Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

20180911. TIN VỀ NỢ CÔNG VÀ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

ĐIỂM BÁO MẠNG
CANH CÁNH NỢ CÔNG

HOÀNG HẠNH/ NCĐT 10-9-2018

Việt Nam đang đối diện với khó khăn kép, vừa phải chuẩn bị phương án nguồn vốn ODA giảm. Ảnh: Quý Hòa
Trên thế giới, nước nợ công cao là nước giàu, dân số già, trong khi Việt Nam có dân số trẻ, nghèo nhưng đã phải vay nhiều và trả nợ cao.
Làm gì khi bội chi và nợ công cùng tăng?
Nợ công, tăng thu hay giảm chi?

Khi nhà nghèo đã bước vào con đường vay nợ, sẽ cần rất nhiều nỗ lực để biến tiền vay ấy đẻ ra tiền để sống được và trả được món nợ đúng kỳ hạn. Đó là lý tưởng nhất của con nợ. Nhưng nếu các khoản vay chỉ được dùng cho việc xây thêm gian nhà, cơi nới công trình phụ, đóng học cho con cái... nghĩa là biến “tài sản” thành “tiêu sản” thì chỉ còn cách bán đất đai, đồng ruộng đi mà trả nợ.
Khó khăn kép
Câu chuyện nợ của một quốc gia cũng có thể hình dung theo cách như vậy. Thế nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi mức nợ công ước tính 35 triệu đồng/người năm 2018 và tăng lên tới hơn 40 triệu đồng/người vào năm 2020, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không bị coi là mối lo ngại lớn nhất. Nói như Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, khi nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, điều quan trọng hơn cần bàn là khả năng trả nợ như thế nào?
Câu hỏi trên không dễ trả lời. Xét về quy mô nợ, theo Bản tin Tài chính số 4/2016, nợ công Việt Nam đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2010-2015. Báo cáo công bố năm 2017 của Bộ Tài chính và World Bank cho thấy, Việt Nam đang nằm trong những quốc gia có tỉ lệ nợ/GDP tăng nhanh nhất, khoảng 10% trong vòng 5 năm. Dự kiến, nợ công Việt Nam năm 2026 sẽ cao gấp 2 lần con số hơn 2 triệu tỉ đồng vào năm 2016. Như vậy, nợ công của Việt Nam cao hơn tất cả mức trung bình các nước thu nhập trung bình, ASEAN, Mỹ Latinh, châu Phi.
Có thể thấy, Việt Nam đang đối diện với khó khăn kép, vừa phải chuẩn bị phương án nguồn vốn ODA giảm, vừa đối diện áp lực trả nợ lớn khi khoảng 50% nợ trong nước sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Kịch bản phải đi vay để đảo nợ và trả nợ gốc như chúng ta đã từng làm trong nhiều năm qua sẽ tái diễn và gánh nặng nợ công lại càng thêm nặng nề.
Hy vọng lại không đến từ khả năng chúng ta vun vén, cân đối chi tiêu để tạo ra thêm nguồn trả nợ. Thứ nhất, về khả năng “thắt lưng buộc bụng”. Điều có vẻ như không khó xoay xở dưới tay một bà nội tướng đảm đang lại gần như là nhiệm vụ “bất khả thi” với quốc gia trong nhiều năm nay. Bội chi ngân sách hằng năm lên tới 3-4% GDP vẫn được coi là điều tất nhiên và những nỗ lực hiện tại chỉ nhằm tới mục tiêu không nới trần bội chi.
Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 651.700 tỉ đồng, ngân sách cũng phải chi ra 59.300 tỉ đồng để thanh toán các khoản nợ lãi vay. Tính ra, mỗi ngày ngân sách nhà nước chi 330 tỉ đồng trả lãi vay. Thực tế phải đi vay hàng trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm để chi tiêu trong khi nỗ lực tinh giảm biên chế, giảm chi thường xuyên vẫn dừng lại ở quyết tâm phải được coi như một nghịch lý khó hiểu.
Canh canh no cong
Trải lại thảm FDI
Giải pháp thứ 2 đến từ khả năng nuôi dưỡng, mở rộng nguồn thu cũng bị đánh giá là không khả thi. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vượt dự toán thu ngân sách năm 2016 nằm ở khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh (9,4%); thu từ nhà, đất (97,5%); lệ phí trước bạ (19,8%). Thực trạng càng ảm đạm hơn khi mức tăng thu này dường như không đến từ nội lực đang đi lên của nền kinh tế. Hệ số Icor toàn nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 cao hơn gấp đôi mức 2,8 của giai đoạn 1996-2000, dấu hiệu rõ ràng về sự đi xuống của năng lực sản xuất.
Tăng trưởng GDP chưa bằng 1/2 tăng trưởng tín dụng trong các năm 2016-2017 không chỉ khẳng định thêm về hiệu quả khiêm tốn của đồng vốn mà còn dấy lên nỗi lo về nợ xấu mới chồng lên nợ xấu cũ. Trong bối cảnh đó, phần vượt thu từ khu vực tư nhân đến từ các điều chỉnh về thuế khóa, điều tối kỵ nếu đích đến lâu dài là nuôi dưỡng nguồn thu. Bằng chứng nhãn tiền là theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 7 tháng đầu năm là 7.714 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Sẽ là những gian nan trường kỳ.
Canh canh no cong
Đáng lo nhất, dù xuất khẩu đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GDP, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 0,5% so với dự toán. Chúng ta buộc phải thừa nhận sự thật rằng, thành tích tăng trưởng GDP chỉ có thể góp phần kiềm chế nợ công quốc gia dưới trần 65% GDP được Quốc hội đề ra. Thảm đỏ mà chúng ta đã hào phóng trải dưới chân khối doanh nghiệp này không giúp nâng cao nội lực của nền kinh tế, cũng không góp phần giúp chúng ta dễ thở hơn dưới sức nặng nợ nần.
Tưởng như phải cần một nét cọ thần kỳ để thêm màu tươi sáng cho bức tranh đang nhiều màu nâu xám hiện tại. Nội lực của nền kinh tế chỉ đến khi bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả, đưa nguồn lực quốc gia đi đúng địa chỉ sinh lời và khối đầu tư nước ngoài phải mang những giá trị tương xứng với những ưu đãi họ đang được hưởng.

NGÂN SÁCH PHẢI CHI HƠN 600 TỶ ĐỒNG ĐỂ TRẢ NỢ MỖI NGÀY

QUANG THẮNG/ ZING 10-9-2018

 Chỉ tính riêng trong tháng 8, số tiền trả nợ của Chính phủ đã là 4.277 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng tổng giá trị chi trả nợ lên tới 152.719 tỷ đồng, chủ yếu là trả nợ trong nước.
Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo về thu chi ngân sách trong tháng 8/2018 và lũy kế 8 tháng trong năm nay.
Theo đó, chỉ tính riêng trong tháng 8 vừa qua, Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã thu ước đạt 84.000 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đã giảm 31.000 tỷ đồng so với tháng trước chỉ đạt 62.500 tỷ đồng. Cả nước có 44 địa phương đạt tiến độ dự toán thu nội địa trên 67% và 60/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, nguồn thu từ dầu thô trong tháng vừa qua cũng đóng góp vào ngân sách 5.300 tỷ đồng. Giá dầu thô bình quân tháng là 73 USD/thùng, tăng 23 USD so giá dự toán, sản lượng ước đạt  8,4 triệu tấn. Hoạt động xuất nhập khẩu tháng 8 mang về gần 25.800 tỷ đồng, xấp xỉ mức thực hiện thu tháng trước. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ, thu cân đối NSNN đạt 16.100 tỷ đồng.
Lũy kế 8 tháng vừa qua, NSNN đã thu tổng cộng 871.800 tỷ đồng, bằng 66,1% dự toán, tăng 13,8% so cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu là thu nội địa với 695.800 tỷ đồng. Nếu không kể các khoản như thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp Nhà nước, thu hồi vốn ngân sách Nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế và thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu nội địa còn lại ước đạt 532.400 tỷ đồng.
Ngoài ra, tổng thu 8 tháng từ dầu thô đạt 40.900 tỷ và hoạt động xuất nhập khẩu đóng góp 199.700 tỷ đồng...

Ngan sach phai chi hon 600 ty dong de tra no moi ngay hinh anh 1
Tốc độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản vẫn chưa đạt như kỳ vọng của Quốc hội và Thủ tướng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Trong khi đó, về số chi riêng tháng 8, NSNN đã phải chi 113.800 tỷ đồng. Luỹ kế chi NSNN 8 tháng đạt 873.500 tỷ đồng, bằng 57,3% dự toán, tăng 10,2% so cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết 27/8, hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đã thực hiện kiểm soát ước đạt 483.902 tỷ đồng chi thường xuyên và từ chối thanh toán số tiền là 7,3 tỷ đồng, do khoản chi chưa đủ hồ sơ theo quy định.
Trong hoạt động giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, 8 tháng cũng đã thanh toán tổng cộng 176.837 tỷ đồng, mới chỉ đạt 44,24% so với kế hoạch Quốc hội giao và 45,57% so kế hoạch Thủ tướng giao phó.
Ước tính, Chính phủ đã phải chi ra tổng cộng 152.719 tỷ đồng để trả nợ trong 8 tháng qua, tương đương mỗi ngày phải chi hơn 636 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là trả nợ trong nước chiếm 80%, còn lại là trả nợ nước ngoài.
Riêng giá trị trả nợ trong tháng 8 vừa qua là 4.277 tỷ đồng.
Quang Thắng

HỘI ĐOÀN VN CỨ BÁM CHẶT BẦU SỮA TỶ ĐÔ CỦA NGÂN SÁCH

BBC 10-9-2018

Nông dân VN

Các hội đoàn không thuộc cơ quan nhà nước, phi sản xuất, không kinh doanh vẫn ngốn của ngân sách Việt Nam tới 68 nghìn tỷ VND một năm, theo báo Giáo Dục(06/09/2018).
Trang báo này cũng nhắc điều mà dư luận đã biết từ lâu rằng "các tổ chức chính trị - xã hội đều là những đơn vị không làm ra của cải vật chất cho đất nước".
Tổng kinh phí hàng năm chi cho các tổ chức này được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra là khoảng 14.000 tỉ đồng.
Nhưng vẫn nghiên cứu của VEPR nói nếu tính cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác thì chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600 đến 68.100 tỷ VND, tương đương 1-1,7% GDP.
Danh mục cơ quan nhà nước không nói đến các hội đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Công đoàn, Hội Nông dân.
Mặt khác trong danh mục này, tổ chức Đảng được để riêng, không ghép với 'Cơ quan nhà nước'.
Nếu đặt Đảng Cộng sản vào một vị trí đặc biệt để nhận tiền ngân sách thì con số nhận chi ngân sách cho các hội đoàn, tổ chức chính trị - xã hội còn lại cũng vẫn còn rất lớn.

Đã bàn từ vài năm qua

Theo niên biểu Đảng Cộng sản Việt Nam khi nói về Đại hội Đảng 12 năm 2016 thì đảng này có 4,5 triệu thành viên.
Ngoài ra, Việt Nam còn có 6,4 triệu đoàn viên Thanh niên CS HCM, và 7,8 triệu đội viên Thiếu niên Tiền phong HCM, theo con số nêu ra khi đó.
Năm 2016 ngân sách Việt Nam chi ra tới 1,6 nghìn tỉ đồng chỉ cho bảy sáu tổ chức chính trị - xã hội gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên CS HCM, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Tổng liên đoàn Lao động và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Việt Nam còn có 6,4 triệu đoàn viên Thanh niên CS HCM,
Việt Nam còn có 6,4 triệu đoàn viên Thanh niên CS HCM tính đến năm 2016

Cũng trong năm 2016, Viện VEPR đã nêu con số chi phí cho các tổ chức quần chúng công bằng 1,7% GDP của cả nước năm 2014.
Cũng thời gian đó, trang TintucVietnam trích lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương ngân sách nhà nước Việt Nam nuôi 11 triệu người.
Hồi 2014, trang VOV của nhà nước Việt Nam cho biết, theo Hiến pháp mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia hoặc không tham gia các tổ chức hội.
"Nhà nước hỗ trợ biên chế, kinh phí hoạt động đối với các hội đặc thù như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Công đoàn...
Những hội có tính chất nghề nghiệp như: Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Văn nghệ... hoặc các hội kinh tế như: Hội Doanh nghiệp, Doanh nhân.. có mục đích, đường hướng hoạt động phù hợp với lợi ích quốc gia và các chuẩn mực xã hội, cũng được chính quyền các cấp tạo điều kiện thành lập và duy trì hoạt động.
Vẫn trang VOV cho hay vào thời điểm đó, Việt Nam "có khoảng 460 hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp cấp quốc gia, 20 tổ chức công đoàn ngành; trên 36.000 tổ chức hội, hiệp hội, câu lạc bộ ở các địa phương".
Sang tháng 9/2016, trong thảo luận Dự thảo Luật về Hội đã có phát biểu nhắc lại Luật Ngân sách 2015, quy định các hội sẽ tự chủ về tài chính.
Tuy nhiên, cho đến nay, điều này có vẻ vẫn chưa thực hiện được.

Không giúp được gì cho Đảng?

Sau khi Liên Xô tan rã, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước châu Á gặp phải vấn đề tính hiệu quả của các tổ chức xã hội gắn liền với hệ thống chính trị đang cải tổ theo kinh tế thị trường.

Trẻ em Việt Nam

Việt Nam hiện có gần 8 triệu đội viên thiếu niên tiền phong trên tổng số 12 triệu trẻ em

Hồi 2016, Trung Quốc cũng nêu ra vấn đề vai trò có hữu dụng hay không của tám tổ chức xã hội lớn (mass organisations) vẫn nhận tiền ngân sách, gồm Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân...
Theo GS Zheng Changzhong (Trịnh Trường Trung) từ ĐH Phúc Đán, Thượng Hải, ví dụ của Đoàn Thanh niên Cộng sản TQ cho thấy căn bệnh chung của các tổ chức này.
Đó là không theo kịp thay đổi xã hội, khi mà các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước có mặt, và trực tiếp thực hiện nhiều nhiệm vụ không cần chính phủ.
Mặt khác, mô hình xã hội và hội đoàn do Đảng CS TQ chỉ đạo, từ 1948 đến 1978, khiến các hội đoàn "thực tế trở thành một phần của bộ máy quan liêu".
Họ thường tổ chức các chiến dịch vang dội nhằm che lấp đi sự cách biệt với quần chúng nhưng thực tế thì tính đại diện ngày càng yếu.
Riêng Đoàn Thanh niên ở TQ trở thành "vườn ươm" lãnh đạo tương lai, tạo ra hiện tượng tổ chức đoàn bị "quý tộc hóa" (aristocratification), và thêm xa rời quần chúng, theo GS Zheng.

Trung Quốc Mộng
Hình Chủ tịch Tập Cận Bình và 'Trung Quốc Mộng': Các hội đoàn nhận tiền từ ngân sách nhà nước TQ có nhiệm vụ kết nối với quần chúng để thực hiện các nhiệm vụ nhà nước giao cho, nhưng có ý kiến nó họ ngày càng bị 'quý tộc hóa'

Việc cải tổ các hội đoàn, vì thế, cũng là câu chuyện về tương lại hệ thống chính trị, nhưng nhận đị́nh của Zheng Changzhong:
"Hậu quả là các yếu tố trên khiến các tổ chức xã hội chính thống ngày càng kém đi về năng lực vận động xã hội mà quy chế của họ nêu ra, trong cả nước. Nhưng cải cách áp đặt lên họ từ Ban lãnh đạo Đảng sẽ không chỉ tác động đến các tổ chức vận động quần chúng mà còn cả chính Đảng Cộng sản và phát triển chính trị của Trung Quốc trong tương lai."

ĐẰNG SAU CÁC CHỈ TIÊU VÀ VIỆC ĐẠT CÁC CHỈ TIÊU

MẠC BÙI/ TBKTSG 10-9-2018

(TBKTSG) - Nếu chỉ tính đến thành tích đạt các chỉ tiêu Quốc hội giao, trong khá nhiều trường hợp điều này không có ý nghĩa lắm.

Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá điện trong năm 2018. Ảnh: THÀNH HOA
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ sáng 30-8-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá kinh tế vĩ mô ổn định, kinh tế - xã hội tháng 8 tốt hơn tháng 7, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2018 tăng 0,45% so với tháng trước. CPI bình quân tám tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Thủ tướng nhận định rằng 12/12 chỉ tiêu trong năm 2018 được Quốc hội giao đều có thể đạt hoặc vượt.
Trên thực tế, rất ít năm Chính phủ không đạt các chỉ tiêu Quốc hội giao. Thường thì khoảng sáu tháng cuối năm hoặc quí 4, Chính phủ cố gắng phấn đấu nốt những chỉ tiêu rủi ro chưa đạt mức Quốc hội giao. Năm nay, Chính phủ có những quyết định căn cơ hơn, không chỉ cho mấy tháng cuối năm mà cho cả năm 2019. Chẳng hạn, Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá điện trong năm 2018. Hay mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách thuế báo cáo về việc xin rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Đây là những hành động đúng đắn và quan trọng, vừa ổn định về giá cả vừa đảm bảo về tăng trưởng.
Bởi lẽ, năng lượng gần như là một sản phẩm độc quyền, việc tăng giá năng lượng khiến chi phí trung gian của hầu hết các ngành tăng lên, khiến giá sản xuất của nền kinh tế tăng lên. Đến chu kỳ sản xuất sau, khi nền kinh tế sử dụng đầu vào tăng giá, thì chi phí trung gian tiếp tục tăng, khiến tổng giá trị tăng thêm và GDP giảm. Hơn nữa, khi nhìn vào năng suất lao động của nền kinh tế và các ngành kinh tế, có một điều khiến người ta không khỏi băn khoăn, đó là năng suất lao động của ngành điện cao hơn năng suất lao động bình quân của nền kinh tế khoảng gần 20 lần. Điều này chỉ có thể lý giải mỗi lần tăng giá điện đều đi vào giá trị gia tăng của ngành này, hoặc vào thu nhập của người lao động, hoặc vào thặng dư, mặc dù ngành điện mỗi lần tăng giá đều lấy lý do bù lỗ?!
Nhưng thực ra, nếu chỉ tính đến thành tích đạt các chỉ tiêu Quốc hội giao, trong khá nhiều trường hợp điều này không có ý nghĩa lắm. Chẳng hạn, tăng trưởng GDP trong một số năm gần đây phụ thuộc vào tăng trưởng của nhóm ngành chế biến, chế tạo. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tám tháng đầu năm 2018, những nhóm sản phẩm tăng trưởng cao nhất gồm sắt, thép thô (tăng 37,6%); linh kiện điện thoại (tăng 36,6%); alumin (tăng 25,2%), ti vi (tăng 22%)... Đây là những sản phẩm mà phía Việt Nam đóng góp vào chuỗi giá trị chỉ là phần gia công, lắp ráp; tăng trưởng về giá trị sản xuất thực ra không liên quan gì đến tăng trưởng giá trị tăng thêm, tuy trong nhiều năm nay tăng trưởng về giá trị sản xuất và tăng trưởng về giá trị tăng thêm gần tương đương nhau, thậm chí có những năm tăng trưởng về giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm bằng nhau. Những số liệu kiểu như vậy thực ra không phản ánh thực sự về tăng trưởng.
Hay về việc thu, chi ngân sách. Mặc dù tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-8-2018 ước tính đạt 814.200 tỉ đồng, bằng 61,7% dự toán năm, nhưng chi ngân sách cũng đạt 820.200 tỉ đồng, trong đó chi thường xuyên cũng đạt 70% tổng chi. Theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 trên trang web của Bộ Tài chính, chi thường xuyên năm 2018 chiếm 72% tổng chi ngân sách và bội chi tính theo phương pháp mới (không bao gồm trả nợ gốc) so với GDP (giả thiết GDP tăng trưởng 6,8%) là 3,7%. Nhưng nếu tính theo phương pháp cũ trước đây (bao gồm cả trả nợ gốc) thì tỷ lệ bội chi so với GDP là 6,6%. Mặc dù phương pháp mới là đúng với chuẩn mực quốc tế nhưng khi Quốc hội đưa ra tỷ lệ bội chi so với GDP là đang trong lúc tính tỷ lệ này theo phương pháp cũ.
Bên cạnh đó, cơ cấu thu ngân sách cho thấy tổng thu ngân sách của khu vực FDI chiếm 18% trong tổng thu ngân sách của các khu vực kinh tế, nhưng về bản chất trong thu từ khu vực FDI thì chỉ có thuế thu nhập doanh nghiệp mới thực sự là thu của các doanh nghiệp FDI đóng góp. Các khoản thuế gián thu như thuế đất, thuế môi trường, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… là người tiêu dùng Việt Nam đóng góp vào ngân sách thông qua việc sử dụng sản phẩm của khu vực FDI, nên không thể tính “công” cho khu vực FDI. Như vậy, về bản chất, khu vực FDI chỉ chiếm khoảng 5% tổng thu ngân sách, thấp hơn thuế thu nhập cá nhân (8%).
Một điều đáng chú ý là tăng trưởng về thu thuế và phí sáu tháng đầu năm 2018 so với sáu tháng đầu năm 2017 nếu loại trừ yếu tố giá là khoảng 12%, cao hơn tăng trưởng GDP (7,08%). Với tỷ lệ thuế gián thu như vậy cộng với những khoản khác cũng mang tính chất của thuế gián thu như “thuế lạm phát”, phí qua các trạm BOT, các loại phí dịch vụ y tế, giáo dục khi các ngành này xã hội hóa thì người dân Việt Nam phải chịu khoản thuế và phí rất cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét