Thứ Tư, 10 tháng 1, 2024

20240111. CÔNG, TỘI VÀ SÁM HỐI MUỘN TẠI VỤ VIỆT Á

   ĐIỂM BÁO MẠNG


CÔNG-TỘI PHÂN MINH
NGUYỄN DUY XUÂN / TVN 10-1-2024

Trong các vụ đại án được đưa ra xét xử gần đây, chuyện luận công - tội của các bị cáo luôn thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều bị cáo khi khai báo trước tòa đều kể lể, liệt kê công lao, thành tích trong quá trình công tác và mong tòa xem xét giảm án.

Tại phiên toà xét xử đại án “Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan”, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã liệt kê một loạt huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại để mong được hưởng lượng khoan hồng của luật pháp. Ông Long còn được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế và hơn 140 đồng nghiệp, trong đó có nhiều giáo sư, tiến sĩ, gửi công văn, đơn từ xin giảm án.

Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị cơ quan công tố nhận định đã lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ đạo cấp dưới can thiệp, giúp Công ty Việt Á trong quá trình cấp phép cũng như hiệp thương giá sản phẩm; gợi ý, đề nghị tổng giám đốc Việt Á chi số tiền đặc biệt lớn cho mình.

Vậy thì làm sao tin được 2,25 triệu USD cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận từ Phan Quốc Việt là "không yêu cầu, đòi hỏi", là “quà cảm ơn” và “rất công tâm”?

Làm sao tin được cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận trực tiếp từ ông chủ Việt Á cái túi đựng 200 ngàn USD mà không mảy may nghi ngờ, đến nỗi quên lãng trong góc phòng làm việc cả tháng trời, và bây giờ vật chứng ấy đã không cánh mà bay để rồi nay ông than thở trước tòa "Đau xót vì chưa có dịp trả lại 200.000 USD cho Việt Á"?

Nếu ông Ngọc Anh liêm chính thì làm gì mà không biết cái túi 200.000 USD vì nó có phải giấy lộn đâu.


Bị cáo Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khai báo trước tòa. 
Ảnh: TTXVN

Trong phần luận tội vụ Việt Á, Viện Kiểm sát nhận định trong bối cảnh cả nước gồng mình chống dịch, một bộ phận cán bộ cấp cao tại một số bộ ngành và địa phương đã thông đồng với doanh nghiệp tạo thành lợi ích nhóm và hưởng lợi.

Họ dám làm điều bất chính dù biết rất rõ là vi phạm pháp luật và đạo đức công vụ nhưng khi mọi việc đổ bể, các vị lại không dám chịu, không thực tâm nhận lấy trách nhiệm trước sai phạm tày đình do mình gây ra.

Trước đó, tại phiên tòa cấp phúc thẩm đại án “chuyến bay giải cứu” cuối tháng 12/2023, bị cáo Tô Anh Dũng, Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kể lể thành tích công tác, các loại bằng khen, giấy khen, huân chương, huy chương, thư cảm ơn của các tổ chức từ thiện. Thậm chí, bị cáo này còn liệt kê cả thành tích, bằng khen, chiến sỹ thi đua của… vợ mình.

Tại phiên phúc thẩm vụ án "tiếp tay" cho Công ty Nhật Cường trúng thầu, ông Nguyễn Đức Chung, Cựu Chủ tịch Hà Nội, trưng ra gần 100 bằng khen, giấy khen, huân chương và cả… bệnh án.

Trong vụ án buôn lậu xăng dầu, bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang) sau khi trần tình về các thành tích trong chiến đấu, công tác cũng đã trưng ra rất nhiều bằng khen, huân chương, huy chương, với 29 lần khen thưởng.

Có nhiều vụ án mà nhiều bị cáo đã kể lể dài dòng thành tích như bằng khen, giấy khen… trong nỗ lực làm giảm nhẹ tội lỗi.

Nhưng rõ ràng, công - tội là phân minh. Thậm chí, với những bằng khen, giấy khen từng đạt được trông công việc, trong sự nghiệp, họ đã chứng tỏ suy thoái khi phạm tội.

Các vụ án được đưa ra xét xử gần đây đều là đại án. Theo cáo buộc, tội của các bị cáo, nhất là những người từng là cán bộ lãnh đạo, là rất nghiêm trọng, gây tác hại to lớn cho đất nước và nhân dân. Các bị cáo phạm tội đều có chủ đích, có quá trình, không phải nhất thời gây ra.

Thế cho nên việc các vị vô tư liệt kê thành tích, giấy khen, là cố tình nhập nhèm công - tội trước tòa.

Nói một cách sòng phẳng, với những công lao, thành tích, đóng góp và các huân huy chương đó, họ đã từng được hưởng không dưới một lần bằng tinh thần, vật chất và cả đặc quyền đặc lợi trong quá trình công tác như đề bạt, thăng chức, nâng lương…

Bây giờ, sau khi phạm trọng tội, gây hại cho đất nước, làm nhức nhối dư luận, các vị lại còn đòi được ân hưởng lần nữa để được giảm án mà không chút hổ thẹn với lương tâm, với Nhà nước và với Nhân dân sao?

Nguyễn Duy Xuân

NGUỒN: Công - tội phân minh (TVN 10/1/2024)-Nguyễn Duy Xuân (https://vietnamnet.vn/cong-toi-phan-minh-2237562.html)

TIN LIÊN QUAN:

VỤ VIỆT Á: NHỮNG CỐNG HIẾN BỖNG TAN BIẾN

T.NHUNG/VNN 11-1-2024

Tại phiên tòa xét xử vụ Việt Á, khi được quyền nói lời sau cùng, các bị cáo bày tỏ ân hận, đau xót, nuối tiếc vì phải mất vài chục năm cống hiến, gây dựng sự nghiệp, tạo hình ảnh tốt đẹp, nhưng chỉ trong chớp mắt tất cả đã “tan biến”.

Hôm mở phiên xét xử 38 bị cáo trong vụ Việt Á, ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) được cảnh sát tư pháp dẫn giải từ xe chở phạm nhân vào TAND TP Hà Nội trong vòng vây của ống kính phóng viên.

Ông Nguyễn Thanh Long xuất hiện với tấm khăn nhỏ được khéo léo vắt trên tay, che đi chiếc còng số 8, như thể che đi nỗi hổ thẹn vì những sai phạm đã gây ra.

Tương tự, ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN) cũng xuất hiện tại tòa với tờ báo trên tay, che đi chiếc còng số 8.


Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: CTV)

Đến tối 9/1, phiên tòa xét xử vụ Việt Á tới phần 38 bị cáo được quyền nói lời sau cùng. Trong số các bị cáo, có những người trước đây từng giữ cương vị cao trong xã hội, nhiều lần phát biểu trước đông người, trước báo chí. Lần này, cũng là đứng trước nhiều người, trước báo chí, nhưng lời nói của họ giờ đây chỉ còn toàn những cay đắng, xót xa, ân hận.

Trong lời nói sau cùng, các bị cáo cho rằng họ đã phải mất vài chục năm cống hiến, gây dựng sự nghiệp, tạo hình ảnh tốt đẹp với gia đình, cơ quan, xã hội, nhưng chỉ trong chớp mắt tất cả đã “tan biến”.

Những lời sau cùng xót xa

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói "rất ân hận, đau khổ, xót xa" khi bản thân đã đánh đổ tất cả những gì đã học tập, rèn luyện, giữ gìn trong suốt 30 năm qua. Bị cáo thấy vô cùng có lỗi với gia đình, người thân, bạn bè và đồng nghiệp.

Trong khi đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng không giấu được “buồn đau, hối tiếc" khi bị cáo đã “vứt bỏ 34 năm luôn cố gắng, rèn luyện”.

Bị cáo Thăng cho biết đã “nhận thức sâu sắc" về sai phạm của mình, nhận ra mình đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và tỉnh Hải Dương. Bị cáo "xin nhận trách nhiệm về bản thân", để coi "đây là bài học đau xót, đắt giá nhất". 


Cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh (Ảnh: TTXVN)

Với sai phạm của mình, ông Chu Ngọc Anh bày tỏ sự "ân hận, đau xót” và nhận lỗi với vai trò người đứng đầu, đã làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp, ảnh hưởng đến những nhà khoa học phải cùng bị cáo đứng trước Hội đồng xét xử (HĐXX).

Bị cáo Chu Ngọc Anh xin HĐXX khoan hồng cho thuộc cấp vì những cống hiến không ngừng nghỉ gần 40 năm qua của họ. 

Lời sau cùng của bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN) cũng là những giãi bày, vô cùng đau xót khi sai phạm trong vụ Việt Á đã "lấy đi" quá trình lao động, học tập, cống hiến trong gần 37 năm công tác.

"Bị cáo năm nay đã gần 60 tuổi, trong người mang theo nhiều bệnh. Để có cơ hội được trở về với gia đình, xã hội, bị cáo kính mong HĐXX rộng lòng tha thứ, vận dụng các chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất", ông Hùng nói.

Trong vài phút trình bày lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Huỳnh (cựu Phó phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) cũng bày tỏ "ân hận, đau xót, hối tiếc" về những sai phạm đã xảy ra.

Ông Huỳnh nói rằng, trước khi để xảy ra sai phạm, trong quá trình công tác, bị cáo đã rất "tận tâm, tận lực", luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc được phân công.

Bị cáo Huỳnh không chỉ gửi lời xin lỗi tới Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế, người thân trong gia đình mà còn gửi lời xin lỗi đến những gia đình có người thân mất trong đợt dịch Covid-19. 

Trong đơn xin xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Thanh Long, một vị nguyên Viện trưởng đã nghỉ hưu viết: “Trong 45 năm công tác trong ngành y tế, tôi đã được làm việc cới GS.TS.BS Nguyễn Thanh Long… Với những cống hiến của GS.TS Nguyễn Thanh Long trong công tác phòng, chống dịch và trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, sức khỏe người dân, kính mong Quý cơ quan xem xét để có thể giảm nhẹ hình phạt cho GS. Long”.

Một vị nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng có đơn xin xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Thanh Long. Trong đơn ông viết: “GS.TS. Nguyễn Thanh Long là nhà khoa học, nhà quản lý giỏi, có kiến thức sâu rộng, luôn cầu thị, chịu khó học hỏi để cống hiến cho ngành y tế, đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng… Với tầm nhìn chiến lược, GS. Long đã đóng góp rất lớn trong việc xây dựng, phát triển hệ thống y tế dự phòng từ Trung ương tới địa phương…”                                               

Vị nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế mong HĐXX có thể giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Thanh Long.


NGUỒN:Vụ Việt Á: Những cống hiến bỗng 'tan biến' (VNN 11/1/2024) (https://vietnamnet.vn/vu-viet-a-nhung-cong-hien-bong-tan-bien-2237591.html)

TIN LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét