Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

20200725. QUANH VỤ BỐ BÍ THƯ TỈNH, CON BÍ THƯ THÀNH PHỐ

ĐIỂM BÁO MẠNG

VÌ SAO BÀI BÁO VỀ VỤ CHINH-CHIẾN BẮC NINH BỊ GỠ BỎ ?
HIẾU BÁ LINH/ TD 24-7-2020
Hôm nay 24/7/2020, một bài đăng trên báo Đại Đoàn Kết của tác giả Tú Anh, có tựa đề ‘Một người làm quan…’ đã bị gỡ bỏ chỉ sau vài tiếng đồng hồ đăng trên mạng.
Bài báo mở đầu bằng câu: “Những trường hợp bổ nhiệm sai, ‘làm quan tắt’ nhất là với người thân thích đang góp phần làm xói mòn niềm tin của người dân”.
Cuối bài, tác giả Tú Anh đã cẩn thận trích dẫn lời dạy của bác Hồ về công tác cán bộ: “Có những đồng chí còn giữ thói ‘một người làm quan cả họ được nhờ’, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm đực hay không, mặc kệ. Hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”.
Mặc dù đã được rào trước, chắn sau kỹ như vậy, nhưng bài báo chỉ sống được vài tiếng.







Ảnh chụp màn hình bài báo Đại Đoàn Kết đăng hôm nay, đã bị gỡ bỏ

Sau khi bài đăng trên báo do đại tá Hồng Quang Thanh làm tổng biên tập bị gỡ bỏ, thì báo Tuổi trẻ có bài: Con trai bí thư tỉnh ủy làm bí thư Thành ủy Bắc Ninh: ‘Việc này không vướng quy định nào‘.
Ông Nguyễn Văn Hùng, trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Bắc Ninh, nói với báo Tuổi Trẻ rằng, việc ông Nguyễn Nhân Chinh, 36 tuổi, con trai Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến, được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, không vướng quy định nào của Đảng.
Một cựu lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương cũng nói với Tuổi Trẻ rằng, “các quy định hiện hành của Đảng không hề có quy định nào nói bố làm bí thư tỉnh ủy thì con cái không được làm bí thư thành ủy cả”.
Tuy nhiên, bài trên báo Đại Đoàn Kết có nêu một chuyện bất thường là ông Nguyễn Nhân Chinh được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, thay vì để cho Đại hội bầu ra như thường lệ, nguyên văn:
“… ngày 17/6, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Bắc Ninh, ông Vương Quốc Tuấn được tái cử giữ chức Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Và sau đó khoảng 23 ngày, ông Tuấn được giới thiệu để HĐND tỉnh bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021.
Hẳn là việc bổ sung ông Tuấn làm Phó Chủ tịch tỉnh không phải chuyện ngày một ngày hai. Tại sao Tỉnh ủy không giới thiệu và đề nghị HĐND họp bất thường để bầu ông Tuấn rồi tổ chức Đại hội Đảng bộ TP Bắc Ninh. Khi đó, nhân sự Bí thư Thành ủy Bắc Ninh do Đại hội bầu ra. Nếu vậy, tôi tin rằng dư luận ´tâm phục, khẩu phục´ với nhân sự được bầu giữ vị trí này. Và không ai có thể xuyên tạc rằng, xứ quan họ là cả họ làm quan”.
Vương Quốc Tuấn là ai?
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh cho biết, Vương Quốc Tuấn, người “nhường ghế” Bí thư Thành ủy Bắc Ninh cho Nguyễn Nhân Chinh, là con rể của ông Trần Văn Tuý. Ông Túy từng là cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, người tiền nhiệm của ông Nguyễn Nhân Chiến.
Năm 2015, Trần Văn Túy đã “nhường ghế” Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho ông Chiến. Bây giờ con rể ông, Vương Quốc Tuấn cũng “nhường ghế” Bí thư Thành ủy Bắc Ninh cho con trai ông chiến là Nguyễn Nhân Chinh.
Cặp cha vợ, con rể Túy – Tuấn để hai cái ghế Bí thư Tỉnh ủy/ Thành ủy lại cho cặp cha con Chiến – Chinh. Có vẻ như, đây là truyền thống “cha Bí thư Tỉnh ủy, con Bí thư Thành ủy” ở Bắc Ninh.







Trên: Cha vợ Trần Văn Tuý (trái) và con rể Vương Quốc Tuấn. Dưới: Cha Nguyễn Nhân Chiến và con Nguyễn Nhân Chinh

Có lẽ bài trên báo Đại Đoàn Kết đã tiết lộ “bí mật Bắc Ninh”, nên nó chỉ sống được vài giờ.
NGƯỜI ƠI, GIỮ GHẾ, ĐỪNG VỀ
LÊ THIẾU NHƠN/ TD 24-7-2020
Thành phố Bắc Ninh vừa có tân Bí thư Thành ủy là ông Nguyễn Nhân Chinh – con trai của đương kim Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh – Nguyễn Nhân Chiến. Ông Nguyễn Nhân Chinh có bằng cử nhân hệ tại chức môn cờ vua, đã có thời gian làm Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh nêu gương sáng cho thanh niên về khả năng học hành dốt nát, chơi cờ khôn khéo.
Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Nhân Chinh làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh ở tuổi 36 là một kết quả quá sức tốt đẹp. Cha là Bí thư Tỉnh ủy mà con được bổ nhiệm Bí thư Thành ủy là cấp dưới, thì chắc chắn không có chuyện hối lộ để chạy chức, và cũng không có ai nghi ngờ về động cơ nâng đỡ không trong sáng.
Ngoài con trai Nguyễn Nhân Chinh, gia đình và họ hàng của ông Nguyễn Nhân Chiến có hơn chục người nắm giữ các vị trí béo bở ở tỉnh Bắc Ninh. Đây là mô hình kiểu mẫu về lãnh đạo hiện nay, vì luôn đồng thuận và rất tiết kiệm.
Không đồng thuận sao được, khi cha gật thì con cũng gật, anh gật thì em cũng gật, chú gật thì cháu cũng gật, chị gật thì thím cũng gật, cậu gật thì dượng cũng gật… Cả nhà cùng gật, dĩ nhiên mọi quyết sách đều thông qua nhanh chóng và dễ dàng.
Không tiết kiệm sao được, khi cả nhà chỉ cần mở tiệc cuối tuần là hội đủ bá quan văn võ của tỉnh, không cần phải tốn kém ngân sách Nhà nước để tổ chức hội nghị, hội thảo. Cái bàn ăn gia đình mà gánh vác sứ mệnh nghị trường địa phương, thì lợi ích trăm đường.
Ông Nguyễn Nhân Chiến năm nay đã 60 tuổi. Ông lót đường cho con trai yên vị để thảnh thơi nghỉ hưu chăng? Nếu vậy, thì đáng tiếc quá. Ông Nguyễn Nhân Chiến cần giữ ghế thêm vài ba nhiệm kỳ nữa, để cha con đồng lòng đưa tỉnh Bắc Ninh tiến lên phía trước, nếu không thành “đầu tàu kinh tế” thì cũng thành “thung lũng silicon”.
Không những vậy, mô hình quyền lực gia đình ông Nguyễn Nhân Chiến phải được “viết sách” cho cả nước học tập và làm theo, như một giải pháp cải cách hành chính “một cửa một dấu, một tay che trời”
Xứ quan họ vẫn xôn xao chân tình “người ơi, người ở, đừng về”. Đối với trường hợp ông Nguyễn Nhân Chiến thì càng tha thiết “người ơi, giữ ghế, đừng về”, để thiên hạ biết được thành quả kiến tạo từ tha hóa ngầm đến tha hóa công khai và tha hóa trên diện rộng.
ĐÓ LÀ HỒNG PHÚC CỦA DÂN TỘC ?
BẠCH HOÀN/ TD 23-7-2020
Bà Đào Hồng Lan trao quyết định cho ông Nguyễn Nhân Chinh. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Bắc Ninh
Báo chí đưa tin bổ nhiệm nhân sự mới ở Bắc Ninh rất không đầy đủ, đặc biệt là trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh, bí thư tỉnh đoàn Bắc Ninh vừa được bổ nhiệm làm bí thư thành uỷ thành phố Bắc Ninh.
Một số tờ báo chỉ cho biết ông Chinh được bổ nhiệm từ bên đoàn sang bên đảng, nhưng không cung cấp cho độc giả những ưu nhược điểm, cũng như thành tích của tân Bí thư.
Vì thế, tôi sẽ cung cấp thêm một số thông tin quan trọng khác.
Về ưu điểm: Bí thư Chinh là một cán bộ tuổi đời còn trẻ, có năng lực nổi trội là hoạt động đoàn.
Về thành tích: Mặc dù khi sinh ra tại Bắc Ninh vào năm 1984, Bí thư Chinh là con đẻ của ông Nguyễn Nhân Chiến, nhưng đến tháng 11-2011, Bí thư Chinh đã trở thành con ruột của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Đặc biệt, từ xuất phát điểm chào đời là con của một đảng viên mới kết nạp, đến năm 2015, Bí thư Chinh đã trở thành con trai ruột của Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Bắc Ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh – người được bổ nhiệm vào tháng 11-2011 – là ông Nguyễn Nhân Chiến. Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Bắc Ninh từ năm 2015 đến nay là ông Nguyễn Nhân Chiến, gọi tắt là Bí thư Chiến.
Bí thư Chiến là bố của Bí thư Chinh.
Về thuận lợi: Bổ nhiệm Bí thư Chinh, theo quy trình là quyết định của Ban thường vụ tỉnh uỷ. Đứng đầu Ban Thường vụ tỉnh uỷ là Bí thư Chiến. Như vậy, Bí thư Bố đứng đầu tổ chức bổ nhiệm Bí thư Con.
Về khó khăn: Bí thư Bố từng bị dư luận phản ứng dữ dội khi lộ thông tin cả gia đình – vợ con, anh em, họ hàng nội ngoại, thông gia… đều làm quan ở tỉnh Bắc Ninh. Vào năm 2017, tại phiên thảo luận về Luật Tố cáo sửa đổi, Bí thư Bố đề nghị cấm đưa nội dung tố cáo lên mạng xã hội nhưng đã không được chấp thuận.
Kỳ vọng: Mặc dù vậy, Bí thư Bố có lập trường kiên định, không lung lay trước làn sóng dư luận, giữ gìn thế trận cả nhà làm quan. Bí thư Con là con của Bí thư Bố. Vì thế, phẩm chất này, dự báo có thể sẽ được di truyền.
Đó là hồng phúc của dân tộc.
CHƯA CÓ QUY ĐỊNH BỐ LÀM BÍ THƯ TỈNH, CON KHÔNG ĐƯỢC LÀM BÍ THƯ THÀNH PHỐ
TRẦN PHƯƠNG /GDVN 25-7-2020
Việc ông Nuyễn Nhân Chinh được chỉ định làm bí thư thành ủy Bắc Ninh đã và đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Đặc biệt, ông Nguyễn Nhân Chinh là con trai ruột của đương kim Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến.
Việc bố trí nhân sự người thân đã có tại Quy định Số: 205-QĐ/TW, ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Ông Nguyễn Nhân Chinh (người đeo kính) nhận quyết định của Ban thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh về công tác cán bộ. Ảnh: Tiền Phong
Khoản 6, điều 3, mục II của quy định này đã nêu cụ thể: Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như:
Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. [1]
Việc chỉ định ông Nguyễn Nhân Chinh được công bố ngày 22/7, tức là thời gian chỉ định sau hơn 1 tháng diễn ra Đại hội Đảng bộ thành phố Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Cụ thể, từ ngày 15 -17/6, Đảng bộ thành phố Bắc Ninh đã tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo kết quả của Đại hội, ông Vương Quốc Tuấn (Sinh năm 1977), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tái đắc cử Bí thư Thành ủy Bắc Ninh khóa XXII.
Ông Vương Quốc Tuấn giữ chức vụ này từ năm 2015.
Đến ngày 10/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã bầu ông Vương Quốc Tuấn, Bí thư Thành ủy Bắc Ninh giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021. [2]
Sau đó, ông Nguyễn Nhân Chinh được chỉ định giữ chức Bí thư Thành ủy thay ông Tuấn. Việc phân công, chỉ định này, diễn ra sau hơn 1 tháng tổ chức Đại hội.
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cho hay, ông chưa tiếp cận với văn bản nào quy định bố làm Bí thư Tỉnh ủy thì con không được làm Bí thư Thành ủy.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, việc sắp xếp cán bộ là công tác được thực hiện rất chặt chẽ, bài bản, cân nhắc kỹ và "không thể hôm nay ngồi chỗ này mai sang chỗ khác được".
Trong việc phân công đối với ông Chinh thực hiện sau Đại hội Đảng bộ thành phố chưa lâu như vậy, ông Hùng nói dù được quyền, không vi phạm nguyên tắc nhưng về mặt tâm lý, chuẩn bị cán bộ như vậy là "không hay".
Trước đó, năm 2015, bên lề kỳ họp quốc hội, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nêu quan điểm:
"Nếu như con em cán bộ lãnh đạo có sự trưởng thành và được các đại hội Đảng tín nhiệm, được tổ chức tín nhiệm giao những trọng trách thì đó là điều hạnh phúc của dân tộc, của Đảng.
Tôi nghĩ như vậy. Không có gì nghi ngại cả. Đó là sự kế thừa truyền thống, họ giữ gìn truyền thống đó và biết phát huy truyền thống đó để làm tiếp sự nghiệp mà cha ông họ đã đi.
Tôi nghĩ điều đó quá là hạnh phúc đối với dân tộc mình chứ sao lại nghi ngại.
Chỉ trừ những trường hợp khuất tất, không có năng lực. Còn những trường hợp vừa rồi là đại hội bầu. Đó là sự tín nhiệm của cả một đại hội.
Nếu con em cán bộ mà hư hỏng hết thì đó là điều bất hạnh." [3]
Trường hợp của ông Nguyễn Nhân Chinh được Ban thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy và giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
"Hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ, huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ bầu ban thường vụ; bầu bí thư và phó bí thư trong số uỷ viên thường vụ; bầu uỷ ban kiểm tra; bầu chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trong số uỷ viên uỷ ban kiểm tra."
Theo Khoản 1, Điều 20, Chương IV. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng ở địa phương, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
"5. Từ tổ chức cơ sở đảng đến đảng bộ trực thuộc Trung ương nếu được thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập trong nhiệm kỳ, thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ định cấp uỷ chính thức; chỉ đạo xây dựng hoặc bổ sung nhiệm vụ cho phù hợp; nhiệm kỳ đầu tiên của các cấp uỷ này không nhất thiết là 5 năm để nhiệm kỳ đại hội phù hợp với nhiệm kỳ đại hội của tổ chức đảng cấp trên.
6. Đối với tổ chức đảng không thể mở đại hội được, cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ định cấp uỷ của tổ chức đảng đó."
Theo Khoản 5 và Khoản 6, Điều 13, Chương II. Nguyên tắc tổ chức và cơ cấu tổ chức của Đảng, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. [4]
* Tài liệu tham khảo:
[1] http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-205-qdtw-ngay-2392019-cua-bo-chinh-tri-ve-viec-kiem-soat-quyen-luc-trong-cong-tac-can-bo-va-chong-chay-chuc-5710
[2]http://thanhuy.bacninh.gov.vn/dai-hoi-dang-bo-thanh-pho-bac-ninh-lan-thu-xxii-nhiem-ky-20202025-thanh-cong-tot-dep-a2i2237.html
[3]https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/con-lanh-dao-lam-lanh-dao-la-hanh-phuc-cua-dan-toc-269501.html
[4]http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/dieu-le-dang/dieu-le-dang-do-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xi-cua-dang-thong-qua-3431
Trần Phương
CON LÃNH ĐẠO LẠI LÀM LÃNH ĐẠO: DÂN CƯỜI VÌ SAO ?
DIỄM THI/ RFA 24-7-2020
Cả họ làm quan
Chuyện ông Nguyễn Nhân Chinh được điều động làm bí thư thành ủy Bắc Ninh bị dư luận xã hội đem ra châm chọc, mỉa mai trên mạng xã hội kèm những icon mặt cười. Chẳng hạn như: “Một người làm quan cả họ được nhờ. Cả họ làm quan, chất kịch độc cho dân tộc”; “Tương lai dân Bắc Ninh sẽ giỏi cờ vua”; “Nhân giống thuần chủng”; “Nguyễn Thành Ủy con của Nguyễn Tỉnh Ủy, cháu Nguyễn Quân Ủy. Ủy nào cũng là quỷ”…
Ông Nguyễn Nhân Chinh tốt nghiệp đại học chuyên ngành cờ vua; thạc sĩ quản lý giáo dục. Vào đảng năm 2011. Ông Chinh là con trai ruột của ông Nguyễn Nhân Chiến, đương kim ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh uỷ, trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh.
Báo trong nước dẫn lời ông Vũ Quốc Hùng, nguyên ủy viên trung ương đảng, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương rằng, ông chưa tiếp cận với văn bản nào cấm việc bố làm bí thư tỉnh ủy và con làm bí thư thành ủy.
Ông Trần Văn Lĩnh, nguyên thành viên Hội đồng Nhân dân Đà Nẵng từng nói với RFA rằng, luật pháp phải có quy định. Quyền lực nếu không muốn trở thành một trò chơi nguy hiểm cho chính nó và cho cả chế độ thì quyền lực ấy phải được kiểm soát bởi một chế độ kiểm soát quyền lực. Cho đến giờ này, luật pháp Việt Nam không có đoạn nào cấm người ta sử dụng con cháu vào cơ quan hay tổ chức của mình cả. Điều đó chỉ có quy định trong nội bộ đảng thôi.
Họ cười cợt là phải vì hầu như họ thấy những chức vụ trong chính quyền nó giống như là những món quà trong gia đình người ta ban phát cho nhau. - Luật sư Đặng Đình Mạnh
Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu suy nghĩ của ông về phản ứng của những người dân khi các lãnh đạo lại có con làm lãnh đạo như trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh:
“Họ cười cợt là phải vì hầu như họ thấy những chức vụ trong chính quyền nó giống như là những món quà trong gia đình người ta ban phát cho nhau. Ví dụ như người vừa được điều động làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, về học vấn lại là cử nhân cờ vua mà lại nắm một chức vụ rất cao trong đảng như vậy. Trong tỉnh Bắc Ninh thì ông cha là người đứng đầu, Bí thư tỉnh ủy, còn ông con là Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, một thành phố thủ phủ của tỉnh Bắc Ninh.”
Sở dĩ người dân mỉa mai, cười cợt như vậy có lẽ vì đây không phải lần đầu họ được nghe những tân lãnh đạo có quan hệ thân thuộc ruột thịt với những vị lãnh đạo đương chức. Có những ‘con quan’ giữ chức cao khi còn rất trẻ, con đường thăng tiến quá nhanh.
Một trong những lãnh đạo nổi tiếng trên mạng xã hội với việc ‘cả họ làm quan’ hai năm trước đây là ông Triệu Tài Vinh ở tỉnh Hà Giang. Gia đình ông có ít nhất 8 người thân ruột thịt và họ hàng làm công chức nhiều ban ngành, địa phương trong tỉnh. Trong đó có vợ ông, em trai ông, em gái ông, em rể ông, anh và em họ ông.
Còn những trường hợp con quan lại làm quan khi còn rất trẻ có thể kể đến là ông Nguyễn Xuân Anh là con ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương. Ông Anh được đề bạt lên tới chức bí thư tỉnh ủy Thành phố Đà Nẵng khi chưa đầy 40 tuổi; Nguyễn Thanh Nghị con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được giữ chức Phó chủ tịch Kiên Giang khi mới 38 tuổi và năm sau thì được làm bí thư tỉnh khi mới 39 tuổi; Lê Phước Hoài Bảo là con trai nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh, được bổ nhiệm chức giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư khi mới 30 tuổi; Lê Trương Hải Hiếu, là con trai nguyên Bí thư thành ủy TP. HCM Lê Thanh Hải, được đề bạt lên phó bí thư quận ủy, chủ tịch quận 12 khi mới 34 tuổi…
PGS-TS Hoàng Dũng nhận định, một người nào đó con ông to tiếp tục làm quan chỉ là bề ngoài. Đằng sau nó là vấn đề thể chế:
“Sở dĩ ở Việt Nam người ta phản ứng ầm ỹ vì ai cũng biết đằng sau việc thăng quan tiến chức đó không phải do lựa chọn một cách dân chủ, mà do ý chí của một người có quyền lực họ đưa lên. Như thế, đằng sau nó là một thể chế chứ không phải là một phản ứng xã hội bình thường đâu.”
Liệu có thực tài
Trong một lần trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội vào năm 2015, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu rằng, con em lãnh đạo lại tiếp tục được giao trọng trách lãnh đạo thì đó là điều hạnh phúc của dân tộc, của đảng. Không có gì nghi ngại cả. Đó là sự kế thừa truyền thống, họ giữ gìn truyền thống đó và biết phát huy truyền thống đó để làm tiếp sự nghiệp mà cha ông họ đã đi.
Theo bà, ở tuổi trên dưới 40 không thể gọi là trẻ để đảm nhận những chức danh như bí thư tỉnh ủy.
Không chỉ bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu như vậy, bà Bùi Thị An, đại biểu quốc hội Hà Nội nhiệm kỳ 2011 - 2016 cũng từng nói, có những gia đình có tố chất di truyền. Tố chất ấy được thể hiện trong lãnh đạo, trong các ngành chuyên môn.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, người dân phản ứng là họ lên tiếng về vấn đề bổ nhiệm chứ không phải chuyện có tài hay không. Ông nói:
“Cũng có thể họ có tài thật sự nhưng có điều chưa thấy cái tài nó phát lộ ra, công chúng không nhìn thấy. Nhưng đó không phải là điều công chúng quan tâm. Điều họ quan tâm là đầu vào của chức vụ lãnh đạo. Họ quan tâm là tại sao, bằng cách nào mà người đó lại giữ chức vụ cao như vậy? Nếu như họ không phải là con các quan chức lãnh đạo thì liệu họ có khả năng leo lên chức vụ cao như vậy không?”
Nói cho đúng thì không phải cứ con lãnh đạo thì không có thực tài. Nhưng như đã nói, nếu mà theo một sự lựa chọn bình thường thì khó lòng mà tưởng tượng họ đi lên nhanh như vậy.  - PGS-TS Hoàng Dũng
Theo ghi nhận của RFA, người dân phản ứng với việc ‘con quan lại làm quan’ không hẳn vì khả năng, vì thực tài của những con quan đó. Điều người dân quan tâm là làm sao để tất cả những ai có thực tài đều có cơ hội bước vào các vị trí lãnh đạo trong chính phủ để xây dựng đất nước. Với thể chế như hiện nay thì những cán bộ thực tài có thể sẽ bị mang tiếng oan, có những người thực sự giỏi không được trọng dụng.
PGS-TS Hoàng Dũng nêu nhận xét:
“Nói cho đúng thì không phải cứ con lãnh đạo thì không có thực tài. Nhưng như đã nói, nếu mà theo một sự lựa chọn bình thường thì khó lòng mà tưởng tượng họ đi lên nhanh như vậy. Tại sao họ đi lên nhanh được như thế? Cái đó do quyền lực thôi. Do ý chí của một cá nhân nào đó đưa người này người kia lên theo kiểu mà người ta gọi là ‘nhất quan hệ’...
Một người nào đó con ông to tiếp tục làm quan chỉ là bề ngoài. Nó đặt ra vấn đề là đất nước chọn người lãnh đạo không qua bầu cử thực sự dân chủ. Chính vì thế mà có thể có một con quan to có năng lực thực sự có thể bị mang tiếng oan. Mà người muốn đưa người này lên đôi khi họ cũng ngại vì mang tiếng.”
Ở Việt Nam cũng có những cuộc thi tuyển công chức hoặc những cuộc thi tuyển lãnh đạo, nhưng đa số người dân cho rằng đó chỉ là “đầu voi, đuôi chuột". Những cuộc thi tuyển như vậy không bảo đảm được mức độ công bằng, vô tư, khách quan mà hầu như chỉ mang tính hình thức.

CHIẾN-CHINH, VÍ DỤ MỚI VỀ CÁC ĐẠI HỘI CỦA ĐẢNG

TRÂN VĂN/ TD 25-7-2020

Tỉnh ủy Bắc Ninh, Thành ủy Bắc Ninh vừa rủ nhau làm một việc khiến những tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng, cũng như những hứa hẹn của Ban Chấp hành Trung ương đảng (BCH TƯ) về chấn chỉnh “qui hoạch nhân sự” cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, bảo đảm việc lựa chọn – sắp đặt các cá nhân làm lãnh đạo cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền tại Việt Nam ở nhiệm kỳ tới (2016 – 2021) khách quan, chính xác trở thành vô nghĩa.
***
Tuần này, Thành ủy thành phố Bắc Ninh đã tổ chức một… hội nghị chỉ để công bố quyết định mới nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về công tác cán bộ: “Điều động” ông Nguyễn Nhân Chinh – Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh. Do vậy, ông Chiến được “chỉ định” tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020 – 2025 (1).
Cách nay khoảng ba năm – tháng 5 năm 2017 – trong vai Đại biểu Quốc hội, ông Chiến đề nghị đưa vào Dự luật sửa Luật Tố cáo qui định: Cấm đưa đơn tố cáo lên mạng xã hội để ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hình thức truyền thông mới để bôi nhọ, xuyên tạc, hạ thấp uy tín, danh dự của tổ chức cá nhân (2). Với cách thức tiếp nhận – giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Việt Nam như đã biết, đề nghị của ông Chiến không được ủng hộ…
Không rõ ông Chiến “nhìn xa, thấy rộng” hay để góp phần lý giải vì sao ông Chiến dị ứng với việc tố cáo trên mạng xã hội, chừng một tháng sau, một số facebooker giới thiệu gia đình, gia tộc ông Chiến như điển hình của tình trạng “cả họ làm quan”:
– Ngô Thị Khường (vợ ông Chiến) – Phó Phòng Bảo hiểm Xã hội thành phố Bắc Ninh. Nguyễn Nhân Chinh (con trai) – Tỉnh uỷ viên, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh. Nguyễn Nhân Đạt (con trai) – Trưởng phòng Thi đua Khen thưởng Sở Nội vụ Bắc Ninh. Chu Thị Ngân (con dâu) – Trưởng phòng Dân vận của Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ. Nguyễn Minh Huệ (con dâu– Phó Phòng Kinh tế Đối ngoại của Sở Kế hoạch – Đầu tư.
Quyết định vừa kể là bằng chứng mới nhất cho thấy, những đại hội đảng đã cũng như đang và sẽ còn được tổ chức đảng các cấp, thuộc đủ mọi ngành bày ra trên toàn Việt Nam cho đến quý một năm tới, không chỉ ngốn nhiều ngàn tỉ tiền thuế, lãng phí quỹ thời gian lẽ ra phải dành cho dân, cho nước, mà còn hết sức giả dối vì làm giả… “dân chủ trong đảng”, lừa cả đồng chí, đồng đội lẫn đồng bào.
Khi tổ chức đảng cấp trên có quyền viện dẫn đường lối, chủ trương và sử dụng “qui hoạch nhân sự” để “điều động” cá nhân nào đó làm Bí thư, “chỉ định” những cá nhân nào đó tham gia Ban Chấp hànhBan Thường vụ như trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh, rõ ràng việc tổ chức giới thiệu, rồi bỏ phiếu bầu hay bỏ phiếu chọn đại biểu đi dự đại hội đảng cấp cao hơn là trò diễn kịch dễ làm thiên hạ… khóc vì bị buộc phải… xem!
***
Cho dù khả năng ngạc nhiên của dân chúng Việt Nam đã giảm đáng kể khi từng phải xem quá nhiều trò hề nhưng vụ “điều động” ông Nguyễn Nhân Chinh làm Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh và “chỉ định” ông Chinh tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020 – 2025 vẫn khuấy động dư luận vì vở kịch vốn rất dở này quá… dài mà gánh diễn vẫn độc chiếm sân khấu!
Ông Nguyễn Nhân Chinh – nhân vật vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh “điều động, chỉ định” – vốn đã được công chúng thuộc tên, biết mặt từ lâu. Thiên hạ chú ý tới ông không phải vì tài năng, đức độ mà vì ông là con của ông Nguyễn Nhân Chiến – người mà suốt từ năm 2011 tới nay vẫn “một mình, một cõi” ở Bắc Ninh (2011 – 2015 là Chủ tịch tỉnh, 2015 đến nay là Bí thư tỉnh).
Tuy nhiên đó chỉ là… tạm tính trong phạm vi… gia đình, ở phạm vi… gia tộc, tương quan Nguyễn Xuân Chiến, Bí thư tỉnh Bắc Ninh với các viên chức trong tỉnh là “thân bằng, quyến thuộc” còn phong phú hơn (3):
– Nguyễn Nhân Thắng (em ruột) – Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh. Nguyễn Nhân Bình (em ruột– Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du. Nguyễn Thị Ngọc (em ruột) – Trưởng Phòng Công tác Học sinh sinh viên Sở Giáo dục Đào tạo. Lại Thị Nguyệt (em dâu) – Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh. Trần Thị Bích Liên (em dâu– Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Trọng Oanh (em rể– Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ. Nguyễn Nhân Lừng (anh con bác ruột) – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Việt Giang (anh con bác ruột) – Giám đốc Quỹ phát triển đất tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Nhân Giang (cháu) – Phó Công an huyện Tiên Du. Nguyễn Nhân Cường (cháu) – Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Thu Hương (cháu– Phó Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Bắc Ninh. Tạ Thị Huyền (cháu– Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn. Nguyễn Nhân Công (Trưởng họ) – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc
Danh sách vừa kể chưa ngừng ở đó, người dùng mạng xã hội còn liệt kê một số trường hợp khác có “dây mơ, rễ má” với ông Chiến vì là thân nhân của… con dâu, em rể! Lúc ấy, “tức cảnh, sinh tình”, ngoài bình luận, có facebooker như Lê Xuân Thủy, phóng bút, viết hẳn một bài vè, lưu ý: …Còn rất nhiều trường hợp. Trên đất nước Việt Nam. Đều làm quan cả họ. Nhưng rất đúng quy trình (4).
Có một điểm đáng chú ý: Tuy ông Chiến – Ủy viên BCH TƯ – nổi lên như điển hình của thực trạng “một người làm quan, cả họ được nhờ”, khiến công chúng bất bình, chỉ trích kịch liệt cả “qui hoạch nhân sự” – vốn là đường lối, chủ trương nhất quán của đảng – cũng như “công tác cán bộ” – vốn vẫn được đảng khẳng định là khách quan, chặt chẽ – nhưng không cá nhân, cơ quan hữu trách nào lên tiếng xác định thực – hư để xử lý!
Chẳng biết có phải vì thế mà… đùng một cái, tuần này, xảy ra thêm sự kiện ông Nguyễn Nhân Chinh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh – cơ quan do cha ông điều hành – “điều động” làm Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh và “chỉ định” tham gia vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy của thành phố Bắc Ninh mà không cần đến bất cứ phiếu bầu nào của bất kỳ đảng viên nào!
Phạm Minh Vũ – một trong nhiều facebooker nêu nhận xét về trường hợp “điều động” ông Chinh làm Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh – lưu ý: Nguyễn Nhân Chinh tốt nghiệp chuyên ngành… Cờ vua, hệ Tại chức của Đại học Thể dục Thể thaoTương lai thành phố Bắc Ninh trong năm năm tới nằm trong tay một người như vậy vẫn… chẳng có gì lạ. Các tiến sĩ, giáo sư học thật đều phải cúi đầu nghe lệnh hắn, thực thi kế hoạch phát triển do hắn hoạch định. (5)!
Chú thích

ÔNG NGUYỄN NHÂN CHINH CÓ ĐỦ TÀI ĐỨC HAY KHÔNG MỚI QUAN TRỌNG
NGỌC HÂN/ GDVN 26-7-2020

Ngày 22/7, Thành ủy Bắc Ninh đã công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về công tác cán bộ.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh có Quyết định số 1606 ngày 22/7/2020 điều động ông Nguyễn Nhân Chinh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh, về Thành ủy Bắc Ninh công tác; chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy và giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ông Nguyễn Nhân Chinh (áo xanh) – Phó Bí thư thường trực Tỉnh Đoàn trao Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” do T.Ư Đoàn truy tặng cho đại diện gia đình em Nguyễn Đức Tú năm 2015, ảnh minh họa, nguồn: tinhdoanbacninh.gov.vn.
Ông Nguyễn Nhân Chinh tốt nghiệp đại học chuyên ngành cờ Vua; thạc sĩ quản lý giáo dục. Ông Chinh được kết nạp Đảng năm 2011.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Nhân Chinh cũng là con trai của ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.
Được biết, ông Nguyễn Nhân Chinh có nhiều năm công tác tại Tỉnh đoàn Bắc Ninh. Năm 2016, khi đang là Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Bắc Ninh, ông được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh.
Hiện, ông Nguyễn Nhân Chinh là Tỉnh ủy viên, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa 18, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ngay sau khi thông tin ông Nguyễn Nhân Chinh được chỉ định làm Bí thư thành ủy Bắc Ninh, dư luận đặt dấu hỏi về việc có hay không sự ưu ái trong việc chỉ định khi ông Nguyễn Nhân Chinh và ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh có mối quan hệ cha con?
Dư luận cũng đặt vấn đề về trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm, uy tín của ông Nguyễn Nhân Chinh khi xuất phát điểm tốt nghiệp chuyên ngành cờ vua (hiện ông Nguyễn Nhân Chinh đã có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục) có phù hợp và có hơn những người khác vào trị trí bí thư thành ủy Bắc Ninh hay không?
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13 cũng bày tỏ sự băn khoăn trước việc ông Nguyễn Nhân Chinh (sinh năm 1984), Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ định giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Phó giáo sư Bùi Thị An đặt vấn đề: “Về công tác cán bộ thì việc chỉ định ông Nguyễn Nhân Chinh như vậy có đảm bảo tính khách quan, công tâm trong việc lựa chọn người tài đức hay không?.
Vị trí Bí thư thành ủy Bắc Ninh có bao nhiêu người xứng đáng, vì sao lại chọn ông Nguyễn Nhân Chinh, cái này chắc Ban thường vụ Bắc Ninh nắm rõ, nhưng dư luận thì chưa, nên việc băn khoăn, đặt câu hỏi là điều dễ hiểu.
Nếu anh thật sự có những thành tích vượt trội, xuất chúng, được các cấp, người dân đánh giá cao, đủ uy tín trước khi nhận nhiệm vụ mới thì quá tốt, nhưng nếu anh chỉ bình thường, không có gì nổi trội thì việc chỉ định vào vị trí đó sẽ thiệt thòi cho địa phương đó khi anh làm lãnh đạo.
Về khoa học quản lý, anh mới vào Đảng năm 2011, vào chính thức năm 2012, như vậy kinh nghiệm làm việc, các vị trí kinh qua có đảm bảo anh ở vị trí đứng đầu một thành phố hay không”.
“Quyền chỉ định, bố trí lãnh đạo thuộc về Ban thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh, nhưng việc chọn người như thế nào, chọn ai đã thật đúng, thật chuẩn hay chưa là vấn đề khác”, Phó giáo sư Bùi Thị An nói.
Phó Giáo sư Bùi Thị An không bình luận về mối quan hệ cha con giữa Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh và ông Nguyễn Nhân Chinh vừa được bổ nhiệm. Bởi theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, việc bố trí cán bộ quan trong nhất vẫn là người có tài đức.
Phó Giáo sư Bùi Thị An. Ảnh: Giaoduc.net.vn
Đầu vào đại học cờ vua có phần thi năng khiếu chạy 100m, bật xa
Trở lại câu chuyện bằng cử nhân cờ vua của ông Nguyễn Nhân Chinh, theo tìm hiểu của phóng viên Giáo dục Việt Nam, hiện bộ môn Cờ (có 2 chuyên ngành cờ tướng và cờ vua) được giảng dạy tại Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh.
Một giảng viên bộ môn Cờ (Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh) cho biết, anh Nguyễn Nhân Chính là sinh viên hệ chính quy bộ môn cờ vua khóa 37 của trường.
Cũng theo vị giảng viên này, anh Nguyễn Nhân Chinh được cấp bằng cử nhân môn cờ vua hệ chính quy. Thành tích học tập của anh Chinh khá tốt.
Vị cán bộ này cũng chia sẻ về tuyển sinh hệ cử nhân bộ môn Cờ năm 2020 của Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh.
Theo đó, có 2 phương thức tuyển sinh gồm xét kết quả học trung học phổ thông kết hợp thi năng khiếu và xét kết quả thi trung học phổ thông kết hợp thi năng khiếu.
Đã có "bàn tay thép" chặn cả họ làm quan, cánh hẩu trong công tác cán bộĐã có "bàn tay thép" chặn cả họ làm quan, cánh hẩu trong công tác cán bộ
Thí sinh chọn 1 trong 3 nội dung thi năng khiếu. Nội dung thi năng khiếu 1 là bật xa và chạy 100m; nội dung thi năng khiếu 2 là bật xa; Nội dung thi năng khiếu 3 là chạy 100m.
Sinh viên ra trường có thể làm huấn luyện viên, giáo viên cờ vua, cờ tướng hay quản lý và tổ chức các giải đấu cờ vua, cờ tướng các cấp, làm trọng tài môn cờ vua, cờ tướng.
Khi sinh viên đã thi đỗ vào bộ môn Cờ sẽ được chọn chuyên ngành học cờ vua hoặc cờ tướng. Sinh viên học cờ vua hay cờ tướng không yêu cầu năng khiếu mà chỉ cần biết chơi khá một trong hai môn cờ này.
Còn theo giới thiệu trong chương trình tuyển sinh bộ môn C ờ của Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có bằng tốt nghiệp cử nhân thể dục thể thao chính quy, được cấp các chứng chỉ tương đương vận động viên cấp 1, cấp 2 và cấp 3, các chứng chỉ bồi dưỡng trọng tài, huấn luyện viên.
Sinh viên được trang bị kỹ năng nghiệp vụ sư phạm để giảng dạy, huấn luyện, quản lý, trọng tài cờ Vua, Cờ Tướng các cấp. Sau khi tốt nghiệp có thể làm giáo viên, huấn luyện viên cờ Vua, cờ Tướng, các nhà quản lý câu lạc bộ, trung tâm cờ Vua, cờ Tướng trên toàn quốc, trọng tài Cờ Vua, cờ Tướng cấp quốc gia và quốc tế.
Ngọc Hân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét