Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

20180925. BÀN VỀ CÔNG KHAI HÓA KẾT QUẢ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHÍ THẢI FORMOSA: BAO GIỜ CÔNG KHAI KẾT QUẢ QUAN TRẮC ?

NGUYỄN ANH TUẤN/ FB Nguyen Anh Tuan/ BVN 21-9-2018

image

Đầu năm nay, Formosa Hà Tĩnh tuyên bố sẽ tăng gấp đôi công suất[1], hàng quán phục vụ khách Trung Quốc ở phố thị Kỳ Anh theo ghi nhận đã nhộn nhịp trở lại. Cùng lúc đó, một số hộ dân sống xung quanh nhà máy bắt đầu lo lắng cho sức khoẻ của gia đình nên đã dần chuyển đi.
Chính Báo cáo Tác động Môi trường (DTM) của Formosa cũng thừa nhận ngay từ giai đoạn 1 lượng bụi phát sinh sẽ cực lớn và “nếu không có hệ thống xử lý, bụi sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân làm việc trong nhà máy và khu dân cư lân cận. Các hạt bụi nhỏ có kích thước nhỏ thâm nhập vào người qua đường hô hấp, gây VIÊM PHẾ QUẢN MÃN TÍNH, UNG THƯ PHỔI, VIÊM GIÁC MẠC”[2]. Khí thải có thể không gây ra kết quả nhãn tiền (cá chết chẳng hạn) như nước thải, song hậu quả đối với sức khoẻ con người thì không hề kém cạnh, nếu không muốn nói là còn nghiêm trọng hơn.
Thực tế là số ca mắc ung thư ở các làng vùng Chương Hoá, Vân Lâm nơi Formosa đặt nhà máy bên Đài Loan đã tăng đột biến nhiều lần chỉ vài năm sau khi nhà máy đi vào vận hành và cư dân được tái định cư bên ngoài vòng bán kính 10 km từ các nhà máy này. [Trong khi ở Kỳ Anh vẫn còn quá nhiều hộ dân sống sát tường rào nhà máy, các khu tái định cư Kỳ Phương, Kỳ Liên lẽ ra phải được chuyển ra xa thì lại đặt sát vách Formosa].
Dĩ nhiên Formosa Hà Tĩnh có hệ thống xử lý khí thải của họ, song hiệu quả đến đâu thì cần được kiểm chứng bằng các máy quan trắc chất lượng không khí. Việc giám sát này đòi hỏi phải độc lập; và trong trường hợp một tập đoàn tai tiếng như Formosa thì ai cũng hiểu là nhu cầu này càng bức thiết.
Vậy mà hiện nay chính quyền lại cho phép chính Formosa lắp đặt thiết bị quan trắc này ở khu vực phát khí thải và truyền số liệu về Sở TN-MT Hà Tĩnh. Nghĩa là chỉ Formosa và chính quyền Hà Tĩnh biết với nhau kết quả quan trắc, trong vòng bí mật[3].
Tháng 11/2017 lần đầu tiên Sở TN-MT Hà Tĩnh, trong một công văn báo cáo lên Bộ TN-MT, đã tiết lộ Formosa xả khí thải vượt ngưỡng nhiều lần để rồi từ đó báo chí vào cuộc phát hiện ra Bộ TN-MT từ năm 2014 đã ra văn bản ‘cá biệt’ đặc cách cho Formosa xả thải vượt chuẩn[4].
Câu hỏi là nếu có lúc nào đó Formosa vẫn xả vượt chuẩn mà Sở TN-MT Hà Tĩnh không thông báo thì thế nào? Có khó gì đâu việc công khai kết quả đo quan trắc lên Internet để dân vào giám sát như chính Đài Loan đang làm[5]?
Thêm nữa, thiết bị quan trắc đâu có đắt đỏ đến mức chính quyền cần Formosa lắp đặt, sao không tự lắp đặt để đảm bảo tính cách độc lập của việc giám sát Nhà nước?
Ngoài ra, hiện chỉ mới có thiết bị quan trắc ngay trong khu vực nhà máy, trong khi theo các chuyên gia còn cần phải đo chất lượng không khí ở khu vực dân cư xung quanh vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người dân.
Ở Đài Loan các tổ chức dân sự đã lắp đặt không ít các máy quan trắc độc lập trong vùng dân cư xung quanh nhà máy Formosa, công bố kết quả để đối chứng với hệ thống quan trắc của chính quyền. Với sự thù nghịch nhắm tới xã hội dân sự hiện nay, rất khó để chính quyền chấp nhận những sáng kiến dân sự như vậy. Không tin vào giám sát cộng đồng lại để chính đối tượng - Formosa - nắm đằng chuôi của quá trình giám sát, chính quyền đang tự cho thấy tuyên bố ‘không đổi môi trường lấy tăng trưởng’ của họ chỉ là lời đầu môi chót lưỡi.
Tóm lại, ba việc cần làm hiện nay là (1) kiểm soát toàn bộ quá trình quan trắc khí thải trong nhà máy chứ không giao cho Formosa, (2) công khai kết quả quan trắc bên trong và xung quanh nhà máy 24/7 online (thời gian thực/in real time) cho công chúng và báo chí tiếp cận, và (3) khuyến khích các tổ chức dân sự lắp đặt thêm máy quan trắc độc lập để đối chiếu kết quả, có sai khác là các bên liên quan vào cuộc ngay. Chẳng việc nào khó cả nếu thực tâm.
Chính quyền đã phạm nhiều sai lầm dẫn đến thảm hoạ Formosa hai năm trước đây. Nếu không hành động ngay họ có thể sẽ đứng trước một thảm cảnh mới trong một ngày không xa.

Link Facebook video:

Các hộ dân vẫn sống quá gần ống khói nhà máy, ngay trên đầu là đám mây khói từ nhà máy.
Khói và mây bất khả phân. Khói nhà máy tạo mây.
Ban đêm xả nhiều hơn. Rực đỏ một góc trời Kỳ Anh.
__________
Chú thích:
[1] https://nguoidothi.net.vn/formosa-ha-tinh-se-tang-gap-doi-c…
[2] https://m.vov.vn/…/formosa-sap-van-hanh-thu-6-ong-khoi-phat…
[3] https://amp.vnexpress.net/…/ha-tinh-yeu-cau-formosa-lap-thi…
[4] https://www.tienphong.vn/…/bo-tnmt-dac-cach-cho-formosa-xa-…
[5] https://taqm.epa.gov.tw/taqm/en/
Nguồn: FB Nguyen Anh Tuan

NHÓM LỢI ÍCH BỘ TÀI NGUYÊN-MÔI TRƯỜNG CÒN GIẤU DIẾM ĐTM ĐẾN BAO GIỜ ?

NGUYỄN ANH TUẤN /rfa.org/ BVN 23-9-2018

ĐTM là Đánh giá Tác động Môi trường được chủ đầu tư lập nhằm chỉ ra những tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường trước những tác động đó. ĐTM cần được cơ quan có thẩm quyển phê duyệt trước khi dự án được tiến hành.
Với vai trò như thế, ĐTM được kỳ vọng là một chốt chặn hiệu quả ngăn cản những dự án ô nhiễm. Thật vậy, ở Đài Loan nhiều dự án có nguy cơ tàn phá môi sinh đã không thể thành hình bởi ĐTM không được thông qua, chẳng hạn gần đây là Nhà máy Nhiệt điện của TaiPower ở Changhua[1]. Trong một số trường hợp khác, chẳng hạn như Dự án Nhà máy Thép Formosa ở Yunlin năm 2007, qua sự phân tích của các chuyên gia có trách nhiệm đối với ĐTM, công chúng nhận ra tầm nguy hiểm của dự án đã phản đối kịch liệt tới mức dự án bị hủy bỏ ngay cả trước khi Hội đồng Thẩm định ĐTM làm việc.
Thế vì sao Việt Nam cũng áp dụng quy trình ĐTM mà lại không hiệu quả, để lọt quá nhiều dự án gây thảm trạng môi trường từ Bắc chí Nam?
Có nhiều nguyên nhân song quan trọng nhất là Bộ Tài nguyên Môi trường đã giấu diếm các bản ĐTM cũng như giữ toàn bộ quá trình này trong vòng bí mật nhằm tránh né sự giám sát của báo chí và công chúng.

image

Hình bên trái dưới đây là kết quả từ website thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam khi gõ từ khóa “Formosa”, chỉ bao gồm tên của ĐTM mà hoàn toàn không có nội dung[2]. Trong khi đó ở hình bên phải - website của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan - với cùng từ khóa (台灣化學纖維 trong tiếng Hoa) chúng ta có thể tìm thấy đầy đủ ĐTM của tất cả các dự án của Formosa cùng các tài liệu đi kèm như biên bản cuộc họp Hội đồng Thẩm định ĐTM, biên bản cuộc họp giữa chủ đầu tư với cư dân địa phương - tóm lại là mọi thông tin về khía cảnh môi trường của dự án. Cũng trên website này, bất kỳ ai quan tâm, bao gồm cả báo chí, các tổ chức dân sự, có thể dễ dàng đăng ký tham gia các buổi họp của Hội động Thẩm định, giám sát các thành viên Hội đồng làm việc[3].
Kết quả là, dù thảm họa Formosa diễn ra đã hơn 2 năm song tới giờ công chúng vẫn chẳng hề biết vị giáo sư tiến sĩ nào đã tham gia Hội đồng Thẩm định của Bộ Tài nguyên Môi trường phê duyệt ĐTM này. Các vị nhờ đó đã vừa tránh được búa rìu dư luận lẫn trách nhiệm pháp lý theo luật định, mà còn có thể ung dung đứng chân vào những Hội đồng thẩm định các dự án khác.
Tương tự, trong vụ Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đòi nhấn chìm cả triệu m3 bùn thải xuống biển, chỉ khi sự việc trở nên ồn ào trên báo chí người ta mới phát hiện ra một số nhà khoa học đã bị mạo danh trong hồ sơ ĐTM[4]. Tất cả sự dối trá này sở dĩ tồn tại được chính là bởi Bộ Tài nguyên Môi trường giấu diếm toàn bộ hồ sơ ĐTM.
Chính phủ những năm gần đây thường xuyên nói về Cách mạng Công nghiệp 4.0, về mô hình chính phủ điện tử, song một việc giản đơn là đăng tải các hồ sơ ĐTM lên Internet và để người dân lẫn báo chí có thể đăng ký online tham gia giám sát các buổi thẩm định ĐTM mà vẫn không làm được thì chỉ có thể hiểu là nhóm lợi ích Bộ Tài nguyên Môi trường đang cố tình bán đứng môi trường đất nước và sức khỏe người dân để đút cho đầy túi tham.
N.A.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét