Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

20240106. BÀI HỌC TỪ VỤ CHÁY MÁY BAY Ở SÂN BAY NHẬT BẢN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BÀI HỌC TỪ VỤ GIẢI THOÁT 379 NGƯỜI KHI CHÁY MÁY TẠI SÂN BAY HANEDA
KIM VĂN CHÍNH/ FB/TD 4-1-2024


1. Vụ máy bay Nhật hạ cánh va vào nhau gây cháy cả hai máy bay hôm qua là vụ tai nạn rất hi hữu ở Nhật Bản. Hồ sơ vụ tai nạn sau này sẽ được công bố. Tuy nhiên, việc toàn bộ 379 hành khách và phi hành đoàn sơ tán ra ngoài chiếc máy bay cháy như đuốc cho ta thấy người Nhật đã làm được điều phi thường trong tai nạn.
“90 giây để giải thoát”
Chuyến bay 516 của Japan Airlines bốc cháy khi hạ cánh xuống sân bay Haneda của Tokyo vào tối thứ Ba sau khi va chạm với một máy bay của Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản đang trên đường băng để bay tới hỗ trợ thảm họa động đất.
Ảnh: Máy bay của hãng Japan Airlines bốc cháy dữ dội sau vụ va chạm với máy bay của Lực lượng Tuần duyên Nhật. Nguồn: Reuters
Cảnh quay ấn tượng từ bên trong máy bay cho thấy, khói tràn ngập khoang hành khách, kể cả khi hành khách sơ tán, và video trên mạng tin tức cho thấy hành khách lao xuống hai cầu trượt bơm hơi và chạy khỏi máy bay khi ngọn lửa nhấn chìm phần động cơ.
Ngay sau đó, chiếc máy bay đã bị lửa thiêu rụi, bất chấp nỗ lực của lực lượng cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Chuyên gia Braithwaite cho biết, theo các quy tắc an toàn, các nhà thiết kế máy bay phải thỏa mãn điều: Là một chiếc máy bay có thể được sơ tán chỉ trong 90 giây và chỉ có 50% lối thoát hiểm nếu xảy ra tai nạn. Điều này đúng 100% đối với tai nạn hôm qua.
Tuy nhiên, ông nói, điều này dễ bị phá hỏng do sự hoảng loạn bao trùm máy bay sau một sự cố như hôm qua. Những hành khách dễ bị tổn thương, như trẻ em và người già, cần thêm thời gian để ra được đến nơi an toàn.
Ông nhận xét về quy tắc 90 giây: “Hãy nhớ rằng những bài kiểm tra như vậy không diễn ra trong môi trường căng thẳng cao độ (như vụ tai nạn hôm nay)”.
Ông cho biết, trong hoàn cảnh đó, thành tích sơ tán hành khách của phi hành đoàn trên máy bay Nhật thật là rất ấn tượng, không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận và chỉ có 17 hành khách bị thương nhẹ.
Chuyên gia an ninh hàng không Jeffrey Price gọi việc mọi người trên chuyến bay của Japan Airlines đều được sơ tán an toàn là một “phép màu”.
Price, giáo sư hàng không tại Đại học bang Colorado, cho biết: “Nó không chỉ nói lên hành động phi thường của phi hành đoàn, mà còn của chính hành khách khi có thể nhiều người ra khỏi máy bay một cách nhanh chóng trước khi nó hoàn toàn chìm trong biển lửa”.
Ông nói: “Điều kỳ diệu hơn nữa là các hành khách vẫn giữ bình tĩnh và không hoảng sợ, nếu hoảng loạn, tất yếu dẫn đến thêm hỗn loạn và nhiều thiệt hại về nhân mạng”.
Price cho biết, mặc dù có các đơn vị cứu hộ và chữa cháy máy bay tại các sân bay nhưng có thể mất tới ba phút hoặc hơn, trước khi lực lượng ứng cứu khẩn cấp có mặt tại hiện trường.
Ông nói: “Mất khoảng 90 giây để ngọn lửa cháy xuyên qua thân máy bay. Dựa trên những con số đó, hành khách và phi hành đoàn gần như phải tự mình xử lý trong khoảng từ một đến hơn hai phút đầu tiên trong trường hợp khẩn cấp trước khi có sự trợ giúp”.
Price nói thêm: “Đây là một ví dụ về việc sơ tán tai nạn đã diễn ra tốt đẹp”.
Braithwaite cho biết Japan Airlines từ lâu đã có cách tiếp cận "tuyệt vời" về an toàn của hành khách. Ông giải thích: “Sự cống hiến của họ trong việc cải thiện sự an toàn đã ăn sâu vào tổ chức và họ có văn hóa rất mạnh mẽ trong việc tuân thủ các quy trình vận hành tiêu chuẩn”.
2. Trải nghiệm cá nhân:
- Tôi cũng đã nhiều lần đi máy bay Nhật và hạ, cất cánh ở chính sân bay Haneda.
An toàn của hãng hàng không Nhật và văn hóa người Nhật rất khác. Ví dụ, đôi lần tôi được xếp ngồi ở ghế cạnh cửa thoát hiểm (những lần đó thường là tôi đi du lịch một mình). Chỗ ngồi đó rất rộng rãi vì phía trước ghế có cả 2 khoảng không rất rộng để duỗi chân…
Lần nào cũng vậy, tiếp viên đều đến hỏi tôi đã biết cách mở cửa thoát hiểm khi có sự cố chưa? Và họ hướng dẫn một lần nữa về cách mở cửa thoát hiểm.
Chưa hết, ngồi vị trí đó, mọi vật dụng cá nhân của mình không được để bất cứ thứ gì ở dưới chân, dù đó là túi xách nhỏ, giày hay máy ảnh… Tất cả các đồ cá nhân của mình được ưu tiên để trên khoang đồ phía trên…
Những chi tiết như vậy tôi chỉ thấy ở hãng Nhật…
- Văn hóa xếp hàng, nhường nhịn nhau và trật tự thì người Nhật nhất thế giới rồi. Xem video quay từ trong khoang hành khách hôm qua, tôi thấy hành khách Nhật họ rất trật tự, ngồi thấp sát sàn, không hoảng loạn kêu gào, không chen lấn thoát thân (kiểu phi thân qua cửa sổ như người Việt), rất trật tự trong khi chịu tai nạn và thoát ra khỏi máy bay.
3. Kết luận:
- Văn hóa của người Nhật đã giúp họ làm nên điều kỳ diệu hôm qua: Toàn bộ 379 hành khách và phi hành đoàn đã được giải thoát an toàn…
- Người Việt cần học người Nhật…

KHÔNG AI CẢ
NGUYỄN THÔNG/FB /TD 5-1-2024
Vụ cháy máy bay chở khách ở Nhật Bản rồi sẽ còn âm ỉ trong dư luận nhiều năm sau, không phải bởi "máy bay cháy" mà là "con người".
Người Nhật đã từ lâu gây ấn tượng đặc biệt với thế giới về phẩm chất đáng trân trọng của họ, nên vụ cháy này cũng chỉ góp phần khẳng định thêm thôi. Một quốc gia, một dân tộc tạo được và duy trì được đặc sản như thế quả là điều hạnh phúc, tự hào.
Tôi để ý, người Nhật, từ bình dân tới nhà lãnh đạo, rất ít khi "nổ" về thành tích của họ. Nổ hoàn toàn trái với phong cách của người Nhật.
Trong vụ cháy nói trên cũng vậy, khi thế giới hết lời khen ngợi sự xử lý sự cố thì người Nhật chỉ dùng những lời lẽ rất khiêm tốn. Theo báo chí Nhật tường thuật, Ban lãnh đạo Hãng hàng không Nhật Bản (JAL) đã "khen ngợi hành khách tuân thủ kỷ luật và hợp tác với phi hành đoàn để tất cả đều được sơ tán an toàn khỏi máy bay, trong đó có 8 trẻ em tuổi mẫu giáo. Đặc biệt là không ai trì hoãn để cố lấy hành lý của mình".
Họ nói về sự thần kỳ qua chi tiết rất bình thường "không ai trì hoãn để cố lấy hành lý". Người Nhật là vậy. Không ai cả. Xin ngả mũ cúi đầu trước họ, trong đó có 8 em bé tuổi mẫu giáo kia.
Chạnh buồn, nếu xảy ra cháy chiếc máy bay ở nước... khác, nước mà khi phi cơ chưa đáp xuống đường băng thì điện thoại đã được mở rào rào a lô a lô gọi người nhà ra đón, bánh xe vừa chạm đất thì tất cả nhất loạt đứng lên lấy hành lý cho chắc ăn, rồi máy bay vừa dừng thì người phía sau cố chen lên vượt người phía trước để được... ra trước vài phút, v.v... thì không biết hậu quả sẽ khủng khiếp tới mức nào.
Nếu xứ này thực sự cần phải chi 350 nghìn tỉ nhằm chấn hưng văn hóa, thì dùng hết số tiền ấy để tạo được "không ai cả" trong cộng đồng, chỉ một phẩm chất này thôi đã, cũng là điều cần thiết và xứng đáng.
Đó chỉ là ước vọng, chứ với con người xứ này, xã hội này, thể chế này, đám lãnh đạo này, dẫu một nghìn năm nữa vẫn không có, "không ai cả". Lúc bình thường đã tranh giành đạp lên nhau mà chết, huống chi trong đám cháy.

NGƯỜI NHẬT, KỶ LUẬT TRONG TAI NẠN
NHÃ DUY/ TD 5-1-2024


Có dịp sang Nhật và quan sát thì ắt nhiều người cũng ghi nhận được vài điều gì đó về tính cách chung của người Nhật qua các giao tiếp hay trong các sinh hoạt hàng ngày của họ. Với tôi thì hai điều nhỏ còn lưu lại là sự vệ sinh và trật tự nơi công cộng nhưng chúng lại cho thấy thêm về một tính cách đáng học hỏi từ người Nhật.
Tại những khu trung tâm Tokyo có khá ít hay thậm chí tôi không thấy thùng rác tại vài con đường nhưng đường phố vẫn rất sạch sẽ. Chỗ công cộng nếu có nhiều thùng rác sẽ giúp ngăn chận tình trạng xả rác bừa bãi, còn ở đây không có thùng rác mà người dân vẫn giữ được sạch sẽ, quả là một ý thức rất cao. Có người bảo tôi là họ giữ rác lại và mang về nhà bỏ chứ không vứt bừa xuống đường.
Thứ nhì là hành khách sử dụng các trạm xe điện ngầm rất kỷ luật, lên xuống các cầu thang cấp đi bộ chỉ một phía cố định, xuống phía trái và lên bên phải dù chỉ có một cầu thang chung và chẳng có ngăn cách. Họ không tùy nghi lên hay xuống lộn xộn, nhờ vậy mà ra vào hay lên xuống rất nhanh, lại chẳng va chạm nhau.
Có thể họ đã được huấn luyện từ nhỏ. Hoặc có thể đó là thói quen và lâu ngày trở thành một ý thức chung. Là gì thì tôi nghĩ cả hai điều trên thể hiện một tinh thần kỷ luật tự giác rất cao của người Nhật, giúp cho xã hội vận hành văn minh, hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Tinh thần kỷ luật cao độ của người Nhật thường được nhắc đến nhiều như sự thừa hưởng truyền thống và tinh thần hiệp sĩ đạo Bushido từ lâu đời. Bushido là sự can đảm, danh dự, tinh thần tự thắng, tự kỷ luật và đặt người khác lên trước mình. Điều này đã ảnh hưởng đến hành xử, ý thức và văn hóa của người Nhật.
***
Tôi nghĩ về những điều này khi đọc tin tức về tai nạn của chiếc phi cơ hãng hàng không Nhật - Japan Airlines (JAL) trong những ngày đầu năm mới. Chiếc phi cơ này khi hạ cánh xuống phi trường Haneda tại Tokyo đã đụng phải chiếc phi cơ của lực lượng tuần duyên, có thể đã hiểu lầm hiệu lệnh và tiến vào phi đạo thay vì chờ đến lượt mình. Nếu phi hành đoàn của lực lượng tuần duyên hầu hết bị thiệt mạng thì chuyến bay JAL516, với tổng cộng 379 hành khách lẫn phi hành đoàn 12 người, đều thoát hiểm an toàn chỉ trong một thời gian rất ngắn, sau 18 phút với chỉ ba trong số tám cửa thoát hiểm bởi phi hành đoàn quyết định chỉ sử dụng cửa thoát hiểm nào ngăn lửa và khói tràn vào phi cơ.
Truyền thông Nhật và thế giới gọi đây là phép lạ, ca ngợi sự chuyên nghiệp lẫn kỹ năng được huấn luyện tốt trong tác vụ của phi hành đoàn, đã bảo vệ cho tất cả hành khách được an toàn. Nhưng yếu tố quan trọng khác mà một vài hành khách trên chuyến bay khi được phỏng vấn đã cho biết là, chính thái độ bình tĩnh và tinh thần kỷ luật rất cao của hành khách mà tất cả họ đã được thoát hiểm an toàn.
Họ cho biết các, hành khách tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của các nhân viên phi hành đoàn, vẫn ngồi cúi đầu tại chỗ để tránh hít phải khói và đợi đến phiên mình được hướng dẫn sẽ lần lượt thoát khỏi phi cơ theo cửa thoát hiểm nào trong khi phi cơ đang bốc cháy phía ngoài.
Chính vì không hoảng loạn, không chen lấn dành sự sống cho riêng mình và gia đình, không ráng mang theo hành lý cá nhân mà tất cả họ cùng được sống sót vì chỉ vài phút sau cuộc thoát hiểm hoàn tất thì phi cơ đã bùng cao lửa và phát nổ. Khi không tranh giành mạng sống cho riêng mình thì họ đã tạo ra sự an toàn cho chính họ.
Kỷ luật đã giúp những hành khách Nhật lẫn gia đình họ sống sót trong tai nạn của chuyến bay JAL516 này. Tổn thất sinh mạng duy nhất trong tai nạn là phi hành đoàn đã không cứu được hai chú chó hay mèo gì đó trên chuyến bay, theo như thông cáo xin lỗi của JAL hôm nay.
Thử hỏi rằng nếu đây là chuyến bay của hãng hàng không Việt hay Trung Quốc trong tình cảnh này thì sẽ như thế nào?

VÀI Ý VỚI NHÃ DUY VỀ MỘT SỰ SO SÁNH
KRISHINA TRẦN/ TD 6-1-2024



Giống nòi lỡ bước văn minh chậm
Non nước đang chờ tiết khí cao
(Hoàng thân Vĩnh Sính trích dẫn cho quyển “Nhật Bản cận đại”)
Một chiếc máy bay của hàng không Nhật Bản lâm nạn tại Tokyo và mấy trăm hành khách thoát nạn trong vòng mười mấy phút, trong một tinh thần kỷ luật tuyệt vời, trước khi chiếc máy bay cháy rụi.
Khi tin này loan ra, tôi nghĩ ngay rằng, sẽ có những bài viết nào đó trên mạng xã hội, so sánh người Nhật và … người Việt.
Đúng như vậy. Nhã Duy, một tác giả khá quen thuộc trên trang Tiếng Dân, viết: “Người Nhật, kỷ luật trong tai nạn”, trong đó tác giả ca ngợi văn hóa và kỷ luật Nhật Bản, so với người Việt.
Chuyện tinh thần kỷ luật, trật tự, ngăn nắp của người Nhật, nước Nhật, vẫn thường xuyên làm cho cả thế giới thán phục, đâu riêng gì người Việt, đâu riêng gì Nhã Duy, mà tôi đây cũng thế.
Nhưng đọc bài của Nhã Duy xong, tôi thấy còn lấn cấn cái gì đó, đúng hơn là nhiều cái gì đó, mà không biết bắt đầu từ đâu.
Tôi bắt đầu bằng Samuel P. Huntington.
Một nền văn minh đầy sự riêng biệt
Huntington viết Sự xung đột giữa các nền văn minh (Clash between Civilizations) vào năm 1996, chưa đầy 10 năm sau khi khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Trong quyển sách này ông dự báo rằng, xung đột tương lai của thế giới sẽ không phải là ý thức hệ như cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản tự do và cộng sản toàn trị, mà là giữa các nền văn minh lâu đời khác nhau. Dự báo này chứng tỏ khá chính xác trong trường hợp cuộc chiến Ukraine hiện nay (xung đột giữa hai thế giới Thiên chúa Tin Lành và Chính thống giáo). Dĩ nhiên còn những nguyên nhân khác nữa của cuộc chiến tranh tàn khốc đang diễn ra gần hai năm nay, nhưng mục đích của tôi không phải là nói về xung đột. Điều tôi muốn dẫn từ cuốn sách của Huntington là việc chia ra các nền văn minh trên thế giới, trong đó Nhật Bản đứng riêng biệt.
Nhật Bản là một quần đảo, mặc dù chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, nhưng người Hán chưa bao giờ cai trị Nhật Bản. Chỉ có hai lần quân đội nước ngoài đặt chân lên lãnh thổ Nhật Bản, đó là những chiến binh Mông Cổ vào thế kỷ 13, trước khi bị tiêu diệt hết. Lần thứ hai là các đội quân Hoa Kỳ chiếm đóng Nhật Bản sau khi nước này thua trận chiến thế giới lần thứ hai. Trong lịch sử độc lập rất riêng đó, điều quan trọng là, ảnh hưởng của người Hán không phải là một ảnh hưởng cưỡng bức như đối với Việt Nam, với gần 1000 năm Bắc thuộc.
Sự độc lập đó tạo điều kiện cho Nhật Bản có thể lựa chọn những gì hay của văn minh Khổng giáo, kết hợp với triết học Phật giáo (cũng sang Nhật theo ngã Trung Hoa), tạo nên một nền văn hóa mạnh mẽ, nhiều sự tốt đẹp, cho riêng mình.
Hình ảnh các khán giả Nhật Bản đi nhặt rác trong các sân vận động quốc tế, hình ảnh đoàn người kiên nhẫn xếp hàng chờ cứu trợ sau thảm họa Fukushima, hay những clip ngắn cho thấy người Nhật theo nhau qua cửa thoát hiểm ở sân bay Tokyo, chính là kết quả của hàng ngàn năm độc lập phát triển một cách chọn lọc như thế.
Những điều kiện như thế không có ở Việt Nam, núi liền núi sông liền sông với một đế quốc quá hùng mạnh, có điều hay nhưng cũng lắm cái dở hơi. Nhật Bản cũng thoát nạn thực dân khi các võ sĩ đạo thức thời mở cửa buôn bán với phương Tây, ủng hộ Minh Trị canh tân đất nước, trong khi Thiệu Trị và Tự Đức còn mãi làm thơ chữ Hán khi pháo thuyền thực dân Pháp đã vào đến Đà Nẵng. Thoát nạn thực dân, sau đó thua trận nhưng bị Mỹ chiếm đóng, thay vì Liên Xô, Nhật Bản lại thoát khỏi chế độ toàn trị cộng sản, không như các sĩ phu, trí thức xứ An Nam, phải cậy đến phương pháp cộng sản để giành độc lập, để rồi rơi vào thêm mấy mươi năm lạc hướng.
Quả táo Fuji và trái cam sành
Đương nhiên chẳng có gì để so sánh giữa chúng với nhau cả.
Sau khi xem lại Huntington, tôi vào trang New York Times, để xem người Mỹ nói gì về chiếc máy bay Nhật Bản lâm nạn. Trong bài “Khi ngọn lửa bùng lên, trật tự ngự trị bên trong máy bay của Japan Airlines”, có tới gần 1000 bình luận của độc giả, mà có tới hai phần ba so sánh Nhật Bản và Hoa Kỳ. Đa số viết rằng, nếu chuyện đó xảy ra ở Mỹ, thì với ý thức quyền lợi cá nhân quá cao, người Mỹ hẳn chết nhiều lắm trong một tai nạn tương tự.
Các độc giả Mỹ này có lý hơn khi họ so sánh hai quả táo, Fuji và Pennsylvania, cùng là táo cả. Hai quốc gia hiện đại tương đương nhau, khoa học kỹ thuật tương đương nhau. Và bên cạnh những người than phiền tính cách văn hóa “Me First”, của người Mỹ, nhiều người khác viết rằng, câu chuyện Nhật Bản là câu chuyện văn hóa, không phải mới dạy dỗ trẻ em hôm kia thì hôm nay có được, mà là nó hun đúc cả ngàn năm.
Mà có khi hai quả táo Fuji và Pennsylvania cũng khó so sánh.
Hai vợ chồng một người quen của tôi, người gốc Việt sống ở Mỹ, đi du lịch Nhật Bản về. Chị vợ ca ngợi hết lời sự sạch sẽ của nước Nhật, chị ca cẩm là nước Mỹ so với Nhật thì dơ bẩn quả, vì nhiều di dân đến từ các nước nghèo khó, và vì thế nên hạn chế di dân như Nhật Bản.
Nhật Bản là một quốc gia rất đồng nhất về sắc tộc, và như thế dễ quản trị hơn một nước đa sắc tộc như Mỹ.
Anh chồng bèn trả lời, rằng Mỹ có nhiều người nhập cư, thế là không thiếu lao động, dân số không già đi như Nhật Bản. Được cái này thì mất cái kia, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.
Quả táo Fuji có sâu không?
Có chứ!
Cách đây hơn 20 năm, tôi thăm đền Đế Thiên Đế Thích, thấy một đoàn du khách Nhật Bản do một anh hướng dẫn viên người Việt hướng dẫn. Một ông cụ đi trước một bà cụ, rồi quay lại nói gì đó với bà cụ mà vẻ mặt có vẻ cáu giận. Tôi bèn hỏi anh hướng dẫn viên người Việt. Anh ấy dịch câu của ông cụ là: Đi nhanh lên đi chứ, cái đồ ngu ngốc! Anh cho biết thêm là, những câu nói của đàn ông Nhật Bản tương tự như vậy, rất thường xuyên được nói với vợ họ.
Chuyện phân biệt đối xử với phụ nữ là chuyện của nhân loại, nhưng chuyện đó đối với nhân loại Nhật Bản trầm trọng hơn nhân loại phương Tây, mà xem chừng có thể là trầm trọng hơn cả nhân loại Việt Nam. Gần đây, quốc hội Nhật bàn xem phải làm thế nào để giải quyết cái gọi là “rape culture” của xã hội Nhật Bản, trong đó người phụ nữ bị hãm hiếp mà không thể, hoặc không dám đưa thủ phạm ra ánh sáng.
Tỷ lệ người tự tử ở Nhật đứng hàng đầu thế giới. Cũng không rõ đó có phải do nguyên nhân tinh thần kỷ luật quá tuyệt đối, sức ép công việc lên cá nhân quá lớn hay không! Nhưng dù gì đi nữa, một dân tộc có tỷ lệ tự tử cao như vậy thì khó mà nói rằng họ hạnh phúc. Một nền văn hóa như thế nào mà dân chúng không được hạnh phúc, thì có lẽ cũng nên xem xét cho tường minh mà sửa đổi.
What if
Ở cuối bài, tác giả Nhã Duy đặt câu hỏi theo dạng… Nếu: Thử hỏi rằng nếu đây là chuyến bay của hãng hàng không Việt hay Trung Quốc trong tình cảnh này thì sẽ như thế nào?
Một độc giả của bài báo trên tờ NYT mà tôi đề cập trên kia, viết rằng, đã đi du lịch nhiều nơi ở châu Á, thấy rằng người Á châu, trong đó có cả người Trung Quốc, rất có kỷ luật.
“Nếu” tức là chưa có, và đang không có. Và mọi sự có thể đổi thay.
Một trong những người Việt Nam am hiểu Nhật Bản là Hoàng thân Vĩnh Sính (1944-2014), là giáo sư lịch sử và văn hóa Nhật Bản tại Canada. Ông viết một quyển sách tên là “Nhật Bản cận đại”, dành cho độc giả người Việt. Mở đầu quyển sách, ông trích dẫn hai câu thơ:
“Giống nòi lỡ bước văn minh chậm
Non nước đang chờ tiết khí cao”
Hai câu thơ này cũng hàm ý một sự so sánh. So sánh giữa nhanh và chậm, cao và thấp, nhưng khi đọc, tôi cảm nhận một sự cảm thông, hơn là lấn cấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét