Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

20220615. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LÀM RÕ TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ

 ĐIỂM BÁO MẠNG


CÔNG TÁC CÁN BỘ NHÌN TỪ NHỮNG VỤ KIỂU VIỆT-Á

TS ĐINH DUY HÒA/TVN 14-6-2022

Đại dịch Covid-19 hóa ra lại là ngọn lửa thử vàng đối với đội ngũ nhân viên y tế từ cấp trung ương đến cơ sở.

Vụ công ty cổ phần công nghệ Việt Á đang làm rung chuyển cả hệ thống chính trị Việt Nam. Số cán bộ, công chức lãnh đạo có liên quan bị bắt ngày càng nhiều và dường như chưa dừng lại, bởi chống dịch Covid-19 tỉnh nào chẳng phải mua kit test. Mới đây nhất là việc xử lý kỷ luật, bắt tạm giam Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch UBND TP Hà Nội vốn một thời là Bộ trưởng Khoa học Công nghệ.


Ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh

Không né tránh sự thật

Đại dịch Covid-19 hóa ra lại là ngọn lửa thử vàng đối với đội ngũ nhân viên y tế từ cấp trung ương đến cơ sở và sức thử của ngọn lửa này đã làm một loạt cán bộ, công chức lãnh đạo ngành y tế mờ mắt, gục ngã.

Và cũng vẫn đại dịch này với các chuyến bay giải cứu vốn đầy tính nhân đạo trong tư duy, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước lại dẫn đến những tiêu cực tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Có ai đó từng ước rằng giá cứ có vài sự kiện kiểu Covid-19 lướt qua tất cả các cơ quan công quyền Việt Nam để bộc lộ ra những kẻ lãnh đạo suy thoái, bất tài từ trước đến nay vẫn âm thầm trong bóng tối, chưa bị lộ. Thế mới biết không ai có thể nói trước cái gì. Lúc được giao trọng trách, vị nào cũng hứa hẹn hoàn thành nhiệm vụ, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Nhưng sểnh ra một cái là làm liều, là vô trách nhiệm, là tham nhũng.

Trước vụ Việt Á là một loạt vụ xử lý kỷ luật liên quan tới lãnh đạo cấp tỉnh, cấp trung ương, cả sỹ quan cao cấp tướng tá lực lượng vũ trang, từ đảng viên thường tới cả ủy viên trung ương trong cả hệ thống chính trị.

Mai đây các cơ quan phụ trách nhân sự của Đảng và Nhà nước sẽ phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm từ các vụ kỷ luật một loạt cán bộ, công chức lãnh đạo ở trung ương và địa phương thời gian qua để từ đó bố trí cán bộ lãnh đạo trúng hơn, đúng hơn. Lý do phải kỷ luật cán bộ này cán bộ kia thường đề cập tới đạo đức, tư tưởng có vấn đề. Như trường hợp 2 ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long là đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước, vi phạm về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng…

Chắc chắn là suy thoái, là vi phạm rồi. Tuy nhiên, như vậy dường như vẫn thiêu thiếu cái gì đó. Cái gì đó cụ thể hơn, đời hơn và người hơn. Cái gì chi phối con người ta hành động như vậy? Cái gì vượt qua cả lương tâm, trách nhiệm của một ủy viên trung ương là bộ trưởng để họ hành động kiểu như vậy? Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, gọi đúng tên sự vật, hiện tượng, không vòng vo, né tránh. Không làm được điều này sẽ rất khó rút ra được cái gì đáng giá trong công tác cán bộ.

Vậy thì sự thật như thế nào, thực tiễn cán bộ lãnh đạo đang ra sao? Những cơ quan, những lĩnh vực nào đang dễ có nguy cơ sinh ra tiêu cực, tham nhũng nhất? Chí ít, nếu nhận diện được những vấn đề này thì việc xem xét, bố trí cán bộ lãnh đạo ở đây có thể sẽ khá hơn, ít gây ra tiêu cực, tham nhũng trong tương lai và đi kèm là những thay đổi trong cơ chế, thể chế quản lý có liên quan.

4 vấn đề cần nhận diện rõ

Vấn đề thứ nhất: Có chạy chức, chạy quyền trong các cơ quan thuộc hệ thống không? Nếu phủ nhận vấn đề này, đương nhiên khó có thể có giải pháp trúng trong bố trí cán bộ lãnh đạo. Nếu không phủ nhận thì tỉ lệ chạy chức, chạy quyền là bao nhiêu? Ý kiến chắc còn khác nhau, nhưng cứ lấy một con số để tham khảo, đó là nhiều người lên chức qua chạy chức, chạy quyền.

Các nhà điều tra xã hội học hãy vào từng cơ quan, về từng địa phương để khảo sát, điều tra xem có giá định trước cho chức vụ này, chức vụ kia hay không? Chỉ biết là ngoài xã hội cứ vanh vách muốn lên chức chủ tịch phường thì ngần này, giám đốc sở là thế kia, hiệu trưởng đại học thuộc bộ là thế nọ và cả các chức vụ cao hơn nữa. Giả sử rằng 10-20-30% các chức vụ lãnh đạo, quản lý có được là thông qua chạy chức, chạy quyền thì hậu quả đương nhiên sẽ ra sao?

Đã chạy là phải bỏ tiền ra đầu tư cho tương lai và do đó một khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo thì phải gặt hái trở lại để hoàn vốn và có lãi. Có lãi mới có tiền để hy vọng chạy tiếp chức cao hơn, ngon hơn! Đây là một trong các nguồn gốc chính sinh ra tiêu cực, tham nhũng, hối lộ trong hệ thống chính trị. 

Tiền là một con số, con số này không có điểm dừng, mà cứ gia tăng qua năm tháng theo cuộc đời lãnh đạo cho đến khi hạ cánh an toàn hoặc bị phát hiện để rồi mất tất cả. Giữa hạ cánh an toàn và bị phát hiện, xử lý là cả một khoảng cách lớn, cái khoảng cách này vẫn đủ sức hấp dẫn con người ta hành động vì đồng tiền. Lâu nay vấn nạn này không phải là cái gì mới mẻ, nhưng chỉ được đề cập rất chung chung. Ừ, có đấy, nhưng có tí thôi, không ảnh hưởng tới đại cục. Hoặc là đa số biết, nhưng mặc nhiên thừa nhận ngầm như là một cách thăng quan tiến chức, ai vận dụng khéo thì hên, ai xui thì hỏng. Chừng nào còn chạy chức, chạy quyền, chừng đó còn tham nhũng, tiêu cực.

Vấn đề thứ hai: Có lên chức nhờ quan hệ họ hàng gia đình không? Chắc chắn là có. Hiện tượng này có vẻ phổ biến ở địa phương hơn so với ở trung ương. Nhìn từ thực tiễn cho thấy những cán bộ lãnh đạo lên nhờ quan hệ “hậu duệ“, nhờ quan hệ họ hàng ít bị kỷ luật, tức là ít dính tiêu cực, tham nhũng, hối lộ hơn so với những cán bộ lên lãnh đạo nhờ chạy chức, chạy quyền. Tại sao lại như vậy cần được nghiên cứu kỹ hơn. Hãy đi vào từng huyện, từng tỉnh và từng bộ để xem số người được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý nhờ quan hệ chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng số lãnh đạo của từng cơ quan, đơn vị.

Vấn đề thứ ba: Liệu có địa bàn, lĩnh vực công tác dễ sinh ra  tiêu cực, tham nhũng? 10 năm qua, số cán bộ lãnh đạo dính đến đất đai bị kỷ luật là khá nổi trội. Mà đất đai thì liên quan tới chính quyền từ xã trở lên đến huyện, tỉnh và trung ương. Tuy nhiên, số cán bộ lãnh đạo địa phương bị kỷ luật về đất đai vẫn nhiều hơn số cán bộ lãnh đạo ở trung ương.

Đấy là một ví dụ về địa bàn và lĩnh vực đất đai. Một ví dụ khác khá điển hình là mảng dược trong phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Trong vòng 20 năm vừa qua, 2 đời Cục trưởng Quản lý dược đều lên Thứ trưởng Y tế, đều dính kỷ luật, đấy là chưa kể một số công chức lãnh đạo khác của Cục này cũng bị xử lý kỷ luật. 

Ngần ấy năm trời với những con người cụ thể bị xử lý đã đủ để rút ra cái gì đó khi tính người lãnh đạo của mảng công tác này? Hãy xem lại một cách khách quan quá trình và quy trình lên chức lãnh đạo từ Cục trưởng, rồi Thứ trưởng của 2 nhân vật liên quan này để xem có rút ra được gì hay không? Và một điều hiển nhiên là lĩnh vực công tác quản lý ngành dược tại Bộ Y tế sau 20 năm phải được liệt vào lĩnh vực công tác đặc biệt cần chú ý khi bố trí nhân sự lãnh đạo tại Cục Quản lý dược.

Hai lĩnh vực đất đai và quản lý dược là khá rõ, nhưng còn biết bao lĩnh vực công tác chưa bị lộ ra một cách chính thức để có những bài học kinh nghiệm tương ứng trong công tác cán bộ. Chúng ta quen với những nhận định chung là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa sút về phẩm chất, thoái hóa về đạo đức, tư tưởng… Nhận định thì đúng, nhưng không giúp gì nhiều trong bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý ở những vị trí cụ thể.

Người đứng đầu từng cơ quan hành chính chắc chắn phải rõ nhất lĩnh vực công tác nào trong cơ quan mình đầy nhạy cảm, dễ làm cán bộ, công chức lãnh đạo sa ngã, tiêu cực. Thực tiễn cho thấy những công việc của các cơ quan nhà nước kiểu cấp phép, thẩm định, xét duyệt như cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng hoặc công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức như quy hoạch lãnh đạo, bổ nhiệm lãnh đạo, thi công chức, thi nâng ngạch… đều là những công việc rất dễ dẫn đến tiêu cực, vi phạm pháp luật. Người đứng đầu cơ quan biết rõ mà không hành động gì thì làm sao mà phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Vấn đề thứ tư: Liệu có lợi ích nhóm trong các vụ việc tham nhũng, tiêu cực? Chắc chắn là có. Mấy ai có thể hoạt động một mình trong cả loạt các cơ quan liên quan, móc xích với nhau để trục lợi, kiếm tiền, tham nhũng…

Vụ Việt Á cũng là một vụ điển hình về lợi ích nhóm. Học viện Quân y thực hiện đề tài cấp quốc gia "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2020” vốn đã được ông Chu Ngọc Anh khi là Bộ trưởng KHCN phê duyệt vào tháng 2/2020. 

Theo cơ quan điều tra, quá trình thực hiện đề tài này, một số lãnh đạo bộ, ngành đã có sai phạm trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá nghiệm thu, chuyển giao… Trục quan hệ giữa Việt Á, Bộ KHCN, Học viện Quân y, Bộ Y tế là khá rõ và đây cũng chính là trục lợi ích nhóm của một loạt cá nhân có chức vụ lãnh đạo, quản lý liên quan của các cơ quan này.

Một số biện pháp hữu hiệu

Từ mấy vấn đề vừa nêu dễ dàng suy ra một vài biện pháp hữu hiệu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị, cụ thể là:

   - Chống triệt để chạy chức, chạy quyền;

   - Chống triệt để lên lãnh đạo qua quan hệ họ hàng, gia tộc, hậu duệ;

   - Chống lợi ích nhóm ngay trong bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý;

   - Mở rộng thi tuyển cạnh tranh đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý;

   - Thường xuyên chuyển đổi vị trí công tác ở những lĩnh vực, những công việc dễ sinh ra tiêu cực, tham nhũng, tham ô;

   - Đặc biệt quan tâm công tác bố trí lãnh đạo, quản lý ở những lĩnh vực, những nhiệm vụ thường xuyên phát sinh tiêu cực, tham nhũng;

   - Huy động được sự vào cuộc thực sự của người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đinh Duy Hòa

NHỮNG GƯƠNG MẶT 'TINH HOA' VÀ SỰ BẢO KÊ CỦA ĐẢNG
NÔNG VĂN TIỀM/ TD 15-6-2022


Từ xưa, các triều đại phong kiến ở Việt Nam đã xem nạn tham ô, tham nhũng là nguyên nhân gây tổn hại tiềm lực của quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thịnh suy vận nước.
Tham nhũng của quan lại triều đình là nguyên nhân làm dân chúng cơ cực lầm than rồi sinh ra nạn giặc giã, nổi loạn, dẫn đến gãy đổ nền móng vương quyền, nguy cơ mất nước. Nguy hiểm là thế, nên bất kỳ triều đại nào cũng đều muốn bài trừ, tiêu diệt loại giặc nội xâm. Vì vậy luật pháp ra đời nhằm điều tiết xã hội, kiểm soát quyền lực và đem lại công bằng cho xã hội.
Các bộ luật dưới triều vua Lê Thánh Tông (1442-1497) với Quốc triều Hình luật (Luật Hồng Đức) và triều vua Gia Long (1762-1820) với Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) cùng những điều luật rất khắt khe, nghiêm trị dành cho đại thần, quan lại và dân chúng. Bất kỳ quan to cỡ nào, nhẹ thì cách chức, bãi chức; nặng hơn thì xử giam cầm, lưu đày biệt xứ, xử tử hình (chém bêu đầu, treo cổ, uống thuốc độc)…
Đến triều đại cộng sản, quyền lực song trùng. Đảng CSVN lãnh đạo, ngồi xổm lên Hiến pháp và tất cả các đạo luật khác, từ đó đảng đẻ ra “luật rừng” của riêng đảng, để có quyền thăng, giáng chức cho phe nhóm, kết tội và tha bổng bất kỳ quan tham nào, cho dù tội trạng lớn đến đâu.
- Năm 2013, đảng đưa ông “trùm tham nhũng” nổi tiếng ở Đà Nẵng, Việt Nam là Nguyễn Bá Thanh, lên ngồi ghế Trưởng ban Nội chính, kiêm Phó Ban thường trực phòng chống tham nhũng trung ương. Suýt chút nữa Bá Thanh đã vào được Bộ Chính trị để giành ghế Thủ tướng.
Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh và TBT Nguyễn Phú Trọng trong bức ảnh chụp năm 2013. Nguồn: VNN
- Năm 2016, tại đại hội 12, Trần Đại Quang, quê Ninh Bình, một “trùm mật vụ” gây tranh cãi về gian lận tuổi tác, văn bằng… đã tái trúng cử Uỷ viên Bộ Chính trị và được xếp ghế Chủ tịch nước. Dù ông ta được cho là “đại ca” đã bảo kê cho Vũ “nhôm”, Út “trọc” đi cướp đất, cướp dự án trên phạm vi cả nước, nhưng ông ta vẫn leo lên được vị trí nguyên thủ quốc gia.
- Cũng năm 2016, hai nhân vật khác bị chính các cựu Uỷ viên Trung ương tố cáo, vạch mặt chỉ tên là thủ phạm phá nát nền kinh tế quốc gia, cả hai bị đòi đưa lên “giàn hỏa thiêu”, đó là Hoàng Trung Hải, quê gốc Phúc Kiến, Trung Quốc và Nguyễn Văn Bình, quê Phú Thọ. Trớ trêu, tại đại hội 12 của đảng, nhiệm kỳ 2016-2021, cả hai không chỉ thoát khỏi vòng tố tụng, mà còn lọt vào Bộ Chính trị, một người giữ chức Bí thư Hà Nội, một người nắm chức Trưởng ban Kinh tế của đảng, để rồi đến hết nhiệm kỳ mới chịu cái án “cảnh cáo” vuốt đuôi.
Tại đại hội 13 năm 2021, tấn tuồng này được lặp lại, những kẻ không ra gì vẫn tái trúng cử Ban Chấp hành Trung ương đảng. Đó là:
- Trần Quốc Cường, quê Nam Định, Uỷ viên Trung ương khoá 12, bị kỷ luật “cảnh cáo” hồi tháng 4-2018 vì sai phạm nghiêm trọng trong giai đoạn ông ta đeo lon thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an. Ông Cường đã bảo kê cho đàn em là sĩ quan tình báo, trung tá Nguyễn Vũ Hùng, thành lập công ty “bình phong” Việt Thái, “vẽ” ra dự án Đại Kim để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của dân, số tiền 29 tỷ đồng. Nực cười thay, tháng 7/2019, Trần Quốc Cường lại được điều từ Phó bí thư tỉnh Đắk Lắk qua giữ chức Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, sau đó ông ta ngồi vào ghế Ủy viên Trung ương khoá 13.
Trần Quốc Cường (trái) và Nguyễn Vũ Hùng
- Cuối năm 2016, Phạm Duy Cường, bí thư tỉnh uỷ Yên Bái bị đồng đảng là Đỗ Cường Minh dùng súng bắn chết ngay tại trụ sở làm việc. Phạm Thị Thanh Trà, quê Nghệ An, Uỷ viên Trung ương khoá 12, được cho là “người tình” của ông Tô Huy Rứa, được đẩy lên thay thế. Quyền lực trong tay, bí thư Phạm Thị Thanh Trà cùng em trai Phạm Sỹ Quý, giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, cướp hàng chục hecta đất rừng phòng hộ và đất nông nghiệp của dân, chuyển đổi thành đất ở, để xây biệt phủ và nhà thờ họ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tai tiếng “dội” cả nước, thế mà Phạm Sỹ Quý không hề hấn gì, còn Phạm Thị Thanh Trà được rút về Trung ương, được thăng chức thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng.
Đại hội 13, bà Trà tái trúng cử Uỷ viên Trung ương và nhảy lên ghế Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầy quyền sinh sát trong tay.
Bà Phạm Thị Thanh Trà và ông em Phạm Sỹ Quý cùng căn biệt thự nổi tiếng của ông Quý có được từ... "buôn chổi đót"!
- Nguyễn Đình Khang quê Bắc Ninh, nguyên Phó bí thư đảng uỷ, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt nam (Vinachem). Trong 4 đại dự án thua lỗ hàng chục ngàn tỷ của Vinachem, có dự án đạm Ninh Bình, thua lỗ 5.706 tỉ đồng, mà Bộ Công an từng vào cuộc điều tra. Không chỉ phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu, ông Khang còn phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi ký 4 hợp đồng và 8 phụ lục hợp đồng ủy thác vốn. Chưa hết, Nguyễn Đình Khang còn phải chịu trách nhiệm với những sai phạm trong quá trình đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng kéo dài, làm phát sinh giá gói thầu thêm 48 triệu Mỹ kim…
Nhờ thế lực đỡ đầu từ Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thời Ngô Văn Dụ, Nguyễn Đình Khang được "giải cứu" bằng cách đưa đi làm Phó bí thư tỉnh ủy Hà Giang, vào Uỷ viên Trung ương khoá 12, Bí thư tỉnh ủy Hà Nam và được cơ cấu Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tái trúng cử Uỷ viên Trung ương khoá 13.
Gần đây, hai cựu Uỷ viên Trung ương Nguyễn Đình Bin và Đặng Ngọc Tùng công khai đặt câu hỏi, tại sao Tổng Liên đoàn lao động và Nguyễn Đình Khang "ẵm" luôn 130 tỷ đồng đóng góp của công nhân cả nước, mà "lờ" luôn việc xây dựng Khu tưởng niệm Hoàng Sa.
- Nguyễn Văn Hiếu, quê Bình Định. Năm 16 tuổi, bỏ học, ông Hiếu tham gia Dân quân tự vệ phường, rồi sinh hoạt Đoàn, bò dần lên bí bí thư Đoàn phường 9, quận Phú Nhuận; chủ tịch UBND phường 9, quận Phú Nhuận; bí thư Quận đoàn Phú Nhuận; phó bí thư thường trực Thành đoàn, bí thư Đảng ủy cơ quan Thành đoàn. Từ một kẻ học chưa hết cấp 2, Nguyễn Văn Hiếu bỗng “tốc hành” có liền bằng cử nhân hành chính, cử nhân luật, cao cấp chính trị…
Nguyễn Văn Hiếu kế nhiệm Tất Thành Cang để làm bí thư Quận uỷ quận 2 giai đoạn 2012-2016, nơi xảy ra đại án Thủ Thiêm. Hiếu là cánh tay đắc lực của bè lũ Lê Thanh Hải, dùng mọi thủ đoạn cực kỳ xảo quyệt, gian manh, ghê tởm và nguy hiểm nhất để cướp đất Thủ Thiêm, gây ra nỗi oan khuất cho hàng chục ngàn hộ dân, đẩy hàng chục ngàn con người đang sống yên ổn trên mảnh đất do họ khai phá hoặc cha ông để lại, bỗng dưng trắng tay, dồn họ đến bước đường cùng, với tiếng kêu gào than khóc thấu tận trời xanh, trong đó có nhiều người vì quá uất ức đến điên loạn, đã tìm đến cái chết. Lê Thanh Hải trả công Nguyễn Văn Hiếu bằng suất Uỷ viên dự khuyết Trung ương khoá 12.
Năm 2018, Nguyễn Văn Hiếu được Cơ quan điều tra đưa vào tầm ngắm để khởi tố bắt giam cùng với các cựu Bí thư quận 2 tiền nhiệm Tất Thành Cang và kế nhiệm Nguyễn Hoài Nam. Tuy nhiên tiền đã cứu Nguyễn Văn Hiếu “thoát chết” một cách ngoạn mục. Không những vậy, tiền giữ lại cho Hiếu suất Uỷ viên dự khuyết Trung ương khoá 13 và hôm nay Hiếu ngạo nghễ ngồi vào vị trí quyền lực số 3: Phó bí thư Thường trực Thành uỷ thành Hồ.
Tất Thành Cang (trái) trao quyết định bổ nhiệm cho Nguyễn Văn Hiếu
Điểm sơ qua một vài gương mặt trên trong cơ quan đầu não của đảng CSVN, để thấy rõ hơn sự bao che, dung túng từ lãnh đạo chóp bu của đảng trắng trợn như thế nào. Dễ thấy vì sao tham nhũng ngày càng tăng theo cấp số nhân, lan rộng từ phường xã, cho đến cung đình, mặc cho ông Nguyễn Phú Trọng cứ hô hào “đốt lò” như bị nhập xác lên đồng.
Năm 2018, Bộ Tư pháp khi soạn thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), quan điểm ban đầu của Bộ Tư pháp là, đối với những tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì thực hiện quy trình tố tụng tư pháp về dân sự, tức đưa ra tòa xem xét tình nghi có hành vi tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng, nhằm truy thu tài sản bất minh của quan chức. Sau đó khi đưa ra phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, để cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý, thì Bộ Tư pháp chỉ “gút” lại vấn đề, chỉ đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, đề nghị trên đã bị bà chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Trần Công Phàn phản đối và bác bỏ. Bà Ngân cho rằng để “xin ý kiến Bộ Chính trị” và sau đó chìm luôn. Bài học muôn thuở, luật trong nhà nước “độc tài toàn trị” soạn ra để đè đầu, cưỡi cổ dân chúng, chứ đời nào tổn hại đến “đặc quyền đặc lợi” của tầng lớp lãnh đạo.
Mới đây, Trung ương đảng CSVN tổ chức hẳn một hội nghị để thông qua đề án “Thành lập Ban phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh”. Thêm một “cái bánh vẽ” nữa được đảng bày ra để lừa dân chúng.
Khi tầng lớp lãnh đạo cao nhất của đảng vẫn bảo kê, bao che, dung túng cho những sai phạm tày trời của “đồng chí” trong đảng, thì chiến dịch “đốt lò” ma mị chỉ nhằm cũng cố quyền lực và thanh trừng phe nhóm chính trị. Còn lại, việc những gương mặt “tinh hoa” của đảng, xứng danh là quan tham hút máu dân lành ngay trong dịch bệnh, thiên tai, cũng như hàng ngày xà xẻo “bầu sữa” ngân sách sẽ mãi mãi chẳng e sợ và không có điểm dừng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét