Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

20180923. BÌNH LUẬN SAU CÁI CHẾT CỦA ÔNG TRẦN ĐẠI QUANG

ĐIỂM BÁO MẠNG

VỀ 'NGHĨA TỬ LÀ NGHĨA TẬN'

TRỊNH HỮU LONG/FB Trinh Huu Long/ BVN 22-9-2018

clip_image002
Muốn thiên hạ có "nghĩa" với mình khi mình chết thì tối thiểu khi còn sống cũng phải có "nghĩa" với thiên hạ.
Còn khi sống mà trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra tội ác, hoặc im lặng về hùa với kẻ ác, thì đừng trách người ta vui mừng khi mình chết, bởi cái chết đồng nghĩa với việc không còn khả năng gây ra tội ác nữa.
Nhưng một xã hội mà phải chờ đến khi kẻ ác chết tự nhiên thì mới ngăn chặn được cái ác thì xã hội ấy là một xã hội rất tuyệt vọng. Một xã hội tốt sẽ ngăn chặn được tội ác mà không cần phải lấy mạng kẻ thủ ác (theo thủ tục xử tử hình) hoặc chờ đến khi kẻ ác chết tự nhiên.
Trần Đại Quang và các đồng chí của ông không cho nhân dân một cơ hội nào để đòi được công lý theo những thủ tục pháp lý văn minh. Trái lại, nhân dân chết trong đồn công an mà không trăn trối được với gia đình một lời nào, nhân dân mất nhà mất cửa mất ruộng mất vườn dưới dùi cui công an mà không thưa kiện được ai, nhân dân cắn lưỡi nhổ răng khâu mồm im lặng dưới đòn thù của công an mà không biết phải làm thế nào.
Hãy hỏi Trần Đại Quang cái "nghĩa" của ông ta ở đâu trước tang quyến của những người đã chết dưới dùi cui công an, ngay trong thời kỳ ông ta là Bộ trưởng.
Hãy hỏi Trần Đại Quang cái "nghĩa" của ông ta ở đâu trước hàng trăm nghìn người ngày ngày kéo nhau lên trụ sở công quyền đòi lại đất.
Hãy hỏi Trần Đại Quang cái "nghĩa" của ông ta ở đâu khi hạ bút ký ban hành Luật An ninh mạng, đứa con đẻ mà ông ta hằng đau đáu ngay cả khi lâm bệnh.
Dĩ nhiên, Trần Đại Quang chết rồi, làm sao mà hỏi được nữa. Những câu hỏi đó, tất cả những phản ứng vui mừng đó của người dân, là dành cho cái ác và những kẻ ác còn đang sống.
Nếu về cuối đời, Trần Đại Quang, với thẩm quyền duy nhất của mình với tư cách là Chủ tịch nước, tha được tội chết (oan) cho Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh và Đặng Văn Hiến thì nhân dân không vui mừng trước cái chết của ông ta đến như thế.
Nếu về cuối đời, Trần Đại Quang, cũng với thẩm quyền duy nhất của mình với tư cách là Chủ tịch nước, từ chối ký ban hành Luật An ninh mạng, thì người ta có khi còn tung hô ông lên trời.
Nhưng Trần Đại Quang đã không làm như thế. Ông ta đã chọn ghi tên mình vào những trang sử đen tối nhất của đất nước này.
Nói những điều này không có nghĩa là tôi không tôn trọng gia quyến và tôn trọng nỗi đau của những người thân yêu của Trần Đại Quang. Mỗi con người đều có nhiều khía cạnh khác nhau. Vừa là quan chức nhưng vừa là chồng, là cha, là ông, là hàng xóm, là bạn bè, v.v. Mỗi người tiếp xúc với ông Quang theo những khía cạnh khác nhau. Còn công chúng chỉ tiếp xúc với khía cạnh quan chức của ông ấy. Đừng kỳ vọng và đừng bắt công chúng phải phản ứng với ông ấy như gia đình hay bạn bè của ông ấy.
Phản ứng của người dân trước cái chết của một nguyên thủ là chiếc hàn thử biểu đo đạc lòng dân với chế độ. Muốn khi chết đi được người ta nhớ đến và tôn trọng thì ngay lúc này hãy bắt tay vào mà làm việc thiện, mà việc thiện cần kíp nhất là khởi động ngay một tiến trình dân chủ hoá đất nước. Làm được như thế, không có lý do gì mà mồ không yên, mả không đẹp.
T.H.L.

CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG ĐỂ LẠI GÌ ?

TỔNG HỢP NHIỀU NGUỒN / BVN 22-9-2018
1. "Ông Trần Đại Quang ra đi và không để lại dấu ấn gì đáng kể"
TS. Phạm Chí DũngChủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bình luận trên Bàn tròn Đặc biệt của BBC Tiếng Việt hôm 21/9:
“Ông Trần Đại Quang cuối cùng đã ra đi một cách không trọn vẹn, mặc dù tuổi được coi là vẫn còn trẻ ở trong Bộ Chính trị. Và ông Trần Đại Quang ra đi và không để lại dấu ấn gì đáng kể.
“Thực sự dấu ấn đáng kể nhất của ông là thời còn Bộ trưởng Bộ Công an, tôi nghĩ là dấu ấn đáng kể nhất của ông là đã chỉ huy những chiến dịch đàn áp nặng nề đối với giới đấu tranh, hoạt động dân chủ nhân quyền ở Việt Nam và bắt nhiều người.
“Và di sản của ông Trần Đại Quang để lại, tất nhiên ngày hôm nay mà nói những điều đó với một người vừa qua đời thì kể ra tôi nghĩ rằng nó cũng có cái gì đó hơi khập khiễng, nhưng nếu đánh giá một cách khách quan thì cũng phải nhắc lại cho đầy đủ rằng người nào có công, người nào có tội và người nào làm được gì đó, thì tôi nghĩ rằng di sản ông Trần Đại Quang để lại, thậm chí cho cả Bộ Công an sau này kế thừa, đến đời ông Tô Lâm còn đàn áp nhân quyền mạnh hơn nữa...
“Và di sản thứ hai mà ông Trần Đại Quang để lại, tôi nghĩ rằng dấu ấn lớn nhất của ông thời Bộ trưởng Bộ Công an trước khi làm Chủ tịch Nước là ông đã có một chuyến đi Washington tiền trạm cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để ông Trọng đi Washington sau đó gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
“Và trong chuyến đi tiền trạm đó vào tháng 3/2015, ông Trần Đại Quang đã được rất nhiều quan chức của Mỹ tiếp, kể cả quan chức của Bộ Quốc phòng, rồi FBI, rồi CIA v.v…, tất cả, nhưng mà sau đó vai trò của ông mờ nhạt và mờ nhạt hẳn kể từ tháng 7/2017…”
2. LS Trần Quốc Thuận: "ông Trần Đại Quang để lại một di sản nặng nề"
clip_image004

Bình luận trong chương trình Bàn tròn Thứ Năm hôm 21/9 của BBC Tiếng Việt, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội nói:
“Về quan điểm của tôi thì thấy ông Trần Đại Quang để lại một di sản, tôi dùng chữ ‘di sản nặng nề’ nhất, chính là Bộ Công An, đã có lần tôi nói là một cuộc cải cách hay là ‘thay máu toàn diện’. Từ 12 Tổng cục giải thể hết và chỉ còn lại là các Cục, thì rõ ràng là hàng loạt tướng lĩnh, rồi sỹ quan cấp tá, cấp này kia ra đi phải được bố trí trở lại.
"Đó là một câu chuyện di sản và di sản đó không chỉ là sắp xếp bộ máy khổng lồ như thế, rồi phong tướng, phong quan hàng loạt như thế, thì bây giờ việc bố trí như thế nào? Đó là một câu chuyện không phải đơn giản.
“Nhưng cái để lại mà người ta nói nhiều nhất là để lại những dấu hiệu tiêu cực mà bây giờ đã thành tội phạm rồi, như vụ án Vũ Nhôm…, rồi một số tướng lĩnh bị điều tra tiêu cực...
“Tôi đang nghĩ đến Quyết định 102 của Bộ Chính trị và nếu những người nào liên quan đến việc có dấu hiệu tiêu cực nghiêm trọng, thì cho dù có qua đời thì cũng phải kết luận đó là cái gì. Tôi nghĩ rằng kết luận trách nhiệm về thiết kế của Bộ Công an, bộ máy mà bây giờ nhiều người bị phạm tội như thế thì trách nhiệm thế nào? Thì cái đó có áp dụng quy định 102 hay không?
“Đó là vấn đề người ta nghĩ tới phải đặt ra, phải làm một cách không có vùng cấm, cho nó rõ ràng, sòng phẳng, chứ không thể để người ra đi vì nếu mà có thì cũng nói cho nó rõ, hoặc là không có vấn đề gì cả".
3. GS. Carl Thayer, chuyên gia về chính trị Việt Nam từ Úc, nhận định
"Sau khi ông Trần Đại Quang rời vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện các bước cắt giảm cơ cấu nặng nề của bộ."
"Rõ ràng là những quyền lợi đặc biệt mà Bộ này đã tận hưởng đang bị cắt giảm trong một nỗ lực để làm cho Bộ có trách nhiệm hơn."
"Những quyết định này được đưa ra trong khi ông Quang là thành viên của Bộ Chính trị. Chức năng cơ bản của Bộ Công an sẽ không thay đổi nhưng bây giờ bộ này sẽ chịu sự giám sát của các quan chức cấp cao hơn."
4. Tuyên bố của Phil Robertson về Chủ tịch nước
Phó Giám đốc khu vực Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói gì?
clip_image006
Phil Robertson
"Di sản trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Trần Đại Quang là một cuộc đàn áp nhân quyền kéo dài nhiều năm và khiến nhiều tù nhân chính trị rơi vào chốn lao tù hơn bất kỳ thời điểm nào trong những năm tháng gần đây.
Và hơn bất kỳ ai, ông cũng là người đã giúp Bộ Công an xâm nhập vào mọi ngõ ngách của cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam, gây ra tình trạng vi phạm nhân quyền, tham nhũng và uy hiếp kèm theo sự hiện diện ngày càng gia tăng của cảnh sát.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Bộ Công an đã có quyền lực vô cùng lớn đối với Bộ Chính trị Đảng Cộng sản cầm quyền và bây giờ chúng ta sẽ phải xem liệu ảnh hưởng của Bộ trưởng Bộ Công an có còn được duy trì hay không".
Nguồn:
5. Lê Hồng Hiệp: Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời và tác động
Việc Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đột ngột qua đời vào ngày 21 tháng 9 năm 2018 là một cú sốc đối với nhiều người Việt Nam. Mặc dù ông Quang được biết là đã bị bệnh một thời gian, ông vẫn được nhìn thấy tiếp đón các nhà lãnh đạo nước ngoài và tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị và xã hội khác nhau cho đến một vài ngày gần đây. Tuy nhiên, các báo cáo chính thức tiết lộ rằng ông bị phát hiện nhiễm một loại vi-rút “hiếm”, “độc hại” và không thể chữa được vào tháng 7 năm 2017 và đã trải qua sáu đợt điều trị tại Nhật Bản.
Ông Quang là Chủ tịch nước Việt Nam đầu tiên qua đời khi đang đương chức kể từ khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trần năm 1980. Khi qua đời, ông Quang mới chỉ phục vụ được 2 năm và 172 ngày trong cương vị Chủ tịch nước. Vì vị trí Chủ tịch nước nhìn chung mang tính lễ nghi trong khi tình trạng bệnh tật đã hạn chế hoạt động của ông trong hơn một năm qua, di sản mà ông Quang để lại không có nhiều nổi bật. Đồng thời, chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam từ năm 2016 đến nay đã phơi bày nhiều vụ bê bối tham nhũng tại Bộ Công an, nơi ông Quang từng giữ chức Bộ trưởng từ năm 2011 đến năm 2016. Mặc dù ông Quang chưa chính thức bị quy trách nhiệm về những bê bối này, chúng vẫn phủ bóng đen lên nhiệm kỳ của ông. Cùng với tình trạng sức khỏe kém, khả năng ông bị quy trách nhiệm cho các vụ bê bối kể trên đã dẫn tới những đồn đoán cho rằng ông có thể bị loại khỏi vị trí Chủ tịch nước trong tương lai gần.
Sự qua đời của ông Quang đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam không phải tiến hành thủ tục nhiều khả năng sẽ khó khăn và nhạy cảm này nếu xét việc từ trước tới nay chưa có lãnh đạo nào trong hàng ngũ “tứ trụ” của Việt Nam từng bị cách chức hoặc thay thế khi đang còn tại vị. Tuy nhiên, Đảng sẽ phải tìm kiếm một ứng cử viên để điền vào vị trí mà ông Quang để lại. Quyết định về vấn đề này có thể sẽ được đưa ra tại Hội nghị trung ương lần thứ tám của Ủy ban Trung ương Đảng được triệu tập vào tháng 10 tới. Sau đó, ứng cử viên được lựa chọn sẽ được Quốc hội phê chuẩn, nhiều khả năng tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2019. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ giữ chức Quyền Chủ tịch nước cho đến khi vị Chủ tịch nước mới được bổ nhiệm.
Hiện tại, vẫn chưa rõ ai sẽ được Đảng đề cử để đảm nhận chức vụ này. Có các tin đồn cho rằng ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng chỉ ra rằng Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng cũng có thể là một ứng cử viên tiềm năng.
Mặc dù vị trí Chủ tịch nước phần lớn mang tính lễ nghi, nhưng ai được chọn để tiếp quản vị trí này trong thời gian tới lại có thể có một số tác động quan trọng đối với hệ thống chính trị của Việt Nam trong tương lai. Ví dụ, nếu ông Nhân được chọn, cấu trúc lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, bao gồm bốn chức vụ (Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội) do bốn chính trị gia khác nhau nắm giữ, có thể sẽ được duy trì. Tuy nhiên, trong trường hợp Đảng chọn ông Vượng, người hiện cũng được xem là ứng viên tiềm năng nhất thay thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì có một khả năng là ông Vượng sẽ nắm giữ cả hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng Bí thư sau Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2021.
L.H.H.

CÁI CHẾT CỦA ÔNG TRẦN ĐẠI QUANG VÀ 'CÁC ĐỒNG CHÍ KHÁC'...

VÕ THỊ HẢO/rfavietnam/ BVN 22-9-2018

Ông Trần Đại Quang đã chết vào sáng 21/09/2018… Tin từ UB Bảo vệ Sức khỏe TƯ nói rất mập mờ: ‘đồng chí đã mắc loại virus hiếm và độc hại, trên thế giới chưa có thuốc chữa’, đưa về cái chết của ông trước khi Nhà nước tung ra cáo phó.

Miếng ‘virus hiếm’

Điều lạ là rất ít người ngạc nhiên về cái chết của ông. Lâu nay đã có vô số lời đồn đoán rằng ông đã bị vô hiệu hóa và đầu độc theo kiểu Nguyễn Bá Thanh trước đây. Đúng sai không rõ, nhưng những dịp ông vắng mặt dài ngày đi chữa bệnh ở Nhật đã được những trang ‘lề dân’ đưa tin, dù báo chí chính thống im bặt. Trong những tháng gấn đây, gương mặt tiều tụy và dáng đi kiệt sức của ông đã được dân mạng đưa cận cảnh kèm lời bình luận về một cái chết không xa được báo trước.
Dưới thời cai trị của ông Trần Đại Quang, đặc biệt từ khi ông làm Bộ trưởng Công an năm 2011 rồi từ 02/04/2016 lên làm Chủ tịch nước, nhân quyền và tự do ngôn luận bị đàn áp tàn bạo tăng tốc. Đặc biệt nhất là công an giả dạng côn đồ cài cắm vào những cuộc biểu tình ôn hòa để chính quyền lấy cớ đàn áp dân. Công an cũng giả dạng côn đồ đi đánh đập những nhà bất đồng chính kiến và dân oan khiếu kiện. Thậm chí công an và quân đội còn kết hợp cùng nhau thành những đội quân mang vũ khí hùng hậu chỉ để hỗ trợ doanh nghiệp cướp đất của dân, buộc người dân phải dật dờ trôi dạt đầu đường xó chợ. Đến khi dân khiếu kiện về cái sai của việc làm trái pháp luật của chính quyền, doanh nghiệp và công an thì những người có trách nhiệm thờ ơ, dân lại bị đánh đập, đàn áp tiếp với những tội vu cáo là ‘gây rối trật tự công cộng’ với những bản án phi pháp hết sức nặng nề và có những người phải tự thiêu vì quá oan trái. Vụ án Đồng Tâm, Thủ Thiêm… chỉ là một vài trong số những ví dụ khiến người dân phẫn nộ.
Ông Trần Đại Quang, đã hẳn là một trong những nhân vật quan trọng tạo tác ‘nền công an trị’ nhấn chìm quốc gia này trong đàn áp bất đồng chính kiến và bạo lực. Trong bức màn bưng bít thông tin bí mật, có lần nào ông đã ‘tỉnh giấc’ và phát biểu đôi lời đứng về phía dân chúng? Những gì ông và các cá nhân trong hệ thống cầm quyền VN đã gây hại cho dân từ trước đến nay đương nhiên sẽ được lịch sử ghi nhận và được phán xét công bằng, như những bài học cần nhắc mãi để VN và nhân loại cần nhận diện và ngăn chặn ngay từ ban đầu nền độc tài toàn trị gây hậu họa cho dân.

Chết hay ‘mất tích’ hay bị thay thế?

Đáng tiếc là cái chết của ông Trần Đại Quang chưa hẳn là một cái chết thông thường. Nghi vấn về cái chết của ông đặt ra những câu hỏi quan trọng về thực trạng phân rã của hệ thống cầm quyền, đặc biệt là đảng. Phải chăng, cái chết của ông là của ‘một trong những đồng chí khác’ nằm trong hệ thống cầm quyền, vốn đã bất thường nhưng còn bất thường hơn dưới thời vai trò của Chính phủ và Chủ tịch nước, Quốc hội hoặc bên trong là nhập làm một, hoặc bị chèn ép hoàn toàn lu mờ kể từ sau Đại hội 12 của đảng CS VN, với sự lên ngôi cầm quyền gần như tuyệt đối của nhóm ông Nguyễn Phú Trọng, sau khi ông thống lĩnh cả ruột gan của hệ thống tổ chức Đảng Bộ Công an và Bộ quốc phòng?
Sau dồn dập những văn bản hợp tác hoàn toàn bất bình đẳng, gây thiệt hại cho VN được ký kết giữa Đảng CSVN và TQ, cho đến việc thúc đẩy QH thông qua Luật đặc khu, đã thông qua luật An ninh mạng, và gần đây nhất là việc cho lưu hành đồng Nhân dân tệ TQ song song với đồng VN dưới danh nghĩa là ‘ở vùng biên giới’, rồi chấp nhận cùng TQ khai thác biển Đông, trong khi rõ ràng là để mặc cho TQ xâm lược biển, thì vai trò của Chủ tịch nước và Thủ tướng CP, Quốc hội VN càng trở nên mờ nhạt. Hồi 19/06/2018, ông được dư luận cho là đã bị ‘bịt miệng’, khi phát biểu trước cử tri và báo chí rằng ủng hộ việc đưa luật Biểu tình ra QH xem xét. Lời nói của ông hoàn toàn không có gì sai nhưng phải chăng sự sợ hãi của kẻ nắm quyền lực tuyệt đối đã ép buộc ông phủ nhận lời ông đã nói và báo Tuổi Trẻ Online đã phải đình bản oan uổng 3 tháng trời?
Ông Trần Đại Quang khi còn sống đã là một người ngoan trong hệ thống. Cũng như ông Đinh Thế Huynh hay ông Phùng Quang Thanh… đang mất tích với lý do ‘chữa bệnh’ đâu đó và khả năng là ‘chết trong khi đang sống’. Đó là cái chết tức tưởi của những ‘đồng chí khác’ dù họ vốn vẫn ngoan.
Các đồng chí trong hệ thống cầm quyền tham nhũng, đã rất nhiều đồng thuận với nhau để đàn áp dân, mỵ dân và ngu dân, đồng thuận cùng bán rẻ đất nước. Các đồng chí ấy đã cùng chia chác nhau, sát cánh bên nhau hưởng nhiều quyền lợi đen nhưng đến một ngày vì những lý do nào đó các đồng chí bỗng dưng không sát cánh với nhau nữa. Một số đồng chí liền trở thành những ‘đồng chí khác’.
Có thể chỉ vì ‘đồng chí khác ấy đã biết quá nhiều. Biết quá nhiều là tội lớn cần loại trừ, kể cả khi đồng chí ấy ‘cắn rơm cắn cỏ’ lạy lục ngoan thật là ngoan. Và khi đó xẩy ra những cuộc ốm, cuộc mất tích, cuộc chết vì bệnh bất thường… Đó là cái chết của ‘những đồng chí khác’.
Cái đồng thuận và sát cánh vì lý tưởng đẹp mới là cái đồng thuận lâu dài, vì trong đó những người đồng thuận và sát cánh bên nhau vì những quyền lợi chung ấy chỉ là sự hy sinh quyền lợi riêng vì đất nước, không phải dính sự nhầy nhụa của những bàn tay đen chia chác dưới gầm bàn quyền lực và dự án… Còn sự đồng thuận để chia chác lợi ích nhóm thì đương nhiên rất dễ tan vỡ.
Của cải từ dân dù tha hồ róc xương đẽo cốt nhưng chẳng là vô hạn. Những miếng mồi công quỹ treo lửng lơ trước mồm vô số ‘con sói không đói nhưng hễ thấy mồi là nuốt chửng’. Có những nhóm ‘đồng chí sói nanh vuốt’ dài hơn và cuộc chiến là một mất một còn. Khi đó xẩy ra cái chết của ‘những đồng chí khác’.
Cuộc thay đổi nhân sự cấp tập từ trung ương tới địa phương trên mọi lĩnh vực, rộng khắp, đặc biệt trong Bộ Công an và Quân đội cũng không loại trừ ‘cái chết, dù là theo nghĩa đen hay nghĩa bóng của ‘các đồng chí khác’. Những đồng chí tại vị từ trước đã đành rất tệ, đụng đâu cũng có thể kết tội tham nhũng và cố ý làm trái và có thể cách chức, hạ bệ ngon lành, thậm chí đưa vào tù hoàn toàn không oan. Bởi vậy, việc thay thế bằng những đồng chí mới, không phải giỏi hơn, trong sạch hơn, mà là vì cánh hẩu hơn, là một việc quá dễ dàng mà các đồng chí bị thay thế phải ngậm miệng, không dám ‘á’ lên một tiếng. Giữ được miếng ăn và tài sản tham nhũng đã là may lắm rồi với họ.
Và, người VN cũng như thế giới sẽ biết, sớm thôi, có bao nhiêu đồng chí trong bộ máy mới là ‘người lạ’ được hà hơi từ TQ lên nắm chính quyền VN để đảm bảo đường ray cho TQ tha hồ tung tác.

Nếu ‘các đồng chí khác’ không tự vệ

Cái chết hoặc nhiều kiểu biến mất của các ‘đồng chí khác’, với lý do mập mờ là ‘virus hiếm và độc hại’ hoặc một lý do nào khác, cho sự lên ngôi vị của một số đồng chí ‘được bình đẳng hơn các đồng chí khác’, đương nhiên không ai có thể thấm thía hơn những người đã và đang nắm hệ thống cầm quyền. Khi cần, các đồng chí hết đợt này đến đợt khác có thể tặng nhau một miếng ‘virrus hiếm’. Cải cách Ruộng đất chỉ là một trong những ví dụ.
Có lẽ hơn ai hết, một số người trong bộ máy quyền lực, trong đó là những người nắm vũ khí như quân đội và công an, đang khóc cho ông Trần Đại Quang - thủ trưởng của họ - dù hầu hết dân không có cảm hứng khóc ông.
Để người thân không phải khóc cho cái chết quá sớm vì ‘một loại virus hiếm và độc hại’ hay vì miếng khác, cơn ớn lạnh của các đồng chí đang ở trong bộ máy quyền lực có thể là một sự cảnh tỉnh qua cái chết của ông Trần Đại Quang, vì dẫu ông có chết tự nhiên vì bệnh thì bản thân ông dường như đã bị ‘ghẻ lạnh’ từ ngay khi ông đang là Chủ tịch nước. Họ nên tự bảo vệ mình bằng cách cần tận dụng vị trí để xây dựng một thể chế có dân chủ, minh bạch, có giám sát quyền lực và chính họ sẽ được giám sát và bảo vệ bằng tự do ngôn luận và nhân quyền. Đó mới là lá chắn bảo vệ vững chắc nhất cho mỗi công dân.
V.T.H.
Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/4700


CHẾT TRONG LÒNG DÂN
PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ BVN 23-9-2018
Đọc tin ông lớn Trần Đại Quang, Chủ tịch nước chết vì căn bệnh hiểm sáng 21.9.2018, tôi cứ nghĩ đến những cái chết tức tưởi, đau đớn của hàng trăm người dân trên đường phố, trong trụ sở công an, trong trại tạm giam bởi những cú ra đòn tàn độc của công an thời ông Trần Đại Quang làm Bộ trưởng Bộ Công an.
Vài dẫn chứng về những người dân bị công an đánh chết thời ông Trần Đại Quang đang đứng đầu Bộ Công an, đang đứng đầu trách nhiệm về những họa phúc do công an mang lại cho dân cho nước: Ông Nguyễn Mậu Thuận, 56 tuổi, bị đánh chết trong trụ sở công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Anh Ngô Thanh Kiều, 30 tuổi, bị công an đánh chết trong nhà tạm giam ở thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. Em Tu Ngọc Thạch, 14 tuổi, bị công an xã Vạn Long, Vạn Ninh, Khánh Hòa đánh chết ngay trên đường cái quan số 1.
Hàng trăm người dân bị công an đánh chết vô cùng man rợ mà ông Bộ trưởng Công an vẫn dửng dưng rũ bỏ trách nhiệm, vẫn ham hố công danh, miệt mài leo lên tới chức Chủ tịch nước, tột đỉnh quyền lực. Hành xử đó là sự thách thức lương tâm con người của kẻ không còn liêm sỉ, không còn tính người. Đó là cái ác.
Trước cái chết của một con người, ai cũng ngậm ngùi, xót thương. Bảy dân thường bị chết vì sốc ma túy trong đêm hội nhạc ở công viên nước Hồ Tây, Hà Nội đêm 16.9.2018 cũng làm tôi lặng đi trong bùi ngùi xúc động. Nhưng tôi không chút xúc động khi hay tin về cái chết của ông lớn Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên là Bộ trưởng Công an, người đã trốn tránh trách nhiệm trước cái chết của hàng trăm người dân lương thiện bị công an, quân của ông Quang tước đoạt mạng sống. Dù người yếu lòng cũng không ai dành sự xót thương cho cái ác mà chỉ có sự căm giận. Dù cái ác vẫn còn nhưng bớt đi một cái ác, cuộc sống cũng nhẹ nhõm, an lành hơn.
Kế nhiệm ông Trần Đại Quang đứng đầu Bộ Công an là ông Tô Lâm. Số người dân bị công an đánh chết thời ông Bộ trưởng Tô Lâm còn dồn dập và man rợ hơn vì không có ai phải chịu trách nhiệm về cái ác của công cụ bạo lực nhà nước hoành hành mặc sức tước đoạt mạng sống của người dân.
Sự vô cảm của người dân, có người còn thở phào nhẹ nhõm trước cái chết khi còn khá trẻ của ông lớn nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang là sự nhìn nhận của lòng dân, là sự phán xét của cuộc đời, là sự cảnh tỉnh cho những người đang và sẽ kế nhiệm quyền lực và trách nhiệm của ông lớn Trần Đại Quang ở Bộ Công an.
Lòng dân là ngôi đền thiêng với những người có công với dân với nước nhưng cũng là pháp trường của cái ác, của những kẻ hại dân, phản nước. Chết trong lòng dân là cái chết đau đớn, nhục nhã nhất của một kiếp người.
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN

MỘT NGƯỜI DÂN VIẾT VỀ ÔNG TRẦN ĐẠI QUANG

ĐỖ THÀNH NHÂN/ BVN 23-9-2018

Viết mấy dòng để đưa tiễn ông về nơi vĩnh hằng, mong ông thanh thản ra đi.

I. Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang

Năm 2013, ông Trần Đại Quang làm Bộ trưởng Công an.
Cũng năm đó Quốc hội kêu gọi nhân dân tích cực góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tôi cũng tham gia viết một bài. Thực tế lúc đó là “Công an nhân dân còn Đảng còn mình”; “Quân đội ta trung với Đảng …”, cùng với những câu khẩu hiệu công khai; nên trong bản Góp ý của tôi có “Chương IV: Bảo vệ tổ quốc” đề nghị đổi danh xưng “Công an nhân dân Việt Nam cách mạng” thành “Công an Đảng” (xem hình và link kèm theo). Bài viết được gởi theo các địa chỉ email thu thập góp ý Hiến pháp của Quốc hội, của tỉnh và báo chí lúc đó.
clip_image002
Cũng năm đó, tôi bị phải làm việc với cơ quan an ninh suốt 4 tháng 1 ngày; bị thu giữ máy tính và tài sản trí tuệ của cá nhân tích lũy cả cuộc đời tính ra lên đến hàng tỷ đồng; bị buộc tham dự “đấu tố” bởi các cơ quan nội chính, văn hóa thông tin trong tỉnh.
Cho đến nay, cơ quan công an cũng không công bố chính thức và tôi cũng không biết mình bị tội gì?!
Sau đó, tôi yêu cầu thì cơ quan an ninh chỉ giao trả lại một cái xác laptop, nhưng giữ lại những tài sản khác, giá trị không hề nhỏ, đặc biệt về giá trị tinh thần là vô cùng lớn. Từ nhiều năm nay tôi đã viết đơn đề nghị các cơ quan chức năng liên quan xem xét “giao trả tài sản cho công dân” nhưng không được trả lời.
(Ghi chú: trong những người tôi gởi đơn có ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2014; nếu ông Thưởng đồng ý “đối thoại”, thì tôi sẽ xin được đối thoại với ông ấy về vấn đề này).
Ít nhiều, ông Trần Đại Quang cũng phải chịu trách nhiệm, vì trong giai đoạn ông làm Bộ trưởng; cơ quan Công an đã tước đi “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (theo Tuyên ngôn độc lập) của bản thân tôi và nhiều người khác nữa.

II. Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Năm 2016, ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước; không liên quan gì cá nhân, đánh giá ông sẽ có những cơ quan chuyên môn và những người phân tích chuyên nghiệp.
Tôi chỉ nói về “Thư chúc Tết Trung thu”.
Tôi hay đọc “Thư chúc Tết Trung thu” của các ông Chủ tịch nước, mặc dù các cháu còn nhỏ chưa chắc đã quan tâm và hiểu các ông lớn nói gì (các cháu chỉ thích ăn và chơi vui vẻ thôi). Ông Trần Đại Quang có 3 cái “Thư chúc Tết Trung thu” vào các năm 2016, 2017, 2018 (xem hình kèm theo). So sánh 3 cái thư, có mấy nhận xét nhỏ:

clip_image004

clip_image006

clip_image008
Dặn dò về Năm điều Bác Hồ dạy:
- Năm 2016: học tập, rèn luyện theo Năm điều Bác Hồ dạy”;
- Năm 2017: tu dưỡng, rèn luyện theo Năm điều Bác Hồ dạy”;
- Năm 2018: “thực hiện thật tốt Năm điều Bác Hồ dạy”.
Nếu theo khẩu hiệu dành cho người lớn: “học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, thì các cháu càng ngày càng nhẹ nhàng hơn!
Ngày ký “Thư chúc Tết Trung thu”:
- Năm 2016: ký vào thứ hai, ngày 05 tháng 9, trước Tết Trung thu 10 ngày;
- Năm 2017: ký vào thứ năm, ngày 28 tháng 9, trước Tết Trung thu 6 ngày;
- Năm 2018: ký vào thứ năm, ngày 11 tháng 8, trước Tết Trung thu 4 ngày; trước khi chết 1 ngày là công việc cuối cùng ông thực hiện.
Càng về sau, “Thư chúc Tết Trung thu” càng gần ngày trung thu hơn.
Chữ ký của “Thư chúc Tết Trung thu” năm 2018 có vẻ nặng nề, không liên tục, như là sự cố gắng cuối cùng để dặn dò các cháu “thực hiện thật tốt Năm điều Bác Hồ dạy”.

Lời kết

Rồi Nhà nước sẽ tổ chức lễ Quốc tang cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang, những người cộng sản sẽ đọc điếu văn ca ngợi công lao của ông, lịch sử sẽ tiếp tục đánh giá về ông.
clip_image010

Ông Trần Đại Quang (bên phải là vợ, bà Nguyễn Thị Hiền) đang khẩn cầu rất “thành kính” tại chùa Mahabodhi (Đại Giác Ngộ Tự) tọa lạc tại khu di tích Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) bang Bihar, Ấn Độ hôm 2 Tháng Ba, 2018. (Hình: Getty Images).
Còn tôi, người dân, mặc dù là nạn nhân của chính sách do ông thiết lập, cố gắng tin rằng hình ảnh ông đang khẩn cầu rất thành kính tại chùa Mahabodhi, khu di tích Bodhgaya bang Bihar là chân thành và ông cũng đã “ngộ” ra được điều gì đó vào cuối cuộc đời tranh đấu.
Chỉ tiếc là ông không chờ được đến ngày thực thi Luật An ninh mạng mà ông vừa ký ban hành.
Dù gì thì “nghĩa tử là nghĩa tận”, tôi viết mấy dòng để đưa tiễn ông về nơi vĩnh hằng, hy vọng ông ra đi thanh thản. Còn nếu ông có linh thiêng, xin phù hộ cho tôi nhận lại được tài sản mà cơ quan công an đang thu giữ; trong đó có những “kỷ vật - hình ảnh vô cùng thiêng liêng” của bản thân, gia đình. Suy cho cùng, trên cõi đời này ông và tôi cũng đều là những con người như nhau./.
Đ.T.N.

Tác giả gửi BVN

NHỮNG DI SẢN-THÀNH TÍCH CỦA CỐ BỘ TRƯỞNG C.A, CỐ CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG

VŨ QUỐC NGỮ/danchimviet/ BVN 25-9-2018

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2018/09/42221071_1967890973508555_3773700232114601984_n.jpg
Ông Quang tiếp khách quốc tế (ngày 19/09/2018?)

1. Đầu tiên phải nói đến câu chuyện Tây Nguyên giai đoạn 2000-2004. Thời kỳ này, (tháng 10 năm 2000 - tháng 4 năm 2006, ông Quang là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an):
  • Chưa có con số thống kê nào được công bố rộng rãi về việc đàn áp, “dẹp loạn” Tây Nguyên giai đoạn này. Tuy nhiên, con số người chết lên đến hàng nghìn, số người sắc tộc thiểu số bị tù đày cũng không dưới vài trăm.
  • Các giai thoại về xe tăng lăn bánh ra đường quốc lộ sau gần 30 năm, chuyện phải dùng xe máy cày để gom xác đồng bào chết, chuyện về xả cả băng đạn AK vào các “phần tử quá khích”, cầm đầu, leo lên xe công an, CSCĐ, quân đội… được truyền tụng rất nhiều.
  • Sau khi được lệnh đàn áp, tàn sát thẳng tay, cũng nhiều chuyện rợn người về các cuộc vây bắt người thiểu số ở Tây Nguyên như một cuộc đi săn thú vật cũng được truyền tụng trong ngành công an.
  • Vô vàn các câu chuyện rùng rợn và mang hơi hướng khủng bố kiểu IS được lan truyền một cách bí mật.
  • Chưa hết, những người may mắn chạy thoát qua Campuchia, sau này cũng bị đuổi cùng giết tận. Trong giai đoạn ông Quang làm BT công an, đã có rất nhiều đợt Cam Bốt phải đẩy người Thượng ở Tây Nguyên về Việt Nam, dưới áp lực của nhà cầm quyền và đặc biệt là vai trò của ông Quang và BCA.
  • Những người ”may mắn” chạy được sang tới Thái Lan, thì đến tận hôm nay vẫn đang vạ vật trong trại tị nạn.
  • Năm 2003, với những “thành tích” ở Tây Nguyên, ông Quang được phong hàm Thiếu tướng khi mới 47 tuổi.
2. Trong giai đoạn ông Quang làm Bộ trưởng BCA:
  • Tháng 8/2011 ông Quang được cơ cấu nắm BCA và lên làm Bộ trưởng ngày 30/8/2011.
  • Giai đoạn 2011-2012 là thời kỳ biểu tình chống Trung Quốc đạt quy mô lớn nhất. Tuy nhiên, các cuộc đàn áp, khủng bố của công an đã làm cho các cuộc biểu tình chống Tàu dần bị triệt tiêu.
  • Với các thành tích chống người biểu tình phản đối Trung Quốc như vậy, ngày 5 tháng 12 năm 2011 năm 2011 ông Quang được ông Trương Tấn Sang phong hàm Thượng tướng.
  • Với kết quả mỹ mãn của việc đàn áp bằng vũ lực người dân chống Trung Quốc xâm chiếm bờ cõi. Với việc ông Quang “phát minh” ra trò an ninh, công an mặc thường phục, trà trộn vào đoàn biểu tình để đánh đập, gây rối và phá hoại tài sản cũng như phá hoại các cuộc biểu tình, lấy cớ cho công an dùng bạo lực một cách chính danh… Ông Quang được phong hàm đại tướng vào ngày 29 tháng 12 năm 2012. Với các chiêu trò dùng trong đàn áp Tây Nguyên, ông Quang đã vận dụng sáng tạo trong thời kỳ mới, và rất thành công trong việc triệt hạ lòng yêu nước, làn sóng chống Tàu xâm lược giai đoạn 2011-2012.
  • Giai đoạn ông Quang làm Bộ trưởng BCA cũng là thời kỳ mở đầu các cuộc đàn áp, bắt bớ, tống giam, kết án nặng nề những người đấu tranh dân chủ, các nhà bất đồng chính kiến. Hàng loạt các án chính trị được thực thi trong giai đoạn này. Sau khi ông Quang thôi giữ chức BT BCA, những di sản và các chiêu trò của ông Quang vẫn được các đàn em ở bộ này áp dụng rất triệt để. Chuyện đàn áp bất đồng chính kiến, bắt giam, bỏ tù với những bản án nặng nề dành cho người đấu tranh dân chủ đã diễn ra khốc hại hơn trước.
  • Các chiêu trò của ông Quang nghĩ ra như: an ninh công an mặc thường phục, kết hợp với côn đồ hoặc giả côn đồ để cướp bóc tài sản, hành hung, đánh đập tàn tệ người yêu nước, người đấu tranh… vẫn được đám đàn em của ông Quang áp dụng triệt để và thu được thành công mỹ mãn. (Chị Thúy Nga bị đánh gãy chân, tàn phế; nhà báo Phạm Đoan Trang bị đánh vỡ đầu gối, đứt dây chằng giờ vẫn chưa khỏi, anh Nguyễn Chí Tuyến bị đánh bầm dập, toác đầu, máu chảy lênh láng, anh Lã Việt Dũng bị đánh. Đặc biệt, trong giai đoạn bầu cử QH năm 2016, để đối phó với làn sóng người dân tự ứng cử, nằm ngoài dự tính của đảng, các lực lượng công an đã có sáng kiến là: Cho “quần chúng tự phát” là công an hoặc tay chân của công an vào các phòng lấy ý kiến nơi cư trú để phá, những người ủng hộ các ứng cử viên độc lập sẽ bị công an, an ninh chìm nổi chặn bên ngoài, thậm chí có cả đánh đập hắt mắm tôm từ lực lượng công an, an ninh…).
  • Thời kỳ ông Quang làm BT BCA cũng là thời kỳ mà công an là lực lượng “xung kích đi đầu” trong công cuộc cướp đất của dân cho các doanh nghiệp tư bản thân hữu, sân sau của quan chức. (Nổi bật là các vụ cướp đất ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, cướp đất của dân Dương Nội, cướp đất ở Văn Giang Hưng Yên…). Và hàng nghìn vụ cưỡng chế, cướp đất khác trên khắp cả nước đều luôn có công an đông nhung nhúc với xe cộ, với khiên giáp, súng đạn, dùi cui để đánh lui mọi sự van xin, phản kháng của dân oan.
  • Ông Quang cũng có thành tích nhiều nhất trong việc: 3 năm có 260 người chết trong đồn công an, khi tạm giam tạm giữ. Đó là chưa kể hàng trăm cái chết do công an truy đuổi gây tai nạn, do va tay trúng má, đưa chân cao, hay tự va đầu vào dùi cui… Đó là chưa kể những người bị đánh đập đến tàn phế trong đồn công an. Ông Quang cũng là người phát minh ra các ngôn ngữ riêng của ngành công an như: Tự tử bằng dây sạc điện thoại, treo cổ bằng dây giày, tự cầm dao rọc giấy cứu cổ tự tử, hay treo cổ tự tử trong tư thế ngồi. Các con số nạn nhân chết trong đồn công an, dưới thời ông Trần Đại Quang cao hơn con số được công bố nhiều lần.
  • BCA dưới bàn tay của ông Trần Đại Quang đã thể hiện “nghĩa tử là nghĩa tận” với nhiều đám tang của những người đấu tranh hoặc người thân của họ. (Điển hình là đám tang mẹ TNLT Phạm Thanh Nghiên; đám công an côn đồ giật băng tang trong đám tang mẹ anh Ba Sàm-Nguyễn Hữu Vinh; trong đám tang ông Lê Hiếu Đằng, công an, an ninh cũng lột và cướp giật các băng tang của các hội nhóm cá nhân đấu tranh; đám tang nhà văn Bùi Ngọc Tấn cũng bị giật; trong đám tang thầy giáo chống Boxit Tây Nguyên Đinh Đăng Định, công an côn đồ cũng cản trở người đến viếng, giặt băng tang, vứt vòng hoa). Xa hơn nữa trong quá khứ, công an, nhà cầm quyền cũng thể hiện cái nhân nghĩa đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận” trong đám tang tướng Trần Độ, hay đám tang cụ Hoàng Minh Chính, khi đọc điếu văn là các bản hoạch tội người đã mất dù họ hoàn toàn vô tội.
  • Chưa hết, thời kỳ ông Quang làm BT BCA, ông còn định đưa ra luật cấm dân quay phim chụp ảnh các lực lượng công an, nhằm giúp tay chân cấp dưới có thể ăn cướp dễ dàng hơn. Cũng thời kỳ này, ông Quang và bộ sậu công an còn đưa ra dự thảo luật cho phép công an mọi lúc mọi nơi có thể “trưng dụng” tài sản của dân như xe, điện thoại, máy quay phim.
3. Thời kỳ ông Quang đã leo lên ghế Chủ tịch nước:
  • Các chuyện về khai man tuổi, bằng giả, bằng tại chức không cần nói đến.
  • Các cuộc đấu đá, tranh giành trong nội bộ chóp bu đảng cộng sản cũng không có gì phải chửi ông Quang, dù dư luận cho rằng ông Quang phản chủ và quay lại cắn ông Nguyễn Tấn Dũng. Đó là đấu đá nội bộ, và nên khuyến khích những vụ quay lại pahnr thùng cắn nhau như thế.
  • Tuy nhiên câu chuyện thành tích, di sản của ông Quang chưa dừng lại ở đó. Dư luận xôn xao về vụ anh em ông Quang-Tỏ (trước là tướng công an, sau chuyển về bí thư Thái Nguyên) định ép doanh nghiệp để cuỗm mỏ Titan Núi Pháo, Thái Nguyên. Nhưng chuyện bất thành.
  • Các doanh nghiệp ở Ninh Bình cũng được hưởng lợi rất lớn từ ơn mưa móc (dĩ nhiên có ăn chia) của ông Quang. Các tập đoàn lớn ở Ninh Bình tự dưng vụt sáng rực trong thời kỳ ông Quang ở đỉnh cao quyền lực, và rồi xụi lơ theo tiền đồ chính trị của ông Quang, cũng đặt ra rất nhiều dấu hỏi cho cộng đồng.
  • Thành tích nổi bật nhất của ông Quang thời kỳ này có lẽ là các đàn em, tướng tá ở Bộ công an. Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh, Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân, Bùi Xuân Sơn… Và nổi bật hơn cả là “con nuôi” Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ nhôm. Vẫn biết, ông Quang bị đối thủ chặt chém tay chân, vây cánh nên mới lộ ra lô tướng tá công an toàn trùm tội phạm, rặt một lũ tướng cướp. Tuy nhiên, dù sao đó cũng là di sản - thành tích của ông Quang để lại.
  • Cũng không thể không nói đến Luật An ninh mạng, thứ mà ông Quang đã ấp ủ hoài bão, xây dựng ý tưởng từ khi còn là BT BCA và sau này khi lên làm CTN, ông đã thúc ép đàn em, tay chân nhanh chóng cóp py của luật của Trung Quốc để đem về bịt miệng dân. Chính ông Quang đã ký thông qua và ban hành luật này. Di sản luật ANM sẽ còn đeo bám dai dẳng dân Việt, mặc dù ông Quang đã xuống địa ngục.
Một bài viết ngắn, không thể nói đầy đủ và chi tiết về các chiến công, di sản, thành tích của ông Quang để lại cho dân, cho nước. Tôi cũng chỉ là người ngoại đạo với nghề viết, chỉ là thống kê những gì nhớ được, sưu tầm được về ông Quang. Mong cộng đồng lượng thứ về chất lượng bài này.
Dù các nhà đạo đức, các cây viết định hướng, bưng bô có lên án, miệt thị cỡ nào, tôi vẫn thấy vui vì cái chết của ông Quang. Dẫu biết niềm vui này chẳng thấm vào đâu so với những đau khổ, hệ lụy mà ông ta đã gây ra. Dẫu biết, ông ta chết sẽ có kẻ khác lên thế chỗ, nối ngôi và cũng đi theo guồng máy - con đường của ông ta. Dẫu biết, bộ máy độc tài Đảng trị sẽ không suy chuyển gì sau vài cái chết của tầng lớp chóp bu. Tuy nhiên, xin đừng tước đi niềm vui của tôi, của những người thấy vui, niềm vui của những người đã khóc thấu tận trời xanh vì những thành tích - di sản mà ông Quang trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra. Tôi cần vui để tạm quên đi tiếng khóc và tiếng nghiến răng kèn kẹt của những người tù oan, những người chết oan, những người bị đánh đập đàn áp tàn tệ, những người dân bị cướp đất dưới bàn tay bạo lực của công an.
Cuối cùng mặc kệ các nhà báo nhân văn, mặc kệ các nhà đạo đức học, mặc kệ các trí thức lưu manh, mặc kệ các cá nhân có đạo đức và tính nhân văn sáng ngời. Tôi vui và thoải mái vì có quốc tang nguyên thủ Quang. Cũng hơi buồn là ông ta chết quá nhẹ nhàng, chết khi chưa bị một tòa án thực thụ nào đó kết tội. Ông ta chết và được giải thoát quá dễ dàng. Tuy nhiên, tiếng nghiến răng của những cái chết oan sẽ theo ông Quang suốt đời. Chúc quý vị có những ngày nghỉ cuối tuần trong lễ quốc tang vui vẻ.
V.Q.N.
Nguồn: http://www.danchimviet.info/nhung-di-san-thanh-tich-cua-bo-truong-c-a-co-chu-tich-nuoc-tran-dai-quang/09/2018/11579/


CHẾT CHƯA PHẢI LÀ ĐÃ HẾT...
 
SONG CHI/songchi's blog/ BVN 25-9-2018

Quan chức cộng sản và nhân dân

Khi thông tin chính thức ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời lúc 10:05 phút ngày 21.09 được công bố, có lẽ chỉ trừ báo chí truyền thông nhà nước phải làm nhiệm vụ tuyên truyền, viết những bài “thương vay khóc mướn” về một trong “tứ trụ triều đình Hà Nội” vừa mới ra đi này, còn lại cả ngày hôm đó và hôm sau, trên mạng xã hội facebook chỉ tràn ngập những status biểu lộ sự vui mừng, hả hê, châm biếm, diễu cợt. Và ở ngoài đời, nhiều người Việt Nam kể rằng thái độ của dân chúng cũng rất thờ ơ, thậm chí có những người cũng không ngần ngại nói huỵch toẹt kiểu như “Mong sao cả đám quan chức ăn tàn phá hại chết hết cho rảnh”!!
Ông Trần Đại Quang không phải là trường hợp duy nhất bị người dân bày tỏ sự thờ ơ hay hả hê khi qua đời. Trước cái chết của một nhân viên công an/cảnh sát cho tới nhiều quan chức, lãnh đạo khác ở nước này, người dân đều có những phản ứng như vậy.
Khác với một số chế độ độc tài, quyền lực tập trung vào tay một nhân vật duy nhất, kể cả ở Nga hay Trung Cộng bây giờ, quyền lực của Putin hay Tập Cận Bình cũng hết sức lớn, ở VN quyền lực lẫn trách nhiệm chia cho “tứ trụ”, rộng hơn là 19 người trong Bộ Chính trị. Trong nhiều năm qua VN không có một khuôn mặt nào thật sự nổi trội và nắm hết mọi quyền lực trong tay, như thời Hồ Chí Minh hay Lê Duẩn. Thi thoảng, trong từng giai đoạn, một người nào đó khuynh loát được nội bộ, nắm được nhiều quyền lực hơn do phe cánh mạnh hơn, như ông Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một thời “làm mưa làm gió” và bây giờ, theo như nhiều người nhận xét, quyền lực đang nằm chủ yếu trong tay ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chính vì vậy, người dân không thật sự biết được ai có năng lực hơn ai, ai phải chịu trách nhiệm trực tiếp về từng chủ trương, chính sách hại dân hại nước nào. Mọi bức bối, phẫn nộ đành chia đều!
Nên có thể nói, bây giờ ai trong “tứ trụ” hay Bộ Chính trị hay các “Thái thượng hoàng” Lê Đức Anh, Đỗ Mười ra đi thì dân cũng phản ứng như nhau. Lòng dân đã quá chán ngán cái chế độ này.
Đừng bảo dân ác mồm ác miệng. Đừng bảo nghĩa tử là nghĩa tận v.v và v.v… Phải hỏi tại sao lãnh đạo chết mà dân lại mừng, lại hả hê? Vả lại đối với dân đen bây giờ, vũ khí duy nhất của họ chỉ là tiếng cười và sự châm biếm, khi nào họ không cười, không châm biếm nữa mà họ đùng đùng nổi giận, đứng lên xuống đường thì lúc đó mới là lúc cái chế độ này tắt thở!
Nhưng nói thật, với tất cả tội ác mà Đảng Cộng sản đã gây ra cho đất nước này, dân tộc này thì nhân vật nào còn được chết trên giường bệnh hay chết vì tuổi già là còn phúc! Sau này lại đến lúc những nhân vật còn sống phải ra tòa trả lời về những tội ác đã làm nữa kia! Còn những ai chết rồi cũng chưa xong đâu, mai mốt lịch sử sẽ ghi lại từng người, ai cam tâm làm lính đánh thuê cho ngoại bang, ai đẩy đất nước vào mấy cuộc chiến tranh rồ dại, ai bán nước, ai dâng đất cho Tàu… rành rành còn đó, sách sử nghìn đời ghi chép lại.

Quan chức, chính khách cộng sản đối với nhau

Ở VN, từ đời riêng cho tới tình trạng sức khỏe, lý do bệnh tật của các quan chức lãnh đạo cấp cao luôn luôn là một bí mật đối với dân chúng. Người dân chỉ được biết những gì mà nhà nước cho biết. Ngay cả ngày chết cũng nhiều khi bị ém lại chờ ý kiến, quyết định của Bộ Chính trị rồi mới công bố, như trường hợp ông Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Kiệt hay ông Nguyễn Bá Thanh… Nhưng từ khi có mạng internet, có báo chí “lề trái”, dù nhà nước đã ra sức bưng bít nhưng những thông tin rò rỉ, những câu chuyện “thâm cung bí sử” phía sau hậu trường chính trị, trong đó có cả chuyện sức khỏe, bệnh tật của các quan lớn cứ bị rò rỉ, lan truyền trên các trang mạng xã hội và trong dân chúng.
Như ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương từ năm 2012-2015, trước đó là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Chỉ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng từ năm 2003-2013, toàn bộ quá trình bệnh tật, lý do bệnh tật cho tới thực sự chết khi nào đều bị nhà nước này giấu diếm, quanh co. Trong lúc trên mạng xã hội những hình ảnh ông nằm trên giường bệnh điều trị ở nước ngoài với cái đầu cạo trọc, làn da xám ngoét, dấu hiệu của người đang xạ trị bệnh ung thư, hình ảnh chuyến bay từ Mỹ được cho là đưa ông về VN (nhưng không ai thấy mặt ông) cùng với những “tin đồn” về chuyện ông bị các đồng chí đầu độc bằng chất phóng xạ cứ lan truyền không kiểm soát nổi.
Thậm chí dân tình còn đồn rằng ông Nguyễn Bá Thanh đã bị bệnh viện Mỹ trả về vì không còn có thể cứu chữa được, nhưng báo chí nhà nước thì vẫn tiếp tục đưa tin ông về và đang điều trị tại Đà Nẵng, các quan chức vẫn vào thăm, ông còn nói “Tau khỏe mà, có chi mô”, nhưng cũng không có một hình ảnh nào của ông, kéo dài hàng tháng, trước khi nhà nước chính thức công bố ông Nguyễn Bá Thanh qua đời!
Trường hợp ông Trần Đại Quang cũng vậy. Từ năm ngoái dân tình đã đồn đãi về tình trạng sức khỏe của ông. Khi ông phải đi Nhật chữa bệnh lần 1, lần 2, nhà báo Huy Đức đã thông báo trên facebook của mình trong lúc báo chí nhà nước vẫn im lặng. Trong những ngày cuối đời, khi thần sắc ông đã rất kém, ông vẫn phải đóng tròn vai trò của mình là xuất hiện chỗ này chỗ kia, lịch làm việc dày đặc. Một ngày trước khi ông mất, ngày 20.9, nhà báo Huy Đức nhận xét trên facebook:
“Sức khỏe của Chủ tịch nước
Với hình ảnh của Chủ tịch nước xuất hiện trên VTV tối qua và diễn biến chiều nay (20-9-2018), tôi nghĩ, TTX nên bắt đầu phát đi những bản tin đầu tiên về sức khỏe cảu Đại tướng Trần Đại Quang. Lãnh đạo cũng không tránh khỏi quy luật sinh - lão - bệnh… Người dân có quyền được biết và ông cũng nên được đối xử như một con người, ốm thì phải được nghỉ ngơi chữa bệnh”.
Và hôm sau thì ông Trần Đại Quang qua đời. Có lẽ chuyện phải làm việc cho đến tận phút cuối cùng là một trong những lý do khiến ông phải đi sớm như tác giả Đinh Ngọc Thu viết trong bài “Vì sao Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời?” đăng trên trang Tiếng Dân.
Trong một chế độ dối trá, cả đến cái chết cũng phải được Đảng, được các đồng chí của mình cho phép. Đó là chưa nói nguyên nhân, lý do thực sự vì sao một số ông lại phải ra đi, có phải do bị các đồng chí của mình hãm hại trong cuộc tranh giành quyền lực như dân tình đồn đãi hay không. Chỉ khi nào có một thể chế minh bạch, được vận hành bởi luật pháp, cộng thêm sự giám sát của báo chí và tiếng nói của nhân dân thật sự có trọng lượng, thì lúc đó những cuộc tranh giành đấu đá hãm hại nhau trong bóng tối mới khó có cơ may xảy ra…

Cọp chết để da, người ta chết để tiếng

Nhớ lại gần đây khi Thượng nghị sĩ John McCain, ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2008, người từng bị giam cầm ở Hà Nội thời Chiến tranh Việt Nam, đã qua đời sau một thời gian dài điều trị chứng ung thư não ác tính, không chỉ người Mỹ, mà rất nhiều lãnh đạo, chính khách trên thế giới đã bày tỏ niềm thương tiếc, kính trọng. Đặc biệt nhiều người Việt đang sống tại VN, tại Mỹ và nhiều nơi khác cũng bày tỏ sự thương tiếc khi ông qua đời, vì những nỗ lực của ông trong quá trình gác bỏ hận thù, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, cũng như chương trình HO mà ông là tác giả, đã giúp đưa hơn 500 000 sĩ quan quân lực VNCH và thân nhân của họ được định cư trên đất Mỹ.
Còn đối với người dân Mỹ, ông không chỉ là một anh hùng chiến tranh mà còn là một con người yêu nước thực sự, đã cống hiến cả cuộc đời để bảo vệ những giá trị của nước Mỹ, dù trên chiến trường hay trong lòng nước Mỹ. Một chính khách trung thực, có lương tri, có đạo đức, luôn luôn đặt lợi ích của quốc gia lên trên đảng phái, sẵn sàng lên tiếng bào vệ đối thủ chính trị hay chỉ trích những việc làm, sai trái của Tổng thống đương nhiệm cho dù là người cùng Đảng Cộng hòa. Nói về ông, người ta nói về một nhân cách lớn, một con người quân tử, chính trực, một người yêu nước. Những tính từ đẹp nhất để nói về một con người-một quân nhân và một chính khách.
Không biết khi thấy những phản ứng đối nghịch rất rõ của người VN dành cho một “cựu thù” và cho một quan chức lãnh đạo của chính nước mình như vậy, những con người đang ngồi trên những vị trí cao nhất của Đảng và Nhà nước cộng sản VN có suy nghĩ gì hay không?
Có lẽ họ cũng biết, nhưng họ vẫn chọn con đường coi như không thấy không biết, một phần vì vẫn còn quá ảo tưởng vào sức mạnh của chế độ, tưởng như chế độ này cứ thế tồn tại mãi nhờ vào bạo lực và sự sợ hãi, một phần do không ai trong số họ đủ tâm, đủ tầm, đủ sức để làm bất cứ một sự thay đổi nào. Họ sợ hãi mọi sự thay đổi. Họ chọn lựa cách dễ dàng là bảo vệ đến cùng những gì đang có.
Cũng như từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước cộng sản luôn luôn lựa chọn con đường dễ dàng nhất, có lợi nhất cho mình, bất chấp lợi ích của đất nước, dân tộc, bất chấp những xoay chuyển của thời cuộc khách quan, dòng chảy của lịch sử… Hậu quả là cả đất nước này, dân tộc này phải đi trên con đường khó khăn nhất, chậm chạp nhất và tổn thất nhất để giành lại Tự do, Dân chủ, Hạnh phúc.
Nhưng hậu quả ấy còn đến với chính Đảng và Nhà nước cộng sản khi chọn lựa đàn áp nhân dân để bảo vệ chế độ đến cùng thay vì tự thức tỉnh và thay đổi, đó là chính họ đã đóng cửa con đường quay về trong hòa bình với nhân dân. Bạo lực, thù hận do đó khó mà tránh khỏi.
S.C.
Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/4708

CỐ CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG: THÂN VỚI MỸ VÀ CỨNG RẮN VỚI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN?
 
ÁNH LIÊN/VNTB/ BVN 25-9-2018
 

Cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang được chia sẻ với nhiều nhận định khác nhau, từ một người chủ trương đàn áp bất đồng chính kiến, cho đến một người có xu hướng gần gũi với Mỹ.

Đàn áp bất đồng chính kiến

Chính phủ Việt Nam thời gian gần đây tìm cách tăng áp lực lên các nhà bất đồng chính kiến sau khi ông Quang trở thành Chủ tịch nước. Công an đã đẩy mạnh các cuộc đàn áp trên các blogger và các nhà phê bình Facebook từ năm 2016. đã triển khai 10.000 thành viên của một đơn vị chiến tranh mạng để chống lại những gì được coi là mối đe dọa ngày càng tăng gắn với ‘quan điểm sai lầm’ tăng nhanh trên Internet.

Còn theo trang NEWS của Úc châu cho hay, trong thời gian ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, cuộc đàn áp người bất đồng chính kiến lớn đã diễn ra với hơn 40 người bị tù giam và hơn 100 người bị đánh đập, bắt giữ kể từ tháng 4.2018, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế.

image

Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Minh Hoang/AFP

Trang NYT chỉ rõ, chính Quang, một cựu Bộ trưởng Bộ công an đã chủ trì cuộc đàn áp tự do ngôn luận. Bản thân ông Chủ tịch nước cũng từng gánh chịu nhiều chỉ trích khi ông ủng hộ việc thông qua dự luật Luật an ninh mạng vào tháng Sáu, trong đó yêu cầu Facebook và các công ty công nghệ khác mở văn phòng tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu người dùng ‘quan trọng’ trên các máy chủ nội bộ. Các nhóm nhân quyền nói rằng một động thái như vậy sẽ mở đường cho phép chính phủ gia tăng mạnh đàn áp lên các nhà bất đồng chính kiến.

Một người ủng hộ sự gần gũi với Mỹ

Trong mối quan hệ giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và ông Trần Đại Quang, dường như không thực sự tốt đẹp. Vào năm 2015, khi ông Trọng trở thành người đầu tiên trong vai trò Tổng Bí thư ĐCSVN đến thăm Nhà Trắng, nhưng ông Trọng vẫn được xem là một người ủng hộ mối quan hệ thân thiết với đồng minh tư tưởng - Trung Quốc. Trong khi đó, dưới góc nhìn của cây viết John Boudreau (Bloomberg), ông Trần Đại Quang được đánh giá như một người ‘ưa sự gần gũi với Mỹ’. Cụ thể, ông Quang là người ủng hộ phát triển khu vực tư nhân và phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ.

‘Ông là Chủ tịch nước (Việt Nam) đầu tiên gặp gỡ chúng tôi, phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Mỹ - Việt,’ Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội cho biết.

‘Ông là một tín đồ trong khu vực tư nhân và trong cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam’.

Dù vậy, ông Sitkoff cho biết, cái chết của ông Quang sẽ không làm thay đổi chính sách kinh tế của Chính phủ Việt Nam. Và trong chuyến thăm New York sắp tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ thay thế ông Quang, Sitkoff nói. ‘Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã lên kế hoạch ăn tối với ông Trần Đại Quang trước đó’.

Những rắc rối về nội bộ Đảng

Trong vấn đề giữ chức vụ, Ông Quang là một trong hai quan chức cấp cao của ĐCSVN từng được cho là sẽ tiến tới nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư nếu ông Trọng, 74 tuổi, về hưu trước khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, chuyên gia Việt Nam Carl Thayer đã viết vào tháng Giêng.

Tuy nhiên, ông Thayer nói thêm, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nguyên là sếp của một công ty con thuộc sở hữu nhà nước, đã gây ra ‘sự bối rối chính trị lớn’ đối với ông Quang, đe dọa cơ hội trở thành người đứng đầu ĐCSVN.

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề chống tham nhũng, kể từ năm 2016, các quan chức Đảng đã sử dụng Bộ công an để tăng cường cuộc thanh trừng chống tham nhũng nhằm chống lại một số ‘đồng chí’ của mình. Một số nhà phân tích chính trị cho rằng, chiến dịch này cho thấy sự cạnh tranh phe phái trong nội bộ Đảng, hơn là nhằm làm sạch tham nhũng trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Cái chết có tạo nên tác động?

Cái chết của ông không có khả năng làm rung chuyển chính trị ở trạng thái độc đảng như Việt Nam, một quốc gia tự hào về sự lãnh đạo ổn định, dựa trên sự đồng thuận.

‘Nó sẽ không dẫn đến bất kỳ xáo động nào trong lãnh đạo hoặc bất kỳ căng thẳng nào,’ chuyên gia Việt Nam Carl Thayer nói với AFP thứ Sáu.

Dù vậy, không phải ai cũng đồng ý với quan điểm nêu trên, bà Lê Thu Hương, chuyên gia về an ninh châu Á tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, Canberra chia sẻ, cái chết của ông Quang sẽ để lại một khoảng trống trong Bộ Chính trị, và sự lựa chọn nào cũng có thể ảnh hưởng đến phe Đảng nào chiếm ưu thế - ông Trọng hay của các đối thủ chính trị của ông. Dường như cùng quan điểm với bà Lê thu Hương, ông Lê Hồng Điệp (Tổng biên tập trang Nghiên cứu quốc tế) nhận định trong một bài viết, mặc dù vị trí mang tính lễ nghi, nhưng lựa chọn ai ngồi vào ghế Chủ tịch nước cũng đem lại những tác động quan trọng với hệ thống.

‘Trong trường hợp Đảng chọn ông Vượng,thì có một khả năng là ông Vượng sẽ nắm giữ cả hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng Bí thư sau Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2021’, ông Lê Hồng Điệp cho hay.

A.L.

VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét