Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

20180922. BÌNH LUẬN VỀ CÁC VỊ QUAN 'DÁM MỞ MIỆNG' VÀ 'QUÁ NHÂN VĂN'

ĐIỂM BÁO MẠNG
ÔNG QUÝ PHÓ CHỦ TỊCH NHÂN VĂN QUÁ, NHÂN VĂN KHÔNG CHỊU NỔI !

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 20-9-2018

Thăm người bị bệnh phải điều trị tại bệnh viện vốn là đạo nghĩa của người Việt.
Trong chiến tranh, tù binh bị thương vẫn được các y, bác sĩ cứu chữa tại các cơ sở y tế dù đó là kẻ đã ném bom, rải chất độc màu da cam phá hoại trường học, bệnh viện, giết hại đồng đội và đồng bào mình.
Vậy vì sao việc ông Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội thăm bệnh nhân sau vụ việc tại Lễ hội âm nhạc được tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây khiến 7 người chết và một số phải cấp cứu tại bệnh viện lại khiến dư luận có nhiều ý kiến không đồng tình?

Hình ảnh cô gái sốc ma tuý phải cấp cứu nhận phong bì từ tay lãnh đạo Thành phố Hà Nội gây nhiều tranh cãi, bức xúc (ảnh chụp màn hình Vov.vn)
Còn nhớ vụ Uỷ ban Nhân dân huyện Thanh Oai, Hà Nội quyết định từ 1/9/2018 chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 400 giáo viên trên địa bàn huyện.
Báo chí có hàng loạt bài phản ánh, đài truyền hình quốc gia trong mục chuyen-dong-24h đã phát clip về chuyện này nhưng người dân không thấy các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin lãnh đạo thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho những người mất việc.

Cô giáo rơm rớm nước mắt vì mất việc (ảnh cắt từ clip của vtv.vn)
Giữa những cô giáo đã có trên dưới 20 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người bỗng mất cả nguồn thu ít ỏi từ lương và niềm vui nghề nghiệp với mấy kẻ xài ma túy bị sốc, ai đáng được thăm hỏi động viên hơn?
Nghe nói tại Hà Nội có “Làng Thủ Thiêm”, ở đó những người dân mất đất, mất nhà tại dự án khu đô thị Thủ Thiêm - Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội khiếu nại hàng chục năm trời, sống lay lắt trong những căn hộ được chủ nhân cho thuê với giá rẻ.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân và Sở Lao động - Thương binh- Xã hội Hà Nội có biết chuyện này, phải chăng đó là người ngoại tỉnh nên chính quyền thủ đô không có trách nhiệm dù Hà Nội được mệnh danh là “Trái tim cả nước”?
Tại Hà Nội có một nơi được gọi là “Xóm chạy thận”, báo Giadinhvietnam.vn viết:
Giữa một Hà Nội huyên náo và bộn bề với những lo toan của cuộc sống thường nhật, vẫn còn đâu đó những mảnh đời bất hạnh.
Ở một góc nhỏ ở Ngõ 121 đường Lê Thanh Nghị (Hà Nội) những mảnh đời bất hạnh tập trung nhau lại 100 con người”. [1]
Gõ cụm từ “Lãnh đạo Hà Nội thăm bệnh nhân nghèo chạy thận” thấy có bài viết từ năm 2016: “Bệnh nhân "Xóm chạy thận" được nhận quà của Bí thư Thành ủy trong đêm Giao thừa”.
Bài báo cho biết:
“Được sự ủy quyền của Bí thư Thành ủy, đoàn công tác của lãnh đạo quận Hai Bà Trưng và Uỷ ban Nhân dân phường Đông Tâm đã tới thăm những bệnh nhân chạy thận trên địa bàn phường để trao các phần quà của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải. Mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng tiền mặt”.
Ngoài thông tin nêu trên còn thông tin “Sáng ngày 05/3/2018, Hội LHPN (Liên hiệp Phụ nữ) quận (Hoàng Mai) phối hợp với LĐLĐ (Liên đoàn Lao động) quận tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các bệnh nhân nghèo tại xóm chạy thận 121 Lê Thanh Nghị - Đồng Tâm – Hai Bà Trưng – Hà Nội”. [2]
Tìm mãi mà vẫn chưa thấy thông tin lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố và các sở, ban, ngành liên quan thăm hỏi, tặng quà cho những “mảnh đời bất hạnh này”!
Vậy việc Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý và lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội thăm hỏi tặng phong bì cho ngưới sốc ma túy nói lên điều gì?
Không chỉ người Kẻ Chợ, người dân cả nước không hề quên chuyện có ông lãnh đạo Hà Nội dùng dằng mãi không chịu trả nhà công vụ, chuyện chặt hạ hơn 6.000 cây xanh đường phố hay chuyện “Quy hoạch băm nát thủ đô”.
Báo điện tử Vov.vn viết: “Hành động này ngay lập tức bị đưa ra so sánh với vụ cháy trên đường Đê La Thành, gần bệnh viện Nhi Trung ương, khiến hàng chục gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, và đặc biệt, đa phần trong số họ đều có hoàn cảnh éo le, con cái bệnh tật.
Thế nhưng tuyệt nhiên, gần 3 giờ "giặc lửa" hoành hành mà không thấy bóng dáng vị lãnh đạo thành phố nào xuất hiện để trấn an người dân, động viên tinh thần các chiến sĩ PCCC (Phòng cháy chữa cháy)”. [3]
Phải chăng điều này cho thấy “tâm và tầm” của mấy vị lãnh đạo Hà Nội đã thực hiện một việc làm mà người ta nói là “Nhân văn quá, nhân văn không chịu nổi”?
Chống lại bọn buôn bán, tiêu thụ ma túy là cuộc chiến đổ máu chứ không chỉ hao tốn tiền bạc.
Trong 20 năm qua (1997 - 2017), 22 cán bộ, chiến sỹ công an đã hy sinh trong cuộc chiến với tội phạm ma tuý. [4]
Ông Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý và lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội có biết sự thật đau lòng này?
Không biết trong chiếc phong bì các vị trao cho kẻ sốc ma túy chứa đựng cái gì, nếu đó là tiền thì tiền ấy từ đâu mà ra? Chẳng lẽ các vị móc tiền túi đi làm việc “hàng tổng”?
Nếu đó là lấy từ ngân sách thì cần phải hỏi các vị Bí thư, Chủ tịch thành phố ai đã phê duyệt lấy tiền thuế của dân tặng cho kẻ nghiện hút?
Trong khi “Chỉ số cải cách hành chính năm 2017” Hà Nội xếp thứ 2 sau Quảng Ninh thì “Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017” Hà Nội xếp thứ 24. [5]
Người dân Kẻ Chợ chắc chắn không ai muốn mình bị lãnh đạo bởi các loại “củi khô, củi vừa vừa, củi tươi”.
Làm dân mất niềm tin, không hài lòng về “sự phục vụ hành chính” của cán bộ đâu chỉ là tham nhũng, chạy chức chạy quyền, con ông cháu cha mà còn là khả năng xử lý tình huống của người lãnh đạo.
Làm lãnh đạo, từ cổ chí kim luôn phải ghi nhớ đạo lý “Lấy dân làm gốc”, còn nếu ai đó muốn “Lấy gốc làm thớt” thì liệu có nên biến họ thành “củi”?
Không biết lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố có cùng suy nghĩ với dân hay làm lãnh đạo là phải nghĩ khác dân?
Tài liệu tham khảo:
Xuân Dương
MỘT CHÍNH QUYỀN QUÁI GỞ
PHẠM ĐÌNH TRỌNG / BVN 20-9-2018
Người dân lương thiện nặng lòng với vận nước hưng vong, chỉ đơn độc, lặng thầm và ôn hòa bộc lộ chính kiến trên Facebook và tham gia biểu tình đòi giữ gìn môi trường trong lành của đất nước thế mà bị tòa án nhà nước cộng sản kết tội lật đổ chính quyền nhân dân và bị kết án 14 năm tù dù không có bất cứ bằng chứng nào về tội lật đổ.
Cả một đám thanh niên hư hỏng xài ma túy bị ngất xỉu phải đưa vào bệnh viện cấp cứu thì lập tức Phó chủ tịch Hà Nội kéo cả bộ sậu một đám Giám đốc sở, Giám đốc Y tế, Giám đốc Lao động Thương binh Xã hội vội vã đến bệnh viện, vồ vập, ân cần, trìu mến thăm hỏi.
Đứng trước tuổi trẻ bệnh hoạn ma túy, đám quan chức cộng sản khép nép cung kính như đứng trước những anh hùng thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ rồi tay nâng phong bì, thân thiết kính tặng tiền, khuyến khích lớp trẻ cứ ném tuổi trẻ huy hoàng vào ma túy.
Cứ ma túy đi, đừng đòi dân chủ, nhân quyền.
Cứ ma túy đi, đừng quan tâm đến biển Đông của tổ tiên ta đang bị giặc Tàu chiếm đoạt, đang hàng ngày bắn giết dân ta đánh cá trên biển của ta.
Cứ ma túy đi, đừng bận tậm đến tâm hồn Tàu, tư tưởng nô lệ Tàu đang sai khiến quan chức nhà nước cộng sản.
Cứ ma túy đi, đừng lo ngại hàng hóa Tàu đang giết chết nền kinh tế Việt Nam, đang đầu độc con người Việt Nam.
Cứ ma túy đi, đừng băn khoăn gì về lũ giặc Tàu đang ồ ạt đổ vào nước ta, đang làm chủ nhiểu vùng lãnh thổ đất nước ta, đang nghênh ngang mặc áo in hình lưỡi bò đi trên đường phố ta.
Cứ ma túy đi hỡi tuổi trẻ anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ.
Tuổi trẻ cứ say ma túy đi để nhà nước cộng sản rảnh tay đưa cả giống nòi Việt Nam vào nô lệ Tàu Cộng.
Một chính quyền quái gở của lịch sử Việt Nam.
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN

VÌ SAO BÀ NGÂN BỊ 'BỊT MIỆNG' SAU KHI DÁM 'MỞ MIỆNG' ?

PHẠM CHÍ DŨNG / BVN 20-9-2018

Lịch sử chính trị đã vô số lần chứng minh rằng ngay cả những người quen não trạng phát ngôn vô thưởng vô phạt hoặc ba phải nhất cũng không tránh được ít nhất một lần bị độc tài bịt miệng.
clip_image002[1]
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - người mà mới đây đã gián tiếp thừa nhận được hưởng nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa “chúng tôi ngày xưa đi học đâu đến mức vậy mà từ tên núi, tên sông, tên cao nguyên, thể hiện trên bản đồ sẽ ở đoạn nào giờ vẫn không thể quên được”, nhưng lại đã góp công không ít cho một chế độ độc tài đang biến tiếng Việt thành một cái thùng rác của các dự án ‘cải cách’ ăn đậm ngân sách và tiến đóng thuế của dân - là một minh chứng mới nhất của lịch sử chính trị hiện đại ở Việt Nam.
Nguyễn Thị Kim Ngân ‘yêu nước’?
Có người nói vi hiến. Liệu có vi hiến, có vi phạm pháp luật không, vì trên một đất nước sử dụng 2 đồng tiền? Phải trả lời câu hỏi này. Tất nhiên, quy định này chỉ ở khu vực biên mậu, tức là khu vực thương mại ở biên giới thôi, nhưng cũng phải xem lại” - Nguyễn Thị Kim Ngân bất chợt ‘mở miệng’ trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào trung tuần tháng Chín năm 2018, để sau đó “Tôi đã chỉ đạo anh Nguyễn Hồng Thanh (Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội) và anh Phùng Quốc Hiển (Phó Chủ tịch Quốc hội) xem lại, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề này”.
Đây là một lần hiếm hoi mà bà Ngân tỏ ra quan tâm đến ý kiến trái chiều của người dân và giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Nhưng chỉ vài giờ đồng hồ sau khi những phát ngôn của bà Ngân được báo Thanh Niêntường thuật nguyên văn, toàn bộ nội dung phát ngôn đó đã biến mất khỏi bài báo.
Chẳng có gì khó hiểu nếu liên hệ với thủ pháp ‘xóa gỡ thông tin xấu độc’ mà Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn thường yêu cầu các nhà mạng và báo điện tử nhà nước phải cắm mặt cung cúc làm theo từ trước tới nay.
Hiện tượng báo Thanh Niên phải ‘xóa thông tin xấu độc’ về phát ngôn của Nguyễn Thị Kim Ngân xảy ra trong bối cảnh hàng trăm nhân sĩ, trí thức gửi một kiến nghị thư cho giới chóp bu Việt Nam, yêu cầu xóa bỏ Thông tư số 19 của Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép 7 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam được dùng đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc để thanh toán.
Về thực chất, Thông tư 19 đã hợp thức hóa cho thực tế đồng CNY đã được lưu hành và thanh toán tràn lan ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam trong hàng chục năm qua, bất chấp những quy định của Hiến pháp về tiền tệ và Pháp lệnh Ngoại hối.
Về mặt an ninh tiền tệ và chủ quyền kinh tế, Thông tư 19 bị xem là một thất bại lớn, một thất bại cố ý và càng khiến người dân Việt có cơ sở để mang nỗi tuyệt vọng rằng bản Hiệp ước Thành Đô - được cho là đã được lén lút ký kết giữa các lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo Trung Quốc vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX để đưa Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc vào năm 2020 - đang được giới lãnh đạo hậu bối của Việt Nam rắp tâm thi hành bằng thủ đoạn ‘sáp nhập tiền tệ’ trước khi tiến tới ‘sáp nhập lãnh thổ’.
Bịt miệng’ dày đặc chưa từng có!
Chỉ trong hai năm 2017 và 2018, số quan chức cao cấp bị ‘bịt miệng’ đã dày đặc hơn hẳn nhiều năm trước đây. Một vụ cho năm 2017 và ba vụ khi năm 218 chỉ mới qua 3 quý đầu.
Từ Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn đến Trần Đại Quang, và giờ đây là Nguyễn Thị Kim Ngân.
Vào cuối tháng Tư năm 2017 khi còn là Bí thư Thành ủy TP.HCM, Đinh La Thăng đã vội vã làm bản giải trình về trách nhiệm của ông ta khi còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sau đó chỉ đạo Văn phòng Thành ủy gửi đến 200 Ủy viên Trung ương như một cách “minh bạch hóa thông tin” và phản bác kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với những sai phạm bị xem là “rất nghiêm trọng” của ông Thăng. Nhưng ngay sau đó, Văn phòng Trung ương Đảng đã chỉ thị thu hồi toàn bộ bản giải trình của Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng. Thu thẳng tay từ những người còn chưa kịp bóc bao thư, không cần một sự tế nhị nào.
Gần một năm sau, ngay sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ ‘MobiFone mua AVG’ vào tháng Ba năm 2018, bản giải trình của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhưng không ký tên mà chỉ in dấu treo của Bộ TT-TT cũng đã bị “thu hồi”. Nhưng còn nặng nề hơn trường hợp Đinh La Thăng, quyền tự do ngôn luận của “kẻ bịt miệng” báo chí nhà nước là Trương Minh Tuấn đã bị chính những đồng chí không đồng lòng của ông ta bịt miệng.
Ngày 19/6/2018, bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” với nội dung ban đầu là “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này” - đăng trên báo Tuổi Trẻ - đã bị biến dạng chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi lên trang. Nội dung bài đã được sửa lại và không còn bất kỳ phát ngôn nào của Trần Đại Quang liên quan luật Biểu tình, mà chỉ còn thấy ông Quang ‘chuyên chính vô sản’ về những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh là “do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo”.
Trần Đại Quang Nguyễn Thị Kim Ngân - hai nhân vật không chỉ là ủy viên bộ chính trị mà còn nằm trong ‘tứ trụ triều đình’ của chính thể độc đảng chuyên quyền ở Việt Nam. Xem ra số phận của ông Quang và bà Ngân cũng bị các đồng chí của mình đối xử chẳng khác gì hai trường hợp Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn.
Xung đột ngầm?
Nguyễn Thị Kim Ngân, ‘trưởng thành cách mạng’ từ tỉnh Bến Tre, được dư luận chung đánh giá là một người đàn bà có trí tuệ rất khiêm tốn, ưa diện những chiếc áo dài giá hàng trăm triệu đồng và thuộc dạng ‘ngoan hiền dễ bảo’ trong chính trường - nền tảng vững chãi để ‘đi lên’.
Từ khi trở thành người đứng đầu cơ quan dân cử tối cao ở Việt Nam, bà Ngân thậm chí còn hiếm hoi phát ngôn mang tính ‘phản biện’ hơn cả người tiền nhiệm là Nguyễn Sinh Hùng, trong khi ấn tượng lớn mà bà đã tạo ra là triệt để tuân thủ quan điểm ‘cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp’ của Nguyễn Phú Trọng khi tiếp tục nhét vào ngăn kéo hai dự luật về quyền biểu tình và về quyền lập hội của người dân - được Hiến pháp công nhận từ năm 1992.
Vào tháng Năm năm 2016, khi nổ ra phong trào biểu tình quy mô lớn và trên diện rộng của nhân dân các tỉnh miền Trung phản đối thảm họa xả thải của nhà máy Formosa, Nguyễn Thị Kim Ngân không chỉ dùng từ ‘sự cố’ đối với thảm họa này mà còn quy kết ‘các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối’. Toàn bộ Quốc hội đã câm nín trước thảm họa này.
Hai năm sau đó, bà Ngân lại một lần nữa nổi tiếng với phát ngôn ‘Bộ Chính trị đã kết luận rồi…’ trước một Quốc hội ‘nghị gật’, như một cách nói nặng thói áp đặt hầu mong ‘Luật bán nước’ (một tục danh mà người dân dùng để gọi Luật Đặc khu) được thông qua nhanh chóng với tỷ lệ ‘thống nhất cao’.
Nhưng hiện tượng ‘mở miệng’ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước lại cho thấy ít nhất một tấm màn hé mở: chủ trương ‘Nhân dân tệ hóa biên giới phía Bắc Việt Nam’ đã không nhận được sự đồng thuận cao của ‘tập thể Bộ Chính trị’, có thể bởi những lý do thuộc về lợi ích hay quyền hành cá nhân chứ không đặt trên căn bản lợi ích và chủ quyền quốc gia.
Hiện tượng ‘phản biện’ của Nguyễn Thị Kim Ngân - người không có thói quen nói đến những vấn đề nhạy cảm chính trị - về Thông tư 19 cho thấy văn bản này có thể đang biến thành một tâm điểm tranh cãi và phát sinh mâu thuẫn nội bộ gay gắt, thậm chí còn có thể trở thành một trong những hạt nhân cho cuộc xung đột chính trị tương lai trong Đảng.
Hiện tượng ‘mở miệng’ và sau đó bị ‘bịt miệng’ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xảy ra trong bối cảnh mối quan hệ Việt Trung ngày càng căng thẳng và có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột quân sự ở quy mô vừa trong tương lai không xa, cùng lúc diễn ra những xung đột ngầm của một quan điểm - lực lượng tạm gọi là ‘giãn Trung - hướng Mỹ’ với thế lực ‘thân Trung’, và với một bộ phận quan chức bị dân xem là ‘bán nước’ trong nội bộ Đảng Cộng sản ở Việt Nam.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét