Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2022

20220626. LẬP BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG TNTC CẤP TỈNH

 ĐIỂM BÁO MẠNG


LẬP BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG TIÊU CỰC CẤP TỈNH LÀ 

MỘT BƯỚC TIẾN QUAN TRỌNG

NGÂN CHI/GDVN 24-6-2022

GDVN-Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, phải đòi hỏi đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng địa phương, không thể “khoán” cho Ban Chỉ đạo phát hiện, xử lý hết sai phạm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc (Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã có những chia sẻ thẳng thắn về một số hạn chế trong công tác cán bộ; đồng thời, chỉ ra những yếu tố “then chốt” giúp Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh thành đạt hiệu quả thực chất.

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, thầy có đánh giá thế nào về công tác cán bộ trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong những năm gần đây, thưa thầy?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc: Trước hết, theo tôi, công tác cán bộ là một vấn đề lớn trong xây dựng Đảng. Bởi vì theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là “cái gốc” của mọi việc, thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì thế, chúng ta rất quan tâm đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, phát huy năng lực của cán bộ. Thậm chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi xây dựng, chăm chút cho đội ngũ cán bộ giống như “người làm vườn chăm sóc cho cây quý”.

Với quan điểm như thế, trong công cuộc đổi mới, Đảng cũng rất chú trọng đào tạo bồi dưỡng, bố trí cán bộ, kể cả phát huy tối đa năng lực, trình độ, cống hiến của cán bộ đối với sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, là trong điều kiện đổi mới, hội nhập quốc tế, đòi hỏi những yêu cầu mới của cán bộ cao hơn nhiều so với trước đây, cả về trình độ, năng lực quản lý.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc (Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). (Ảnh: NVCC).

Vừa qua, đánh giá khái quát lại, công tác cán bộ của chúng ta cũng đã có những bước tiến rất quan trọng. Đội ngũ cán bộ đã có những bước trưởng thành và đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới.

Mặc dù vậy, vẫn còn một bộ phận cán bộ mắc vào suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đó chính là những người gây nên tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, ở tất cả các cấp, Tổ chức Đảng

Từ những đánh giá như vậy, có thể thấy được rằng, yêu cầu chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề lớn đặt ra để ngăn chặn sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, Đảng viên. Và bộ phận ấy, nếu như không ngăn chặn được, sẽ làm suy yếu Đảng, làm ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và năng lực cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới.

Phóng viên: Với những tồn tại như vậy, thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có vai trò và tác động cụ thể ra sao, thưa thầy?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc: Trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta đã có Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư đứng đầu, đã làm hết sức quyết liệt, tích cực để xử lý các cán bộ, Đảng viên sai phạm. Gần đây nhất, có thể kể đến là vụ sai phạm của công ty Việt Á, có liên quan đến ông Chu Ngọc Anh (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), ông Phạm Công Tạc (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), và ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế)... Như vậy, các cán bộ lãnh đạo cấp cao cũng đã bị xử lý.

Tuy nhiên, có một vấn đề nữa đặt ra, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói, đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực phải tiến hành đồng bộ, phải tạo được sự thống nhất cao trong toàn Đảng, từ trên xuống dưới, dọc ngang phải thuận, chứ đây không phải chỉ là việc của Trung ương.

Chính vì thế, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, để nâng cao hơn trách nhiệm của các tổ chức Đảng địa phương trong cuộc đấu tranh này, đồng thời cũng khắc phục những yếu kém, tiêu cực của từng Đảng bộ, vì hơn ai hết, các tổ chức Đảng, cấp ủy nắm vững được thực chất của đội ngũ cán bộ như thế nào. Đồng thời, cũng sẽ đánh giá, phát hiện kịp thời những sai phạm của cán bộ, Đảng viên hơn, nhất là những cán bộ, Đảng viên giữ các cương vị trong bộ máy của Đảng bộ, chính quyền địa phương.

Như vậy, đây là một bước tiến quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời xử lý tốt nhất mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương.

Trước đây, một số địa phương có thể có những nhận thức theo kiểu, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực này chủ yếu nằm ở cấp Trung ương, còn cấp địa phương thì cũng không nặng nề; hoặc cũng có thể có địa phương không nhận thức được đầy đủ được về tình hình thực tiễn, đôi khi nghĩ rằng, tham nhũng, tiêu cực chỉ xuất hiện ở đâu đó, còn trong Đảng bộ địa phương mình không có chuyện đó.

Chưa kể, cũng có những chuyện, có tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, có nhận thức được, nhưng không dám đương đầu, không dám đấu tranh. Tức là, thấy sai không dám đấu tranh, thấy đúng cũng không dám bảo vệ, dẫn đến dĩ hòa vi quý, thậm chí bao che cho những sai trái. Từ đó, dẫn đến kết quả chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng đó hình thức và ít hiệu quả.

Từ những đánh giá như vậy, tôi cho rằng, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo sự liền mạch, đồng bộ, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.

Phóng viên: Vậy, theo thầy, để Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực các địa phương có thể hoạt động hiệu quả và thực chất nhất, đâu là yếu tố “then chốt” nhất?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc: Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh thành là một bước tiến, để mang lại kết quả tích cực, Ban Bí thư cũng đã ban hành những quy chế cụ thể. Các địa phương cứ căn cứ vào đó mà thực thi một cách nghiêm túc, nhất định sẽ đạt được hiệu quả.

Tuy nhiên, theo tôi, hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh thành cũng có hai khía cạnh:

Thứ nhất, Ban Chỉ đạo đi vào hoạt động, sẽ phải ra sức tuyên truyền, cảnh báo, cảnh tỉnh, đồng thời, bằng hoạt động thực tiễn của mình, phải nhắc nhở đối với cán bộ, Đảng viên có chức có quyền.

Thứ hai, Ban Chỉ đạo phải thực sự tiến hành vào công việc, phối hợp Ủy ban Kiểm tra của tỉnh ủy/Thành ủy, phối hợp với Thanh tra của chính quyền, Thanh tra nhân dân, hoạt động của các đoàn thể, của chính nhân dân phát hiện. Ban Chỉ đạo phải thực sự lắng nghe, từng thành viên phải thấy rõ trách nhiệm của mình, để kịp thời phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý những cán bộ sai phạm, chứ không phải chỉ mấy tháng họp một lần, rồi kiểm điểm hình thức...

Tôi xin nói thêm, vừa rồi, một số địa phương cũng có nhiều cán bộ sai phạm, nhưng không phải do chính địa phương đó phát hiện, mà từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét phát hiện. Tôi lấy ví dụ, như những sai phạm của Bình Thuận, Đà Nẵng, Khánh Hòa... trong thời gian gần đây cũng như trong mấy năm qua chẳng hạn. Những ví dụ trên đều cho thấy, địa phương chưa thật sự vào cuộc trong việc phát hiện những sai phạm.

Tôi mong rằng, sau khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh thành, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, của Thường vụ cấp ủy, do đồng chí Bí thư đứng đầu, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra,... phải thật sự vào cuộc với tất cả tinh thần, trách nhiệm của mình, phải thực sự vào cuộc để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Phải xác định đó là trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, vì tham nhũng, tiêu cực, lãng phí này ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của dân tộc, nhân dân, đất nước.

Tôi tin rằng, với cách hành động quyết liệt như thế và thực hiện theo đúng quy định của Ban Bí thư, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tại các địa phương nhất định sẽ thành công, tiêu cực sẽ giảm bớt đi rất nhiều...

Tôi cứ hình dung, Ban Chỉ đạo này cũng giống như những người “cầm cân nảy mực” để xem xét, phát hiện, xử lý những sai phạm, tiêu cực kịp thời. Nếu làm được một cách nghiêm túc, bài bản như thế, thì sẽ đạt được hiệu quả thực chất.

Phóng viên: Vừa qua, có một số ý kiến lo ngại, nếu các thành viên Ban Chỉ đạo coi đây là nhiệm vụ kiêm nhiệm, liệu có thể đạt hiệu quả cao nhất?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc: Tôi xin nhấn mạnh, bản thân các đồng chí được lựa chọn vào Ban Chỉ đạo, phải là những cán bộ, Đảng viên gương mẫu, trong sạch và có uy tín, có năng lực, có trách nhiệm và bản lĩnh. Trước hết phải có những phẩm chất như vậy, thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Và đương nhiên, đó đều là những người “gánh” trách nhiệm trong tổ chức Đảng và chính quyền địa phương.

Đồng thời, tôi cho rằng, không nên coi đây là một việc kiêm nhiệm mà phải thấy rõ đây là một trách nhiệm lớn lao mà Đảng bộ đã giao cho mình, phải xác định làm hết tinh thần, trách nhiệm.

Trên thực tế, cũng có hiện tượng cục bộ, địa phương che chắn, bao che cho những sai phạm. Hiện tượng ấy từ trước đến nay cũng vẫn có, hoặc xảy ra ở một Đảng bộ, một tổ chức chính quyền nào đó, nhưng lại bị chi phối bởi những mối quan hệ thân quen, gia đình, dòng họ... hay quan hệ thân thiết với nhau từ trước, nên không có sự xử lý kịp thời, nghiêm minh. Ban Chỉ đạo cũng phải biết những chuyện như vậy để phòng ngừa.

Tuy nhiên, theo tôi, khi chúng ta làm việc một cách công khai, dân chủ, minh bạch, có nguyên tắc, thì những tiêu cực ấy sẽ bị giảm bớt và đều có thể khắc phục.

Chính vì vậy, ở đây, đòi hỏi đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng tại địa phương, tức là địa phương cũng phải vào cuộc chứ không phải “khoán” cho Ban Chỉ đạo.

Cũng giống như với Ban Chỉ đạo cấp Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải thực sự vào cuộc, lãnh đạo kịp thời, chặt chẽ, mới có thể hoạt động hiệu quả nhất.

Vậy, với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thành cũng thế, cũng cần nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, Thường vụ cấp ủy, người đứng đầu... Nếu làm tốt được với tinh thần công khai, dân chủ, minh bạch, có trách nhiệm, có bản lĩnh, nhất định cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở từng tỉnh, từng thành phố sẽ đạt hiệu quả tốt. Từ đó, sẽ lan tỏa xuống các cấp huyện, cấp quận, cấp cơ sở... một cách tốt hơn, góp phần làm cho Đảng trong sạch vững mạnh và hoàn thành trách nhiệm lãnh đạo, cầm quyền trong thời kỳ mới.

Về vấn đề này, tôi cho rằng, để đạt được hiệu quả, cũng phải từ từ từng bước, chứ không nên nghĩ là nay thành lập Ban Chỉ đạo thì ngày mai sẽ tốt lên toàn bộ ngay. Phải qua hành động, qua thực tiễn làm việc, đề cao tinh thần trách nhiệm, thì công tác cán bộ tại địa phương nhất định sẽ đi vào quy củ, hoạt động của Ban Chỉ đạo sẽ đẩy lùi những tiêu cực, những khuyết điểm đã nêu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của thầy!

Ngân Chi
1 VIỆT Á KHIẾN HƠN 60 NGƯỜI VƯỚNG LAO LÝ: CẦN RÀ SOÁT CÔNG TÁC ĐỀ BẠT CÁN BỘ
TRẦN PHƯƠNG/ GDVN 25-6-2022
GDVN- Nhìn từ Việt Á, các chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận lại công tác cán bộ. Đặc biệt là công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ xem yếu khâu nào để khắc phục.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đang nhận được niềm tin và sự ủng hộ của Nhân dân.

Đặc biệt, việc điều tra, xử lý nghiêm các các cán bộ sai phạm có liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước.

Đến nay, có khoảng hơn 60 người đã bị khởi tố liên quan vụ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19. Trong đó có 7 quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ cùng hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế, bệnh viện của 15 tỉnh, thành.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Bùi Thị An – Đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng:

“Đến nay, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý với phương châm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", "bất kể người đó là ai", "đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử".

Nhìn từ vụ việc của Việt Á, đến nay, 2 nhân sự cấp cao diện Trung ương quản lý cũng đã vướng vòng lao lý.

Điều này cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đang rất quyết liệt và có sự thống nhất cao.

Ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long bị bắt do liên quan đến vụ Việt Á. Ảnh: ttxvn

Rất nhiều các cán bộ từ cấp trung ương đến địa phương đã bị khởi tố điều tra cho thấy sự việc rất nghiêm trọng.

Vừa rồi chúng ta có bàn đến việc phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước. Chủ trương này tôi cho là rất đúng đắn.

Nhìn từ vụ Việt Á cho thấy, việc một công ty tư nhân nhưng đã móc ngoặc đến hàng loạt các cán bộ của Đảng và Nhà nước, ở nhiều cấp khác nhau, điều này cho thấy phải chống tham nhũng cả khu vực tư nhân và khu vực ngoài Nhà nước đều có vai trò rất quan trọng”.

“Ở một khía cạnh khác, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận lại công tác cán bộ. Đặc biệt là công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Chúng ta cần nhìn lại xem các khâu đề cử, tiến cử và giám sát cán bộ của chúng ta có yếu ở khâu nào không? Bởi chỉ một vụ việc Việt Á thôi, nhưng chúng ta đã thấy rất nhiều cán bộ đã không giữ được mình.

Tới đây, cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Ai sai đến đâu người đó phải chịu trách nhiệm.

Nhưng điểm lại sự việc cho thấy, đã có rất nhiều cán bộ vướng vòng lao lý trong đó có cả những cán bộ diện trung ương quản lý, có lẽ chúng ta cần lưu ý đến công tác đề bạt, tiến cử cán bộ.

Lâu nay, khi cán bộ được giới thiệu không đủ phẩm chất, năng lực thì trách nhiệm thường thuộc về tập thể cấp ủy giới thiệu, chứ chưa truy xét đến cùng trách nhiệm đối với từng cá nhân cụ thể, mà trước tiên là trách nhiệm của người đề cử, tiến cử nhân sự.

Tôi cho rằng đã đến lúc, chúng ta cần nhìn nhận lại xem công tác đề cử, tiến cử, giám sát và giáo dục cán bộ của chúng ta yếu ở khâu nào để khắc phục, để giúp đỡ cán bộ và không để cán bộ mắc sai phạm”, bà Bùi Thị An nêu quan điểm.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Lê Trung Kiên – giảng viên Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh:

“Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” do vậy công tác cán bộ có vai trò rất quan trọng.

Trong lịch sử dân tộc, ngay từ thời phong kiến, việc tiến cử nhân tài luôn được đề cao, tuy nhiên, việc tiến cử này cũng gắn liền với trách nhiệm của người được tiến cử. Bởi khi người được tiến cử lập công trạng thì người tiến cử cũng được hưởng vinh quang.

Ngược lại, nếu tiến cử sai, làm nguy hại đến lợi ích chung thì phải cùng chịu trách nhiệm.

Từ khi có Đảng, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương qua các thời kỳ cách mạng đã làm tốt việc tiến cử, chiêu mộ hiền tài, gắn chặt với trách nhiệm người đứng đầu ở mỗi cấp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian qua, việc tiến cử cán bộ gắn liền với trách nhiệm của người tiến cử cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Không ít trường hợp, công tác cán bộ tuy được làm đúng quy trình nhưng lại giới thiệu nhầm người, sai người, để lại những hậu quả khôn lường.

Thậm chí, có những cá nhân đã “trèo rất cao, chui rất sâu” rồi mới bị tổ chức phát hiện có nhiều vi phạm, khuyết điểm từ trước.

Hệ lụy để lại cho tổ chức là rất nặng nề, nhưng việc truy xét trách nhiệm, chịu kỷ luật liên đới đối với người đề cử, tiến cử cán bộ chưa được xem xét thỏa đáng.

Trước vụ Việt Á là một loạt vụ xử lý kỷ luật liên quan tới lãnh đạo cấp tỉnh, cấp trung ương, cả sỹ quan cao cấp tướng tá, tới cả ủy viên trung ương.

Hàng loạt cán bộ cấp cao mắc sai phạm, khuyết điểm nghiêm trọng thời gian vừa qua cho thấy việc cần thiết phải đặt ra yêu cầu đối với cấp ủy, người đứng đầu cần phải chuẩn bị nhân sự thật kỹ lưỡng, bàn bạc thấu đáo, chặt chẽ; công tác nắm bắt và đánh giá cán bộ phải bài bản, đặc biệt là việc chú trọng phẩm chất, tư cách và uy tín chính trị trong lịch sử quá trình công tác của cán bộ được đề cử".

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Trung Kiên cũng cho rằng : “Người đề cử cũng phải cân nhắc, công tâm, tin cậy về trường hợp mình giới thiệu, không được cục bộ, nể nang, cánh hẩu và cũng không thể bổ nhiệm cán bộ theo lối “giã gạo” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dạy

Để từ đó, cấp ủy có cơ sở xem xét, cất nhắc và đưa vào quy trình bổ nhiệm cán bộ”.

Trần Phương
TẠI SAO ĐẾN NÔNG NỖI NÀY ?
ĐOÀN BẢO CHÂU/TD 25-6-2022
Trong nước, nội xâm đang hoành hành, đấy chính là nạn tham nhũng tràn lan khắp các tỉnh thành, khắp các bộ, ban ngành. Vấn đề là không có biện pháp quyết liệt và triệt để để chặn đứng nạn này, chỉ là hô hào chung chung, xử lý theo vụ việc.
Tôi nghĩ vấn đề là các vị có muốn làm không thôi, chứ quyền lực trong tay, làm gì mà không được? Vi khuẩn thì đủ các loại, biến thể lung tung mà kháng sinh thì nửa vời, có mà đốt lò từ năm này sang năm khác cũng không hết củi bởi một điều đơn giản là chính bộ máy này đang sản xuất ra củi.
Để khỏi phải đốt lò, bước đầu tiên là đừng sản xuất ra củi. Hãy bắt đầu bằng việc cấm đưa phong bì ở tất cả các ban ngành, kê biên tài sản, kiểm soát dòng tiền trong tài khoản ngân hàng của quan chức, không cho phép các quan chức các cấp viếng thăm nhà riêng của nhau.
Chống tham nhũng không khó, cái khó là có thực tâm muốn làm không và có ai có tâm, có tầm, có chí, có quyết tâm làm không. Nội xâm không xử lý được triệt để thì tương quan sức mạnh của ta với ngoại bang sẽ kém đi và chúng muốn làm gì mà chẳng được.
Để rơi vào thế yếu là một điều đáng xấu hổ và không nên tự hào với cái kiểu đối ngoại “mềm mại” nhưng thực chất là kiểu ứng xử bất đắc dĩ. Việc này y như một cô gái yếu đuối, khi bị thằng cướp thò tay vào ngực thì chỉ chiêm chiếp thốt lên: “iem quan ngại, iem quan ngại lắm anh ôi...!”
Nó cứ bóp rồi tay nó thò lung tung nữa thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Có vị nào nói không đòi được Hoàng Sa thì thế hệ con cháu sẽ đòi được. Thế hệ này mà để tham nhũng bòn rút tài nguyên đất nước, làm kiệt quệ sức dân thì thế hệ sau lấy đâu ra nền tảng và sức mạnh để đòi lại phần đã bị ngoại bang cướp? Rồi chính vị này bảo phải dạy sao cho thế hệ trẻ khi đứng chào cờ mà mắt rưng rưng lệ.
Câu này đúng, không hề sai. Một đất nước chỉ có thể hùng cường được khi người trẻ có lòng ái quốc tha thiết và mạnh mẽ nhưng làm sao có được điều ấy thì cần phải bàn tiếp.
Đúng là chúng có quyền tự hào về lịch sử chống ngoại xâm hào hùng nhưng chúng cũng không thể giữ mãi cái lòng tự hào ấy trong một thế giới biến chuyển với tốc độ chóng mặt, khi các nền văn hoá mạnh xâm nhập vào Việt Nam và chúng nhìn thấy cái hạn chế của một chính thể nhiều tham nhũng, mà một chính thể nhiều tham nhũng thì không thể xây dựng được một nền văn hoá có thể toả sáng long lanh trên quốc tế được.
Mọi thứ đều liên quan tới nhau. Chúng cần có những niềm tự hào mới về một quốc gia đang phát triển rực rỡ, không phải chỉ là những trận đá bóng mà ở nhiều lĩnh vực khác. Đất nước này “rừng vàng biển bạc”, câu ấy không hề sai.
Các địa phương có văn hoá riêng phong phú và đặc sắc nhưng du lịch, các sản vật không có chỗ đứng trên quốc tế là bởi phong thái làm ăn làng nhàng, luộm thuộm, ăn chặn, gây khó dễ, các doanh nghiệp phải đối phó với đủ các khó khăn.
Hãy nhìn ngay ở thủ đô, thử hỏi có cái vỉa hè nào tồn tại tử tế được quá ba năm không? Vậy có ai phải chịu trách nhiệm về những đồng tiền ngân sách bị phung phí ấy? Một sản phẩm bán cho khách hàng còn có bảo hành, vậy mấy cái công trình công cộng ấy chẳng lẽ không có?
Cây xanh đang yên ổn, tự nhiên chặt, rồi để trồng cây mới, giờ có mấy cây được trồng lên được tử tế, dưới cái nóng đến há mồm ở Hà Nội dân biết trú ở đâu? Một con sông có cái tên rất đẹp là Tô Lịch thì không khác gì một cái cống lộ thiên, thối um, dưới trời nóng đi qua phải nhịn thở.
Một hệ thống thoát nước ì trệ cả trăm năm, trong khi ấy thì các nhà cao tầng được xây lên, Hà Nội không biến thành Venice bất đắc dĩ mới là lạ. Hai đời thị trưởng Hà Nội nối đuôi nhau vào tù. Kẻ trước có liên quan tới dự án lọc nước con sông này, kẻ sau liên quan tới việc coi lỗ mũi của dân là tài nguyên, là cơ hội làm giàu.
Thị trưởng cần có tư cách cao quý, bởi thị trưởng là bộ mặt của một thành phố, nhưng không cao quý được thì cũng đừng bẩn thỉu đến vậy. Đâu phải cứ nhe răng hềnh hệch, chớp chớp mắt, xoa tay xoắn xuýt nhìn đàn anh, cấp trên như thể nhìn chúa trời là được chọn làm thị trưởng.
Điều đáng sợ nhất nhất, khó thay đổi nhất là người dân cam phận, coi tất cả những điều ấy là tự nhiên, và lấy việc im miệng là phương châm sống yên bình của mình.
Hơn bao giờ hết, đất nước này cần những lãnh đạo có tâm, có tầm, quyết liệt và mạnh mẽ trong tư duy và hành động chứ không cần những lời phát biểu đèm đẹp, mơ màng, những ví von lơ lửng, lạc quan tếu như đang ngoài ở quán bia vỉa hè.
Hãy thay đổi trước khi quá muộn khi mà ngoại bang có thể lợi dụng sự yếu đuối của ta để lấn tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét