Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

20180901. HAI BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

ĐIỂM BÁO MẠNG
HAI BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 1-9-2018

Hình ảnh có liên quan

Năm 1945 Việt Nam có 2 bản Tuyên ngôn độc lập.
Bản thứ nhất được  Vua Bảo Đại công bố vào ngày 11 tháng 3 tại Huế. Nội dung như sau :
“Cứ tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, Chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.
Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung.
Vậy Chính Phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên”.
Bản tuyên ngôn được nhà vua và 6 thượng thư cùng ký tên, nó khá ngắn gọn, nhưng đã nêu lên được các điểm chính sau :1- Bãi bỏ điều ước bảo hộ của Pháp (chứ không tuyệt giao với Pháp, không lên án chế độ cai trị của Pháp). 2- Nước Nam khôi phục quyền độc lập và cố xứng đáng quốc gia độc lập. 3- Nước Việt Nam tin cậy và hợp tác với Nhật (tin cậy và hợp tác chứ không nhận sự đô hộ hoặc bảo hộ như đối với Pháp trước đây).
Khi thảo luận về Tuyên ngôn độc lập, Bảo Đại phát biểu trước Triều đình:
“Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong Hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên Bộ Thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập Chính phủ để đối phó mọi việc”.
Bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố tại Hà Nội ngày 2 tháng 9. Nhiều người biết, thuộc lòng từng đoạn hoặc toàn bộ, được xem là một trong những áng Thiên cổ hùng văn, có thể sánh ngang Bình Ngô đại cáo. Nó đã là nguồn sức mạnh tinh thần của khá đông người Việt trong nhiều năm. Tuy vậy ít ai để ý đến một số chi tiết sau:
1- Mở đầu là lời kêu gọi : “ Hỡi đồng bào cả nước”, kết thúc là tuyên bố với thế giới: “Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt-nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập…”
2- Về việc giành chính quyền, Tuyên ngôn viết: “Sự thật là từ đầu mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải là thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt-nam dân chủ cộng hòa. Sự thật thì dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.
Cái sự thật nêu ở đây chỉ mới là một phần. Phần quan trọng hơn đã được giấu kín. Đó là việc  cướp chính quyền từ Chính phủ Trần Trọng Kim chứ không phải giành từ tay Nhật (vì Nhật đã đầu hàng rồi), là nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập từ tháng 3/1945. Câu “dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật” là không đúng với sự thật.
3- Về giành độc lập, Tuyên ngôn có câu sau: ”Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị.  Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt-nam độc lập…”
Câu vừa trích là cốt lõi nhất của Tuyên ngôn, nhưng lại chứa mâu thuẩn. Xiềng xích cần đánh đổ là do Pháp, Nhật tạo ra và duy trì. Nay Pháp chạy, Nhật hàng thì xiềng xích ấy đã tan rã theo chúng. Sau khi Pháp chạy thì Bảo Đại đã tuyên bố Việt Nam độc lập nhưng còn tin cậy và hợp tác với Nhật. Sau khi Nhật hàng thì xiềng xích do Nhật tạo ra cũng không còn. Thế thì dân ta không cần, không thể đánh đổ cái không còn tồn tại, mà chỉ là khắc phục hậu quả của cái xiềng xích trong quá khứ. Có lẽ vì thế mà Tuyên ngôn không viết Giành Độc lập cho nước mà viết  Gây dựng nước độc lập.
4- Vài điều bình luận.
Phần lớn nội dung Tuyên ngôn lên án tội ác của Pháp, Nhật và kể công của Việt Minh. Cách lên án như vậy là đặc trưng của cách mạng vô sản, có tác dụng gây lòng căm thù đồng thời tạo nên tâm lý và hành động tàn bạo, độc ác để trả thù. Đã tuyên bố “xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt-nam, xóa bỏ hết mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt-nam” để rồi thật xót xa khi sau đó không lâu lại đón quân Pháp vào thay quân Tưởng và ký các hiệp định nhượng bộ với Pháp, mà rồi nhượng bộ cũng không xong.
Về chính quyền. Việt Minh hết sức tuyên truyền rằng nhân dân giành chính quyền về tay mình. Đó là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Nhưng thực chất trong hơn 70 năm qua chính quyền là của Đảng, dân chỉ làm việc hy sinh xương máu và tài sản để giúp Đảng giành chính quyền, chỉ làm  bung xung khi đi bầu cử mà thôi.
Về nhân quyền. Mở đầu, vì trích Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp nên có nói đến hạnh phúc và nhân quyền. Nhưng rồi kết thúc chỉ còn là tự do và độc lập cho đất nước. Có người nhận xét là Bản Tuyên ngôn không có nhân quyền.
Về độc lập. Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khẩu hiệu “Vì Độc lập” đã là một sức mạnh rất lớn về ý chí, tình cảm, lôi cuốn nhiều triệu khối óc, trái tim. Nhưng rồi nhiều người đã nhầm tưởng rằng  độc lập là mục đích cuối cùng. Thực ra độc lập chỉ là mục tiêu trước mắt. Mục đich cuối cùng, quan trọng nhất là Tự do, Hạnh phúc của toàn dân, là Nhân quyền, Dân quyền. Cuối cùng độc lập chỉ còn là một phương tiện. Hồ Chí Minh từng nói “Nước độc lập mà dân không được tự do và hạnh phúc thì độc lập chẳng để làm gì”. Thế mà ĐCS VN đã lợi dụng danh nghĩa giành độc lập để kiến tạo nền độc tài đảng trị.
Hiện nay ĐCS VN đề cao việc học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Tư tưởng này tập trung rõ nhất trong Bản Tuyên ngôn độc lập và trong Di chúc. Trong 2 tài liệu đó không hề thấy Hồ Chí Minh bàn đến việc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, không thấy Hồ Chí Minh đề cập đến yêu nước phải gắn với yêu CNXH. Thế mà điều này được ĐCS đặt lên hàng đầu. Thế có oái oăm không.
Gần đây có phong trào chống lật lại lịch sử (chống lật sử). Nghĩ rằng khi lịch sử đã được trình bày đúng sự thật  thì chống lật sử là cần. Nhưng nếu có phần nào của lịch sử đã bị bỏ quên hoặc trình bày sai thì cần phải bổ sung và điều chỉnh. Đó là việc rất nên làm, không thể vu vạ là lật sử. Phải chăng chống lật sử hiện nay thực chất là cố che giấu những sự thật bất lợi cho độc quyền đảng trị và tô vẽ cho sự độc quyền đó.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

MÂU THUẪN CỦA MỘT BÀI HÁT 

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 2-9-2018

Đó là bài hát Lời Bác dặn trước lúc đi xa của nhạc sĩ Trần Hoàn. Theo tường thuật thì ông Vũ Kỳ đã kể cho ông Trần Hoàn nghe câu chuyện. Quá cảm động, nhạc sĩ đã sáng tác bài hát. Nhiều người thuộc bài này, tôi chỉ xin chép ra một số câu:
Chuyện kể rằng trước lúc Người ra đi, Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế. Nhưng không gian vẫn bốn bề lặng lẽ. Bác đành nằm im… Bác muốn nghe một câu ví… mà xung quanh vẫn lặng ngắt như tờ… Lần thứ ba bác vẫy gọi… Ôi may sao, bỗng có em gái nhỏ, Bước vào gần Bác. Rồi căn phòng xao động trong nước mắt, Những lời ca nức nở tái tê. Rằng "người ơi người ở đừng về". Bác nhìn em rơm rớm hàng mi… Chuyện kể rằng trước lúc Người đi xa.
Để chăm sóc bệnh nhân Hồ Chí Minh, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai cử một đội gồm các Bác sĩ và Y tá giỏi từ Bắc Kinh sang Hà Nội vào ngày 25 tháng 8/1969 Từ đó BS và Y tá Trung Quốc thay người Việt chăm sóc bệnh nhân.
Về việc hát cho Bác nghe, trước đây đã có khá nhiều người dựa vào ngôn từ bài hát của Trần Hoàn để viết ra những bài báo, dựng nên những tiểu phẩm với khá nhiều tình tiết được thêm vào, làm xúc động lòng người. Tuy vậy có vài câu hỏi mà từ lâu không ai đụng đến. Đó là ai hát, hát vào lúc nào, có những ai đã chứng kiến.
Hát vào trước lúc Người đi xa, nhưng vào lúc mấy giờ, ngày nào. Trước vài phút, vài giờ, vài ngày đều là trước. Riêng tên bài hát đã có nói tới là Người ơi người ở đừng về, nhưng có thông tin thêm các bài khác nữa.
Mãi gần đây, từ 2010 mới có người đưa ra các câu trả lời. Theo dõi các tường thuật trên báo, thấy có hai nguồn thông tin khác nhau.
Nguồn A- Xuất hiện trước. Người hát là Vương Tinh Minh Y tá Trung Quốc, hát chiều 31/8, bài hát tiếng Hoa. Tường thuật của Vương Tinh Minh như sau: “Chiều hôm đó sức khỏe của Bác đã có chuyển biến tốt lên một chút, Bác nói muốn nghe một câu hát Trung Quốc. Các đồng chí đề nghị tôi hát. Tôi nói thật là hát cũng không tốt lắm, nhưng để vui lòng Bác, vì tình hữu nghị Trung-Việt, tôi đã hát một bài mà nhiều người thuộc và hát được, bài hát có nội dung chính là ra khơi xa phải vững tay chèo. Bác nghe xong rất vui, Bác nở nụ cười hiền từ. Bác nắm nhẹ tay tôi, tặng tôi một bông hoa biểu thị cảm ơn” (nguồn: Báo QĐND ngày 25/1/2010. Báo Chính luận ngày 22/9/2013. Đường dẫn: http://www.tiengnoicuadan.org/2013/09/ba-lan-bac-cuoi-truoc-luc-di-xa.html).
Nguồn B- Xuất hiện sau. Người hát là y tá Ngô Thị Oanh, hát vào sáng ngày 2 tháng 9, có ông Vũ Kỳ chứng kiến. Xin chép lại đoạn tường thuật :
Y tá Ngô Thị Oanh là người túc trực chăm sóc sức khỏe cho Bác kể lại: “Buổi sáng (ngày 2/9) tôi vào mời Bác uống thuốc, cắt móng tay cho Người, cắt xong Bác hài lòng hỏi tôi:
-    Cháu tên gì?
-    Dạ thưa Bác, cháu tên Ngô Thị Oanh ạ!
-    Quê cháu ở đâu?
-    Thưa Bác! Quê cháu ở Liên Châu, huyện An Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc ạ!
-    Cháu có biết hát không?
Tôi đang lúng túng chưa biết thưa Bác thế nào thì đồng chí Vũ Kỳ đứng cạnh đó trả lời giúp tôi.
-    Thưa Bác! Để cháu Oanh hát Bác nghe.
Bất ngờ và hồi hộp, tôi trấn tĩnh và hát bài: “Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác” và bài dân ca quan họ Bắc Ninh “Người ở đừng về”.
(Nguồn: Mai Lê Huyền - Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, công bố ngày 20/6/2017).
Phải chăng có 2 lần Bác Hồ nghe hát khác nhau. Vậy Trần Hoàn dựa vào lần nào để sáng tác. Dựa vào lần nào cũng mắc đầy mâu thuẫn giữa các tường thuật và nội dung bài hát. Hay là nhạc sĩ chỉ nghe qua cốt chuyện rồi bịa ra các chi tiết cho thêm phần hấp dẫn. Nhưng tác giả Đức Thọ, báo Dân sinh ngày 30/6/2016 viện dẫn cuốn hồi ký của Vũ Kỳ để chứng tỏ mọi chi tiết Trần Hoàn đưa ra đều đúng với sự thật đã xảy ra. Đức Thọ viết: “Lần thứ ba thức dậy, Người ngỏ ý muốn nghe một câu dân ca quan họ Bắc Ninh. Lần này, thật may mắn, cô y tá Viện Quân y 108, Ngô Thị Oanh tiến lại gần Bác thưa: “Thưa Bác, cháu xin hát cho Bác nghe ạ”. Trong nỗi xúc động nghẹn ngào, cô cất lên lời hát: “Người ơi, người ở đừng về…”.
Các đoạn kể về Ngô Thị Oanh khá khác nhau, vậy không thể cùng đúng. Có khả năng cùng được sáng tác dựa trên cái tên Ngô Thị Oanh. Tôi chỉ mới tìm thấy người ta viết về cô chứ chưa thấy tường thuật của bản thân cô. Nếu quả thật đã từng có cô Oanh thì hiện nay cô ấy đã thành Bà cụ Oanh. Không biết cụ Oanh làm gì, ở đâu. Một nghi vấn là “Em gái nhỏ” của Trần Hoàn xuất hiện khá đột ngột, khác xa với Y tá Ngô Thị Oanh. Không biết ai là người đầu tiên tìm ra cái tên Ngô Thị Oanh để gán cho em gái nhỏ và tìm thấy vào lúc nào, phải chăng là sau khi ông Vũ Kỳ chết (2005) và sau khi có bài tường thuật của y tá Vươg Tinh Minh.
Nếu chỉ có 1 lần Bác muốn nghe hát thì đó là lần nào. Sự thật chỉ có một. Nhưng tại sao lại có các dị bản. Mà chuyện mới gần đây chứ đã lâu gì. Theo tôi có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là không có người nào theo dõi, ghi chép và công bố công khai, người ta xem đó là bí mật quốc gia. Thứ hai là sự sùng bái cá nhân quá lố.
Nếu xem rằng một cụ già sắp chết muốn nghe một bài hát là chuyện bình thường thì người ta dễ thuật lại một cách ngắn gọn và tương đối chính xác. Nhưng vì muốn thần thánh hóa câu chuyện, muốn gán cho nó những ý nghĩa cao đẹp nên buộc phải tô vẽ thêm bằng những suy luận. Mà mỗi người suy luận mỗi kiểu nên tạo ra mâu thuẫn. Ô hô, ai tai, âu đó cũng là mánh khóe tuyên truyền mà mọi người đã quen.
Một mâu thuẫn đáng nói nữa là đầu đề và nội dung bài hát. Đề là lời Bác dặn, nhưng nội dung chẳng thấy dặn gì, đó chỉ là nguyện vọng muốn nghe hát. Nên chăng đặt tên bài là: Bác muốn nghe hát trước lúc đi xa.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN


ĐẶC KHU: 'TIẾN, THOÁI LƯỠNG NAN' ?

NGUYỄN ĐÌNH ẤM/ BVN 1-9-2018

Trước phản ứng dữ dội của nhân dân, luật đặc khu hai lần bị hoãn thông qua. Lần đầu sau những cuộc biểu tình  khắp ba miền ngày 10/6/2018, Quốc hội (QH) phải tạm hoãn thông qua dành cho kỳ họp vào tháng 10. Tiếp theo, vào kỳ họp tháng 7 của UBTV QH cũng không đưa luật đặc khu vào chương trình nghị sự và hôm 24/8/2018 QH lại thông báo tiếp tục dừng xem xét luật đặc khu “tiếp tục xin ý kiến nhân dân, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, để hoàn chỉnh dự án luật thông qua vào kỳ họp sau”. Như vậy nhanh nhất luật đặc khu mới được đưa ra xem xét tiếp vào kỳ họp QH tháng 5/2019.
Trước những động thái này nhiều người hy vọng nhà cầm quyền sẽ dẹp bỏ đặc khu.Tuy nhiên, theo ý kiến của những người có kinh nhiệm về TQ, quan hệ Việt Trung và những gì đã đầu tư cho dự án này thì rất khó để  nhà cầm quyền VN huỷ bỏ chương trình đặc khu.
Đặc khu đã được thực hiện cơ bản trên thực tế
D:\Downloads\Vân Đồn cho Tàu.jpg
Từ năm 2013 ông Phạm Minh Chính Bí thư Quảng Ninh đại diện cho phía VN sang Trung Quốc nghiên cứu, bàn bạc rồi cùng họ tới VN khảo sát, thoả thuận dự án đặc khu Vân Đồn, có buổi ra mắt như một sự khai trương (xem ảnh). Từ đó ý tưởng 3 đặc khu được âm thầm nhen nhóm và thực hiện, và ồ ạt nhất là  từ khi ông Trump trúng Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ lập lại trật tự trong thương mại với Trung Quốc. Một trong những hạng mục quan trọng ở khu Vân Đồn là Sân bay Vân Đồn với vốn đầu tư 7.258 tỷ đ (cỡ 2 tỷ USD - quá đắt) được Sungroup  hối hả xây dựng từ năm 2015, khai trương ngày 11/7/2018. Cao tốc Hạ Long-Vân Đồn 12.000 tỷ đã cơ bản xong tháng 8/2018. Cao tốc Móng Cái -Vân Đồn nối với Trung Quốc cấp tốc phê duyệt hôm 17/8/2018 với vốn đầu tư 11.190.220 triệu đ. Các con đường thông với Trung Quốc cũng được nâng cấp cải tạo, từ 2017 xe tự lái Trung Quốc tấp nập đi, về...
D:\Downloads\Ngân-Tập.jpg
Nhăn nhở và nham nhở. Chẳng biết bên nào muốn lấy lòng bên nào đây. Chú thích của BVN.
Ngoài những khoản “đầu tư nổi” trên còn rất nhiều khoản “đầu tư chìm” của nhiều quan chức, đại gia, cá nhân. Từ năm 2013-2014 khi ba đặc khu trở thành hiện thực, dân buôn đất đã thăm dò, sục sạo bao chiếm, đặt cọc mua bán diễn ra rất nhộn nhịp. Đâu đâu cũng nói chuyện đất ở ba đặc khu... Từ năm 2016, 2017 việc cưỡng chế, giải toả mặt bằng diễn ra hối hả, quyết liệt ở Vân Đồn, Phú Quốc, giá đất đẩy lên hàng chục, trăm lần. Nhiều khu rừng, đất nông nghiệp ở Phú Quốc bị tàn phá tan hoang. Có thể nói ba đặc khu đã thực hiện xong quá nửa việc chuẩn bị, “lót ổ chờ rồng lớn”? Việc Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hùng hồn tuyên bố: “Chủ trương đặc khu Bộ Chính trị đã thông qua, luật không trái Hiến pháp phải bàn để ra luật” như một mệnh lệnh, “ván đã đóng thuyền”.
Mặc dù đến nay những tham vọng của Trung Quốc dùng các đặc khu làm căn cứ quân sự khép kín “con đường tơ lụa” nhằm khống chế tây Thái Bình Dương, toàn bộ Ấn Độ Dương, bảo đảm vai trò bá chủ những con đường hàng hải trên hai đại dương này tiến tới bá chủ thế giới bị Mỹ, các đồng minh ngăn chặn nhưng các đặc khu vẫn còn nhiều giá trị với TQ. Những gì diễn ra ở các các đặc khu như Boten ở Lào, Shihanouk ville, Kokong ở Campuchia, Hambantota của Sri Lanka, Naval ở Djibouti, dự án đường sắt, ống dẫn khí ở Malaysia... chính là những nơi “chôn nợ” của Trung Quốc nhằm khống chế các chính phủ phải dùng lãnh thổ gán nợ, nơi di dân, đồng hoá dân bản địa, công cụ làm tha hoá giới quan chức, đại gia nước sở tại vốn quá nhiều tiền nhưng thiếu chỗ an toàn để  ăn chơi đàng điếm... giúp TQ thâu tóm các quốc gia này. Đặc biệt, các đặc khu đích thực là các căn cứ quân sự, tình báo thu thập, truyền tin quân sự, tình báo phục vụ chính sách bành trướng của TQ. Âm mưu thôn tính cả thế giới của Tàu cộng biểu hiện qua kế sách “Made in China 2025, một vành đai, một con đường...” dù bị nhiều nước tẩy chay nhưng họ sẽ không từ bỏ ba đặc khu ở VN do vị trí, tính chất quan trọng của nó trong chiến lược thâu tóm Biển Đông, khống chế con đường hàng hải Thái Bình Dương -Ấn Độ Dương và được chủ nhà ủng hộ. Vì vậy luật đặc khu có thể vẫn được thông qua vào thời điểm thích hợp. Việc gần đây nhà cầm quyền thuyết giáo cái lợi “trên trời” của ba đặc khu, xuyên tạc, vu cáo người biểu tình, đe doạ trấn áp thẳng tay ai xuống đường phản đối... chứng tỏ họ vẫn “tha thiết” ba đặc khu. Nếu thật sự trong sáng trong dự án này thì nhà cầm quyền VN hãy công khai thẳng “ba đặc khu không dành cho TQ” chắc nhân dân không lo lắng gì nữa.Thời đại này chỉ có các chế độ độc tài như TQ, Nga đi xâm lược mà thôi.
“Tiến thoái lưỡng nan”
Thời các ông Nông Đức Mạnh,  Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Thể... cầm quyền, các quan chức, đại gia bất chính đã nghĩ ra và thực hiện cách móc túi dân rất trắng trợn: Sửa chữa, cải tạo, mở rộng một chút con đường cũ hoặc làm một đoạn đường mới nhưng thu phí trên những con đường cũ, độc đạo để vét túi dân vô tội vạ. Họ “trấn lột” dân (lời nguyên Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sỹ Dũng) đến năm 2016 thì bị phản đối quyết liệt làm nhà cầm quyền đứng trước lựa chọn khó khăn: Nếu dùng tiền ngân sách trả cho các đại gia chủ dự án bỏ thu phí thì không có tiền. Cứ để nhiều BOT móc túi dân, đưa lực lượng vũ trang đến bảo vệ đám “trấn lột” thì  chút uy tín nhờ tuyên truyền của Đảng CS chắc chắn bị hao tổn, dân phẫn nộ, mất kiểm soát bất cứ lúc nào... Đến nay dự án ba đặc khu cũng đang rơi vào tình thế BOT: Nếu cứ quyết tâm “bàn để ra luật” người TQ kéo sang thì nguy cơ mất an ninh quốc gia quá rõ sẽ bị dân phản đối còn mạnh mẽ hơn chuyện BOT nhiều. Những ngày xuống đường rầm rộ dịp 10/6/2018 phản đối ba đặc khu của hàng triệu người ở cả ba miền nhà cầm quyền lu loa “thế lực thù địch, lưu manh nghiện ngập kích động, dân hiểu nhầm, được cho tiền,...” nhưng đó chỉ là tuyên truyền, tự đối mình, thực chất họ đã thấy rõ sự phẫn nộ của nhân dân trước hiểm hoạ TQ là như thế nào. Thế nhưng  nếu bãi bỏ ba đặc khu thì các con đường, sân bay đã đầu tư, đất đai các đại gia (vốn là những thế lực lớn) đã gom mua và có thể tiền “bôi trơn” các quan chức đã nhận… nay không thành đặc khu thì sẽ ra sao? Ví như 7.280 nghìn tỷ đ của Sungroup đã đầu tư vào sân bay Vân Đồn ai trả? Ai sẽ bay đến Vân Đồn nếu nó không còn là nơi “đổ rác”, gia công hàng hoá thay nhãn mác cho hàng TQ, không còn là nơi cờ bạc, buôn người, nơi sinh con, đẻ cái, đồng hoá dân bản địa, không còn là nơi “bất khả nhòm ngó”, quan chức, đại gia thoả mãn chơi bời và nhất là TQ sẽ phản ứng ra sao... Rất khó.
Rõ ràng tình thế BOT lặp lại: Cứ làm đặc khu thì dân nổi lôi đình, chính quyền có khi nguy hiểm, không làm thì nợ các nhà đầu tư “nổi, chìm” mà không có tiền trả, còn TQ thì chắc chắn là không hài lòng.
Lại  một vụ “tiến thoái lưỡng nan” ở tận cấp cung đình.
N.Đ.A.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét