Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

20220628. BỎ THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI XĂNG ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG


VCCI ĐỀ NGHỊ BỘ TÀI CHÍNH BÁO CÁO QUỐC HỘI XEM XÉT BỎ THUẾ 

TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VỚI XĂNG

B. NGỌC/ TT 22-6-2022

TTO - Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.

VCCI đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng - Ảnh 1.

Người dân đổ xăng tại một cây xăng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đây là nội dung đáng chú ý trong văn bản góp ý dự thảo nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, vừa được VCCI gửi tới Bộ Tài chính.

VCCI cho rằng ngoài thuế bảo vệ môi trường thì thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng cũng cần cắt giảm.

Với tính cần thiết và cấp thiết của việc giảm các nghĩa vụ thuế với mặt hàng xăng dầu, VCCI nhấn mạnh đây là cơ sở để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Theo VCCI, ưu điểm của việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường là có thể thực hiện được ngay trong tháng 7-2022, do đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện Bộ Tài chính đang đề xuất giảm kịch khung từ 500 - 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu. VCCI nhận định mức đề xuất giảm thuế của dự thảo hiện nay là hợp lý vì đây là mức giảm cao nhất thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, VCCI cũng cho rằng nếu lựa chọn cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giá trị gia tăng thì phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay.

Đối với phương án cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, VCCI góp ý dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính chưa nêu rõ lý do vì sao không lựa chọn phương án này. Bởi vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7 tới.

Tờ trình của Bộ Tài chính có đề cập đến các cam kết của Việt Nam trong các FTA, nhưng theo rà soát của VCCI, đây là các cam kết mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam được phép áp dụng.

Theo đó, các FTA này vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ phương án cắt giảm thuế nhập khẩu hoặc thuyết minh chi tiết lý do không lựa chọn phương án này, VCCI nhấn mạnh.

NÊN GIẢM THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI XĂNG

PHẠM XUÂN CẦN/ TD 26-6-2022

Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, “Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Đồng thời điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng. Góp phần tăng thu cho Ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế”.
Một số hàng hóa chịu thuế TTĐB là: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm;
- Rượu;
- Bia;
- Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng;
- Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3;
- Tàu bay, du thuyền (sử dụng cho mục đích dân dụng).
- Xăng các loại;
- Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;
- Bài lá;
- Vàng mã, hàng mã (không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học).
Mặc dù yếu tố “xa xỉ” đối với xăng trong đời sống hiện nay có vẻ không thuyết phục nữa, nhưng theo giải thích gần đây của Bộ Tài chính, thì sở dĩ xăng các loại phải chịu thuế TTDB là vì nó là nhiên liệu hóa thạch, việc tiêu thụ gây ô nhiễm môi trường, cần phải sử dụng tiết kiệm. Bộ TC cũng cho biết hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thu thuế TTĐB đối với xăng các loại.
Theo tôi, vì tính chất đặc biệt của xăng đối với sản xuất và đời sống hiện nay ở nước ta, chưa bỏ được thì Chính Phủ cũng nên giảm thuế TTĐB đối với xăng. Có thể việc giảm thuế này sẽ làm giảm trực tiếp một nguồn thu ngân sách quan trọng, nhưng nó lại tác động tích cực đến sản xuất và đời sống, do đó lại làm tăng thu ở các lĩnh vực khác.
Tôi còn nhớ cách đây vài chục năm, son phấn còn là mặt hàng xa xỉ và đương nhiên là bị đánh thuế TTĐB. Trước diễn đàn Quốc Hội, NSND Chu Thúy Quỳnh, ĐBQH đã thuyết phục được Quốc Hội bãi bỏ thuế TTĐB đối với son phấn, bà cho rằng son phấn không còn là xa xỉ phẩm nữa, mà đã trở thành sản phẩm làm đẹp thông dụng của hầu hết phụ nữ.
Bao giờ thì xăng không còn là xa xỉ phẩm nữa nhỉ? Chắc là khi có nhiều ĐBQH cũng nói như thế!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét