Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

20200225. ĐA CHIỀU VỀ EVFTA VÀ EVIPA

ĐIỂM BÁO MẠNG
EVFTA: BẤT ĐỒNG Ý KIẾN TRONG DÂN CHỦ 

THỤC QUYÊN/ RFA/ BVN 24-2-2020

Ngày 12/2/2020 Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, với đa số ủng hộ là  401 phiếu, 192 phiếu chống, và 40 phiếu trắng. Thể hiện giá trị cốt lõi của dân chủ là trước cuộc bầu cử, đôi bên đã có không gian và thời gian để lên tiếng trình bày quan điểm của mình, đôi bên ít nhiều phải lắng nghe nhau.
Quan trọng hơn hết, những tổ chức bảo vệ nhân quyền và những tổ chức xã hội dân sự giữ một chỗ đứng nhất định trong cuộc tranh cãi, để bảo vệ những giá trị cơ bản của con người, sự công bằng trong xã hội, bằng cách lên tiếng thay mặt những người yếu thế, những nạn nhân không có tiếng nói. Mạng xã hội tự do đã cho người dân lưu tâm đến vấn đề có cơ hội trao đổi với nhau và cả với các chính trị gia, các dân biểu. Nhiều dân biểu Âu châu cũng lên mạng tranh cãi thẳng với người dân, thu thập ý kiến, hoặc tự biện hộ.
Những tổ chức bảo vệ Nhân quyền và XHDS  đã lên tiếng
Khác với mức tham dự rầm rộ của các tổ chức XHDS và các tổ chức lao động, quốc tế cũng như Âu châu, trong thời gian hình thành CETA giữa EU và Canada, hay TTIP giữa EU và Mỹ (đưa tới CETA được Nghị viện phê chuẩn và TTIP bị đình chỉ và bãi bỏ), những  tổ chức này có mặt rất yếu ớt cho EVFTA/IPA cho tới khi 2 hiệp định này đã được EU và VN ký kết, chỉ còn chờ Nghị viện ÂC phê chuẩn. Lý do là họ còn xa lạ với Việt Nam (so sánh với Mỹ và Canada) vì không có liên lạc với những tổ chức XHDS Việt Nam mà hiện đang trong tình trạng rất èo uột.
Cuối cùng, sát ngày phê chuẩn, nhìn ra những ảnh hưởng tương tác đôi bên, họ mới thấy cần phải lên tiếng.
1/ Tham dự từ sớm là các tổ chức bảo vệ Nhân quyền
- Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) đã đưa đơn khiếu nại trước bà O'Reilly, Thanh tra Liên Minh Âu châu, vì lý do Ủy ban Âu châu đã không tiến hành đánh giá tác động nhân quyền trong bối cảnh đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam.
Phán quyết của bà Thanh tra ngày 26/02/2016 rằng đây là một sai phạm quản lý nghiêm trọng, bị Ủy ban Âu châu lấy cớ cuộc đàm phán đã đi quá xa để không thực hiện được, và họ đã có tham khảo ý kiến của một vài tổ chức phi chính phủ.
này cho thấy Ủy ban Âu châu cố tình lơ là vấn đề Nhân quyền và những tổ chức bảo vệ Nhân quyền đã vào cuộc tương đối trễ. Vào thời điểm này, ngoại trừ FIDH và VCHR, phía bảo vệ Nhân quyền chưa có sự theo dõi nghiên cứu chương trình làm việc của Ủy ban Âu châu hữu hiệu để đưa ra những đòi hỏi chính xác.
Phán quyết của bà Thanh tra không hiệu quả cho thấy không có ràng buộc pháp lý hay kinh tế, thì phe phạm lỗi không bao giờ chịu sửa đổi trước những lời cảnh cáo suông.
- Những tổ chức chức nhân quyền quốc tế (thí dụ như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW, VCHR, VETO!)  và một số tổ chức XHDS Việt Nam tại hải ngoại và trong nước đã bền bỉ đưa tin tức về những tù nhân lương tâm cho Nghị viện Âu châu xin can thiệp, đưa đến nhiều nghị quyết của Nghị viện (nhiệm kỳ 8) đòi trả tự do cho những người này.
Tuy cả 8 cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU và VN xảy ra mỗi năm một lần đều có nhắc tới tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng của VN nhưng chỉ là lấy lệ, và một số nhà hoạt động trong nước đã từng được mời tới gặp Ủy ban Liên minh Âu châu cũng chưa từng lên tiếng phê bình những cuộc gặp gỡ vô bổ này.
Tình trạng này có thể được cắt nghĩa vì các nhà hoạt động trong nước nhìn Ủy ban Âu châu là nơi ban bố, giúp đỡ. Cũng có người nhìn rõ mình bị lạm dụng nhưng không thể lên tiếng (TS Phạm chí Dũng đã bị bắt sau khi vừa lên tiếng).  Trong khi đó, những tổ chức nhân quyền quốc tế nắm vị thế đòi hỏi Liên minh Âu châu một khi đã đưa những giá trị đạo đức phổ quát vào nền tảng của những hiệp định thương mại thì phải hoàn thành trách nhiệm bảo vệ những giá trị này.
- Tổ chức VETO! đặc biệt đưa ra những đề nghị cụ thể với Nghị viện Âu châu nhiệm kỳ 8 để hỗ trợ việc thực hiện các khía cạnh NQ trong mục tiêu của EVFTA (1).
Sau cuộc bầu cử Nghị viện nhiệm kỳ 9, tổ chức VETO! đã được mời đến điều trần trước Tiểu ban Nhân quyền.
Vì phía Việt Nam không có hành động nào cụ thể đáp ứng những đòi hỏi về nhân quyền, Nghị viện Âu châu nhiệm kỳ 8 đã đình trệ tiến trình phê chuẩn EVFTA và hiệp định đã không được phê chuẩn trong nhiệm kỳ 8 Nghị viện như mong đợi.
2/ Các tổ chức XHDS quốc tế vào cuộc
Ngày 9/02/2020, chỉ một ngày trước bầu cử, 68 tổ chức XHDS Âu châu mới vào cuộc gửi thư thúc dục Nghị viện Âu châu không chấp thuận phê chuẩn EVFTA/IPA.
Trong tuyên bố chung, 68 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Attac, Friends of Earth, Foodwatch, Emmaus International, Global Campaign to Reclaim Peoples Sovereignty, Dismantle Corporate Power and Stop Impunity..., nhận định EVFTA không đáp ứng rất nhiều vấn đề như giải quyết bất bình đẳng quyền lợi giữa đôi bên ký kết, bảo vệ công nhân, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu…, cũng như thiếu những ràng buộc pháp lý rõ ràng và cần thiết. Ngoài ra Việt Nam là một nước độc đảng, không tôn trọng những quyền tự do dân sự (tự do ngôn luận, báo chí, lập hội...), không có một ngành tư pháp độc lập, nên không thể thích hợp với tự do thương mại. Một phần vì thời gian tính, thư đã không kịp gây ảnh hưởng trên sự quyết định của các dân biểu.
Trước sự phản đối đồng loạt của gần 100 tổ chức bảo vệ nhân quyền và XHDS, với những lý do đa dạng và chính đáng, dân biểu thuộc hai nhóm đảng Xanh/ Liên minh Tự do châu Âu (Verts/ALE) và Cánh tả châu Âu Thống Nhất (GUE) xin tạm hoãn cuộc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận để Nghị viện mới nhiệm kỳ 9 có thêm thời gian xem xét.
Đề nghị này đã bị phe đa số bác bỏ, với lý do Việt Nam đã đáp ứng phần nào một số điều kiện EU đặt ra dựa trên những phê bình, phản đối của các tổ chức bảo vệ nhân quyền.
Tuy vậy, trong tương lai, những thiếu sót của EVFTA do các tổ chức bảo vệ nhân quyền và XHDS quốc tế nêu ra, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để là nền tảng cho Nghị viện Âu châu theo dõi và kiểm soát khi EVFTA đi vào hoạt động.
T.Q.
Tác giả gửi BVN

EVFTA VÀ TƯƠNG LAI VIỆT NAM

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ BVN 22-2-2020

Hôm nọ mình đã định viết về đề tài này, nhưng chưa kịp viết thì đã thấy anh Lê Công Định, một chuyên gia về luật quốc tế, đã viết tương đối đầy đủ, như ảnh đính kèm. Bài viết của anh cho thấy một không khí lạc quan tràn ngập! Về cơ bản, mình cũng có suy nghĩ giống anh Định, nhưng không hoàn toàn lạc quan như vậy. Vì thế, stt này mình sẽ bổ sung những nội dung cần phải xem xét, không hẳn là bi quan mà chỉ là không lạc quan tếu.
Cây gậy và củ cà rốt
Nhìn lại cách đối xử của Mỹ và TQ để có thể thấy được tương lai VN.
Chính sách của Mỹ với TQ kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (Mỹ – Trung đối đầu trực diện bằng chiến tranh nóng) trải qua 3 phương thức khá khác biệt.
Ban đầu, Mỹ bao vây cấm vận TQ, như với các nước CS khác, kinh tế TQ có thời điểm rơi vào khốn cùng, nhưng không sụp đổ.
Sau đó, Mỹ bắt tay với TQ, từ năm 1972, để khai thác mối bất hòa Xô – Trung. TQ lợi dụng triệt để mối quan hệ đó để cải cách kinh tế. Thậm chí, Đặng Tiểu Bình còn mời Milton Friedman, một chuyên gia về kinh tế tự do hàng đầu của Mỹ, sang TQ để tham vấn về tự do hóa nền kinh tế. Trong khi đó, LX và Đông Âu vẫn kiên định kinh tế kế hoạch và tiếp tục đối đầu chiến tranh lạnh với Mỹ. Kết quả và LX và Đông Âu sụp đổ. Còn TQ thì có được 20 năm rảnh tay để vực dậy nền kinh tế.
Như vậy, bao vây cấm vận khiến các cường quốc CS như LX, Đông Âu phải sụp đổ và bắt tay hợp tác đã biến TQ từ một nước CS nghèo hèn rũ bùn đứng dậy sáng lòa, thành nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới về quy mô, nhưng chế độ CS TQ vẫn được duy trì bền vững.
Thoạt nhìn thì đúng như vậy, nhưng không tuyệt đối chính xác. Vì bao vây cấm vận không bóp chết được Cuba và Bắc Triều Tiên; và bắt tay hợp tác (30 năm) cũng chưa biến VN và Lào thành cường quốc.
Có nghĩa là hợp tác quốc tế, toàn cầu hóa, cũng chỉ là một điều kiện cần để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chứ không phải là điều kiện đủ. Để phát triển được thì còn cần một số yếu tố khác nữa, như nội lực, hòa hợp dân tộc, địa chính trị…
Một số người cho rằng, Mỹ đã sai lầm khi bắt tay, hỗ trợ TQ đổi mới kinh tế. Nên TQ mới phát triển được như hiện nay, khiến Mỹ lại phải đối đầu về thương mại, để cắt bớt nanh vuốt của con hổ. Thực ra không hoàn toàn thế, mỗi đối sách ngoại giao đều có giá trị ở mỗi thời điểm. Mỹ phải làm thế mới có thể cô lập LX, khiến LX và Đông Âu sụp đổ.
Cách Mỹ và phương Tây hợp tác với TQ hay các nước độc tài, đang phát triển khác đều nằm trong một trào lưu chung của thế giới, đó là toàn cầu hóa. Các hiệp ước thương mại giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế… chính là một phần của toàn cầu hóa nền kinh tế. EVFTA cũng không ngoại lệ.
Trong khi đối đầu, nhất là đối đầu trong chiến tranh lạnh (bao vây, cấm vận) là cây gậy, thì toàn cầu hóa, hợp tác kinh tế (kèm theo các đòi hỏi về nhân quyền, dân chủ) chính là củ cà rốt.
2 đảng của Mỹ vẫn có quan điểm đối nghịch nhau về cây gậy và củ cà rốt.
Đảng Dân Chủ (cánh tả) vẫn có xu hướng dùng củ cà rốt, ủng hộ toàn cầu hóa, để diễn biến các nước độc tài, toàn trị thông qua các hiệp ước thương mại kiểu CP TPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) mà VN từng kỳ vọng, nhưng đã bị TT Donald Trump đạp bỏ!
Vì vậy, EVFTA, hiệp định tương tự với đối tác EU được thế chỗ, đó là lý do khiến VN hoan hỉ! Quan điểm của EU khá tương đồng với đảng DC của Mỹ. Nhìn chung, chính sách của EU còn tả hơn cả đảng DC Mỹ. Chính vì thế nên phe hữu nắm quyền ở Anh muốn ly khai EU bằng Brexit. Có lẽ Anh sẽ đi theo con đường của Mỹ, chống lại toàn cầu hóa.
Đảng Cộng Hòa, đại diện cho cánh hữu, thì đang chống lại xu hướng toàn cầu hóa, vì cho rằng Mỹ đã bị thiệt thòi, bị lợi dụng bởi các nước khác. Thậm chí, Mỹ sẵn sàng gây chiến tranh thương mại với cách nước khác, nếu thấy quyền lợi của Mỹ không đảm bảo trong quan hệ kinh tế song phương. Chiến tranh thương mại là thể nhẹ của giải pháp cây gậy, nếu bị đẩy lên cao trào, thì nó chính là bao vây, cấm vận. Đại khái đối sách ngoại giao của Mỹ cứ loanh quanh giữa đánh và đàm như vậy, chỉ khác nhau về cường độ mà thôi.
EVFTA và tương lai VN
VN kỳ vọng vào EVFTA như đã từng kỳ vọng vào CP TPP, hi vọng là VN sẽ được như TQ hiện tại mà vẫn duy trì được chế độ CS.
Còn anh em dân chủ (DC) thì kỳ vọng là dựa vào các ràng buộc kèm theo (kiểu bia kèm lạc) về DC và tự do của EVFTA sẽ là sức ép khiến chính quyền phải cải cách dân chủ, tôn trọng pháp quyền. Stt của anh Định là đại diện cho kỳ vọng đó.
Nhưng, như phân tích ở trên với các ví dụ các nước CS khác, thì phát triển kinh tế cũng chưa chắc sẽ phải kèm theo dân chủ hóa, cho dù có thể sẽ khiến cho tự do hóa được mở rộng. Các nước dầu mỏ Trung Đông, đồng minh thân cận của Mỹ, rất giàu có, nhưng cũng chả cần/có dân chủ.
Như vậy, sức ép từ bên ngoài, như EVFTA, không phải là điều kiện cần và đủ để có thể dân chủ hóa nền chính trị độc tài. Nó chỉ là một tác nhân để thúc đẩy mà thôi.
TQ tuy hội nhập kinh tế quốc tế rất sâu và rộng, nhưng họ vẫn có chính trị khá chuyên chế, thậm chí xếp hạng dân chủ thì họ còn thua VN. Họ kiểm soát dư luận, truyền thông và tôn giáo vẫn chặt chẽ hơn VN.
Nhưng không phải điều đó đã dập tắt hoàn toàn hi vọng dân chủ cho VN. Vì VN tuy là phiên bản clone xấu xí của TQ, nhưng VN không phải là TQ. TQ có thế mạnh hơn VN rất nhiều khi đàm phán các hiệp định thương mại, vì quy mô dân số, nguồn nhân lực… Nên TQ có vi phạm HĐ về nhân quyền, thì phương Tây cũng phải lờ đi, để kiếm tiền. VN cũng có một phần lợi thế tương tự, nhưng quy mô kém hơn nhiều. Nên VN không thể bố láo mất dạy như TQ.
Dịch Covid-19 là cơ hội lớn để TQ phải giảm sức ảnh hưởng tới các nước khác, nhất là VN, vì kinh tế TQ sẽ sụt giảm nghiêm trọng, biết đâu có thể phát triển âm trong năm nay? Đây là cơ hội hiếm có để EU chiếm chỗ về quan hệ thương mại. Nếu kinh tế TQ suy sụp lâu dài thì cơ hội VN thoát Trung (chưa chắc đã thoát được cộng) là tương đối lớn. Nếu may mắn hơn, thì màu sắc CS sẽ phai nhạt hơn ở VN.
Ký hiệp định EVFTA mới khiến VN được qua vòng gửi xe để xuất khẩu vào EU thôi. Còn vô vàn các rào cản về chất lượng sản phẩm khác nữa mà các doanh nghiệp xuất khẩu phải vượt qua để đạt tiêu chuẩn EU.
Trong khi đó, TQ là thị trường dễ tính, hợp với khả năng xuất khẩu của VN. Ví như dưa hấu đang giải cứu, nó không phải là loại ngon nhất, thua dưa Long An đang bán đầy siêu thị, nhưng trước đây TQ vẫn mua rất nhiều.
Vì thế, nên nếu VN không nâng cao được chất lượng sản phẩm thì việc ôm chân TQ là tối ưu!
Hơn nữa, sau khi dập dịch, thị trường TQ sẽ còn dễ tính hơn, cần nhiều hàng lởm hơn, nên VN càng dễ xuất khẩu sang TQ. Việc quái gì phải bán sang EU cho nó khó khăn.
Vì vậy, có ngả được sang phía văn minh hay không là phụ thuộc vào chính các doanh nghiệp VN.
Như mình đã phân tích ở các stt trước. VN chỉ có thể dân chủ hóa bền vững khi dựa vào 2 yếu tố nội tại, MỘT là khi quy mô chính phủ phải nhỏ lại, kèm với việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước quản lý càng ít thì PĐ sẽ càng đông. HAI là hiểu biết về kinh tế, chính trị, tự do, dân chủ… của đa số dân chúng phải được nâng cao, thì họ mới có nhu cầu cần tự do và dân chủ.
CS TQ bền vững được chủ yếu dựa vào việc ngu dân về các kiến thức nói trên.
VN dân chủ hóa nhanh hay chậm chủ yếu phụ thuộc vào 2 yếu tố trên được cải thiện nhanh hay chậm. Điều đó phụ thuộc hành động của toàn dân, trong đó anh em DC là sức ép chính. Chả có chính quyền nào chịu thay đổi nếu không có sức ép từ người dân.
Điều đó tùy thuộc hành động của bạn, chỉ thuộc vào bạn mà thôi.
D.Q.C.

EVFTA: EU 'KHÔNG ĐỦ HIỂU BIẾT' ĐỂ ĐỐI PHÓ 'THỦ THUẬT' CỦA VIỆT NAM ?
VOA/ BVN  21-2-2020

Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) hôm 12/02/2020.
Người dân châu Âu nói với VOA rằng họ vừa vui mừng nhưng cũng lắm trăn trở sau khi Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) vào tuần trước.
Có người nói đa số nghị sĩ EU bỏ phiếu thuận cho hai hiệp định này hôm 12/02 là vì họ ‘không đủ hiểu biết’ để đối phó những ‘thủ thuật’ của phía Việt Nam, nhưng cũng có người tự tin rằng với cơ chế giám sát chặt chẽ của EU, các vi phạm sẽ được xem xét thấu đáo.
Từ Bruxells, Bỉ, ông Nguyễn Hoàng Hải, một người gốc Việt ủng hộ EVFTA, nhận định với VOA rằng cuộc bỏ phiếu hôm 12/02 vừa qua cho thấy phía EU “mặc cả non tay, và bị hớ”.
“Hiệp định này sẽ tốt cho kinh tế của cả hai bên, nhưng phải nhìn nhận rằng phía EU đã bị hớ vì lẽ ra họ có thể đã đòi được nhiều hơn như các điều khoản về lao động, hình sự… nhưng họ đánh giá phía đối phương không đúng nên đã mặc cả sai.
“Họ không hớ về mặt kinh tế nhưng hớ về vị thế của họ, khi mà một đằng họ rao giảng về quyền con người, nhưng một đằng họ lại không chú trọng việc đấy”.
Ông Hải thuật lại lời nghị viên Pháp Raphael Glucksmann, Phó Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền, viết trên Twitter rằng “ngoài Đấng Thương mại ra, chúng ta còn có tương lai và các giá trị, các nguyên tắc đạo đức”.
Nghị sĩ Raphael Glucksmann nhắc đến trường hợp nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt giữ. Twitter Raphael Glucksmann.
Ngoài ra, nghị viên Glucksmann, người bỏ phiếu chống EVFTA còn nói rằng: “Chí ít Quốc hội Châu Âu cũng nên hoãn việc thông qua EVFTA cho đến khi nhà báo Phạm Chí Dũng được trả tự do, vì Phạm Chí Dũng vì viết thư cho chúng ta mà bị bắt.”
Tương tự như vậy, nghị sĩ Emmanuel Maurel, cũng từ Pháp, chỉ trích thỏa thuận thương mại này là “không mang lại lợi ích cho công dân bình thường mà chỉ làm lợi một phần nhỏ các công ty muốn tận dụng lao động ở nước ngoài.”
Nghị viện EU bỏ phiếu EVFTA hôm 12/02/2020. Photo Twitter EP Trade
Từ Copenhagen, Đan Mạch, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thị Ngọc Hương, bày tỏ sự thất vọng vì những lo ngại về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam không làm lay chuyển việc thông qua EVFTA của Nghị viện EU, dù kết quả bỏ phiếu hôm 12/02 cho thấy sự chia rẽ rõ rệt.
“Tôi nghĩ đây là một cơ hội gần như là cuối cùng mà EU có thể đóng góp cho tiến trình phát triển nhân quyền, môi sinh ở Việt Nam, nhưng khi mà Hiệp định đã được thông qua rồi - dù EU có những đòi hỏi này kia – rất là khó để có những thay đổi cụ thể!

“Gần như 1/3 chống việc thông qua EVFTA, và 2/3 bỏ phiếu thuận cho thấy Nghị viện châu Âu xem trọng lợi ích về kinh tế hơn hơn là về nhân quyền. Kết quả này cũng rất tự nhiên thôi: dù có nghị sĩ chỉ biết lợi ích kinh tế, nhưng vẫn còn một số vẫn quan tâm đến nhân quyền, môi trường, dân chủ… ở quốc gia có làm ăn với EU.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng Hải, lý giải có những quan điểm khác biệt giữa những nghị sĩ lớn tuổi và lớp nghị sĩ trẻ trong việc bỏ phiếu thông qua EVFTA.
“Cái Nghị viện này bị phân chia rõ rệt. Những nghị sĩ bỏ phiếu chống là những người trẻ, có thể trong đầu họ nghĩ rằng lớp trẻ Việt Nam cũng dùng Iphone như họ, thì họ [thanh niên Việt Nam] cũng được hưởng các quyền như thanh niên EU. Còn rất nhiều ông nghị sĩ già đứng lên ủng hộ EVFTA thì cho rằng Việt Nam ngày xưa khổ nhưng nay có xe hơi thì các ông nghĩ rằng chính phủ của họ đã cố gắng rất nhiều rồi mới được như vậy.
Ông Hoàng Hải nhận định thêm:
“Đại đa số các nghị sĩ không hiểu rõ về Việt Nam, cho nên vừa rồi họ bỏ phiếu thuận cho EVFTA cũng là điều dễ hiểu thôi.
“Nhưng tôi, tôi là người bi quan, tôi nghĩ là sự hiểu biết về Việt Nam của Nghị viện châu Âu không đủ để đối phó với những thủ thuật của Chính phủ Việt Nam”.

“Gần như 1/3 chống việc thông qua EVFTA, và 2/3 bỏ phiếu thuận cho thấy Nghị viện châu Âu xem trọng lợi ích về kinh tế hơn hơn là về nhân quyền. Kết quả này cũng rất tự nhiên thôi: dù có nghị sĩ chỉ biết lợi ích kinh tế, nhưng vẫn còn một số vẫn quan tâm đến nhân quyền, môi trường, dân chủ… ở quốc gia có làm ăn với EU.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng Hải, lý giải có những quan điểm khác biệt giữa những nghị sĩ lớn tuổi và lớp nghị sĩ trẻ trong việc bỏ phiếu thông qua EVFTA.
“Cái Nghị viện này bị phân chia rõ rệt. Những nghị sĩ bỏ phiếu chống là những người trẻ, có thể trong đầu họ nghĩ rằng lớp trẻ Việt Nam cũng dùng Iphone như họ, thì họ [thanh niên Việt Nam] cũng được hưởng các quyền như thanh niên EU. Còn rất nhiều ông nghị sĩ già đứng lên ủng hộ EVFTA thì cho rằng Việt Nam ngày xưa khổ nhưng nay có xe hơi thì các ông nghĩ rằng chính phủ của họ đã cố gắng rất nhiều rồi mới được như vậy.
Ông Hoàng Hải nhận định thêm:
“Đại đa số các nghị sĩ không hiểu rõ về Việt Nam, cho nên vừa rồi họ bỏ phiếu thuận cho EVFTA cũng là điều dễ hiểu thôi.
“Nhưng tôi, tôi là người bi quan, tôi nghĩ là sự hiểu biết về Việt Nam của Nghị viện châu Âu không đủ để đối phó với những thủ thuật của Chính phủ Việt Nam”.

Bà Ngọc Hương nhận định về vai trò giám sát của các tổ chức nhân quyền và nghị viên:
“Dù Hiệp định đã được thông qua nhưng việc giám sát việc thực thi Hiệp định này lại rất quan trọng trong thời gian tới vì trong Hiệp định này EU nhấn mạnh rằng Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, phát triển bền vững, phải xem trọng quyền của người lao động và quyền lập hội.
“Với vai trò giám sát của cộng đồng người Việt, của các tổ chức NGO, mọi việc vi phạm của Việt Nam cần được thông báo ngay cho các nghị sĩ.
“Riêng tại Đan Mạch, tôi có liên lạc với Nghị sĩ Marianne Vind, Phó Chủ Phái đoàn phụ trách ASEAN, bà nói sẽ trực tiếp theo dõi quá trình phát triển quyền lợi cho công nhân.”
Ông Hải nhận định về lời đe dọa của ông Winkler Gyula, Nghị viên người Romania, nói sẽ hoãn hiệp định nếu phát hiện Việt Nam vi phạm nhân quyền:
“Nhóm đảng EPP (Đảng Con người) của ông Gyula đe dọa mạng rằng nếu có vi phạm nhân quyền, vi phạm những điều khoản thì Hiệp định EVFTA sẽ bị hoãn ngay lập tức”.
“Nhưng tôi nghĩ rằng việc hoãn EVFTA sẽ không dễ như ông ấy nói vì hai bên đang buôn bán với nhau thì làm sao bắt người ta dừng xuất nhập khẩu hoặc đánh thuế đột ngột cho được. Điều này có thể gây bất mãn cho doanh nghiệp”.
Nhận định về cơ chế kiểm soát chung việc thực thi EVFTA của Quốc hội Việt Nam và Quốc hội châu Âu, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết:
“Họ nói có một cơ chế rất mơ hồ rằng sẽ sử dụng một ủy ban chung giữa QH Việt Nam và QH châu Âu để trao đổi thông tin và giám sát cùng với nhau.
“Ý tưởng là như vậy! Nhưng QH Việt Nam, như nhiều người đã biết - là do Đảng Cộng sản chỉ đạo!”
“Cụ thể trong vòng 5 năm nữa thì tôi nghĩ cũng không có gì thay đổi cả bởi vì với Bộ luật Hình sự như hiện nay thì chỉ cần họ đe dọa những người lãnh đạo các tổ chức công đoàn độc lập thì những tổ chức này cũng không dám lên tiếng hoặc chỉ lên tiếng rất nhẹ nhàng”.
Công nhân tại một xưởng may của Công ty Thành Công ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 09/07/2019.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 18/02 kêu gọi EU gây sức ép để Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống và phóng thích các tù nhân chính trị đang bị giam cầm, một ngày trước khi EU và Việt Nam tiến hành Đối thoại Nhân quyền thường niên năm 2020.
“EU đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng khi phê chuẩn hiệp định thương mại với Việt Nam mà không kèm theo các biện pháp chế tài yêu cầu các cam kết về cải cách nhân quyền”, ông John Sifton, Giám đốc Vận động châu Á của HRW nói trong một thông cáo.
Trong diễn biến liên quan, hôm 18/02, tại Hội nghị Geneva về Nhân quyền và Dân chủ, anh Dennis Châu, con trai của tù nhân lương tâm Úc gốc Việt Châu Văn Khảm, đã chia sẻ câu chuyện của cha mình để thế giới nhận thức rõ hơn về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam hiện nay và kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Khảm, cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác.
“Tôi cảm thấy như thể cha tôi đã rời khỏi quê hương mà ông hằng yêu mến. Ông vẫn còn để lại điều gì đó đau đáu ở quê nhà. Ông biết những quyền tự do mà chúng tôi đang được hưởng là những giá trị mà người dân ở quê nhà đã mất. Tôi biết ông làm điều đó vì người dân Việt Nam. Đó là lý do tại sao ông đã dấn thân và mong muốn có sự thay đổi”.
Dennis Châu, con trai của ông Châu Văn Khảm, phát biểu tại Geneva Summit Feb 18 2020. Facebook Viet Tan
“Ông không bao giờ từ bỏ ý thức trách nhiệm của mình để kêu gọi xã hội cởi mở và tự do hơn ở Việt Nam”.
Ông không bao giờ từ bỏ ý thức trách nhiệm của mình để kêu gọi xã hội cởi mở và tự do hơn ở Việt Nam.
Anh Dennis Chau nói về cha mình, ông Châu Văn Khảm.
“Một điều tàn khốc là hiện nay tôi không thể biết được khi nào cha con chúng tôi có thể gặp nhau và liệu rằng cha tôi có thể sống đến khi mãn án tù 12 năm”.
Anh Dennis hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục lên tiếng cho trường hợp của cha anh và nhấn mạnh rằng EU không nên xem trọng lợi ích của Hiệp định EVFTA mà bỏ qua việc vi phạm nhân quyền của Hà Nội.
Các nhà quan sát nhân quyền đề xuất rằng EU nên thiết lập văn phòng chuyên trách nhân quyền tại Việt Nam bên cạnh việc lập các nhóm giám sát độc lập của châu Âu để theo dõi tình trạng vi phạm nhân quyền, thăm tù nhân lương tâm tại Việt Nam; hỗ trợ và đảm bảo sự hiện diện của các công đoàn độc lập, và tổ chức điều trần về nhân quyền Việt Nam mỗi 6 tháng.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/evfta-eu-khong-du-hieu-biet-de-doi-pho-nhung-thu-thuat-cua-vietnam/5295074.html

HIỆP ƯỚC EVFTA: THANH GƯƠM HAY LÁ CHẮN ?

LS ĐẶNG THANH CHI/ DLB/ BVN 21-2-2020


Hiệp ước thương mại EVFTA sẽ là thanh gươm của lực lượng đấu tranh dân chủ hay là lá chắn bảo vệ, duy trì vị trí lãnh đạo của đảng CSVN sẽ tùy thuộc vào ý thức và hành động của mỗi chúng ta trong những ngày tới...
Vài tuần qua những ai quan tâm đến tình hình đất nước đều theo dõi tiến trình thông qua Hiệp ước Thương mại Tự do giữa Liên hiệp Âu Châu (LHAC) và Việt Nam (EVFTA). Nhiều bài viết trao đổi quan điểm đã được nêu lên giữa hai khuynh hướng chống và ủng hộ Hiệp ước này. Trong những điểm khác biệt đã được nhiều tác giả nêu lên, có một điều đa số những người thực tâm ưu lo cho đất nước có thể cùng nhau đồng ý: đó là dù trong tình huống nào chúng ta cũng cần khai thác và tận dụng tối đa mọi điều kiện và phương tiện có được để nỗ lực tranh đấu cho quyền lợi đích thực của người dân.
Để rút ra bài học cần thiết và vạch hướng khai thác hiệu quả Hiệp ước EVFTA, chúng ta hãy thử nhìn vào kinh nghiệm tích cực và tiêu cực của các nước trong vùng Đông Nam Á đã ký kết những hiệp ước thương mại tương tự với LHAC, đặc biệt là tình trạng nhân quyền và đời sống kinh tế người dân đã có những thay đổi gì sau khi ký kết. Đồng thời, chúng ta hãy xét xem nếu như không có tiến triển nhân quyền nào như đã cam kết, thì phản ứng và hướng giải quyết của Liên hiệp Âu Châu ra sao.
I. Cam Bốt và Thỏa thuận Thương mại EBA
Gần chúng ta nhất là Cam Bốt. Tuy không phải là quốc gia cộng sản nhưng Hun Sen do Cộng sản Việt Nam đưa lên nắm quyền cũng độc tài và chuyên chế không kém.
Từ khi Cam Bốt trở thành nước thành viên của WTO vào năm 2004, Liên hiệp Âu Châu và Cam Bốt đã ký kết hiệp ước EBA (Everything But Arms).
EBA là một trong những thỏa thuận thương mãi nằm trong Chương trình GSP (“Generalised Scheme of Preferences”, tạm dịch là Chương trình Ưu đãi Tổng quát) của Liên hiệp Âu Châu. Hiệp ước thương mại này cho phép tất cả các hàng xuất cảng của Cam Bốt (trừ vũ khí và đạn dược) được quyền nhập vào thị trường Liên hiệp Âu Châu hoàn toàn miễn thuế, không hạn ngạch.
Để được hưởng các đặc quyền thương mại theo thỏa thuận của hiệp ước EBA này, Liên hiệp Âu Châu cũng đã đặt kèm nhiều điều kiện nhân quyền cho Cam Bốt tương tự như Hiệp ước Thương mãi EVFTA với Việt Nam.
Cam Bốt phải ký kết tôn trọng 15 Công ước cốt lõi của Liên Hiệp Quốc (UN Conventions) và Tổ chức Lao tộng Quốc Tế (ILO) về quyền con người và quyền lao động, trong đó có quyền được thành lập công đoàn độc lập (*). Nhờ vào thỏa thuận EBA này, EU đã trở nên đối tác thương mại lớn nhất của Cam Bốt, với 45% sản phẩm xuất cảng từ Cam Bốt trong năm 2018, đạt 5,4 tỷ Euro, nhiều hơn gấp đôi so với năm 2013 là 2,5 tỷ Euro.
II. Có những cải thiện đời sống kinh tế và tình trạng nhân quyền tại Cam Bốt?
Hiệp ước EBA của Liên hiệp Âu Châu nhằm vào mục đích giúp Cam Bốt xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy quản trị minh bạch, và hỗ trợ phát triển bền vững bằng cách giúp chính phủ Cam Bốt tạo thêm doanh thu từ thương mại quốc tế.
Thực tế ra sao?
Hãy thử nhìn vào ngành công nghiệp sản xuất đường của Cam Bốt.
Đường là một trong các sản phẩm nằm trong danh sách hàng hóa được phép xuất cảng miễn thuế của EBA đã thu hút các công ty đường của Thái Lan và Trung Quốc đầu tư vào Cam Bốt để kiếm lợi nhuận từ các đặc quyền thương mại giữa Cam Bốt và Liên hiệp Âu Châu. Các công ty này đã thành lập các nhà máy đường và chiếm diện tích đất rộng lớn và mở rộng các đồn điền mía ở nhiều vùng của Cam Bốt, đặc biệt là ở các tỉnh Oddar Meanchey, Preah Viget và Koh Kong. Chính quyền Hun Sen đã phê duyệt và cho thi hành chính sách nhượng bộ đất đai kinh tế, thu hồi đất của dân để cấp cho Trung Quốc và các nhà đầu tư thương mại Thái Lan, ký kết các hợp đồng cho thuê đất dài hạn, cho phép các doanh nghiệp ngoại quốc chiếm đóng và khai khẩn đất nhằm phát triển công nghệ nông nghiệp.
Theo truyền thông đi tin, hơn 120.000 ha đất đã bị chính sách của Hun Sen cưỡng đoạt từ nông dân để cấp cho các công ty sản xuất mía công nghiệp. Hàng ngàn gia đình đã bị cưỡng chế phải rời bỏ trang trại, đất đai tổ tiên của họ. Nhiều trường hợp cho thấy các cuộc đàn áp cưỡng chiếm đất đai cho các công ty công nghiệp nước ngoài do chính quân đội, cảnh sát và quan chức các cấp trong chính quyền Hun Sen trực tiếp can dự.
Tình trạng chiếm đoạt đất đai với những chiếc xe ủi đất và hình ảnh những tay lính quân đội Cam Bốt ôm súng bảo vệ cho các xí nghiệp nước ngoài tại thị trấn Sre Ambel của tỉnh Koh Kong từ năm 2006 vẫn còn tiếp diễn đến nay trên khắp nước.
Thảm cảnh dân oan mất đất do những công ty đường nước ngoài cưỡng chiếm vẫn là nguyên nhân cho nhiều bất ổn xã hội tại Cam Bốt. Những nạn nhân của chính sách “nhượng bộ đất đai kinh tế” cho biết với sự đấu tranh quyết liệt của dân địa phương, có vài công ty sau đó đã đền bù cho họ bằng cách “cho lại” mỗi người một mảnh đất 1,5 ha nhưng rất tiếc là những mảnh đất mới họ được cấp không thích hợp để trồng trọt bất cứ thứ gì. Tất cả dân oan đều trở nên trắng tay, nghèo khó hơn kể từ khi mất đất, mất nhà, mất trang trại, trâu bò, của cải cả đời họ dành dụm trên mảnh đất của cha ông để lại.
Thỏa ước EBA trong tay một chính phủ độc tài như Cam Bốt đã mở cửa rao bán các đặc quyền thương mại, ưu đãi cho các đối tác thương mại nước ngoài bóc lột dân lao động, chà đạp lên quyền sở hữu, và vi phạm quyền làm người của dân chúng. Chương trình thương mại ưu đãi miễn thuế với mục đích chấm dứt nghèo đói của Liên hiệp Âu Châu đã bị một nhà nước chuyên quyền, phản dân chủ, không công nhận nhân quyền như chính quyền Hun Sen lợi dụng để đổi chác làm giàu cho cấp lãnh đạo và mang lại lợi ích cho những xí nghiệp Trung quốc đi tìm đất thuê dài hạn và được hưởng quyền miễn thuế và hạn ngạch vào thị trường Âu Châu, gặt hái lợi nhuận trên mồ hôi nước mắt của dân nghèo bản xứ.
III. Liên Hiệp Âu Châu có thể làm gì và sẽ làm gì khi quốc gia đối tác không thực thi nhân quyền theo cam kết?
Vào tuần rồi, Ủy ban Thương mại Âu Châu đã tuyên bố sẽ đình chỉ một phần của Hiệp ước EBA; cụ thể là ngưng hạn ngạch truy cập miễn phí hàng hóa của Cam Bốt vào các thị trường Liên minh Châu Âu.
Điều này có nghĩa Cam Bốt sẽ mất khoảng $1,1 tỉ đô USD cho các hàng xuất cảng sang Liên minh Âu Châu.
Quyết định đình chỉ một phần Hiệp Ước này sẽ có hiệu lực vào ngày 12 tháng 8 năm 2020 tức 6 tháng sau (trừ khi Nghị viện Âu Châu và Hội đồng Liên hiệp Âu Châu phủ quyết ngược lại), thì các mặt hàng xuất cảng của Cam Bốt như áo quần, giầy dép, sản phẩm du lịch, đường mía sẽ bị đánh thuế cao theo ngạch thuế bình thường như các nước khác.
Quyết định đình chỉ một phần Hiệp ước này của Liên hiệp Âu Châu là kết quả sau hơn 2 năm kể từ khi LHAC lấy quyết định tiến hành kiểm tra tình trạng vi phạm nhân quyền tại Cam Bốt, và đi đến kết luận chính phủ Hun Sen thực sự đã vi phạm “nghiêm trọng” và có “hệ thống” quyền dân sự và chính trị của người dân.
Từ tháng 2 năm 2019, Ủy ban LHAC cho biết Cam Bốt đã không có tiến bộ đáng kể nào trong lãnh vực tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tham chính, các nhóm xã hội dân sự bị bịt miệng, đảng đối lập bị đàn áp, quyền lao động không được bảo đảm, không có công đoàn thực sự độc lập...
Ủy ban LHAC đặc biệt “nhắc nhở” chính phủ Cam Bốt về nhu cầu mở ra không gian sinh hoạt chính trị tự do trong nước, tạo điều kiện cần thiết cho đảng đối lập hoạt động, và khởi xướng một quá trình hòa giải dân chủ bằng cách hội thoại thỏa đáng và toàn diện. Ủy Ban cũng yêu cầu chính quyền Hun Sen phải khôi phục các quyền chính trị của các thành viên phe đối lập và bãi bỏ, cải tổ luật pháp về sinh hoạt đảng phái chính trị, các hiệp hội và các tổ chức phi chính phủ.
Ủy ban và Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu (xin viết tắt “Ủy ban”) cũng ghi nhận chính phủ Cam Bốt trong những tháng 8 và tháng 9 của năm 2018 đã thực hiện một số bước tích cực, bao gồm việc thả một số nhân vật chính trị bị giam giữ, các nhà báo cùng vài nhà hoạt động xã hội dân sự; thông qua một số thay đổi các dự luật về sinh hoạt đảng phái chính trị, cho phép các cá nhân bị cấm hoạt động chính trị được phục hồi các quyền của họ; và một số bước giải quyết các hạn chế đối với hoạt động xã hội dân sự và công đoàn.
Tuy nhiên, Ủy ban vẫn còn những lo ngại nghiêm trọng, đặc biệt là các vụ án dân sự và hình sự nhắm vào các thành viên công đoàn vẫn chưa được giải quyết công bằng.
Trong suốt thời gian kiểm tra và tìm hiểu thực tế tại Cam Bốt, Ủy ban Âu Châu tiếp tục tổ chức các cuộc họp với chính quyền Cam Bốt các cấp và giám sát chặt chẽ tình hình nhân quyền và nhất là quyền lao động ở nước này.
Trong trường hợp Cam Bốt cho thấy có sự tiến bộ đáng kể, đặc biệt là trong lãnh vực quyền dân sự và chính trị, Ủy ban cho biết sẽ có thể xem xét lại quyết định của họ và khôi phục các ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận EBA với Cam Bốt.
Đến tuần rồi, sau hơn 2 năm cho Cam Bốt nhiều thời gian “ân huệ”, Ủy ban đã bắt buộc đưa ra quyết định tạm đình chỉ một phần của Hiệp ước EBA. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Cam Bốt và các công đoàn ủng hộ Hun Sen đã kêu gọi LHAC đừng rút các đặc quyền miễn thuế nhập cảng và hăm he rằng hàng triệu công nhân Cam Bốt sẽ mất việc.
Cũng có nhà phân tích kinh tế cho rằng quyết định tạm đình chỉ một phần Hiệp ước thương mại EBA sẽ đẩy Cam Bốt vào tình trạng phải mở rộng hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Thực tế Cam Bốt và Trung Quốc đã bắt đầu đàm phán về một Hiệp ước Thương mại Tự do song phương từ trước, và dự trù sẽ kết thúc vòng 2 của cuộc đàm phán đi đến việc ký kết Hiệp ước Trung-Cam vào cuối năm nay.
Chỉ số thương mại giữa hai nước cho thấy hàng xuất cảng từ Cam Bốt sang Trung Quốc gia tăng từ $5,16 tỷ trong năm 2016 lên đến $6,04 tỷ trong 2017 và $7,4 tỷ trong năm 2018. Tàu và Cam Bốt dự kiến sẽ đạt đến $10 tỷ USD hằng năm trong thương mại song phương vào năm 2023.
Tưởng cũng cần nhấn mạnh ở đây là thỏa thuận EBA của LHAC chỉ mới được tạm đình chỉ và chỉ đình chỉ một phần chứ không phải toàn bộ hiệp ước.
Tất cả các công nghiệp mới nổi trội ở Cam Bốt sẽ tiếp tục được hưởng quyền miễn thuế truy cập, hạn ngạch khi nhập vào thị trường EU. Các loại hàng may mặc có giá trị cao, và một số loại giầy dép nhất định cũng sẽ tiếp tục được hưởng đặc quyền miễn thuế, hạn ngạch.
IV. Kết luận
Dựa vào tình trạng thực tế của Cam Bốt sau khi ký kết hiệp ước thương mại với các cam kết cải thiện nhân quyền, cho phép công đoàn độc lập, đảng phái hoạt động, v.v. chúng ta thấy sau gần 2 thập niên, người dân Cam Bốt vẫn không bớt nghèo khó, nếu không muốn nói nhiều vùng sâu vùng sa càng nghèo khó hơn. Sự bóc lột nhân công bản xứ của các xí nghiệp đầu tư từ Trung Quốc và nước ngoài là vấn nạn nghiêm trọng. Nhân quyền vẫn bị chà đạp. Đảng phái đối lập bị đàn áp. Các tổ chức xã hội dân sự bị trù dập. Tự do báo chí và ngôn luận vẫn bị kiểm soát chặt chẽ.
Dựa vào các hành xử của Liên hiệp Âu Châu khi chính quyền Hun Sen tiếp tục vi phạm các điều khoản đã ký kết, chúng ta có thể thấy chính sách “engagement” của LHAC vẫn tiếp diễn và mức độ “trừng phạt” kinh tế vẫn nằm trong giới hạn tối thiểu vì những quyền lợi kinh tế của họ.
Do đó, chúng ta cần trở về với nguyên tắc đấu tranh cơ bản: “Lấy sức mình làm chính”, nhưng đồng lúc biết tận dụng Hiệp ước EVFTA như một vũ khí mới trong thực tế không tránh khỏi.
Rút ra những điều then chốt để biết mình có thể làm gì hầu thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước. Ngoài ra cá nhân và các tổ chức dân sự trong và ngoài nước cần tích cực tham gia vào nỗ lực kiểm tra, lên tiếng báo cáo kịp thời những vi phạm của nhà nước vào các điều khoản đã ký kết.
Tóm lại, hiệp ước thương mại EVFTA sẽ là thanh gươm của lực lượng đấu tranh dân chủ hay là lá chắn bảo vệ, duy trì vị trí lãnh đạo của đảng CSVN sẽ tùy thuộc vào ý thức và hành động của mỗi chúng ta trong những ngày tới.
***
Chú thích:
(*) Được nêu trong Phụ Lục VIII phần A của Quy Định GSP của LHAC. 19.02.2020 Đ.T.C.

TẠI SAO LIÊN MINH CHÂU ÂU THÔNG QUA HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VỚI VIỆT NAM ?

VŨ NGỌC YÊN/ BVN 18-2-2020

Vào ngày 12.02.2020 Nghị viện Âu châu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và  Việt Nam. Theo kết quả biểu quyết, EP đã thông qua EVIPA với tỷ lệ 407 phiếu ủng hộ, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng. Trong khi đó, EVFTA được thông qua với tỷ lệ 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng. Như vậy sau nhiều năm thương thảo, rà soát pháp lý và giải quyết nhiều phát sinh liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn, Hiệp định EVFTA đã được đa số Nghị sĩ Âu châu chấp thuận.
Qua  các cuộc đối thoại Nhân quyền giữa đại diện EU và chính quyền CSVN, tin tức và tài liệu của các tổ chức xã hội dân sự Việt nam về tình trạng tù nhân chính trị, thảm trạng 39 người Việt bị chết cóng trong thùng xe tại Essex vào ngày 23.10.2019 trên đường tìm việc làm ở Anh quốc, cũng như thảm sát Đồng Tâm-Hà nội vào ngày 09.01.2020, Nghị viện Châu Âu hầu như đã được thông tin và nắm vững về thực trạng chính trị và Nhân quyền ở VN.
Trong cuộc biểu quyết, 192 Nghị sĩ đã bỏ phiếu chống phê chuẩn Hiệp định vì những tiêu chuẩn bảo vệ quyền lao động, nhân quyền và môi sinh dưới chế độ độc tài, độc đảng ở Việt Nam chưa được đáp ứng. Ngoài ra còn có 40 phiếu trắng của những nghị sĩ còn nghi ngờ những cam kết của CSVN. Tuy nhiên Hiệp định EVFTA cuối cùng đã được thông qua.
Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua EVFTA trong phiên họp sắp tới vào tháng 5.2020. Nếu được thông qua, thỏa thuận sẽ có hiệu lực trong vòng một tháng sau khi hai bên Việt Nam và EU có thông báo chính thức về việc đã hoàn thành các quy trình pháp lý. EVFTA được Ủy ban châu Âu mô tả là thỏa thuận tự do thương mại tham vọng nhất từng được ký kết với một quốc gia đang phát triển.
Sự kiện này đã đặt ra câu hỏi vì những lý do gì mà EU laị phê chuẩn một Hiệp đinh quan trọng như vậy với  một chế độ CS?

1. Lợi ích kinh tế và thương mại

Trước hết, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hai bên EU và Việt Nam cùng có lợi với việc dẹp bỏ 99% hàng rào thuế quan. Hiệp định cũng cắt giảm thủ tục hành chính và làm giảm bớt gánh nặng hành chính, một yếu tố then chốt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Âu. Đây là hiệp định thương mại hiện đại và đầy tham vọng đầu tiên của EU với một quốc gia đang phát triển.
EU là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2017, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng hơn 13,7 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần (từ 1,3 tỷ USD lên 14,90 tỷ USD).
Ủy ban châu Âu nhận định Việt Nam có một nền kinh tế phát triển nhanh và cạnh tranh. Đến năm 2035, Ủy ban châu Âu tính toán thỏa thuận thương mại tự do này dự kiến có khả năng nâng kim ngạch xuất khẩu của EU thêm 15 tỷ Euro/năm.
Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và đầu tư, EVFTA sẽ góp phần giúp Tổng sản lượng nội điạ (GDP) của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 – 3,25% trong giai đoạn đến năm 2023, 4,57– 5,3 % trong bốn năm tiếp theo và 7,07 – 7,72% trong 2029 - 2033. Kim  ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ, dự kiến tăng thêm gần 43% vào năm 2025 và khoảng 44% vào năm 2030 so với kịch bản không có EVFTA.

2. Tầm quan trọng về địa chính trị

Tại Âu châu, những tác động của cuộc chiến thương mại và quyết định của Anh rời khỏi Liên Minh Âu châu (Brexit) đã kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của các nước trong Liên Minh Âu châu (EU). Nhưng hơn hết nó đang làm thay đổi cục diện địa chính trị, làm lung lay nền tảng cán cân quyền lực tại châu Âu, buộc EU phải định hình lại vai trò của liên minh trên thế giới.
EU đánh giá Á châu, đặc biệt Đông Nam Á (ĐNA) là khu vực đang phát triển và là trọng tâm của một chiến lược mới hướng về Á châu, nên EU muốn xây dựng mối liên kết sâu rộng đồng thời tăng cường sự hiện diện tại khu vực thông qua quan hệ thương mại và quốc phòng.
Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự biến động và căng thẳng gia tăng trên mặt trận thương mại… EVFTA / EVIPA có thể được coi là bước đầu tiên trong quá trình lâu dài để đạt tới mục đích là hiệp định thương mại với khối  ASEAN. Mọi hành trình đều bắt đầu bằng một bước đầu tiên trên đường tiến đến mục đích dài hạn của EU. Việc phê chuẩn EVFTA / EVIPA chính là bước quan trọng đầu tiên này.
Ngoài ra, EU hiện đang gặp khó khăn tìm đồng thuận giữa các quốc gia thành viên EU cho những vấn đề: biến đổi khí hậu, khủng hoảng nhập cư, thành lập quân đội riêng cho EU tránh lệ thuộc Minh ước  NATO, xây dựng đường lối kinh tế, ngoại giao độc lập để tránh áp lực của các cuộc xung đột giữa Mỹ, Nga và Trung cộng.
Chiến lược của EU trong giai đoạn 2019 – 2024 cũng đã nêu rõ một số điểm liên hệ đến Á châu mà  EU sẽ tập trung theo đuổi:
(1) Xây dựng nền quốc phòng của EU đủ sức tự bảo vệ mình, trong đó nỗ lực đầu tiên là xúc tiến triển khai Quỹ quốc phòng châu Âu giai đoạn 2021-2027.
(2) EU sẽ triển khai cố vấn quân sự tại nhiều phái đoàn ngoại giao của liên minh này ở châu Á để thực hiện mối liên kết hơn nữa về các vấn đề an ninh của châu Âu và châu Á theo chiến lược kết nối Âu-Á, bước đầu sẽ triển khai phái đoàn cố vấn quân sự bên cạnh ASEAN ở Jakarta –Indonesia.

3 . Ràng buộc CSVN vào việc thi hành các quyền dân sự chính trị và nhân quyền

Giai đoạn đàm phán hiệp định đã kích hoạt những cải cách quan trọng ở Việt Nam. Những cải tiến chính sách, bao gồm phê chuẩn các Công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng như xây dựng lộ trình thực hiện cải cách Bộ luật Lao động, đã được công nhận trên toàn cảnh chính trị ở châu Âu.
Chương Thương mại và Phát triển bền vững (TSD) trong hiệp định EVFTA đã dành được nhiều chú ý. Chương này bao gồm các quy định về:

- Biến đổi khí hậu

Các Bên cam kết sẽ thực thi, hợp tác nhằm đạt được các mục đích liên quan đến biến đổi khí hậu được quy định trong một số hiệp định quốc tế về môi trường gồm Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 1992, Nghị định thư Kyoto liên quan đến Công ước UNFCCC và Hiệp định Paris. Các Bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng gồm: (i) xây dựng, thực thi và vận hành các cơ chế định giá các-bon, (ii) thúc đẩy thị trường các-bon trong nước và quốc tế qua các cơ chế như Chương trình mua bán khí thải và Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng, (iii) tăng cường tiết kiệm năng lượng, công nghệ khí thải thấp và năng lượng tái tạo.

- Lao động

Cam kết tiếp tục và duy trì các nỗ lực nhằm phê chuẩn các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và xem xét việc thông qua các công ước khác được ILO phân loại là phù hợp với thời điểm hiện tại, có tính đến điều kiện trong nước. Ngoài ra, các Bên tái khẳng định cam kết của mình về việc thực hiện có hiệu quả luật pháp và quy định trong nước và các Công ước của ILO đã được phê chuẩn.  

- Minh bạch hóa

Các Bên phải công khai, minh bạch các vấn đề gồm: quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, các biện pháp liên quan đến bảo vệ môi trường có thể ảnh hưởng tới thương mại đầu tư; đối thoại, trao đổi và chia sẻ thông tin liên quan đến quá trình xây dựng, thực thi các chiến lược, chính sách, quy định pháp luật về các hiệp định đa phương về môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản và tài nguyên biển; và đảm bảo sử dụng các thông tin và bằng chứng khoa học, các hướng dẫn, tiêu chuẩn quốc tế một cách thích hợp trong quá trình xây dựng và thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường.
Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU phát biểu: “Lịch sử chứng minh cô lập không thay đổi một quốc gia”. “Đây là lý do vì sao Nghị viện EU bỏ phiếu đồng ý với thỏa thuận mậu dịch này, và cùng nó, chúng ta đẩy mạnh vai trò của EU tại Việt Nam và trong vùng, đồng thời đảm bảo tiếng nói của EU có sức mạnh hơn trước”.
Với hiệp định EVFTA, EU sẽ đáp ứng nhu cầu về động lực và chất xúc tác cho cải cách và thay đổi ở Việt Nam cũng như tối đa hóa ảnh hưởng của mình đối với nhân quyền ở Việt Nam.

4. Sáng kiến chuyển hoá Việt Nam

Trong nhiều thập niên qua chúng ta cổ súy đường lối chống đối, bất hợp tác và cô lập chế độ cộng sản. Đường lối này không mang lại thành công nhiều như chúng ta mong muốn. Nay tình hình trong bối cảnh hợp tác quốc tế (Hiệp định thương mại CPTPP và EVFTA) đang mở ra những triển vọng đưa đất nước vào con đường phát triển và dân chủ hoá. Nó đòi hỏi đường lối mới, phương cách mới linh hoạt hơn.
Đề nghị một Sáng kiến chuyển hoá (SKCH) thông qua can dự dưới các dạng:
- Thành lập các tổ chức văn hoá, công đoàn và kinh tế.
- Tham gia bầu cử cũng như tự ứng cử trong các cuộc bầu cử  làng, xã, huyện, quân, tỉnh thành.
- Vận động, thông tin và liên hệ với các cơ quan ngoại giao, truyền thông của các quốc gia thành viên trong Liên minh EU.
- Lập cơ sở tư vấn pháp luật, giám sát việc thi hành Hiệp định thương mại.
SKCH không đi ngược lại mục tiêu đấu tranh của đường lối trước đây trong công cuộc giải thể chế độ độc tài, độc đảng. Đường lối mới chỉ đề ra những phương cách mới thích ứng hoàn cảnh hiện tại và tương lai của đất nước.
SKCH  sẽ hiện thực vận hội dân chủ cho đất nước vì tiến trình phát triển và dân chủ hoá do chính chúng ta tham gia chủ động. Với SKCH, Xã hội dân sự (XHDS) sẽ là đối tác quan trọng song song với đối tác quốc tế và chinh quyền CS. Sự hợp tác quốc tế nhằm giúp Việt nam phát triển kinh tế. Trước đây không có sự tham gia của XHDS đã dẫn đến hậu quả tiêu cực là đất nước có đổi mới mà chế độ độc tài vẫn ngự trị. Nay XHDS nhập cuộc, tình hình sẽ thay đổi.
Nói tóm lại, tham gia vào đời sống kinh tế, văn hoá, chính trị sẽ giúp  XHDS  có cơ hội hợp tác quốc tế  và liên kết với nhiều thành phần cấp tiến trong và ngoài đảng CS trong các dự án ích quốc, lợi dân. Cũng thông qua tham gia, XHDS có nhiều chứng cớ xác thực để thông tri cho thế giới hiểu thêm về các tệ trạng tham nhũng, môi sinh, nhân quyền và dân quyền. Có tham gia , XHDS mới có quyền biểu lộ công khai và chính đáng trong các chiến dịch phản kháng chính quyền (biểu tình, đình công, bãi khoá…) như trong trường hợp Hồng Kông. 

V.N.Y.


Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét