Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2022

20220605. HÀ NỘI 'KHÁT' THẠC SĨ, TIẾN SĨ LÀM CB,CC,VC ? (2)

 ĐIỂM BÁO MẠNG


BẰNG TS KHÔNG PHẢI LÀ PHƯƠNG TIỆN ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG 

CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

PHẠM MINH/ GDVN 29-5-2022

Vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030". Dự kiến, thành phố sẽ chi 61,5 tỉ đồng cho đào tạo sau đại học trình độ thạc sỹ và tiến sỹ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, Hà Nội sẽ cử đi đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến với công chức, viên chức không quá 35 tuổi thuộc các sở, chỉ tiêu là 30 người gồm 5 tiến sĩ và 25 thạc sĩ.

Cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước đối với công chức, viên chức có chỉ tiêu đào tạo là 240 người, gồm 40 tiến sĩ và 200 thạc sĩ.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đề án này có thực sự mang lại hiệu quả? Việc đào tạo trình độ tiến sĩ đối với đội ngũ công chức, viên chức có hợp lý?

Tiến sĩ Bùi Quang Xuân, nguyên Giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 2. (Ảnh: NVCC)

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Quang Xuân, nguyên Giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 2 nói rằng, việc đưa ra Đề án này đã phần nào phản ánh năng lực công vụ của chúng ta đang có vấn đề tồn tại. Và người ta cho rằng, muốn nâng cao chất lượng nền hành chính, nâng cao năng lực công vụ thì phải đào tạo bổ sung bằng cấp cho đội ngũ công chức, viên chức.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không giải quyết được vấn đề của nền hành chính hiện nay. Những tấm bằng tiến sĩ không phải là phương tiện để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực làm công tác hành chính công.

“Trong hệ thống đào tạo của nước ta cũng như các nước trên thế giới, trình độ tiến sĩ chỉ phù hợp với công việc nghiên cứu khoa học hay giảng dạy chuyên sâu ở một lĩnh vực nhất định.

Còn nền hành chính công cần những người có tinh thần học hỏi, kinh nghiệm thực tiễn và có thái độ sẵn sàng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Đội ngũ này không nhất thiết phải được đào tạo theo hướng nghiên cứu chuyên sâu đạt trình độ tiến sĩ”, Tiến sĩ Xuân cho hay.

“Đua” học tiến sĩ có đảm bảo “học thật, nhân tài thật”?

Theo Tiến sĩ Bùi Quang Xuân, khi đánh giá năng lực của một công chức, viên chức phục vụ cho nền hành chính công thì thái độ phục vụ nhân dân chiếm đến 70%, kỹ năng chiếm 26% và tri thức chiếm 4%.

Không phủ nhận giá trị của bằng cấp nhưng bằng cấp phải đúng với năng lực và ứng dụng vào thực tiễn.

Đối với nền hành chính công, không nhất thiết phải đào tạo trình độ tiến sĩ. Thay vào đó, có thể bồi dưỡng chuyên ngành, chuyên sâu trong từng lĩnh vực tương ứng với từng vị trí làm việc để nâng cao kỹ năng và năng lực làm việc cho đội ngũ công chức, viên chức.

Ví dụ, đối với cán bộ nghiên cứu chuyên sâu về ngành Luật và làm công tác giảng dạy trong trường đại học thì rất cần đào tạo trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, với công chức, viên chức làm công tác quản lý Nhà nước về tư pháp thì không cần có bằng tiến sĩ. Nếu muốn nâng cao trình độ và năng lực làm việc, có thể đào tạo thêm qua các khóa học bồi dưỡng về hành chính tư pháp.

Trước đề án cho đào tạo sau đại học đối với đội ngũ công chức, viên chức của Thành phố Hà Nội, Tiến sĩ Bùi Quang Xuân cũng đặt vấn đề về bằng cấp và giá trị thực học hiện nay.

“Đưa ra đề án này, điều khiến chúng ta lo ngại là xảy ra tình trạng “học giả” chứ không “học thật”. Sẽ có người muốn có bằng thạc sĩ, tiến sĩ để được thăng chức, để được ngồi vào vị trí quản lý cao hơn chứ không phải học vì muốn nâng cao năng lực, trình độ và học để phục vụ nhân dân.

Vậy việc học đó có giúp ích gì cho nền hành chính của chúng ta? Đua nhau học tiến sĩ, thậm chí có người học tiến sĩ trái ngành, không giúp ích gì cho công việc. Điều này sẽ gây lãng phí thời gian, lãng phí tiền bạc của Nhà nước, của Nhân dân.

Chúng ta nói cần phải học tập suốt đời nhưng không có nghĩa là chạy theo bằng cấp, chỉ học lý luận, lý thuyết. Quan trọng là quá trình làm việc trong thực tiễn, mỗi người cán bộ, công chức, viên chức phải phát huy tinh thần tự học, tìm tòi, sáng tạo, đứng trước những yêu cầu, thách thức mới của công việc đều cố gắng học tập và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”, Tiến sĩ Xuân cho hay.

Cần làm gì để nâng cao chất lượng nền hành chính công?

Tiến sĩ Bùi Quang Xuân cho biết, nền hành chính công là phục vụ nhân dân nên cần phải sâu sát thực tiễn. Muốn đánh giá chất lượng đội ngũ công chức, viên chức thì cần phải đánh giá theo hiệu quả công việc.

Hiện nay, trong cơ chế của chúng ta, ai có bằng cấp cao hơn thì được trả lương cao, được cân nhắc vào vị trí quản lý cao hơn. Tâm lý chuộng bằng cấp là một vấn đề bất cập đối với nền hành chính hiện nay.

Bởi lẽ, một người có bằng tiến sĩ nhưng làm việc qua loa, hình thức sẽ không thể tốt bằng một người chỉ đạt trình độ cử nhân nhưng làm việc tận tâm, trách nhiệm, phát huy hiệu quả công việc.

Tất nhiên, một người bằng cấp cao, kinh nghiệm thực tiễn nhiều, thái độ làm việc tốt và phát huy được năng lực của mình là một điều đáng trân trọng. Nhưng điều đáng lo ngại là bằng cấp của một người không tương xứng với năng lực thực sự của người đó, điều này chỉ làm căn bệnh thành tích vốn đã tồn tại bấy lâu càng trở nên trầm trọng hơn.

Tiến sĩ Bùi Quang Xuân cho rằng, để nâng cao chất lượng của nền hành chính công, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức cần thực hiện 3 nhiệm vụ.

\Thứ nhất, cần bồi dưỡng thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Làm trong nền hành chính công phải tận tụy, sẵn sàng, hết lòng phục vụ nhân dân. Có như vậy mới làm tốt công việc và phát huy tính hiệu quả công việc được giao.

Thứ hai, cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ công chức, viên chức qua việc tăng cường các khóa huấn luyện chuyên ngành hoặc liên ngành (ngắn hạn hoặc trung hạn) dưới nhiều hình thức.

Ở từng vị trí việc làm cụ thể có tính chuyên sâu, chuyên ngành riêng, cán bộ, công chức, viên chức cần được đào tạo thêm các kỹ năng để phục vụ công việc.

Để giảm chi phí, các đơn vị có thể gửi cán bộ đi học và trở thành cán bộ chuyên ngành về tập huấn lại cho đơn vị mình.

Bên cạnh đó, các cơ sở có thể kết hợp với các trường đại học đặt hàng trực tiếp về chuyên ngành đơn vị mình đang cần. Hoạt động này trước giờ vẫn triển khai nhưng còn mang tính chắp vá, thiếu tính liên tục, hệ thống và thiếu khả năng tư duy bền vững nên chưa phát huy hiệu quả.

Thứ ba, cần thay đổi quan điểm về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, thay vì ưu tiên bằng cấp thì cần đánh giá đúng năng lực làm việc, hiệu quả công việc của mỗi cá nhân.

“Luật Cán bộ công chức được ban hành thay cho Pháp lệnh công chức nhưng tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, công chức, viên chức không có nhiều thay đổi. Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả công việc là yếu tố quan trọng vẫn đang xếp sau những tiêu chí khác. Hơn nữa, trong tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả công việc cũng chưa được cụ thể hóa, vẫn còn chung chung, mang tính định tính mà không có tính định lượng.

Tôi cho rằng, cần phải sửa đổi tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và thay đổi quan điểm về tuyển dụng để lựa chọn được đội ngũ nhân lực chất lượng cho nền hành chính công”, Tiến sĩ Bùi Quang Xuân khẳng định.

Phạm Minh
VĂN BẰNG TIẾN SĨ KHÔNG THÍCH HỢP CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC
LINH HƯƠNG/GDVN 30-5-2022

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030".

Theo đó, giai đoạn 2022-2025, Hà Nội dự kiến sẽ chi 61,5 tỉ đồng cho đào tạo sau đại học trình độ thạc sỹ và tiến sỹ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Ngay sau khi đề án này được ban hành, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại bởi đào tạo bậc tiến sĩ là dành cho nghiên cứu khoa học, công tác tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng chứ bộ máy công quyền thì không cần đến trình độ này.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Giáo sư Xuất sắc và Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney, Giáo sư y khoa (kiêm nhiệm) của Đại học New South Wales, và Giáo sư kiêm nhiệm dịch tễ học và thống kê học thuộc Đại học Notre Dame Australia.

Phóng viên: Mục tiêu của đề án là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, việc dùng ngân sách nhà nước để cử cán bộ đi học thạc sĩ, tiến sĩ có phù hợp không?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi thấy đề án này có vài điều cần phải xem xét lại hay thảo luận thêm. Đa số các vị trí trong hệ thống công quyền không cần đến bằng tiến sĩ.

Văn bằng thạc sĩ có mục tiêu chính là nâng cao nghiệp vụ cho một cá nhân bằng cách học chuyên sâu một lãnh vực hẹp (ví dụ như quản trị kinh doanh, quản trị hệ thống IT). Do đó, văn bằng thạc sĩ có thể giúp ích cho các chuyên gia trong bộ máy nhà nước trong việc thăng tiến sự nghiệp.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Giáo sư Xuất sắc và Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney

Riêng chương trình tiến sĩ thì có mục tiêu chính là đào tạo một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp (professional scientist). Đa số các vị trí trong bộ máy nhà nước không cần nghiên cứu khoa học, hay có nghiên cứu thì cũng không cần đến những phương pháp chuyên sâu, và không cần sáng chế ra cái gì mới. Do đó, văn bằng tiến sĩ không thích hợp cho các cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.

Ông có từng đào tạo nghiên cứu sinh nào làm trong hệ thống công quyền?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi không có nghiên cứu sinh làm cho Nhà nước, nhưng có 1 em làm cho một tập đoàn kinh tế. Em này vì lí do tài chính nên đầu quân cho tập đoàn dược, và em ấy cho biết công việc hàng ngày chẳng liên quan gì với những nghiên cứu em ấy học trong lab tôi. Tuy nhiên, em ấy cho biết những kiến thức về nghiên cứu khoa học giúp ích trong việc quản lí khoa học cho tập đoàn.

Vậy học tiến sĩ vì muốn theo đuổi sự nghiệp hành chính, quản trị kinh doanh, hay các chức vụ hành chính, hay các chức vụ mang tính quản lí thì đó đúng quy luật phát triển không, thưa ông?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Theo tôi nghĩ thì không. Như nói trên, mục tiêu của đào tạo tiến sĩ là nhằm kiến tạo một nhóm người ưu tú cho nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng ngại ở nhiều nước phương Tây hiện nay là đa số các tiến sĩ không theo đuổi được sự nghiệp khoa học tuy họ được đào tạo để làm nghiên cứu khoa học. Theo một nghiên cứu từ Anh, hơn phần nửa (53%) tiến sĩ tìm sự nghiệp ngoài khoa học, và chỉ có 10% nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ theo đuổi sự nghiệp khoa học hoặc giảng dạy. Đa số những người này đều làm việc trong các tập đoàn kĩ nghệ. Nhưng số người bỏ khoa học sau khi xong tiến sĩ để làm trong các cơ quan công quyền và hành chính thì rất hiếm.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư.

Linh Hương

TÔI BIẾT MỘT SỐ NƠI 'LÁCH LUẬT' ĐỂ TẠO RA  NHỮNG LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN BẢN

NGÂN CHI/GDVN 31-5-2022

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phân tích căn nguyên dẫn đến đào tạo tiến sĩ kém chất lượng và đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng.

Phóng viên: Thưa Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, thời gian qua, dư luận đang bức xúc trước những đề tài được cho là không xứng tầm của một luận án tiến sĩ mà vẫn được bảo vệ thành công. Có ý kiến cho rằng, vì tư duy “trọng bằng cấp” đã dẫn đến tình trạng người người đua nhau đi học tiến sĩ, rồi buông lỏng chất lượng. Giáo sư có quan điểm như thế nào về vấn đề trên?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Trước hết, có thể do truyền thống của Việt Nam từ xưa đến nay, vốn vẫn coi trọng những người có học hàm, học vị. Từ thời phong kiến, chỉ có cách duy nhất là đi học, thi đỗ đạt, được bổ nhiệm làm quan, được hưởng bổng lộc, nuôi được gia đình tử tế...

Đến khi chúng ta phát triển kinh tế, tư duy đó vẫn không thay đổi. Mặc dù chúng ta đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp nhưng tư duy ấy hoàn toàn không phải là tư duy công nghiệp.

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ cho rằng, chuyện “ưu tiên” học hàm, học vị dẫn đến sự hão huyền trong việc đánh giá chất lượng thực của một con người; dẫn đến nhiều cơ sở đào tạo vì lợi ích mà sinh ra tiêu cực. (Ảnh: NVCC).

Tôi cho rằng, đó là một căn nguyên dẫn đến việc các gia đình muốn con đi theo con đường thi cử, rồi thi nhau đi học để có học hàm, học vị...

Mặt khác, về xã hội, chúng ta cũng mắc một sai lầm. Đó là nhiều khi, bổ nhiệm một người vào cương vị nào đó mặc dù không cần đến học hàm, học vị, nhưng vẫn “cài cắm” rằng có học hàm, học vị thì sẽ được “ưu tiên” hơn. Thế nên, mới dẫn đến chuyện, có khi một vị trí, chẳng hạn như lãnh đạo một địa phương, không cần phải có học hàm, học vị gì, chỉ cần có tài lãnh đạo, nhưng nhiều khi vẫn gắn vào “là tiến sĩ thì được ưu tiên hơn.”.

Chính những quan niệm, tư duy ấy đã khiến người ta trở nên rất háo hức với chuyện đi học để đỗ đạt vào danh vị này, danh vị khác. Và điều đó làm cản trở phát triển kinh tế. Đồng thời, cản trở quá trình bổ nhiệm cán bộ, tức là lại “ưu tiên” cho những “tiến sĩ giấy”, tiến sĩ “bằng thật - học giả”.

Thật nguy hại khi điều đó dẫn đến sự hão huyền trong việc đánh giá chất lượng thực của một con người; dẫn đến nhiều cơ sở đào tạo chỉ vì lợi ích mà sinh ra chuyện tạo sức thu hút một cách tiêu cực với người học.

Phóng viên: Giáo sư có thể phân tích rõ hơn về câu chuyện các cơ sở đào tạo vì lợi ích mà buông lỏng chất lượng đối với tiến sĩ như thế nào không?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Từ tư duy “có học hàm, học vị thì sẽ được “ưu tiên” bổ nhiệm, được xã hội trọng vọng hơn”, dẫn đến câu chuyện mang tên “tiến sĩ giấy”, dẫn đến một xu hướng thỏa mãn được ý nguyện đó là mọi người đều tấp nập vào chuyện lấy học hàm, học vị. Rồi các trường, các cơ sở đào tạo cũng tranh thủ vào chuyện đào tạo theo số lượng, vì gắn với chuyện “miếng cơm, manh áo” của nhà trường đó.

Cơ sở nào thu hút được nhiều người đến học, đến nghiên cứu, đồng nghĩa với thu nhập của cơ sở đó cũng được tăng lên. Nhiều người học thì tất nhiên là nguồn thu cũng tăng, kể cả chuyện “bổng lộc không chính thức”, mà do những người đi học cung cấp - đó cũng là một loại tạo ra lợi ích của các cơ sở đào tạo.

Và nếu số lượng quá đông, thì xảy ra chuyện cơ sở đào tạo có thể “châm chước” chuyện chất lượng, mặc dù biết làm như vậy không đúng...

Nhưng chính chuyện “chất lượng kém” ấy lại càng thu hút đối với những người không cần thực tài, chỉ cần có danh vị tiến sĩ. Đó là nguyên nhân dẫn đến thực tế đào tạo chỉ để lấy bằng cấp, danh vị.

Tôi biết một số nơi “lách luật” để tạo ra những luận án tiến sĩ nhân bản. Chẳng hạn, quy định về luận án tiến sĩ phải có yếu tố mới thì với một đề tài chỉ cần một phương pháp nghiên cứu áp dụng ở huyện này, rồi lại áp dụng tương tự ở các huyện khác, vẫn cho ra lò một luận án mới. Như vậy, từ một đề tài khoa học, có thể sản sinh ra hàng loạt tiến sĩ mà không cần sáng tạo, cũng có yếu tố mới gì.

Tất nhiên, những người tự trọng sẽ không ai làm điều đó. Thậm chí, họ xấu hổ khi làm nghiên cứu sinh ở những cơ sở đào tạo tiến sĩ như vậy.

Tuy nhiên, không ít người lại thấy đây là một chuyện dễ dàng, xem đây một “mảnh đất màu mỡ”...Sự suy đồi về chất lượng chính là ở đó. Người ta không muốn phấn đấu về chất lượng, người ta không muốn phấn đấu vì danh vị tiến sĩ thực chất mà chỉ muốn làm cách nào để cam kết: “Ở đây, cứ đào tạo là thành tiến sĩ!”... Chính sự buông lỏng ấy đã tạo ra những lo lắng về chất lượng đào tạo tiến sĩ như hiện nay.

Phóng viên: Vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay, cần có những biện pháp như thế nào, thưa Giáo sư?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Làm thế nào để việc đào tạo tiến sĩ của Việt Nam ra khỏi tình trạng dư luận lo ngại như hiện nay, tôi nghĩ là không đơn giản!

Bởi, một khi quan niệm tiến sĩ đã hình thành và tồn tại lâu như vậy, chưa kể yêu cầu về tiến sĩ của một số cơ sở đào tạo còn “buông” như vậy, thì thực sự rất khó thay đổi.

Người ta vẫn có nhu cầu đua nhau đi học để nhắm đến một danh vị, để được “ưu tiên” trong bổ nhiệm...

Nếu những người lãnh đạo các cơ sở đào tạo tiến sĩ mà không ý thức được, chất lượng của tiến sĩ phải như thế nào, thì không thể thay đổi được.

Để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải làm lại từ đầu, từ khẩu hiệu: “Giáo dục đào tạo là khâu then chốt trong phát triển”.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, để giảm bớt những luận án tiến sĩ kém chất lượng, phải thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thật kỹ càng. Đặc biệt, có rất nhiều lĩnh vực hẹp, liệu có thanh tra được hết luận án tiến sĩ ở các lĩnh vực khác nhau hay không? Đó cũng là một câu chuyện rất phức tạp...

Chỉ khi, bản thân nhà khoa học có thể đào tạo tiến sĩ ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đang đào tạo ai, thì mới giải quyết được vấn đề.

Tôi cũng từng là người đào tạo khá nhiều tiến sĩ, nhưng với những luận án tiến sĩ mà tôi hướng dẫn, yêu cầu phải có yếu tố mới hoàn toàn và yếu tố mới ấy phải ngang tầm quốc tế, chứ không phải chỉ ở phạm vi trong nước.

Đồng thời, tôi cho rằng, cũng cần phải xếp hạng những người như thế nào thì mới được đào tạo, phản biện luận án tiến sĩ. Lựa chọn thành viên hội đồng cũng cần phải tìm ra những người dũng cảm, vì mục tiêu chung, không có chuyện “tránh va chạm nhau”, khó người khó ta, dễ người dễ ta, như lâu nay vẫn tồn tại.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!

Ngân Chi
CÁN BỘ QUẢN LÝ ĐÔ THỊ CỦA HÀ NỘI CẦN PHẢI HỌC THẠC SĨ, TIẾN SĨ Ở NƯỚC NGOÀI ?
MẠNH ĐOÀN /GDVN 1-6-2022
GDVN- Nhiều ý kiến trái chiều về việc Hà Nội chi ngân sách hơn 61 tỷ đồng cho cán bộ công chức, viên chức đi học sau đại học.

Theo nội dung Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030", Hà Nội nhận định công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức viên chức về lĩnh vực trọng tâm của Thành phố chưa được đầu tư tập trung, trong đó có quản lí phát triển đô thị.

Hà Nội hướng đến việc cử công chức viên chức đi đào tạo sau đại học tại nước ngoài phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực trọng tâm để hình thành đội ngũ chuyên gia của Đề án.

Đặc biệt, thời gian vừa qua, tình cảnh sau trận mưa lớn, Hà Nội ngập lụt nhiều nơi. Ô tô "bơi" trong biển nước được cho là một trong những hậu quả của yếu kém của quy hoạch đô thị.

Vì thế, đề án trên của Thành phố Hà Nội lại càng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Đối với việc quản lý đô thị, công chức viên chức có phải đi đào tạo sau đại học trong nước hoặc thậm chí là nước ngoài hay không và hiệu quả có dễ đo đếm?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng (Chuyên gia kiến trúc đô thị, Hội Kiến trúc sư Việt Nam) và Tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Đàm Ngọc Tú (Trưởng phòng khoa học và hợp tác quốc tế, trường Đại học Xây dựng miền Trung) đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề trên.

Cán bộ quản lý đô thị không theo kịp tốc độ phát triển?

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho hay, ông rất tán thành Đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức của Thành phố Hà Nội, trong đó có vấn đề đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lí đô thị.

Thực tế, không phải bây giờ Hà Nội mới quan tâm đến vấn đề quản lí đô thị, mà cách đây khoảng 20 năm, Bộ Xây dựng đã có Học viện đào tạo bồi dưỡng cán bộ thì cũng chủ yếu tập trung đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lí đô thị. Tuy nhiên, việc đô thị hóa của Hà Nội diễn ra rất nhanh khiến lực lượng cán bộ quản lí đô thị không theo kịp tốc độ phát triển của đất nước.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng. (Ảnh: VOV)

Từ đây nảy sinh ra nhiều vấn đề như quản lí xây dựng, quản lí quy hoạch và hậu kiểm sau quy hoạch.

"Việc Hà Nội có chủ trương đào tạo cán bộ quản lí đô thị thì tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên phải chọn những người có tâm huyết với Hà Nội, đồng thời cán bộ được cử đi đào tạo phải là người kinh qua công tác quản lí như Thanh tra xây dựng cấp quận chứ không phải đào tạo tiến sĩ là làm việc ở cấp Sở.

Tiếp đó là đào tạo cán bộ cấp huyện mà huyện đó tương lai sẽ trở thành quận hay thành phố, theo Luật thủ đô và Luật điều chỉnh quy hoạch Hà Nội 2011", chuyên gia cho hay.

Tuy nhiên, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho rằng, Hà Nội không nhất thiết phải cho cán bộ đi học tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài, vì 1 người đi học ở nước ngoài bằng 4 người đi học ở trong nước. Hiện nay chúng ta có rất nhiều chuyên gia quản lí đô thị của nước ngoài nên được tiếp cận với quy hoạch của những nước tiên tiến.

Tuy nhiên, chúng ta phải làm sao quy hoạch đô thị Hà Nội là của Việt Nam, chứ không phải là mang bản sắc của những nước khác trên thế giới. Nó phải phù hợp kinh tế, khí hậu và con người Việt Nam.

Vì vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã để cập vấn đề văn hóa rất rõ, văn hóa đây không chỉ là văn hóa phi vật thể, mà văn hóa còn thấm vào văn hóa quản lí lãnh đạo.

"Đô thị giống như một đời người, con người có gia phả nhưng tại sao đô thị không có “gia phả” của riêng mình, vì vậy cần phải trân trọng các di sản", ông Tùng chia sẻ.

"Việc gửi cán bộ đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài cũng cần phải xem xét, vì kinh phí đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài gấp nhiều lần đào tạo tiến sĩ ở trong nước", ông Tùng cho hay.

Theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, quy hoạch đô thị được duyệt giống như là định hướng, cẩm nang, mục tiêu. Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị có nêu chúng ta phải xây dựng hệ thống đô thị của Việt Nam bền vững, thì những cán bộ phải nắm được mục tiêu hướng đến người dân sống trong đô thị phải được hạnh phúc.

Hạnh phúc ở đây chính là nơi họ sống ở đô thị như quê hương của mình. Chúng ta phải cải tạo khu vực ngõ ngách trong khu vực trung tâm Thành phố, để người dân thuận tiện tiếp cận giao thông công cộng.

Ví như việc cấm xe máy là chưa phù hợp, chúng ta phải cấm phương tiện tư nhân trong đó có cả ô tô.

Bên cạnh đó, vấn đề cấm khó thành hiện thực vì nhiều cư dân Thủ đô sống trong ngõ ngách không tiếp cận được phương tiện công cộng. Vì vậy phải có quy hoạch để giao thông của Hà Nội trở thành “ô bàn cờ”.

Vấn đề lựa chọn đối tượng cán bộ quản lí đô thị để đào tạo cũng là một vấn đề. Chúng ta phải đào tạo làm sao để cán bộ để gần dân, bởi không có gì bằng chính quyền sát dân.

Ví như việc dân xây nhà trái phép hay lấn chiếm vỉa hè…. thì chính quyền chắc chắn đều phải nắm rõ, chứ không phải chờ đến khi cơ quan báo chí phát hiện sai phạm trong xây dựng thì chính quyền lại tổ chức đập phá. Khi người dân đào móng xây nhà thì chính quyền ở đâu? Vì vậy điều rất quan trọng là cán bộ phải có sự tâm huyết và gần với dân.

Cán bộ quản lí đô thị học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài là cần thiết

Theo Tiến sĩ - Kiến trúc sư Lê Đàm Ngọc Tú (Trưởng phòng khoa học và hợp tác quốc tế, trường Đại học Xây dựng miền Trung), bà đồng tình việc cử công chức viên chức đi học quản lí đô thị sau đại học tại nước ngoài. Bởi lẽ, tại các nước tiên tiến sẽ có công cụ tiên tiến, quy trình quản lí cũng chặt chẽ hơn.

"Những người quản lí sẽ là người trình và ra các quyết định, thì họ phải hiểu cách quản lí đô thị của các nước tiên tiến, hoặc ở những nơi khác. Vì vậy, nên cử công chức viên chức đi học sau đại học tại nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực quản lí phát triển đô thị", Tiến sĩ Tú cho hay.

Đối với nguồn chuyên gia nước ngoài về quản lí phát triển đô thị tại Hà Nội, Tiến sĩ Ngọc Tú cho rằng đây cũng chỉ là nguồn ngoại lực, còn việc đào tạo cán bộ là nguồn nội lực để vận hành hệ thống.

Việc đào tạo sau đại học tại nước ngoài, sẽ giúp cán bộ có trải nghiệm để hiểu được việc vận hành đô thị của nước ngoài như nào, từ đó có chính sách phù hợp hơn đối với đô thị của Hà Nội.

Trước nội dung Đề án không nêu rõ thông tin về việc bố trí việc làm cho người đi học sau đại học về nước, Tiến sĩ Tú cho rằng, cần phải có sự ràng buộc đối với cán bộ để họ về cơ quan công tác. Bên cạnh đó, những người đi nghiên cứu cũng cần phải chọn những đề tài xuất phát từ vấn đề trong quản lí thực tiễn tại Hà Nội, để khi họ học xong thì hiệu quả áp dụng sẽ cao hơn.

"Hiện nay một số xu hướng trên thế giới như đô thị xanh, đô thị thông minh...hay là xây dựng cơ sở dữ liệu quản lí đô thị thì những mảng này thì chúng ta chưa có đầu tư. Tại Hà Nội là đầu tầu kinh tế, chính trị của cả nước, thì còn nhiều vấn đề như ngập úng, kẹt xe... cũng cần có giải pháp về hệ thống cấp thoát nước, hay là giải pháp trong thiết kế đô thị", Kiến trúc sư, Tiến sĩ Lê Đàm Ngọc Tú chia sẻ.

Mạnh Đoàn
Ở ĐỨC, TÔI KHÔNG THẤY CHƯƠNG TRÌNH NÀO DÙNG NGÂN SÁCH CHO CÔNG CHỨC ĐI HỌC THẠC SĨ, TIẾN SĨ
THIÊN NHI/ GDVN 3-6-2022
GDVN- Theo TS. Lê Đức Dũng, ở Đức, các công chức thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nhưng đó chỉ là chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hoặc thường niên.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đức Dũng - chuyên gia nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc, hiện làm việc tại Đức đã có những chia sẻ xoay quanh công tác tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng công chức ở Đức.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, ở Đức, nguyên tắc và tiêu chuẩn năng lực trong tuyển chọn công chức được quy định như thế nào? Những vị trí việc làm nào ưu tiên tuyển dụng người có trình độ chuyên môn cao từ thạc sĩ, tiến sĩ trở lên?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Về cơ bản, ở Đức có công chức liên bang làm việc trong các cơ quan liên bang và công chức của bang làm trong các cơ quan do bang quản lý. Mỗi bang đều có luật và quy định riêng nên tiêu chuẩn năng lực trong tuyển chọn công chức cũng khác nhau. Do đó, sẽ không có tiêu chuẩn chung cho tất cả các bang.

Để tham gia thi tuyển, ứng viên phải đảm bảo một số nguyên tắc. Ứng viên phải có quốc tịch Đức hoặc EU, một số trường hợp ngoại lệ mang quốc tịch khác nhưng vẫn được chấp nhận.

Về mặt trình độ, tuỳ theo vị trí việc làm, các cơ quan sẽ yêu cầu trình độ và bằng cấp của ứng viên tương ứng. Ở Đức, hệ thống công chức được chia theo nhiều thứ bậc, thường là 4 bậc từ thấp đến cao.

Tiến sĩ Lê Đức Dũng - chuyên gia nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc, hiện làm việc tại Đức. (Ảnh: Thomas Obermeier)

Ví dụ, công chức cấp thấp chỉ cần có bằng tốt nghiệp cấp 2 và sau đó học việc từ 6 tháng là đủ điều kiện làm việc. Công chức cấp trung bình cần có bằng cấp 2 trở lên và tốt nghiệp học nghề 3 năm. Yêu cầu tối thiểu đối với công chức ở bậc cao hơn nữa là phải có bằng tốt nghiệp đại học ứng dụng. Cuối cùng, công chức ở cấp cao nhất cần đạt trình độ học vấn từ thạc sĩ trở lên.

Ở Đức, trường đại học thường thuộc về các bang nên hầu hết giáo sư đều là công chức. Một số nhà khoa học, giảng viên cũng là công chức, họ thường có trình độ học vấn từ tiến sĩ trở lên.

Tuy nhiên, ngoài môi trường đại học thì một số nhiệm sở trong các chính quyền có những vị trí đòi hỏi công chức phải có bằng cấp cao, ví dụ như nhiệm sở y tế, cơ quan giáo dục và nghiên cứu khoa học, cơ quan thú y, tài nguyên môi trường, xây dựng - đô thị... Trong những cơ quan này, nhiều vị trí yêu cầu nhân sự phải đủ năng lực học thuật để quản lý, đánh giá và tư vấn các vấn đề liên quan mà họ được phân công phụ trách.

Thông thường với các vị trí này, cơ quan sẽ tuyển những người đã có bằng cấp tương ứng theo yêu cầu. Theo tôi tìm hiểu, ở Đức, rất ít ứng viên đi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ sau khi đã trở thành công chức, nếu có thì trường hợp này thường có sự thoả thuận từ phía cơ quan chủ quản với các công chức.

Phóng viên: Theo ông, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở Đức khác gì so với Việt Nam, cụ thể là một số thành phố lớn như Hà Nội? Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức ở Đức sẽ được chi từ nguồn nào?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Theo như tôi được biết, các công chức ở Đức vẫn thường xuyên được đào tạo, huấn luyện, bổ sung chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ liên quan đến công việc họ quản lý. Tuy nhiên, đó chỉ các là chương trình đào tạo bồi dưỡng và huấn luyện ngắn hoặc thường niên.

Tại Đức, tôi không thấy bất kỳ một chương trình nào dùng ngân sách nhà nước để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho công chức đương nhiệm. Đối với các nguồn để trả lương cho công chức hầu hết sẽ được chi từ ngân sách nhà nước, hay chính xác hơn là từ nguồn thuế do nhà nước thu.

Phóng viên: Ở Đức, các chức danh và trình độ học thuật có gắn với cơ hội thăng tiến?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Không chỉ ở Đức mà hầu hết các quốc gia khác, trình độ học thuật thường gắn liền với cơ hội thăng tiến trong công việc, kể cả trong các cơ quan nhà nước và ngoài nhà nước.

Tuy nhiên, dù có bằng cấp, công chức vẫn phải chứng minh được thực lực qua công việc thực tế. Tại Đức, trong các cơ quan chính quyền, đa phần những người làm việc ở vị trí cao sẽ có trình độ học vấn cao tương đương. Đây cũng là những nhà quản lý có năng lực và bằng cấp họ đạt được thường là kết quả của quá trình học tập và nghiên cứu trước khi họ vào làm cho các cơ quan chính quyền. Đối với lĩnh vực không yêu cầu bằng cấp cao thì cơ hội cạnh tranh cho người có năng lực là như nhau.

Phóng viên: Chế độ đãi ngộ, thu hút, giữ chân người tài ở khu vực công được Chính phủ Đức quan tâm như thế nào, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Việc thu hút và giữ chân người tài các cơ quan công quyền luôn là vấn đề mà nhiều quốc gia quan tâm. Ở Đức, các công chức được hưởng khá nhiều ưu đãi như có vị trí công việc ổn định, được miễn nhiều loại thuế và bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội...

Bên cạnh đó, công chức còn được nhận tiền hỗ trợ gia đình cho con cái và cho chồng hoặc vợ trong một số trường hợp. Do vậy, tổng thu nhập sau thuế của công chức khá cao so với mặt bằng chung. Khi về hưu, họ cũng được hưởng tỉ lệ lương hưu cao hơn so với những người không phải là công chức.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.

Thiên Nhi
CÔNG KHAI BÁN LUẬN ÁN TS 100 TRANG GIÁ 30 TRIỆU, ĐIỂM KHÔNG CAO 'HOÀN TIỀN' 
THIÊN ÂN/GDVN 4-6-2022
GDVN- Luận án tiến sĩ khoảng 100 trang được định giá là 30 triệu đồng, bài báo khoa học 3 triệu đồng, slide trình chiếu cho buổi bảo vệ 1 triệu đồng...

11.900.000 là kết quả trong 0,49 giây khi tìm kiếm trên Google từ khoá “viết thuê luận án tiến sĩ”. Không chỉ vậy, trên nền tảng mạng xã hội Facebook, luận án tiến sĩ còn được mời chào như một "món hàng" tại các nhóm hỗ trợ làm tiểu luận, luận văn, luận án đang thu hút hàng nghìn thành viên tham gia.

Giá của luận án cao hay thấp tùy vào độ khó của đề tài nghiên cứu, số trang, thời gian hoàn thành... Người nhận viết luận án khẳng định giữ bí mật tuyệt đối thông tin cá nhân của khách, đảm bảo tiến độ lẫn chất lượng, thậm chí "nếu điểm không cao, không đạt sẽ hoàn tiền".

Nhóm làm khóa luận - báo cáo thực tập - luận văn - xin dấu - chỉnh sửa bài với 6.700 thành viên tham gia. (Ảnh: chụp màn hình)

Một tài khoản tên K.D tự giới thiệu mình đã viết thuê luận văn, luận án lâu năm, có kinh nghiệm nghiên cứu đề tài, cam kết điểm cao.

Những người cần thuê chỉ cần đưa ra yêu cầu là sẽ được đáp ứng. Theo đó, K.D sẵn sàng viết thuê luận án và hỗ trợ thêm bài báo khoa học đăng trên tạp chí để được cộng điểm. Theo đó, báo giá luận án tiến sĩ khoảng 100 trang là 30 triệu đồng, bài báo khoa học 3 triệu đồng, slide trình chiếu cho buổi bảo vệ 1 triệu đồng còn bản tóm tắt luận án, phần soạn câu trả lời phản biện và những phát sinh khác phía K.D sẽ miễn phí hoàn toàn.

K.D cũng tiết lộ, đối với phần trả lời câu hỏi phản biện trong quá trình bảo vệ luận án, hội đồng sẽ cho chuẩn bị trong vòng 20-30 phút, nghiên cứu sinh chỉ cần gửi câu hỏi, phía viết luận án sẽ làm câu trả lời.

Người này cho biết, có nhiều trường hợp còn được hội đồng gửi danh sách câu hỏi trước ngày bảo vệ luận án, chỉ cần chi tiền nhiều thì hội đồng sẽ không "vặn", chấm điểm cũng thoáng hơn.

Để khách hàng tin tưởng, K.D gửi phản hồi của khách từng thuê mình viết luận án, khẳng định đã viết thuê cho nhiều ngành nghề khác nhau, mọi thông tin của người thuê sẽ được giữ kín.

Đơn vị cung cấp dịch vụ viết thuê luận án khẳng định đã viết thuê cho nhiều ngành nghề khác nhau. (Ảnh: Chụp màn hình)

Mặc dù người viết có yêu cầu khá gấp là luận án phải hoàn thiện vào giữa tháng 6 và nội dung không được đạo văn, sao chép từ các đề tài tương tự nhưng người này vẫn khẳng định có thể làm kịp vì thời gian gần đây chỉ nhận ít khách để đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Để chắc chắn, K.D yêu cầu cọc trước 2 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ phải thanh toán trong 4 đợt từ khi nhận luận án, chỉnh sửa theo yêu cầu của người thuê cho đến khi bảo vệ xong, cụ thể:

Đợt 1: 6 triệu đồng

Đợt 2: 7 triệu đồng

Đợt 3: 8 triệu đồng

Đợt 4: 11 triệu đồng

Bên thuê và phía dịch vụ không cần phải gặp trực tiếp, chỉ cần chuyển tiền qua tài khoản, mọi trao đổi về nội dung luận án cũng sẽ thông tin qua tin nhắn Zalo.

Tiếp tục thâm nhập "thị trường chất xám" đang hoạt động rất náo nhiệt này, người viết liên hệ với một tài khoản khác có tên T.V.H.

Sau khi kết nối qua Facebook, để bảo mật hơn, người này gửi số điện thoại và yêu cầu trao đổi qua Zalo.

Rất nhanh chóng T.V.H xin tên đề tài, nội dung hướng dẫn, thời hạn nộp luận án... để tư vấn cụ thể.

Người này quảng cáo mình có nhiều năm kinh nghiệm làm luận văn, luận án, chuyên đề tốt nghiệp thuê cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các cấp độ từ cao đẳng, đại học, thạc sĩ cho đến tiến sĩ với đủ chuyên ngành như kinh tế, tài chính ngân hàng, giáo dục, chính trị, xã hội, luật, du lịch, báo chí...

Khi được hỏi về chi phí làm luận án tiến sĩ từ A - Z, T.V.H đưa ra mức giá 35 triệu đồng cho một luận án "bao sửa" đến khi giảng viên hướng dẫn duyệt đề tài, cho phép bảo vệ trước hội đồng. Nếu thêm bài báo khoa học với dung lượng từ 1.500 - 2.000 từ, người thuê cần trả thêm khoảng 7 triệu đồng.

Tuy nhiên, với mức giá này, luận án chỉ được đảm bảo 50% nội dung là tự viết, 50% còn lại phía dịch vụ sẽ sao chép, tổng hợp các nguồn khác nhau từ Internet. Nếu muốn giảm mức độ đạo văn trong luận án, người thuê phải trả giá cao hơn.

Thấy người thuê có vẻ chần chừ, T.V.H nói có thể thỏa thuận lại giá sau khi xem qua đề cương để "thuận mua vừa bán".

Nếu muốn giảm mức độ đạo văn trong luận án, người thuê phải trả giá cao hơn. (Ảnh: Chụp màn hình)

Trên những hội nhóm này không chỉ đăng tải bài của những người làm dịch vụ và người có nhu cầu thuê viết luận án mà còn xuất hiện không ít bài tuyển cộng tác viên viết luận văn, luận án với mức thu nhập khá hấp dẫn từ 5-10 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn, phụ thuộc vào khả năng của từng người.

Khi chúng tôi đề nghị gặp trực tiếp để trao đổi đề tài và nói chuyện lệ phí thì hầu hết nhân viên của các trang web đều từ chối. Họ cho biết chỉ thanh toán bằng chuyển khoản chứ không gặp trực tiếp khách hàng vì ngành này khá nhạy cảm.

Một tài khoản làm làm dịch vụ viết luận văn thuê cho biết, hiện những "tay viết" cho nhóm của người này đều đang công tác ở nhiều vị trí khác nhau nên họ tránh các trường hợp để lộ thân phận, danh tính. Mọi công việc chỉ được trao đổi qua mail, Zalo, Facebook và hotline.

Không chỉ dịch vụ luận án tiến sĩ, các dịch vụ như viết thuê báo cáo thực tập, luận văn thạc sĩ... khóa luận tốt nghiệp đại học mọc lên rất nhiều trên các mạng xã hội.

Với các hoạt động công khai này rất cần các cơ quan quản lý mạnh tay xử lý. Và đặc biệt, các cơ sở đào tạo cần thực hiện nghiêm quy chế đào tạo sau đại học để những hoạt động tương tự không có "đất sống".

Thiên Ân
CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CÓ CẦN HỌC VỊ  THẠC SĨ, TIẾN SĨ ?
PHAN THẾ HOÀI/ GDVN 4-6-2022

Ngày 24/5/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Hà Nội sẽ chi hơn 60 tỉ đồng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho cán bộ, công chức" nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trên cả nước.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030".

Cụ thể, giao chỉ tiêu đào tạo 30 người (5 tiến sĩ; 25 thạc sĩ) tại các nước tiên tiến và 240 người (40 tiến sĩ; 200 thạc sĩ) trong nước thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án từ năm 2022-2025 là 272,3 tỉ đồng, riêng đào tạo sau đại học, nguồn kinh phí dự kiến là 61,6 tỉ đồng, trong đó, đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỉ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỉ đồng.

Ảnh minh họa.

Cán bộ, công chức có cần học vị thạc sĩ, tiến sĩ?

Một số địa phương cho rằng, việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học - thạc sĩ, tiến sĩ, sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhằm cải thiện hiệu quả công việc và quản lí Nhà nước.

Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ chỉ thuần làm công tác khoa học, khác với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy Nhà nước.

Điều 5 Luật Giáo dục đại học (Luật số 08/2012/QH13) ngày 18/6/2012 của Quốc hội quy định mục tiêu của giáo dục như sau (trích):

c) Đào tạo trình độ thạc sĩ để học viên có kiến thức khoa học nền tảng, có kỹ năng chuyên sâu cho nghiên cứu về một lĩnh vực khoa học hoặc hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo;

d) Đào tạo trình độ tiến sĩ để nghiên cứu sinh có trình độ cao về lý thuyết và ứng dụng, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát triển tri thức mới, phát hiện nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội và giải quyết những vấn đề mới về khoa học, công nghệ, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn. [1]

Còn hành chính công vụ là hoạt động của Nhà nước, với nhiều yếu tố hợp thành như thể chế công vụ, đội ngũ công chức, các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước… Công vụ là hoạt động do các cán bộ, viên chức Nhà nước tiến hành nhằm thực hiện các chức năng của Nhà nước. [2]

Đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hạn chế những gì?

Bàn về những hạn chế của đội ngũ cán bộ, công chức, bài viết "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ Nhân dân" ngày 27/7/2021 đăng trên Tạp chí Quản lí Nhà nước nêu rõ:

"Đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta còn bộc lộ những hạn chế nhất định, như: thiếu tri thức, kỹ năng hành chính, mọi công việc được thực hiện theo kinh nghiệm tự tích lũy, tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn thấp, tình trạng tham nhũng, sách nhiễu, cửa quyền… không còn là cá biệt, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước". [3]

Vậy nên, theo ý kiến cá nhân tôi, Thành phố Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành khác nói chung cần đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, chứ không phải tạo điều kiện để học đi học thạc sĩ, tiến sĩ bằng ngân sách Nhà nước.

Thứ nhất, theo tìm hiểu của tôi, hiện nay nước ta chưa có luật riêng về đạo đức công vụ. Các quy phạm pháp luật về đạo đức công vụ đã được Nhà nước ban hành lồng ghép trong nhiều văn bản khác nhau như Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi năm 2019), Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi năm 2019), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018… [4]

Nếu có luật riêng về đạo đức công vụ thì sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức. Vì đạo đức công vụ là yếu tố quan trọng bảo đảm sự tin cậy, minh bạch trong hoạt động công vụ; là hệ thống các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực dùng để đánh giá và điều chỉnh ứng xử của cán bộ, công chức, được thực hiện bởi lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ, niềm tin của họ trong quá trình thực thi công vụ. [5]

Đây cũng là một trong những lí do khiến các cơ quan Nhà nước gặp không ít khó khăn, trở ngại khi đánh giá chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Thứ hai, cần hạn chế tối đa những bất cập trong tuyển dụng cán bộ, công chức cả trong các quy định và trên thực tế. Điều dễ nhận thấy là, một số cơ quan Nhà nước tuyển dụng cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do trái chuyên môn.

Ví dụ, công chức phường đăng ký học tiến sĩ công nghệ sinh học, trong khi hệ thống chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công thì không học, là một thực tế ở Thành phố Hồ Chí Minh từng được một lãnh đạo Sở nêu tại một Hội nghị của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Chúng ta có thể học hỏi mô hình hệ thống công chức và đào tạo công chức với sự phát triển của đất nước Hàn Quốc.

Điều đáng quan tâm là, các kỳ thi công chức ở Hàn Quốc đều do Bộ Quản lý nhân sự (Ministry Personel Management) tổ chức chung.

Hệ thống công chức của Hàn Quốc chia thành 9 bậc (grade), từ thấp nhất bậc 9 tới cao nhất là bậc 1 (G9-G1). Một công chức chuyên nghiệp từ khi thi tuyển vào (kỳ thi bậc 9) sẽ trải qua kỳ thi ở bậc 7 và tiếp đó là bậc 5 để bước vào hạng công chức cấp cao hơn và cao nhất là Senior Civil Service (SCS) gồm bậc 2 đến bậc 1.

Việc tiếp nhận hồ sơ và chấm thi không phân biệt tầng lớp, thành phần xuất thân, quan hệ thân quen, họ hàng. Kết quả các bài thi là tiêu chí duy nhất để Hội đồng chấm thi quyết định chọn. Điều đáng lưu ý là việc tham gia vào các kỳ thi ở bất cứ bậc nào cũng dành cho cả người đang làm ở khu vực tư nhân. [6]

Thứ bachế độ tiền lương hiện nay dành cho cán bộ, công chức còn thấp, khó thu hút nhân tài vào làm việc ở các cơ quan Nhà nước. Tiền lương thấp nên khó đòi hỏi họ chuyên tâm vào công việc.

Chẳng hạn, ở Hàn Quốc, tiền lương công chức được thiết kế khoa học, bao hàm nhiều yếu tố, có khuyến khích người có thành tích công tác, sáng tạo, đổi mới, cống hiến. Hiện nay, cơ cấu chi (Pay structure) cho công chức Hàn Quốc bao gồm: tiền lương cơ bản + phụ cấp + thưởng + chi phí thực khác.

Riêng phụ cấp (allowance) có 12 loại theo 4 nhóm: phụ cấp ưu đãi và cho người phục vụ; phụ cấp gia đình (số lượng con); phụ cấp điều kiện làm việc khó khăn; phụ cấp làm việc ngoài giờ, ngày lễ, làm đêm dành cho công chức từ bậc 9 đến bậc 5...

Nói tóm lại, thạc sĩ, tiến sĩ là những người được đào tạo chuyên sâu về một lĩnh vực hẹp. Vậy nên, có những vị trí đòi hỏi phải có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ví như giảng viên các trường đại học, người nghiên cứu khoa học, nghiên cứu kinh tế, nghiên cứu chính sách tham mưu cho Chính phủ...

Còn người không làm công việc nghiên cứu khoa học hay tham mưu thì không cần phải có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, chỉ cần họ giỏi chuyên môn nghiệp vụ ở lĩnh vực được giao là đủ.

Ngoài ra, cán bộ, công chức đi học thạc sĩ, tiến sĩ cũng phải mất từ 2 năm đến 5 năm, còn đâu thời gian để làm việc. Nếu họ đi học theo kiểu vừa học vừa làm thì rất khó để cho ra những luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đạt chất lượng.

Chưa kể, các cơ quan Nhà nước phải bố trí cán bộ kiêm nhiệm hoặc hợp đồng thêm nhân sự nhằm lấp chỗ trống của những người đi học thì càng tốn ngân sách, còn hiệu quả công việc cũng khó đảm bảo.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-Giao-duc-dai-hoc-2012-142762.aspx

[2] //luathoangphi.vn/hanh-chinh-cong-vu-la-gi/

[3] //www.quanlynhanuoc.vn/2021/07/27/nang-cao-chat-luong-doi-ngu-can-bo-cong-chuc-dap-ung-yeu-cau-xay-dung-nen-hanh-chinh-nha-nuoc-phuc-vu-nhan-dan/

[4]//tcnn.vn/news/detail/53818/Thuc-hien-phap-luat-ve-dao-duc-cong-vu-o-Viet-Nam-hien-nay.html

[5] //www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/816002/nang-cao-dao-duc-cong-vu-cua-doi-ngu-can-bo%2C-cong-chuc%2C-vien-chuc-hien-nay.aspx

[6] //lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/2912-he-thong-cong-chuc-va-dao-tao-cong-chuc-voi-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-han-quoc.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài
CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC KHÔNG CẦN CÁN BỘ LÀ THẠC SĨ, TIẾN SĨ
MẠNH ĐOÀN/ GDVN 5-6-2022
GDVN- Nếu làm tiến sĩ thì rõ ràng là chỉ chuyên sâu về một lĩnh vực, với công chức viên chức cần kiến thức tổng hợp, vì vậy chúng ta nên tập trung công tác bồi dưỡng.

Ngày 19/05/2022 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1698/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Theo đề án, tổng kinh phí thực hiện đến năm 2025 là hơn 272 tỉ đồng lấy từ nguồn ngân sách thành phố. Riêng đào tạo sau đại học, nguồn kinh phí dự kiến là 61,6 tỉ đồng, trong đó, đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỉ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỉ đồng.

Trước đó, nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đã sử dụng ngân sách chi cho công chức viên chức đi đào tạo tiến sĩ trong hoặc ngoài nước, nhưng cũng có nhiều trường hợp không đạt kết quả như mong muốn.

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh để có thêm góc nhìn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. (Ảnh: Lao Động)

Phóng viên: Liên quan đến việc Hà Nội có đề án chi ngân sách cho cán bộ công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao. Trong đó, chi hơn 61 tỉ đồng cho cán bộ công chức, viên chức đào tạo sau đại học. Nhiều chuyên gia băn khoăn, tiến sĩ là trình độ đào tạo để phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy, còn cán bộ công chức chủ yếu thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý, quản trị. Nếu công chức viên chức được phân công đi học nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ thì rất cần thiết nhưng để học lên tiến sĩ có cần thiết không, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Chủ trương chung của Hà Nội về nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức viên chức rất cần thiết và bắt buộc phải thực hiện.

Tuy nhiên con đường đào tạo bồi dưỡng cán bộ có sự khác nhau, đối với công chức không nhất thiết phải đào tạo sau đại học. Điều kiện cần của công chức viên chức là tốt nghiệp đại học một chuyên ngành nào đó, sau đó được tập trung bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và các kĩ năng.

Việc đào tạo sau đại học cần cho các vị trí như là các trường học, các viện nghiên cứu thì phù hợp hơn.

Khối viên chức tập trung vào các trường đại học, viện nghiên cứu thì mới cần hệ sau đại học. Hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đang thiếu đội ngũ về tiến sĩ..

Chúng ta cũng từng thấy nhiều tỉnh thành phố cử cán bộ công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều người sau khi học xong lại không trở lại làm việc cho đơn vị.

Đối với công chức viên chức, theo tôi chỉ nên tập trung vào bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo vị trí việc làm. Chúng ta vẫn đang làm điều này nhưng phải làm có chất lượng hơn. Cụ thể như nâng cao phương pháp, nội dung bồi dưỡng theo nhu cầu vị trí việc làm.

Phóng viên: Theo nội dung Đề án, Hà Nội nhận định kĩ năng tổ chức cán bộ công chức còn yếu, ông đánh giá sao về điều này?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Chúng ta phải tập trung vào công tác bồi dưỡng cho công chức viên chức về kĩ năng công tác tổ chức cán bộ, điều này rất quan trọng. Nhiều khi cán bộ thiếu kiến thức thì cũng khó để chuyển hóa từ kiến thức đó thành kết quả cụ thể.

Trong công tác bồi dưỡng cán bộ thì nên tập trung về công tác tổ chức cán bộ, từ việc tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực, bố trí sử dụng cán bộ ... như nào. Cần chú trọng nhất là các kĩ năng.

Đối với công chức viên chức, họ có bằng cấp nhưng chưa chuyên sâu về việc họ đang đảm nhận, nên phải được bồi dưỡng những kiến thức, kĩ năng đó thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Bây giờ để đào tạo sau đại học làm thạc sĩ, tiến sĩ thì theo tôi nội dung đó không nhất thiết.

Bởi chương trình sau đại học rất chuyên sâu. Nó rất cần cho hoạt động đào tạo giáo dục. Còn đối với công việc của công chức viên chức thì không chuyên sâu một lĩnh vực, một chuyên đề nào, mà đòi hỏi sự tổng hợp.

Ngay như công tác tổ chức cán bộ đòi hỏi nhiều yếu tố, ví dụ như kiến thức xã hội, tâm lí con người, chứ không phải sâu về một chuyên đề, nên đào tạo sau đại học là không nhất thiết.

Phóng viên: Ông có đánh giá như nào về hiệu quả của công chức, viên chức tại chính quyền các địa phương hiện nay?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Hiệu quả công việc tại cấp cơ sở thì còn phụ thuộc rất nhiều vấn đề, trong đó việc tuyển dụng cán bộ là rất khó khăn.

Chế độ chính sách ở cấp xã, phường, thị trấn thì đội ngũ công chức đã cố gắng đạt tiêu chuẩn, tuyển đầu vào đều là tốt nghiệp đại học, thi tuyển...

Tuy nhiên vẫn còn hạn chế do chế độ đãi ngộ chính sách. Trước kia, có một thời cán bộ phường xã chỉ có phụ cấp, nhưng hiện tại thì họ được tính lương theo bằng cấp như bằng cử nhân, bằng thạc sĩ...

Thực tế, tại cấp cơ sở có yêu cầu rất cao về công việc. Đây là đơn vị trực tiếp thực thi chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ còn hạn chế.

Hiện nay, đội ngũ cấp cơ sở phường, xã, thị trấn theo quy định tối đa không quá 25 người. Việc tuyển dụng công chức viên chức cũng rất khó khăn, đồng thời quy mô dân số trong thời gian vừa qua cũng có sự điều chỉnh khi tiến hành cải tổ sát nhập thôn, xã, phường. Vì thế, đội ngũ này rất cần năng lực làm việc đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Phóng viên: Thực tế hiện nay, Hà Nội đang có 7 tiến sĩ ở cấp cơ sở là cấp xã, trong khi đó tại các đơn vị giảng dạy đào tạo lại thiếu tiến sĩ. Đó có phải là một sự lãng phí nguồn nhân lực, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Đối với tất cả các các cơ quan quản lí nhà nước không cần có cán bộ là thạc sĩ, tiến sĩ. Những người có học vị tiến sĩ nếu được vào các trường, các viện để phục vụ công tác giảng dạy sẽ phù hợp và phát huy, tận dụng hết năng lực, trình độ của họ.

Như tôi nói ở trên, đối với cán bộ quản lí nhà nước đòi hỏi kiến thức tổng hợp, ví như công tác tổ chức cán bộ, chính sách lao động... cán bộ lãnh đạo quản lí như Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, Bí thư phường đều đòi hỏi kiến thức rất tổng hợp, đòi hỏi kiến thức kĩ năng về tổng hợp thì cần phải tập trung vào con đường đó để bồi dưỡng hơn là cử đi học sau đại học.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mạnh Đoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét