Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

20220623. CĂNG THẲNG NGA-UKRAINA (25)

 ĐIỂM BÁO MẠNG


UKRAINE TẤN CÔNG ĐẢO RẮN, MẤT NHIỀU LÀNG PHÍA ĐÔNG 

VÀO TAY NGA

HOÀI LINH/ VNN 22-6-2022

Quân đội Ukraine cho biết đã tiến hành các cuộc không kích vào đảo Rắn, gây tổn thất lớn cho Nga. Tuy nhiên, ở phía đông, Ukraine để mất thêm hai ngôi làng vào tay quân Nga.

Theo báo The Guardian, Bộ chỉ huy chiến dịch phía nam của quân đội Ukraine đã thông báo trên Facebook rằng các lực lượng nước này đã tấn công nhằm vào các nhóm quân trên đảo. "Chiến dịch quân sự vẫn tiếp diễn và yêu cầu không đưa tin cho tới khi kết thúc". 

Đảo Rắn chịu sự kiểm soát của Nga ngay từ đầu cuộc chiến và Ukraine đã nỗ lực tấn công nhằm giành lại hòn đảo quan trọng này ở Biển Đen. Kể từ khi Nga mở chiến dịch đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, đảo Rắn đã được cho là sẽ trở thành tâm điểm của trận chiến giành quyền kiểm soát bờ biển phía tây Biển Đen. 


Đảo Rắn. 

Nga giành thêm nhiều khu vực ở đông Ukraine

Tờ Independent Kiev dẫn tin từ Bộ Tham mưu Ukraine cho biết, quân Nga đã giành được các ngôi làng Toshkivka, Pidlisne và Mala Dolyna sau khi vượt sông Siversky Donets thành công. Ngôi làng Zolote cũng đang có nguy cơ bị bao vây. Ngoài ra, quân Nga cũng giành được thắng lợi một phần gần khu định cư Hirske ở Luhansk. 

Làng Toshkivka nằm gần hai thành phố Severodonetsk và Lysychansk ở vùng Donbass, còn làng Pidlisne và Mala Dolyna tọa lạc ở phía tây nam của Severodonetsk. 

Người đứng đầu chính quyền quân sự Severodonetsk, ông Roma Vlasenko xác nhận với đài truyền hình Ukraine rằng Nga đã kiểm soát hoàn toàn Toshkivka và cuộc chiến ở Donbass đang diễn ra ác liệt, toàn bộ khu vực này hiện là tâm điểm giao tranh giữa quân Nga và Ukraine. 

Quân đội Ukraine cũng cho biết, quân Nga tiếp tục nã pháo vào Kharkiv - thành phố lớn thứ hai của nước này, khiến 5 người chết và 11 người khác bị thương. Ngoài thương vong ở Kharkiv, bốn người khác ở các thị trấn và làng mạc gần đó cũng thiệt mạng. 

Ukraine nhận vũ khí của Đức


Binh sĩ Ukraine. Ảnh: The Guardian

Hãng Reuters đưa tin, Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 21/6 cho biết, súng bắn đạn trái phá tự hành của Đức đã được chuyển tới nước này trong đợt chuyển giao vũ khí hạng nặng đầu tiên như cam kết của Berlin. 

Ukraine đã cầu cứu phương Tây gửi thêm nhiều loại pháo tốt hơn vì nước này hiện đã cạn kiệt đạn cho vũ khí có từ thời Liên Xô. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Đức đã cung cấp cho nước này Panzerhaubitze 2000, loại pháo mạnh nhất trong kho vũ khí của lực lượng vũ trang Đức, có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 40km. 

Hồi tháng 5, Đức cam kết cung cấp cho Ukraine 7 súng bắn đạn trái phá tự hành, bổ sung thêm vào 5 hệ thống pháo như vậy mà Hà Lan hứa chuyển cho Ukraine. Andriy Yermak, chánh văn phòng tổng thống Ukraine, đã đăng một danh sách các vũ khí khác mà Đức hứa sẽ trang bị, bao gồm 30 xe tăng Gepard và 3 bệ phóng tên lửa MARS II, cũng như 500 tên lửa Stinger vác vai. 

Trước đó, Kiev cho biết họ cần 1.000 súng bắn đạn trái phá, 500 xe tăng và 1.000 máy bay không người lái cùng các loại vũ khí hạng nặng khác để đẩy lùi quân đội Nga.

Theo hãng tin Reuters, đoạn video được quay từ máy bay không người lái hôm 19/6 ghi lại cảnh ngôi làng Toshkivka của Ukraine bị Nga pháo kích. 

Hoài Linh


DỰA VÀO AI VÀ RÚT VỀ ĐÂU KHI XẢY RA 'CHIẾN DỊCH ĐẶC BIỆT'?
NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 18-6-2022

1. VẼ LẠI BIÊN GIỚI
Ngày 16/6/2022, khi thăm Kyiv cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Rumani Klaus Iohannis, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói:
"Cuộc tấn công xâm lược Ukraine đồng nghĩa với sự thay đổi thời đại. Bởi vì Nga đang làm việc dịch chuyển biên giới các nước ở ngay trung tâm châu Âu, và điều này là không thể chấp nhận được. Do đó, nước Đức cùng với các nước khác trên thế giới, đã đứng về phía Ukraine ngay từ ngày đầu".
Lời của Thủ tướng Đức Scholz về “Nga đang làm việc dịch chuyển biên giới các nước ở ngay trung tâm châu Âu” chỉ là nhắc lại khẳng định của Tổng thống Nga Putin trước đó một tuần.
Ngày 09/6/2022 tại triển lãm kỷ niệm 350 năm Pyotr đại đế (1672-1725), ông Putin ví cuộc xâm lược Ukraine như cuộc xâm lược Thuỵ Điển của Pyotr đại đế:
“Pyotr đại đế đã tiến hành đại chiến Bắc Âu trong suốt 21 năm. Nhiều người nghĩ rằng ông đã chiếm thứ gì đó trong cuộc chiến với Thuỵ Điển. Nhưng Ông ấy không lấy bất cứ thứ gì từ tay họ, mà chỉ giành lại những thứ gì thuộc về Nga”.
Một cách thẳng thừng, ông Putin khẳng định về mục đích phát động cuộc chiến tranh Nga- Ukraine:
“Rõ ràng sứ mệnh của chúng ta là lấy lại những gì của Nga và củng cố sức mạnh đất nước”. “Chúng tôi chắc chắn sẽ xử lý thành công nhiệm vụ trước mắt” (tức là chiếm được lãnh thổ của Ukraine).
Mục tiêu chiếm đất là tối thượng. các lý do khác chỉ là che đậy. Nhưng liệu ông Putin có sống được để tiến hành cuộc chiến tranh dài 21 năm như Pyotr đại đế?
2. ÔNG PUTIN VIẾT LẠI LỊCH SỬ
Diện tích Đế quốc Nga trong giai đoạn 1900-1905 là lớn nhất trong lịch sử hình thành nước Nga cho đến hiện tại. Ngoài các nước cộng hoà thuộc Liên Xô, nó còn bao gồm cả lãnh thổ Phần Lan và Ba Lan.
Nhưng đến Hoà ước BREST-LITOVSK thì diện tích Đế quốc Nga bị giảm đi rõ rệt. Hoà ước BREST-LITOVSK ký ngày 03/3/1918 với một bên là nước Nga Xô Viết, mà đại diện là ông Grigoriy Yakovlevich Sokolnikov, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Bolsevich, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - với các bên gồm Đế quốc Đức, Đế quốc Áo - Hung, Đế quốc Ottoman và Vương quốc Bulgaria. Theo Hoà ước BREST-LITOVSK, nước Nga phải trao trả độc lập (lãnh thổ) cho 10 quốc gia từng là thuộc địa của Đế Quốc Nga gồm: Ukraine, Ba Lan, Belarus, Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania, Armenia, Azerbaijan và Georgia. Hoà ước BREST-LITOVSK được Soviet Đại biểu Công nhân, Nông dân và Binh sỹ Toàn Nga phê chuẩn ngày 15 tháng 3 năm 1918.
Lãnh thổ của quốc gia Ukraine độc lập được xác định trong Hoà ước BREST-LITOVSK (xem bản đồ đính kèm) không những bao gồm toàn bộ vùng Donbass và bán đảo Crimea, mà còn bao gồm cả các thành phố Brest (nay thuộc Belarus), Belgorod và Rostov-na-Donu, cùng toàn bộ vùng Krasnodarskiy Krai và phần hữu ngạn sông Don thuộc tỉnh Voronezhskaya của LB Nga ngày nay. Biên giới Ukraine trong Hoà ước BREST-LITOVSK được Hoà ước Versaille (do các quốc gia thắng trận và bại trận sau Thế chiến 1 ký kết ngày 28/6/1919, tại Versailles, Paris), công nhận.
Ảnh tư liệu
Trong bài phát biểu tối ngày 21/2/2022 biện minh dẫn đường cho cuộc xâm lược Ukraine, mà nhiều người nghe nhầm tưởng là đúng đắn và thống thiết, Tổng thống Nga Putin đã tự mình viết lại lịch sử.
1/. Ông Putin khẳng định Ukraine là một phần không thể tách rời của Nga, để biện minh cho nguyên nhân mở “chiến dịch đặc biệt” chiếm lại Ukraine. Ông Putin có tình quên rằng người Ukraine và người Nga là hai dân tộc khác nhau, rằng Kiev Rus không phải là của Đế quốc Nga.
2/. Ông Putin phê phán và chê bai toàn bộ các lãnh tụ ĐCS Liên Xô tiền nhiệm - những người mà ông Putin từng thần tượng cả đời cho đến khi lên ngôi Tổng thống Nga - cả Lenin thiên tài lẫn Stalin vĩ đại, cả Khrushchev lẫn Brezhnev và Gorbachyov. Tất cả đều sai lầm trầm trọng - tương đương với ngu dốt.
3/. Ông Putin phê phán chính sách dân tộc tự quyết của Lenin, Stalin, Gorbachyov. Chính sách dân tộc tự quyết đó là nguyên nhân dẫn đến sự li khai của của các nước cộng hoà khỏi Nga. Không có chính sách dân tộc tự quyết đó thì các nước có thời là thuộc địa của Đế quốc Nga sẽ mãi mãi không được tách ra khỏi nước Nga.
Với ông Putin, tất cả các nước từng là thuộc địa của Đế quốc Nga đều là của Nga và mãi mãi không thể tách rời khỏi Nga. Chính vì thế mà Nga đã tiến hành hai cuộc chiến tranh tàn phá Grozny, không cho người Checchen dành độc lập.
Với ông Putin các nước Trung Á mà các vua chúa Trung Quốc buôn bán qua con đường tơ lụa từ thời Nhà Hán, Nhà Đường, tồn tại nhiều thế kỷ trước khi có Đế Quốc Nga, đều không thể độc lập khỏi Nga.
Với ông Putin, lãnh thổ nào thuộc Nga một lần thì phải thuộc Nga vĩnh viễn. Và sứ mệnh của ông là “lấy lại những gì của Nga”.
4. Ông Putin khoác cho Lenin vai trò sinh ra nước Ukraine. Nhờ Lenin và những người Bolsevich mới có Ukraine. Nay Ukraine lại đập bỏ tượng Lenin là vô ơn.
Chính ông Putin đã cố tình quên nước Ukraine đã có trước cả Đế quốc Nga chứ không phải chờ đến Lenin mới có Ukraine. Ông Putin cũng cố tình quên chính Lenin đã phải thừa nhận sự độc lập của Ukraine với một lãnh thổ rộng lớn như trong Hoà ước BREST-LITOVSK, chứ không phải Lenin vẽ ra nước Ukraine. Để đánh chiếm Ukraine, ông Putin tuyên truyền Ukraine chưa bao giờ là một quốc gia.
3. TIẾN HÀNH CHIẾN TRANH ĐỂ CHIẾM LÃNH THỔ LÀ BẠO NGƯỢC
Lãnh thổ của một quốc gia thay đổi theo chiều dài lịch sử. Nhỏ rồi lớn, hợp rồi tan, xuất hiện rồi biến mất, thuận theo quy luật của tạo hoá.
Các bạo chúa xâm chiếm đất đai của người khác biến thành của mình luôn là những kẻ viết lại lịch sử. Họ xoá một quốc gia, vẽ lại biên giới. Họ xoá lịch sử viết lại lịch sử. Các bạo chúa - kẻ sau lật kẻ trước, tự phủ nhận lẫn nhau.
Bởi thế, có quốc gia thành lập từ xa xưa mà lãnh thổ không lớn bằng quốc gia mới xuất hiện về sau. Ví như khi nhà Hán vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên có diện tích hơn 6 000 000 km2 thì nước Nga chưa có tên trên bản đồ. Nhà Hán, nhà Đường phát triển rực rỡ nhưng vì giá lạnh nên không để ý đến lãnh thổ hơn 13 triệu km2 của Siberia. Người Mông Cổ chiếm mà vẫn không có người trông coi, đành phải bỏ Siberia khi Đế quốc Mông Cổ tan rã. Để sau hết, vùng đất Siberia bao la hơn 13 triệu km2 lại thuộc vào Đế Quốc Nga.
Nước Nga, bắt đầu từ Công quốc Matxcova, là chư hầu của đế quốc Mông Cổ với diện tích nhỏ hơn 2.500km2 vào năm 1147. Hơn một thế kỷ sau vào năm 1300 chỉ vỏn vẹn có 20.000km2, nhỏ hơn lãnh thổ Ai Lao cùng thời. Nhưng tiếp theo, Công quốc Matxcova đã bành trướng về phía Đông được 430.000 km vào năm 1462, 2,8 triệu km2 vào năm 1533, 5,4 triệu km2 vào năm 1584, xâm chiếm toàn bộ Siberia trong suốt thế kỷ 17 mà trở thành quốc gia rộng nhất thế giới, lớn hơn cả nhà Thanh cùng thời.
Trước khi Đế quốc Nga chiếm Siberia thì Siberia đã thuộc về người Mông Cổ. Nhưng trước người Mông Cổ, từ vạn năm xa xưa Siberia đã có chủ nhân. Quốc gia thành lập rồi diệt vong. Không có quốc gia nào tồn tại vĩnh viễn. Không có lãnh thổ nào là sở hữu vĩnh cửu của một triều đại.
Viện vào lý do một vùng lãnh thổ nào đó có thời từng thuộc trong quá khứ để tiến hành chiến tranh chiếm lại thì đó là bạo ngược. Viện vào lý do Ukraine từng thuộc Đế quốc Nga để mang quân xâm chiếm là bạo ngược.
Bạo ngược tất bị đánh bại. Như Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã khẳng định vào ngày 08/5/2022, nhân lễ kỷ niệm 77 chiến thắng phát xít:
“Tôi bị thuyết phục sâu sắc. Putin không thể thắng cuộc chiến tranh. Ukraine sẽ chiếm ưu thế. Tự do và an toàn sẽ chiến thắng. Như tự do và an toàn đã khải hoàn trước khổ sai, bạo lực và độc tài 77 năm trước”.
4. ĐỐI MẶT VỚI THỰC TẾ
Tháng 3 năm 2014, Tổng thống Nga Putin mang quân chiếm Crimea của Ukraine, không ít người nhầm lẫn về chủ quyền lãnh thổ. Họ chỉ được biết Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Khrushchev tháng 12/1954 cắt chuyển Crimea từ LB Nga sang Ukraine. Họ không biết, khi thành lập Liên Xô vào tháng 12/1922, một vùng lãnh thổ mênh mông của Ukraine, bao gồm Crimea, Belgorod, Rostov-na-Donu, cùng toàn bộ vùng Krasnodarskiy Krai và phần hữu ngạn sông Don của tỉnh Voronezhskaya đã bị cắt từ lãnh thổ Ukraine sang cho LB Nga. Nhiều người cũng quên đi LB Nga, ít nhất là đã hai lần kể từ năm 1991 đặt bút ký công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chính Tổng thống Putin cũng cố tình quên đi rằng ông đã ký hợp đồng thuê cảng Sevastopol của Ukraine trong nhiều thập niên.
Trong vấn đề Crimea, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã có quyết định đúng theo luật pháp quốc tế. Nhà nước CHXHCN Việt Nam không công nhận việc sát nhập Crimea của LB Nga. Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận Crimea là của Ukraine.
Không thể viện vào lý do một vùng lãnh thổ nào đó có thời từng thuộc trong quá khứ để tiến hành chiến tranh chiếm lại. Không thể viện vào lý do vì an ninh nước mình mà đánh chiếm nước khác. Đó là lý lẽ của kẻ bạo ngược.
Trung Quốc đang xây quân cảng Ream ở Campuchia chỉ cách Phú Quốc vài chục dặm. Tham gia lễ động thổ hôm 08/6/2022, đại sứ Trung Quốc tại Camphuchia Vương Văn Thiên tuyên bố: “Trung Quốc và Campuchia đã trở thành những người anh em son sắt”.

Nói về Ukraine là để nghĩ đến Việt Nam. Việt Nam phải đối mặt với thực tế. Ukraine còn có thể tựa lưng vào Ba Lan và các nước Đông Âu. Còn Việt Nam cả 4 phía không có đường rút. Việt Nam lại không thể mở “chiến dịch đặc biệt”. Phải chuẩn bị kịp trước khi người khác mở “chiến dịch đặc biệt”.
NNC

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA NẾU UKRAINE THẮNG?
Liana Fix & Michael Kimmage* / BVN 21-6-2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

BVN: Hai tác giả nhìn thấy tường tận con đường chiến thắng không sức mạnh nào địch nổi của Ukraine, nhưng cũng hiểu rất rõ tâm địa khốn nạn của một tên KGB hèn mọn mà mơ làm Đại đế như Putin, đã chơi ván bạc vào lúc tàn canh thì không bao giờ chịu nổi tình cảnh mất trắng khi trong tay còn một món hàng khủng có thể đem ra chơi nốt mặc cho nhân loại cùng tiêu tan với mình. Đó chính là tấn kịch bi hùng mà đơn độc của dân tộc Ukraine trong cuộc chiến đau thương nhằm khẳng định quyền độc lập và tự quyết dân tộc ở thập kỷ 20 thế kỷ XXI này. Về một phía khác, đó cũng chính là những tai ương tày trời còn sót lại từ cái thây ma cộng sản quốc tế vốn đã được đào sâu chôn chặt từ cuối thế kỷ XX, nay vẫn đủ sức gieo rắc lên đầu nhân loại một “cú chót”. Đủ thấy loài người bao giờ cũng chịu gánh nặng của “nghiệp”, đã gieo “nhân” nào ắt có ngày sẽ gặt “quả” ấy, có gặt xong mới hòng “sạch nợ” để thanh thản giã từ quá khứ.
Bauxite Việt Nam
*
Chiến thắng trong cuộc chiến này sẽ không thể giúp Ukraine chấm dứt xung đột với Nga.
Trong những ngày gần đây, nhiều nhà quan sát cuộc chiến Ukraine ở phương Tây bắt đầu lo lắng rằng thế trận đang có lợi cho Nga. Những đợt pháo kích dữ dội đã giúp Nga giành được thêm nhiều lãnh thổ ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine, và các lực lượng mới đang trên đường đến nơi. Trong khi đó, quân đội Ukraine dần kiệt quệ. Nga đang cố gắng tạo ra một tình huống ‘chuyện đã rồi’ và hiện thực hóa tham vọng đế quốc của mình thông qua “hộ chiếu hóa” – nhanh chóng cấp hộ chiếu Nga cho công dân Ukraine ở các khu vực do Nga chiếm đóng – và cưỡng bức đưa các cơ cấu hành chính của Nga vào lãnh thổ Ukraine. Điện Kremlin có thể có ý định chiếm đóng vô thời hạn miền đông và miền nam Ukraine, rồi cuối cùng sẽ tiến tới Odessa, một thành phố cảng lớn ở miền nam Ukraine, đồng thời là trung tâm thương mại kết nối Ukraine với thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh toàn cảnh, tình hình đối với Moscow không hẳn là tươi sáng. Danh sách các thành tích quân sự của Ukraine đang được nối dài thêm. Lực lượng Ukraine đã chiến thắng tại Kyiv; bảo vệ thành công thành phố miền nam Mykolaiv, giữ cho Odessa khỏi tầm tay của đội quân xâm lược, chí ít là trong lúc này; và thắng thế trong trận đánh ở Kharkiv, thành phố nằm ngay biên giới với Nga. Những tiến bộ gần đây của Nga vẫn kém xa những thành tích này. Và không giống như Điện Kremlin, chính phủ ở Kyiv có mục đích chiến lược rõ ràng, được thúc đẩy bởi tinh thần tuyệt vời và sự hỗ trợ ngày càng rộng từ nước ngoài.
Động lực này có thể mở ra con đường chiến thắng cho Ukraine. Nếu các lực lượng Ukraine giành được lãnh thổ vào mùa hè này, sức mạnh của Kyiv sẽ tiếp tục tăng cao. Sự thật là, bất chấp những khó khăn thường thấy trong các cuộc chiến tranh, Ukraine vẫn có thể giành chiến thắng sau cùng –dù phạm vi và quy mô chiến thắng của họ rất có thể sẽ bị hạn chế.
Kịch bản chiến thắng hợp lý nhất cho Ukraine sẽ là một “chiến thắng nhỏ.” Ukraine có thể trục xuất Nga khỏi bờ tây sông Dnieper, thiết lập vành đai phòng thủ xung quanh các khu vực do quân Nga kiểm soát ở miền đông và miền nam Ukraine, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận Biển Đen. Dần dần, các lực lượng Ukraine có thể tiến lên, phá vỡ hành lang đất liền mà Nga đã thiết lập tới Crimea, vùng đất ở đông nam Ukraine mà Nga đã chiếm và sáp nhập vào năm 2014. Về cơ bản, Ukraine có thể khôi phục nguyên trạng lãnh thổ như trước khi Nga tiến hành tấn công hồi tháng 2.
Đây sẽ không phải là chiến thắng “thay đổi thế giới” mà một số chuyên gia phương Tây mơ ước. Tuy nhiên, việc một quốc gia nhỏ hơn và yếu hơn về mặt quân sự đẩy lùi một cường quốc sẽ có ảnh hưởng lan tỏa ra khắp khu vực và phần còn lại của thế giới – bằng cách chứng minh rằng kháng chiến thành công trước kẻ xâm lược hùng mạnh là điều hoàn toàn khả thi.
Tất nhiên, cũng có cả một kịch bản “thắng lớn”, trong đó chiến tranh kết thúc hoàn toàn theo những điều khoản mà người Ukraine đề ra. Điều đó đồng nghĩa với giành lại chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine, kể cả Crimea và các phần của Donbas đã bị Nga chiếm đóng trong những năm trước khi nước này chính thức xâm lược vào tháng 2. Kịch bản này ít có khả năng xảy ra hơn là một chiến thắng hạn chế, bởi tấn công khó hơn phòng thủ, và vùng lãnh thổ cần chiếm lại là tương đối lớn, và được vũ trang rất vững chắc. Chí ít thì người Nga sẽ tìm mọi cách để giữ Crimea. Khu vực này là nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen của Nga, và là biểu tượng cho sự trở lại vị thế cường quốc của nước này sau khi Liên Xô tan rã. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ khó lòng chịu buông bỏ Crimea mà không có một cuộc chiến dữ dội.
Bất kể mức độ chiến thắng của Ukraine là gì, tất cả các kịch bản chiến thắng đều đi kèm một “ngày sau” đầy mơ hồ. Nga sẽ không chấp nhận thất bại của mình, và cũng sẽ không chấp nhận một kết quả thương lượng không có tính cưỡng chế. Bất kỳ chiến thắng nào của Ukraine cũng chỉ khiến Nga thêm cứng đầu hơn trước. Ngay khi có thể tái thiết năng lực quân sự, Nga sẽ sử dụng câu chuyện bị sỉ nhục đó để khuấy động làn sóng ủng hộ trong nước đối với một nỗ lực mới nhằm kiểm soát Ukraine. Dù có thua trong cuộc chiến lần này, Putin cũng sẽ không buông tha Ukraine. Ông cũng sẽ không chịu ngồi yên một chỗ nhìn Ukraine hội nhập hoàn toàn với phương Tây. Trong trường hợp đó, một chiến thắng của Ukraine đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ hơn, chứ không phải lỏng lẻo hơn, từ phương Tây.
Chiến thắng nhỏ
Để giành được chiến thắng nhỏ và khôi phục hiện trạng tiền xâm lược, Ukraine sẽ phải lặp lại những chiến thắng ở miền bắc của họ tại miền đông và miền nam. Tại Kyiv và Kharkiv, lực lượng Ukraine đã buộc quân Nga phải rút lui chiến thuật. Sẽ khó để làm được điều đó ở những nơi như Kherson và Mariupol, các khu vực thuộc lãnh thổ do Nga kiểm soát và có lẽ đang xây dựng phòng thủ. Nhưng Ukraine có lợi thế về nguồn nhân lực dự bị lớn, quân đội của họ được tổ chức tốt và chỉ huy tốt, và không có nghi ngờ gì về khả năng sẵn sàng chiến đấu của người Ukraine. Bản chất của cuộc xâm lược của Nga đã khơi dậy ý chí chiến đấu cần thiết cho binh lính Ukraine. Khả năng lãnh đạo của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã củng cố hơn nữa nỗ lực chiến tranh của họ.
Ukraine cũng có sự hỗ trợ từ nhiều nước có nền quân sự hàng đầu thế giới – đặc biệt là Mỹ. Kyiv có quyền truy cập thông tin tình báo hạng nhất về kế hoạch và thế trận của lực lượng Nga. Quân đội Ukraine nhiều lần khiến Nga phải trả giá đắt, từ gây thương vong nặng nề, đến tổn thất và thiệt hại về vật chất. Nếu Ukraine có thể kết hợp hỏa lực và nhân lực vào mùa hè này, họ có thể tiến hành một cuộc phản công ở Donbas và xuyên thủng hành lang trên bộ của Nga tới Crimea.
Ngược lại, Nga đã sử dụng khá nhiều tài sản quân sự sẵn có của mình, bao gồm phần lớn khí tài và đạn dược (dù nước này vẫn còn nguồn lực dự trữ có thể được triển khai). Ví dụ dễ thấy nhất để minh chứng cho sự kiệt quệ của quân đội Nga là những người lính của họ. Nhiều đơn vị đã gánh chịu thiệt hại đến mức không còn có thể hoạt động hiệu quả. Tinh thần chiến đấu của lính Nga có thể vẫn cao hơn so với dự đoán của các quan sát viên không phải người Nga, đó là điều khó đánh giá. Tuy nhiên, vì những lý do rõ ràng, tinh thần của người Nga thấp hơn hẳn tinh thần của người Ukraine. Nga đang chiến đấu trong một cuộc chiến mà họ tự chọn. Sự suy đồi và bản chất áp đặt từ trên xuống của quân đội Nga đã cản trở họ. Đây không phải là một cuộc chiến dễ dàng đối với lính Nga.
Tuy nhiên, Nga đã bắt đầu điều động quân, từng bước triệu tập lính dự bị và chuyên nghiệp trong khi vẫn tránh kêu gọi nhập ngũ hàng loạt. Hành động này sẽ có ảnh hưởng đến chiến tranh. Putin vẫn chưa dùng đến phương án huy động toàn dân, nghĩa là chính thức tuyên bố chiến tranh toàn diện và phát huy toàn bộ sức mạnh quân sự của Nga. Nhưng việc huy động, huấn luyện, và di chuyển vật dụng đều cần có thời gian. Mấu chốt trong chiến lược của Ukraine là phải xác lập thế trận rõ ràng trên chiến trường, và biến cái giá của việc thay đổi thế trận đó trở nên quá cao đối với người Nga. Điều ấy sẽ đòi hỏi một cuộc tấn công lớn của Ukraine trong vòng 2 đến 3 tháng tới.
Cuộc chiến của ngày sau
Sau cùng, sự kết hợp giữa thất bại quân sự và các biện pháp trừng phạt có thể khiến Moscow tiết chế các mục tiêu của mình, và một lệnh ngừng bắn có ý nghĩa có thể trở nên khả thi. Nhưng một thỏa thuận thương lượng sâu rộng hơn có lẽ nằm ngoài dự định của Putin. Nga đang coi các vùng đất mà họ chiếm giữ không phải là lá bài mặc cả cho một cuộc dàn xếp cuối cùng, mà thực sự là lãnh thổ thuộc về Nga. Và theo các chuyên gia tình báo Nga Andrei Soldatov và Irina Borogan, những người theo đường lối cứng rắn của Điện Kremlin muốn chiến tranh nhiều hơn – chứ không phải ít hơn.
Vì vậy, Ukraine và phương Tây nên tin rằng Nga sẽ không chấp nhận bất kỳ thất bại nào. Một chiến thắng nhỏ của Ukraine, chẳng hạn là vào mùa thu năm nay, có thể được nối tiếp bởi một cuộc xâm lược khác của Nga vào năm 2023. Nga sẽ cần tái cấu trúc lực lượng của mình, điều này sẽ là một thách thức do các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, đối với Putin, điều quan trọng hơn cả việc chinh phục đế quốc là việc duy trì quyền lực của chính ông, vì những nhà độc tài thua cuộc trong chiến tranh thường kết thúc trong cảnh khốn cùng. Putin có thể phải tạm thời chấp nhận việc bị đẩy lùi về vạch xuất phát trước khi xâm lược, nhưng ông tuyệt đối không chấp nhận mất Ukraine vĩnh viễn. Ông có thể tiếp tục chiến đấu ở quy mô nhỏ, tấn công tên lửa và oanh tạc từ trên không cho đến khi quân tiếp viện – được tập hợp thông qua huy động một phần hoặc toàn bộ – đến nơi. Ngoài ra, Putin có thể sử dụng lệnh ngừng bắn để câu giờ cho các cuộc đàm phán thiếu thiện chí, giống như ông đã làm trước cuộc xâm lược hồi tháng 2.
Trong khi đó, để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga trong tương lai, Ukraine có thể sẽ phải yêu cầu trang bị nhiều vũ khí hơn bao giờ hết. Đồng ý với yêu cầu này sẽ gây khó khăn cho các cường quốc phương Tây, vì Nga sẽ tìm cách giảm bớt các lệnh trừng phạt, và áp dụng cách tiếp cận chia để trị như họ vẫn thường làm với Washington và các đồng minh. Đối với các cường quốc phương Tây, một giải pháp về mặt lý thuyết sẽ là đưa ra các đảm bảo an ninh cho Ukraine để đổi lấy sự trung lập của nước này. Nhưng Nga có thể kiểm tra lời hứa đó bằng một cuộc tấn công mới – và nếu phương Tây quyết định giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, thì điều đó cũng cần được tiến hành từ từ. Với nước Nga của Putin, cách tiếp cận phải là “không tin và cần xác minh”.
Một rủi ro khác là ngay cả một chiến thắng nhỏ của Ukraine cũng có thể đi kèm một lời đe dọa hạt nhân từ Putin. Putin đã tách mình khỏi tiền lệ từ thời Chiến tranh Lạnh bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân vào lý do chính trị thay vì chỉ dùng vào lý do liên quan đến an ninh quốc gia. Những lời tuyên bố đầy đe dọa của ông thường chỉ được xem là trò khoác lác. Tuy nhiên, ông hoàn toàn có thể khiến tình hình leo thang. Để khiến kẻ thù của mình sợ hãi, ông có thể ra lệnh chuẩn bị về mặt kỹ thuật cho khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Phương Tây nên phản ứng với những mối đe dọa như vậy bằng sự răn đe, thể hiện rõ rằng Putin sẽ không đạt được gì thông qua việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu điều đó không có tác dụng và Putin vẫn hiện thực hóa lời đe dọa của mình, thì NATO nên xem xét một phản ứng bằng vũ khí thông thường hạn chế, chống lại các lực lượng Nga ở Ukraine hoặc trong chính nước Nga. Trong khi chờ đợi, phương Tây cần xây dựng một liên minh rộng lớn để lên án và ngăn chặn sử dụng vũ khí hạt nhân, bằng cách liên kết các biện pháp trừng phạt và đe dọa trả đũa với hành động “bên miệng hố chiến tranh hạt nhân” của Putin. Trung Quốc có thể không tham gia, nhưng vì lo ngại về bất ổn hạt nhân, họ có thể chấp thuận ý tưởng này.
Cuối cùng, ngay cả khi Ukraine thực sự giành được chiến thắng nhỏ, Kyiv và các đối tác sẽ phải chuẩn bị cho nhiều năm xung đột tiếp theo sau đó. Zelensky đã ẩn ý về chuyện này khi nói rằng Ukraine thời hậu chiến sẽ giống với Israel ở một điểm: phòng vệ toàn thời gian. Trong khi đó, Putin sẽ tiếp tục thăm dò những điểm yếu của phương Tây: có thể đi xa đến mức như khi ông đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây vào năm 2014 bằng cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông có thể sẽ kết hợp các cuộc tấn công mạng, thông tin sai lệch, và “các biện pháp tích cực,” như các chiến dịch gây thiệt hại cho các đảng phái chính trị và các nhà lãnh đạo mà Nga không ưa, phá hoại sự ổn định nội bộ của các nước “chống Nga”, và làm suy giảm tính toàn vẹn của liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng như các liên minh tương tự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phương Tây sẽ buộc phải kiềm chế Nga trong tương lai gần. Suy cho cùng, phương Tây không thể làm gì để gây ảnh hưởng đến Nga từ bên trong, ngoài việc hy vọng vào sự xuất hiện của một lãnh đạo ít hiếu chiến hơn.
Triển vọng tương lai
Khi xét đến những khó khăn của kịch bản “thắng nhỏ”, việc “thắng lớn” của Ukraine – giành lại Crimea và toàn bộ Donbas – có vẻ là con đường tắt dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn. Dù điều này không hoàn toàn là bất khả thi, nhưng có lẽ sẽ phải cần đến nhiều điều may mắn thì Nga mới hứng chịu một chuỗi thất bại nặng nề: Ukraine giành chiến thắng chớp nhoáng, hết trận này đến trận kia, trong khi đường dây tiếp viện của Nga tan rã thì tinh thần của Ukraine dâng cao, thúc đẩy binh lính của họ không ngừng tiến về phía trước. Đồng thời, quân đội Nga sẽ vội vã rút lui. Chiến lược tác chiến sẽ nhường chỗ cho cảm xúc cá nhân của binh sĩ trong lúc hoảng loạn. Không ai có thể mô tả điều này hay hơn Leo Tolstoy trong Chiến tranh và Hòa bình, tác phẩm suy ngẫm về tình trạng vô chính phủ của chiến tranh. “Trong một trận đánh, kẻ thắng cuộc là kẻ cực kỳ quyết tâm giành chiến thắng,” Tolstoy viết về thất bại năm 1805 của quân đội Nga trước Napoléon. Thương vong của người Nga, theo ông, “cũng tương đương với người Pháp, nhưng chúng tôi đã sớm tự nhủ rằng mình đã thua trận này, và thế là chúng tôi thua thật.”
Nhưng một chiến thắng quân sự toàn diện của Ukraine trước Nga, bao gồm cả việc chiếm lại Crimea, chỉ là điều tưởng tượng. Sẽ là quá lạc quan nếu xây dựng chiến lược của Ukraine hoặc phương Tây dựa trên một kết quả như vậy. Theo đuổi nó cũng sẽ đưa cuộc chiến bước sang một giai đoạn mới. Sau khi đổ hàng tỷ đô la vào phát triển Crimea, một biểu tượng cho sự đổi mới của Nga, Moscow sẽ diễn giải một cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea là một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, điều mà Moscow sẽ cố gắng ngăn chặn bằng mọi giá. Giả thuyết rằng thất bại toàn diện của Nga sẽ giúp chữa trị căn bệnh “ung thư chủ nghĩa đế quốc” trong giới lãnh đạo và chính trị gia của nước này dựa trên một phép so sánh vụng về với việc Đức đầu hàng vô điều kiện trong Thế chiến II, và không chỉ xuất phát từ mong muốn chấm dứt cuộc chiến này, mà còn từ cả hy vọng ngăn cản Nga bắt đầu bất kỳ cuộc chiến nào khác trong tương lai ở châu Âu. Đó là một tầm nhìn hấp dẫn, nhưng lại xa rời thực tế.
Chiến thắng nhỏ cho Ukraine là mục tiêu thực tế hơn và dễ đạt được hơn. Nhắm đến kết cục đó sẽ khôn ngoan hơn là mơ tưởng về sự đầu hàng của Nga – và cũng khôn ngoan hơn những ý tưởng nông nổi về một thỏa thuận thương lượng có thể đặt Kherson và Mariupol dưới sự kiểm soát vĩnh viễn của Nga, tưởng thưởng cho sự hiếu chiến của Putin.
Mục tiêu trong chiến lược Ukraine và phương Tây phải là an ninh bền vững cho Ukraine. Các đối tác của Kyiv đã từ chối thỏa hiệp về chủ quyền và độc lập của Ukraine. Nhưng họ cũng phải suy nghĩ thấu đáo về “ngày sau” khi Ukraine chiến thắng. Thay vì nuôi dưỡng hy vọng lạ thường rằng Nga sẽ cúi đầu trước một chiến thắng của Ukraine, hoặc đơn giản là rời khỏi chính trường quốc tế, an ninh bền vững cho Ukraine sẽ đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng và sự gia tăng đầu tư chính trị, tài chính và quân sự được điều chỉnh cẩn trọng. Điều này đúng ngay cả khi – hay, đặc biệt là – khi Ukraine thắng. Năm 1947, nhà ngoại giao Mỹ George Kennan, trong lúc cân nhắc về các nguyên nhân dẫn đến cách hành xử của Liên Xô, đã nhìn về tương lai, và ông đã không suy nghĩ chỉ bằng đơn vị năm, mà bằng hàng chục năm. Để kiên trì và giành ưu thế ở Ukraine, các nhà lãnh đạo phương Tây ngày nay cũng phải làm như vậy. Như Tolstoy đã nói, “hai chiến binh mạnh nhất là thời gian và sự kiên nhẫn.”
L.F. & M.K.
---
Liana Fix là Giám đốc Các vấn đề Quốc tế tại Quỹ Körber và là cựu nghiên cứu viên thường trú của Quỹ German Marshall, ở Washington, D.C.
Michael Kimmage là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là Nghiên cứu viên khách mời của Quỹ German Marshall. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Nhóm Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi ông phụ trách khu vực Nga/Ukraine.
Nguồn bản dịch: nghiencuuquocte.org

PUTIN ĐANG TRẢ GIÁ ĐẮT CHO GIẤC MỘNG LÀM ĐẠI ĐẾ CỦA MÌNH
NYT , DV /BVN 21-6-2022
Bài 1. BÁO MỸ New York Times: NGA PHẢI TRẢ GIÁ ĐẮT ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG BƯỚC TIẾN Ở CHIẾN TRƯỜNG DONBAS
Phương Đăng (theo NYT)
Thứ hai, ngày 20/06/2022

Đã hai tháng kể từ khi Điện Kremlin bắt đầu cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực Donbass, phía Đông Ukraine. Nga hiện kiểm soát 80-90% khu vực nhưng họ đã phải trả giá đắt, theo báo Mỹ New York Times.
Lực lượng cảnh sát khu vực Ukraine ở thành phố Lysychansk, gần Severodonetsk. Ảnh The New York Times
Sau nhiều tuần giao tranh đẫm máu và vấp phải sự kháng cự dai dẳng của các binh sĩ Ukraine, lực lượng Nga đang đối mặt với khả năng bị cạn kiệt nghiêm trọng cả về quân số lẫn trang thiết bị, theo New York Times.
Quân đội Ukraine mới đây cho biết, toàn bộ một trung đoàn của Nga – khi được biên chế đầy đủ có thể bao gồm vài nghìn quân – đã buộc phải rút khỏi mặt trận phía đông để “khôi phục khả năng chiến đấu” sau khi chịu tổn thất nặng nề.
Người Ukraine cũng cho biết họ đã tiêu diệt “30 đơn vị thiết bị và vũ khí khác nhau của đối phương” trong 24 giờ bắt đầu kể từ sáng ngày 18/6.
Theo New York Times, các tuyên bố trên không thể được xác minh một cách độc lập, nhưng nếu được xác nhận, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến giành quyền kiểm soát Donbass đang gây tổn thất nặng nề cho các lực lượng Nga, vốn đã bị đánh bại trong những tháng đầu của cuộc chiến khi họ không chiếm được Kiev, thủ đô Ukraine và các thị trấn, thành phố khác ở phía bắc.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ tuần trước đã ca ngợi quân đội Ukraine, cho rằng lực lượng này đang chiến đấu hiệu quả, gây ra tổn thất lớn cho quân đội Nga ở Donbass.
“Người Nga có thể đã mất khoảng 20 đến 30% lực lượng thiết giáp của họ. Thiệt hại thật khổng lồ. Vì vậy, người Ukraine đang chiến đấu một cuộc chiến rất hiệu quả về mặt chiến thuật", tướng Milley nói.
Cũng theo tướng Milley, người Nga có ưu thế về vũ khí, nhưng Nhà Trắng đã cam kết thêm 1 tỷ USD cho Ukraine để mua thêm pháo, hệ thống tên lửa, vũ khí phòng thủ bờ biển và đạn dược quan trọng.
Người Ukraine đang cố gắng để giữ vững các vị trí của họ trong thành phố Severodonetsk – gần như đã đổ nát vì chiến sự ác liệt nhiều tuần qua.
Các lực lượng Ukraine ở Severodonetsk hiện đang bị bao vây 3 mặt bởi các cánh quân của Nga tiến từ phía bắc, nam và đông.
Dù vậy các lực lượng Nga cũng không thể đánh bật quân Ukraine khỏi Severodonetsk sau nhiều tuần bắn phá dữ dội và chiến đấu trong đô thị, quân đội Ukraine tuyên bố.
Nga đang cố gắng cải thiện "tình hình chiến thuật" bằng cách thực hiện các chiến dịch tấn công bên ngoài thành phố.
Ông Serhiy Haidai, thống đốc khu vực của tỉnh Lugansk, một phần của Donbass cho biết: “Bây giờ những trận chiến ác liệt nhất đang diễn ra ở Severodonetsk".
Michael Kofman, Giám đốc nghiên cứu về Nga của CNA, một nhóm nghiên cứu ở Virginia (Mỹ) nhận định rằng, cho dù người Nga đạt được đột phá ở Severodonetsk, thì những thiệt hại về nhân lực có thể vẫn làm giảm khả năng duy trì bất kỳ bước tiến nào của họ.
"Quân đội Nga đã dành nhiều tháng để tìm cách thuê thêm binh sĩ hợp đồng, triển khai quân dự bị và hiện đang tổ chức thêm các tiểu đoàn dựa trên cơ cấu lực lượng hiện có nhưng vẫn chưa giải quyết được sự thâm hụt cơ bản về nhân lực", ông Kofman bình luận.
Cơ quan tình báo quân đội Anh hôm 19/6 đánh giá rằng cuộc giao tranh khốc liệt, kéo dài ở phía đông Donbass có khả năng gây tổn hại đến tinh thần của cả hai bên tham chiến. Theo cơ quan này, quân đội Ukraine có thể phải đối mặt với tình trạng đào ngũ trong những tuần gần đây, nhưng các vấn đề tương tự của quân đội Nga mang tính hệ thống và nghiêm trọng hơn.
“Các vấn đề về tinh thần trong lực lượng Nga có khả năng nghiêm trọng đến mức chúng đang hạn chế khả năng đạt được các mục tiêu chiến dịch của Nga”, báo cáo của tình báo Anh lưu ý.
P.Đ.
*
Bài 2. ĐƠN VỊ XE TĂNG BÍ MẬT CỦA UKRAINE "TÀNG HÌNH" TRƯỚC VŨ KHÍ HIỆN ĐẠI CỦA QUÂN NGA
Phương Đăng (theo Sky News)
Thứ hai, ngày 20/06/2022
Sâu trong rừng ở miền đông Ukraine, một đơn vị xe tăng đã ẩn mình bên dưới những tán cây rậm rạp. Xe tăng của đơn vị bí mật này gần như "vô hình", và các binh sĩ có một nhiệm vụ: Đánh cắp phương tiện của quân Nga, theo Sky News.
ĐƠN VỊ BÍ MẬT, NGUỴ TRANG KỸ CÀN
Đơn vị bí mật của Ukraine ngụy trang xe tăng bằng tán lá và lưới ngụy trang trong rừng. Ảnh Sky News.
Những "cỗ máy" khổng lồ của đơn vị bí mật của Ukraine, bao gồm cả những chiếc xe tăng T-72 từ thời Liên Xô và một chiếc T-84 tiên tiến hơn, được bảo vệ nhờ những tán lá rậm rạp.
Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để trấn an các kíp lái xe tăng – những người lo sợ bị máy bay không người lái Nga phát hiện và lĩnh hậu quả thảm khốc.
Mỗi chiếc xe tăng vì thế còn được phủ một lớp lưới ngụy trang và cành cây, khiến chúng hầu như không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Nhóm phóng viên Sky News đã đi qua hơn 6 chiếc xe tăng được ngụy trang kỹ càng của đơn vị và cho biết, họ đã không thể phát hiện ra một chiếc xe nào.
Phóng viên đã hỏi chỉ huy của đơn vị, Trung úy Vitalii Timoshuk rằng, tại sao họ lại phải ngụy trang cho xe tăng kỹ càng như vậy.
Những chiếc xe tăng được ngụy trang khó bị phát hiện bằng mắt thường. Ảnh Sky News.
"Nếu chúng tôi không có thiết bị, chúng tôi không có bất cứ thứ gì để chiến đấu. Chúng tôi phải giữ an toàn cho xe tăng của mình vì chúng tôi không có nhiều xe tăng", Trung úy Timoshuk trả lời.
Là chỉ huy căn cứ xe tăng bí mật này, Trung úy Timoshuk cho biết, lần gân đây nhất, đơn vị của anh đã đẩy lùi được một cuộc tấn công của Nga vào tuần trước.
Trung úy Timoshuk mới 21 tuổi và vừa chính thức tốt nghiệp một học viện quân sự vào ngày nhóm phóng viên Sky News đến gặp gỡ, phỏng vấn.
Timoshuk cho biết, anh đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của đồng đội.
"Người của chúng tôi rất giàu kinh nghiệm, họ biết lý do tại sao họ đến đây, vì gia đình và quê hương của chúng tôi. Điều này sẽ giúp chúng tôi giành chiến thắng", Trung úy Timoshuk chia sẻ.
Ảnh: Trung úy Timoshuk – chỉ huy của đơn vị.
Khi phóng viên hỏi về khó khăn của Timoshuk khi mới 21 tuổi, chưa có kinh nghiệm nhưng lại chỉ huy đơn vị, vị Trung úy chia sẻ: "Tôi không gặp khó khăn gì vì đồng đội của tôi hỗ trợ tôi. Tôi tự hào về họ. Và tôi rất vui khi được chỉ huy và làm việc với họ. Các chàng trai của chúng tôi rất tuyệt vời".
"Họ nghĩ gì khi anh – một thanh niên 21 tuổi, lại chỉ huy đơn vị?", phóng viên hỏi.
"Tôi không nói với họ rằng tôi 21 tuổi trong một thời gian dài. Tôi trông già hơn 21 tuổi", Trung úy Timoshuk chia sẻ.
ĐÁNH CẮP XE TĂNG TRƯỚC MŨI QUÂN NGA
Trung úy Timoshuk nói rằng, người Ukraine đã chiếm được khoảng 400 xe bọc thép của Nga, trong đó có 5 chiếc do đơn vị của anh "đánh cắp" được.

Vadim – một thành viên đơn vị xe tăng. Ảnh Sky News.
Timoshuk giới thiệu với phóng viên thành viên tổ lái xe tăng Roman Batsenko, người đã đánh cắp 2 chiếc xe tăng dưới mũi quân đội Nga.
"Tình báo của chúng tôi đã cho chúng tôi biết về những chiếc xe tăng. Một chiếc đã trúng mìn. Chiếc còn lại đang hoạt động nên chúng tôi đã lên kế hoạch (để đánh cắp chúng về)", trung tá Timoshuk nói.
Phóng viên hỏi Timoshuk rằng anh cảm thấy thế nào khi chiếm được một chiếc xe tăng của Nga.
"Hạnh phúc, rất hạnh phúc khi chúng tôi tăng cường thêm kho xe tăng của mình. Nỗi lo lắng chỉ ập đến sau khi chúng tôi lấy được 2 chiếc xe tăng Nga chỉ cách chỗ chúng tôi 1km. Có lẽ họ (quân Nga) không ngờ chúng tôi lại liều lĩnh đánh cắp chúng", Trung úy Timoshuk nói đồng thời nhấn mạnh rằng, quân đội Nga đáng gờm và được trang bị tốt hơn nhiều so với các lực lượng Ukraine nhưng họ có thể bị đánh bại.
P.Đ.
Nguồn: danviet.vn

TÂM THẾ THẤP THÌ VỊ THẾ THẤP
NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 21-6-2022

1. QUAN HỆ GIỮA CÁC QUỐC GIA KHÔNG PHẢI LÀ QUAN HỆ ANH EM
Không nhớ năm chính xác. Nhưng bắt đầu ở thập niên 50 của thế kỷ 20, không biết xuất phát từ đâu, lại khoác cho Liên Xô là “anh cả”, Trung Quốc là “anh hai”, tự nhận VNDCCH là “em”.
Nếu biện minh rằng đó là cách ví von, thì đó là cách ví von không đúng, hơn nữa rất có hại.
Bởi vì quan hệ bang giao giữa các nước, có thể bị cai trị, bị phụ thuộc, là chư hầu, phải cống nạp… nhưng không bao giờ là quan hệ “anh em”.
Bởi vì khi gọi quốc gia nào đó là “anh cả”, “anh hai” thì mình là “em út”, phải khép nép, thậm chí cam chịu bị “mắng mỏ”. Tức là tự mình đặt mình vào vị thế thấp kém, rất có hại trong bang giao.
Mỹ là nước lớn, mạnh, đứng đầu NATO, nhưng các quốc gia có diện tích và dân số bé hơn trong NATO không gọi Mỹ là “anh cả”, cũng không gọi Anh hay Pháp hay Đức là “anh hai”.
Tự nhận Việt Nam ở thế “em” của Liên Xô, Trung Quốc đã là điều phi lý, còn phi lý hơn khi có người gán cho Ukraine là “em” của Nga. Rồi cho rằng “anh” có quyền “dạy bảo” “em” (???).
Nga và Ukraine là hai dân tộc khác nhau. Không có “anh em” trong quan hệ các dân tộc. Dù lớn hay bé, mạnh hay yếu, các dân tộc đều bình đẳng. Và nên nhớ rằng tư duy của người châu Âu không giống tư duy của một số người ở Việt Nam. Người Ukraine, người Phần Lan….dẫu có thời kỳ là thuộc địa của Đế quốc Nga, nhưng chưa bao giờ tự nhận là “em” của người Nga. Lấy tâm thế của mình để gán cho tâm thế của người khác là một vi phạm tiên đề.
2. QUAN HỆ ĐẢNG PHẢI CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ QUAN HỆ ANH EM
Tương tự như vậy là quan hệ đảng phái. Đảng phái là các tổ chức chính trị. Trong một quốc gia, quan hệ giữ các tổ chức chính trị bình đẳng, tuân theo pháp luật của quốc gia. Trong quan hệ quốc tế, quan hệ của các tổ chức chính trị cũng bình đẳng, tuân theo luật pháp quốc tế. Quan hệ giữa các đảng phái, các tổ chức chính trị không phải là quan hệ “anh em”.
Dẫu cho rằng đó là cách nói, cách viết mang tính tượng trưng, thì đó vẫn là cách nói, cách viết sai, và có hại. Có hại vì nó dẫn đến ngôi thứ. Bỗng đảng nào đó nghiễm nhiên là “đảng anh”, và đảng nào đó lại phải chịu vị thế là “đảng em”. Rất bất lợi trong bang giao.
Cách dùng “đảng anh em” chỉ tồn tại trong khối XHCN trước đây và trong các đảng theo xu hướng “phong trào cộng sản quốc tế”. Ở các nước phát triển, chắc không ai dùng từ “đảng anh em”. Chẳng hạn, ở Hoa Kỳ, có ai gọi đảng dân chủ và đảng cộng hoà là đảng anh em không?
Thiết nghĩ, cách dùng “đảng anh em” trong tiếng Việt tồn tại mấy chục năm nay nên thay đổi. Nên thay đổi vì nó phản ánh không đúng bản chất quan hệ giữa các đảng. Nên thay đổi vì đó là cách dùng không đúng. Nên thay đổi vì nó dẫn đến những bất lợi trong quan hệ quốc tế.
3. TÂM THẾ THẤP THÌ VỊ THẾ THẤP
“Biết người biết ta” khác với “tâm thế thấp”. “Khiêm tốn” khác với “tâm thế thấp”. “Tâm thế thấp” thì “vị thế thấp”.
4. PHẢI DẠY CHO TRẺ EM TÂM THẾ BÌNH ĐẲNG
Nói những điều trên là để đi đến mục đích dưới đây.
Cho nên, phải dạy cho trẻ em Việt Nam TÂM THẾ BÌNH ĐẲNG. Trong quan hệ quốc tế, giữa các quốc gia, dân tộc, đảng phái – dù lớn hay bé, dù mạnh hay yếu– phải bình đẳng. Trong quan hệ công việc và cá nhân - dù chức vụ cao hay thấp, dù giàu hay nghèo, dù nổi danh hay chưa nổi danh – phải bình đẳng.
Khi có TÂM THẾ BÌNH ĐẲNG thì chưa mạnh sẽ mạnh, chưa nổi danh sẽ nổi danh. Khi có TÂM THẾ BÌNH ĐẲNG thì đối ngoại không làm tổn hại đến quốc gia, đối nội không gây nên thù oán.
Có TÂM THẾ BÌNH ĐẲNG thì có VỊ THẾ BÌNH ĐẲNG.
N.N.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét