Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

20180910. PHẢN ỨNG SAU KẾT LUẬN THANH TRA CHÍNH PHỦ VỀ VỤ THỦ THIÊM

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGƯỜI DÂN THỦ THIÊM KHÓC, THỨC TRẮNG ĐÊM SAU KẾT LUẬN THANH TRA CHÍNH PHỦ
VIẾT DŨNG/ SOHA 8-9-2018


Người dân Thủ Thiêm khóc, thức trắng đêm sau kết luận của Thanh tra Chính phủ
Ông Lê Văn Lung.

Người dân Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) đã thức trắng đêm chờ trời sáng mua báo đọc khi hay tin Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận kiểm tra một số nội dung về việc khiếu nại của công dân.

Sáng 8/9, hàng chục người dân Thủ Thiêm đã dậy rất sớm, đi mua báo rồi tụ tập tại một quán nước trò chuyện sôi nổi xoay quanh kết luận Thanh tra Chính phủ về một số nội dung liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Hoàng Thăng Long (người dân Thủ Thiêm) cho biết, từ khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ ông ngồi đứng không yên, mong trời sáng để mua báo, gặp bà con để tiếp tục chia sẻ, bàn bạc.
"Tôi rất vui khi đọc được thông tin kết quả của thanh tra về Thủ Thiêm. Tối qua, nhiều người dân đã gọi thoại điện động viên nhau, nghẹn ngào, thậm chí là khóc.
Cả gia đình tôi đã nghĩ đến viễn cảnh, cơ quan chức năng sẽ giúp những người dân Thủ Thiêm giải quyết khiếu nại, đưa lại cuộc sống bình yên.
Các kết luận của Thanh tra thì tôi chưa hài lòng lắm nên chúng tôi và người dân sẽ tiếp tục kiến nghị để mọi chuyện rõ tàng", ông Long bày tỏ.

Người dân Thủ Thiêm khóc, thức trắng đêm sau kết luận của Thanh tra Chính phủ - Ảnh 1.
Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong khi đó, ông Lê Văn Lung (đường Trần Não, quận 2, đại diện cho 71 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án) tỏ ra vui mừng khi Thanh tra Chính phủ đưa ra kết luận.
"Từ hôm qua đến giờ tôi nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của người dân Thủ Thiêm sau khi biết được kết luận của Thanh tra Chính Phủ. Nhiều người tỏ ra vui mừng vì Thanh tra đã làm việc, giải quyết khiếu nại của bà con hàng chục năm nay.
Tôi cũng không ngủ được vì phải đối chiếu hồ sơ pháp lý có trong tay với kết luận của Thanh tra Chính phủ. Được người dân tin tưởng nên tôi sẽ cố gắng hết sức nghiên cứu để đòi lại quyền lợi hợp pháp của người dân Thủ Thiêm", ông Lung nói.
Theo ông Lung, kết luận của Thanh tra Chính có một số thông tin chưa đầy đủ về quy hoạch. Tuy nhiên đó chỉ mới là báo cáo thanh tra, để có hiệu lực thì phải trình cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng ý.
"Thanh tra Chính Phủ khi thanh tra chưa gặp người dân dẫn đến có những kết luận chưa đúng, chưa đủ. Chúng tôi đã chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu pháp lý để tiếp tục trình lên cơ quan chức năng. Đất của chúng tôi phải thuộc về chúng tôi", ông Lung chia sẻ.
Ông Lung nói những đơn vị, cơ quan chức năng, cá nhân làm có liên quan đến sai phạm về quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đề nghị xử lý nghiêm.

Người dân Thủ Thiêm khóc, thức trắng đêm sau kết luận của Thanh tra Chính phủ - Ảnh 3.
Ông Lung chia sẻ với PV.
Trước đó, ngày 7/9, Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM.
Theo đó, kết luận xác định 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2, nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư với phần diện tích 4,3 ha này là chưa đủ cơ sở pháp lý.
Về khu tái định cư 160 ha, Thanh tra Chính phủ cho rằng UBND TP đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất. Hậu quả là không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch, dẫn đến việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ do khiếu kiện kéo dài.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM xác định rõ, cụ thể về trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm. Đồng thời, rà soát từng trường hợp cụ thể để có cách giải quyết phù hợp.

BÀ CON THỦ THIÊM NÓI GÌ SAU KHI  THANH TRA CHỈ RA SAI PHẠM CỦA UBNDTP ?

HOÀI THANH/ ZING.VN 8-9-2018

Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM.
Cụ thể, kết luận xác định 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2, nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư với phần diện tích 4,3 ha này là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Ba con Thu Thiem noi gi sau khi thanh tra chi ra sai pham cua UBND TP? hinh anh 1
Người dân Thủ Thiêm tại cuộc đối thoại với chính quyền TP.HCM . Ảnh: Tùng Tin.
Về khu tái định cư 160 ha, Thanh tra Chính phủ cho rằng UBND TP đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất. Hậu quả là không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch, dẫn đến việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ do khiếu kiện kéo dài.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM xác định rõ, cụ thể về trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm. Đồng thời, rà soát từng trường hợp cụ thể để có cách giải quyết phù hợp.
Sau 20 năm ròng khiếu kiện, người dân Thủ Thiêm nói gì sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra những sai phạm của UBND TP.HCM trong quá trình quy hoạch khu đô thị mới này?

Buồn vui đan xen

Ngay sau khi đọc được kết luận thanh tra, ông Lê Văn Lung, hộ dân nằm trong khu 4,3 ha ở Khu phố 1, phường Bình An, tỏ ra vui mừng. Với kết luận này, ông tin tưởng mình sẽ thắng trong phiên tòa ngày 19/9 sắp tới, xét xử vụ khiếu kiện về quyết định hành chính của UBND quận 2, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND quận 2 và bồi thường thiệt hại do ban hành quyết định trái luật.
“Căn cứ pháp lý tôi nắm rõ, cộng thêm kết luận này của Thanh tra Chính phủ nữa thì chứng minh đất, nhà tôi ở đường Trần Não không bị thu hồi vì nằm ngoài ranh quy hoạch”.
Sau khi nói về phần mình, ông Lung bỗng trầm xuống, tâm tư: "Ngoài 9 hộ dân có đất trong khu 4,3 ha mà kết luận thanh tra đã chỉ rõ là chính quyền TP làm sai, đất của hơn 100 hộ còn lại cũng ở khu phố 1, phường Bình An, không nằm trong khu 4,3 ha chưa được nhắc tới".
Ông Lung cho rằng căn cứ vào bản đồ quy hoạch thì cả khu phố 1, phường Bình An, nằm ngoài ranh chứ không riêng gì khu 4,3 ha, nhưng kết luận thanh tra chưa chỉ rõ.
“Tôi mong rằng hơn 100 hộ dân còn lại có thể được bố trí khu ở tái định cư mới. Khiếu kiện kéo dài cũng chỉ vì những sai phạm này”, ông nói.

Ba con Thu Thiem noi gi sau khi thanh tra chi ra sai pham cua UBND TP? hinh anh 2
Bà Lê Thị The. Ảnh: Trương Khởi.
Chiều tối qua, bà Lê Thị The (75 tuổi) nhận được điện thoại từ một người xưng ở Ban Tiếp công dân Trung ương, thông báo đã có kết luận về Thủ Thiêm, nhắn bà đọc. "Tui đọc kết luận mà buồn thêm chớ không mừng chút nào. Đất mình nằm ngoài ranh nhưng tại sao kết luận chỉ đề cập đến khu 4,3 ha", bà The rầu rĩ.
Bà The là hộ ở Khu phố 1, phường Bình An, có đất bị thu hồi không nằm trong khu 4,3 ha. "Đất ngoài ranh quy hoạch là từ dưới cầu Thủ Thiêm tới đường Trần Não, nhiều lắm chứ không chỉ có khu 4,3 ha. Còn một số bà con ở phường An Khánh, Bình Khánh không nằm trong quy hoạch, thu hồi là sai pháp luật nhưng không thấy kết luận thanh tra đề cập đến?", bà The thở dài.
"Chắc tui lại ra Hà Nội nữa. Nghĩ đến việc cứ đi đi lại lại miết, hết đời người rồi cũng không biết có đòi lại được gì cho con cháu không", người đàn bà 75 tuổi cười nhạt.

Hy vọng niềm tin được đáp lại

Là một trong số hộ nằm trong khu 4,3 ha, đại tá quân đội Hồng Minh Hải (69 tuổi) hoang mang khi đọc kết luận của Thanh tra Chính phủ: "Kết luận vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng. Mừng thì có mừng nhưng tôi vẫn lo, vì thực sự vẫn chưa biết điều này là thật hay ảo. Tôi chỉ hy vọng niềm tin của mình được đáp lại".
Ông Hải cũng chính là người mà Bí thư Nguyễn Thiện Nhân ghé đến thăm hỏi trước buổi đối thoại cử tri quận 2 hôm 20/6. Ông từng xúc động kể lại lời Bí thư nói với mình: “Gia đình anh là sĩ quan quân đội mà để anh phải ở nhà này, tôi thấy hổ thẹn quá”.

Ba con Thu Thiem noi gi sau khi thanh tra chi ra sai pham cua UBND TP? hinh anh 3
Ông Trần Kim Long, một người dân Thủ Thiêm khóc tức tưởi vì đất bị thu hồi. Ảnh: Tùng Tin.
Còn ông Lung nói kết luận này chỉ mới là của Thanh tra Chính phủ, còn phải chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, điều mà bản thân ông Lung, ông Hải, bà The và nhiều bà con Thủ Thiêm mong chờ là phương án giải quyết, bồi thường đối với những sai phạm này và sự nghiêm minh trong việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương, xử lý những cá nhân, tổ chức sai đã làm sai.
"Khi xác định nằm ngoài ranh thì phải làm sao hỗ trợ tái định cư. Thừa nhận sai thì những cá nhân, tổ chức làm sai phải bồi thường thiệt hại và bị kỷ luật. Việc bồi thường này phải xác định là cho hành vi làm sai chứ không phải bồi thường hỗ trợ tái định cư. Vì những hộ dân như tôi không phải là đối tượng chịu ảnh hưởng trong dự án", ông Lung nói.
Bà con hy vọng sau khi Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra việc thu hồi đất của người dân là trái pháp luật thì cần trả lại đất, nhà cho người dân. Giá trị nhà, đất bao nhiêu thì trả lại cho họ bấy nhiêu, không phải trả lại đúng chỗ cũ nhưng phải bù lại đủ và đúng giá trị.

BỊ QUY LÀM SAI VỤ THỦ THIÊM, NGUYÊN KIẾN TRÚC SƯ TRƯỞNG TP.HCM LÊN TIẾNG

THẠCH QUÝ/VNN 8-9-2018

 - Kiến trúc sư trưởng TP.HCM được cho là phê duyệt quy hoạch trái thẩm quyền, khi chưa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh tăng, giảm diện tích quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm
Sáng nay, nhiều người dân Thủ Thiêm gặp nhau nói chuyện về kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án khu đô thị Thủ Thiêm.
Ông Lê Văn Lung, người đại diện cho 9 hộ dân khu phố 1, phường Bình An, quận 2 chia sẻ, kết luận thanh tra đã chỉ ra các sai phạm ở dự án Thủ Thiêm, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa đồng ý ở một số nội dung.
Theo ông, kết luận của Thanh tra Chính phủ về 4,3ha ở khu phố 1, phường Bình An, quận 2 không nằm trong ranh quy hoạch theo quyết định của Thủ tướng thì những hộ dân này phải được hưởng quyền lợi về bồi thường, giải phóng mặt bằng theo luật Đất đai năm 2003, chứ không phải bồi thường theo luật Đất đai năm 1998 mà trước đó Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thực thi.

Bị quy làm sai vụ Thủ Thiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM lên tiếng
Ông Lê Văn Lung chỉ ra 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm
“Nếu đã nói nằm ngoài ranh thì phải bồi thường cho người dân theo giá thị trường, vì chính quyền TP sai chứ không phải người dân sai” - ông Lung nhận định.
Ông Lung cũng nói thêm trong tay người dân có nhiều tài liệu chứng minh không chỉ có 4,3 ha mà còn rất nhiều diện tích với hàng nghìn hộ dân của 3 phường giáp ranh cũng nằm ngoài ranh giới thu hồi và đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét lại vấn đề này.
Nhiều người dân Thủ Thiêm cho biết sẽ tiếp tục đi tới cùng sự việc.
Trong khi đó, luật sư Hà Huy Sơn - người đại diện cho một số hộ dân khiếu nại, kiến nghị về quyền lợi của họ lên UBND TP.HCM nói rằng, kết luận thanh tra mới chỉ ra được cái 4,3 ha thu hồi là ngoài ranh giới của quy hoạch, còn những vấn đề như quy hoạch chưa đúng thẩm quyền, cơ sở thực hiện quy hoạch thế nào lại chưa được nhắc tới.
"Kết luận chưa giải quyết tận gốc những sai phạm của dự án Thủ Thiêm, chưa chỉ ra người chịu trách nhiệm sai phạm, chưa nêu ra được biện pháp khắc phục những trường hợp người dân bị thu hồi, giải tỏa không đúng theo quyết định của Thủ tướng" – luật sư Sơn nhận định.
Ông cũng thắc mắc, việc kiến nghị, khiếu nại từ xưa tới nay của người dân bị chính quyền TP bác bỏ thì tới nay, không biết có công khai xin lỗi người dân hay không.
"Chủ tịch UBND TP ủy quyền ký"
Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ có nói vào năm 1998, Kiến trúc sư trưởng TP phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó bổ sung vào quy hoạch khoảng 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM. Kiến trúc sư trưởng TP đã phê duyệt quy hoạch trái thẩm quyền, khi chưa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh tăng, giảm diện tích.
Trao đổi với VietNamNet, Kiến trúc sư trưởng TP lúc ấy là ông Lê Văn Năm nói đang ở Đồng Tháp và chỉ biết kết luận của Thanh tra Chính phủ thông qua báo chí.

Bị quy làm sai vụ Thủ Thiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM lên tiếng
Ông Lê Văn Năm (đứng). Ảnh: ĐH Xã hội và nhân văn TP.HCM
Ông cho biết đã nghỉ hưu hơn 20 năm nên sẽ phải liên hệ với Sở Quy hoạch Kiến trúc để rà soát lại các vấn đề. Tuy nhiên, ông chắc chắn 1 điều là các giấy tờ ông ký liên quan tới dự án khu đô thị Thủ Thiêm đều được lãnh đạo TP khi ấy ủy quyền.
"Tôi trình quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm và lãnh đạo TP giao lại cho tôi ký. Các văn bản về Thủ Thiêm có nhiều ban ngành cùng xem xét, chứ không phải riêng mình tôi" - ông Năm khẳng định.
"Thanh tra Chính phủ nói trái thẩm quyền, nhưng theo tôi cảm nhận là không trái. Vì cái này Chủ tịch UBND TP giao cho tôi ký" - nguyên Kiến trúc sư trưởng TP cho biết thêm.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
SAI PHẠM THỦ THIÊM: CẦN KHỞI TỐ VỤ ÁN THEO ĐIỀU 229 BỘ LUẬT HÌNH SỰ

TRẦN THÀNH, THẢO VY / BVN 10-9-2018

Nếu căn cứ vào Bộ Luật Hình sự 2015, Điều 229. “Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, đã có thể khởi tố vụ án hình sự trong sai phạm về quy hoạch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.


https://2.bp.blogspot.com/-9MfUXLHmG44/W5OaFTJDw9I/AAAAAAAABGM/AZ0EE7dere8kDUiWarjQ_baFjaLj7FrTQCLcBGAs/s640/Tin.JPG
Ảnh minh họa.
Chiều ngày 7/9, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM).

Những sai phạm được điểm danh (trích)

Kết quả kiểm tra cho thấy:
- Các văn bản trên (như: tờ trình, văn bản thẩm định của UBND Thành phố, Bộ Xây dựng và Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ) nêu không đầy đủ, cụ thể về ranh giới, vị trí quy hoạch, nhất là “các hồ sơ kèm theo” theo quy định tại Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994, Thông tư số 25/BXD-KTQH ngày 22/8/1995 và Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28/12/1993 như: toàn bộ phần bản vẽ gồm sơ đồ hiện trạng; các loại bản đồ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hạ tầng, điện, nước, môi trường và các loại văn bản thuyết minh, thỏa thuận...
Dẫn đến, qua thời gian dài cùng với công tác lưu trữ không tốt của các cơ quan liên quan (Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ…), UBND Thành phố và các sở, ngành không cung cấp đầy đủ được các hồ sơ, tài liệu chính thức kèm theo Quyết định số 367/TTg, nhất là các bản đồ quy hoạch 1/5000.
- Kiểm tra tại Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố chỉ cung cấp được 02 loại bản đồ quy hoạch 1/5000 gồm:
(1) Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng 1/5000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm ghi ngày 12/6/1995 có đóng dấu của các đơn vị liên quan (Công ty Dịch vụ phát triển Đô thị - UDESCO là đơn vị lập, Sở Xây dựng và Kiến trúc sư trưởng Thành phố cho thấy: có một số lô đất, trong đó có phần diện tích khoảng 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An chỉ thể hiện ở bước nghiên cứu, đề xuất quy hoạch; trên bản đồ quy hoạch không thể hiện các chỉ tiêu kiến trúc, quy hoạch (số lô, diện tích, hệ số sử dụng đất…) là không đúng so với quy định tại Quyết định số 322/QĐ-BXD ngày 28/12/1993 của Bộ Xây dựng quy định về việc lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị.
(2) Bản đồ quy hoạch sử dụng đất (từ 5 đến 10 năm) với tỷ lệ 1/5000 lập ngày 20/11/1995 có đóng dấu của các đơn vị liên quan như nêu trên, nhưng không xác định một phần Khu phố 1, phường Bình An thuộc phạm vi lập quy hoạch.
Như vậy, phần diện tích khoảng 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An không có trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phần lõi với diện tích 770 ha) được phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, nội dung này cũng được Thanh tra Thành phố thực hiện thanh tra năm 2008 và đã có Kết luận, theo đó, UBND Thành phố đã xác nhận, báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 484/UBND-ĐTMT ngày 07/9/2009.
+ Về quy hoạch chi tiết 1/2000
Căn cứ Văn bản số 2704/CV-UB- QLĐT của UBND Thành phố về việc giao nhiệm vụ phê duyệt quy hoạch 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngày 16/9/1998, Kiến trúc sư Trưởng Thành phố có Quyết định số 13585/KTST-QH phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích Khu đô thị mới là 748 ha (gồm: 618 ha đất và 130 ha mặt nước sông Sài Gòn) có vị trí phía bắc, phía nam, phía tây giáp sông Sài Gòn, phía đông giáp phần còn lại của phường An Khánh.
Kết quả kiểm tra cho thấy:
- Theo quy định tại Nghị định số 91/NĐ-CP ngày 17/8/1994, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 1/2000 đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc UBND Thành phố, nhưng UBND Thành phố đã giao cho Kiến trúc sư trưởng phê duyệt, trong đó,giảm khoảng 26,3 ha (có bao gồm 03 ha mặt nước) so với Quyết định số 367/TTg, nguyên nhân là do: đã giao đất cho 05 doanh nghiệp đầu tư dự án kinh doanh nhà ở, khu vui chơi, giải trí, thương mại với tổng diện tích 23,3 ha thuộc phường Bình An, Quận 2 trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và bổ sung vào trong ranh quy hoạch khoảng 4,3 ha thuộc một phần khu phố 1, phường Bình An hiện nay.
Việc làm này của Kiến trúc sư trưởng Thành phố là không đúng thẩm quyền khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh tăng, giảm diện tích, theo đó, ranh quy hoạch Khu đô thị mới đã thay đổi về phía bắc thuộc Khu phố 1, phường Bình An tăng 4,3 ha, giảm 26,3 ha, vi phạm quy định tại Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ.
- Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16/9/1998 của Kiến trúc sư trưởng Thành phố, trong đó, ghi vị trí giới hạn không đúng so với bản đồ và thực địa, cụ thể: quyết định nêu “Phía Bắc giáp sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh) và xa lộ Hà Nội; phía Nam giáp sông Sài Gòn (quận 7); phía Đông giáp phần còn lại phường An Khánh, Quận 2: phía Tây giáp sông Sài Gòn (trung tâm quận 1)”.
Nhưng theo bản đồ và thực tế đúng phải là: “Phía Bắc giáp sông Sài Gòn (Quận Bình Thạnh) và một phần phường An Khánh, Bình An, Quận 2; Phía Nam giáp sông Sài Gòn (Quận 7); Phía Đông giáp phần còn lại của phường Bình Khánh, Quận 2; Phía Tây giáp sông Sài Gòn (Quận 1)”. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến người dân khiếu nại về ranh quy hoạch và đền bù, giải phóng mặt bằng.
- Trước đó, ngày 15/01/1998, UBND Thành phố đã có Quyết định số 255/QĐ-UB-QLĐT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các khu vực không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Quận 2, trong đó quy định 06 khu vực được quy hoạch không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước (gồm: Khu trung tâm thành phố mới; Khu quy hoạch An phú – An Khánh; Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc; Ga Thủ Thiêm; Khu công nghiệp Cát Lái và Khu biệt thự Thảo Điền – An Phú), nhưng không xác định cụ thể quy mô diện tích của từng khu vực. Theo đó, người dân đã cho rằng Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 không có trong quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phát sịnh khiếu nại.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 91/NĐ-CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ, Quyết định số 255/QĐ-UB-QLĐT không phải là căn cứ xác định ranh quy hoạch, thu hồi và giao đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
+ Về thu hồi đất
Ngày 04/01/2002, UBND Thành phố có Văn bản số 70/UB-TH đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo Quyết định số 367/TTg là 930 ha, trong đó, khu đô thị mới 770 ha đất và khu tái định cư 160 ha, nhưng không xác định ranh giới, vị trí khu tái định cư.
Ngày 22/02/2002, căn cứ văn bản nêu trên của UBND Thành phố, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 190/CP-NN cho phép UBND Thành phố căn cứ Quyết định số 367/TTg thu hồi 930 ha đất gồm: 770 ha đất để xây dựng khu đô thị mới và 160 ha khu tái định cư nằm ở vị trí thuộc 05 phường An Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh và Thủ Thiêm.
Căn cứ Quyết định số 367/TTg và Văn bản số 190/CP-NN của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đã có Quyết định số 1997/QĐ-UB ngày 10/5/2002 về việc thu hồi và giao đất xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó: thu hồi 621,4 ha đất nằm trong quy hoạch tại các phường An Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh và Thủ Thiêm thuộc Quận 2 và giao cho Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm tổ chức bồi thường và quản lý đầu tư xây dựng.
Qua kiểm tra cho thấy:
UBND Thành phố căn cứ vào Quyết định số 367/TTg và Văn bản số 190/CP-NN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thu hồi 4,3 ha đất thuộc khu phố 1, phường Bình An để thực hiện một số dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là chưa đủ cơ sở pháp lý, dẫn đến, thiếu căn cứ thực hiện, không xác định đúng, đủ diện tích đất phục vụ tái định cư theo quy hoạch, cần rà soát và có giải pháp giải quyết phù hợp.

Cần khởi tố vụ án theo Điều 229, Bộ Luật Hình sự

Nội dung về điều luật hình sự này có nội dung như sau:
“1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2);
b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;
c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Đất trồng lúa có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 70.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 40.000 mét vuông (m2) đến dưới 80.000 mét vuông (m2); c) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 15.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp; d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Đất trồng lúa có diện tích 70.000 mét vuông (m2) trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000 mét vuông (m2) trở lên;
b) Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền 7.000.000.000 đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 15.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Tuy nhiên trong phần “Kiến nghị xử lý”, bản kết luận kiểm tra nói trên chỉ đưa ra đề xuất là xem xét xử lý hành chánh, không thấy đề cập đến các dấu hiệu sai phạm vốn phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật hình sự.
Giơ cao đánh khẽ là vậy!.
T.T. – T.V.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét