Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

20200203. NHÂN DỊP 90 NĂM THÀNH LẬP ĐCSVN

ĐIỂM BÁO MẠNG
LỜI THỀ CỦA ĐẢNG VIÊN

THIỆN VĂN/ TVN 2-2-2020

Lời thề của Đảng viên

Không ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta từng bày tỏ nỗi lòng sâu kín nhất của mình khi đặt câu hỏi: “Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai?”. Ảnh: Lê Anh Dũng
Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ đội tiền phong của những người chiến sĩ cách mạng, dù ở đâu, lúc nào, trên cương vị gì, nhất là trong những lúc khó khăn, cam go, thử thách và trước những cám dỗ “mồi phú quý, bả vinh hoa”, mỗi đảng viên đừng bao giờ quên mình đã có một lời thề thiêng liêng trước lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng và trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Thiêng liêng những lời thề
Trong cuộc đời, ai cũng từng mang nặng một lời thề nào đó. Lời thề luôn khởi nguồn từ những điều thiêng liêng, sâu kín nhất từ trong trái tim con người. Thuở xưa, nhiều người là đồng niên, đồng môn, đồng nghiệp muốn gắn bó lâu bền với nhau đã cùng uống chén rượu thề trước trời đất chứng giám cho tình bằng hữu được keo sơn gắn bó.
Trong ngày lễ thành hôn, một trong những việc hệ trọng nhất của cuộc đời, tình nghĩa phu thê đã được nhiều người thề thốt là sống thủy chung bên nhau đến đầu bạc răng long. Cũng có nhiều binh sĩ trước khi ra sa trường hay biên ải đối mặt với quân xâm lăng, đã quyết giữ trọn lời thề trung quân ái quốc, đánh tan kẻ thù để xứng với chí khí của bậc nam nhi quân tử.
Người Việt vốn sống trọng tình, trọng nghĩa nên rất trọng lời thề. Vì lời thề gắn liền với tính cách khảng khái, trượng phu, quang minh chính đại của một nhân cách chân chính. “Quân tử nhất ngôn”, “Nói lời phải giữ lấy lời”, “Lời thề như dao chém đá”… không chỉ là những câu châm ngôn đầy chất ứng xử văn hóa mà người xưa gửi gắm, trao truyền và nhắc nhớ hậu thế, mà nó còn toát lên và thể hiện ý chí, bản lĩnh, khí phách trước sau như một của những bậc dũng tướng, sĩ phu, văn nhân, quan chức giàu lòng tự trọng.
Ngược lại, với những kẻ đầu môi chót lưỡi, nói đâu bỏ đấy, hứa trước quên sau, vô thủy vô chung, nói một đằng làm một nẻo thì chỉ coi lời thề là “lời nói gió bay”, “thề cá trê chui ống”…

Tinh thần của lời thề đó tiếp tục tạo niềm tin nâng bước cho lớp lớp thanh niên trên khắp mọi miền đất nước tình nguyện nhập ngũ và ra chiến trường xung trận với một ý chí mãnh liệt: “Ra đi giữ trọn lời thề/ Đánh xong giặc Mỹ mới về quê hương!”.
Đừng ai nghĩ rằng lời thề đơn giản. Không chỉ là lời hứa danh dự, mà hơn thế, đó là lời hứa chứa đựng cả giá trị đạo đức, văn hóa và thể hiện chiều sâu nhân cách tử tế của một con người. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có một lời thề làm lay động tâm can và tạo ra sức lan tỏa, truyền cảm hứng cho cả dân tộc ta, đó là lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô.
Danh dự đảng viên - khởi nguồn từ lời tuyên thệ trong ngày kết nạp Đảng
Một trong những kỷ niệm khó phai trong đời người đảng viên là ngày được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong buổi lễ trang nghiêm ấy, chắc hẳn mỗi người không quên khoảnh khắc và cảm xúc khi nói những lời tuyên thệ: “Hôm nay vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và trước sự chứng kiến của các đảng viên trong chi bộ, tôi xin thề: “Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyệt đối phục tùng kỷ luật và sự phân công của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…”.
Nói đến lời thề của đảng viên là nói đến lương tâm, danh dự, phẩm chất, giá trị, uy tín, thanh danh của người cộng sản. Với những đảng viên có ý thức và giàu lòng tự trọng, lời thề trong ngày lễ kết nạp Đảng đã trở thành một trong những động lực rèn luyện, tu dưỡng tốt hơn, phấn đấu bền bỉ hơn, có nhiều đóng góp tích cực hơn cho tập thể, cho tổ chức đảng nơi mình công tác, qua đó góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt và cũng nhờ đó, bản thân ngày càng hoàn thiện về phẩm chất nhân cách và không ngừng tiến bộ, trưởng thành.
Lời thề của những đảng viên chân chính thực chất là lời bảo đảm cam kết chính trị hàng đầu về lòng trung thành, chí tiến thủ và tinh thần suốt đời phấn đấu, hy sinh vì những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng và cách mạng. Vì mang theo lời thề thiêng liêng ấy, trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, có gần 160.000 đảng viên đã chiến đấu và anh dũng hy sinh vì nước, vì dân.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là những năm gần đây, một bộ phận cán bộ, đảng viên đang tự đánh mất những phẩm giá thiên lương của người cộng sản, làm hoen ố danh dự của đảng viên.
Nguyên nhân sâu xa dẫn tới thực trạng này là cán bộ, đảng viên không thấm thía những lời thề thiêng liêng từ ngày đầu là đảng viên mới; không ứng xử trọn vẹn, thủy chung với những lời tuyên thệ đã từng cất lên từ trái tim mình trong buổi lễ kết nạp Đảng; không kiên tâm, bền bỉ nuôi dưỡng, bồi đắp và bảo toàn danh dự hai chữ “đảng viên”-một danh xưng là niềm ước mơ, khát vọng cháy bỏng mà mình hằng phấn đấu, theo đuổi và ngưỡng mộ.
Không ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta từng bày tỏ nỗi lòng sâu kín nhất của mình khi đặt câu hỏi: “Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai?”. Vốn suy tư và nặng lòng trăn trở cho sự trường tồn của Đảng và chế độ ta, vị lãnh đạo cao nhất của đất nước không dưới một lần bày tỏ cảm xúc “đau lòng” khi một loạt cán bộ cao cấp và nguyên cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật; cảnh báo, cảnh tỉnh mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp và cán bộ cao cấp trong hệ thống chính trị phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa để tránh đi vào những vết xe đổ; nếu tay trót “nhúng chàm” thì phải “tự giác gột rửa”; đồng thời đừng quên rằng, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên.
Thật đáng tiếc và đáng buồn, có những cán bộ khi còn ở cương vị thấp luôn giữ được sự trong sáng của người đảng viên chân chính; cũng có cán bộ từng nếm mật nằm gai, từng trải qua những năm tháng vào sinh ra tử, từng lên rừng xuống biển, lặn lội xông pha với nhân dân trong thực tiễn cơ sở; nhưng khi phấn đấu vươn lên và được trao quyền lực lớn hơn đã thiếu nghiêm khắc rèn luyện bản thân, bị mê hoặc, quyến rũ bởi “cái bả” tiền tài danh vọng nên từng bước trượt dài, lún sâu vào con đường sai phạm. Để rồi khi tỉnh ngộ ra, những cán bộ bị kỷ luật, bị rơi vào vòng lao lý mới hiểu thế nào là nỗi đau âm ỉ: “Mất tiền bạc là mất ít, mất sức khỏe là mất nhiều, mất danh dự là mất tất cả”!
Danh dự được ví như một thứ nước hoa. Giữ được danh dự đảng viên không chỉ giữ được danh thơm cho cả gia đình, người thân, bạn bè, dòng họ, mà còn góp phần làm lan tỏa tiếng tốt của mình trong tập thể, cấp ủy, tổ chức đảng và rộng hơn là trong toàn Đảng, toàn xã hội. Nhưng danh dự cũng được ví như một que diêm, khi đã cháy một lần là hết ngay. Nói thế để thấy, xây dựng được danh dự đã khó, để bảo toàn được danh dự lâu dài còn khó hơn nhiều.
Vậy nên, khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ đội tiền phong của những người chiến sĩ cách mạng, dù ở đâu, lúc nào, trên cương vị gì, nhất là trong những lúc khó khăn, cam go, thử thách và trước những cám dỗ “mồi phú quý, bả vinh hoa”, mỗi đảng viên đừng bao giờ quên mình đã có một lời thề thiêng liêng trước lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng và trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Muốn trọn đời theo Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên hãy biết khắc cốt ghi tâm những lời thề trong ngày kết nạp Đảng, góp phần làm cho danh hiệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi là niềm tin, niềm tự hào và trở thành “danh thơm, tiếng tốt” có sức hút, sức hấp dẫn đối với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Đó cũng là một cách bảo vệ uy tín, danh dự của Đảng Cộng sản Việt Nam bền vững nhất.
Thiện Văn

ĐÔI ĐIỀU BỘC BẠCH KHI NHẬN "QUYẾT ĐỊNH XOÁ TÊN"
NGUYỄN ĐĂNG QUANG/ BVN 3-2-2020

Thằng con trai 46 tuổi của tôi hồ hởi báo tin: “Nhà mình hôm nay có tin vui. Bố phải thông báo cho tất cả anh chị em nội ngoại và bạn bè thân thiết biết để mọi người mừng cho bố. Có lẽ bố phải mở tiệc chiêu đãi cả nhà để đánh dấu sự kiện này”. Nói đoạn, nó mở bì thư, trịnh trọng đọc quyết định của Quận ủy Cầu Giấy v/v xóa tên tôi khỏi danh sách đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) “do đã vi phạm quy định chuyển sinh hoạt Đảng”.
Tôi quyết định “thoái Đảng” (tức lẳng lặng bỏ Đảng, không chuyển sinh hoạt Đảng) từ giữa năm 2003 ngay sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Ngày 3/2/2020 này, tôi đã “thoái Đảng” được suýt soát 17 năm! Còn trong thực tế, xin tiết lộ điều “bí mật” sau đây: Ngay khi còn đang phục vụ trong LLVT, tôi đã âm thầm “khai trừ Đảng khỏi lòng tôi” rồi! Tôi đã thực hiện điều này trong lặng lẽ, tức chỉ có tôi biết. Chính xác việc trên là từ khi nào, tôi không nhớ rõ, chỉ biết nó bắt đầu ngay sau khi nhận ra mình đặt lòng tin nhầm chỗ! Mãi sau này, khi chính thức “thoái Đảng”, tôi mới biết là đã có rất nhiều đảng viên ĐCSVN cũng hành động giống tôi, nghĩa là âm thầm “khai trừ Đảng trong lòng” khi còn tại chức, không đợi sau khi nghỉ hưu mới “thoái Đảng”!
Công bằng mà nói, lý tưởng cộng sản đã từng một thời là khao khát và ước vọng của biết bao thế hệ trẻ. Trong thập kỷ 1960’s và 1970’s, lý tưởng cộng sản đã thôi thúc hàng triệu thanh niên trai tráng, trong đó có tôi, tự nguyện viết đơn xin đứng trong hàng ngũ ĐCSVN! Hồi tưởng lại, niềm tin vào lý tưởng cộng sản thật là trong sáng, nó đã không chỉ lay động trái tim tôi, mà còn sưởi ấm tâm hồn tôi. Chẳng thế mà Milovan Djilas (1911-1995) cố Chủ tịch Quốc hội Liên bang Nam Tư, cố Uỷ viên BCT Đảng Cộng sản Liên bang Nam Tư, đã để lại một câu bất hủ cho hậu thế: “20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim! 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu!”. Vì thế, lòng tin vào lý tưởng cộng sản trong tôi phai nhạt dần, cho đến đầu thập niên 1990’s thì nguội lạnh và lịm tắt hẳn. Tôi thực sự đã mất hết lòng tin vào ĐCSVN, vào chủ thuyết Marx-Lenine, vào CNXH và CNCS, và cả vào cái gọi là “Đỉnh cao trí tuệ” nữa!
Tôi “thoái Đảng” vào thời điểm hiện tượng trên còn hãn hữu, nhưng đến nay nó đã trở nên phổ biến. Các đảng viên ĐCSVN, khi nhận quyết định nghỉ hưu, thường họ không chuyển giấy sinh hoạt cho các đảng bộ địa phương, mà lặng lẽ cất kỹ dưới đáy tủ như kỷ niệm của “một thời đáng quên!”. Họ lặng lẽ, âm thầm thực hiện hành động đó, không ồn ào và công khai với bất cứ ai, trừ khi là bạn rất thân của nhau. Đến nay, đã bao nhiêu đảng viên cộng sản chọn cách này để “tạm biệt” Đảng, không một ai có thể biết chính xác, bởi Đảng giấu rất kỹ. Nhưng theo nhiều người dự đoán, con số này ước khoảng 45%! Số còn lại, mang tiếng là “vẫn yêu Đảng”, nhưng thực tế đa số họ đã “chán Đảng”, họ miễn cưỡng phải tiếp tục ở lại sinh hoạt vì nhiều lý do khác nhau, trong đó phải kể đến lý do hàng đầu là sợ liên lụy đến con cháu, tiếp đến là sợ ảnh hưởng đến “sổ hưu”, tức kế sinh nhai hàng ngày của họ.
Vậy phong trào “thoái Đảng” do đâu mà có? Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể khẳng định nó bắt đầu từ lòng tin (vào ĐCSVN) bị giảm sút, đến chỗ hồ nghi sự lãnh đạo của Đảng, và cuối cùng là mất sạch lòng tin vào Đảng. Thế là bệnh “chán Đảng”, như một hệ lụy tất yếu, nó xuất hiện trong sâu thẳm tâm can rất nhiều đảng viên. Bệnh “chán Đảng” nhanh chóng trở thành phong trào “thoái Đảng”. Căn bệnh này lây lan rất nhanh, song nó không gây nguy hiểm cho đất nước và xã hội, nhưng lại rất nguy hiểm cho đảng cầm quyền. Xét về khía cạnh luật pháp hay đạo đức, nó không vi phạm điều khoản nào trong mọi văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy nó không thể bị quy kết là “có tội”. Lượng tích tụ lâu dần, từ ngày này qua tháng khác, sẽ biến thành chất. Đây là một quy luật tất yếu, không một ai có thể ngăn cản nổi!
 *****************
Đến đây có thể có người đặt câu hỏi: Do đâu mà tôi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách logic và biện chứng như vậy? Vâng, đơn giản từ chỗ giảm sút niềm tin, tới chỗ mất hết lòng tin vào ĐCSVN, rồi sớm vướng phải căn bệnh “chán Đảng” để cuối cùng đi đến quyết định “thoái Đảng”, trong vòng có vài năm! Trước khi trả lời câu hỏi trên, xin khẳng định ngay tôi chưa một lần bị kỷ luật về Đảng hoặc về chính quyền. Tôi quyết định “thoái Đảng” giữa năm 2003 sau khi nghỉ hưu là do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là bởi 10 thực tế sau đây quyết định:
Một là: Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước toàn trị, xã hội ta là xã hội chuyên chế, phi dân chủ! ĐCSVN đã độc đoán áp đặt vào Điều 4 Hiến pháp:“ĐCSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”!. Điều luật này chứng tỏ Đảng đã vô lý và ngang ngược bắt toàn xã hội chấp nhận ý chí của một thiểu số. Như vậy có phải là độc tài, phi dân chủ không? Đã thế, Đảng lại không chịu trách nhiệm với bất cứ quyết định nào về mặt pháp lý của mình. Không thể coi nhà nước ta là dân chủ được, chỉ có thể nói đó là xã hội toàn trị, phi dân chủ mà thôi. Ngày nào còn chưa loại bỏ điều luật phi lý và phi pháp trên, ngày đó không thể nói là nhà nước và thể chế có dân chủ được. Thử hỏi có chính đảng nào trên thế giới này lại mặc định trong Hiến pháp nước mình sự độc quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội như ở Việt Nam ta?
Hai là: Trong bộ Luật Đất đai, một bộ luật thiết yếu đối với người dân Việt Nam, thay cho hình thức “Đa sở hữu đất đai” như vốn có từ trước khi ĐCSVN ra đời, Đảng đã vô lý áp đặt vào Điều 4 (lại Điều 4!) bộ Luật này như sau: “Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Điều khoản tù mù và cực kỳ vô lý này là một tử huyệt của thể chế nước ta, đồng thời là nguyên nhân chủ yếu gây ra bất ổn xã hội. Nói vậy vì nó trực tiếp mở rộng đường cho các phe nhóm lợi ích “bán nước, hại dân” trong Đảng liên kết với 63 Bí thư Tỉnh ủy các địa phương trên toàn quốc tha hồ cướp đất của dân, nhất là ở các vùng thôn quê. Chừng nào Luật Đất đai còn duy trì điều khoản vô lý, phi tự nhiên này, chừng đó sẽ còn xảy ra những vụ như Thủ Thiêm, Lộc Hưng (Tp.HCM), Văn Giang (Hưng Yên), Dương Nội (Hà Nội), Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), Đặng Ngọc Viết (Thái Bình), Đặng Văn Hiến (Đắc Nông), v.v. Dù cho đã cố áp dụng và tìm mọi cách để ngăn chặn, ĐCSVN cũng bất lực, không thể chấm dứt tình trạng khiếu kiện ngút trời của dân oan khắp ba miền đất nước do họ bị giải tỏa và cưỡng chế đất đai bất hợp pháp và vô tội vạ!
Ba là: Việt Nam không có Tam quyền phân lập nên không có Nhà nước pháp quyền. Đa số các quốc gia trên thế giới ngày nay đều áp dụng mô hình tam quyền phân lập. Ba nhánh quyền lực, gồm Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc nhau, kiểm soát và hạn chế quyền lực của nhau nhằm thực thi nguyên tắc phân quyền giữa các thiết chế trên trong một nhà nước pháp quyền. Không một ai hoặc một định chế nào, kể cả Tổng thống hoặc chính đảng cầm quyền, có thể đứng trên 3 thiết chế này. Trên và cao hơn họ chỉ có thể là Hiến pháp. Đây là một phát kiến của nhân loại chứ không phải là sản phẩm của riêng giai cấp nào. Còn ở Việt Nam, trên và cao hơn họ trong suốt 75 năm qua không phải là Hiến pháp, mà duy nhất chỉ có ĐCSVN ngự trị. Nếu “rule of law” là pháp quyền và “rule by law” là pháp trị (pháp quyền là sự cai trị của pháp luật, còn pháp trị là sự cai trị bằng pháp luật) thì mô hình nhà nước ta là mô hình Nhà nước Đảng trị. Khác với đa số các quốc gia trên thế giới, ĐCSVN quản lý và cai tri đất nước bằng luật lệ riêng của mình. Như vậy, rõ ràng nước ta là Nhà nước Đảng trị. Ngày nào ta còn duy trì hệ thống pháp luật lạc lõng này, ngày đó sẽ còn xảy ra nhiều bất công pháp lý cũng như vô vàn vụ án oan sai tày đình.
(P/S: Đơn cử, trong vụ Đồng Tâm mới đây nhất, lẽ ra VKSNDTC khi phát hiện thấy BCA có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nửa đêm giữa thời bình, BCA ngang nhiên điều động hàng ngàn CSCĐ xâm nhập bất hợp pháp cộng đồng dân cư và nhà riêng công dân, nổ súng giết hại cụ ông Lê Đình Kình, 84 tuổi đời, 58 tuổi đảng ngay tại nhà riêng, cướp và mang đi nhiều tài sản cùng nhiều hồ sơ, tài liệu quý của gia đình, bắt mang đi gần 30 người dân Đồng Tâm,v.v…) thì họ phải chủ động khởi tố vụ án hình sự để điều tra, xác định nguyên nhân và động cơ việc giết hại cụ Kình và gián tiếp làm ba CSCĐ “hy sinh”, mà không phải “chờ lệnh” hay “được phép” của Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư Trung ương ĐCSVN! Nhận thấy có việc vi phạm cực kỳ nghiêm trọng pháp luật VN, sáng 21/01/2020 vừa qua, 12 người chúng tôi có “Đơn Tố giác” tội phạm và đã chuyển trực tiếp cho VKSND Tp. Hà Nội và Cơ quan CSĐT Công an Tp. Hà Nội về vụ việc nói trên. Điều 146 Bộ luật TTHS 2015 quy định, trong phạm vi 03 ngày làm việc, chúng tôi phải được báo cho biết kết quả thụ lý đơn tố giác nói trên của chúng tôi. Nhưng đến nay đã quá thời hạn trên, nhưng chúng tôi chưa nhận được hồi âm nào của hai cơ quan tư pháp có trách nhiệm tiến hành công tác tố tụng. Liệu tất cả có rơi vào im lặng?)
Bốn là: Thực trạng tham nhũng ở nước ta rất khủng khiếp. Bản chất thể chế chính trị của ta là sinh ra tham nhũng, ngược lại, bọn tham nhũng ra sức bảo vệ cho cơ chế đã sinh ra chúng tồn tại. Đảng chỉ giỏi chống tham nhũng trên giấy, và chỉ chống tham nhũng bằng các nghị quyết sáo rỗng. Càng hô hào chống tham nhũng, thì tham nhũng càng lớn mạnh. Trong suốt 30 năm qua, ĐCSVN chỉ giỏi nói mồm, giỏi tuyên truyền, kêu gọi “toàn Đảng, toàn dân” diệt trừ tham nhũng. Tưởng rằng tham nhũng sẽ sớm “toi đời”, nhưng chẳng hiểu sao, cứ sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, tệ nạn này lại càng sống khỏe. Từ chỗ chỉ là một vài con sâu đơn lẻ, chúng đã sớm trở thành một bầy sâu, và nay đã lớn mạnh thành những tập đoàn sâu, chúng ăn của dân “không chừa một thứ gì” thì hỏi làm sao không “chết cái đất nước này”?. ĐCSVN ngày nay đang tha hóa, biến chất và suy thoái toàn diện. Có thể khẳng định,100% các “con sâu cỡ bự” này đều là đảng viên cao cấp của ĐCSVN. Người viết bài này xin nói thật điều sau đây: “ĐCSVN sẽ khó tránh khỏi số phận sụp đổ như các ĐCS ở các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô trước đây. Lý do duy nhất là nó đã và đang dung dưỡng cả một bầy sâu bọ tham nhũng trong lục phủ ngũ tạng của mình”! Vâng, câu “Sư tử thân trung trùng thực sư tử nhục” là rất nhỡn tiền, bởi đây là quy luật hoàn toàn tự nhiên và khách quan.
Năm là: ĐCSVN đã cầm quyền 75 được năm nhưng chưa hề có một cơ chế kiểm soát quyền lực nào thực sự hữu hiệu. Một trong các cơ chế kiểm soát quyền lực là UBKT các cấp, nhưng đó chỉ là công cụ riêng của Đảng. Vừa qua, UBKTTƯ đã làm được một số việc hợp với lòng dân, như đưa ra xét xử một số vụ án, trong đó có 2 bị cáo nguyên là Bộ trưởng và UVTƯ Đảng: Một bị tuyên chung thân, người kia bị tuyên 14 năm tù giam, v.v. Song các vụ trên chắc chắn sẽ được kịp thời ngăn chặn một khi UBKTTƯ do Đại hội Đảng bầu trực tiếp, chứ không phải do BCHTƯ (thực chất là do TBT, BCT) chỉ định! Vì vậy, UBKTTƯ xưa nay chỉ được làm những vụ việc mà TBT và BCT đã gật đầu. Nếu UBKTTƯ được Đại hội Đảng bầu ra, mà không phải do TBT và BCT chỉ định, thì sẽ hoàn toàn khác. Các vụ lạm quyền, vi phạm pháp luật trắng trợn như Thủ Thiêm, Mobiphone mua AVG, Bauxite Tây Nguyên, Vinashine, Vinalines, Formosa, Gang thép Thái Nguyên, v.v. chắc chắn sẽ không thể xẩy ra, hoặc nếu có xảy ra thì sẽ bị ngăn chặn sớm.
Sáu là: Tệ nạn “mua quan, bán tước” và “chạy chức, chạy quyền” đã và đang hoành hành trong các cơ quan công quyền nước ta trong suốt nửa thế kỷ qua, làm hư hỏng biết bao cán bộ, đảng viên của Đảng và Nhà nước, hết thế hệ này sang thế hệ khác. Có người hỏi tôi: “Thế ĐCSVN có biết hiện tượng trên là rất nguy hại không?”. Tôi đáp: “Có, Đảng không chỉ biết mà còn biết rất rõ, nhưng Đảng đã cố làm ngơ và che đậy những hiện tượng này!” Mãi đến gần đây, ngày 23/9/2019, ĐCSVN mới ban hành một văn bản, gọi là Quy định 205-QĐ/TƯ có tên là “Chống chạy chức, chạy quyền” nhằm ngăn chặn tệ nạn trên, nhưng đã quá muộn, mọi sự đã đâu vào đấy cả rồi. Người bán thì đã “mất tăm”, còn người mua thì sẽ phải giữ im lặng để tìm cách “thu hồi vốn” và “kiếm chút lãi”. Chỉ dân lành ở giữa là nạn nhân hứng chịu mọi hậu quả!
Bảy là: Việt Nam còn hạn chế quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Chừng nào trong Luật Báo chí của ta còn chưa cho phép tư nhân được quyền ra báo riêng, chừng đó không thể nói là có tự do báo chí và tự do ngôn luận. Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Người dân phải có quyền tự do biểu đạt chính kiến, tự do lập hội và biểu tình. Nhà nước ta còn nợ người dân hai bộ luật mà Hiến pháp 1946 đã cam kết là luật Biểu tình và Lập hội. Nếu quá bức xúc về vấn đề xã hội nào đó, người dân buộc phải xuống đường biểu tình, sẽ bị cơ quan chức năng vu là “tụ tập đông người” hoặc “gây rối trật tự công cộng” để có lý do trấn áp. Đảng khất lần quá lâu, đến nay 3/4 thế kỷ đã trôi qua mà chưa đệ trình Quốc hội ban hành hai bộ luật trên để người dân thực hiện quyền hiến định của mình!
Tám là: Có lẽ ai cũng biết Giáo dục và Y tế xưa nay là hai lĩnh vực quan trọng, rất thiết thân đến xã hội và mọi gia đình người dân, nhưng Đảng đã tỏ ra ảo tưởng hão huyền. Ngay từ sau ĐH III (đầu thập kỷ 60’s), Đảng đã khẳng định như đinh đóng cột: Giáo dục và Y tế thể hiện tính “Ưu việt của CNXH là học sinh đi học, gia đình không phải trả tiền; và người dân được chữa bệnh miễn phí!”. Ngày nay, trường học và bệnh viện chính là 2 nơi người dân phải mất tiền nhiều nhất. Không chỉ vậy, 2 lĩnh vực này đã và đang xuống cấp trầm trọng về cả chuyên môn lẫn đạo đức. Về giáo dục, vụ án “Gian lận thi cử” xảy ra ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình năm học 2018-2019 vừa qua là một ví dụ điển hình. Ngành y tế cũng cũng vướng vào nhiều vụ án kinh hoàng không kém: Công ty dược VN Pharma buôn lậu thuốc chữa ung thư giả, nhiều trẻ sơ sinh tử vong bất thường tại một số Bệnh viện, v.v. Và mới đây nhất, lãnh đạo Khoa Vi sinh (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) đã gian dối lệnh cho nhân viên cắt đôi que thử HIV và viêm gan B, làm chấn động dư luận Hà Nội và cả nước!
Chín là: ĐCSVN ngày nay không còn là một khối đoàn kết vững chắc như xưa. Đảng đã không coi trọng và bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng như con ngươi của mắt mình nữa! Từ sau Đại hội IV đến nay, nội bộ Đảng đã rạn nứt và chia năm xẻ bảy, hình thành nhiều phe phái khác nhau. Việc TBT Nguyễn Phú Trọng suýt bật khóc trước ống kính truyền hình của VTV1 khi đọc diễn văn bế mạc HNTƯ lần thứ 6 (Khóa XI) vì không kỷ luật nổi “đồng chí X” (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), đã nói lên khá đầy đủ tình trạng chia rẽ trầm trọng trong Đảng hiện nay. Tóm lại, nội bộ ĐCSVN đang hình thành các phe nhóm lợi ích khác nhau, các phe nhóm này chỉ lo đấu đá, tranh đoạt lợi ích và quyền lực với nhau, bỏ mặc quyền lợi đất nước và lợi ích dân tộc. Họ có thể chia rẽ và mâu thuẫn nhau trong nhiều vấn đề, song có một vấn đề mà họ luôn thống nhất với nhau, đó là đặt lợi ích của Đảng và giai cấp vô sản lên trên hết! Đây phải chăng là điềm gở, rất gở báo hiệu một tương lai ảm đạm cho số phận ĐCSVN?
Mười là: Về đối ngoại, ĐCSVN đã và đang lệ thuộc mọi mặt vào ĐCSTQ, nhất là từ khi hai đảng bí mật đi đêm với nhau để ký Mật ước Thành Đô (4/9/1990). Kể từ đó, ĐCSVN đã lệ thuộc gần như hoàn toàn vào ĐCSTQ. Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên UVTƯ Đảng (1960-1976), là người rất am tường về TQ vì đã có 13 năm liên tục (1974-1987) làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền VN tại TQ, vừa từ trần ngày 26/12/2019, hưởng thọ 104 tuổi, đã vạch trần ĐCSVN hiện nay trở nên biến chất và hư hỏng, không còn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nữa! Trong các hư hỏng của ĐCSVN mà cụ đề cập, xin được trích dẫn nguyên văn lời cụ như sau: “Ba là: ĐCSVN ngày nay đã lệ thuộc nặng nề vào ngoại bang, cụ thể là vào ĐCSTQ. Sau khi ký kết Mật ước Thành Đô (9/1990) với ĐCSTQ, Ban lãnh đạo ĐCSVN kể từ đó đã lệ thuộc gần như mọi mặt vào ĐCSTQ. ĐCSVN làm ngơ, không dám ra tuyên bố phản đối và thực hiện biện pháp đáp trả khi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị bọn TQ xâm phạm, đặc biệt là sự kiện từ đầu tháng 5/2014 đến giữa tháng 7/2014, khi TQ ngang ngược coi thường luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, chúng hạ đặt trái phép dàn khoan HD.981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Mới đây nhất, Việt Nam phải nhẫn nhục đầu hàng, chấp nhận yêu sách phi lý của TQ đòi VN phải ngừng Dự án khoan thăm dò khí đốt với Tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha tại Lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.” (Trích bài “Lão tướng NTV lên tiếng về quyết định của Gs.TL). Còn gần đây nhất, kể từ đầu 7/2019 cho đến giữa 10/2019, TQ đã điều tầu thăm dò địa chấn HD.08 cùng hàng chục tầu chiến vào bên trong thềm lục địa nước ta để khảo sát và quần thảo ở Bãi Tư Chính, ĐCSVN đã không hề ra tuyên bố lên án hoặc tố cáo TQ. Không chỉ vậy, ĐCSVN tìm mọi cách ngăn cản các nỗ lực của giới nhân sỹ trí thức và người dân đòi kiện TQ ra trước Tòa án Trọng tài quốc tế như Philippines đã làm năm 2016. Vậy xin hỏi, ĐCSVN có đặt lợi ích dân tộc và quyền lợi quốc gia lên tối thượng không? Và như vậy có xứng đáng với vai trò là người lãnh đạo Nhà nước và dẫn dắt xã hội nữa hay không?
 ***********
Đôi điều bộc bạch nói trên là rất thật của người viết bài này. Những điều trên đã hằn sâu trong suy nghĩ và tâm tư của tôi mấy chục năm qua, ít ra là từ sau năm 1990 đến nay, 30 năm trước khi tôi nhận quyết định xóa tên nói trên. Xin cảm ơn quý độc giả đã kiên trì đọc những dòng tâm tình gan ruột trên đây của tôi, mặc dù có đôi chút dông dài, mong được lượng thứ!
Hà Nội, ngày 3/2/2020.

N.Đ.Q

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét