Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

20200220. BÀN VỀ PHÂN HOÁ GIÀU NGHÈO Ở MỸ

ĐIỂM BÁO MẠNG

NƯỚC MỸ RẠN NỨT 

ĐOÀN HƯNG QUỐC/ BVN 11-2-2020 

Image result for nước mỹ

Bài này tóm lược những phân tích trước đây về 3 cách nhìn khác nhau đối với khoảng cách giàu nghèo trong nước Mỹ.
Cách mổ xẻ thứ nhất, là vạch một đường phân chia giữa nhóm siêu giàu (super rich – có thu nhập trung bình 26 triệu USD) với 99.99% dân chúng còn lại. Trong số này gồm các tỷ phú Bill Gates (Microsoft) và Jeff Bezos (Amazon) vốn đã lập nên sự nghiệp vĩ đại từ bàn tay trắng, nhưng ngược lại cũng có nhiều chủ ngân hàng suýt làm sụp đổ nền kinh tế Mỹ năm 2008 mà không hề bị phạt vạ; hoặc các CEO lương bổng hàng chục hay trăm triệu USD trong khi nhân viên thất nghiệp và hãng xưởng di dời ra ngoại quốc.
Cách nhìn này dễ gây khích động trong quần chúng. Tuy nhiên Hoa Kỳ là một nước tự do nên phải chấp nhận khoảng cách giàu nghèo cùng những ưu điểm và khuyết điểm của chủ nghĩa tư bản. Nhà giàu như Bill Gates hay Jeff Bezos thuộc loại “tư bản tốt” vì đã tạo ra của cải và hàng trăm ngàn công ăn việc làm với đồng lương lớn trong nước Mỹ nên cần được khuyến khích thay vì bị ganh ghét và đòi phải trừng phạt theo như quan điểm của cánh tả Bernie Sanders và Elizabeth Warren. Ngược lại nhà nước cần thay đổi mô hình kinh tế để thúc đẩy hãng xưởng không chạy theo lợi nhuận trước mắt mà phải đầu tư lâu dài nhằm tạo công ăn việc làm trong nước Mỹ, đồng thời lấp đầy các lổ hổng thuế má nhằm ngăn chặn kẻ quyền thế làm giàu bất lương cho dù là không phạm phát.
Cách mổ xẻ thứ nhì, là vạch một đường thẳng phân chia giữa 15% trí thức trung lưu trở lên và 85% dân chúng còn lại. Thành phần trí thức trung lưu gồm các chuyên viên có trình độ đại học và thích ứng với toàn cầu hóa nên lương cao, lại sở hữu chứng khoáng và nhà đất ở những vùng tăng giá nhanh như Cali, Seattle, New York, Washington DC. Con cái họ sẽ vào các đại học nổi tiếng nên có tương lai sáng lạng. Không ít các gia đình di dân gốc Ấn, Hoa và Việt Nam nằm trong số 15% trí thức trung lưu này. Ngược lại 85% còn lại trong nước Mỹ, hoặc không có bằng đại học hay có loại bằng cấp khó tìm việc làm nên thành công nhân hay nhân viên cấp thấp trong những ngành nghề vốn bị đe dọa bởi toàn cầu hóa và tự động hóa. Công ăn việc làm bấp bênh, lương bổng ngay cả đủ sống nhưng vẫn chật vật vì bảo hiểm y tế, tiền giữ trẻ và giá nhà tăng nhanh. Nhiều gia đình trong số này chỉ lo sống qua ngày mà không chuẩn bị cho lúc tuổi về hưu hay đại học cho con cái, cho nên họ không tin rằng tương lai sẽ khá hơn cuộc sống hiện thời. Tình trạng này dẫn đến phân biệt đẳng cấp vì lớp 85% không thấy có cơ hội tiến thân như thiểu số 15% còn lại. GDP Mỹ tăng liên tục trong suốt 30 năm qua nhưng mức thu nhập của đa số dân chúng lại không tăng, tức là thành quả kinh tế rơi trọn vào thượng tầng hưởng lợi. Nhiệm vụ của nhà nước là tạo cơ hội (opportunity) nhất là về giáo dục để bắt nhịp cầu cho đa số 85% tiến lên, nhưng đồng thời lại không đè gánh nặng thuế má thành cản trở sự phát triển của thiểu số 15% dẫn đầu.
Cách mổ xẻ thứ ba: Nếu hai cách nhìn (1) và (2) chú trọng đến khoảng cách kinh tế thì cách mổ sẻ thứ 3 lại chia bản đồ địa lý nước Mỹ ra thành 3 khu vực:
(a) Những trung tâm văn hóa, kinh tế, thương mại và kỹ thuật vô cùng thịnh vượng dẫn đầu thế giới nằm dọc theo bờ biển miền Tây (Cali và Seattle), Đông Bắc (New York và Washington DC) cùng biên giới phía Nam (Texas, Florida, Arizona);
(b) Các trung tâm đô thị cũ kỹ (inner cities) nơi tập trung hàng chục triệu người nghèo gốc Trung Mỹ và da đen và tỷ lệ phạm pháp lên đến 70-80% trong dân chúng;
(c) Vòng đai han rỉ (rust belt) trải dài ở nhiều tiểu bang nằm sâu trong nội địa, đất sinh sống của hàng chục triệu gia đình công nhân da trắng nay bị đe dọa bị mất việc bởi toàn cầu hóa và hiện bị nạn cần sa ma túy hoành hành.
Hoa Kỳ không thể ổn định chính trị nếu không dập tắt được lò lửa bất mãn nổ bùng từ vùng rust belt hiện tại. Ngược lại các inner cities là một ung nhọt hư thối mà nước Mỹ dù đã bỏ rất nhiều tiền của nhưng vẫn không giải quyết được vấn nạn bần cùng và tội phạm. Một nghịch lý khi nhà nước mở rộng các chương trình trợ cấp xã hội nâng đỡ dân nghèo thì lại gây nên tình trạng lạm dụng, lười biếng và ỷ lại, đánh mất ý chí cầu tiến trong các inner cities và rust belt. Phong trào Dân Quyền (Civil Rights) đã góp phần bần cùng hóa các inner cities khi ưu đãi cho người da đen thay vì thúc giục họ phấn đấu, trong khi toàn cầu hoá và tự động hóa làm hại giới công nhân da trắng ở các rust belt khiến họ đánh mất công ăn việc làm. Dân quyền và toàn cầu hóa lại là sản phẩm trí tuệ của giới trí thức miền Tây và Đông Bắc nên giữa hai khu vực rất thành công này lại có sự chia rẽ sâu sắc về cả quan điểm chính trị và đời sống kinh tế với những vùng đất còn lại của nước Mỹ. Người da đen sống trong các inner cities ít đi bỏ phiếu; ngược lại dân da trắng ở các rust belt kết hợp lại nhờ vào Facebook nên đi bầu năm 2016 làm khuynh đảo nền chính trị truyền thống trước đây do giới ưu tú (elites) miền Tây và Đông Bắc chi phối.
Trên đây là 3 bức tranh sơ lược về hố sâu giàu nghèo và khoảng cách văn hoá trong nước Mỹ, và sẽ dẫn đến đề tài kế tiếp phân tích vai trò của nhà nước để tạo sự ổn định khi mà chủ nghĩa tư bản làm chênh lệch mức độ hài hòa trong xã hội.
Đ.H.Q.
Tác giả gửi BVN


CÁI NGHÈO Ở MỸ

ĐOÀN HƯNG QUỐC/ BVN 20-2-2020

Trước khi tiếp tục bàn về chính sách kinh tế tưởng cũng nên tìm hiểu giữa cái nghèo ở Việt Nam và ở Mỹ khác nhau như thế nào?                               
Nghèo ở Việt Nam là làm lụng vất vả từ sáng đến chiều tối, vay mượn đủ đầu mà vẫn thiếu thốn không đủ cơm ăn áo mặc hàng ngày hay không đủ tiền cho con ăn học. Trái lại nghèo ở Mỹ không đi làm mà được nhà nước cung cấp chỗ ở, cho tiền hàng tháng, bảo hiểm y tế và sức khoẻ miễn phí, con cái lãnh học bổng khi vào đại học. Chi phí trợ cấp xã hội (welfare) cho mỗi gia đình nghèo cộng lại còn cao hơn cả những người đi làm với đồng lương trung bình thấp ở Mỹ.
Mọi người sẽ ngạc nhiên cho rằng như vậy là sướng quá cha rồi còn than vãn cái gì nữa! Nhưng nhàn cư vi bất thiện: kinh tế gia nổi tiếng Paul Krugman đã nhận xét trong buổi phỏng vấn tuần rồi với đài Bloomberg là nhà nước chi rất nhiều tiền cho mạng lưới an sinh xã hội (safety net) nhưng không ai biết làm thế nào để tạo sự tự tin và tự trọng nơi mỗi người, điều mà chỉ có công ăn việc làm mới mang lại được.
Con số vài triệu người thất nghiệp do toàn cầu hóa không phải là quá lớn trong nền kinh tế năng động của Hoa Kỳ, nơi mà một tháng bình thường vẫn có hàng triệu người đổi hãng, mất việc hay nhận công việc mới. Cho dù toàn cầu hóa khiến nhiều người mất việc nhưng đồng thời mang đến sự thịnh vượng ở nhiều khu vực như Cali, Texas, New York, Washington DC.

Điều mà các kinh tế gia không lường trước được là nạn thất nghiệp tập trung vào một dãi các tiểu bang nằm trong nội địa thuộc vòng đai han rỉ (rust belt). Ông Paul Krugman và những kinh tế gia cánh tả sẽ không bao giờ nhìn nhận rằng chính trợ cấp xã hội đã thay đổi những người lao động đầy tự tin này trở nên ỷ lại không đi học nghề và dọn nhà sang những khu kinh tế vực có công ăn việc làm – nói thì dễ, nhưng chỉ khi đói đầu gối mới bò, cho nên an sinh xã hội vì loại bỏ cái đói nên đầu gối không chịu bò. Trái lại vòng đai han rỉ trở thành một dãi đất màu mỡ cho nạn ghiền ma túy, sinh con dưới tuổi vị thành niên, tâm lý tiếc nuối thời vàng son của giới công nhân da trắng trở thành kỳ thị di dân và bất mãn đối với hiện trạng.
Các kinh tế gia cánh tả không thể hiểu được tại sao giới công nhân thợ thuyền bỏ phiếu cho Trump trong lúc chính sách cắt giảm trợ cấp xã hội của cánh hữu tác hại đến họ nhiều nhất. Người Mỹ gốc Việt sẽ thông cảm hơn khi thấy nhiều ông chồng sang Mỹ tuy lãnh welfare nhưng vẫn chửi mắng welfare là một thứ ma túy độc hại, chỉ vì các ông đánh mất đi sự tự tin, không còn được vợ con quý trọng như một người chủ nhà đi làm cực nhọc nuôi gia đình bằng mồ hôi và sức lao động.
Con người khác với thú vật không sống chỉ bằng miếng ăn mà cần có thêm lòng tự trọng. Chỉ có cần lao mới mang lại được sự tự tin, cho nên đây cũng là lời cảnh giác cho những người ở Việt Nam còn muốn qua Mỹ lãnh welfare. Đồng thời cũng để mọi người hiểu rõ cái Nghèo ở Mỹ khác xa cái Nghèo ở Việt Nam.

Đ.H.Q.


Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét