Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

20200205. QUANH VẤN ĐỀ ỨNG PHÓ NẠN DỊCH NCoV

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHÂN TÂM, ĐẠO ĐỨC, PHÁP LUẬT VÀ CÁI KHẨU TRANG THỜI DỊCH CORONA

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 4-2-2020
Ngày 03/02/2020, nhiều quầy hàng tại chợ thuốc Hapulico (trên đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) đồng loạt treo biển “Không bán khẩu trang, nước rửa tay, miễn hỏi”.
Trước đó, ngày 31/01/2020 giá bán khẩu trang đã được nhiều tiểu thương trên địa bàn thành phố nâng lên gấp nhiều lần.
Khẩu trang y tế loại 4 lớp, hộp 50 chiếc trước đây mỗi hộp có giá từ 35.000 - 50.000 đồng, tuy nhiên các cửa hàng đã nâng lên, có nơi đến 300.000 đồng.
Một số cửa hàng còn tự ý viết thêm ngoài hộp đựng khẩu trang dòng chữ: “Khẩu trang phòng dịch corona”, việc ghi thêm tác dụng của sản phẩm không đúng với tính năng, tác dụng do nhà sản xuất ghi theo giấy phép là trái pháp luật và cần bị xử lý nghiêm khắc.

Với cách ghi thêm dòng chữ lên bao bì để đánh lừa người tiêu dùng trong khi người dân cả nước lo lắng chống chọi dịch bệnh, gọi những kẻ làm ăn kiểu chụp giật này là gian thương có lẽ chưa lột tả hết được sự xấu xa, nhất là khi họ là những kẻ có bằng cấp.
Nói chúng là những kẻ “có bằng cấp” bởi muốn mở công ty hoặc cửa hàng bán thuốc y tế phải có bằng cấp chuyên môn ngành dược, những người “có bằng cấp” và “có học” sẽ không lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Theo thống kê, đến hết ngày 2/2, cơ quan chức năng đã xử lý 1.200 cửa hàng, cá nhân bán hàng có hành vi lợi dụng dịch bệnh do virus Corona gây ra để đầu cơ, trục lợi, gom hàng và đội giá khẩu trang y tế, “chặt chém” người mua. [1]
Vấn đề là những quầy hàng trưng thông báo “Không bán khẩu trang, nước rửa tay” vì lý do hết hàng, găm hàng hay phản ứng với quyết định xử phạt của cơ quan chức năng?
Thứ nhất, nếu tại chợ thuốc lớn nhất Hà Nội mà hết khẩu trang thì cần phải đặt câu hỏi với một số cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Y tế và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Sáu ngày trước, ngày 29/01/2020 Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã ký Công văn số 79-CV/TW “về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov) gây ra”.
Công văn yêu cầu “Xây dựng các phương án phòng, chống theo từng cấp độ lây lan dịch, thực hiện triệt để, tuân thủ các biện pháp dự phòng, cách ly theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn… tập trung (ưu tiên cao nhất) phòng, chống dịch”.
Khi đã có chỉ đạo từ Ban Bí thư “ưu tiên cao nhất phòng, chống dịch”, vậy nếu các cơ sở kinh doanh không còn khẩu trang, dung dịch sát khuẩn để bán thì ai/cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?
Thứ hai, vì sao ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (ngày 01/02/2020) thì một số quầy hàng dừng bán khẩu trang và nước rửa tay?
Hành động này không phù hợp với các quy định tại điểm đ, e trong Quyết định số 173/QĐ-TTg, theo đó các biện pháp phòng, chống dịch bao gồm:
đ) Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.
e) Các biện pháp bảo vệ cá nhân…
Nếu các cửa hàng vẫn còn hàng trong kho nhưng phản ứng với biện pháp xử lý mà không bán hàng thì xử lý thế nào?
Một là đề nghị lực lượng chức năng kiểm tra ngay các quầy hàng công bố không bán bán khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn, nếu trong kho có hàng mà không bán thì phải xem xét dưới góc độ hình sự bởi đây là hành động tiếp tay cho dịch bệnh lan tràn trái với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hai là căn cứ vào quy định tại điểm h trong Quyết định số 173/QĐ-TTg: “Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch”, đề nghị cơ quan chức năng “trưng dụng” số hàng trong kho phục vụ hoạt động chống dịch.
Ba là cần xem xét ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh nCoV - với những cửa hàng và cá nhân đã bị xử phạt [1], cụ thể là rút giấy phép kinh doanh các cửa hàng này ngay lập tức và nếu đủ cơ sở chứng minh họ làm trái quy định tại Quyết định 173/QĐ-TTg của Thủ tướng cần phải xem xét thêm các hình thức xử lý khác bên cạnh phạt hành chính.
Bốn là, để tránh oan sai cho các cơ sở bán hàng, cần kiểm tra hóa đơn xuất xưởng của các cơ sở sản xuất các mặt hàng bị tăng giá, nếu các cơ sở này lợi dụng dịch bệnh tăng giá ngay từ gốc thì phải xử lý trước khi xử lý cơ sở bán hàng.
Bên cạnh đó cũng cần kiểm tra các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu sản xuất ra các mặt hàng đó xem có vi phạm hay không.
Người Hà Nội từng được ca ngợi là có truyền thống thanh lịch với “Văn hóa Tràng An”, thật buồn là những tiểu thương này lại có cách phản ứng rất thiếu tình người, có người còn nặng lời là hành động vô đạo đức, coi thường tính mạng người khác.
Trong khi đó, có rất nhiều người, sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua khẩu trang phát miễn phí, rất đáng hoan nghênh.
Cũng cần phải thấy thêm rằng, nhà nước vì tính mạng người dân, chấp nhận thiệt hại kinh tế để chống dịch (hạn chế giao thương hàng hóa, du lịch; đình chỉ các chuyến bay,…) thì gian thương lại lợi dụng để trục lợi là không thể chấp nhận được.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra là thảm họa toàn cầu nhưng cũng là dịp để người dân Thủ đô, các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị rút kinh nghiệm xử lý tình huống, không để tái diễn trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
[1] //thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/xu-ly-gan-1200-cua-hang-tang-gia-ban-khau-trang-1177919.html
Xuân Dương
BÀI LIÊN QUAN:
CORONA ĐÁNH BẠT CẢ CHUYỆN QUÁ KHỨ LẪN TƯƠNG LAI
THỤC QUYÊN /BVN 3-2-2020

Mọi lo nghĩ chú ý của người Việt trong và ngoài nước đều dồn về đại dịch do virus Corona gây ra hiện nay, là điều đúng và là lẽ tự nhiên. Người Việt trong nước lo cho mạng sống của chính mình và gia đình, người Việt hải ngoại lo cho người thân ở nhà và e ngại những hủy hoại tàn khốc có thể đến với dân tộc.
Trong cơn sốc Corona, Đồng Tâm đã gần như chìm vào quên lãng và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do) sẽ được Nghị viện Âu châu quyết định vào ngày 11/02 tới đây, chỉ như là chuyện của một hành tinh khác.
Hàng ngày người dân trong nước có thể tự bảo vệ ra sao?
1/ Hiểu rằng bảo vệ những người chung quanh chính là bảo vệ mình và ngược lại, bảo vệ mình là bảo vệ người chung quanh.
2/ Vì: cho đến giờ phút này Tổ chức Y tế thế giới WHO vẫn chưa biết rõ:
  • Tất cả khả năng lan truyền của virus Corona;
  • Virus Corona có thể sống ngoài không khí (và giữ khả năng lây bệnh) bao nhiêu lâu.
Vì:
  • Chưa có thuốc chữa và thuốc chủng ngừa;
  • Những người mang virus có thể truyền nhiễm mà không có triệu chứng bệnh.
Nên: điều duy nhất có thể làm là có những biện pháp ngăn chặn virus xâm nhập cơ thể của mình.
3/ Những phương cách: không có phương cách nào tuyệt đối nhưng nên cố gắng giảm thiểu hiểm nguy như:
  • Tránh đám đông (dĩ nhiên phải thay đổi những hoạt động thường ngày);
  • Khi ra đường, đeo khẩu trang đúng (kín từ mũi đến cằm), mắt kính, tránh đưa tay chạm vào miệng, mũi, mắt trước khi rửa tay bằng xà bông và nước, hoặc thuốc  khử virus “khô” không cần rửa lại nước;
Rửa tay (bằng xà bông hay thuốc rửa khô) phải xòe tay ra để rửa cả giữa những ngón tay, kẽ tay;
Mỗi lần mở khẩu trang ra phải vứt đi (gói lại trước khi vứt), thay cái mới, kính thì phải rửa xà bông. Và lại rửa tay;
  • Ăn uống những món nấu chín tại nhà.
4/ Đọc những phương cách phòng bệnh trên có lẽ ai trong chúng ta cũng nản vì làm sao theo được trong cuộc sống bình thường? Do đó sự hiểu biết và thái độ đối phó bệnh dịch của Chính phủ là điểm chính. Trong trường hợp hiện nay, người từ Trung Hoa (bất kể quốc tịch nào nhưng dĩ nhiên người Trung Hoa là đông hơn cả) đã ào ạt vào VN từ trước và sau khi có tin bệnh dịch xuất phát. Là một nước nghèo không có một hệ thống y tế cần thiết để đối phó hữu hiệu nạn dịch, lại ráp ranh với Trung Hoa, thì thời điểm trễ nhất để VN phải ngưng nhận người từ Trung Hoa vào Việt Nam đúng ra phải là khi Tập Cận Bình tuyên bố cách ly hoàn toàn Vũ Hán và một số thành phố khác. Chính Trung Hoa đã cách ly người của họ thì Việt Nam dù có lệ thuộc Trung Hoa tới đâu cũng phải đủ thông minh và trách nhiệm để ngăn làn sóng người từ Trung Hoa qua Việt Nam bằng nhiều phương tiện, ngõ ngách. Điều này đã không xảy ra.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố Tình trạng Y tế khẩn cấp toàn cầu và đã nói rõ, đó là vì nhắm đến những nước không có một hệ thống y tế cần thiết để đối phó (như Việt Nam), những nước nghèo đông dân, không đủ vệ sinh trong cuộc sống hàng ngày (như nhiều nơi tại Việt Nam) và người dân không có sức khỏe đủ để chống đỡ (như số đông dân Việt Nam).
Toàn thế giới đang quan sát bệnh dịch và sửa soạn tối đa để đối phó. Người Việt Nam trong và ngoài nước đang hết sức lo ngại nhưng hoảng loạn lúc này là điều tệ nhất.
Không phải cứ nhiễm virus Corona là chết
Khỏi bệnh là nhờ sức đề kháng của cơ thể. Chưa có thuốc chữa. Những phương pháp y tế hiện nay chỉ để hỗ trợ sức đề kháng của người bệnh. Do đó loan báo “chữa trị” được chỉ là một tuyên truyền trấn an. Người nào tự tin có thể “chữa trị” được người nhiễm virus Corona bằng một thần dược nào đó là người mắc bệnh ngu xuẩn. Và tuy y tế có những biện pháp để hỗ trợ người bệnh nhưng bao nhiêu người Việt sẽ có một chỗ nằm trong bệnh viện, và bao nhiêu bệnh viện ở Việt Nam được trang bị những tiêu chuẩn cần thiết? Ngay chính Trung Hoa cũng không có, ngoại trừ vài nhà thương chính ở những thành phố lớn nhất. Tại Đức hiện nay cũng chỉ có phương tiện đủ cho tới vài chục bệnh nhân, do đó những người Đức đưa từ Wu Han về, tuy không có triệu chứng bệnh cũng phải sống cách ly tại khu riêng trong vòng 14 ngày, để đề phòng dịch lan tỏa.
Tình trạng tại VN rất đáng lo. Nhưng không nên quẫn trí, bỏ mặc. Không có khẩu trang, thuốc rửa sát virus, thì cứ dùng mọi cách và mọi thứ để ngăn tiếp xúc. Nhiều người cười những người Trung Hoa nghèo cắt những thùng nhựa hay vải may để đeo thay khẩu trang. Tôi nghĩ rằng có còn hơn không. (Nhớ rửa xà bông và giặt những vật này) Còn hơn những người đeo khẩu trang mà kéo xuống dưới mũi hay để hở miệng để nói.
Điều quan trọng hiện nay là hiểu rằng bảo vệ lẫn nhau là bảo vệ chính mình. Các phụ huynh học sinh cần giúp ý kiến nhà trường và các thày cô để tổ chức cách giữ vệ sinh trong trường và lớp học. Những đồng nghiệp tại các công xưởng nên cộng tác, giúp đỡ nhau. Nếu có dịch phát xuất ở vùng của mình thì cho con em ở nhà. Nên nghĩ tới những người nghèo cần giúp đỡ để sống trong trường hợp dịch làm ngưng trệ các hoạt động xã hội.
Những đồn đãi cần ăn uống những hoa qủa tươi để tăng sức khỏe (sức đề kháng) là đúng. Nhưng nên nhớ không phải là thần dược trị bịnh. Và hoa qủa cũng cần được rửa trước khi ăn.
Những điều không trực tiếp liên quan đến Corona, nhưng tất cả đều liên quan gián tiếp, nhiều hay ít, với nhau.
Nếu không có sự đe dọa của đại dịch Corona thì đã đến thời điểm cần phải ngưng khóc lóc để phân tích những thiếu sót của giới hoạt động XHDS VN trong và ngoài nước, để vụ giết người cướp của tại Đồng Tâm đã xảy ra tới mức độ dã man đó, mà quốc tế và nhất là Liên minh Âu châu (đang muốn ký Hiệp định Thương mại Tự do với VN) không có một hành động can thiệp nào.
Với tình trạng bệnh dịch hiện nay, đành phải gác lại.
Liên quan đến EVFTA/IPA thì Nghị viện Liên minh Âu châu vẫn tiếp tục chương trình nhóm họp ngày 10/02/2020 và sẽ biểu quyết có phê chuẩn 2 hiệp định hay không vào ngày 11/02.
Ngày mai, thứ hai 3/02/2020, một số tổ chức nhân quyền quốc tế, sẽ cùng ký gửi một bức thư đến tất cả 705 nghị viên để nêu rõ những sai lầm và thiếu trách nhiệm của Ủy ban Thương mại INTA, và yêu cầu hoãn phê chuẩn EVFTA để Việt Nam có đủ thời giờ thực thi một số điều các tổ chức này đòi hỏi, hầu tạo điều kiện cho người dân Việt Nam được thực sự tham dự và hưởng quyền lợi cũng như chịu trách nhiệm.
Những nghị viên LMÂC có thể đồng ý hay không với những tổ chức NQ, nhưng không ai trong tương lai có thể viện cớ hiểu lầm hay bị Chính phủ VN lừa bịp.
Những nghị viên sẽ bỏ phiếu và chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Nhân quyền phải được bênh vực bằng hành động.
T.Q.
Tác giả gửi BVN 
CORONAVIRUS LÀ TAI HOẠ CHO TRUNG QUỐC NĂM 2020
NGUYỄN QUANG DY/ viet-studies 3-2-2020
Năm mới, sự bùng phát của Coronavirus (hay nCoV) là một tai họa cho Trung Quốc năm 2020. Nó không chỉ là khủng hoảng về vi sinh học và y học, mà còn là khủng hoảng hệ thống chính trị Trung Quốc, làm bộc lộ những tử huyệt của họ. Việt Nam cũng bị vạ lây vì “cùng chung vận mệnh”, thậm chí còn nguy hiểm hơn vì hệ lụy “hội chứng Đồng Tâm”. 
Tính đến 3/2/2020, ở Trung Quốc đã có 17.488 người mắc dịch (kể cả Đài Loan, Hongkong, Macao) và 361 người chết. Theo Bộ y tế, ở Việt Nam đã có thêm 3 trường hợp mắc dịch, nâng tổng số lên 8 trường hợp. Việt Nam đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế, và ngừng tất cả các chuyến bay đến/từ Trung Quốc (nhưng vẫn chưa đóng cửa biên giới).
Phúc bất trùng lai
Sau ba thập kỷ phát triển nóng, Trung Quốc như người khổng lồ trỗi dậy thành siêu cường kinh tế, vượt Nhật và chỉ đứng sau Mỹ. Nhưng Trung Quốc không “trỗi dậy hòa bình” như Mỹ và Phương Tây mong đợi, mà con rồng Trung Quốc phủ bóng đen của nó lên Biển Đông, bắt nạt các nước láng giềng và độc chiếm Biển Đông như cái ao của họ.
Tập Cận Bình thấy cơ hội đã đến nên từ bỏ chính sách “dấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, và củng cố quyền lực độc tài cá nhân (như thời Mao). Trong nước, Tập bóp nghẹt tự do dân chủ và triển khai “hệ thống cho điểm xã hội” (social credit system). Ngoài nước, Tập triển khai kế hoạch “Vành đai Con đường” để thao túng các nước bằng “bẫy nợ”.   
Để đối phó với Trung Quốc trỗi dậy, Chính quyền Trump đã điều chỉnh chiến lược, từ bỏ chính sách cộng tác (engagement) của các chính quyền trước, chuyển sang ngăn chặn (containment) và đối đầu như “chiến tranh lạnh kiểu mới”. Mỹ phát động chiến tranh thương mại và dùng thuế quan như vũ khí kinh tế làm suy yếu Trung Quốc tại vùng Indo-Pacific. 
Trong khi Trung Quốc phân hóa và thao túng ASEAN (như Philippines và Campuchia) thì các nước khác bắt đầu phản ứng (pushback) với kế hoạch “Vành đai Con đường” và “bẫy nợ”. Đối thoại Mỹ-Triều và thay đổi chính phủ ở Malaysia phản ánh xu thế thoát Trung. Những biến động gần đây tại Hong Kong và Đài Loan đang cảnh báo Trung Quốc.
Đó là bối cảnh những thách thức to lớn mà Trung Quốc phải đối mặt như “phúc bất trùng lai”, khi xảy ra dịch Corona thì như “họa vô đơn chí”.  Trong thế giới bất ổn đó, những biến số khó lường đe dọa làm bộc lộ những tử huyệt của hệ thống chính trị. Sự bùng phát và lây lan của Coronavirus làm người dân nhiều nước tẩy chay Trung Quốc như tội đồ.
Cơ hội vàng bị mất
Theo Minxin Pei và Nicholas Kristof, Trung Quốc không rút được kinh nghiệm SARS (2002-2003) và không đối phó kịp thời với Corona (2019-2020). (The Coronavirus Is a Disease of Chinese Autocracy, Project Syndicate, January 25, 2020; Coronavirus Spreads and the World Pays for China’s Dictatorship, New York Times, January 29, 2020).
Khi dịch Coronavirus bùng phát tại Vũ Hán, chính quyền địa phương đã bất lực và lãnh đạo thành phố phải trốn ra đảo, trong khi 5 triệu dân đã sơ tán khỏi thành phố. Theo Minxin Pei, Bắc Kinh không có khả năng xử lý một đại dịch như vậy. Kể từ thời có dịch SARS (2003), Bắc Kinh vẫn chưa có sự đổi mới cơ bản nào về năng lực xử lý khủng hoảng.
Trong vòng một tháng (từ giữa 12/2019 đến giữa 1/2020) là giai đoạn sống còn mà Minxin Pei gọi là “cửa sổ cơ hội vàng” đã bị mất, khi chính quyền tra hỏi và kỷ luật 8 bác sỹ ở Vũ Hán vì “tung tin đồn nhảm” về virus lạ. Trong mấy tuần đó (đến 20/1/2020), số người bị mắc dịch đã nhanh chóng tăng lên gấp đôi, làm cho chính quyền giật mình.
Nguyên nhân chính là “lỗi hệ thống” do thể chế độc tài bưng bít thông tin để thao túng và che dấu sự thật. Khi phát hiện dịch mới tại Vũ Hán (8/12) chính quyền kiểm duyệt báo chí và các trang mạng (WeChat, Weibo), trấn áp các bác sỹ và nhà báo đưa tin. Khi có người chết (11/1) chính quyền vẫn phủ nhận dịch có thể lây lan từ người sang người.
Vì vậy, dịch Corona đã bùng phát và đến nay đã lan ra 27 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sau khi 5 triệu người dân đã rời khỏi Vũ Hán, sẽ rất khó kiểm soát. Khi thấy tình hình đã nguy cấp, với hàng ngàn người mắc dịch và nhiều người chết (20/1), chính quyền buộc phải thay đổi thái độ và “chỉ đạo quyết liệt” thì đã quá muộn (too little too late).
Thường mỗi khi các quan chức chính quyền gặp một vấn đề, họ thường phân ra là “kỹ thuật” hay “chính trị”. Nếu là chính trị, họ sẽ “đá vấn đề lên trên để chờ quyết định”. Vì vậy, trong hệ thống tập trung cao đó, quá trình ra quyết định rất lâu. Nhưng khi đã quyết thì họ lại hành xử như thời chiến, mà Minxin Pei gọi là “quân sự hóa chính quyền”.
Hệ quả kinh tế của Coronavirus sẽ rất nặng nề đối với Trung Quốc, cũng như các nước phụ thuộc vào họ. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, Shanghai composite giảm 7,7%, và Shenzhen Component Index giảm 8,5%. Khi không thể bưng bít được nữa, chắc nội bộ sẽ bị phân hóa. Lần đầu tiên, dịch Corona dám thách thức quyền lực của Tập Cận Bình.   
Trong kinh tế có môn “kinh tế chính trị học”. Nhưng nếu người ta lạm dụng để chính trị hóa một cách toàn diện và triệt để các lĩnh vực dân sự (kể cả dịch vụ y tế) nhằm duy trì độc quyền thì sẽ tạo ra ách tắc, như các khối u trong cơ chế quốc gia. Khi phải đối phó với tình thế khủng hoảng như dịch SARS hay Corona, cơ chế đó sẽ bộc lộ những tử huyệt.
Liên hệ tới Việt Nam
Tuy nói chuyện Trung Quốc, nhưng cần liên hệ tới Việt Nam, vì đó là “quan hệ nhân quả”. Coronavirus càng làm bộc lộ những yếu kém của một hệ thống chính trị bất cập và lỗi thời. Vì vậy, ông Trần Quốc Vượng có lý khi phát biểu (25/12/2019) “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình… chẳng ai lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”.
Trong bối cảnh hiện nay, khả năng kiểm soát và xử lý khủng hoảng của Việt Nam còn yếu kém vì thể chế lạc hậu và dân trí thấp. Việt Nam đã bỏ visa đối với người Trung Quốc, nên biên giới hai nước hầu như bỏ ngỏ. Tuy dịch Corona đã bùng phát và WHO đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, Việt Nam vẫn chưa đóng cửa biên giới vì sợ Trung Quốc.
Trong cuộc họp Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì (30/1/2020), Phó Thủ tướng/Ngoại trưởng Phạm Bình Minh lý giải chưa đóng cửa biên giới là do “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương”.
Nhưng theo trang Thư viện Pháp luật, trong điều 5, khoản 3 của hiệp định biên giới có ghi: “Để bảo vệ lợi ích xã hội, an ninh quốc gia hoặc vì lý do thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh truyền nhiễm lớn, dịch bệnh động thực vật và các trường hợp bất khả kháng khác, một Bên có thể tạm thời đóng hoặc hạn chế việc qua lại cửa khẩu. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho phía Bên kia trước 5 ngày, trong trường hợp khẩn cấp không được ít hơn 24 giờ”.
Nay chính phủ chỉ đạo quyết liệt thì đã muộn (như chém gió). Sau Tết có nhiều lễ hội đông người, ngành du lịch và các địa phương không thấy hết nguy cơ, nên “trên bảo dưới không nghe”.  Hệ thống y tế Việt Nam yếu kém vì quá tải nên khó đối phó với dịch đã bùng phát. Câu chuyện khẩu trang khan hiếm vì “cháy hàng” là một ví dụ đáng buồn không chỉ với dịch Corona mà còn đối với nạn ô nhiễm không khí đang ở mức báo động.
***
Tại Việt Nam, dịch Coronavirus (hay nCoV) xảy ra gần đồng thời với biến cố Đồng Tâm, như “khủng hoảng kép”. Tuy hai sự kiện có những biến số (variables) khác nhau nhưng lại có hằng số (constants) về cơ bản giống nhau. Đó là hai trường hợp điển hình (case studies) chứa đựng nhiều ẩn số (implications) cần phải nghiên cứu thêm để làm rõ. 
Có người nói trong cơn sốc Corona, “biến cố Đồng Tâm gần như chìm vào quên lãng” và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) sẽ được Nghị viện Âu châu quyết định vào 11/02/2020, “chỉ như chuyện của một hành tinh khác”. Đó là nói theo logic hình thức để thấy Coronavirus cấp bách hơn, nhưng thực ra đó là “quan hệ nhân quả”.  
Tham khảo
1. The Wuhan Virus: How to Stay Safe, Laurie Garrett, Foreign Policy, January 25, 2020
2. The Coronavirus Is a Disease of Chinese Autocracy, Minxin PeiProject Syndicate, January 28, 2020
3. Coronavirus Spreads and the World Pays for China’s Dictatorship, Nicholas Kristof, the New York Times, January 29, 2020
4. Xi’s one-man Rule Hamstrings Coronavirus Response, Katsuji Nakazawa, Nikkei Asian Review, January 30, 2020
5. Coronavirus Outbreak Highlights Cracks in Beijing’s Control, Lenora Chu, The Christian Science Monitor, January 31, 2020
NQD. 3/2/2020

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 3-2-20

TỪ ĐẠI DỊCH CORONAVIRUS, QUAN SÁT MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA VĂN HOÁ VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẠI TRUNG CỘNG
FB TRẦN TRUNG ĐẠO / BVN 5-2-2020
Yếu tố tinh thần và văn hóa ảnh hưởng thế nào trong dòng phát triển kinh tế và chính trị của một quốc gia là một vấn đề được tranh luận không chỉ mới đây mà từ nhiều trăm năm giữa các trường phái tư tưởng.
Karl Marx cho rằng vật chất chứ không phải các giá trị văn hóa, tinh thần quyết định ý thức con người.
Tại Trung Cộng, tư tưởng và quan điểm duy vật quyết định mọi chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội của đảng CS.
Thời gian trôi qua hơn 70 năm với hàng loạt những thay đổi về chính sách kinh tế nhưng ý thức hệ duy vật chỉ đạo tại Trung Cộng vẫn không thay đổi. Không chỉ Mao bảo thủ mà các chính sách hiện đại hóa và cởi mở kinh tế của Đặng Tiểu Bình cũng đặt trên cơ sở lý luận vật chất quyết định ý thức.
Đặng Tiểu Bình trong giai đoạn đói kinh hoàng của Trung Quốc từ 1959 đến 1962, đã biện hộ cho chủ trương mở rộng khi phát biểu “không quan tâm mèo đen hay mèo trắng, công khai ủng hộ cho bất cứ chính sách gì miễn là gia tăng sản xuất nông nghiệp”.
Khi nắm quyền, quan điểm này của họ Đặng được áp dụng cho các ngành kinh tế khác. Đặng Tiểu Bình chủ trương “Làm giàu là vinh quang”. Ông ta nghĩ rằng con người khi giàu có, nhiều tiền của, tư cách của họ cũng sẽ đổi khác. Nhưng “mèo đen hay mèo trắng” của họ Đặng chỉ giới hạn trong kỹ thuật và chính sách ngắn hạn, về căn bản nền kinh tế của Trung Cộng vẫn đặt trên lý luận CS.
Trong buổi phỏng vấn dành cho chương trình “America’s 60 Minutes” năm 1986 Đặng phát biểu về sự cần thiết để gia tăng vật chất tại Trung Cộng. Đặng nói: “Theo tư tưởng Marx, xã hội CS đặt trên cơ sở một xã hội thừa thãi vật chất. Chỉ khi nào sự dư thừa vật chất thì nguyên tắc của xã hội CS ‘làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu’ mới được áp dụng. Xã hội chủ nghĩa là giai đoạn đầu để tiến tới chủ nghĩa CS”.
Đặng cũng nói thêm “Trách nhiệm hàng đầu trong giai đoạn xã hội chủ nghĩa hiện nay của Trung Quốc là phát triển lực lượng lao động, gia tăng sự giàu có của cải xã hội, tuần tự cải thiện đời sống và tạo ra các điều kiện vật chất làm tiền đề của một xã hội CS”. Trong buổi phỏng vấn Đặng Tiểu Bình không bàn đến các yếu tố tinh thần, văn hóa, giáo dục làm nên một con người của thời đại văn minh.
Nhắc lại, từ sau giai đoạn mở cửa cho đến 2015, nền kinh tế Trung Cộng đã phát triển vượt qua mọi dự đoán của các nhà kinh tế. Lý do đã được các nhà phân tích mổ xẻ nhiều lần nhưng tập trung vào các lợi điểm (1) lực lượng lao động khổng lồ (761 triệu vào năm 2010), (2) đồng lương rẻ mạt, (3) chính sách kinh tế chỉ huy từ trung ương có tác dụng hữu hiệu trong các kế hoạch năm năm, (4) tham vọng của giới lãnh đạo từ Đặng trở về sau, (5) kích thích do việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế thị trường trong kinh tế nội địa cũng như trong quan hệ với kinh tế thế giới, (6) xuất cảng gia tăng ồ ạt, thương mại thặng dư.
Để thỏa mãn tham vọng đưa Trung Cộng thành một cường quốc, giới lãnh đạo Trung Cộng không từ chối một thủ đoạn nào để bóc lột sức lao động không chỉ của người dân Trung Quốc mà còn vói tay đến tận các quốc gia Phi Châu nghèo khó.
Như người viết đã trình bày trong bài “Chủ nghĩa thực dân đỏ tại Phi Châu”, sự dốt nát trong quản trị và điều hành nền kinh tế đã tạo ra mức lãng phí nguyên liệu rất lớn tại các cơ xưởng, các nhà máy sản xuất tại Trung Cộng. Để giữ giá thành sản phẩm thấp, các công ty Trung Cộng không thể nhập cảng nguyên vật liệu với giá đang được mua bán trên các thị trường quốc tế. Thay vào đó, Trung Cộng lập ra hàng trăm công ty thu mua nguyên liệu lẻ từ các nước Phi Châu. Nhiều công ty chỉ có vài chục nhân công và số lượng thu mua được tính bằng đơn vị kilo. Lực lượng lao động tại các nước Phi Châu không ít là trẻ em, phụ nữ, và họ đào quặng bằng các phương tiện thô sơ như cuốc xẻng và ngay cả bằng tay. Chính sách thực dân của Trung Cộng vô cùng thất nhân tâm, phi văn hóa.
Thực tế của xã hội Trung Cộng hiện nay là bản tự thú những sai lầm của quan điểm duy vật. Tiền bạc không làm nên một đất nước hay một con người văn hóa. Những thành công kinh tế ngắn hạn của Trung Cộng dựa trên tham vọng của giới cai trị thay vì dựa trên sự phát triển tự nhiên, hài hòa phù hợp với dòng văn minh của loài người.
Trong lịch sử loài người không có chế độ độc tài nào thật sự mang lại hạnh phúc lâu dài cho dân tộc. Một nước đại kỹ nghệ như Liên Sô đã sụp đổ chỉ trong vòng vài tháng.
Trung Cộng, cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới với GDP hơn 14 ngàn tỉ đô la và là nơi có dự trữ vàng lớn nhất thế giới, không phải là cường quốc văn hóa. Khẩu hiệu “xây dựng một xã hội hài hòa” được nhắc đến thường xuyên trong các diễn văn của Tập Cận Bình chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền. Giá trị của một quốc gia không được đánh giá bằng tiền của mà bằng các tiêu chuẩn đạo đức, dân chủ, tôn giáo, văn minh, văn hóa và sự kính trọng của loài người dành cho.
Trong lúc người dân Trung Quốc có một đời sống vật chất khá hơn thời Cách mạng Văn hóa và Bước tiến Nhảy vọt, các giá trị tinh thần tại Trung Cộng không cải thiện một chút nào. Trung Cộng vẫn là một đất nước lạc hậu khi so sánh với các nước phát triển về các giá trị đạo đức, truyền thống, tôn giáo, hành vi được chuyển tải từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Không ít người dân Trung Quốc vẫn thích ăn thịt người, khác chăng được che giấu dưới một hình thức khác như trường hợp 17 ngàn viên thuốc từ Trung Cộng được bào chế bằng thai nhi bị khám phá tại Nam Hàn năm 2012.
Sự lạc hậu văn hóa tại Trung Cộng là lạc hậu từ trung ương đến địa phương. Chế độ CS tại Trung Quốc trong thời Tập mang nhiều đặc tính của một chế độ phong kiến thể hiện rõ nét nhất qua bịnh quan liêu, che đậy và lừa dối.
Khi phải đối diện với một biến cố ngoài dự liệu, ngoài sự hiểu biết và ngoài tầm kiểm soát của các cán bộ CS được cất nhắc vào các chức vụ do phe cánh và do “hồng hơn chuyên”, việc che đậy và lừa dối trở thành một phản ứng tự nhiên.
Che đậy và lừa dối vốn đã là bản chất của chế độ CS nói chung, không riêng gì Trung Cộng mà cả hệ thống Liên Sô trước đây cũng vậy.
Sự kiện vụ nổ nhà máy nguyên tử Chernobyl là một bằng chứng. Khi nhà máy nguyên tử Chernobyl phát nổ và một lượng phóng xạ tương đương với 500 trái bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima lan rộng khắp Châu Âu. Bản báo cáo do cấp địa phương gởi lên Gorbachev cho biết có một cuộc hỏa hoạn vừa xảy ra tại Chernobyl nhưng nhà máy nguyên tử không bị ảnh hưởng gì. Nhiều ngày sau khi báo chí châu Âu và các máy đo phóng xạ phát hiện chất phóng xạ đã lan rộng đến tận Thụy Điển, Gorbachev mới biết chính nhà máy nguyên tử phát nổ chứ không phải hỏa hoạn. Lúc đó đã quá trễ để các thành phố lân cận có thể di tản kịp thời. Khoảng bảy ngàn người đã chết, hàng trăm ngàn người bị thương tật và chất phóng xạ gây ra sẽ còn tiếp tục di hại đến nhiều thế hệ sau này. Quốc hội Ukraine năm 1991 đã tố cáo Liên Sô, trong đó có Gorbachev, cố tình “che đậy, lừa dối”. Volodymyr Yavorivsky, Chủ tịch Ủy ban điều tra vụ nổ Chernobyl của Chính phủ Ukraine kết luận đó không phải chỉ là một tai nạn kỹ thuật mà là “tội ác của chế độ CS”.
Nạn dịch SARS tại Trung Cộng năm 2002 cũng bị che đậy và lừa dối. Chính quyền Trung Cộng giấu nhẹm tin tức về SARS trong nhiều tháng và vi khuẩn SARS tự do lây từ người này sang người khác mà không ai biết nguồn gốc từ đâu. Mãi tới tháng Hai, 2003 chính quyền Trung Cộng mới chính thức báo cho WHO biết và thi hành các biện pháp ngăn ngừa.
Lần này Trung Cộng phản ứng tốt hơn đối với đại dịch Coronavirus nhưng vẫn không minh bạch. Trang mạng của các hãng tin lớn chuyên theo dõi đại dịch Coronavirus bị chặn. Các biện pháp ngăn ngừa được áp dụng quá trễ khi một phần không nhỏ trong số 11 triệu dân Vũ Hán đã mang theo căn bịnh Coronavirus lên đường đi nghỉ Tết tại nhiều nơi khác.
Hàng loạt các nghiên cứu cho thấy yếu tố văn hóa quyết định cho sự phát triển lâu dài, bền vững của một quốc gia. Trường hợp thành công của Nam Hàn là một ví dụ. Sự thành công của Nam Hàn nhờ các giá trị văn hóa, giáo dục và chính trị. Giáo sư Paola Sapienza, thuộc đại học Northwestern University cho rằng “văn hóa đồng hành cùng phát triển kinh tế”.
Với sự hợp tác của cả thế giới, đại dịch Coronavirus tại Trung Cộng sớm hay muộn sẽ được ngăn chận nhưng không có nghĩa sẽ diệt trừ hết các nạn dịch.
No photo description available.
Việc họa sĩ biếm họa Đan Mạch Niels BoBojesen vẽ hình lá cờ Trung Cộng với năm vi khuẩn coronavirus và được nhiều người tiếp tay phát tán khắp thế giới cho thấy sự khinh rẻ của con người đối với chế độ chính trị tại Trung Cộng.
Họa sĩ Niels BoBojesen từ chối xin lỗi. Lý do rất dễ hiểu mà cả Tập Cận Bình cũng không thể phản biện, Trung Cộng nơi phát sinh các nạn dịch có nguồn từ thú vật và các nạn dịch này sẽ tồn tại mãi cho đến khi nào các điều kiện chính trị, văn hóa, xã hội còn dung dưỡng chúng.
T.T.Đ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét