Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

20240128. ĐẦU XUÂN BÀN VỀ VĂN HÓA TÂM LINH

    ĐIỂM BÁO MẠNG


TÍN NGƯỠNG BỊ TRỤC LỢI LÀM MÉO MÓ VĂN HÓA TÂM LINH

NGUYỄN HUY VIỆN/ TVN 28-1-2024

Đầu Xuân người dân nô nức đến các Đình, Chùa tạ lễ, cúng bái cầu xin những điều tốt đẹp. Nhưng đây là nơi để con người tìm sự thanh thản, thiện lương chứ không phải là “Đèn thần” để xin xỏ, cầu ước những điều phàm tục.

Văn hóa tâm linh là thiện lương, thanh tịnh

Cũng như các tôn giáo chính thống, văn hóa tâm linh nói chung đều hướng thiện để con người tu nhân tích đức sống thiện lương đồng cảm, bao dung và sẻ chia với cộng đồng; không tham lam, không mưu mô, xảo quyệt hại người.

Xin nêu một vài hình thức của văn hóa tâm linh Việt Nam mang đậm bản chất thiện lương, thanh tịnh đó là lễ bái Đình, Đền, Phủ và lễ Chùa.

Lễ bái ở các Đình, Đền, Phủ (đời sống tâm linh bản địa): Cách đây hàng nghìn năm Đình, Đền, Phủ... đã được xây dựng ở Việt Nam để thờ các vị thiên thần như Thánh Giống, Sơn Tinh, Thánh mẫu... hoặc thờ các nhân thần là các nhân vật lịch sử có công với dân, với nước, lập làng, dựng ấp được sùng mộ như thần thánh, được phong thành hoàng làng.


Người dân đi lễ ở phủ Tây Hồ, Hà Nội.

Theo tập tục văn hoá truyền thống, ở mỗi tỉnh thành, làng, xã Việt Nam đều có các Đình, Đền, Miếu, Phủ là nơi thờ tự Thần linh, Thành Hoàng, Thánh Mẫu.

Trong đó, Đình vừa là nơi thờ các thiên thần, nhân thần vừa là nơi hội họp của dân làng. Đền là nơi thờ cúng một vị Thánh hoặc nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh, Phủ là nơi thờ Thánh Mẫu. Phổ biến nhất là các đền thờ được xây dựng để tri ân những anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng theo truyền thuyết dân gian.

Với ý nghĩa và mục đích tốt đẹp đó, mấy nghìn năm qua, đã thành truyền thống, đến dịp lễ tết từ vua chúa, quan chức cùng đông đảo nhân dân đến đình, đền thắp hương tri ân công ơn các vị thần; những người có công với dân, với nước và cầu cho quốc thái dân an. Đồng thời xin được phù hộ che chở sức khoẻ, mọi sự tốt lành, an khang thịnh vượng...

Lễ chùa Phật giáo: Chùa là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo, là nơi sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các nhà sư, tăng, ni. Từ tín đồ đến người không theo đạo đều có thể đến lễ Chùa, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ Phật giáo.

Trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada) Ðức Phật khuyên dạy chúng sinh hãy chăm tu tập “Tứ Vô Lượng Tâm”, tức là “bốn món tâm rộng lớn không lường được”, đó là các tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả”. Phật dạy hãy mở rộng bốn tâm này, không hạn chế, cho tất cả các loài hữu tình ở khắp bốn phương. Đây là những đặc tính giúp con người trở nên tốt đẹp, hoàn thiện.

Phật tử lấy từ, bi, hỷ, xả làm nền tảng cho sự phát triển thánh hạnh; tâm từ bi được coi là tâm Phật. Tâm “Từ” là khả năng hiến tặng niềm vui cho tha nhân, cho người khác. Tâm “Bi” là khả năng làm vơi đi nỗi khổ đang có mặt. Tâm “Hỷ” là niềm vui, lòng thanh thản do từ bi đem tới. Tâm “Xả” là thư thái nhẹ nhàng, tự do, không kỳ thị.

Đức Phật cũng dạy rằng: “Nguồn cội của mọi khổ đau trên đời đều từ 3 việc mà ra: tham, sân, si”. Trong đó, tham đứng hàng đầu, tuy nhiên phàm là con người ở đời, ai cũng có lòng tham. Từ chữ tham mới nổi lên sân hận, mới khiến con người si mê u tối, từ đó gây nên nghiệp ác.

Vì vậy, Đức Phật răn dạy chúng sinh đừng để tham và sân, đừng để tội lỗi lôi mình vào cảnh khổ. Tội lỗi ở đây nghịch nghĩa với chánh hạnh, là không theo giáo pháp. Căn nguyên của điều ác là tham lam và sân hận.

Những lời Phật răn dạy về sân si và lòng tham nhắc nhở, rằng lòng tham chính là thuốc độc giết chết nhân cách con người. Nếu sở hữu nào của chúng ta có được từ sự đau khổ của người khác, thì sở hữu ấy là không chính đáng. Dù là mưu cầu cuộc sống hằng ngày hay lưu danh hậu thế, bất cứ ai bị lòng tham chi phối ắt sẽ nhận quả báo nặng nề. “Lòng tham càng lớn, phúc đức lại càng tiêu tán”.

Tóm lại, Đình, Đền, Phủ, Chùa... là nơi để con người tìm sự thanh thản, thiện lương chứ không phải là “Đèn thần” để những người tham lam xin xỏ, cầu ước những điều phàm tục.

Khi văn hóa tâm linh bị những kẻ vụ lợi làm méo mó

Nguồn gốc và mục tiêu ra đời của Đình, Đền, Phủ cũng như giáo lý của Phật giáo (những loại hình văn hóa tâm linh phổ biến nhất ở Việt Nam) đều là hướng thiện, góp phần giúp con người hoàn thiện nhân cách; đề cao lòng tri ân những vị thần linh, những anh hùng và những người công với dân, với nước; đề cao chánh hạnh, đồng cảm, chia sẻ với cộng đồng; tránh tham sân si để không chuốc lấy tội lỗi. Tuy nhiên, đời sống tâm linh vẫn bị những kẻ tham lam lạm dụng để vụ lợi, làm cho văn hóa tâm linh méo mó, mất đi giá trị nhân văn và tính linh thiêng.

Trước hết là một bộ phận tăng ni và những người được giao trách nhiệm quản lý các Đình, Đến, Chùa... quá chú trọng nguồn thu, dẫn đến tình trạng thùng “công đức” chen chúc trong các Đình, Đền, Chùa. Tình trạng này vừa không phù hợp ở chốn linh thiêng hướng con người sống thiện lương, thanh tịnh vừa gây phản cảm cho khách thập phương đến lễ bái, chiêm bái.

Rồi tình trạng các doanh nghiệp xây dựng Đền, Chùa hoành tráng, với khuôn viên hàng chục thậm chí hàng trăm hec ta, nhưng mục tiêu chính không phải là phục vụ đời sống tâm linh của người dân mà kinh doanh mới là chủ đạo.

Điển hình là sư trụ trì chùa Ba Vàng gây ra không ít tai tiếng. Xuân Đinh Hợi (đầu năm 2019, tổ chức "thỉnh vong", "gọi hồn". Với lời răn đe, ai muốn thoát nạn thì phải "trả nợ" cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức cúng dường (công đức) hoặc làm công quả cho nhà chùa. Cứ mỗi tháng 3 đợt, mỗi đợt 2 ngày tại chùa Ba Vàng sẽ diễn lễ thỉnh vong giải nghiệp, thu hút hàng nghìn người tham dự/đợt. Theo những người tổ chức “thỉnh vong”, mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều được lý giải là bởi oán hồn gây ra. 

Gần đây cũng tại chùa Ba Vàng, vụ “xá lợi tóc Đức Phật” gây xôn xao dư luận, theo đánh giá của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin Phật giáo. Vì vậy, Giáo hội Phật giáo đã kỷ luật cảnh cáo Đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì chùa Ba Vàng.

Có thể đánh giá trong nhiều năm trở lại đây, ở một số khía cạnh đời sống tâm linh vừa bị lạm dụng trên nhiều lĩnh vực vừa lệch pha, méo mó so với bản chất, mục đích hoạt động ở Đình, Đền, Phủ và trái với Phật pháp. Đây là một thực trạng đáng báo động về văn hóa tâm linh nước nhà.

Gần đầy, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng đã bị phạt số tiền 7,5 triệu đồng vì không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tổ chức triển lãm tại chùa Ba Vàng dịp tổ chức Đại lễ mừng 765 năm ngày đản sinh Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ ngày 23-27/12/2023 trong đó có hoạt động trưng bày, chiêm bái (trưng bày, triển lãm) hiện vật (vật được gọi là “xá lợi tóc Đức Phật”) khi chưa gửi thông báo đến cấp có thẩm quyền theo quy định.

Đây là nỗ lực cần thiết để giảm thiểu một bộ phận mê tín dị đoan, mụ mị dẫn đến tiền mất tật mang, khuynh gia bại sản và cũng là cảnh báo cho những kẻ định cùng dùng tâm linh để bói toán, lừa đảo.

Nguyễn Huy Viện

NGUỒN: Tín ngưỡng bị trục lợi làm méo mó văn hóa tâm linh (TVN 28/1/2024) [https://vietnamnet.vn/tin-nguong-bi-truc-loi-lam-meo-mo-van-hoa-tam-linh-2244586.html]

TIN LIÊN QUAN:

LỄ CHÙA ĐẦU NĂM: SỰ CHỪNG MỰC TẠO NÊN VĂN HÓA
TRƯƠNG THỊ HIỀN/VNN 28-1-2024

Để có văn hoá lễ chùa cần dựa trên sự thực hành tính vừa phải, sự chừng mực như lời Phật dạy.

Đối với đa số Phật tử hoặc những người yêu mến không gian thanh tịnh của chùa chiền, nếu tìm hiểu hoặc được nghe giảng, chắc sẽ hiểu được những điều cơ bản của nguyên lý trung đạo. Trong lý thuyết, cũng như trong tu tập, đạo Phật không bao giờ cực đoan mà đề cao nguyên lý trung đạo. Trung đạo không chỉ là một hình thức tương đối để cân bằng đời sống hiện tại mà còn là pháp thực hành để đạt đến giải thoát. 

Giáo lý của đức Phật dạy sự chừng mực, vừa phải. Chính nguyên lý trung đạo của Phật giáo là nền tảng tạo nên sự chừng mực. Tính chừng mực là thể hiện sự không quá thái cũng không quá ít trong thái độ, hành vi trước một vấn đề nào đó. Bất cứ sự thái quá nào đều tạo nên sự hỗn loạn. Điều này được thể hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.

Vậy mà mùa lễ hội năm nào cũng “nóng” lên bởi những câu chuyện như sự “mịt mù trong đốt vàng mã”, việc “tràn ngập trong rải tiền lẻ”, “nhét tiền vào tay Phật” hay sự “mê muội và chen lấn xô đẩy cướp lộc”… 

Trong bài viết này, tôi chia sẻ suy nghĩ về mối quan hệ giữa văn hoá lễ chùa đầu năm và sự chừng mực. Theo đó, để có văn hoá lễ chùa cần dựa trên sự thực hành tính vừa phải, sự chừng mực như lời Phật dạy.


Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa Việt có từ ngàn đời nay. Ảnh: Phạm Hải.

Sự trầm tĩnh, điềm đạm, sâu lắng là một biểu hiện của tính chừng mực. Khi đi lễ chùa, người ta thường dặn nhau và tự dặn mình, không nên ồn ào nhưng cũng không nên thờ ơ, lạnh nhạt với những người xung quanh. Dịp đầu năm mới, lượng người ra vào chùa thường rất đông, gây khó khăn trong việc đỗ xe, trong di chuyển và có thể dẫn tới sự cãi vã, thậm chí mâu thuẫn, xung đột do có những va chạm từ sự đông đúc. Nếu thiếu đi sự chừng mực sẽ có thể dẫn tới xô xát, to tiếng. Người đi lễ chùa biết thực hành sự chừng mực có thể hỏi thăm, nhắc nhở, nhường nhịn nhau và văn hoá ứng xử được hình thành. 

Tư tưởng Phật giáo khuyến khích con người sống hướng thiện trên tinh thần phải biết nhẫn nại, tự tin vào sức mình, gieo nhân nào thì được quả nấy. Nhờ việc không vượt quá ranh giới của sự chừng mực mà con người mới có thể vượt qua những “nợ nần cơm áo” trong cuộc sống, mới có thể chấp nhận cuộc sống vốn có để được dễ chịu và thoải mái.

Nhờ tính chừng mực mà con người sống hài hòa với thiên nhiên, với tha nhân trên tinh thần quan tâm và chia sẻ. Phật giáo là tôn giáo của trí tuệ và từ bi nhưng có những người đi lễ chùa không phải vì giáo lý đạo Phật mà theo xu hướng đám đông nên đã có hành vi thiếu sự chừng mực như bẻ cành hái lộc, xả rác nơi chùa chiền hay thậm chí là trộm cắp trong khuôn viên nhà chùa. 

Tính chừng mực cũng giúp cho con người biết vừa đủ để có tâm lý ổn định, an lạc. Không khó để nhận thức được rằng, cõi Phật chứ có phải cõi âm đâu mà đốt nhiều tiền, vàng mã đến vậy. Hay công đức tiền ở chùa là để dành cho những hoạt động phật sự chứ có phải dành cho Đức Phật đâu mà sao người ta có thể nhét tiền vào tay tượng Phật? Bởi vậy không hiểu đạo thì dễ sinh ra thói mê tín dị đoan. Không có tính chừng mực lại thêm tâm lý chạy theo xu hướng đám đông nữa thì gây hệ lụy là điều dễ hiểu.

Sự phân biệt duy nhất trong Phật giáo giữa người với nhau là sự phân biệt dựa trên khả năng giải thoát, dựa trên đức hạnh. Đức Phật thấy ai cũng có Phật tính như ai nhưng sự giác ngộ của mỗi người mỗi khác. Mong rằng với sự thực hành tính chừng mực, mỗi người đi lễ chùa đầu năm sẽ cảm nhận được tình vị tha, lòng hướng thiện của tha nhân cũng như có được những an ủi tâm hồn. Từ đó, giúp mỗi người nhìn ra được những khó khăn đã trải qua trong suốt 1 năm vừa qua và đón chờ nhiều điều tốt đẹp hơn trong năm mới.

Trương Thị Hiền

(Trưởng khoa Sư phạm, Đại học Tây Nguyên)

NGUỒN: Lễ chùa đầu năm: Sự chừng mực tạo nên văn hóa (VNN 28/1/2024) [https://vietnamnet.vn/le-chua-dau-nam-su-chung-muc-tao-nen-van-hoa-2244478.html]

TIN LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét