Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

20180913. QUANH CHUYỆN GS HỒ NGỌC ĐẠI BỊ 'NÉM ĐÁ'

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIÁO SƯ HỒ NGỌC ĐẠI BỊ 'NÉM ĐÁ' VÌ CHÚNG TA SỐNG NGOÀI NHÂN LOẠI ĐÃ QUÁ LÂU RỒI

LÊ PHÚ KHẢI/ BVN 11-9-2018

Giáo sư Hồ Ngọc Đại là một trí thức lớn. Khi đỗ tiến sĩ ở nước ngoài về, ông đã nói với người lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam lúc đó là, nguyện vọng của ông là được dạy lớp 1. Ông đã theo đuổi chí lớn đó cho đến hôm nay và sách Tiếng Việt lớp 1 của ông đã ra đời và được chấp nhận.

mage result for hồ ngọc đại
GS. Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Vietnamnet
Nếu là ở một nước tự do và văn minh thì ông Đại cứ bỏ tiền túi ra mà in sách giáo khoa. Bán được thì tốt. Các trường học và thầy cô giáo ai muốn dạy theo sách giáo khoa của tác giả nào thì cứ thoải mái. Vấn đề là học sinh phải thi đỗ nhiều. Khi thi thì nhà nước, tức Bộ Giáo dục ra đề thi. Làm được bài mà nhà nước ra đề thì có nghĩa là học sinh đã nắm được kiến thức cơ bản tối cần thiết. Còn muốn dạy kiểu gì, học kiểu gì, viết sách giáo khoa thế nào là của xã hội. Như thế mới phát huy được sức mạnh sáng tạo của cộng đồng. Xã hội mới tiến lên, văn minh lên.
Cả nhân loại tiến bộ đã làm như thế với giáo dục. Nhưng ở các nước độc tài, toàn trị trong đó có nước ta thì điều đó tuyệt nhiên không. Đã hơn 70 năm nay, từ khi Đảng Cộng sản cầm quyền thì sách giáo khoa tuyệt đối do nhà nước soạn và in bán lấy tiền. Điều đó diễn ra qua nhiều thế hệ, nó ngấm vào tim óc, xương tủy của người Việt Nam, từ ông lãnh đạo, đến trí thức, đến người dân đều nghĩ như thế. Vì thế, có lần ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mới nói trước Quốc hội rằng: “Nếu ai cũng soạn sách giáo khoa thì loạn!”. Nhưng cả thế giới văn minh không loạn, chỉ có nền giáo dục Việt Nam thì đại loạn nhiều năm nay!
Xin mở ngoặc kể một câu chuyện ngoài lề có liên quan đến soạn sách giáo khoa. Vài năm trước đây, bác sĩ Ngô Văn Quý ở TP. HCM mất. Con gái ông có gọi điện đến nhắn tôi đến lấy một số sách tiếng Pháp, nếu không đến thì cô sẽ bán hết kho sách của bác sỹ Quý cho đồng nát, vì toàn sách tiếng Pháp, cô không đọc được... Tôi đến và khuân về một bị sách. Trong đó có cuốn “Lịch sử văn học Pháp” từ cổ đại đến hiện đại do một giáo sư trung học soạn. Sách quý giá nhưng tôi không đọc nổi nên đem biếu một đồng nghiệp cao niên rất giỏi tiếng Pháp. Ông này mừng lắm và cho tôi biết, ở Pháp những sách giáo khoa tự soạn như thế này được các trường trung học chọn để giảng dạy và tác giả của nó rất có tiếng và rất có tiền.
Than ôi! Nếu các ông Hồ Ngọc Đại, Phạm Toàn được sống trong cơ chế như thế thì các ông ấy cứ in sách ra mà bán, nếu người ta thấy dạy có kết quả thì các ông ấy đã có chỗ đứng trong xã hội và có tiền từ lâu rồi. Nhưng ở Việt Nam, việc được in giáo khoa là việc tày trời, vì độc quyền in cả triệu, triệu cuốn sách như thế là món lời khổng lồ. Dính đến chuyện in sách giáo khoa là dính đến các nhóm lợi ích, nên chưa biết đúng sai thế nào đã bị xã hội ném đá. Mặc dù sách của ông Đại là rất đúng, rất mới, các nước tiên tiến giáo dục đã và đang đi theo hướng đó! Ngay chế độ Sài Gòn cũ, cũng đã có tự do soạn sách giáo khoa và tự do dạy theo sách mình chọn.
Chúng ta sống ngoài vòng nhân loại đã quá lâu rồi, nên cả xã hội u mê, bảo thủ... Muốn cải cách giáo dục thì trước hết phải cải cách trước tiên cái thể chế đã sinh ra cách sống ngoài vòng nhân loại trong việc soạn sách giáo khoa, tức là sự lạc lõng. Vậy thôi!
Hãy chấm dứt ngay cuộc tranh luận này vì tiền Trung Quốc sẽ tràn ngập biên giới Việt Nam.
L. P. K.
Tác giả gửi BVN.

SAO CỨ THẢN NHIÊN NÉM ĐÁ VÀO TƯƠNG LAI ?

UÔNG NGỌC DẬU/ TVN 13-9-2018

 - Khi đánh giá một công nghệ, một phương pháp, xem nó là hữu ích hay vô bổ, thành công hay thất bại, nên nhìn vào đâu, nếu không nhìn vào sản phẩm mà nó tác động?
Trong vòng hơn một tháng qua, có cả trăm bài báo bàn cãi, bình luận xung quanh công nghệ giáo dục và Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Trên mạng xã hội, số lượt người tham gia bàn luận câu chuyện này khó mà tính đếm. Có người đặt câu hỏi, trong số đó có bao nhiêu phần trăm bàn luận, tranh biện một cách nghiêm túc, thẳng thắn, thấu đáo những vấn đề khoa học và thực tiễn liên quan đến công nghệ này? Có bao nhiêu phần trăm thuộc sản phẩm truyền thông của nhóm lợi ích tung hoả mù nhiễu loạn thông tin? Có bao nhiêu phần trăm thuộc hội chứng đám đông?
Công nghệ giáo dục mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ trương mấy chục năm qua, theo cách hiểu của tôi, phải chăng chính là một phương pháp, một cách thức tiếp cận giáo dục mà ở đó học sinh là trung tâm? Sản phẩm giáo dục mà công nghệ hướng tới chính là con người, con người-cá nhân-khác biệt, “không giống ai”, “chính là nó”. Chí ít, quá trình giáo dục theo phương pháp Hồ Ngọc Đại đã và sẽ tạo ra một lớp học sinh ham đến trường học vì “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”; học không phải để làm quan, không chăm chăm bám vào hệ thống cơ quan nhà nước để tồn tại, mà học để làm người, nên người, “mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười" (Nguyễn Du), “thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay” (Tố Hữu). Đây chính là khát vọng của đất nước này, dân tộc này: “Bốn nghìn năm ta lại là ta” (Tố Hữu). “Ta lại là ta” với đầy giá trị khác biệt, tự tin, bản lĩnh, chứ ta không là tây, là tàu, là thứ nửa tây nửa tàu, là “nhờ nhờ nước hến”.
Theo quan sát của tôi, khác với tuyên ngôn “đánh đổ nền giáo dục hiện tại”, công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại tồn tại mấy chục năm qua không hề phủ nhận, triệt tiêu phương pháp giáo dục cũ. Nó song hành cùng những phương pháp, cách thức giáo dục truyền thống khác. Nếu có xung đột, thì đó là xung đột tích cực, khiến cái mới phải điều chỉnh cho phù hợp; cái cũ, cái truyền thống phải thay đổi để bắt kịp những đổi thay của xã hội.

Sao cứ thản nhiên ném đá vào tương lai?
GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Lê Anh Dũng
Những ai từng tiếp xúc với Giáo sư Hồ Ngọc Đại hầu hết đều có cảm nhận tích cực về nhà khoa học này. Ông là nhà khoa học có tư tưởng, có triết thuyết, hay “nói ngược”, “làm ngược”, khác người, tự tin đến ngạo nghễ. Tư tưởng giáo dục của nhà khoa học một đời đeo đuổi vì sự nghiệp trồng người theo cách thức khác biệt không chỉ tác động, thay đổi tư duy (và cả tư tưởng) hàng ngàn học trò trực tiếp thụ hưởng công nghệ giáo dục này, mà còn tác động, lan toả đến các đối tượng ngoài mái trường thực nghiệm, ở các cấp học, và không chỉ là học trò, không chỉ ở môi trường nhà trường.
Khi đánh giá một công nghệ, một phương pháp, xem nó là hữu ích hay vô bổ, thành công hay thất bại, nên nhìn vào đâu, nếu không nhìn vào sản phẩm mà nó tác động? Vậy thì sản phẩm của công nghệ giáo dục mang dấu ấn Hồ Ngọc Đại chính là lớp lớp học trò, sau khi ra khỏi ngôi trường thực nghiệm có trở nên èo uột, hư hỏng, hay ngược lại, phát triển tự nhiên, hài hoà, tự tin đứng trên đôi chân của mình? Cái cách đánh vần theo hình tròn, hình vuông hay tam giác có mang lại kết quả cuối cùng là học sinh sớm đọc thông viết thạo hay ngu ngơ, rờ rậm trước mỗi con chữ? Một đối tượng giáo dục có thể có nhiều phương pháp tiếp cận. Phương pháp nào sớm mang lại kết quả bền vững, thì đấy là phương pháp hiệu quả.
Xã hội chúng ta đang mong muốn lớp lớp học sinh-thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước phát triển một cách tự nhiên, trở thành con người tử tế, không lệ thuộc vào những áp đặt, định kiến của người lớn. Hơn lúc nào hết, chúng ta kỳ vọng thế hệ trẻ- chủ nhân tương lai, sẽ làm chủ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, mỗi cá nhân tự tin đóng góp trí tuệ xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường với những giá trị sáng tạo, khác biệt, sớm đưa dân tộc mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Tư tưởng công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại đeo đuổi không hề xa vời, viển vông, khi cứu cánh của nó chính là con người mang sứ mệnh giải đáp câu hỏi lớn: Anh là ai? Chúng ta là ai?
Vậy mà chúng ta thản nhiên ném đá vào nó?
Trong câu chuyện liên quan đến công nghệ giáo dục và Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nếu như có điều gì đáng trách, thậm chí đáng phê phán, chính là cách quản lý rất không công nghệ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không thể hiểu nổi, một đề tài với một mô hình thực nghiệm công nghệ giáo dục tác động trực tiếp đến nền giáo dục nước nhà, nhưng kéo dài nhiều chục năm mà không được tổng kết, đánh giá và kết luận một cách công khai, đĩnh đạc, rành rọt. Đó là trình độ, năng lực hay bản bản lĩnh?
Cái đáng phê phán nữa là cái cách ném đá rất công nghệ, bài bản, lớp lang do một nhóm người nào đó chủ trương, và biến thành hội chứng đám đông, đến độ người ta nhìn vị giáo sư - cha đẻ của công nghệ giáo dục, như một tội đồ. Trong “chiến dịch ném đá” này, người ta thấy thấp thoáng nhóm lợi ích tranh dành thị phần trong hoạt động giáo dục, khi họ lái câu chuyện đi quá xa, ra ngoài lề khoa học công nghệ.
Uông Ngọc Dậu
TIN BÀI LIÊN QUAN:
CHỦ TỊCH QH: 'THỰC NGHIỆM GÌ MÀ MẤY CHỤC NĂM HỌC SINH QUÁ KHỔ'

ĐỖ THƠM/ GDVN 12-9-2018



(GDVN) - Sách giáo khoa, thực nghiệm, thí điểm trong giáo dục được các đại biểu thảo luận sôi nổi trong phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngày 12/9, phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục sửa đổi.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trình bày báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật; giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, về việc thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, Thường trực Ủy ban cho rằng, do thiếu khuôn khổ pháp lý hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng và hạn chế.
Một số chương trình thí điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong cứ tri và dư luận xã hội.
Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị, cần bổ sung quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ trước khi quyết định thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc áp dụng đại trà sẽ có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân.
Trong đó làm rõ các nội dung về quy trình, mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy mô, thời gian thực hiện thí điểm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: Quochoi.vn)
Chính phủ không có chủ trương cải cách tiếng Việt
Cũng liên quan đến vấn đề thực nghiệm, thí điểm trong giáo dục, nhiều đại biểu đã cho ý kiến rất cụ thể.
Đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt câu hỏi, thí điểm thì có thành công và thất bại nhưng quả thực có nhiều thí điểm đã gây ý kiến trái chiều.
Nhất là thí điểm trong cải cách tiếng Việt và một số thí điểm khác. Quan điểm Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vấn đề này ra sao?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định:
“Giáo dục được cả xã hội quan tâm, phần nhiều khi có 1 sự kiện giáo dục thì cộng đồng rất quan tâm, góp ý.
Đây là điều rất tốt và rất may. Gần đây có rộ lên câu chuyện liên quan tới tài liệu học tập, dạy tiếng Việt cho trẻ mới đi học .
Năm trước là câu chuyện công trình nghiên cứu của một nhà khoa học tên là Bùi Hiền. Ngay lúc đó, tôi đã nói Chính phủ hoàn toàn không có chủ trương cải cách tiếng Việt.
Việc tranh luận, đôi co về tài liệu học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến chính thức.
Đấy chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu là phát âm cho trẻ mới bắt đầu đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm, trong giáo dục, dù đã tốt, không phải quốc tế nhận xét tốt mà mình không đổi mới.
“Bàn về giáo dục phải rất thận trọng nhưng không thể không tiếp tục đổi mới. Đã có đổi mới thì phải có thử nghiệm và thực nghiệm.
Tôi khẳng định lại Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt. Ít nhất trong giai đoạn một số năm tới chưa có”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Trong phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn với Điều 29 trong dự thảo Luật có ghi “Mỗi môn học có một hoặc nhiều sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập”.
Ông cho biết: “Thời kỳ tôi đi học, sách phổ thông mười năm vẫn sử dụng được.
Mang đi Hà Nội hay lên miền núi vẫn học tập được. Việc mỗi trường một sách giáo khoa sẽ gây tốn kém rất lớn cho xã hội. Xét về góc độ kinh tế học là không hợp lý, chưa kể không chính quy.
Chúng ta có đánh giá tác động về ngân sách Nhà nước nhưng còn tác động mà xã hội phải bỏ ra là bao nhiêu? Tôi đề nghị phải làm rõ”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải. (Ảnh: Quochoi.vn)
Mỗi năm phụ huynh phải chi hơn 1.000 tỷ đồng cho sách giáo khoa
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cũng băn khoăn về Điều 29 quy định về sách giáo khoa.
Một chương trình nhiều sách giáo khoa, đại biểu đề nghị cân nhắc rất kỹ.
Hiện nay cử tri hết sức bức xúc về sách giáo khoa sử dụng một lần. Đại biểu Quốc hội đã nói nhiều lần.
Theo tìm hiểu của đại biểu Nguyễn Thanh Hải, tổng doanh thu của Nhà xuất bản giáo dục năm 2017 là 1.203 tỷ đồng.
Theo thống kê, số lượng sách giáo khoa xuất bản của Nhà xuất bản Giáo dục năm 2016 chiếm hơn 50,4% toàn ngành xuất bản.
Năm 2018 -2019,  Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra 100 triệu bản sách giáo khoa.
Mỗi năm phụ huynh phải chi 1.000 tỷ đồng cho sách giáo khoa. Với mỗi mục đích, trong phần sách giáo khoa có ghi giải bài tập lên đó.
Sửa đổi Luật Giáo dục sửa đổi mà lại cho mỗi trường lựa chọn sách giáo khoa thì không rõ sẽ như thế nào.
Về chương trình thí điểm, thực nghiệm sách tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, đại biểu Nguyễn Thanh Hải không đề cập về chuyên môn.
Tuy nhiên, khi thực nghiệm tiến hành đại trà thì phải tuân theo luật.
Theo bà, Điều 100 của Luật Giáo dục có nội dung ghi: "Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học".
"Luật hiện hành còn nguyên giá trị nhưng tôi đọc thông tin trên báo chí có nói như Hà Tĩnh dùng cho 100% học sinh sử dụng sách tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục tức là đại trà rồi", đại biểu Hải nói.
Thêm vào đó, đại biểu chia sẻ, nhiều cử tri có phản ánh, nhiều bài văn, bài thơ trong sách có quan điểm giáo dục khác lạ.
"Chiều qua, tôi đi 2 tiếng tại các hiệu sách ở Hà Nội nhưng không mua được. Việc cung cấp sách này có độc quyền không?", đại biểu đặt câu hỏi.
Luật cho cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa ổn định trong giảng dạy, bà đề nghị bổ sung quyền cha mẹ, người học.
Họ phải được biết chương trình dạy cho con em mình, chương trình đó phải công khai và có quyền không tham gia các chương trình thực nghiệm.
Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, giờ trẻ không có hè, không có tuổi thơ. Phải đổi mới căn bản toàn diện nhưng sau khi đổi mới phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ. Không thể có sách giáo khoa tự chọn.
“Thực nghiệm gì mấy chục năm mà vẫn thực nghiệm. Học sinh khổ quá. Giáo dục bây giờ rất khó, đặt ra quá nhiều thứ cao siêu, hàn lâm”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch cho rằng, thực nghiệm đổi mới nhiều quá không biết kinh nghiệm ở đâu nhưng khổ học sinh quá.
Trẻ bây giờ học gì không rõ nhưng hỏi lịch sử không biết. Học thêm, dạy thêm quá nhiều. Nghỉ hè nhưng đủ thứ học.
"Tỉnh Quảng Nam thì có sách vở riêng cho Quảng Nam. Tỉnh nào có riêng tỉnh đó, nền giáo dục đó là không được", Chủ tịch nêu quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật này qua 3 kỳ họp là hợp lý. Quá nhiều vấn đề trong Luật cần phải bàn thảo rất kỹ.
Đỗ Thơm
TIN BÀI LIÊN QUAN:
UNG NHỌT BIÊN SOẠN SÁCH  GIÁO KHOA ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI CẮT BỎ

GS NGUYỄN XUÂN HÃN / GDVN 13-9-2018

Khi chúng tôi đang thực hiện viết bài này thì nghe được ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu: “Sách vở tôi học mấy năm sau em tôi vẫn dùng học lại được. Bây giờ mỗi năm một sách khác, tốn tiền nhân dân lắm!...” [1]
Rõ ràng, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội khiến cho chúng ta có nhiều suy ngẫm.
Nghiên cứu lại lịch sử giáo dục Việt Nam kể từ 1945 đến nay, chúng tôi nhận thấy:
Dựa trên kinh nghiệm quý báu của nhân loại về biên soạn sách giáo khoa của Anh, Đức, Nga, Mỹ, Pháp – các nước có nền giáo dục tiêu biểu của nhân loại, thực tiễn Việt Nam các Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1945), Giáo sư Nguyễn Văn Chiển, Giáo sư Hoàng Tụy (1955) là những “nhạc trưởng”, chủ trì và biên soạn sách giáo khoa chuẩn, kể cả in ấn trong 6 tháng là xong và được sử dụng ổn định suốt mấy chục năm.
Kinh phí làm sách giáo khoa chuẩn lúc đó rất nhỏ, không đáng kể.
Học sinh tốt nghiệp đã đóng góp cho việc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, ra nước ngoài học không thua kém với học sinh của bất cứ nước nào.
Hồi đó, việc đào tạo giáo viên giảng dạy sách giáo khoa mới với kiến thức phổ thông yêu cầu tốt nghiệp cấp 1, học thêm và nghiệp vụ sư phạm 6 tháng ra dạy cấp 1; cấp 2 yêu cầu học hết lớp 7, thêm 1 năm ra dạy cấp 2; cấp 3 yêu cầu học hết lớp 10, học thêm 2 năm ra dạy cấp 3.
Khi đất nước thống nhất, kinh nghiệm đào tạo trên vẫn được sử dụng hiệu quả.
Kể từ năm 1979 đến nay, các kinh nghiệm truyền thống quý báu của nước ta bị vứt bỏ để sao chép cách làm từ bên ngoài, nên gốc tư duy chỉ đạo chưa chuẩn, chưa nói là SAI từ A đến Z.
Không làm được sách giáo khoa chuẩn mấy chục năm qua, giáo dục bất ổn là điều dễ hiểu.
Ai cũng biết Giáo sư Hoàng Tụy là một nhà giáo, nhà khoa học lớn cả đời tâm huyết gắn bó với sự nghiệp giáo dục của Đảng, một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho nền giáo dục nước nhà, vào năm 2005 đã cảnh báo giáo dục nước ta có 3 cục bướu dị dạng [2]:
i/ Biên soạn sách giáo khoa; ii/ học thêm tràn lan; iii/ thi cử nặng nề, trong đó biên soạn sách giáo khoa là cục bướu lớn nhất nguy hiểm nhất, chi phối các cục bướu còn lại.
Chúng ta phải cắt bỏ các cục bướu đó đi để hiện đại hóa giáo dục. [3]
Hiện đại hóa để hội nhập quốc tế, để phát triển mạnh mẽ quy mô, đồng thời nâng cao chất lượng, đó là con đường duy nhất tránh cho giáo dục khỏi tụt hậu xa hơn nữa.
Người xưa từng nói “trăm nghe không bằng một thấy”, nếu so sánh và đối chiếu sách giáo khoa chuẩn, chẳng khó khăn gì.
Chúng tôi đã tiến hành so sánh và đối chiếu nội dung sách giáo khoa của nước ta giai đoạn trước năm 1980 với nội dung sách giáo khoa của các nước Anh, Nga, Mỹ… về các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa… thì thấy về cơ bản là giống nhau.

So sánh sách giáo khoa Toán – Lý - Hóa của Việt Nam trước năm 1980 với sách của thế giới hiện nay: Anh, Mỹ, Nga, Pháp… thì thấy cơ bản giống nhau (Ảnh: tác giả cung cấp).
Lưu ý, các sách giáo khoa của ta từ năm 1980 đến nay, tôi đã so sánh, đối chiếu thấy không tương thích về nội dung từ 1 đến 3 năm và hỗn loạn về cách viết, chỉnh thể khoa học bị đảo lộn, hàng loạt các sai phạm về nội dung, sách giáo khoa hiện hành được ví như “nồi cơm sống rất khó chữa”. [4]
Là người làm nghiên cứu, chúng tôi xin lỗi bạn đọc để nói thẳng rằng, sách giáo khoa hiện nay dùng để dạy người ngoài hành tinh!
Sau khi tốt nghiệp phổ thông với sách giáo khoa kể trên về các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa… xin khẳng định là sinh viên đủ kiến thức vào học chung tại các trường: Đại học tổng hợp Paris, Đại học tổng hợp Cambridge, Đại học tổng hợp New York, Đại học tổng hợp Beijing…
Riêng nội dung các môn khoa học xã hội hiện nay lại rất xa với các sách giáo khoa trước đây.
Ví dụ môn Văn, trước đây còn dạy tìm đại ý một đoạn văn, một tác phẩm hay dàn ý của bài thì nay không thấy…
Thực tế, nhiều sinh viên làm khóa luận hay nghiên cứu sinh làm luận án nhưng lỗi chính tả, ngữ pháp và lỗi diễn đạt rất nhiều, người khác đọc không hiểu.
Trong khi đó, “mục tiêu của học sinh cấp trung học cơ sở là học sinh biết làm tất cả các thể thơ của truyền thống… xong cấp trung học phổ thông là các em biết viết tin, viết phóng sự, bình luận, biết đủ các kĩ năng để viết các thể loại báo chí. Môn Văn hết cấp phổ thông các em cũng có thể thành những “nhà thơ”, “nhà báo”. [5]
Môn Văn rất quan trọng, nhưng lại bị tách nhập 1 => 3 =>1 giữa môn (Ngữ Văn) thành các môn (Văn, Tiếng Việt, Làm văn) sau lại nhập làm một (Báo Thanh Niên, 20/12/2004).
Học sinh trung học cơ sở ngôn ngữ tiếng Việt còn chưa chắc, nói gì đến học thơ Đường luật, mà lại là thơ dịch mới thật phi lý. (Báo Vnexpress 23/2/2005).
Xin lưu ý rằng, người dân biết và nói tiếng Việt thậm chí nói rất hay, chưa hẳn họ đã đến trường.
Giữa thực tế xã hội kiến thức căn bản cần thiết và nội dung giảng dạy ở trường sao vênh nhau như trái đất với sao Hỏa vậy?
Vì thế, chúng tôi kiến nghị hãy tập hợp các sách giáo khoa của 5 nước tiên tiến kể trên với sách giáo khoa của ta trước đây, mời một nhóm chuyên gia toàn quốc khoảng 40 người, so sánh và đối chiếu, ta sẽ có cách làm hay;
Chúng ta sẽ có những bộ sách giáo khoa “chuẩn” nhất, mà không phải quá tốn kém như những dự án sách giáo khoa hàng tỷ USD mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiến hành triển khai mấy chục năm qua.
Người ta nói “biên soạn” sách giáo khoa chứ không ai “sáng tác” sách giáo khoa.
Theo thiển nghĩ của tôi, thời gian làm sách giáo khoa chuẩn trong vòng một năm kinh phí khoảng 100 tỷ, thậm chí ít hơn cũng làm được, để triển khai đồng bộ vào trong hệ thống giáo dục năm sau đó như thế hệ đi trước đã từng làm.
Bộ sách giáo khoa chuẩn mực, in đẹp và phải luật hóa trong Luật Giáo dục, và có chế tài ít nhất 12 năm mới được xem xét in lại một lần;
Các loại sách tham khảo cũng phải được được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định phê duyệt mới được dung trong trường học, như các nước trên thế giới đã làm!
Cách làm mới sách giáo khoa chuẩn mực, ổn định lâu dài, thống nhất và đồng bộ như vậy mới có thể đảm bảo sẽ thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thật sự giải thoát được gánh nặng cho dân.
Giáo dục từ lâu được xem là quốc sách, là rường cột của sự hưng vong hay thành bại của một quốc gia.
Qua nhiều năm, chúng ta đang loanh quanh và luẩn quẩn trong nhiều dự án sách giáo khoa hàng tỷ USD, nhưng kết quả thì không tương xứng với mong đợi.
Đã đến lúc chúng ta cần bắt tay hành động, hướng tới các bộ sách giáo khoa chuẩn, nhằm ổn định nền giáo dục nước nhà.
Tài liệu tham khảo: 
[1] http://toquoc.vn/Thoi_su/chon-phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-can-trung-cau-dan-y-de-hop-long-dan-355660.html
[2] http://vietsciences.free.fr/vongtaylon/hoangtuy/catbobakhoiudidang.htm
[3] http://vietsciences.free.fr/vongtaylon/hoangtuy/catbobakhoiudidang.htm
[4]  Đại Đoàn Kết 27/9 và 1/10/2002, và Văn Nghệ 12/10/2002
[5] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuong-trinh-Ngu-van-moi-se-kho-va-nang-kien-thuc-hon-rat-nhieu-post183290.gd
GIÁO SƯ NGUYỄN XUÂN HÃN
TIN BÀI LIÊN QUAN:
TRÁCH NHIỆM VỚI THÔNG TIN

GIA MINH/ TBKTSG 13-9-2018

(TBKTSG) - Mấy tuần qua trong dư luận xã hội lan tỏa hai thông tin có tầm ảnh hưởng rộng, gây nhiều hoang mang cho số đông người vì không được các nơi liên quan sớm giải thích.
Việc xem nhẹ hiệu ứng thông tin dễ dẫn đến nhiều nỗi hoang mang trong dân chúng.
Một là Thông tư 19/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép thương nhân thanh toán bằng đồng nhân dân tệ (CNY) tiền mặt trong hoạt động ngoại thương ở các tỉnh biên giới phía bắc.
Theo lời Vụ phó Vụ Quản lý ngoại hối của NHNN, thông tư này để hướng dẫn thực hiện Nghị định 14/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới vừa ban hành trong năm nay. Đồng thời, nó nhằm khắc phục những vướng mắc tại Quyết định 689/2004 về cơ chế thanh toán biên mậu Việt - Trung.
Thế nhưng, sự giải thích chỉ nói theo tinh thần văn bản, chưa thuyết phục được dư luận, nhất là giới chuyên gia kinh tế, khiến nhiều người hoài nghi còn có điều gì khuất tất.
Thông tin thứ hai là câu chuyện đánh vần tiếng Việt theo Chương trình công nghệ giáo dục tiếng Việt lớp 1 đang gây tranh cãi trên mạng xã hội với nhiều lời lẽ xúc phạm gay gắt giữa hai phía khác nhau về quan điểm - thậm chí phỉ báng nhau. Vậy mà phải hơn mười ngày sau, một thứ trưởng ngành giáo dục mới lên tiếng. Điều này khiến người ta nhớ lại chuyện tày trời sửa điểm kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học diễn ra tại nhiều tỉnh trên cả nước hồi tháng 7 vừa qua làm giảm uy tín ngành giáo dục, mất lòng tin trong người dân, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại im hơi lặng tiếng một thời gian dài như cố tình không xem đó là trách nhiệm thuộc về mình.
Mấy dẫn chứng trên đây làm rõ nét thêm một thực tế là các cơ quan quản lý nhà nước dường như chưa có thói quen phản ứng nhanh trước sự việc không bình thường gây hoang mang trong xã hội. Thời đại Internet len lỏi vào ngóc ngách đời sống con người, Facebook trở thành sân chơi phổ biến đến mức ai cũng có thể đưa tin và bình luận thời cuộc theo cách nhìn riêng, thì việc xem nhẹ hiệu ứng thông tin dễ dẫn đến nhiều nỗi hoang mang trong dân chúng. Không những thế, điều này còn thể hiện một thái độ thiếu lắng nghe của cơ quan chức năng nếu không muốn nói là xem thường dư luận.
Cũng có lập luận rằng thời đại tin bịa tràn lan thì công cụ nào đủ sức làm rõ đúng - sai, nhưng xin đừng quên tin bịa là sản phẩm của một xã hội thiếu niềm tin, cho nên giải pháp khắc chế là phải tôn trọng sự thật, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ nếu không tìm cách “giải mã” ngay từ đầu nguồn tin để ứng xử đúng mức.
Ở nhiều nước có nền hành chính được tổ chức chặt chẽ, các ban ngành thuộc cơ quan nhà nước có trách nhiệm làm sáng tỏ sớm nhất một thông tin nào đó - kể cả tin đồn - liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình nếu xét thấy bất lợi cho việc quản lý xã hội. Góp phần vào công việc này là người viết báo với thái độ khách quan và cơ quan nhà nước có tinh thần tôn trọng sự thật. Cả hai “gặp nhau” qua một nhân vật trung gian “ tùy viên báo chí” , anh ta vừa là công bộc nhà nước đồng thời là người bạn thân thiết của giới truyền thông. Khác với người phát ngôn của một cơ quan làm nhiệm vụ truyền đạt các nội dung thông tin chính thống khi có yêu cầu, người tùy viên báo chí là cầu nối chia sẻ thông tin hai chiều với giới truyền thông trong mọi “thời tiết”. Vai trò đó đòi hỏi tùy viên báo chí am hiểu nội tình, nắm bắt chủ trương đường lối; đối với bên ngoài là một người quảng giao, chân thành và cởi mở , nhờ vậy tạo được sự tin cậy và hợp tác của giới truyền thông trong việc làm sáng tỏ một thông tin, một sự kiện, một vấn đề gây hoang mang trong dân chúng. Anh tùy viên này có khi là nhân vật chính của những “nguồn tin thân cận giới lãnh đạo” vì đúng là như vậy, có khi là “nguồn tin giấu tên” nhưng rất có trách nhiệm về tính chính xác. Trong chừng mực nào đó, ít ra người ta cũng có ý thức làm sáng tỏ một số thông tin lẫn lộn thật hư, xem đó là trách nhiệm với xã hội.

TUYÊN BỐ VỀ SÁCH GIÁO KHOA VÀ CƠ CHẾ CỦA NGÀNH GIÁO DỤC

NHÓM LÃO MÀ CHƯA AN/ BVN 13-9-2018
 

Mạng Xã hội trong những ngày gần đây có hiện tượng tập trung rất nhiều vào việc tranh cãi xung quanh “cách đánh vần lạ” và một số chi tiết khác được chụp trên sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục, từ đó đến tranh cãi về toàn bộ phương pháp Công nghệ Giáo dục đang được thực hiện trên diện rộng. Vì Giáo dục liên quan đến mọi gia đình, hiện tượng trên là điều dễ hiểu, và cũng là mặt tích cực của Mạng Xã hội, phương tiện chưa từng có để người dân Việt Nam phát biểu ý kiến của mình về các chủ trương chính sách của Nhà nước.
Góp ý, phê bình cho một quyển sách dạy tiếng Việt và một phương pháp giảng dạy mới liên quan đến hàng triệu con em của đẩt nước là việc rất đúng, rất tốt.
Tuy nhiên, việc tập trung bất thường vào một bộ sách giáo khoa phi-nhà nước đang có triển vọng cạnh tranh với bộ sách giáo khoa chính thống của Bộ Giáo dục đương lưu hành cũng như một bộ sách giáo khoa mới cũng của Bộ Giáo dục sắp đưa ra, cùng với những thông tin mang tính gán ghép, xuyên tạc, suy diễn, khiến nhiều người không thể không băn khoăn.
Đáng băn khoăn hơn nữa, khi thông tin về buổi họp Quốc hội mới đây, một số vị lãnh đạo Quốc hội công khai nêu lên khả năng sửa lại Luật Giáo dục để bãi bỏ quy định “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, trở lại một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục độc quyền soạn, in và bán.
Chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ ý đồ của ai, của cấp nào, nhân vụ tranh cãi trên Mạng Xã hội quanh sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, để rắp tâm quay lại áp đặt ách độc quyền đã chứng tỏ quá tai hại đối với nền giáo dục đã khủng hoảng đến tận cùng!
Nền giáo dục Việt Nam phải được cải tổ từ căn bản, từ triết lý Giáo dục, khôi phục tinh thần “Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng”, đến phương pháp Giáo dục cập nhật những thành tựu của nhân loại, và tổ chức Giáo dục theo hướng Dân chủ, cởi mở, trong đó có việc Tự do soạn, xuất bản và lựa chọn học sách giáo khoa như đã và đang là chuyện bình thường ở tất cả các nước Dân chủ.
Xoá bỏ Độc quyền sách giáo khoa nằm trong toàn bộ tiến trình xoá bỏ Độc quyền về mọi mặt của thể chế. Lộ trình đi đến đích ấy là rất gian nan, không thể chấp nhận một bước lùi như một số người có trách nhiệm cao nhất của chính quyền đang dự kiến.
Ngày 13 tháng 9 năm 2018
Nhóm Lão Mà Chưa An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét