Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

20240117. ĐÃ 50 NĂM TQ CHIẾM HOÀNG SA CỦA VN!

  ĐIỂM BÁO MẠNG


TUYÊN BỐ VỀ 50 NĂM NGÀY HOÀNG SA BỊ TRUNG QUỐC CƯỠNG CHIẾM
BVN 16-1-2024


Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Geneve 1954, toàn bộ phần lãnh hải phía Nam vĩ tuyến 17 của Việt Nam do Pháp kiểm soát được giao lại cho quân đội Quốc Gia Việt Nam, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sau khi Việt Nam Cộng Hòa được thành lập dựa trên cơ sở kế thừa của Quốc Gia Việt Nam thì Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý hành chính của Việt Nam Cộng Hòa .
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, lợi dụng cuộc nội chiến ở Việt Nam, Trung Quốc đã đem quân đội đến cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa, giết hại 74 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam và chiếm đóng từ ngày đó đến nay .
Ngày 19 tháng 1 năm nay (2024), đã trải qua 50 năm, quần đảo Hoàng Sa đã mất vào tay Trung Quốc. Xét về quyền lợi của dân tộc, của tổ quốc Việt Nam thì quân Trung Quốc là bọn xâm lược, là kẻ thù của nhân dân Việt Nam. Những quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh vì chống quân xâm lược Trung Quốc phải được lịch sử Việt Nam dù bất cứ chính quyền nào quản lý, vinh danh như những anh hùng của dân tộc Việt Nam chống quân xâm lược Trung Quốc trong hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước.
Trước đây tổ chức Công Đoàn Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng Đài tưởng niệm Hoàng Sa ở Đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi, nhưng sự việc còn dang dở. Hôm nay đã gần 50 năm ngày mất Hoàng Sa, chúng tôi yêu cầu chính quyền:
1. Công khai thừa nhận 74 quân nhân VNCH đã hy sinh ở Hoàng Sa vì chống quân xâm lược Trung Quốc, bảo vệ biển đảo là sự kiện phải được ghi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam.
2. Xây dựng đài tưởng nhớ đến sự kiện lịch sử này.
3. Truyền thông rộng rãi cho nhân dân đặc biệt là các thanh thiếu niên luôn luôn ghi nhớ quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam bị quân Trung Quốc cưỡng đoạt bằng vũ lực, vi phạm luật pháp quốc tế.
4. Nhà cầm quyền tiếp tục đấu tranh kiên quyết, bền bỉ bằng mọi hình thức, biện pháp với Trung Quốc nhằm đòi lại Quần đảo Hoàng Sa về tổ quốc Việt Nam.
Ngày 15 tháng 1 năm 2024
(Quý vị nào muốn tham gia ký tên xin vui lòng gởi về email nui99bien@gmail.com để cập nhật)

50 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA: AI SẼ CÙNG HẸN ‘NĂM SAU ĐẾN
HOÀNG SA’?
Tuấn Khanh /BBC/BVN 16-1-2024
Kỷ niệm 50 năm Hải chiến Hoàng Sa nên là một dịp để người Việt lại cùng nhau cất lên tiếng nói vì chủ quyền, như đã từng cất lên trong quá khứ chưa xa. Bài viết của nhạc sĩ Tuấn Khanh gửi cho BBC News Tiếng Việt.
Cái tên Hoàng Sa được nhắc nhiều nhất có lẽ là vào năm 2014. Lúc đó, giàn khoan Hải Dương-981 được Bắc Kinh kéo tới, đặt trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cuộc thăm dò này được bảo vệ đến hơn 100 tàu đủ loại của Trung Quốc, biến tâm lý chống Trung Quốc ở cả Việt Nam bùng nổ, mọi người xuống đường, báo chí tố cáo, và những cuộc biểu tình trên đường phố Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội… không nhiều công an, an ninh kiểm soát như thường ngày.
Sau những giờ phút sôi động ấy, điều nhìn thấy – lần duy nhất sau 1979 – là hình ảnh của một quốc gia như đang cùng chung một ý nguyện chống ngoại xâm, và hơn thế nữa, là muốn bứt ra khỏi vòng tay ghì siết của cái gọi là tình đồng chí của Bắc Kinh.
Liên tục trong hơn một tháng đặt giàn khoan, gây hấn, đâm đụng tàu Việt Nam, vu cáo ngược trên truyền thông, Trung Quốc trở thành câu chuyện phản ứng trải dài khắp nước. Từ bạo động ở Bình Dương lan sang nhiều tỉnh, tận Hà Tĩnh.
Thậm chí, ở Sài Gòn còn có tin một vụ tự thiêu của của bà Lê Thị Tuyết Mai, 67 tuổi, trước Dinh Độc Lập ở Sài Gòn vào ngày 23 Tháng Năm, mà theo hồ sơ của công an thì bà là một Phật tử thuần thành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã để lại 6 tấm biểu ngữ chống Trung Quốc.
Đến tháng 6 năm 2014, ông Hoàng Thu, 71 tuổi, cựu binh Việt Nam Cộng Hòa, cũng tự thiêu tại bang Florida, Mỹ, để lại mảnh giấy ghi “Hai Yang 981 phải rời khỏi Việt Nam hải phận. Anh hùng tử, chí hùng nào tử”.
Nhiều người bình luận, rằng chuỗi phản ứng chống Trung Quốc trên cả nước lúc đó, là một kế hoạch của những người lãnh đạo Việt Nam cho nên mới có sự bùng phát lịch sử như vậy.
Có người còn nói, đó là cách giới thiệu lòng dân với những người trong hệ thống chính trị đang có khuynh hướng thân Trung Quốc. Điều đó có thể là sự thật vì cuộc biểu tình chỉ được thả lỏng từ ngày 11 cho đến ngày 18 tháng 5. Sau đó, những vụ trấn áp đã xuất hiện, nhiều người bị bắt, nhiều cuộc khởi động biểu tình cũng bị dập tắt.
Nhưng dù là thế nào đi nữa, những ngày ngắn ngủi đó thật cần thiết để hàng triệu người Việt Nam vô danh trên đất nước nhìn thấy nhau, nhìn thấy một nguyên khí quốc gia hừng hực chỉ lắng xuống, đợi thời điểm bùng lên trong một bối cảnh mà tình hữu nghị đỏ rực giữa hai đảng cộng sản Việt-Trung, chưa bao giờ hoàn toàn là ý đảng hợp lòng dân.
Những người từng tham gia biểu tình vẫn tiếc rằng những thời điểm sôi động đó bị chấm dứt quá sớm. Nhưng trên thực tế, bàn cờ Việt Nam-Trung Quốc đã vô cùng căng thẳng vào lúc đó.
Tin tức những cuộc bạo động tấn công vào các công ty xí nghiệp của người Trung Quốc đã khiến xuất hiện thành phần cực hữu của Trung Quốc lên giọng đòi một cuộc chiến tranh. Và sau các sự kiện như ở Bình Dương, Vũng Áng, nếu không kiềm chế được mọi thứ, sẽ là dấu hiệu của một cuộc loạn lạc lớn.
Cả Trung Quốc và Việt Nam cũng đều kiểm duyệt những tin tức nóng và gây sốc về tình hình chung. Còn tình hình trên biển thì tàu của Trung Quốc và Việt Nam cũng đã liên tục đâm nhau đến vài trăm lần.
Nhắc lại sự kiện này, để nhớ, một khi ngoại xâm đến cửa, không chỉ người Việt mà hệ thống chính trị nào cũng có một thái độ dứt khoát về Tổ quốc, Dân tộc. Sau vụ giàn khoan Hải Dương-981, tháng 5 năm 2014, mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc lạnh đi thấy rõ trong nhiều năm, thậm chí là đối xử với nhau nhiều thứ rất gay gắt.
Điều đặc biệt của cuộc biểu tình năm 2014 và câu chuyện Hoàng Sa là người ta nhìn thấy một nước Việt Nam tất cả đều đứng về một phía: Một tấm lòng, một ý nghĩa về Tổ quốc và Dân tộc.
Hình ảnh Việt Nam lúc đó còn cho thấy rằng có thể sức mạnh của Việt Nam chưa đủ để đối đầu với Trung Quốc, nhưng nhân dân luôn đứng sau lưng những người cầm quyền, khi họ chọn một thế đứng với lẽ phải, với đất nước và không bao giờ chịu khuất phục. Lịch sử Việt ngàn năm thời Lê – Lý – Trần như tái hiện trong khoảnh khắc.
Không chịu khuất phục: Đó cũng là hình ảnh của cuộc Hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vẫn chủ động trong một cuộc chiến tranh không cân sức, thà chết chứ không đầu hàng, không buông tay cho kẻ thù lấn chiếm đất đai của tổ tiên. Và có như vậy thì Hoàng Sa mới trở thành một câu chuyện lịch sử về kẻ cướp và người chống kẻ cướp.
Tất cả những dữ kiện lịch sử đó được ghi lại bằng máu và mãi mãi không bao giờ phai mờ, bất chấp Trung Cộng đã đổ không biết bao nhiêu tiền của để mồm loa mép giải nói đó là đảo của họ.
Có người nhắc rằng kỷ niệm 50 năm cuộc chiến Hoàng Sa, nếu Việt Nam không kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì chúng ta sẽ mất mãi mãi. Vấn đề pháp lý cũng quan trọng, nhưng ý nguyện của một quốc gia thống nhất mới là quan trọng hơn cả. Tây Tạng không đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, nhưng thế giới vẫn nói đó là một cuộc đánh chiếm.
Ngay cả lúc này khi tìm dữ liệu trên các trang mạng, tin tức vẫn còn nói rõ rằng Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ chính thể Việt Nam Cộng Hòa – mà Việt Nam Cộng Hòa là một bộ phận của Việt Nam có khác biệt chính trị, chứ không phải là một quân thù nào như những ngôn ngữ tuyên truyền vẫn còn nói đến tận bây giờ.
50 năm của Hoàng Sa là lúc để nhìn lại điều đau xót, là một phần đất nước đã rơi vào tay kẻ cướp. Có chiến thắng pháp lý cũng chưa chắc chúng ta đã có lại được đất đai xưa, và ngay cả có chiến tranh cũng chưa chắc đó là một cuộc chiến dứt khoát để giành lại hoàn toàn.
Vậy thì điều cuối cùng mà người Việt có thể tìm thấy – như là một vận hội, một cơ may – là cả dân tộc và những người cầm quyền đều cùng đứng về một phía, đoàn kết, buông bỏ những ngôn từ gươm giáo chống lại anh em của mình. Đất nước thực sự thống nhất để nhìn về một tương lai độc lập mà không hề chung vận mệnh với kẻ cướp.
Năm 2014 nhắc vào lúc cao trào của tình dân tộc, tất cả mọi tôn giáo đều lên tiếng, bất luận đó có bị coi là hoạt động tín ngưỡng bất hợp pháp đi nữa. Không chỉ trong nước, mà cả hải ngoại, hơn 3 triệu người Việt sống xa quê hương cũng sôi sục vì vận mệnh Tổ quốc, trong đó có không ít những tổ chức chính trị bất đồng với nhà nước.
Nhiều cuộc biểu tình phản đối trước các đại sứ quán của Trung Quốc tại nhiều nước đã diễn ra, người ta nhìn thấy cờ đỏ sao vàng đứng cùng cờ vàng ba sọc đỏ: Trong nguy nan, người Việt chỉ nhìn thấy nhau bằng quê hương.
Trên facebook, đều đặn mỗi năm, tôi nhìn thấy một người quen ở Hà Nội vẫn để dòng trạng thái là “Năm sau đến Hoàng Sa”. Lời nhắc thầm lặng chỉ vài chục năm nay, nhưng mang sức nặng của cả dân tộc Do Thái ngàn năm khi mơ được trở lại cố hương.
“Sang năm đến Hoàng Sa” là một lời hẹn lòng, là một lời cam kết thầm lặng của những người Việt yêu nước. Đó còn là một kim chỉ nam bằng máu, có giá của biết bao nhiêu người yêu nước đang phải chịu tù đày vì chống Trung Quốc, rằng nếu cùng chung một lời cam kết với nhân dân thì sẽ có tất cả, hoặc mất tất cả.
T.K.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả Tuấn Khanh, một nhạc sĩ, người viết tự do tại Sài Gòn.
Nguồn:

CHUYỆN KỂ BÊN LỀ VỀ HẢI CHIẾN HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA
LÊ QUANG NGỌ và LÊ QUÝ TRỌNG / TD 16-1-2024
Thời gian trôi qua nhanh quá, mới đó mà quần đảo Hoàng Sa đã không còn thuộc về đất mẹ Việt Nam của chúng ta đúng nửa thế kỷ. Sự kiện hải chiến Hoàng Sa là sự đụng độ giữa Hải quân Trung Quốc và lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng đang hòa trấn giữ quần đảo lúc bấy giờ, nhưng lại ảnh hưởng đến nhận thức và tư duy của bên thứ ba liên quan, đó là chính quyền Hà Nội.
Sự kiện đau buồn đó diễn ra vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán, bởi vậy không khí đón Xuân Giáp Dần 1974 ở Hà Nội có phần đặc biệt hơn so với những những năm trước. Tuy đài Tiếng nói Việt Nam cùng với đài Phát thanh Hà Nội và hàng loạt số báo Tết đưa tin, khả năng thắng lợi đang cận kề cho phe mình, nhưng người dân Hà Nội vốn nhạy bén với tình hình chính trị bởi thường xuyên nghe lén “đài địch”, cho nên bên cạnh việc chúc tết nhau, họ cũng sầm sì kể cho nhau nghe tin thời sự nóng hổi đang diễn ra.
Đó là cuộc chiến diễn ra trên một quần đảo, mà cho đến thời điểm đó, đa số người dân Hà Nội cũng như người dân miền bắc Việt Nam mới biết rằng, lãnh thổ Việt Nam không chỉ một dải đất hình chữ S với những hòn đảo nằm trải dài gần đó, mà còn có một phần lãnh thổ với tên Hoàng Sa xa xôi. Giống như phần lớn người dân trên thế giới chỉ biết đến cái tên Titanic sau khi con tàu này đắm chìm năm 1912, người dân miền bắc Việt Nam lúc đó cũng chỉ biết đến cái tên Hoàng Sa khi nó không còn thuộc về lãnh thổ Việt Nam, bởi nó vừa bị người láng giềng “vừa là đồng chí, vừa là anh em” (1) cưỡng chiếm.
Trong những ngày nghỉ tết năm Giáp Dần 1974 đó, ngoài các đơn vị thuộc các lực lượng vũ trang bận rộn với việc trực chiến bảo vệ an ninh thủ đô, còn có một cơ quan dân sự không được phép nghỉ, mà phải làm việc với tinh thần khẩn trương, đó là Thư viện Khoa học Xã hội, có trụ sở tại số 26 phố Lý Thường Kiệt, thuộc khu Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo lời kể của bác Lê Công Quảng (đã mất) – khi đó đang làm việc tại thư viện này và trú quán tại số 48 phố Hàng Bài – cho tác giả bài này biết rằng: Theo chỉ thị của thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong những ngày đầu năm, bác Quảng cùng với những người có chuyên môn trong thư viện được huy động cấp tốc, lục tìm trong các thư tịch cổ mà thư viện quản lý, kiểm tra xem có văn bản nào nêu rõ Hoàng Sa thuộc chủ quyền đất nước ta hay không?!
Ảnh: Nơi đây từng là địa chỉ của Thư viện Khoa học Xã hội thời bao cấp. Nguồn: Tác giả gửi Tiếng Dân
Khi chỉ thị cho Thư viện Khoa học Xã hội tìm kiếm bằng chứng chủ quyền của Việt Nam với cái tên Hoàng Sa, có thể ông Phạm Văn Đồng đã giật mình và phần nào nhận ra sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông ta. Ngày 14-9-1958, do thiếu hiểu biết, cũng như thói quen muốn lấy lòng “thiên triều” của một nước chư hầu đã thành nếp, nên ông Đồng vội vã thảo công hàm “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”.
Như vậy, Phạm Văn Đồng không chỉ một lần bị tai tiếng liên quan đến bức Công hàm năm 1958, khiến Việt Nam rơi vào thế bất lợi trong các giải pháp đòi lại Hoàng Sa bị phía Trung Quốc cưỡng chiếm. Việc cho kiểm tra xem Hoàng Sa có thực sự thuộc về chủ quyền Việt Nam hay không vào những ngày đầu xuân Giáp Dần 1974, cho thấy, điều mà nhà báo Lê Phú Khải viết trong hồi ký Lời Ai Điếu của ông về Phạm Văn Đồng là hoàn toàn chính xác: “Dưới mắt tướng Qua thì Phạm Văn Đồng là con người chủ quan, bốc đồng và rất vô tích sự”, bởi ông ta “Tuy là thủ tướng nhưng không làm gì” (2).
Việc Phạm Văn Đồng cho kiểm tra chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, còn cho thấy “những bộ óc siêu việt” của chính quyền Hà Nội đã bị “sốc” nặng và niềm tin “kiên định” mù quáng vào sự giúp đỡ chí tình của “đồng chí, anh em” Trung Quốc với sự nghiệp giải phóng dân tộc đã bị lung lay. Cộng sản Bắc Việt bị rơi vào tình thế khó xử, không những bị đối phương lên án, mà còn bị dân chúng chê trách.
Tuy vậy, hoặc là do sự ngây thơ chính trị cố hữu, hoặc do ngu dốt và để trấn an những người thuộc cấp, Lê Đức Thọ lúc đó vẫn lên gân phát biểu rằng: “Hãy yên tâm, Hoàng Sa trong tay các đồng chí Trung Quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền tay sai của đế quốc Mỹ”, theo lời nhà báo Bùi Tín (3).
Còn theo lời kể của GS Hà Văn Thịnh với RFA, Hoàng Tùng, từng là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nói rằng: “Vì ta bận đánh Mỹ, không có thời gian và chưa đủ khả năng để giải phóng Hoàng Sa nên nhờ bạn Trung Quốc giải phóng. Sau này mình thống nhất đất nước rồi phía bạn sẽ trả cho mình” (4).
Nhưng dù sao thì sự thật phũ phàng đó cũng đã giúp cho nhà cầm quyền Hà Nội sáng mắt, hiểu rõ thêm bản chất tham lam vô hạn của người hàng xóm phương Bắc, cho nên Bộ Quốc phòng Bắc Việt đề ra kế hoạch giải phóng quần đảo Trường Sa ngay từ tháng 10 năm 1974. Theo lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Sự kiện Trung Quốc tiến công quân ngụy, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc ngày 20-1- 1974, càng cho thấy tầm chiến lược của những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông. Nhãn quan chiến lược quân sự của Bộ thống soái tối cao, đã nhìn rõ vấn đề. Cần tổ chức giải phóng kịp thời phần đất này. Nếu chậm, để quân đội nước khác xâm chiếm nơi đây, tình hình sẽ rất phức tạp” (5).
Cứ tưởng rằng sau đó chính quyền Hà Nội sẽ rất cảnh giác với người láng giềng “núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Đông, mối tình hữu nghị sớm như rạng đông” này, nhưng không! Năm 1988, Việt Nam lại bị Trung quốc cưỡng chiếm mất thêm bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Việc phán ứng yếu ớt của Hải quân Nhân dân Việt Nam, cũng như những tổn thất trước sự tấn công của Trung Quốc đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về việc: Không được nổ súng hay không được nổ súng trước (6). Nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự cưỡng chiếm này vẫn là do phía Việt Nam chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Tháng 9 năm 1988, những người viết bài này có cơ duyên gặp một người lính Hải quân Việt Nam đóng trên quần đảo Trường Sa, vừa xuất ngũ. Anh kể lại rằng, ba thực thể mà Trung Quốc muốn chiếm là những rạn đá san hô ngầm, khi nổi khi chìm theo sự lên xuống của thủy triều, những rạn đá san hô này đang được nâng dần lên khi kiến tạo của vỏ trái đất hoạt động. Lực lượng trấn giữ quần đảo đã phát hiện điều đó, nên báo cáo về đất liền để tìm cách gấp rút dựng bia chủ quyền của Việt Nam lên trên những rạn đá san hô đó.
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam khi đó là tướng Đoàn Khuê, cho rằng các thực thể san hô này đang nằm trong vùng biển kiểm soát của Việt Nam, sau khi phía ta xây dựng và tôn tạo, nâng cao bề mặt rồi dựng bia chủ quyền cũng chưa muộn.
Vẫn theo lời kể của người cựu binh này thì Trung Quốc lúc đó đã hơn hẳn ta trình độ hiểu biết về hải dương học trên biển Đông, nên họ có những âm mưu được tính toán từ lâu. Ngày 14-3-1988 Trung Quốc nhanh chân đi trước một bước, “khi các tàu vận tải cùng bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao thì nhiều tàu chiến Trung Quốc ngang ngược lao đến, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 (đảo Gạc Ma), HQ-605 (đảo Len Đao) và HQ-505 (đảo Cô Lin). Quân Trung Quốc sau đó đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Việt Nam, nổ súng vào bộ đội” (7).
Ảnh: Từ trái sang phải: Ba rạn đá san hô có tên là đá Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao. Ngày 14-3-1988, một cuộc đụng độ quân sự đã diễn ra tại đây giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nguồn: Wikipedia
Ảnh: Xung đột giành quyền kiểm soát tại Quần đảo Trường Sa năm 1988. Nguồn: Wikipedia
Nhân dịp 50 năm sự kiện Hoàng Sa, chúng tôi xin được kể bổ sung đôi chuyện bên lề, cũng là để tất cả những người Việt Nam chúng ta, dù ở chân trời góc biển nào trên trái đất này, biết thêm những góc khuất của lịch sử đất nước và cũng thấu hiểu thêm giá trị của câu nói: “Mình phải như thế nào thì người ta mới … thế chứ”, bởi nó hoàn toàn đúng khi được vận dụng để giải thích mọi sự việc trên đất nước này.
Chú thích:
2. https://baotiengdan.com/.../loi-ai-dieu-hoi-ky-le-phu.../ (Phần: Nhân vật thứ hai được tướng Qua luôn nhắc đến là Phạm Văn Đồng, thủ tướng lâu năm)
NGUỒN:


50 NĂM NGÀY MẤT HOÀNG SA!
TRƯƠNG NHÂN TUẤN/FB 17-1-2024
1. Cảm nghĩ của tôi về 50 năm ngày VN mất Hoàng Sa cho TQ, là cả một sự ngậm ngùi, xót xa, tiếc nuối pha lẫn một chút phẫn nộ. Tình hình ở Hoàng Sa có thể đã không tệ hại như ngày hôm nay, nếu 50 năm trước hai bên VN biết đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích của phe phái, chủ nghĩa.
Trước đây hai thập niên, một quan chức VN trách nhiệm về phân định ranh giới giữa VN với TQ có cho rằng vấn đề ranh giới giữa VN và TQ càng để lâu càng khó. Hôm nay, ý kiến của tôi đối với vấn đề Hoàng Sa, là “rất khó”, tình hình phải nói là tệ hại.
VN có thể mất cả chì lẫn chài. Mất chủ quyền HS và mất hàng trăm ngàn cây số vuông biển.
2. Theo tôi, nhân 50 năm ngày mất HS, nhà nước VN cần phải có một động thái, cho dầu chừng mực, để nhắc nhở toàn thể quốc dân và cộng đồng quốc tế rằng VN không bao giờ từ bỏ các lãnh thổ đã bị mất của mình.
Tôi chỉ có mong muốn là nhà nước VN sẽ long trọng ra tuyên bố trước quốc dân VN và cộng đồng quốc tế, qua văn phòng TTK LHQ. Thứ nhứt Rằng VN có đầy đủ chứng cứ lịch sử và các cơ sở pháp lý để chứng minh VN có chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thứ hai Rằng TQ đã vi phạm luật pháp quốc tế và hiến chương LHQ khi TQ sử dụng vũ lực vào ngày 17 đến 19 tháng giêng năm 1974 để xâm chiếm Hoàng Sa lãnh thổ của VN.
VN yêu cầu cộng đồng các nước trên thế giới, các quốc gia yêu chuộng hòa bình và tôn trọng luật lệ quốc tế, nhìn nhận thực tế này và ủng hộ VN trong nỗ lực đòi lại công lý.
VN cần phải lên tiếng trước ngày 19 tháng giêng 2024. Bởi vì một tranh chấp về lãnh thổ sẽ không bị chi phối ở vấn đề thời hiệu.
Nhưng vấn đề kế thừa thì có. Một danh nghĩa, cũng như một tài sản, nếu những người thừa kế không làm thủ tục để kế thừa thì quyền kế thừa sẽ mất đi theo thời gian. VN hôm nay chưa có bằng chứng rõ rệt về sự chuyển giao danh nghĩa chủ quyền từ phía VNCH. Bởi vì Hoàng sa là một lãnh thổ do VNCH quản lý đã bị mất về tay TQ.
3. Chiếu theo luật lệ quốc tế hiện hành là không có văn bản nào thuộc công pháp quốc tế nói về điều này. Các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, như tranh chấp giữa Anh quốc và Argentine về chủ quyền quần đảo Malouines tính ra đã trên 100 năm. Tranh chấp vẫn còn tiếp diễn đến nay. Một khi quốc gia không từ bỏ thì tranh chấp vẫn tồn tại. Tuy nhiên, không phải là khi "không có luật qui định" thì mình "ngâm tôm" đến bao giờ cũng được. Phán quyết của Tòa Công lý quốc tế giữa nước Úc và đảo quốc Nauru cho ta kinh nghiệm rằng nếu một bên để quá lâu thì tòa sẽ không thụ đơn nữa.
Qui chiếu qua vụ khác, Cambodge kiện Thái lan vụ ngôi đền Preah Vihear năm 1960. Tòa xử Cambodge thắng kiện, vì trong một thời gian dài phía Thái lan im lặng, không phản đối tấm những sai lầm trong văn bản phân định biên giới. Tức là Thái lan đã chấp nhận thực tế này.
Tức là yếu tố thời gian vẫn có ảnh hưởng đến hồ sơ kiện tụng.
ngoài ra còn những yếu tố khác có thể ảnh hưởng yêu sách chủ quyền của VN tại HS và TS.
Người ta ăn cướp của mình vật gì đó thì mình có thể đòi lại được, bất chấp thời gian dài ra sao. Nhưng khi mình nhìn nhận quyền ở hữu vật đó thuộc người khác rồi thì mình không có cách nào dành lại.
Đó là trường hợp công hàm 1958 của PVĐ. Công hàm 1958 của VNDCCH là một “Tuyên bố đơn phương”, nội dung công nhận và ủng hộ các yêu sách về hải phận và chủ quyền lãnh thổ của TQ qua Tuyên bố ngày 4-9-1958.
Nhắc lại sự kiện này ta thấy rõ ràng là VN rất kẹt.
Mặt khác, về phương diện kế thừa, VNDCCH luôn gọi VNCH là “ngụy, tay sai đế quốc Mỹ”. Một chính phủ bị xem là “tay sai đế quốc”, là “ngụy”. Thì cách nào VN bây giờ có thể kế thừa danh nghĩa của VNCH ?
Tức là ngoài vấn đề thời hiệu còn cá các yếu tố khác, như các tuyên bố đơn phương hay các quan điểm chính thống đại diện quốc gia VN trên vấn đề lãnh thổ.
4. Theo tôi thấy, về vấn đề chủ quyền, thì VN không có chương trình nghị sự nào hết cả. Về chồng lấn hải phận cũng như các tranh chấp về khu vực đánh cá truyền thống cũng không thấy có điều gì cụ thể. Năm 2008 VN và TQ ký “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển”. Năm 2011 hai bên ký thỏa thuận xác định các nguyên tắc cơ bản định hướng cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Văn bản này có đề cập đến việc phân định hải phận ngoài cửa vịnh Bắc bộ. Đến nay đã là 13 năm rồi nhưng ta không thấy bất kỳ một tiến bộ nào.
Theo tôi VN từ năm 2020 đến nay đã lâm vào tình trạng bế tắc toàn diện.
Điều tệ hại là VN đã im lặng trước công hàm của TQ gởi văn phòng TTK LHQ đề ngày 17 tháng tư năm 2020. Ta gọi đây là “cuộc chiến công hàm tại Ủy ban ranh giới thềm lục địa”. Nội dung công hàm này TQ đã khẳng định VN đã nhìn nhận chủ quyền HS và TS thuộc về TQ, qua công hàm 14-9-1958, còn gọi là công hàm Phạm Văn Đồng. TQ cho là VN đã bị “estoppel”, tức vi phạm nguyên tắc “không được nói ngược”. VN bây giờ không thể lên tiếng yêu sách bất cứ một thứ gì về chủ quyền HS và TS. Tức VN bị mất tố quyền rồi. Thực tế cho thấy đến nay đã 4 năm mà ta thấy VN hoàn toàn im lặng trước sự kiện này. Tập quán quốc tế công nhận rằng thái độ im lặng của một quốc gia trước một vấn đề có liên quan buộc quốc gia phải có thái độ, thì sự im lặng của quốc gia đồng nghĩa với sự đồng thuận của quốc gia trước sự kiện này. Tức là VN nhìn nhận rằng những gì TQ nói trong công hàm 17-4-2020 là không có điều gì cần bàn cãi nữa.
Tức là vấn đề Hoàng sa nói riêng, vấn đề tranh chấp Biển Đông nói chung, VN hoàn toàn bế tắc. Vì vậy câu nói “càng để lâu càng khó” đúng hơn bao giờ hết.
5. Theo tôi thấy VN hay phô trương những sáng kiến về ngoại giao hay quốc phòng của mình, như “ngoại giao cây tre” hay quốc phòng lập trường 4 không.
Ngoại giao cây tre không có ý nghĩa gì cả, ngay cả khi nói về tính mềm dẻo của VN trong phương diện ngoại giao. Bởi vì nguyên tắc cơ bản của ngọai giao của bất kỳ một quốc gia là bảo vệ hay bảo lưu lợi ích của quốc gia bằng tiếng nói, bằng luật lệ. Nếu không mềm dẻo, khéo léo thì nhà ngoại giao làm sao đạt được kết quả ?
Trong khi sự uống éo, ngả qua ngả lại của cây tre VN thể hiện một đối tác không đáng tin cậy.
Còn chính sách quốc phòng 4 không là VN hoặc nói những lời thừa thải, hoặc nói những điều bất lợi cho mình. Thừa thải ở ba điều “liên kết nước này chống nước kia”, “sử dụng lãnh thổ VN chống nước khác” và “không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Bởi vì các điều này đã bao gồm, hàm ý hoặc chủ ý, trong Hiến chương LHQ rồi.
Điều bất lợi Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự. Nếu liên minh này nhằm để tự vệ, để bảo toàn lãnh thổ, để bảo vệ lợi ích chính đáng của VN thì tại sao không liên minh ? Vô hình trung VN đã đóng lại cánh cửa có lợi cho mình.
Tình hình quốc tế hiện nay hiện có những thay đổi lớn về địa chính trị. Ngoài ra còn có những đe dọa tiềm tàng ở khu vực Biển Hoa Đông, như đe dọa chiến tranh Nam, Bắc Triều tiên, đe dọa chiến tranh TQ đánh Đài loan với danh nghĩa thống nhứt đất nước. Khu vực Biển Đông chắc chắn không tránh khỏi với Phi và VN trong tầm nhắm của TQ.
VN vừa tham gia vào sáng kiến “Vành đại, con đường” của TQ đồng thời hợp tác với đại cường này trong việc “xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai”. Tức là VN thực sự lo ngại TQ, hy vọng việc hợp tác tích cực với TQ để tránh trở thành trở thành một Ukraine ở Châu Á.
Trước đó thì VN cũng nâng cấp quan hệ với Hoa kỳ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Trên lý thuyết mức quan hệ này là cao nhứt trong các quan hệ ngoại giao của VN. Nhưng hiện thời VN và Mỹ chưa có điều gì thực chất, xứng tầm với mức quan hệ thân thiết giữa hai bên. VN vẫn tiếp tục ra tay đàn áp, bắt bớ mọi tiếng nói bất bình, cho dầu rất ôn hòa. VN cũng không nương tay với bất kỳ nhánh tôn giáo nào đứng ngoài vòng kiểm soát của họ. Mỹ nâng cấp quan hệ với VN trong khung cảnh VN triệt để đàn áp nhân quyền và cũng không có một chút hơi thở dân chủ nào.
Về phía VN thì VN yêu cầu Mỹ nhìn nhận VN có nền “kinh tế thị trường”. Vấn đề là VN chưa cắt cái đuôi “định hướng XHCN” thì Mỹ làm sao công nhận được ? Kinh tế quốc doanh của VN hiện thời vẫn là kinh tế chủ đạo.
Thực tế ta thấy lúc nào VN cũng để TQ lên trên Mỹ một hoặc hai cấp.
Đối với tôi, những người mong ước một VN ngày càng tốt đẹp hơn. Ta phải nhìn nhận rằng thế giới đã thực sự bước vào một khúc quanh mà trong đó lợi ích kinh tế, lợi ích chiến lược quan trọng hơn các lý tưởng về nhân quyền hay về sự ưu việt của chế độ dân chủ. Tức là VN với chính sách quốc phòng 4 không hay với ngoại giao cây tre theo tôi chỉ hình thức bề ngoài, giai đoạn. Nó không giúp ích gì cho VN thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. VN vẫn là một chế độ độc tài chuyên chính, ngày càng thờ ơ với lợi ích của đất nước, cũng như ngày càng ác độc với dân chúng của mình hơn.
6. Về vấn đề chủ quyền HS, TQ đã có những bảo lưu pháp lý theo đó TQ loại trừ các phương cách giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hay bằng một tòa án quốc tế. Về tranh chấp hải phận, phát sinh từ các yêu sách đối kháng về hiệu lực các đảo, thì VN đã cùng TQ ky kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”. Theo nội dung này các tranh chấp giữa VN và TQ trên Biển Đông sẽ được hai bên giải quyết thông qua hiệp thương hữu nghị. Vì vậy theo tôi VN không thể sử dụng các dụng cụ pháp lý để kiện TQ, như trường hợp Phi đơn phương kiện TQ tại tòa Trọng tài Thường trực tháng 7 năm 2016.
Dụng cụ pháp lý khả thi, giúp VN trách khỏi các ràng buộc vì các cam kết song phương giữa VN và TQ, theo tôi có thể là phương pháp “actio popularis”. Đại khái VN vận động ngoại giao sao cho một số quốc gia có cùng chung mục tiêu chống lại yêu sách phi lý về biển đảo của TQ. Các quốc gia này đồng ý nhìn nhận hiệu lực của phán quyết 14 tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực tại La Haye. Nên biết phán quyết này không nhằm phân xử Phi hay TQ bên nào đúng bên nào sai mà chỉ có mục đích “giải thích” và cách áp dụng Công ước LHQ về Biển 1982”. Các quốc gia sau đó cùng đệ đơn lên một tòa án, thí dụ Tòa Án về Lật biển hay Tòa Công lý quốc tế, để yêu cầu Tòa ra một ý kiến “erga omnes”, tức là phán quyết của Tòa PCA có hiệu lực cho tất cả các bên trong khu vực Biển Đông. Vận động được chuyên này VN không kiện mà thắng kiện đối với TQ.
VN cũng có thể liên kết với các quốc gia “có cùng chung hoàn cảnh” với mình như Phi, Mã lai, trong chừng mực Indonesie để thống nhứt về một bộ qui tắc ứng xử nhằm đối phó với thái độ câu giờ, không thực tâm đàm phán của TQ để có một bộ qui tắc ứng xử có giá trị pháp lý ràng buộc ở Biển Đông.
7. Chúng ta nói chuyện hôm nay về chủ quyền Hoàng sa và các vấn đề pháp lý trong khi luật lệ quốc tế hiện thời đang bị Nga chà đạp trong cuộc chiến xâm lược Ukraine. Trong lúc luật quốc tế bị xâm hại do Do thái mở mặt trận càn quét quân khủng bố Hamas trong dãi Gaza. Nam phi hiện thời đang nộp đơn kiện Do thái ra trước Tòa Công lý quốc tế về việc dự phòng nạn diệt chủng có thể diễn ra ở Gaza. Mỹ và các quốc gia Châu Âu đứng về phía Israel trong khi hầu hết các quốc gia còn lại ủng hộ dân Palestine. Ta thấy các nghị quyết của LHQ chỉ có giá trị như tờ giấy lộn. Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ chấm dứt và từ nay sẽ là “cá lớn nuốt cá bé”. Điều cuối cùng vì vậy tôi muốn nói là khi luật lệ không còn thì VN phải “tự lực tự cường”, sao cho VN có đủ khả năng bảo vệ lợi ích của mình.
TRƯƠNG NHÂN TUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét