Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

20200206. 'ĐẢNG TỰ MÌNH TRỞ THÀNH DÂN TỘC' ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐẢNG TỰ MÌNH NGÀY CÀNG XỨNG ĐÁNG TRỞ THÀNH  DÂN TỘC
NHỊ LÊ/ ĐT 3-2-2020
Trong 90 năm qua, chưa bao giờ như bây giờ, đạo lý phải được nêu cao và cổ vũ, pháp lý phải được toàn dụng và phát triển, lòng dân phải được nâng niu, chăm bẵm và tôn vinh vô bờ thì mới có thể nói về việc tiếp tục xây dựng Đảng ta đạo đức, văn minh, Nhà nước ta vững mạnh và liêm chính, Đất nước Việt Nam độc lập và hùng cường. Nói một cách khái quát, Đảng phải tự mình không ngừng trở thành dân tộc. Đó chính là khát vọng của dân tộc ta ngay từ 90 năm trước, khi Đảng ra đời, cũng như hiện nay trong tầm nhìn phát triển đất nước tới năm 2030 và 2045, dưới ngọn cờ của Đảng.

Nhân dân tưng bừng chào mừng Ngày thành lập Đảng.

Nhân dân tưng bừng chào mừng Ngày thành lập Đảng.

Giữ đạo đức của một đảng cách mạng, dẫn dắt dân tộc
Tròn 90 năm qua, kể từ khi ra đời, Đảng ta rất coi trọng vấn đề xây dựng đạo đức của Đảng. Bởi đó là hạt nhân, là nền móng, là một trong những giềng mối căn bản để xây dựng đạo đức xã hội, bản lĩnh, khí phách và sức mạnh văn hóa Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng. Ngược lại, không có đạo đức thì không thành người được. Không có đạo đức thì không thể trở thành một đảng cách mạng, chân chính và hành động dẫn dắt, hy sinh vì dân tộc được!
Ngày 5/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, “là đứa con nòi của giai cấp lao động”. Đảng ta với tư cách người lãnh đạo, dẫn dắt dân tộc thì trước hết phải là người lãnh đạo thật sự có đạo đức. Đó là cái gốc để làm người lãnh đạo, cái gốc để làm công việc lãnh đạo, cái gốc của “đứa con nòi” và cũng là cái gốc để làm người đầy tớ trung thành của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chính trị lúc này là đạo đức. Đạo đức chính là đòi hỏi và cũng là nền tảng để Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc Việt Nam.
Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tiếp: Đảng ta là “đạo đức”, rồi mới nói đến “văn minh”. Nói như vậy để thấy ý nghĩa nền tảng và tầm vóc quan trọng của đạo đức và vấn đề xây dựng, phát triển đạo đức đối với Đảng ta và trực tiếp đối với mỗi đảng viên.
Từ mấy nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ XI, XII, Đảng ta dành nhiều tâm sức, hành động để chỉnh đốn, làm trong sạch đạo đức và đời sống đạo đức trong Đảng. Đặc biệt, Đại hội XII của Đảng ra một quyết sách rất căn bản và to lớn. Đó là xây dựng Đảng về mặt đạo đức cùng với xây dựng Đảng về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Bởi lẽ, chưa bao giờ như bây giờ, sau 33 năm đổi mới, đạo đức đang nổi lên như một vấn đề quan thiết nhất trong toàn bộ công việc cầm quyền, để Đảng giữ vai trò là người cầm quyền, giữ vị thế là người lãnh đạo, giữ trọng trách là người dẫn dắt dân tộc, giữ đạo lý là đứa con nòi của dân tộc, phát triển cùng thế giới.
Kinh nghiệm và thực tiễn nóng bỏng cho thấy, mọi sự tha hóa, thoái hóa về quyền lực thường được bắt đầu từ sự xuống cấp, băng hoại đạo đức. Ngược lại, mọi sự tha hóa, suy thoái về đạo đức nhất định dẫn tới sự thoái hóa, băng hoại về quyền lực chính trị.
Nhìn lại, có thể nói, tình trạng xuống cấp về đạo đức, thậm chí là sự thoái hóa, băng hoại về đạo đức ở một bộ phận đảng viên giữ trọng trách các cấp trong Đảng, trong bộ máy nhà nước… đã đến mức báo động, không thể xem thường.
Chính vì không giữ được lòng mình có đạo đức, nên không ít cán bộ, đảng viên hành động và sống xa rời đạo đức, thậm chí trái đạo đức và vô đạo đức. Liêm sỉ bị coi nhẹ, thậm chí không có liêm sỉ ở một bộ phận giữ trọng trách. Mà không có liêm sỉ thì không thể thành người được - nói như cổ nhân. Phẩm hạnh bị lãng quên, đạo lý bị xâm hại… Thế là nạn tham nhũng, quan liêu, lợi ích nhóm hình thành, cùng tệ chạy chức, chạy quyền nảy nòi và phát tác, thậm chí không ít người thờ ơ, ngoảnh mặt trước nỗi đau của nhân dân.
Cần nhấn mạnh rằng, tham nhũng hay nói cách khác là nạn ăn cắp, chính là sự phi đạo đức khủng khiếp và tệ hại. Bé thì ăn cắp vặt, to thì đục khoét quốc khố cả ngàn tỷ đồng; táng tận lương tâm thì “đạo danh”, “đạo vị”, tức ăn cắp chức vụ, ăn cắp “ghế ngồi”, danh vị; và nguy hiểm nhất là “đạo tâm” - ăn cắp lòng tin. Kinh nghiệm lịch sử đang chứng thực, giao quyền hành cho những người đạo đức kém, hoặc không có đạo đức thì không khác gì thả thú dữ vào xã hội, với hậu họa khôn lường.
Một số đảng viên sống và hành động không có đạo đức thì sớm muộn sẽ không có chỗ đứng trong Đảng, trong nhân dân. Mấy năm nay, chúng ta tiếp tục nghiêm khắc xử lý và trừng phạt những người tha hóa về đạo đức, những người phi đạo đức đó - tha hóa về chính trị, thoái hóa về chính trị - một cách kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ, với phương châm không vùng cấm, không ngoại lệ.
Một tổ chức Đảng bị chi phối bởi những người không có đạo đức hoặc đạo đức kém, thì không thể nói tổ chức Đảng đó vững mạnh được, nếu không muốn nói là nguy cơ hủ bại, tiềm ẩn sự tan vỡ của tổ chức. Không ít tổ chức Đảng và người đứng đầu các tổ chức đó bị kỷ luật một cách nghiêm minh và thích đáng.
Cần nhấn mạnh, Đảng ta đang tiếp tục làm một cách kiên định, kiên quyết, kiên trì và không khoan nhượng.
Nói như vậy để thấy được sự cấp bách của việc gìn giữ và phát triển đạo đức trước hết từ trong Đảng và rộng ra trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nói như vậy để thấy được rằng, không sửa và xây đạo đức một cách căn cơ, đồng bộ, kiên trì và kiên quyết, thì nguy cơ Đảng của chúng ta khó có thể cầm quyền một cách đúng đắn, mạnh mẽ và cách mạng, nhưng quan trọng và đáng sợ nhất là Đảng sẽ không xứng đáng là “đứa con nòi” của nhân dân được nữa. Điều đó không còn là một cảnh báo, mà đòi hỏi phải quyết liệt hành động, để khắc chế, dẹp bỏ những hủ bại về đạo đức đó.


Nắm chắc Đảng cương, tuân thủ quốc pháp, phát triển dân quyền
Kinh nghiệm thực tiễn đã chứng tỏ rằng, sẽ không thể sửa chữa được những lỗi lầm cũ của chúng ta, nếu chỉ bằng những tư duy đã đẻ ra những thứ bệnh hoạn đạo đức ấy. Có rất nhiều việc lớn phải làm một cách chiến lược, đồng bộ và kiên quyết, nhưng ở đây, cấp bách phải bắt đầu từ thể chế và bằng thể chế.
Thể chế ở đây có 3 vấn đề quan trọng, có tính giềng mối và chỉnh thể: Đảng cương, quốc pháp và dân quyền.
Thứ nhất, về Đảng cương, tức là giềng mối thể chế trong Đảng, bảo đảm cho Đảng hoạt động thống nhất, chặt chẽ.
Từ cương lĩnh, điều lệ cho đến các quyết sách chính trị khác của Đảng như các nghị quyết, các quy định trong Đảng phải được sửa đổi, chỉnh đốn một cách khoa học, dân chủ và thực thi một cách nghiêm khắc, với kỷ luật công bằng và nghiêm minh. Mức độ và hiệu quả thực thi Đảng cương là thước đo đạo đức hành động của đảng viên. Tức là, không thể nói hay giáo dưỡng đạo lý chung chung, không thể hô hào chay và càng không thể cổ động suông.
Thực tiễn cho thấy, đạo đức trên nhiều phương diện do việc thực thi kỷ luật tạo ra. Cho nên, muốn xây dựng, chỉnh đốn về đạo đức, không thể không chỉnh đốn các thể chế trong Đảng, tức là kỷ luật Đảng một cách đồng bộ và nghiêm cách. Bất kỳ biểu hiện nào xa rời đạo đức, phi đạo đức đều phải bị xử lý. Dối trá, không trung thực, không trong sáng, đi ngược lại các quyết định của Đảng đều phải bị trừng trị nghiêm khắc, dù đó là ai. Chưa kể tới tham nhũng, mà nói đúng ra là tệ ăn cắp một cách ô nhục, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, “còn nguy hiểm hơn cả Việt gian, mật thám”, phải bị trừng phạt đích đáng. Do đó, kiện toàn thể chế ở đây là thể chế kiểm soát và kỷ luật. Nói gọn là kỷ cương của Đảng.
Để làm tốt điều đó, Đảng tiếp tục làm rất nhiều việc, nhưng ở đây, nói gọn về phương thức cầm quyền, thì đạo đức phải là hành động và kiểm soát chặt chẽ trên 5 phương diện, dù là cá nhân hay tổ chức đảng. Tôi gọi là 5 cầm.
Một là cầm thời, nhìn thời thế để ra quyết sách đúng.
Hai là cầm đạo, giữ lấy con đường, con đường được lựa chọn, rõ ràng, minh bạch, phù hợp với điều kiện quốc tế, phù hợp với sự phát triển của dân tộc.
Ba là cầm cương, phải đảm bảo toàn bộ thể chế trong Đảng để bảo đảm tổ chức và vận hành xứng đáng là một tổ chức chính trị, dẫn dắt xã hội, kỷ cương trong Đảng phải được bảo vệ vô điều kiện.
Bốn là cầm tướng, là nắm lấy đội ngũ cốt cán trong Đảng - những người phải thực sự là tiêu biểu, toàn diện để thực hiện việc cầm đạo. Đội ngũ cán bộ chiến lược phải thật sự xứng đáng là đội ngũ tinh hoa.
Năm là cầm tâm, Đảng phải giữ được lòng tin, sự ủng hộ của nhân dân.
Việc xây dựng và kiện toàn thể chế, nói rộng ra là Đảng cương xoay quanh trọng sự đó.
Thứ hai, nói về quốc pháp.
Đảng cương chính là linh hồn của quốc pháp. Nói cách khác, hệ thống pháp luật của Nhà nước chính là sự khế ước hóa đường lối chính trị của Đảng, nói rộng ra là Đảng cương. Truyền thống xã hội, văn hóa làm nên đạo đức, nhưng nhà nước pháp quyền của ta trực tiếp góp phần tạo nên đạo đức và làm phong phú đạo đức. Pháp luật kiến tạo đạo đức và bảo vệ đạo đức, một cách tự nhiên là pháp luật nhân văn, thấm đẫm đạo đức. Do đó, thượng tôn pháp luật là nền tảng, động lực, khuôn khổ để xây dựng và phát triển đạo đức; và đến lượt đạo đức, nó lại là linh hồn, là mục tiêu, là động lực để xây dựng pháp luật và thượng tôn pháp luật. Không gì đạo đức hơn là tuân thủ pháp luật. Không có sự vận hành của pháp luật, với vị thế thượng tôn, thì không thể nâng niu, phát triển ngay những giá trị đạo đức truyền thống, chứ chưa nói tới xây dựng và hành xử đạo đức mới. Do đó, gắn chặt Đảng cương với quốc pháp trong một thể thống nhất, càng tự nhiên và trở nên cấp bách, trong công cuộc cầm quyền của Đảng.
Đảng viên vừa là đảng viên của Đảng, đồng thời là công dân thì chấp hành vô điều kiện pháp luật với vị thế thượng tôn của Nhà nước. Đó là đạo lý và chính là pháp lý. Đảng là tổ chức chính trị, phải lấy pháp luật là thượng tôn trong toàn bộ hoạt động của mình, dù ở bất cứ cấp nào. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng thực sự phải là một tấm gương thực thi và tuân thủ vô điều kiện pháp luật. Đó chính là nguồn gốc, là nhân tố quyết định sức sống của Đảng cương.
Nhiều năm nay, với một loạt quyết sách, Đảng ta xác quyết rất rõ ràng, minh bạch về thực thi Đảng cương cũng đồng thời chính là chấp hành quốc pháp. Pháp luật không có vùng cấm với bất kỳ cấp nào của Đảng, không ngoại lệ với bất kỳ đảng viên nào. Cũng như kỷ luật của Đảng không có vùng cấm với bất kỳ đảng viên nào, không có ngoại lệ với bất cứ ai. Đối với cả hai, bình đẳng là tiêu chí trước hết và tiêu chí cuối cùng của Đảng cương và quốc pháp. Không có sự bình đẳng thì không thể bảo đảm thực thi bất kỳ điều gì về dân chủ hay văn minh, càng không thể nói tới phát triển văn hóa chính trị rộng hơn là vấn đề phát triển đạo đức trong Đảng - rường cột làm giàu và phát triển đạo đức xã hội, trực tiếp là quốc pháp và Đảng cương. Nói một cách hình ảnh, nếu các cán bộ, đảng viên không chịu tự điều chỉnh và thay đổi, thì quốc pháp và Đảng cương sẽ kiểm soát, nhất định phải điều chỉnh, thậm chí thay đổi họ.
Nói gọn lại, ở đây, cần làm tốt 3 điều: đề cao đạo đức; nắm chắc Đảng cương; kiên thủ và thượng tôn Quốc pháp trong toàn bộ công việc lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Thứ ba, về dân quyền.
 Đảng với tư cách là đứa con nòi của nhân dân, nên quyền của nhân dân đối với Đảng, được hiến định, nên Đảng cương phải thể hiện và thực thi nghiêm cách trong Đảng, không ngoại lệ. Nhân dân có quyền và trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, trực tiếp giám sát, cảnh giới cán bộ, đảng viên của Đảng về đạo đức. Đó không chỉ là vấn đề pháp lý, mà sâu hơn về văn hóa là đạo lý của Đảng và Nhà nước ta đối với nhân dân.
Vẫn còn không ít chuyện rất phiền lòng, buồn lòng trên phương diện này. Tiếng nói của nhân dân có được cán bộ, đảng viên, các tổ chức của Đảng lắng nghe không, nghiêm túc tiếp thu không, trả lời và nghiêm chính thực hiện theo ý nguyện chính đáng và đúng pháp luật không? Và khi tiếp thu, thì liệu có lắng nghe, chân thành hay thờ ơ, làm cho phải phép? Không gì tệ hại hơn những kẻ giả điếc vì cá nhân, vì gian dối không muốn nghe!
Cho nên, dân quyền là một trong những điểm căn bản và là trọng sự của Đảng cương và quốc pháp. Không được lòng dân thì không có gì cả. Cổ nhân cũng đã nói nhiều lần: dân là dân nước, nước là nước dân, phúc chu thủy tín dân do thủy (Làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước), “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”... Lòng dân tin tưởng và cố kết tạo nên vận nước xán lạn và mạnh mẽ!
Cho nên, quyền của nhân dân tiếp tục được hiến định toàn vẹn, phải được Đảng và Nhà nước bảo vệ vô điều kiện. Đó là thước đo tự do của nhân dân trong quốc gia Việt Nam độc lập! Khi dân quyền được tôn vinh thì lòng dân đoàn kết, theo đó, dân chủ không ngừng tỏa sáng.
Nền móng dân quyền đó có được củng cố, có được bảo vệ, thì quốc pháp mới vững, Đảng cương mới bền, đạo đức trong Đảng nói riêng, trong xã hội nói chung, mới được giữ vững và được phát triển, Đảng ta ngày càng xứng đáng là “đứa con nòi” của nhân dân, Nhà nước ta mới thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Lòng dân tạo nên vận nước, làm nên vận Đảng.
*
* *
Hiện nay, hơn hết bao giờ, đạo lý phải được nêu cao, đạo đức phải được cổ vũ; pháp lý phải được toàn dụng và phát triển vô điều kiện, phù hợp với pháp lý quốc tế; lòng dân phải được nâng niu và chăm bẵm, vun đắp vô bờ một cách thành tâm và có ý nghĩa sinh tử.
Đó chính là không ngừng xây dựng Đảng ta ngày càng xứng đáng thực sự là một đảng đạo đức, văn minh, trí tuệ, danh dự, thật sự là “đứa con nòi” của dân tộc và không ngừng trở thành dân tộc; Nhà nước ta ngày càng vững mạnh, dân chủ, liêm chính thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; không ngừng xây dựng một xã hội Việt Nam văn hóa và tiến bộ.
Chính toàn bộ điều đó sẽ làm nên thế nước, làm nên vận Đảng; bảo đảm sự trường tồn của dân tộc; cổ vũ lòng dân, tạo nên vận nước và xây dựng nước Việt Nam độc lập và hùng cường trên con đường xã hội chủ nghĩa, mà chúng ta kiên định suốt 90 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng ta, không gì có thể ngăn cản được, không thế lực nào có thể phá vỡ và thay đổi được.
Đảng cương - quốc pháp và sự tín nhiệm của nhân dân là cương lĩnh sống và hành động, đồng thời là công cụ kiểm soát và điều chỉnh của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với mọi cán bộ, đảng viên một cách bình đẳng, minh bạch và công bằng!
Đó là con đường Đảng tự mình xứng đáng trở thành dân tộc, xứng đáng là “đứa con nòi của giai cấp lao động”, người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân!
Đó cũng chính là con đường phát triển của dân tộc; là danh dự, là trí tuệ và là sức mạnh làm nên quốc gia Việt Nam xã hội chủ nghĩa, độc lập và hùng cường.
TS Nhị Lê 

QUAN CHỨC VÍ VON 'ĐẢNG LÀ DÂN TỘC' GÂY XÔN XAO DƯ LUẬN

BBC 5-2-2020
Tựa đề một bài trên báo Việt Nam của tác giả Nhị Lê, nói Đảng Cộng sản "tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc" đã gây ra nhiều bàn tán trên mạng xã hội nước này.
Bài viết nhân 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-2020) thực ra là để nói về nhu cầu về gần với nhân dân của đảng cầm quyền.
Đoạn dẫn nhập bài có câu nói đến tính cấp bách của thời điểm hiện nay - "chưa bao giờ như bây giờ", với đảng cầm quyền, "lòng dân phải được nâng niu, chăm bẵm và tôn vinh vô bờ thì mới có thể nói về việc tiếp tục xây dựng Đảng ta đạo đức, văn minh".
Tác giả cũng coi 'lòng dân' là tiêu chí để đánh giá, "Nhà nước ta vững mạnh và liêm chính, Đất nước Việt Nam độc lập và hùng cường".
"Nói một cách khái quát, Đảng phải tự mình không ngừng trở thành dân tộc."
Theo dòng 'tự phê bình', ông Nhị Lê nêu ra một số vấn đề nghiêm trọng trong Đảng CS VN mà ông quy về phạm trù đạo đức:
"Cần nhấn mạnh rằng, tham nhũng hay nói cách khác là nạn ăn cắp, chính là sự phi đạo đức khủng khiếp và tệ hại. Bé thì ăn cắp vặt, to thì đục khoét quốc khố cả ngàn tỷ đồng; táng tận lương tâm thì "đạo danh", "đạo vị", tức ăn cắp chức vụ, ăn cắp "ghế ngồi", danh vị; và nguy hiểm nhất là "đạo tâm" - ăn cắp lòng tin."
Ông cũng nêu lại nhu cầu để Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, vấn đề một số nhân sĩ ngoài đảng đã nêu:
"Đảng là tổ chức chính trị, phải lấy pháp luật là thượng tôn trong toàn bộ hoạt động của mình, dù ở bất cứ cấp nào."

Bị cho là 'tối nghĩa'

Tuy thế, tựa đề của cả bài "Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc" theo bản trên báo Đầu Tư bị một số ý kiến cho là "tối nghĩa" hoặc "sai "ngữ pháp".
Có ý kiến nói tác giả Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập tạp chí Cộng Sản, đã "hiểu sai ý của Friedrich Engels và Karl Marx trong Tuyên ngôn Cộng sản (1888).
Tác phẩm này viết về vai trò của Đảng Cộng sản là "tự vươn lên thành lực lượng chủ đạo trong dân tộc", chứ không bao giờ lại "thành dân tộc".
Dù vậy, có vẻ như bài của ông Nhị Lê cũng giải thích ý này trong phần sau, rằng cần "giữ đạo đức của một đảng cách mạng, dẫn dắt dân tộc".
Cũng có ý kiến như của Ngoc Nguyen Van trên Facebook viết rằng tựa đề này sẽ dẫn tới hai cách hiểu:
"Thứ nhất, dân tộc đang bị đảng hóa. Thứ hai: người viết chả hiểu thế nào là dân tộc, thế nào là một đảng chính trị..."
Có người thì đùa trên Facebook rằng "Trong đại gia đình các dân tộc VN, giờ Đảng tộc đông chỉ sau mỗi Kinh tộc".
Bạn Nguyễn Hiệu thì viết trên Facebbook của BBC News Tiếng Việt:
"Nói chung là không hiểu gì? Vậy người không đảng không phải dân tộc hay sao. Lại nữa, thế từ trước đến giờ Đảng là gì mà bây giờ mới ngày càng xứng đáng??? Ôi đau đầu quá."
Duclong Hoang nêu ý kiến:
"...Cho Đảng là dân tộc là việc không đúng cả về khoa học và trong thực tế. Chỉ có những người u mê do bị nhồi sọ mới có những ý kiến viển vông như thế."





VN
Image captionTranh biếm họa chống tham nhũng trong bộ máy quan chức ở VN

Số lượng và chất lượng
Hiện Đảng Cộng sản Việt Nam có 5,2 triệu đảng viên, trên dân số 96,2 triệu (2019).
Tính trung bình cứ 19 người dân Việt Nam, gồm cả trẻ em, có một đảng viên cộng sản, tổ chức sống bằng ngân sách quốc gia.
Con số chỉ riêng đảng viên CS VN đã gần bằng dân số một số quốc gia châu Âu như Slovakia, Phần Lan.
Tuy thế, tỷ lệ này ở Việt Nam ít hơn Trung Quốc nơi có 90 triệu đảng viên CS trên 1,4 tỷ dân, tức là cứ 15 người dân thì có một đảng viên.
Một bài trên trang Tuyên giáo (02/2019) thừa nhận số lượng đông không nhất thiết phản ánh chất lượng.
"Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, toàn Đảng chỉ có 310 đảng viên (theo báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930).
"Cũng cần nhìn nhận rõ hơn động cơ vào Đảng của một bộ phận đảng viên có phải vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì dân, vì nước hay để có chức quyền, để mưu lợi riêng."





Đốt lò
Image captionThống kê về con số cán bộ đảng viên bị kỷ luật trong phong trào 'Đốt lò' ở VN

Từ nhiều năm qua, đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam vẫn tập trung vào ngoài các biện pháp kỷ luật 'đức trị' mang tính nội bộ.
Bài viết của ông Nhị Lê nằm trong dòng tư duy 'kêu gọi đạo đức' và mong Đảng tự chỉnh đốn.
Thế nhưng, Việt Nam hiện không có cơ chế độc lập để dân bầu chọn, quyết định việc cầm quyền của đảng viên cộng sản vốn được ưu đãi về chính trị và kinh tế.
Việt Nam cũng chưa có luật về đảng cộng sản và dư luận không được biết tổ chức này hoạt động từ nguồn thu nào và khai thuế ra sao.
ĐẢNG TA VÀ VIRUS CORONA
QUÁCH HẠO NHIÊN/ viet-studies 5-2-2020

Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay… Ở Việt Nam, không có lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”[1]. Một lần nữa ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, kiêm Chủ tịch nước lại cao giọng như thế trong dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1930 – 3/2/2020. Tuy vậy, nói là quyền của ông ấy còn tin và thấy có thuyết phục hay không là chuyện của dân chúng. Với riêng tôi, chỉ cần nhìn lại thảm kịch Đồng Tâm vừa rồi hay xa hơn một chút là thảm kịch 39 “thùng nhân” bỏ mạng trong khi tìm đương mưu sinh ở Anh cũng đủ để phản biện lại phát biểu trên. Vì thời bình mà dân chúng phải rơi vào thảm cảnh như thế thì những “thắng lợi” gì đó (nếu có) hoàn toàn không vẻ vang gì và dĩ nhiên càng không lấy đó làm chiến tích để tự hào.
1. Thảm kịch Đồng Tâm hay là mệnh lệnh chính trị bắt buộc để bảo vệ Đảng, bảo về chế độ?
Trước Tết Nguyên Đán năm nay, trong một bài viết liên quan đến thảm kịch Đồng Tâm – thảm kịch gây ra cái chết rất đau lòng cho cụ Lê Đình Kình và 3 cán bộ chiến sĩ công an tôi có hy vọng ông Trọng sẽ không còn “xào nấu”, “chế biến” thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để mang lên sóng truyền hình quốc gia chúc Tết đồng bào trong đêm giao thừa mừng xuân Canh Tý nữa. Tuy nhiên, cái hy vọng nhỏ nhoi, bình dị này của tôi đã bị ông ấy thẳng thừng từ chối. Vẫn với mô-típ cũ kỹ thường thấy, sau mấy mời chúc tụng ban đầu, ông Trọng vẫn kiên định lập trường kết thúc bài chúc Tết của mình bằng mấy câu vần vèo sáo rỗng và nhạt nhẽo:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay cả nước chắc càng thắng to
Hòa bình, hạnh phúc, ấm no
Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam!”[2]
Một lần nữa những mỹ từ như “thắng lợi”, “thắng to” và nhất là cái “cơ đồ” Việt Nam lại được ông Trọng mang ra tự sướng trước quốc dân đồng bào trong và ngoài nước. Thật lòng mà nói, với tôi, đây hoàn toàn không phải là những lời chúc tụng mà là một sự tra tấn, bạo hành về tinh thần bằng những con chữ trau chuốt, bóng bẫy. Nghe những lời ấy, tôi chỉ thấy uất nghẹn và ngậm ngùi thay cho số phận của dân tộc này (như ai đó đã nói Việt Nam hôm nay là dân tộc bị “trời đày”, “trời hành”?). Chỉ với mấy từ thôi nhưng đã nói lên tất cả sự bảo thủ, giáo điều nhất là giả trá trong tư duy và nhận thức của không chỉ cá nhân ông ta mà còn cả một hệ thống chính trị do chính ông làm thống soái.
Từ đây, sau khi đã bình tâm để quan sát và phân tích toàn cảnh về các vấn đề liên quan đến thảm kịch Đồng Tâm vừa rồi tôi cho rằng thảm kịch ở Đồng Tâm là một hệ quả tất yếu và hoàn toàn phù hợp với sự độc đoán, lạnh lùng và tàn nhẫn của những con người trong “hệ thống” lãnh đạo cấp cao của Đảng ta hôm nay. Hay nói khác đi, cái chết của ông Lê Đình Kình cùng với việc bắt giam toàn bộ những người gắn bó mật thiết với ông ấy (con cái và một số người dân khác), theo tôi không đơn giản chỉ để giải quyết tranh chấp đất đai giữa chính quyền Hà Nội và người dân Đồng Tâm mà quan trọng hơn đó là một mệnh lệnh chính trị bắt buộc nếu không muốn nói là rất “tài tình và sáng suốt” của “Đảng ta” trong bối cảnh ngày kỷ niệm Đảng tròn 90 tuổi và các công tác chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 13 đang cận kề. Đó là về nhận thức còn về phương pháp là “tiên hạ thủ vi cường”, “đánh rắn phải đập đầu” và hốt trọn ổ để diệt trừ hậu họa. Thế nên, dù cho xuân về Tết đến thì cái chết của cụ Kình dường như là kịch bản đã được sắp đặt và lựa chọn. Nhưng có lẽ Đảng tính vẫn không qua Trời tính, cái chết của 3 chiến sĩ công an (cho đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn vì chỉ có thông tin một chiều từ phía công an) là một mất mát rất oan uổng và nằm ngoài dự tính của chính quyền. Vì lẽ ấy mà ngay lập tức ông Trọng, ông Phúc không thể không ký quyết định phong tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và phong hàm vượt cấp cho những chiến sĩ vắn số và không may mắn kia.
Nhất tướng công thành vạn cốt khô”, từ xưa đến nay các vị tướng lĩnh, thống soái, vua chúa muốn lập chiến công hay củng cố ngai vàng của mình đều hành xử như thế huống hồ hôm nay vấn đề “còn Đảng còn mình”, “tất cả phải vì đại cục”, đặc biệt phải luôn “trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, không để bị động trong mọi tình huống” mà với tư cách người nắm quyền lực cao nhất của đất nước ông Trọng luôn yêu cầu tất cả mọi thuộc cấp phải tuyệt đối ghi nhớThế nên, việc nhà báo, facebooker kỳ cựu Huy Đức – Trương Huy San có đề nghị trên trang cá nhân của ông về việc cần mở “một cuộc điều tra độc lập về thảm họa Đồng Tâm” tuy rất xác đáng về phương diện pháp lý và tình người nhưng với Đảng ta chắc chắn là điều rất lố bịch và không bao giờ để chuyện đó xảy ra!? Không phải ngay sau thảm kịch là một chiến dịch truyền thông một chiều nhằm đổ hết mọi tội lỗi lên đầu ông lão đã 84 tuổi (bị tiêu diệt ngay trong phòng ngủ lúc rạng sáng khi “trên tay vẫn còn cầm quả lựu đạn”) và các “thế lực thù địch” xấu xa đó sao?
2. Vi rút Corona: phải chăng là “phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”?
Thoạt nhìn bề ngoài, có vẻ như những con vi rút Corona khởi phát từ Trung Quốc đang vô tình giải cứu Đảng ta khỏi những cật vấn về thảm kịch Đồng Tâm vì nhìn chung dư luận hiện đang rất bận bịu vì phải lo đối phó với nó. Tuy nhiên, “phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Thế nên, mọi chuyện đều có thể xảy ra, không ai có thể nói trước điều gì.
Có thể thấy, với mối thâm tình hữu hảo, “môi hở răng lạnh” hiện nay rất khó để ông Trọng và Đảng ta đơn phương đóng cửa biên giới với họ Tập ngay lúc này để ngăn ngừa sự lây lan và phát tán của dịch bệnh. Ngoài ra, với hệ thống và trang thiết bị y tế nhìn chung còn nhiều bất cập và lạc hậu và nhất là ý thức vệ sinh cá nhân kém của cộng đồng dân cư cũng là một nguy cơ lớn đưa đến khả năng bùng phát thành đại dịch (nếu như việc bào chế vắc-xin phòng ngừa chưa kịp hoàn thành). Thế nên, so với các nước khác trên thế giới, Việt Nam hứa hẹn sẽ là quốc gia dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại nặng nề hơn vì con vi rút này đặc biệt là về kinh tế và con người.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế gần như lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc nếu tình huống xấu nhất là buộc phải đóng cửa biên giới với họ, hay các quốc gia khác đóng cửa, tạm ngừng các giao dịch hàng hóa với Việt Nam thì mọi chuyện có thể sẽ còn xấu hơn nữa. Những ngày qua, chỉ tính riêng việc không thể thông thương tại các cửa khẩu với Trung Quốc đã làm cho người dân trồng cây ăn quả (mít, sầu riêng, thanh long…) ở khu vực miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long phải lao đao, điêu đứng (trong khi đó giá thịt heo từ trước Tết đến nay vẫn đang ở mức cao) là những chỉ dấu mang tính cảnh báo không thể xem thường…
Thế nên, các kịch bản phòng chống sự lây lan của con vi rút Corona hiện nay của ông Phúc tuy rất kịp thời và cần được ghi nhận nhưng những kịch bản nhằm đảm bảo miếng ăn cho người dân nếu chẳng may dịch bệnh bùng phát khắp cả nước cũng là vấn đề bức thiết không kém, cần phải tính tới.
Trong tình hình như vậy, lẽ ra cần dừng hoặc giảm quy mô ngày kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng vừa rất hình thức vừa rất lãng phí tiền bạc của nhân dân để cùng ngồi xuống họp bàn và đề ra kế sách, quyết sách trong sự minh bạch và thiện lương mới là việc làm hợp đạo Trời, phải lòng dân. Thế nhưng không hiểu sao, ông Trọng và các đồng chí của mình vẫn cứ hùng hồn lên lễ đài “chém gió” về “sức mạnh vô địch không ai cản nổi của Đảng ta” trong sự kiêu ngạo và hoang tưởng đến khó tin. Dân tộc này có trước Đảng ta đến mấy ngàn năm vậy mà cứ đồng nhất Đảng và Dân tộc như ông Nhị Lê tuyên truyền thì thử hỏi còn gì trỡ trẽn và lếu láo hơn nữa không[3]? Cơ đồ của dân tộc, vị thế của quốc gia hoàn toàn không phải và không tồn tại dưới những con chữ bóng bẩy nhưng đầy giả trá trong các văn bản, nghị quyết được phát tán ra bên ngoài trong các dịp lễ lạt mà nó tồn tại và hiện diện rất cụ thể qua từng giọt mồ hôi, nước mắt và máu của những người nông dân bị cướp đất ở Hải Phòng, Thái Bình, Đắk Nông, Sài Gòn, Hà Nội…; trong các khu nhà ổ chuột và những bữa cơm rau cháo qua ngày của vô số các chị em công nhân tại các khu công nghiệp trên khắp cả nước; hay thậm chí nó đang tồn tại ngay trên đang trên bàn đàm phán và thương thảo với các quốc gia, các tổ chức, liên minh thế giới với những yêu cầu về các quyền cơ bản như tự do tư tưởng, tự do ngôn luận cho con người (như một điều kiện bắt buộc phải thay đổi nếu muốn gia nhập)… Đặc biệt, nó hoàn toàn không tồn tại trong một xã hội, một cộng đồng dân tộc mà ở đó sự hoang dã và man rợ trong hành xử, ứng xử giữa những con người có cùng chung nguồn cội, cùng chung màu da nhưng lại xem nhau như kẻ thù không đội trời chung. Hay mỗi khi có bất đồng về bất kỳ sự việc lớn nhỏ nào đó lại chia phe “bò đỏ”, “bò vàng” mắng nhiếc, rủa sả nhau không tiếc lời trên mạng xã hội. Nó càng không phải là những cuộc điều quân bí mật của chính quyền nhằm trấn áp, đàn áp dân chúng chỉ vì những tranh chấp mang tính dân sự thông qua “những trận đánh đẹp” để “dâng lên Đảng”. Nói khác đi, cơ đồ và vị thế của một quốc gia phải được “đo” và nhìn nhận qua tâm hồn và khí chất của cộng đồng dân tộc sinh sống trong quốc gia ấy với những tiêu chuẩn mang tính phổ quát của nhân loại văn minh, tiến bộ chứ không phải bằng những lời lẽ đầy kiêu ngạo và hoang tưởng, bất chấp hiện thực đau buồn của xã hội và con người.
3. Thay lời kết
Từ xa xưa người Việt đã có “truyền thống” chống ngoại xâm và bè lũ tay sai; lịch sử hiện đại của Đảng ta cũng đã từng ghi nhận các cuộc nổi dậy của nhân dân cần lao để “cướp chính quyền” nhằm trừng trị bọn quan lại, cường hào, ác bá chuyên bóc lột, đè đầu cỡi cổ dân đen hay cùng nhau đi “phá kho thóc” để tìm miếng ăn khi bị dồn vào bước đường cùng… “Đẩy thuyền” hay “lật thuyền cũng là dân”, trong bối cảnh niềm tin với Đảng và chính quyền đang dần cạn kiệt cộng thêm những uất ức bị tích tụ và dồn nén lâu nay nếu không được “xả van” kịp thời mà trái lại còn có những lời nói, hành động thêm dầu vào lửa thì kịch bản “lớp cha trước lớp con sau” và người người “tràn lên như nước vỡ bờ” hoàn toàn có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Có câu “gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Chỉ qua hai thảm kịch 39 “thùng nhân” thiệt mạng ở Anh và biến cố Đồng Tâm ngày 9/1/2020 vừa rồi nhưng ông Trọng trong tư cách người lèo lái cả dân tộc tiến lên CNXH vẫn điềm nhiên và cao giọng tự hào về những thành tựu vượt bậc, những thắng lợi vẻ vang… thì tôi thật sự phải nói rằng tầm nhận thức này của ông ấy còn nguy hiểm hơn cả con vi rút Corona. Chính tư duy và nhận thức như thế này theo tôi mới thật sự là mối nguy hại vì nó sẽ tàn phá sức đề kháng trong Đảng của ông cũng như phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc từ đó làm cho nội lực quốc gia bị phân tán và giảm sút hơn.
Thế nên, ngay lúc này đây, tôi cầu mong cho các nhà khoa học trên thế giới hoặc ở Việt Nam nhanh chóng tìm ra thuốc đặc trị hoặc vắc-xin phòng ngừa để khắc chế những con vi rút Corona nguy hiểm kia. Tôi cầu mong như vậy để trước hết cho dân tộc này tránh không phải rơi vào cảnh “nồi da xáo thịt” thêm một lần nào nữa. Và tôi cũng cầu mong cho ông Trọng và Đảng ta hãy mau chóng tỉnh thức. Nếu thật sự đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết thì mong ông và Đảng ta hãy khiêm tốn và trung thực hơn trong mỗi lời nói và việc làm. Đặc biệt cần triệt tiêu cái suy nghĩ phải ăn thua đủ với dân trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh; không nên đẩy họ vào bước đường cùng hay biến họ thành kẻ thù buộc phải tiêu diệt. Câu hát trong bài Quốc ca từ thế kỷ trước “đường vinh quang xây xác quân thù” nghe đã rất bạo lực và rùng rợn rồi nhưng có lẽ nào bây giờ khi hết kẻ thù rồi lại giết đồng bào, đồng chí mình luôn?
CT, 04/02/2020
Q.H.N.
_________
Chú thích nguồn tham khảo:
[1]. “Gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng có sức mạnh vô địch”. https://thanhnien.vn/thoi-su/gan-bo-mau-thit-voi-nhan-dan-dang-co-suc-manh-vo-dich-1178268.html
[2]. “Lời chúc Tết của Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng”. https://tuoitre.vn/loi-chuc-tet-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-20200124154541442.htm
[3]. “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc”. https://baodautu.vn/dang-tu-minh-ngay-cang-xung-dang-tro-thanh-dan-toc-d115313.html
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 4-2-20

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét