Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

20200709. BÀN VỀ 'THẾ LỰC THÙ ĐỊCH'

ĐIỂM BÁO MẠNG
'THẾ LỰC THÙ ĐỊCH' Ở ĐÂU ?
VŨ HỮU SỰ/ TD/ BVN 6-7-2020
http://www.viettin.de/sites/default/files/super_users/img/TheLucThuDich%201.jpg
Không biết từ bao giờ, câu “thế lực thù địch” đã trở thành câu cửa miệng của tất cả các vị lãnh đạo từ to đến nhỏ, từ xã phường đến trung ương của nước ta. Những thằng đấu tranh chống ông bạn “16 chữ vàng” chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, đưa tàu vào xâm phạm lãnh hải của ta, đâm chìm tàu của ngư dân ta: thế lực thù địch. Những thằng phản đối Foomosa gây ô nhiễm môi trường, làm chết hết cá biển: thế lực thù địch. Những thằng phản đối dự án Bauxite Tây Nguyên: thế lực thù địch. Những thằng phản đối dự luật đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong: thế lực thù địch. Những thằng nói xấu đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông: thế lực thù địch. Những thằng phản đối cướp đất ở Thủ Thiêm, Văn Giang, Lộc Hưng...: thế lực thù địch. Những thằng nói lên sự thực vụ Đồng Tâm: thế lực thù địch. Những thằng lên tiếng về vụ giám đốc thẩm ngồi xổm lên pháp luật vụ án Hồ Duy Hải, trong đó có cả những đại biểu quốc hội như Lê Thị Nga, Lưu Bình Nhưỡng, Trương Trọng Nghĩa...: thế lực thù địch. Tóm lại là tất cả những ai cất lên tiếng nói đúng “lòng dân” nhưng trái với “ý đảng” thì đều là thế lực thù địch. Bất cứ ai, đã tót lên được cái ghế lãnh đạo, từ lãnh đạo xã phường trở lên, là nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch.

Chủ nghĩa xã hội là hình thái xã hội tiên tiến nhất, tốt đẹp nhất, là đỉnh cao chói lọi của trí tuệ loài người, là một chế độ “dân chủ gấp triệu lần chế độ tư bản (lời nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan)”, nhưng sao dưới chế độ tiên tiến nhất, tốt đẹp nhất, là đỉnh cao chói lọi của trí tuệ loài người, dân chủ gấp triệu lần chế độ tư bản ấy, lại lắm thế lực thù địch thế? nếu bị rất nhiều thế lực thù địch ngăn cản, chống phá, thì đến bao giờ chúng ta mới vượt qua được thời kỳ quá độ để đến chủ nghĩa xã hội? một trăm, hai trăm, năm trăm, một nghìn năm? ở các nước tư bản giãy chết như Mỹ, Anh, Pháp... họ có thế lực thù địch không? một câu hỏi được đặt ra, là nếu chế độ của chúng ta thực sự là một chế độ tiên tiến nhất, tốt đẹp nhất, thực sự là đỉnh cao chói lọi của trí tuệ loài người, thực sự là chế độ “dân chủ gấp triệu lần chế độ tư bản” thì làm gì có thế lực thù địch? mà nếu có, thì thế lực đó cũng nhanh chóng chết yểu, vì làm gì có lý do để tồn tại? xưa nay, người ta chỉ thù địch với những chế độ lạc hậu, xấu xa, những chế độ thiểu năng trí tuệ, độc tài, không có dân chủ, chứ ai lại đi thù địch với những chế độ tốt đẹp?
Cứ như những điều các vị nói ra, thì thế lực thù địch có ở khắp nơi. Nhưng sao mấy chục năm nay lực lượng công an “giỏi nhất thế giới” chẳng bắt được một tên “thế lực thù địch” nào? mà chỉ thấy tòa án ấn tội giết người lên đầu những Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Trần Văn Thêm, Mưu Quý Sường, Hồ Duy Hải... hay tất cả những người đó đều là thế lực thù địch?
Và nếu cứ cách nhìn này, thì tôi e có lúc hơn 90 triệu dân sẽ trở thành “thế lực thù địch”.
V.H.S.
CHUYỆN NỰC CƯỜI VÀ CHUYỆN Ở NHÀ HỒ DUY HẢI
TRẦN ĐĂNG KHOA/ BVN 5-7-2020

Top 10 Bài thơ hay của nhà thơ Trần Đăng Khoa - Toplist.vn

Chuyện nực cười

Đấy là chuyện của tôi. Chả là cách đây ít ngày, tôi có một bài báo về Hồ Duy Hải. Bài này tôi không viết gì, ngoài mấy câu giao đãi khép mở. Tôi đưa nguyên văn bản hỏi cung đầu tiên chiều 20-1-2008. Bản này những người kết tội Hải đã dấu đi, không đưa vào hồ sơ vụ án. Nhưng tôi rất quan tâm đến bản khai này. Vì nó là bản khai sạch. Khi đó Hải chưa bị bắt, mà chỉ là người nghi có liên can. Bản khai ngày 21 là bản khai khi Hải đã bị bắt và Hải đã nhận tội. Nhưng tôi lại nghi ngờ bản khai này, vì khi đó Hải đã thành ông Chấn, ông Nén, ông Long rồi. Ông Chấn có 40 lần nhận tội, ông Nén 50 lần nhận tôi. Hải chỉ có 25 lần nhận tội, xem ra vẫn còn ít lắm so với tiền nhân. Tôi chú ý bản khai đầu tiên chỉ một tình tiết thôi: Hải không có mặt ở bưu điện Cầu Voi hôm xảy ra vụ án. Hải là tay cá cược bóng đá. 9h, Hải điện cho Hồng hỏi báo bóng đá. Hồng bảo đã hết thì Hải không đến đó nữa. Vậy Hải ở đâu? Hải liệt kê rất cụ thể, chi tiết. Hải làm nhiều việc, có mặt ở nhiều nơi, nhưng Hải không đến bưu điện Cầu Voi. Điều này trùng khớp với biên bản khám nghiệm hiện trường: Có rất nhiều dấu vân tay hung thủ, nhưng không có dấu vân tay nào trùng với 10 dấu vân tay của Hải. Tôi không cảm tính, không nói vu vơ. Tôi căn cứ vào bằng chứng. Tôi trọng chứng chứ không trọng cung. Và những văn bản này đều của công an. Tôi chưa bao giờ mất niềm tin vào quân đội và công an, kể cả công an Long An trong những ngày đầu. Họ phá án rất giỏi. Ngay sau ba ngày họ đã tìm ra nghi can rồi. Báo Công an, Tuổi trẻ, Thanh niên, Pháp luật và nhiều tờ báo khác thời ấy đều đưa tin lấy từ công an Long An. Bây giờ, chúng ta bàn về vụ án này cũng vẫn căn cứ vào văn bản điều tra ban đầu của họ. Phải nói rằng, công an ta rất tài. Họ chỉ có lỗi khi đồng tiền bẩn hay thế lực hắc ám nào đó làm cho họ méo mó và xấu xí đi.
Khi tôi đưa lên trang cá nhân của mình biên bản này, lập tức trên mạng xã hội, ào ạt một chiến dịch tấn công “lão già rân chủ, ba que, ăn tiền của bọn phản động, chống phá đất nước” Trận đánh của họ có mấy hướng chính. Một là nhục mạ với lời chửi bới rất thô tục. Họ tự vẽ chân dung mình đấy. Qua đó người đọc biết họ là ai. Cách thứ hai là mang cái chết ra dọa: “Thằng già câm mồm đi. Mày không biết bao người đã chết à?”. Thực tình, nói có giời, tôi chỉ thấy thương họ thôi. Họ chẳng hiểu gì lão già Trần Đăng Khoa cả. Lão đã chết năm lên 1 tuổi vì dịch tả, đã bó chiếu, đem chôn. Nhưng đến lúc xách lão đi chôn thì lão lại tỉnh lại. Rồi cứ sống nhăn răng cho đến tận bây giờ. Lão sống dai quá đến chính lão cũng đã chán lão. Đã ba lần lão sa vào ổ phục kích của cả ta và địch ở chiến trường Campuchia mà vẫn không chết. Nhà văn Xuân Đức cũng đã kể chuyện này. Còn bây giờ, lão luôn chờ Thần Chết, vì tò mò chẳng biết ông bạn vàng ấy mặt mũi ra sao. Lão đã có cả kịch bản về ngày vui hộ ngộ ấy và có cả thơ: “Bao năm ròng mệt mỏi - Xuống xứ này dong chơi - Giờ ta làm ngọn khói - Õng ẹo bay về giời!” Một bà lão xinh đẹp bảo: “Ông làm sao mà õng ẹo được. Ông phải ùng ục bay về giời”. Ùng ục hay õng ẹo thì cũng đều là mây khói cả. Lão cũng đã mua sẵn đất rồi. Rộng lắm. Những 10 mét cơ đấy. 10 mét cho 4 ngôi mộ. Hai vợ chồng ông anh lão là nhà thơ Trần Nhuận Minh, cô giáo Phạm Thị Diễm và hai vợ chồng lão. Mỗi người hai mét rưỡi. Thừa xây một ngôi mộ và còn có cả chỗ cho ai hảo tâm đến thắp hương. Cách thứ ba là họ bịa đặt, vu cáo lão ăn tiền Việt Tân. Rồi họ bảo lão dốt, thi đại học chỉ được hai điểm văn. Họ làm sang lão đấy. Thực tình, lão còn không có bằng tốt nghiệp lớp 10. Lão đã thi phổ thông thông đâu. Đang học dở thì lão vào lính. 10 năm sau lão mới thi vào trường viết văn Nguyễn Du. Lúc ấy lão mới về sở Giáo dục Hải Dương xin giấy chứng nhận đặc cách tốt nghiệp Phổ thông. Những học sinh đi lính khi đang học kỳ II lớp 10, (tương đương lớp 12 bây giờ) đều có bằng Đặc cách. Rồi lúc ấy lão mới thi ba môn: Văn, Sử, Năng khiếu. Văn thày Vũ Lập chấm. Năng khiếu thày Chính Hữu chấm và Sử người chấm là thày Trần Quốc Vượng. Năm ấy 24 điểm đã đủ tiêu chuẩn đi học nước ngoài, mà lão lại đạt điểm tuyệt đối 30 điểm 3 môn, nên hết năm thứ nhất lão chuyển sang học tại Liên xô. Và lão học thế nào thì các vị đã biết trong chương trình “Thày trò Xô Việt” rồi. Thật nực cười khi họ còn bảo lão bất mãn với chế độ. Rồi họ còn làm công tác địch vận: “Chú Khoa ơi, chú là thần tượng của cháu. Sao bây giờ chú lại trở cờ. Hãy quay lại với góc sân và khoảng trời đi, vẫn còn kịp đấy”. Rồi “Việc của mày là làm thơ con cóc. Còn việc của đảng thì cứ để đảng lo. Rõ chưa thằng già”. Ô hay, lão đang làm công việc của đảng đấy chứ. Lão là đảng viên. Chỉ còn một năm nữa là lão tròn 40 tuổi đảng. Lão còn là Bí thư đảng bộ cơ sở. Một trong những việc của đảng là an dân, chống cái xấu, cái ác. Lão tình nguyện cùng nhân dân đứng bên cạnh người đốt lò vĩ đại, là TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng và các cộng sự của ông: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Lão căm ghét và không đội trời chung với giặc ngoại xâm cướp biển cướp đảo và giặc nội xâm đang tàn phá đất nước này.

Chuyện ở nhà Hồ Duy Hải

Cuối tháng 6 vừa rồi, tôi vào thành phố HCM chấm cuộc thi Bạn đọc thuộc Kiều. Tôi đã dành một buổi tối tìm về Long An, thăm gia đình Hồ Duy Hải. Người dẫn tôi đi là nhà báo Kiên Giang, phóng viên thường trú của Hội Nhà báo Việt Nam. Hóa ra họ hàng tử tù Hồ Duy Hải rất khá giả. Họ có cả ngàn mét đất. Mấy chị em đi làm ở Đài Loan nên có của ăn của để. Nhưng rồi họ đã bán hết để kêu oan cho Hải. Kêu ròng rã suốt hơn chục năm nay. Bây giờ thì mấy anh chị em đều kiệt quệ. Bà Loan đã bán hết nhà cửa ruộng vườn, giờ cùng con gái ở nhờ ông cậu trong căn nhà cấp 4 tồi tàn. Con gái bà, cô Thu Thủy đã ở tuổi 30 mươi, là một kế toán rất thông minh và xinh đẹp, nhưng đã bỏ việc để cùng mẹ kêu oan cho anh trai. Tôi bảo: “Cháu phải lấy chồng đi kẻo rồi lỡ đấy. Bây giờ cháu 30 tuổi thì phải lấy anh nào 35- 40. Đàn ông 35 -40 họ đều có vợ hết rồi. Nếu còn thì chỉ là những lão hâm hâm. Thế cháu định lấy chồng hâm à?”. “Có nhiều người thương cháu, muốn đến với cháu lắm. Nhưng cháu không nỡ. Vì lấy chồng, cháu phải chăm lo cho bố mẹ chồng, gánh vác công việc nhà chồng. Cháu lại đang cùng mẹ phải lo cho anh Hải nên không thể chu toàn, trọn vẹn được với nhà chồng nên cháu không lấy ai cả”. Thật tội nghiệp.
Khác với cô con gái phây phây nõn nà, bà Loan gày như một cái que. Người khô sắt lại. Hôm cơ quan chức năng báo ngày thi hành án, để gia đình đến nhận xác Hải, bà tá hỏa nhao về Hà Nội, kêu oan cho con. Nhưng đến nửa đường thì bà quay lại vì Chủ tịch Trương Tấn Sang đã hoãn việc giết Hải. Bà chỉ còn biết hướng lên trời, lậy ông Trương Tấn Sang. Đối với bà, ông là vị Phật sống, đã giơ tay tế độ cứu con bà. Bà coi ông như người đã sinh ra Hải lần thứ hai. Nếu Hải bị hành quyết, chắc bà làm ông Phước, lấy cái chết của mình minh oan cho con.
Tôi bảo: “Thím kém cô Giang, em gái anh một tuổi, Giang sinh năm 1962, nên anh cũng coi thím như em gái anh thôi. Em hãy tin vào lãnh đạo đảng nhà nước, tin vào Quốc hội, Viện Kiểm sát và các cơ quan chức năng. Anh tin mọi việc rồi sẽ rõ ràng, chỉ có sớm hay muộn thôi. Nhưng nếu Hải có tội thì chẳng ai cứu được nó”. “Thằng Hải là con em, em biết. Nó không biết làm điều ác. Chính vì thế cả họ hàng mới thương nó, mới bán hết mọi tài sản để có tiền cho em đi kêu oan cho cháu. Em rất tin đảng, tin chính phủ nên mới kêu oan, kêu suốt hơn mười năm nay. Nếu không tin thì em chẳng kêu làm gì, thôi đành xuôi tay rồi mẹ con em đi theo cháu. Coi đấy là sự oan nghiệt của số phận. Nhưng em tin. Em vẫn muốn tin…”.
Bà khóc. Tôi trao bà ba triệu đồng, là toàn bộ số tiền thù lao của tôi trong mấy hôm chấm thi, để bà mua quà thăm Hải, nhưng bà kiên quyết không nhận. Bà không nhận tiền của bất cứ ai. Bà cũng không liên lạc với ai cả. Điện thoại của bà, bà đưa con gái giữ. Bà dặn con không trả lời bất cứ cuộc phỏng vấn nào của nước ngoài, dù người Tây hay người Việt.
Tôi thật sự kính trọng bà. Một người hết lòng vì con và hy sinh tất cả cho con.
Khi rời nhà Hồ Duy Hải, tôi ra bưu điện Cầu Voi. Hóa ra cây xăng ở ngay bưu điện, chỉ mấy chục bước chân. Chỗ cô Vân mua hoa quả cũng liền ngay đó. Ở cây xăng Cầu Voi, anh Long còn gặp cô Vân, lúc ấy đã hơn 9 giờ tối. Như vậy đã có thể xác định được thời gian gây án, dẫn đến cái chết của hai cô là tầm 9 đến 10 giờ. Điều ấy cũng trùng với kết luận khoa học của cơ quan pháp y: Thức ăn trong dạ dày đã nhuyễn. Không phải như kết luận của điều tra Long An.
Bưu điện Cầu Voi đã bỏ hoang hơn chục năm nay, sau cổng sắt, cỏ và cây dại mọc um tùm. Vì tối, chỉ có ánh đèn đường nên tôi không xác định được loại cây gì. Theo một người dân cho biết thì sau cái chết oan nghiệt của hai cô, bưu điện đã chuyển đi nơi khác. Một cửa hàng xe máy đến thuê. Nhưng họ không bán được một chiếc xe nào, nên lại bỏ đi. Từ đấy, Bưu cục Cầu Voi thành hoang phế.
Khi tôi đến đây, một nhóm dân phòng, có thể là người của công an, hoặc công an mặc thường phục có quay chụp ảnh tôi. Tôi bảo, thôi để chú ra cho các cháu quay chụp cho rõ. Kẻo ở xa, lại không đủ sáng, các cháu quay chụp mờ mờ tỏ tỏ, rồi lại báo các chú công an bắt nhầm ai đó thì khổ cho họ. Tôi báo cho các cháu biết tên tuổi địa chỉ của tôi. Tất cả đều minh bạch rõ ràng. Tôi chỉ mong vụ án này sớm được sáng tỏ.
Tôi dừng loạt bài viết ở đây, và sẽ trở lại khi thật cần thiết. Tôi chịu trách nhiệm về những gì mình nói. Chỉ xin các vị không đọc bài này trên mạng xã hội. Lý do: Không phải người đọc mà máy đọc, nên nhiều khi không chính xác, đặc biệt là dấu ngắt câu, nên nghe rất buồn cười. Xin cảm ơn các quý vị và các bạn đã đồng hành cùng tôi trong loạt bài này.

T.Đ.K.

Nguồn: FB nhathotrandangkhoa


'ĐÁNH BÓNG' THANH DANH KHI LÊN TIẾNG VỀ VỤ ÁN HỒ DUY HẢI ?

RFA 6-7-2020

“Đánh bóng” bằng cách “tát nước theo mưa”

Bài viết có tựa đề “Xin đừng tát nước theo mưa”, của tác giả Đào Minh Khoa, đăng tải trên Báo Công an Nhân dân Online hôm 5/7, khẳng định rằng rất là đáng tiếc khi một số người có danh vị xã hội, bao gồm cả cán bộ và đảng viên đã lên tiếng về vụ án Hồ Duy Hải.
Tác giả bài viết cho là “đáng tiếc” vì những cá nhân đó không nên “đánh bóng” mình bằng cách “tát nước theo mưa’. Tác giả Đào Minh Khoa lập luận rằng những cá nhân, nếu không tỉnh táo khi phát ngôn về vụ án Hồ Duy Hải,  “đang vô tình trở thành công cụ cho một số thế lực phản động, lợi dụng vụ án để kích động, chia rẻ nhằm thực hiện mưu đồ chính trị của mình”.
Đài RFA ghi nhận một bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân vào ngày 4/7, được cộng đồng cư dân mạng đặc biệt chú ý và lan tỏa trên mạng xã hội. Qua bài viết “Chuyện nực cười và chuyện ở nhà Hồ Duy Hải”, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ ông đã bị một chiến dịch tấn công ào ạt, sau khi viết một bài báo về vụ án Hồ Duy Hải.
Trong bài báo của mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa ghi rằng ông nghi ngờ về biên bản khai nhận tội của Hồ Duy Hải, bút lục ngày 21/1/2008. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nêu lên những phân tích của ông, dựa theo thông tin từ hồ sơ bản án và ông e ngại rằng 25 lần nhận tội của Hồ Duy Hải là do Hải đã bị giống như “ông Chấn, ông Nén, ông Long”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết rằng khi bài báo của ông được phổ biến, thì ông nhận được những lời nhục mạ, chửi bới rất thô tục, còn mang cái chết ra dọa ông, và cáo buộc ông “ăn tiền của bọn phản động, chống phá đất nước”.
Qua truyền thông trong nước, dư luận biết đến cả 3 ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén và Hàn Đức Long đã bị án oan, nhận tội giết người vì bị bức cung, dùng nhục hình.
Bài viết “Xin đừng tát nước theo mưa” của tác giả Đào Minh Khoa, đăng trên Báo mạng Công an Nhân dân một ngày sau bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa “Chuyện nực cười và chuyện ở nhà Hồ Duy Hải”. Không ít người thắc mắc hai bài viết của hai tác giả cùng tên Khoa có mắc xích liên quan gì với nhau hay không. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ ủng hộ bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa bao nhiêu thì số người phản bác bài viết của tác giả bài báo Đào Minh Khoa cũng không kém.

Phản bác của những người “trong cuộc”

Nhà văn Phạm Đình Trọng, một cựu sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng chia sẻ các bài viết của ông trên trang Facebook cá nhân liên quan vụ án Hồ Duy Hải cũng như phiên tòa giám đốc thẩm của vụ án này.
Trong một bài viết đăng tải vào ngày 13/5 trên Facebook, nhà văn Phạm Đình Trọng đã khẳng khái tuyên bố rằng:
“Người dân cả nước vô cùng bất an và phẫn nộ khi phải chứng kiến mười bảy bàn tay của Hội đồng thẩm phán Tòa án Tối cao đồng phạm với cái ác thêm một lần nữa giết hai cô gái trẻ Bưu điện Cầu Voi, Long An. Hôm nay cả nền tư pháp mù lòa pháp luật, mù lòa công lý tuyên án tử hình Hồ Duy Hải. Ngày mai, ngày mốt, cả nền tư pháp mù lòa pháp luật, mù lòa công lý sẽ lần lượt tuyên án tử hình từng người, từng người dân Việt Nam lương thiện và yêu nước!”
Vào tối ngày 6/7, nhà văn Phạm Đình Trọng lên tiếng với RFA:
“Họ cứ nghĩ méo mó, lệch lạc là ‘đánh bóng tên tuổi’. Người ta có tên tuổi thì cần gì phải ‘đánh bóng’? Người ta nói vì lương tâm và trách nhiệm của con người. Họ cứ vu vạ, họ không chống chế được thì cứ đổ cho ‘thế lực thù địch’, ‘đánh bóng tên tuổi’…Đấy là luận điệu bậy bạ của họ thôi.”
Nhà báo tự do Sương Huỳnh cũng phản bác bài viết của tác giả Đào Minh Khoa đăng trên Báo mạng Công an Nhân dân:
“Việc giám đốc thẩm mà ông Nguyễn Hòa Bình đã công bố y án thì ngay cả Quốc hội cũng đưa ra để yêu cầu xử lại vụ này. Điều đấy thì rất nhiều Đại biểu Quốc hội đã đề cập. Thế thì, Đại biểu Quốc hội nói được thì những trí thức khác, thậm chí bây giờ có những nhà văn, nhà thơ như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Quốc Hải đã lên tiếng và đưa những dẫn chứng trong bản án để bác lại đối với các chứng cứ mà ông Bình đưa ra Quốc hội nhằm chứng minh rằng ông làm đúng. Các nhà văn này đã phản bác rằng đấy là sai phạm Luật Tố tụng, thì làm sao mà bảo là họ ‘tát nước theo mưa’?”
Nhà báo Sương Huỳnh còn nhấn mạnh:

Liên quan bài viết “Xin đừng tát nước theo mưa” của tác giả Đào Minh Khoa, Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng, vào ngày 5/7, trên Facebook cá nhân đã viện dẫn Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Mới đây nhất, Ủy ban Tư pháp Quốc Hội vào trung tuần tháng 6 tổ chức phiên họp toàn thể thảo luận vụ án Hồ Duy Hải. Đồng thời, Ban Nội chính Trung ương cũng đang nghiên cứu vụ án này. Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng nêu vấn đề “Chẳng lẽ-tất cả những cơ quan quyền lực bậc nhất của Quốc gia kia giờ cũng thành phần tử phản động, thế lực thù địch chống phá và đang diễn biến hoà bình?”.
“Chuyện đấy là Báo Công an viết bài để cho thấy nếu vi phạm tố tụng thì ngành công an vi phạm nhiều nhất. Xưa nay công an vẫn thường hay vu khống rồi. Khi không thể chứng minh được thì là vu khống cho ‘thế lực thù địch’. Vì họ luôn làm như thế để che giấu sự thật mà thôi.”
Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng còn cho biết thêm rằng ngày 5/7 là tròn 2 tháng ông gặp gỡ với gia đình của tử tù Hồ Duy Hải khi họ ra Hà Nội dự phiên tòa giám đốc thẩm, mà họ đã kiên trì kêu oan hơn một thập niên dài.
Vì bất bình với kết quả phiên giám đốc thẩm, khi Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên bố “có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án” mà hiếp ảnh gia Lê Thế Thắng cho đó là “khái niệm có một không hai trong lịch sử luật pháp nhân loại” và ông đã quyết định tham gia cùng với nhóm của nhà báo Trương Châu Hữu Danh tìm kiếm sự thật của vụ án Hồ Duy Hải còn quá nhiều khuất tất.
Tại nghị trường Quốc hội vào hôm 13/6 vừa qua, trong lúc vụ án Hồ Duy Hải được nhắc đến, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã phát biểu rằng “không nên mượn bóng ma ‘thế lực thù địch’ để công kích người góp ý”. Đại biểu Quốc hội, thuộc cử tri đoàn TP.HCM, ông Trương Trọng Nghĩa nói rằng đừng vội quy kết người dân là “thế lực thù địch” khi họ phản ứng với chính sách, hành động của chính quyền. Vì làm như thế là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch.

Một số những cá nhân như nhà văn Phạm Đình Trọng hay nhà báo tự do Sương Huỳnh mà Đài RFA được dịp trao đổi, đều xác quyết rằng cơ quan ngôn luận của Công an Việt Nam càng đăng tải những bài báo như “Xin đừng tát nước theo mưa” thì càng khiến cho dư luận đặt câu hỏi về những việc làm sai trái của phía công an trong quá trình điều tra vụ án Hồ Duy Hải, vì “Họ càng viết bài để bao che cho những việc làm sai trái đó mà không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào để chứng mình họ làm đúng thì càng khiến cho xã hội và công luận phẫn uất hơn mà thôi.”
ĐOẠT MẠNG TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI 13
SAO BĂNG/ viet-studies 7-7-2020
Đột tử trên ghế Chủ tịch nước, Trần Đại Quang vẫn kịp có lời nguyền cuộc chiến đoạt ghế sẽ là cuộc chiến đoạt mạng. Lời nguyền này của Quang được chứng khi trong đêm đại tang, sét bủa vây trên bầu trời Hà Nội.
Đại hội 13 ngày càng giống ngưỡng cửa tử thần.
Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Phú Trọng công cán Kiên Giang lại ngã bệnh đến mức giờ tay vẩy vẩy như cào cào gãy cánh. Vậy nhưng, cũng như Napoleon của nước Pháp thế kỷ 19 và Putin của nước Nga thế kỷ 21 “một khi ta đã có tột đỉnh quyền lực thì ta không thể từ bỏ, không thể cam tâm từ bỏ”
Họp Trung ương, ông ta chỉ có thể ngồi vì hai chân đã không thể đứng dù chỉ vài phút. Ngồi và dạy đời Trung ương, nào là “đừng tưởng thấy đỏ là chín”, nào là “đừng nhìn gà hóa cuốc”, nào là “có con mắt tinh đời”, nào là “đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài nó che đậy cái mã sơ sài bên trong”
“Con mắt tinh đời” thế nào thì không biết, chỉ biết là lũ người dưới ông giờ đồng lòng, mồm thì bảo nhau một điều Tổng Bí thư, hai điều Tổng Bí thư và thượng tôn nguyên tắc “giữ gìn sức khỏe cho Tổng Bí thư”, tay chân thì cứ thế lẳng lặng chia nhau quyền lực, chia nhau thị phần. Tóm lại, chia để trị, còn ông lên chùa thành phỗng.
Nhưng thời kỳ chia đều để trị chỉ kéo dài đến Đại hội, trong bó đũa phải có cột cờ. Nếu Đại hội này Trần, Nguyễn phân tranh không bên nào thế thượng phong, tất cả sẽ đều đồng thanh tương ứng, nhất nhất đồng lòng mời phỗng ngồi thêm nhiệm kỳ nữa cho toại ý Đảng, đẹp lòng dân.
Trước khi toại ý Đảng, đẹp lòng dân thì cứ phải quyết tử với nhau đã.
Để được lòng tất cả các bên, Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương hô biến “lợi ích nhóm”, “phe cánh” thành một khái niệm mỹ miều là “quy tụ” và bê vào Nghị quyết 214 của Bộ Chính trị như một phẩm chất không thể không có của yếu nhân.
Thế là từ đó, đơn thư tố cáo về phe cánh, lợi ích nhóm bị vô hiệu hóa vì giờ làm gì còn những thứ xấu xa đó? Cuộc chơi trở nên sòng phẳng rõ rệt, anh nào mạnh thì anh đó “quy tụ”.
Quyết tử lần này cũng đặc sắc gấp bội các nhiệm kỳ trước.
Với tiêu chuẩn hàng đầu mà Nghị quyết 214 đưa ra là giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, đố đồng chí nào dám vi phạm mà xì tin ra cho “lề trái”. Thời gian qua, thông tin nhân sự toàn nhảm.
Giờ các đồng chí chiến đấu với nhau bằng lề phải, vừa đúng kỷ luật Đảng, vừa xứng mặt hảo hán.
Võ Văn Thưởng, kẻ bất mãn ngồi ghế Trưởng ban tuyên giáo trung ương, ngoài việc viết dăm bài chửi đổng những người đồng chí của mình là dân túy, thì ngày ngày ngồi uống nước nhạt “tọa sơn quan hổ đấu”.
Truyền thông trong nước được dẫn dắt bởi cái gọi là chống tiêu cực, để trở thành hoặc công cụ cho phe phái, hoặc làm tiền, hoặc cả hai.
Đến người chết rồi mà cũng còn bị dựng dậy để xung trận. Vụ án Hồ Duy Hải là một ví dụ điển hình.
Con trai của Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa tử nạn ở tuổi 29, chưa kịp lập gia đình. Không biết chết con có giúp Trí hiểu được nỗi đau về những cái chết oan ở Bưu điện Cầu Voi 12 năm trước, khi mà chính Trí đột nhiên phất cờ cứu kẻ tạm gọi là đương kim hung thủ.
Trí làm vậy không phải vì chính nghĩa hay lý tưởng cao đẹp gì, mà chỉ là cố lập công với họ Trần để không phải gia nhập câu lạc bộ sĩ quan sau khi kết thúc nhiệm kỳ này. Ghế chưa nhìn thấy đâu, chỉ thấy đời cha ăn mặn, đời con khát nước.
Hai cô gái ở bưu điện Cầu Voi chết thảm khi mới đôi mươi, họ cũng chưa lập gia đình, họ bị cứa cổ đến chết. Không một ai quan tâm đến việc họ đã chết oan, không một ai quan tâm đến việc hung thủ phải đền mạng, mà chỉ dựng họ dậy để hạ bệ lẫn nhau. Bất công như vậy đến Trời xanh cũng phải nhỏ lệ.
Không bàn Hồ Duy Hải có phải là hung thủ hay không, chỉ thấy vụ án này là sự lão luyện của các tay bạc già trên chính trường Việt.
Truyền thông trong nước vào cuộc rất hăng, cứ như các anh hùng thời loạn tả xung hữu đột, không phải để kêu oan cho hai cô gái, mà là kêu oan cho hung thủ. Giới văn nghệ sĩ thì vào cuộc vì vẫn mang ảo tưởng thế thiên hành đạo và có cả những kẻ đầy toan tính cơ hội trong đó.
Trần Đăng Khoa là một ví dụ. Sau khi được hứa hẹn cho chiếc ghế Chủ tịch Hội Nhà văn, Khoa lập tức trở thành game thủ quyết giải cứu hung thủ trong trò chơi đoạt ghế ở thượng tầng.
Còn các đồng chí đức cao vọng trọng của chúng ta nhân danh công lý, cũng như “phe nhóm” nhân danh “quy tụ”, để chiến đấu bất chấp việc “các thế lực thù địch” nhân đây là mồi ngon để chống phá Đảng ta.
Xem ra ta cũng coi Đảng ta là cái đinh gỉ một khi ta không có được ghế. Con mắt tinh đời là ở đây chứ ở đâu?
Họ Trần và liên quân miền Bắc hiện thúc thủ. Hoàng Trung Hải, xác sống biết đi năm lần bảy lượt xin nghỉ để có hai chữ bình an, nhưng vẫn bị đóng đinh tại trận vì còn Hải là còn 1 lá phiếu trong Bộ Chính trị bỏ cho Thái Bình quê ta. Giá treo cổ đã chờ sẵn khi chiếu bạc tàn canh. Đó đây bắt đầu râm ran tin khởi tố Hải.
Hai lá phiếu khác cho Thái Bình quê ta, một là Vương Đình Huệ, ứng viên Thủ tướng, đã bắn đi thế chỗ Hải làm Bí thư Hà Nội và không hẹn ngày trở lại. Hai là Nguyễn Văn Bình, soái Nga, sẽ ngồi ghế Trưởng ban Kinh tế bền lâu.
Phạm Bình Minh mải ngụp lặn trong các cuộc viễn chinh, lúc vãn hồi mới ngỡ ngàng “ơ các anh chia ghế mà không sắp ghế cho em?”. “Ừ, thì chú có công mang chuông, cho ghế Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội an hưởng tuổi già nhé”
Lửng lơ giữa hai dòng nước, Tô Lâm, Bộ trưởng Công an phải mang bộ dạng sói đội lốt cừu nín nhịn  chờ thời. Án AVG vẫn treo lơ lửng trên đầu bởi hai tướng Bình thích thả thòng lọng lúc nào là thả.
Tướng Nguyễn Hòa Bình khi được Quốc hội bầu làm Chánh án năm 2016, nói đại ý, tôi và người tiền nhiệm là Chánh án Trương Hòa Bình đều mang tên Hòa Bình, chắc cũng là ý Trời cho tòa những năm tháng không đâm chém, không gươm đao, thiên hạ thái bình.
Mà cây muốn lặng, gió chẳng đừng. Chân dung quyền lực dựng lên bởi các tướng lĩnh ăn không được thì đạp đổ trong ngành công an đập thẳng vào Hòa Bình.
Công an không phải lực lượng bảo vệ chế độ mà là lực lượng ăn tiền cực lực của chế độ. Miếng ăn lại là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu. Ngành này chống tham nhũng ở đâu là vì ở đó công an không thò được vào đó cái vòi bạch tuộc tham nhũng.
Bút thủ Nguyễn Như Phong, cây bút chủ lực của Chân dung quyền lực, ăn tiền của bên nào thì bên đó lụi, ăn tiền của Đinh La Thăng, Thăng vào tủ, ăn tiền của Trần Đại Quang, Quang đột tử. Phong vẫn sống, lải nhải bài ca ơn Đảng và lớn tiếng dạy đời.
“Các thế lực thù địch” hóa ra toàn là người trong Đảng, đúng như đúc kết của họ Trần, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, ứng viên số 1 cho vương vị Tổng Bí thư, toàn là tự ta lật đổ ta.
Những kẻ mà truyền thông lề phải vu là chống phá chế độ, như Người Buôn Gió, xét ra ngoài tội tung tin “mua vui cũng được một vài trống canh”, thì vẫn đáng quý hơn gấp vạn lần các đồng chí ta. Gió còn giữ được ở trong lòng những điều tốt đẹp “thích uống trà mạn, yêu quê hương Việt Nam”
Vẫn còn đó lời nguyền của kẻ đột tử. Ghế có được có thể phải trả bằng sinh mạng. Không có cái chết nào đến nhanh hơn cái chết đến từ lưỡi dao của những người đồng chí.
Cứ khoác áo chính nghĩa mà chiến đấu với nhau đi.
Các nhà dân chủ thời kỳ này có lẽ nên tạm nghỉ, không cần phí sức, cứ yên chí.
Tổng Bí thư tương lai đã nói rồi, tự ta lật đổ ta.
Sao Băng
7/7/2020

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 7-7-20


THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LÀ AI ?

Lynn Huỳnh/ VNTB/ BVN  9-7-2020
(VNTB) – Từ Việt Nam, nhà báo Phạm Thiết của tờ Người Lao Động, than thở: “Đất nước gì mà mở mắt đã nghe, làm gì cũng đe: “cảnh giác với thế lực thù địch, chống phá”. Sao bọn chúng nhiều thế!”
Là dân thì không thể là ‘địch’
Nhà báo Phạm Thiết than vãn cũng đúng, vì hồi trước hay có cụm từ “bọn thế lực thù địch phản động lưu vong”, coi như khoanh vùng về giới hạn địa lý, còn giờ lại quá chung chung khi ở đâu nhìn cũng có thể là ngờ vực của ‘thế lực thù địch’ (!?).
“Khi người dân phản ứng với chính sách, hành động của chính quyền là phải tự vấn xem vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó” – ông nghị Trương Trọng Nghĩa, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, đã có ý nói như vậy tại phiên toàn thể đại biểu Quốc hội ở hội trường Diên Hồng chiều 15-6-2020.
Ông Nghĩa cũng khẳng định, nếu như ở hội trường Diên Hồng mà có thế lực thù địch, thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người quy chụp chứ không tồn tại ở đâu cả.
Với loại trừ như trên của ông nghị Trương Trọng Nghĩa, vậy thì các “thế lực thù địch” còn lại là những ai?
Giả dụ chụp chiếc mũ cho nhà báo tự do Phạm Chí Dũng là ‘thế lực thù địch’, thì đó là ‘thù địch’ với ai?
Trong các tiết học chính trị về Tư tưởng Hồ Chí Minh, người ta vẫn được khuyến cáo rằng mỗi khi người dân phản ứng với chính sách, hành động của chính quyền, thì cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, không nóng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Cách làm đó là trái với tư tưởng Hồ Chí Minh, tôn chỉ mục đích của Đảng.
Giá trị truyền thông đa chiều
Đọc các bài báo ký tên Phạm Chí Dũng đăng trên trang web của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, có thể thấy rằng quan điểm của những người phụ trách ở ban Việt ngữ của VOA đã cùng chia sẻ cách đánh giá về truyền thông với nhà báo Phạm Chí Dũng, rằng ý tưởng cứ gán cho người dân tội nghe theo kẻ địch, ‘nghe đài địch’ là một đặc điểm hình thái ý thức hệ đã hoàn thành vai trò lịch sử. Giờ là lúc đất nước cần có sự minh bạch, những giá trị truyền thông đa chiều, để mọi người dân ai cũng có thể đóng góp ý kiến xây dựng đất nước giàu mạnh.
Một tương tự cho việc so sánh, cũng đồng thời được điều hành bởi một nhóm người Việt từ nước ngoài, nội dung các bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo, nói như lời của tác giả Trish Nguyễn trong “Khát vọng tự do báo chí”, chủ trương lâu nay của nhóm thực hiện trang Việt Nam Thời Báo – IJAVN, là (trích):
“IJAVN có thể chọn một lối đi dễ dàng hơn chẳng hạn như chỉ đăng lại những bài sẵn có trên mạng xã hội hay các báo đài nào đó, vừa không tốn tiền nhuận bút, lại chẳng gây nguy hại gì đến các thành viên. Nhưng chúng tôi không thể.
Chọn một bên nào đó luôn dễ dàng hơn là trung dung. Trong cuộc khẩu chiến, bút chiến về Trump chúng tôi vẫn chọn bài thể hiện quan điểm hai chiều, hay về cuộc biểu tình của những người da mầu ở Mỹ, chúng tôi không ủng hộ bạo loạn, nhưng IJAVN cũng không dung thứ những ngôn ngữ thù hận gây chia sẽ chủng tộc. Khi chọn lối đi như vậy, chúng tôi đã bị buộc là chống tổng thống Mỹ đương nhiệm, hay ủng hộ bạo loạn, thậm chí là đưa tin giả.
Khi viết bài biểu dương thành tích nào đó của Việt Nam, chúng tôi đã bị cho là báo thân cộng, khi chỉ trích nhà nước Việt Nam chúng tôi bị cho là ba que phản động, hay thậm chí là nhận tiền của tổ chức chính trị nước ngoài để bôi nhọ nhà cầm quyền.
IJAVN cũng không thể chỉ chọn đăng tin “cướp giết hiếp” để lôi kéo sự hiếu kỳ của độc giả để thay cho những bài viết nghiêm túc; hay thậm chí chỉ cho đăng lại toàn các bài dịch lại từ tin tức nước ngoài hoặc chỉ cần cóp nhặt từ nhiều nguồn chắp vá để tổng hợp lại một bản tin không ghi rõ xuất xứ” (dừng trích).
Đừng nhìn đâu cũng thấy toàn thù địch
Như vậy, rõ ràng là cùng có thể bị quy chụp chiếc mũ “thế lực thù địch” vì có yếu tố mang tính nguy cơ là ‘nước ngoài’, nhưng ở đây trang Việt Nam Thời Báo lại ‘chung danh sách người dân’ trong cách hiểu của phát biểu: “Khi người dân phản ứng với chính sách, hành động của chính quyền là phải tự vấn xem vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó”, mà luật sư Trương Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh hôm chiều 19-6 ở nghị trường Quốc hội.
Nếu ai đó nghi ngờ về chuyện ‘chung danh sách người dân’, thì cứ việc giở lại Hiến pháp 2013, sẽ thấy ngay về quyền hiến định mà nhóm biên tập trang Việt Nam Thời Báo hiện tại đang được bảo hộ – mà nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, là đang cần được động viên để góp phần xây dựng quê hương, đất nước:
“Điều 18.
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
2. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
L.H.

VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét