Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

20220609. BÀI HỌC VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ CỦA ĐẢNG

ĐIỂM BÁO MẠNG


ÔNG NGUYỄN THANH LONG, CHU NGỌC ANH BỊ KHAI TRỪ VÀ BÀI HỌC

 VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ CỦA ĐẢNG

VÂN THIÊNG/ TVN 8-6-2022

Hai ủy viên Trung ương bị khai trừ khỏi Đảng, bị tước hết chức vụ và bị khởi tố, bắt tạm giam là minh chứng cho tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng tiêu cực của Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư.

Dẫu biết rằng, cắt bỏ một phần da thịt là rất đau đớn. Nhưng đã là ung nhọt thì đau thế chứ đau nữa, cũng vẫn phải làm để bảo vệ phần cơ thể còn lại được khỏe mạnh; cũng còn để thấy rằng, cần thận trọng, kỹ càng hơn nữa trong công tác lựa chọn, bố trí cán bộ của Đảng.


Ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh

Có thể nói việc Bộ Chính trị triệu tập hội nghị Trung ương bất thường để khai trừ hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long ra khỏi Đảng - hình thức kỷ luật cao nhất dành cho đảng viên vi phạm kỷ luật, đã đáp lại sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước về tinh thần quyết tâm xây dựng một đảng cầm quyền trong sạch, một bộ máy công quyền không tham nhũng, hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước.

Không dừng lại ở một tiếng chuông mang tính cảnh tỉnh nữa, mà đây là một lời cảnh cáo, một thái độ không khoan nhượng đối với những ai có ý định "nhúng chàm".

Quả là một sự việc không bình thường chút nào khi cùng lúc phải loại ra khỏi cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng hai ủy viên Trung ương, một người là Bộ trưởng, người còn lại thì đang đứng đầu chính quyền thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị- kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Nhưng sứ mệnh làm trong sạch nội bộ, lời hứa “chống tham nhũng không có ngoại lệ, không có vùng cấm, dù bất kỳ người đó là ai” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định luôn là lời thề danh dự, không chỉ với người đứng đầu Đảng, mà với bất kỳ đảng viên nào biết tự trọng, biết giữ gìn đạo đức đều phải ghi nhớ và thực hiện cho bằng được.

Mang danh cán bộ nhưng không chịu tu dưỡng

Lơ là tu dưỡng, buông mình ra khỏi những nguyên tắc của Đảng, những cán bộ lãnh đạo cao cấp như Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

Họ đã tiếp tay cho sai phạm, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch Covid-19, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.

Giữa lúc cả nước trên dưới đồng lòng gồng mình chống dịch, người dân khốn khó, lao đao, hơn 43.000 đồng bào tử vong vì Covid, thế mà, họ đã lợi dụng chức quyền, bán rẻ lương tâm, chống lưng cho công ty Việt Á thao túng thị trường mua sắm vật tư chống dịch để trục lợi hàng nghìn tỉ đồng. Đổi lại, 800 tỉ đồng lót tay của Việt Á đã chảy vào túi riêng của hàng chục quan chức. Đó không còn là khuyết điểm nữa, mà là tội ác!

Những hành vi ấy đang bị dư luận lên án, xã hội yêu cầu phải thải loại.

Ông Nguyễn Thanh Long đã bị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội, bị Chủ tịch nước cách chức Bộ trưởng Y tế theo quy định. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng mất ghế sau cuộc bỏ phiếu miễn nhiệm của HĐND TP. Cả hai ông cùng với nguyên Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.

Cái giá phải trả quả là đắt đối với những người mang danh cán bộ đảng viên nhưng không chịu tu dưỡng, coi thường việc tự soi, tự sửa, ngã ngựa giữa đường vì ham tiền bạc, vật chất. Loại bỏ những con sâu mọt này ra khỏi bộ máy lãnh đạo đất nước là việc làm cần thiết, là cách Đảng chặt cành sâu để cứu cây, chặt cây sâu để cứu rừng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời thường căn dặn.

Chỉ một vụ án xảy ra ở công ty Việt Á mà đã có mấy chục cán bộ, đảng viên phải bị kỷ luật, cách chức, khai trừ Đảng, dắt nhau vào trại tạm giam chờ ngày xét xử. Nhỏ thì cán bộ cấp phòng, cấp sở; lớn thì là người đứng đầu bộ ngành, địa phương. Cái kit test Covid-19 nhỏ bé là vậy, vô hình trung đã trở thành phép thử cho công tác cán bộ, làm lộ nguyên hình cả một bầy sâu.

Tinh thần nhất quán của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ và ngày càng quyết liệt hơn.

Điều đó không chỉ góp phần củng cố niềm tin của cán bộ đảng viên và nhân dân vào cuộc đấu tranh không khoan nhượng với giặc nội xâm để bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, mà còn cho thấy công tác tổ chức cán bộ của chúng ta vẫn còn những lỗ hổng cần phải khắc phục. Hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật cần được xây dựng để những người nắm quyền lực không thể, không dám và không muốn tham nhũng.

Việc phát hiện, sàng lọc, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cao cấp, cán bộ cấp chiến lược của đất nước cần được chuẩn bị kỹ càng hơn, thận trọng hơn. Để sau mỗi kỳ đại hội Đảng, chúng ta không phải mất quá nhiều công sức để đấu tranh loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất, tham nhũng, nhất là những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Vân Thiêng

XỬ LÝ NGHIÊM SAI PHẠM VỤ VIỆT Á: CẢNH TỈNH, RĂN ĐE AI CÓ Ý ĐỊNH 'NHÚNG CHÀM'

TRẦN PHƯƠNG/GDVN 9-6-2022

Như tin của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đã đưa, ngày 07/6/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với: ông Chu Ngọc Anh, ông Phạm Công Tạc về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; ông Nguyễn Thanh Long về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trước đó, ngày 6/6/2022, sau khi xem xét mức độ vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long. [1]

Ngày 7/6, theo kết quả công tác nhân sự vừa được Quốc hội tiến hành, các cơ quan có thẩm quyền đã kết luận ông Nguyễn Thanh Long đã suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, gây ảnh hưởng và làm giảm uy tín của tổ chức Đảng mà ông Nguyễn Thanh Long là Bí thư Ban Cán sự, cũng như giảm uy tín, không đảm bảo tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ông Long bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV và cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026 .[2]

Bày tỏ quan điểm liên quan việc ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị xử lý, ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cho rằng việc các cán bộ này sai phạm đến đâu sẽ có các cơ quan pháp luật xử lý, việc xử lý này, ông Hùng cũng cho rằng, Trung ương đã cho thấy quyết tâm của Đảng trong phòng chống tham nhũng:

"Trung ương đã phải dùng đến hình thức kỷ luật cao nhất là Khai trừ khỏi Đảng đối với những cán bộ này cho thấy kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cuối cùng là Ban Chấp hành Trung ương đối với những sai phạm của các cán bộ này đã rõ.

Việc Trung ương phải dùng đến hình thức kỷ luật cao nhất đối với một cán bộ Đảng viên cho thấy những vi phạm đã được chỉ ra là rất nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, việc kỷ luật mức cao nhất đối với những cán bộ Đảng viên giữ chức vụ quan trọng như vậy cho thấy quyết tâm nói đi đôi với làm của Đảng ta khi đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Theo kết luận được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, Trung ương đã kết luận ông Nguyễn Thanh Long đã suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước.

Việc kỷ luật về Đảng với những cá nhân này theo tôi là hoàn toàn đúng đắn. Các sai phạm của những cá nhân này sẽ được xử lý theo các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, tin kỷ luật cho ra khỏi đảng các đảng viên này trước khi có các quyết định khởi tố của cơ quan thực thi pháp luật cũng cho thấy Đảng đã dùng hình thức kỷ luật cao nhất đối với các cá nhân sai phạm để cảnh tỉnh, giáo dục và răn đe những ai có ý định “nhúng chàm”, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống”.

Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh. Ảnh: Báo Chính phủ

Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra Trung ương cũng cho biết: “Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí của mình mà rất khổ tâm, đau xót.

Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật vài người để cứu muôn người”, điều đó cho thấy, không vui vẻ gì khi phải chứng kiến một cán bộ đảng viên giữ chức vụ cao cấp bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, đây là việc phải làm và việc này sẽ góp phần làm trong sạch và lấy lại uy tín của Đảng trong nhân dân.

Đồng thời, việc xử lý không có ngoại lệ những cán bộ cấp này sẽ cảnh báo những cán bộ, đảng viên khác không được chủ quan không giữ được mình trước những cám dỗ vật chất”.

Cũng bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Sửu – Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng:

“Như tôi đã phát biểu, sai phạm từ vụ Việt Á rất lớn, có thể nói là vượt ra ngoài tầm lợi ích nhóm.

Từ thực tế kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương cho thấy, ông Nguyễn Thanh Long đã có những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước, những vi phạm nghiêm trọng của một cán bộ Đảng viên giữ chức vụ cao cấp.

Điều này một lần nữa cho thấy công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng không dừng lại và sẽ còn tiếp tục quyết liệt hơn; nó đã thể hiện đúng phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù là bất kỳ ai, sai phạm đến mức nào sẽ phải xử lý đúng theo sai phạm mà họ mắc phải.

Đây sẽ tiếp tục là bài học đắt giá cho những cán bộ còn đang giữ chức vụ để tự soi, tự sửa mình”, ông Ngô Văn Sửu đánh giá.

Ông Ngô Văn Sửu cũng chia sẻ thẳng thắn: “Thời chúng tôi làm cũng đã có phát hiện cán bộ làm cấp cao theo diện Trung ương quản lý vi phạm kỷ luật, thế nhưng việc xử lý lúc bấy giờ rất khó.

Tuy nhiên, với những kết quả chống tham nhũng thời gian gần đây cho thấy, Đảng ta đã rất quyết tâm loại bỏ những “sâu mọt” trong tổ chức và giữ gìn cho “cơ thể” Đảng khỏe mạnh”.

Việc xử lý thời gian qua cho thấy Đảng đã rất nhất quán: Có công thì thưởng, có tội thì phải bị xử lý nghiêm, không ai đứng trên pháp luật và không ai đứng ngoài pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật", ông Ngô Văn Sửu nói thêm.

"Cũng cần phải lưu ý rằng, sự việc các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long bị xử lý kỷ luật đến mức khởi tố cũng là bài học về công tác cán bộ của chúng ta.

Tôi cũng đã nhiều lần phát biểu trên báo chí, việc chọn lựa cán bộ vào những vị trí quan trọng cần phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Nếu không kiểm tra giám sát, làm đến nơi đến chốn, không cân nhắc thận trọng thì vẫn có thể lọt, mà lọt những cái đó thì nguy hiểm lắm…".

Nêu ý kiến cá nhân về vụ việc, ông Ngô Văn Sửu cho rằng: "Trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ nhu cầu cấp thiết của xã hội, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, tuy nhiên các đối tượng tham gia vào vụ Việt Á đã lợi dụng chức quyền để mưu lợi cho bản thân là không thể chấp nhận được. Việc Trung ương làm quyết liệt, Nhân dân rất đồng tình, tin tưởng".

* Tài liệu tham khảo:

[1] https://baochinhphu.vn/khai-tru-ra-khoi-dang-dong-chi-chu-ngoc-anh-va-dong-chi-nguyen-thanh-long-102220606184645423.htm

[2] https://bnews.vn/thong-tin-ve-sai-pham-cua-ong-nguyen-thanh-long/246588.html

Trần Phương
GIÁM SÁT CỦA MTTQ VIỆT NAM  PHÁT HIỆN NHIỀU SAI PHẠM TRONG BỔ NHIỆM CÁN BỘ
BÁO CP/GDVN 28-5-2022

Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 về kết quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, từ sau kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc giám sát, phản biện xã hội trên nhiều lĩnh vực.

Báo cáo giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Khóa XV - Ảnh: VGP/ Lê Sơn

Vi phạm về thời hạn ban hành quyết định bổ nhiệm lại còn xảy ra phổ biến

Theo đó, qua giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nổi lên một số vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm.

Cụ thể, đối với việc giám sát tuyển dụng cơ bản đúng quy trình theo quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về thời hạn ban hành quyết định bổ nhiệm lại còn xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là ở cấp tỉnh, với tỷ lệ tương đối cao (437/1.502 trường hợp, chiếm tỷ lệ 29,23%). Trong đó, có 21 tỉnh, thành có tỷ lệ vi phạm loại này chiếm từ 50% trở lên, cá biệt có địa phương 100% các trường hợp bổ nhiệm lại đều ban hành quyết định quá thời hạn. Nhiều trường hợp ban hành quyết định bổ nhiệm lại quá hạn nhiều tháng, thậm chí có một số trường hợp quá hạn nhiều năm.

"Việc này đã gây ra hệ quả pháp lý là các văn bản hành chính, hành vi hành chính của người được bổ nhiệm lại trong thời gian từ khi hết hiệu lực quyết định bổ nhiệm đến khi ban hành quyết định bổ nhiệm lại sẽ không có giá trị pháp lý theo quy định", Báo cáo giám sát chỉ rõ.

Việc thực hiện công khai bản kê khai bằng hình thức niêm yết tại nơi làm việc của cơ quan, đơn vị, hồ sơ lưu trữ, danh sách người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản thu nhập lần đầu, các bản kê khai tài sản, việc giao nhận bản kê khai được thực hiện được lập đầy đủ. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, việc làm và kê khai, công khai tài sản quy định về phòng, chống tham nhũng đã được triển khai nhưng chưa triệt để.

Công tác chuyển đổi vị trí việc làm được cấp ủy các cấp quan tâm, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, góp phần thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng.

Phát hiện trường hợp có dấu hiệu vi phạm điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm

Theo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc giám sát đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương về thực hiện các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã góp phần nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong hoạt động giám sát, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp.

Trong quá trình giám sát phát hiện trường hợp có dấu hiệu vi phạm điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời ban hành công văn đề nghị cấp ủy địa phương rà soát để xử lý đúng quy định.

Từ kết quả giám sát và phản biện xã hội của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có liên quan.

Giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ rõ, qua theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân, từ tháng 10/2021 đến hết tháng 4/2022, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 1.561 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, trực tiếp tiếp 39 lượt công dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phân loại, xử lý và ban hành 32 văn bản hướng dẫn khiếu nại; 34 văn bản chuyển đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh, ban hành 2 văn bản đôn đốc giải quyết, 2 văn bản kiến nghị cơ quan chức năng đề nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Từ sau kỳ họp thứ 2 đến trước kỳ họp thứ 3, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân, nghiên cứu, ban hành văn bản kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định; đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố chủ động nắm bắt tình hình và phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở địa phương thực hiện giám sát theo quy định, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân đối với một số vụ việc cụ thể.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng thường xuyên tổng hợp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống tham nhũng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, xử lý các thông tin phản ánh, kiến nghị và ban hành các công văn đề nghị xem xét, giải quyết việc dư luận, báo chí phản ánh.

Kiến nghị sớm hoàn thiện khung pháp lý về giá đất

Hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là về giá đất để thực hiện tốt công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân. Cần xây dựng tiêu chí, khung định mức để giao đất, cho thuê đất, tiêu chí để đánh giá sử dụng đất có tiết kiệm, hiệu quả. Cần có mốc và chỉ giới sau khi quy hoạch sử dụng đất chi tiết được phê duyệt.

Kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án phát triển đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ theo đúng quy định pháp luật, tăng cường quản lý, kiểm soát, sử dụng đất đai trên toàn quốc, trong đó, tập trung công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư, xử lý nghiêm các vi phạm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm quy hoạch.

Tiếp tục tăng cường sự giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân ở địa phương, đặc biệt là vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp, vai trò của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp. Tập trung nghiên cứu xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đảm bảo công khai, minh bạch và thống nhất trên cả nước.

Trong quá trình giám sát, đoàn giám sát đã tập hợp những khó khăn, vướng mắc của địa phương về thực hiện việc hỗ trợ và kiến nghị các ngành chức năng xem xét giải quyết.

Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc đề nghị nghiên cứu có các chính sách để hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch COVID-19, như các chính sách về tài khóa (miễn, giảm thuế, phí…), chính sách tín dụng (hoãn, giãn, giảm lãi suất), các chính sách giảm chi phí đầu vào như giảm tiền điện nước, giao thông; đề nghị đẩy mạnh việc phát triển những chương trình đào tạo kỹ năng số, kỹ năng chuyển đổi nghề nghiệp; trong đó, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và nền tảng công nghệ số gắn với các phần mềm hệ thống quản lý công dân quốc gia; tăng cường các hoạt động đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là người dân các tỉnh trở về địa phương do ảnh hưởng dịch COVID-19; đề nghị bổ sung các cơ chế chính sách nhằm động viên, khích lệ lực lượng tuyến đầu, tuyến y tế cơ sở tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Baochinhphu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét