời khóa biểu dạy thêm, học thêm;
d) Mức thu tiền học thêm.
Giáo viên tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường được quy định phải có giấy phép dạy thêm. 
Giấy phép này có thể do Giám đốc sở Giáo dục hoặc Trưởng phòng Giáo dục huyện thị (sau khi được ủy quyền của Chủ tịch tỉnh và huyện thị) cấp. 
Để có giấy phép dạy thêm lại chẳng hề khó khăn gì. Bất kể ai là giáo viên nếu muốn xin giấy phép dạy thêm đều có đủ quy định theo đúng yêu cầu của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. 
Cụ thể: 
1. Đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục.
2. Có đủ sức khoẻ.
3. Có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật; hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại cơ quan công tác.
4. Không trong thời gian bị kỉ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.
5. Được thủ trưởng cơ quan quản lý hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận các nội dung quy định tại khoản 3, khoản 4 điều này (đối với người dạy thêm ngoài nhà trường); 
Được thủ trưởng cơ quan quản lý cho phép theo quy định tại điểm b, khoản 4, điều 4 quy định này (đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập).
Khi có đủ điều kiện, giáo viên làm đơn xin được cấp giấy phép. 
Thường thì, xin được giấy phép này chẳng khó khăn gì (vì ai chẳng đủ điều kiện). Thế là có “bảo bối” trong tay, giáo viên tha hồ chiêu sinh, tha hồ dạy.
Và cuộc cạnh tranh “thị phần” cũng diễn ra ngầm trong giới những người dạy thêm. 
Cạnh tranh “lành mạnh” thì thầy cô phải nỗ lực trau dồi kiến thức, phương pháp giảng dạy để làm sao truyền thụ cho học sinh dễ hiểu nhất, giúp các em học ngày một tốt. 
Từ đó, uy tín thầy cô ngày một nâng lên và sẽ là lực hút học sinh tìm đến học thêm với mình. 
Cách tạo uy tín, tạo thương hiệu như thế thì lâu bền nhưng phải cần thời gian kiểm chứng. Thế nên có khá nhiều thầy cô chọn cách làm xổi, nhanh chóng đó là kiểu cạnh tranh ‘không lành mạnh”. 
Cạnh tranh kiểu này, chủ yếu là dùng thủ đoạn o ép, bắt buộc học sinh dù không muốn cũng phải đi học thêm với mình. 
Khó kiểm soát hoạt động dạy thêm có tổ chức, kiếm tiền trên lưng học sinh
Mặc dù Thông tư 17 quy định khá rõ các trường hợp không được dạy thêm như:
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Thế nhưng ai kiểm soát điều này? 
Ngoài những giáo viên dạy bậc tiểu học phải dạy thêm trái phép (vì không ai cấp phép do các trường tiểu học đang dạy 2 buổi/ngày) thì đa phần giáo viên khi có giấy phép dạy thêm (trung học cơ sở, trung học phổ thông) dạy thêm chính học trò mình trên lớp chứ dạy ai? 
Trong thực tế, học sinh tự tìm đến thầy cô (không dạy mình trên lớp) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ cứ dạy và chẳng ai kiểm tra. 
Những lần thanh kiểm tra của cấp trên xuống cơ sở, chẳng hiểu vì sao nhiều thầy cô giáo đều biết trước. Thế là họ thường chọn giải pháp cho học sinh nghỉ học vài hôm cho an toàn. 
Phần khác vẫn dạy nhưng thanh tra cũng chỉ “thanh” cơ sở vật chất, giấy tờ gồm giấy phép và danh sách học sinh (thường thì danh sách này đã được làm giả như ghi tên học sinh đang học lớp khác để hợp thức hóa giấy tờ). 
Thanh nhưng không “tra” trực tiếp các em (có thể không lường tới hoặc vì gì đó mà thanh tra vui vẻ bỏ qua) nên danh sách một tên mà người học một nẻo cũng chẳng thể lộ ra.
Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT còn quy định “giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”
Có thể nói các trung tâm dạy thêm hiện nay đều do chính giáo viên đang giảng dạy trong các trường công lập làm chủ. 
Có điều họ biết lách quy định “không tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường” và tận dụng quy định “có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường” bằng cách thuê bằng của những thầy cô về hưu mở trung tâm và chính mình là chủ ngầm.
Thế là sáng dạy trên trường, chiều hoặc tối đến trung tâm dạy thêm nhưng thực chất đó là sự bắt tay ăn chia giữa chủ trung tâm dạy thêm và chính giáo viên ấy. 
Bên có mặt bằng, giấy phép, bên lại có học sinh. Chính thầy cô này đã kéo học sinh của mình về nơi này dạy. 
Vì thế tỷ lệ ăn chia là 80% cho giáo viên và 20% cho trung tâm dạy thêm. Có giáo viên hưởng trọn 100% vì chủ trung tâm và người dạy là một.
Sau Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, các tỉnh thành trong cả nước đều đồng loạt ra công văn chỉ đạo rồi chấn chỉnh. 
Thế nhưng tình trạng dạy thêm vẫn không thể chấm dứt do những quy định được phân tích ở trên. 
Bởi thế, bãi bỏ Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT và cấm nhà trường tổ chức dạy thêm trong trường, cấm giáo viên đang giảng dạy ở các trường công lập không được phép dạy thêm dưới mọi hình thức thì tình trạng dạy thêm sẽ bớt tràn lan như hiện nay. 
Đồng thời, các trường học sẽ tổ chức các buổi phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi mà thù lao cho những tiết dạy này được tính như một tiết dạy phụ trội.
Tất nhiên để ngăn chặn triệt để tệ nạn lùa học sinh chính khóa vào lớp dạy thêm để kiếm tiền, ngoài giải pháp trước mắt bỏ Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT thì giải pháp lâu dài là phải làm một cuộc cách mạng giáo dục với 3 trục chính:
Một là dạy thật, học thật và thi nghiêm và thầy - trò được chủ động chọn nguồn học liệu, phương pháp dạy - học.
Hai là giải phóng giáo viên khỏi sổ sách hành chính, các cuộc thi vô bổ và các phong trào thi đua.
Ba là cải cách quản trị giáo dục và chế độ lương - thu nhập cho nhà giáo.
Đồng tiền có sức mạnh ma mị, chúng tôi xin nhắc lại một lý luận kinh điển mà mình được học về quy luật của lợi nhuận.
Trong bộ Tư bản, Các Mác đã dẫn lại lời của nhà kinh tế học T.J.Dunning rằng:
"Được đảm bảo 10% lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được; 
Được 20% thì họ hoạt bát hẳn lên; được 50% thì họ trở nên thật sự táo bạo, được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người;
Được 300% thì không còn tội ác nào mà họ không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ.” [1]
Hy vọng các nhà hoạch định chính sách giáo dục nhận ra bất cập này và có quyết định sáng suốt, bỏ Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, đồng thời đẩy mạnh đẩy đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục một cách thực sự khoa học, khách quan, cầu thị và lấy hiệu quả làm thước đo.
Tài liệu tham khảo:
[1]C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, tập 23, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, trang 1056.
Thuận Phương
THÔNG TƯ 17 ĐANG TIẾP SỨC , TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRUNG TÂM DẠY THÊM NỞ RỘ

THUẬN PHƯƠNG /GDVN 18-1-2018
Những lớp dạy thêm tại nhà hay ở trung tâm như thế này khá phổ biến tại thành phố Hồ Chí Minh, ảnh minh họa, nguồn: Đào Ngọc Thạch / Báo Thanh Niên.
Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định việc mở trung tâm dạy thêm khá thoáng. Vì thế người người đua nhau mở trung tâm dạy thêm để kiếm tiền hợp pháp. 
Chỉ một huyện thị nhỏ nơi chúng tôi công tác nhưng có tới vài chục cái trung tâm dạy thêm, trung tâm bồi dưỡng văn hóa. 
Mỗi ngày có hàng ngàn học sinh phải đến các trung tâm này hỏi sao nạn dạy thêm không thể nào chấm dứt được?
Những quy định cho có
"Điều 13. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
1. Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm lập hồ sơ cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định tại điều 12 quy định này; 
(Điều 12 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm
1. Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường:
a) Tờ trình xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm;
b) Danh sách trích ngang người đăng ký dạy thêm đảm bảo các yêu cầu tại điều 8 quy định này.
c) Bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm; địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm; mức thu và phương án chi tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm.
2. Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường:
a) Đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, trong đó cam kết với Uỷ ban nhân dân cấp xã về thực hiện các quy định tại khoản 1, điều 6 quy định này;
b) Danh sách trích ngang người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
c) Đơn xin dạy thêm có dán ảnh của người đăng ký dạy thêm và có xác nhận theo quy định tại khoản 5, điều 8 quy định này;
d) Bản sao hợp lệ giấy tờ xác định trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
đ) Giấy khám sức khoẻ do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp cho người tổ chức dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
e) Bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm, địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm, mức thu tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm).
Gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
2. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm tiến hành thẩm định hồ sơ, kiểm tra địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc trả lời không đồng ý cho tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm bằng văn bản."
Nhờ những quy định thoáng thế này nên việc mở một trung tâm dạy thêm chẳng khó gì. Giáo viên chỉ cần có căn nhà, có vài phòng rộng rãi là có thể đăng kí làm trung tâm dạy thêm.
Điều 4 trong Thông tư quy định:
“Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường…”. 
Nếu quy định thế này thì sẽ không xảy ra tình trạng các trung tâm dạy thêm mọc lên như nấm và tình trạng dạy thêm sẽ không tràn lan, biến tướng như hiện nay. 
Nhưng Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT lại mở thêm cho giáo viên một “con đường tơ lụa” sáng lạn sau quy định ấy “… có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”
Có thể hiểu thế này “giáo viên đang dạy trong các trường công lập sẽ không được tổ chức dạy thêm bên ngoài (không được thành lập trung tâm dạy thêm, trung tâm bồi dưỡng kiến thức” nhưng vẫn được tham gia dạy thêm ở những trung tâm ấy. 
Lợi dụng điều này khá nhiều giáo viên ở hai bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông (chủ yếu giáo viên giảng dạy các môn có thể đi học thêm) xin giấy phép thành lập trung tâm nhưng thuê người khác đứng tên. 
Theo lẽ thường, trung tâm dạy thêm sẽ chiêu sinh và mở lớp rồi hợp đồng giáo viên giỏi, giáo viên uy tín trong vùng tới giảng dạy. Trung tâm sẽ thu tiền và trả lương cho họ thì các trung tâm này chủ yếu “tự phục vụ”. 
Giáo viên tự chiêu sinh học trò trên trường đưa về trung tâm dạy, ai chiêu sinh được nhiều thì hưởng nhiều và trích % thỏa thuận cho trung tâm. Tùy từng trung tâm quy định để % trích lại dao động từ 10-20%. 
Để thu hút học sinh trong trường mình đến học nhiều, giáo viên đã phải ngầm cạnh tranh với nhau. 
Vì đồng tiền, tình đồng nghiệp cũng bị đặt sang một bên. Người này nói xấu, hạ uy tín người kia trước mặt học sinh. 
Đã có những giáo viên thẳng từng chê bai đồng nghiệp cùng dạy chung môn với mình trước mặt học sinh: “Cô (thầy) ấy chỉ dạy đại trà làm gì có khả năng dạy nâng cao?” 
Rồi những pha chiêu dụ trò được tung ra nhưng bao giờ phần thắng cũng thuộc về trung tâm của tổ trưởng chuyên môn và Ban Giám hiệu (hiệu trưởng, hiệu phó cũng có trung tâm riêng) nhà trường. 
Nói các trung tâm dạy thêm của tổ trưởng, ban giám hiệu thắng áp đảo vì họ là người biết trước đề kiểm tra một tiết, đề thi giữa và cuối kì sẽ ra thế nào. 
Một trường trung học phổ thông huyện nơi chúng tôi dạy, trung tâm dạy thêm của thầy hiệu phó, thầy tổ trưởng tổ Toán và cô tổ trưởng Anh văn bao giờ cũng đông nghẹt học sinh tới học. 
Có em học quanh năm nhưng khá nhiều em học thời vụ vì các em bật mí: “Con chỉ đi học thời gian gần thi để làm bài cho tốt, chứ học thêm cả năm nhà con không có điều kiện”.
Thanh kiểm tra kiểu ‘cưỡi ngựa xem hoa”
Điều 20 có quy định rõ việc thanh kiểm tra:

Một lá đơn kêu cứu của phụ huynh học sinh có con không đi học thêm bị giáo viên trù dập, ảnh: Giaoduc.net.vn.
“Quản lý, lưu giữ và xuất trình khi được thanh tra, kiểm tra hồ sơ dạy thêm, học thêm bao gồm: 
Hồ sơ cấp giấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; danh sách người học thêm; thời khóa biểu dạy thêm; đơn xin học thêm, hồ sơ tài chính theo quy định hiện hành”.
Thế nhưng khi kiểm tra người ta chỉ chú trọng đến hồ sơ sổ sách như có giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm không?
Danh sách người dạy thêm, thời khóa biểu, đơn xin học thêm, hồ sơ tài chính theo quy định hiện hành mà quên (hoặc cố tình quên) khâu quan trọng nhất đó là danh sách người học thêm. 
Bởi lấy danh sách này đối chiếu với danh sách học sinh trong trường sẽ biết ngay chính giáo viên đang vi phạm quy định của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT là dạy chính học sinh của mình trên lớp. 
Chỉ vi phạm quy định này cũng đủ ra quyết định đình chỉ việc dạy thêm của trung tâm và của chính giáo viên. 
Thế nhưng chẳng hiểu sao chưa bao giờ các trung tâm để xảy ra chuyện này mặc dù những trung tâm này hầu như toàn dạy học sinh của chính những giáo viên đang dạy ở đây. 
Sự dễ dãi của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT và sự buông lỏng của các cấp quản lý địa phương đã góp phần hợp thức hóa dạy thêm trái phép thành dạy thêm hợp pháp. 
Vì thế dù có bao nhiêu công văn, văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh thì tình trạng dạy thêm học thêm vẫn “vững như kiềng ba chân”. 
Thế nên chúng tôi thiết nghĩ, bỏ Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, cấm giáo viên đang hưởng lương từ ngân sách không được dạy thêm là biện pháp duy nhất chấn chỉnh tình trạng dạy học thêm tràn lan như hiện nay.
Thuận Phương
DẠY THÊM CHÍNH KHÓA TRÀN LAN VÌ MIẾN NGON KHÓ BỎ, CẦN LIỀU THUỐC CỰC MẠNH
NGUYỄN CAO /GDVN 19-1-2018
Điều chúng tôi khẳng định ngay đầu bài viết này là học thêm không xấu và phần lớn giáo viên hiện nay không tham gia dạy thêm.
Cái xấu chính là bức tranh học thêm hỗn độn trong hàng chục năm qua khi một số trường, một số thầy cô đã “đồng lòng” mở các lớp dạy thêm ở nhà trường, ở nhà mình và thu tiền của học sinh một cách cắt cổ.
Nhiều nhà trường đã áp dụng nhiều chiêu trò, vỏ bọc khác nhau để được tổ chức dạy thêm với một mục đích duy nhất là kiếm thêm thu nhập cho thầy cô, cho nhà trường.
Vậy, vì sao mà nhiều học sinh phải học thêm, nhiều trường bắt buộc tất cả học sinh phải thêm thêm ở trường? Theo chúng tôi có những nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, sách giáo khoa hiện hành quá nặng.
Sau những tiếng kêu than của giáo viên, phụ huynh thì Bộ đã có nhiều lần ra công văn giảm tải nội dung sách nhưng vẫn nặng, vẫn có vô vàn những kiến thức khó.
Nếu học sinh chỉ học chính khóa thì chỉ được học một cách qua loa về lí thuyết bài học. Phần bài tập không thể nào làm được trên lớp một cách thấu đáo.
Vì vậy, phần lớn các giờ học, giáo viên cố gắng lắm cũng chỉ có thể giải được một vài bài tập trong sách giáo khoa.
Thứ hai, giáo dục nước ta còn quá nặng về kiểm tra, thi cử học thuộc.
Mỗi môn học trong một học kì có vài bài kiểm tra, có những môn như môn Văn cấp trung học cơ sở đang có hơn 10 bài kiểm tra cả định kì và thường xuyên theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở của Bộ giáo dục - Đào tạo.
Khi thi chuyển hoặc xét chuyển cấp thì nhiều trường có tính cạnh tranh cao. Tỉnh nào cũng có trường chuyên, huyện nào cũng có trường điểm.
Vì thế, khi các em còn học tiểu học đã phải học thêm để học bạ “đẹp”, phải tham gia nhiều cuộc thi để lấy thành tích làm tiêu chí phụ khi tham gia xét tuyển vào các trường lớn, trường chuẩn quốc gia.
Học xong lớp 9, lại một cuộc cạnh tranh gay gắt vào lớp 10 - đây là kì thi có tính cạnh tranh khốc liệt nhất trong hàng chục năm qua.
Chỉ tiêu trường chuyên, trường lớn thì có hạn nên học sinh phải học ngày, học đêm để có thể cạnh tranh được một suất ở các trường này. Khi xong lớp 12 lại thêm một kì thi lịch sử nữa là kì thi trung học phổ thông Quốc gia.
Những năm gần đây, sinh viên ra trường không có việc làm nên phụ huynh, học sinh luôn định hướng vào các trường đại học sau này không phải xin việc hoặc nhu cầu công việc lớn như: Quân đội, Công an, Y và một số trường kinh tế uy tín…
Ra trường, các cơ quan nhà nước luôn đòi hỏi phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo tiêu chí vị trí tuyển dụng, thành ra học sinh cấp nào cũng phải học thêm như là một nhu cầu tất yếu.
Thứ ba, việc dạy thêm đem lại nguồn thu nhập rất lớn cho những giáo viên đang tham gia giảng dạy và các lãnh đạo trực tiếp, gián tiếp của nhà trường, nhất là đối với khối trung học phổ thông thì gần như trường nào cũng đều tổ chức dạy thêm cả 3 khối lớp.
Nhiều ban giám hiệu chỉ cần làm cái kế hoạch dạy thêm hoặc kế hoạch ôn thi học sinh cuối cấp là cuối năm học, cuối đợt ôn thi đã được hưởng một số tiền rất lớn. Những trường có nhiều lớp thì khoản thu này còn cao hơn rất nhiều lương chính mà ngân sách nhà nước đang trả.
Bởi đa phần là giáo viên giảng dạy được chi khoảng 60-70 % số tiền thu của học sinh.
Số tiền còn lại là ban giám hiệu hưởng phần lớn, ngoài ra chi cho giáo viên chủ nhiệm, kế toán nhưng chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ và giữ lại trả tiền điện nước và bảo trì cơ sở vật chất (nhưng thực chất thì tiền điện nước hay cơ sở vật chất hư hao vẫn trả bằng tiền kinh phí của đơn vị).
Những ngày cuối cùng của năm 2017, báo chí đã đề cập đến hiện tượng ngồi mát ăn bát vàng của lãnh đạo ngành giáo dục Bình Phước.
Chỉ riêng Trường trung học phổ thông Bình Long trong năm học 2015-2016 đã: chi phí cho công tác “quản lý” tại trường lên tới hơn 243 triệu. Số tiền này, ngoài các giáo viên chủ nhiệm được hưởng, là Ban giám hiệu chia nhau. 
Không chỉ lãnh đạo nhà trường hưởng mà ngay cả lãnh đạo sở giáo dục của một số địa phương cũng hưởng, bằng cách ra quy định thu phí “cấp phép dạy thêm” hay phí “quản lý dạy thêm”, với mức thu từ 2-5% trên tổng số tiền thu được.
Ví dụ như Bình Phước, Quảng Bình, Quảng Trị…đã được truyền thông phản ánh. 
Chỉ riêng, Trường trung học phổ thông Bình Long trong năm 2015-2016 đã trích nộp số tiền hơn 60 triệu (tương ứng 3%).
Như vậy, chỉ trên con số ta đã nhẩm tính ra việc tổ chức dạy thêm của nhà trường này trong một năm ít nhất đã thu của học sinh 2 tỉ đồng.
Và cũng từ số liệu 1 trường đã nộp cho Sở Giáo dục và Đào tạo đến 60 triệu đồng thì toàn tỉnh Bình Phước có hơn 30 trường trung học phổ thông, số tiền “cấp phép” và “quản lý” của Sở giáo dục thu về sẽ ra một nguồn lợi từ trên lưng cha mẹ học sinh rớt xuống thật khổng lồ.
Thứ tư, công tác giảng dạy học sinh trên lớp của một bộ phận thầy cô hiện nay còn phân biệt, đối xử với những em học thêm và những em không học thêm nên nhiều học sinh dù không muốn học nhưng cũng đành miễn cưỡng theo thầy cho yên chuyện.
Nguyên nhân, có lẽ sẽ còn rất nhiều mà người viết bài này không muốn kể thêm nữa, càng kể, càng khiến phụ huynh đau lòng và bất bình.
Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng việc Bộ hay một số địa phương cấm dạy thêm cũng chỉ là chuyện làm cho vui và trấn an dư luận trong từng thời điểm nhất định mà thôi.
Mấu chốt của vấn đề dạy thêm, học thêm là sách giáo khoa, là thi cử và lợi nhuận của nhiều người. Vậy nên, chúng tôi đưa ra một số đề xuất sau:
Thứ nhất, sách giáo khoa mới trong những năm tới đây cần phải có sự tham gia của các nhà giáo đang giảng dạy tại các trường phổ thông tham gia viết sách.
Chứ Bộ cứ nhìn xem, nhìn lại trong mấy lần thay sách vừa qua chỉ toàn là nhà khoa học ở các trường đại học, học viện viết.
Chúng tôi không nghi ngờ khả năng, trình độ của các thầy.
Nhưng vì các thầy chuyên dạy sinh viên đại học, cao học mà lại là dạy chuyên ngành nữa nên không thể nắm bắt được trình độ thực tế của học sinh phổ thông.
Các em không phải siêu nhân, học phổ thông không phải nghiên cứu khoa học chuyên ngành.
Vì thế, sách giáo khoa phần lớn không sát với thực tế học sinh và giáo dục phổ thông. Vậy nên, vấn đề cơ bản nhất là sách giáo khoa mới tới đây cần nhẹ nhàng, cơ bản và thiết thực.
Thứ hai, cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII bỏ trường chuyên lớp chọn.
Đồng thời nên bỏ các tiêu chí trường chuẩn quốc gia, trường điểm cao chót vót như hiện nay. Chỉ có tiêu chí và công cụ đánh giá được việc dạy thật, học thật mới mong đo lường chính xác chất lượng giáo dục phổ thông.
Chính trường chuyên, lớp chọn, trường điểm, trường chuẩn quốc gia đang làm méo mó nền giáo dục phổ thông của chúng ta, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Đơn giản là vì chúng tạo ra các cuộc đua khốc liệt, bởi con gà tức nhau tiếng gáy.
Càng đầu tư nhiều càng tạo ra sự bất công bằng với những trường cùng cấp học trong cùng một địa bàn và vấn nạn học thêm càng không giảm bớt được.
Thứ ba, cấm tuyệt đối dạy thêm học sinh chính khóa lấy tiền, cấm tuyệt đối các sở, phòng giáo dục và nhà trường thu phí "cấp phép" hay "quản lý" dạy thêm.
Ngày nào còn % hoa hồng cho lãnh đạo nhà trường, phòng và sở giáo dục, thì ngày đó chống dạy thêm bất hợp pháp sẽ chỉ như bắt cóc bỏ đĩa.
Thứ tư, trong khi kêu gọi chính bản thân mỗi thầy cô giáo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, có thái độ, cách ứng xử công bằng với học sinh trong giảng dạy, đánh giá kết quả học tập, thi cử của học sinh công bằng; cần xây dựng tiêu chí để học sinh, cha mẹ học sinh đánh giá thái độ và chất lượng hoàn thành công việc của giáo viên.
Suy cho cùng, chỉ người sử dụng dịch vụ mới đánh giá chính xác chất lượng và thái độ người cung cấp dịch vụ.
Muốn biết bát phở ngon hay không, hỏi người ăn hay hỏi chủ tịch phường? Chủ tịch quận? Giáo dục cũng vậy, đừng hỏi cơ quan quản lý giáo dục hay chính quyền địa phương, hãy hỏi chính học sinh và cha mẹ học sinh.
Và chỉ cần thế thôi thì nhiều thầy cô không dạy thêm cũng đỡ phải chạnh lòng, phụ huynh cũng không phải hàng ngày đóng góp quá nhiều tiền học thêm cho con em mình.
Điều quan trọng nhất là các em học sinh có một tuổi thơ đúng nghĩa, có những bài học hay, bổ ích để bước vào đời.
Nguyễn Cao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét