Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2022

20220612. BÀN VỀ GIẢI PHÁP KÌM HÃM LẠM PHÁT

 ĐIỂM BÁO MẠNG


LÀM GÌ ĐỂ KÌM ĐÀ TĂNG CỦA LẠM PHÁT ?

PHẠM MINH TÂM / TBKTSG 10-6-2022

(KTSG) – LTS: Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đang thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội mà một trong những nội dung nóng nhất là năm nay nguy cơ lạm phát trong nước vượt mức mục tiêu 4%, giữa bối cảnh lạm phát của thế giới đang rất cao. Kinh tế Sài Gòn xin giới thiệu góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, phân tích bức tranh thực tế hiện nay, dự báo tình hình sắp tới và đề xuất các giải pháp nhằm kìm đà tăng của lạm phát.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Lạm phát đang chủ yếu do giá xăng dầu tăng, giải pháp nên bắt đầu từ đây…

Lạm phát hiện nay đến từ ba nhóm yếu tố lớn.

Thứ nhất, lạm phát do ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy làm giá cả hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu tăng mạnh.

Thứ hai, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao ảnh hưởng tới đầu vào của nền sản xuất. Mặt hàng này đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế, được sử dụng trong hầu hết các ngành sản xuất và tiêu dùng. Xăng dầu tăng làm chi phí sản xuất gia tăng.

Các con số thống kê cho thấy, lạm phát bình quân năm tháng đầu năm nay ở mức 2,25%, các mặt hàng xăng dầu và gas đóng góp khoảng 2 điểm phần trăm. Đặc biệt, xăng dầu chiếm 3,52% trong tổng chi phí đầu vào của nền kinh tế, đây là tỷ lệ khá lớn. Xăng dầu tăng 10% có thể khiến GDP giảm 0,5 điểm phần trăm, lạm phát tăng 0,26 điểm phần trăm.

Các nguyên, vật liệu khác cũng tăng giá do tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine, chính sách zero Covid của Trung Quốc. Với 37% giá trị nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, việc tìm kiếm các nguồn mới làm chi phí đầu vào tăng, tác động không nhỏ tới lạm phát. Theo tính toán của chúng tôi, giá cả đầu vào tăng 1%, chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 2,06%.

Thứ ba, tổng cầu tăng đột biến trong năm nay có thể gây áp lực lên lạm phát. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội quy mô 350.000 tỉ đồng cùng các gói hỗ trợ hậu Covid-19 làm cho tổng cầu tăng đột biến. Đặc biệt, gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trị giá 113.000 tỉ đồng có khả năng gây thêm sức ép lên lạm phát khi có nhu cầu về các nguyên, vật liệu xây dựng nhưng nguồn cung đang bị gián đoạn, giá cả tăng cao.

Chính phủ đang rất quan tâm tới việc làm thế nào để giữ đà tăng giá không quá cao. Với xăng dầu, Việt Nam cần đảm bảo đủ nguồn cung trong nước. Chính phủ có thể điều tiết và kiểm soát tốt giá xăng dầu bằng cách điều chỉnh, cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến mặt hàng này như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và tiếp tục nghiên cứu tiếp tục bỏ 50% thuế bảo vệ môi trường còn lại.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Ngoài cắt giảm thuế, phí xăng dầu, có thể xem xét trì hoãn việc tăng giá dịch vụ công.

Hiện chưa thấy dấu hiệu lạm phát có thể hạ nhiệt nửa cuối năm.

Thứ nhất, chi phí đẩy giá hàng hóa, nguyên, vật liệu tăng cao ảnh hưởng tới lạm phát. Giá nhập khẩu từ bên ngoài tăng do các biến động của thị trường thế giới. Giá nhiên liệu thế giới tăng tính vào giá hàng hóa nhập khẩu cũng như sản phẩm tại thị trường trong nước. Nhiên liệu hiện chiếm tỷ trọng lớn trong lạm phát của Việt Nam.

Trong khi đó, chưa có dấu hiệu cho thấy giá nhiên liệu giảm. Dự báo trung bình về giá dầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn ở khoảng 110 đô la Mỹ/thùng. Yếu tố này sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát của Việt Nam.ép phải tăng giá sau thời gian dài dịch Covid-19, đặc biệt là giáo dục và y tế. Trong trường hợp Chính phủ kìm hãm chưa tăng giá các dịch vụ tại cơ sở công lập, các đơn vị tự quyết về kinh phí cũng sẽ tìm cách tăng giá. Đây sẽ là một thành tố để lạm phát tăng.

Thứ ba, sau thời gian dài dịch bệnh, cầu tiêu dùng bị kìm hãm trước đây bùng nổ trở lại như ở một số ngành dịch vụ, du lịch, đi lại… Cầu tiêu dùng phục hồi khiến lạm phát do cầu kéo cũng có xu hướng tăng.

Để có thể làm chậm đà tăng của lạm phát, Chính phủ có thể xem xét việc giảm giá xăng dầu bằng cách cắt giảm sớm các khoản thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và 50% còn lại của thuế bảo vệ môi trường…

Trong điều kiện cho phép, Nhà nước có thể trì hoãn việc tăng giá dịch vụ công nhưng phải đi kèm với các trợ cấp khác đối với các đơn vị này như trợ cấp lương thưởng cho nhân viên hay trợ giá dịch vụ.

Các yếu tố từ thị trường thế giới tác động tới thị trường là bất khả kháng. Tuy nhiên, Việt Nam cần tích cực khơi thông các tắc nghẽn để tăng nhanh dòng lưu chuyển của hàng hóa, dịch vụ. Khi dòng tiền “quay” nhanh hơn có thể giúp lạm phát không đổi.

PGS. TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, trường Đại học Kinh tế quốc dân: Cẩn thận với sức ép lạm phát từ… kích thích kinh tế

Đầu năm nay, trong báo cáo Đánh giá kinh tế thường niên, chúng tôi nhận định sức ép lạm phát với Việt Nam hiện hữu. Nhận định này đưa ra tại kịch bản giá xăng tăng khoảng 41-42% so với năm trước, tức khoảng 28.000-29.000 đồng/lít. Gần đây, giá xăng dầu diễn biến phức tạp, vượt mức kịch bản báo cáo. Giá xăng dầu còn tác động tới lạm phát lớn hơn nữa trong thời gian tới, khi xăng dầu là hàng hóa ảnh hưởng mạnh đến chi phí đầu vào của nền kinh tế.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% đặt ra vào tháng 10-2021, khi thế giới chưa chịu tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine và chưa có các cú sốc về giá xăng dầu. Như vậy, lạm phát có thể tăng cao hơn so với báo cáo và tăng hơn nữa khi giá xăng dầu tiếp tục đi lên. Chi phí đẩy sẽ tác động đến lạm phát trong những năm tới.

Lạm phát cầu kéo cũng có thể xảy đến khi tổng cầu tăng nhanh. Các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội như gói 350.000 tỉ đồng tung ra nền kinh tế cùng với sự phục hồi trở lại của các ngành dịch vụ sau dịch bệnh có thể tác động đến tổng cầu. Tổng cầu gia tăng, chi tiêu tăng cũng gây sức ép lên lạm phát.

Trước tác động của giá xăng dầu đến lạm phát, tôi cho rằng cần giảm bớt đà tăng giá. Một số kiến nghị được đưa ra như giảm các loại thuế, phí mà mặt hàng này đang phải gánh. Giá xăng dầu vẫn đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, câu hỏi đặt ra là mặt hàng này có thực sự là sản phẩm cần đánh thuế hay không? Quỹ bình ổn giá xăng dầu có vai trò gì trong giai đoạn hiện nay khi giá xăng dầu ở mức cao như vậy?

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế tác động đến tổng cầu phải rất cẩn trọng, đặc biệt là chính sách nới lỏng tiền tệ. Tỷ lệ dư nợ tín dụng, tỷ lệ phương tiện thanh toán không cần tăng. Điều quan trọng nhất là hướng dòng tiền vào khu vực sản xuất để tránh tạo sức ép cho lạm phát.

Ớ phía chính sách tài khóa, đầu tư công, chi tiêu Chính phủ là một trong những động lực để tăng trưởng kinh tế nhưng các hoạt động này phải thật hiệu quả mới không gây sức ép tới lạm phát.

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế xã hội (MASSEI):

Tránh bơm tiền rẻ, dễ dãi vào nền kinh tế

Trong bối cảnh giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới tăng mạnh như hiện nay, các nền kinh tế như Mỹ, EU đối mặt với mức lạm phát trên 8%, tôi cho rằng mức độ tăng giá của Việt Nam chưa đáng lo ngại.

Khoảng thời gian dịch bệnh, các nước đều triển khai các chính sách hỗ trợ như nới lỏng tiền tệ, mở rộng tài khóa. Với các chính sách kích cầu, tiền được bơm thẳng vào nền kinh tế. Khi gặp các vấn đề tắc nghẽn nguồn cung, giá cả tăng vọt cộng hưởng với các chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng làm cho lạm phát tại các nước châu Âu, Mỹ tăng mạnh thay vì chỉ mang tính chất nhất thời, ngắn hạn như bản chất của các cú sốc cung thông thường.

Việt Nam cũng thực hiện một loạt chính sách hỗ trợ trong giai đoạn dịch bệnh, tuy nhiên, hiệu quả chưa thực sự cao, tiền chưa bơm mạnh vào nền kinh tế. Vì vậy, giai đoạn này lạm phát của Việt Nam vẫn ảnh hưởng chủ yếu bởi các cú sốc về nguồn cung đến từ giá xăng dầu, nguyên, vật liệu, hàng hóa…

Về giải pháp, để tránh cộng hưởng chính sách, Chính phủ cần kiểm soát tốc độ tăng tín dụng ở các ngân hàng và tránh bơm tiền rẻ, dễ dãi vào nền kinh tế. Giá cả tăng theo thị trường là điều hoàn toàn hợp lý. Chính phủ có thể có những công cụ về thuế để tốc độ tăng chậm lại, không quá sốc, tuy nhiên cần tránh hình thức bao cấp. Bao cấp tạo khoảng cách lớn giữa giá trong nước và thế giới sẽ rất nguy hiểm trong nền kinh tế thị trường.

'ÉP' GIÁ XĂNG THẤP GÂY THIỆT HẠI KINH TẾ: PHẢN BIỆN PHÁT NGÔN

CỦA BỘ TRƯỞNG CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM

HUYỀN TRÂN/ BBC/ BVN 8-6/2022



Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Công Thương ngày 01/06 cho rằng giá xăng của Việt Nam thấp hơn giá thế giới nên đang có tình trạng "chảy" xăng dầu ra nước ngoài và 'ép' giá xăng xuống thấp gây thiệt hại cho nền kinh tế
Giá xăng Việt Nam đã tăng 6 lần liên tiếp gây áp lực ngày càng nặng nề lên cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, Bộ Công Thương nói rằng giá xăng Việt Nam vẫn thấp hơn giá thế giới nên đang có tình trạng 'chảy' xăng dầu ra nước ngoài và 'ép' giá xăng xuống thấp, vô hình trung gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Phát biểu này được ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Công Thương đưa ra bên lề cuộc họp Quốc hội ngày 1/6.
Giá xăng Việt Nam thực chất đã giảm hay tăng từ đầu tháng 4?
Cụ thể, trả lời phóng viên bên hành lang Quốc hội về giá xăng dầu liên tục tăng cao thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Diên nói rằng không sai khi nhận định giá xăng dầu tăng cao làm tăng giá hàng hoá có thể gây đổ vỡ chương trình phục hồi kinh tế, nhưng phải hiểu rằng nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, hàng hoá làm ra chủ yếu để xuất khẩu.
Nếu ép giá đầu vào để giảm giá thành sản phẩm sẽ không phải ánh đúng giá trị thực tế, vô hình trung gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.
"Hàng hoá của Việt Nam sản xuất ra để bán cho người tiêu dùng, để xuất khẩu. Giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị thì có phải thiệt hại không", VTC trích lời ông Diên.
Các chuyên gia đã cùng bình luận với BBC News Tiếng Việt về phát biểu trên của ông Nguyễn Hồng Diên.
'PHÁT BIỂU PHI LÝ'
"Việc cho rằng giá xăng dầu thấp, gây thiệt hại cho nền kinh tế, tôi cho rằng phát biểu đó không đúng với logic, không đúng với quy luật vận hành của giá, không đúng với những nhân tố cạnh tranh về giá trên thị trường", ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt.
Ông Tiến Thỏa cho rằng giá xăng dầu tăng cao làm mục tiêu lạm phát 4% của Quốc hội đề ra bị đe dọa.
"Chi phí nền kinh tế tăng, đặc biệt vận tải, đánh bắt thủy sản, khai thác chế biến than. Mục tiêu là kiềm chế giá xăng dầu ở mức thấp hợp lý để kiểm soát lạm phát và giảm chi phí sản xuất giá thành của nền kinh tế. Làm sao để đảm bảo hàng hóa sản xuất Việt Nam cạnh tranh được."
"Vì Việt Nam bán hàng xuất khẩu thì theo giá quốc tế, giá thành càng giảm thì lợi nhuận thu được càng lớn, không phải ép giá thành xuống thì lại bị thiệt khi bán ra".
Ông Tiến Thỏa cho rằng xăng dầu là đầu vào của nền kinh tế và cần phải được tính toán hợp lý.
"Do đó khi giá dầu bị ép xuống một cách hợp lý, đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất và giá thành khi kinh doanh xăng dầu. Chúng ta dùng các biện pháp như giảm thuế, tính toán lại chi phí kinh doanh của xăng dầu thì nền kinh tế sẽ có đầu vào hợp lý, đảm bảo cạnh tranh trên trường quốc tế."
Ông Tiến Thỏa cho rằng phát biểu nói trên của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cần phải được xem xét một cách cẩn thận.
Về nhận định tình trạng "chảy" xăng dầu ra nước ngoài của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Tiến sĩ Thế Anh, Kinh tế trưởng từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng buôn lậu xăng dầu qua biên giới chỉ là con số nhỏ tại Việt Nam.
"Hiện tượng buôn lậu xăng dầu là trách nhiệm của cơ quan biên phòng, hải quan, không thể đổ lỗi cho chính sách thuế. Buôn lậu chỉ là số nhỏ tại Việt Nam, không thất thoát nhiều, và đó là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan buôn lậu", ông Thế Anh nhận định.
'GIÁ XĂNG KHÔNG HỀ THẤP'
Tiến sĩ Thế Anh cho rằng giá xăng ở Việt Nam không phải là thấp trên thế giới.
Giá xăng Việt Nam đã tăng 6 lần liên tiếp, vượt mức 31.000 đồng/lít, tăng gấp đôi so với năm 2020, và tăng 30% kể từ đầu năm. Thuế, phí áp lên mặt hàng xăng dầu chiếm khoảng 30-32%, tương đương 10.000 - 11.000 đồng/lít.
Tiến sĩ Phạm Thế Anh nói với BBC News Tiếng Việt cho rằng giá xăng ở Việt Nam "không có lợi thế gì so với các nước khác, đặc biệt trong bối cảnh phải hỗ trợ người dân và doanh nghiệp và chống lạm phát".
"Nói giá xăng Việt Nam ở mức trung bình thấp là sai. Tôi vẫn khẳng định rằng so với dữ liệu của quốc tế thì giá xăng ở Việt Nam ở mức trung bình, không hề thấp, xấp xỉ Thái Lan, Campuchia, cao một chút so với Lào, cao hơn rất nhiều so với Indonesia, Malaysia".
Ông Thế Anh nói thêm việc so sánh giá xăng Việt Nam với Lào và Campuchia là không đúng, và điều quan trọng là cần xem xét đến yếu tố thu nhập bình quân đầu người.
"Việt Nam đứng 31 xuất khẩu dầu thô thế giới [số liệu năm 2020], nếu so với các nước quốc gia xuất khẩu dầu thô thì giá xăng của Việt Nam lại cao hơn. Giá xăng Việt Nam lại tương đương với Lào, Campuchia, hai quốc gia không hề có xuất khẩu dầu thô. Do đó việc so sánh giá với các nước này là không công bằng cho người dân Việt Nam".
"Giá xăng Việt Nam rẻ hơn một chút so với Lào, theo tôi vì Lào không có cảng biển như Việt Nam, chi phí logistic đắt đỏ hơn Việt Nam rất nhiều, và Lào cũng không có tài nguyên dầu thô. Giá xăng dầu của Lào đắt hơn Việt Nam là chuyện bình thường".
"So với trung bình thu nhập bình quân đầu người thì Việt Nam lại thấp hơn các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia do đó việc tăng giá xăng dầu tác động nghiêm trọng hơn các nước khác".
Trong khi đó, ông Tiến Thỏa có cùng nhận định khi cho rằng giá xăng Việt Nam không thấp.
"Giá xăng ở Việt Nam thực chất đứng ở mức trung bình của thế giới, cao hơn một số nước có trợ cấp, trợ giá về xăng dầu. Giá xăng ở Việt Nam không phải ở mức thấp, chỉ thấp so với một số nước phát triển cao vốn đang áp dụng cơ chế giá thị trường mà thôi".
'ĐỦ DƯ ĐỊA ĐỂ GIẢM THUẾ'
Thuế, phí áp lên mặt hàng xăng dầu chiếm khoảng 30-32%, tương đương 10.000-11.000 đồng/lít gây áp lực lên người dân và doanh nghiệp
Ông Tiến Thỏa cho rằng Việt Nam cần phải có mức giảm thuế hợp lý vào lúc này.
"Có thể tính toán giảm chi phí kinh doanh doanh nghiệp xăng dầu ở mức hợp lý, có thể tính toán giảm các loại thuế. Việt Nam đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, hiện nay Việt Nam cần phải tính toán giảm thuế trong một thời gian nào đó để giá xăng dầu giảm xuống. Tôi gọi đây là mức giảm hợp lý vào thời điểm này", ông nói.
Bộ Tài chính Việt Nam đã đề xuất giảm 8% thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng động cơ không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống mức 12% nhằm góp phần chặn đà tăng giá xăng. Về mức giảm này, ông Tiến Thỏa nhận định:
"Nếu giảm thuế nhập khẩu 8% chỉ hạ nhiệt được một mức độ thôi. Theo tôi thì cần phải tính toán kỹ hơn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Xăng 95 theo tôi thì hiện đang trên 31.000 đồng/lít, thì chúng ta nên giảm sao cho xuống trên 20.000 - 25.000 đồng/lít, để giúp không làm tăng quá cao chi phí của nền kinh tế".
Việt Nam đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, các chuyên gia cho rằng Việt Nam phải cân nhắc giảm tiếp.
"Có thể xem xét để giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường vì đã có thuế tiêu thụ đặc biệt, mang dáng dấp của thuế bảo vệ môi trường rồi. Trong bối cảnh hiện nay thì Việt Nam có thể phải đánh đổi, giảm thu một phần để có giá xăng dầu hợp lý, để thực hiện phục hồi kinh tế. Kinh tế phát triển thì nguồn thu ngân sách chúng ta sẽ mang tính bền vững hơn."
"Xét về chu trình tuần hoàn nền kinh tế thì giảm thu từ thuế xăng dầu sẽ không bị thiệt nếu chúng ta có thể thúc đẩy sản xuất phát triển sau dịch. Việt Nam có dư địa để giảm giá xăng xuống mức mà nền kinh tế có thể chịu đựng được. Giảm giá giúp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong giai đoạn sau dịch và kiềm chế lạm phát", ông Tiến Thỏa nói với BBC News Tiếng Việt.
Tiến sĩ Thế Anh cho rằng Việt Nam đang đánh thuế phí rất nhiều vào các mặt hàng xăng dầu, thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải bỏ.
"Việc hạ thuế phí xăng dầu hoàn toàn nằm trong thiện chí chính phủ trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, không vi phạm cam kết quốc tế gì cả như giá xăng Việt Nam đang cao hơn Mỹ, làm sao có thể lo lắng bị Mỹ cáo buộc thao túng thị trường. Ví dụ như việc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt."
XĂNG TẠI MALAYSIA
Dư luận đang quan tâm trước thông tin giá xăng ở Malaysia chỉ 13.000 đồng/lít và nước này muốn xuất khẩu 300.000 lít xăng sang Việt Nam. Tuy nhiên các chuyên gia và doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng điều này là không khả thi.
Tiến sĩ Phạm Thế Anh nói "Không thể nhập được giá xăng 13.000 đồng/lít từ Malaysia. Malaysia không thể bán giá này, Malaysia nói sẵn sàng xuất khẩu sang Việt Nam nếu có thiếu hụt nguồn cung nhưng phải theo giá thị trường, không thể nào theo giá trợ cấp được".
'NGHỊCH LÝ VỪA XUẤT VỪA NHẬP'
Tổng cục Hải quan cho biết năm 2021 Việt Nam xuất khẩu hơn 3,1 triệu tấn dầu thô, với giá trị xuất khẩu là trên 1,76 tỷ USD. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hơn 9,9 triệu tấn dầu thô với giá trị nhập khẩu là trên 5,15 tỷ USD. Việt Nam nhập khẩu dầu thô lớn hơn nhiều so với lượng dầu thô xuất khẩu đi.
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu dầu thô nhưng nhập dầu về lọc. Lượng dầu thô nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho hai nhà máy lọc hóa dầu là Nghi Sơn và Dung Quất.
Nghi Sơn hiện cung cấp 35% cho thị trường xăng dầu Việt Nam, tuy nhiên "trục trặc nội bộ" đã khiến công suất nhà máy giảm mạnh từ đầu năm, khiến nguồn cung nội địa bị khan hiếm.
Nhận định về năng lực sản xuất của hai nhà máy này, ông Nguyễn Tiến Thỏa nói:
"Việt Nam xuất khẩu dầu thô thì khi giá thế giới tăng thì Việt Nam có lợi vì thu được lợi nhuận. Việt Nam đang hợp tác liên doanh dầu thô cho nên ý kiến lấy nguồn thu từ dầu thô để bù cho nguồn xăng dầu thành phẩm cần phải được cân nhắc thật kỹ, vì quyền lợi các bên liên doanh khai thác dầu này và ngoài ra phải dành một phần đầu tư, nâng cấp để tiếp tục tái đầu tư cho việc khai thác dầu".
"Hai nhà máy lọc dầu [Nghi Sơn và Dung Quất] phải nhập khẩu dầu thô thế giới về để chế biến, sản xuất ra dầu thành phẩm. Hai nhà máy chiếm thị phần rất lớn, vừa qua cũng có trục trặc nhất định trong sản xuất nên nguồn cung tháng 3 không đảm bảo, do nhiều nhân tố. Do đó giờ phải tập trung tháo gỡ về tài chính và các vấn đề khác để đảm bảo nguồn cung ứng đủ cho xã hội".


Ảnh: Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu quan điểm về kiểm soát giá xăng dầu - Ảnh: Đ.XO


THỦ TƯỚNG YÊU CẦU THEO DÕI KỸ THÔNG TIN NHẬP KHẨU XĂNG DẦU

TỪ MALAYSIA

TTXVN/GDVN 12-6-2022
GDVN- Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên theo dõi kỹ thông tin về khả năng Malaysia cung cấp xăng dầu cho Việt Nam.

Ngày 11/6, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 3649/VPCP-KTTH gửi Bộ Công Thương, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thông tin giá xăng dầu và khả năng cung cấp xăng dầu của Malaysia cho Việt Nam.

Mua bán xăng, dầu tại điểm kinh doanh xăng dầu Petrolimex. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Văn bản nêu rõ, ngày 3/6, Bộ Công Thương có báo cáo về việc làm rõ thông tin về giá xăng dầu và khả năng cung cấp xăng dầu của Malaysia cho Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên theo dõi kỹ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để xem xét, xử lý theo quy định.

Theo TTXVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét