Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

20200708. BÀN VỀ 'THAM VỌNG QUYỀN LỰC'

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUYỀN LỰC VÀ BẦU CỬ
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 6-7-2020
Tổng Bí thư: Không chọn người tham vọng quyền lực vào BCH Trung ...
Trong NQ của ĐCSVN về cán bộ có nội dung chống lại những người có tham vọng quyền lực và chạy chức chạy quyền (gọi chung là tham quyền). NQ yêu cầu loại bỏ ra khỏi cơ quan lãnh đạo người tham quyền, không bầu cho người có biểu hiện tham quyền. Nghe qua tưởng là hay, là đúng, nhưng thực chất đây là sản phẩm của những đầu óc quá kém trí tuệ, chỉ thấy một phần hiện tượng mà không hiểu bản chất. Đây là một quy định phản khoa học. Họ đã đồng nhất tham quyền với những hành động xấu xa, bỉ ổi là lợi dụng quyền lực để vinh thân phì gia, để thực thực hiện những mưu đồ đen tối. Người ta không thấy được mặt tốt, tích cực của việc “mong ước có được quyền cao chức trọng”.
Nếu lên án tham quyền thì những nhân vật chính trị lớn của thế giới, những người tranh cử làm tổng thống, thủ tướng ở các nước đều có lòng tham đó. Ở các nước dân chủ phát triển không nơi nào lên án tham vọng đó, không người nào có lương tri chống lại tham vọng đó. Gần đây nhất ở Malaysia, ông Mahathir ngoài 90 tuổi còn ra tranh cử chức thủ tường và thắng cử (2018), ở Mỹ, ông Trump, trên 70 tuổi, là doanh nhân thành đạt, trước năm 2016 chưa tham chính bao giờ, năm 2016 tranh cử tổng thống và thắng cử, năm 2020 tiếp tục tranh. Ở Nga, ông PuTin, năm 2020 vận động thông qua sửa đổi hiến pháp, bỏ điều khoản hạn chế nhiệm kỳ TT. Họ là những dẫn chứng điển hình về mong ước có quyền cao.
Ở VN người ta cố tình dùng chữ THAM, chữ CHẠY để làm mờ mắt và ù tai những người yếu bóng vía. Thực ra tham vọng là sự nối tiếp của mong muốn, mong ước, thích thú, ham thích, nguyện vọng, ước mơ. Để làm được việc gì quan trọng, có được thành công người ta phải có ước mơ mạnh mẽ, ước mơ cháy bỏng, kiên trì với ước mơ đó. Tham vọng chẳng qua là một cách nhìn khác của ước mơ mạnh mẽ và kiên trì.
Cho rằng tham quyền là xấu, vậy phải chăng bản chất quyền lực là xấu. Không phải! Bản chất quyền lực không tốt cũng không xấu. Tốt hay xấu là do phẩm chất của con người sử dụng nó và do cơ chế vận hành. Có phương châm rất hay rằng: “Muốn biết phẩm chất một người hãy trao cho họ quyền lực và xem cách họ dùng nó”
Với những kẻ cơ hội, có sẵn lòng tham lam và nhiều thủ đoạn, gặp được cơ chế độc quyền toàn trị thì họ sẽ ra sức chuyên quyền thống trị, tham nhũng công quỹ, bòn rút và áp bức dân lành, ra sức làm giàu cá nhân bằng mọi thủ đoạn. Phải chống, phải loại bọn này.

Một số người tài năng, có tư tưởng tiến bộ cũng rất cần có quyền lực. Chỉ khi có thực quyền họ mới phát huy được trí tuệ, thể hiện được năng lực. Xin lấy thí dụ trong trường đại học. Bạn là thầy giáo có tài, muốn cải cách đào tạo. Bạn chỉ có thể thực hiện ý tưởng rất hạn chế trong vài tiết học. Muốn ý tưởng được dùng rộng hơn bạn phải đưa nó ra Bộ môn, trình lên Khoa rồi báo cáo với Ban Giám hiệu và chờ. Hoặc bạn phát biểu ý tưởng ở một hội nghị nào đó và chẳng biết có ai nghe hay không. Phần lớn những đề xuất từ dưới như vậy rất dễ bị quên lãng hoặc bác bỏ, một số ý tưởng được thay đổi chút ít và biến thành sản phẩm của người có chức quyền hoặc của tập thể. Trong nhiều trường hợp xảy ra cảnh sau: Ý tưởng của bạn, đề xuất của bạn được dùng, nhưng thân bạn bị loại. Chỉ khi bạn có quyền lực, càng cao càng tốt, thì mới có điều kiện để thực hiện những ý đồ tốt đẹp.
Trong tổ chức, trong đất nước, một ý đồ dù hay đến bao nhiêu, dù tốt đẹp như thế nào thì cũng chỉ có thể thực hiện đạt kết quả khi ý đồ đó biến thành nhận thức và tình cảm của người lãnh đạo cao nhất (của tổ chức, của đất nước), và từ đó mới tạo nên quyết tâm chung.
Tại sao ý tưởng của bạn được dùng mà thân bạn bị loại, lắm khi bị diệt. Đó là vì ý tưởng rất tốt, rất hay, nhưng cấp trên không ưa bạn. Vì sao không ưa? Vì rất nhiều thứ. Người có tài thường hay có tật nào đó, người có tài thường không biết xu nịnh, cậy nhờ, dựa dẫm, họ trung thực, ít xã giao, bị gán cho khuyết nhược điểm là xa rời quần chúng, coi thường lãnh đạo, là tự cao tự đại, là nặng về chuyên mà kém hồng v.v… Là vì trong lý lịch họ có chỗ nào đó chưa rõ ràng, là vì không ít người trên họ là loại kém tài năng, không ưa những người dưới giỏi hơn.
Có ba loại người rất muốn có quyền lực.
Loại A gồm người có tài năng và liêm khiết. Họ cần quyền lực để thực hiện ý đồ tốt đẹp, tư tưởng tiến bộ. Họ không hoặc rất ít vì danh vì lợi cá nhân.
Loại B có tài năng nhưng kém liêm khiết. Họ dùng tài năng để làm lợi cho cộng đồng, trên cơ sở đó làm tăng danh và lợi cá nhân.
Loại C- Bọn cơ hội, có nhiều mưu mô, thủ đoạn. Chúng dùng quyền lực chủ yếu để mưu lợi cá nhân và trong nhiều trường hợp làm hại người khác, làm hại cộng đồng.
Phải chống lại, phải loại bỏ bọn cơ hội chứ không chống tham vọng chức quyền chung chung. Chống như thế làm người ta nhầm tưởng chống cả người loại A và B. Việc này làm cho người loại A không dám vận động cho mình, làm cho những mầm mống tài năng bị vùi dập rất sớm.
Chạy chức chạy quyền là cách nói võ đoán, áp đặt cho việc vận động tranh cử. Vận động này có hai dạng tích cực (hoặc nghiêm chỉnh) và tiêu cực (hoặc xảo trá).
Vận động tích cực là sự tự ứng cử, tự giới thiệu, là sự tranh cử với chương trình hành động, với lời hứa và cam kết. Đó là sự vận động công khai, minh bạch nhằm thu hút sự tín nhiệm của cử tri. Những người có tài năng, trung thực và tự tin mới dám dùng cách vận động này
Vận động tiêu cực gồm những hành động xảo trá, bí mật, dùng tiền tài để mua chuộc, dùng quyền uy để áp đặt, dùng tuyên truyền dối trá để lừa bịp. Bọn cơ hội chủ yếu dùng cách này.
Chạy chức chạy quyền là cụm từ dùng cho trường hợp vận động tiêu cực, nhưng vì trình độ soạn thảo văn bản quá kém mà làm cho nhiều người hiểu nhầm với việc vận động tranh cử chung chung. Với QĐ này người ta loại bỏ hoặc hạn chế việc tự ứng cử và vận động trong tranh cử, vì người ta hiểu nhầm rằng đó là một biểu hiện của chạy chức chạy quyền. Đây là điều phản dân chủ.
Một cuộc bầu cử dân chủ, nghiêm túc thì danh sách ứng viên chủ yếu phải là tự ứng cử và họ phải trải qua tranh cử. Nếu không tổ chức được như vậy thì đề ra việc chống tham quyền lực, chống chạy chức chỉ là trò hề và lừa dối.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
CHÚNG TÔI ĐÃ TRANH CỬ
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 7-7-2020
Việc ứng cử và tranh cử trong các cuộc bầu cử ở VN, dưới sự lãnh đạo của ĐCS xem chừng như quá lạ lùng. Thế nhưng đã có một phong trào bầu cử với sự tranh cử sôi nổi. Đó là việc xảy ra ở các trường đại học vào thời kỳ 1989-1995, dưới thời Bộ trưởng Phạm Minh Hạc và Trần Hồng Quân. Các trường tổ chức bầu Hiệu trưởng với danh sách ứng cử từ 4 đến 7 người. Mỗi người phải viết và công bố một  bản Đề cương tranh cử (hoặc Kế hoạch hành động), trình bày những việc muốn làm, phương pháp tiến hành. Các ứng viên được vận động, được trình bày Đề cương và trả lời chất vấn ở hội nghị cử tri. Nghĩa là các ứng viên phải thực hiện việc tranh cử.
Bộ trưởng Phạm Minh Hạc
Bộ trưởng Trần Hồng Quân
Cuộc bầu cử thực sự tự do và dân chủ (tuy có lúc, có nơi cũng có một sức ép nào đó) đúng là ngày hội của trường. Khi bầu vòng một, có ứng viên đạt trên 50% phiếu bầu thì đương nhiên trúng cử. Nếu ở vòng một chưa có ai đạt quá bán thì tổ chức bầu vòng hai với 2 ứng viên đạt phiếu cao nhất từ vòng một.
Ở mỗi trường việc bầu cử diễn ra trong thời gian khác nhau, theo mỗi cách khác nhau, nhưng có điểm chung là bảo đảm được hai điều cốt lõi là tự ứng cử và có tranh cử. Dưới đây chỉ xin trình bày vài cuộc bầu cử ở trường Đại học Xây dựng mà tôi trực tiếp tham gia.
Khi các trường bắt đầu tổ chức bầu Hiệu trưởng thì tôi đang làm chuyên gia tại Châu Phi. Tin đó làm xôn xao dư luận và tôi là một trong những người bị tác động. Trước đây, để có được sự thăng tiến chức vụ cần có sự quan tâm, đề bạt của cấp trên, nay mở ra cơ hội cho những người thực sự có năng lực.

Từ lúc còn trẻ tôi tự đặt kế hoạch phấn đấu trở thành một thầy giáo giỏi chuyên môn, vững phương pháp, biết làm nghiên cứu khoa học. Tôi không có mơ ước làm lãnh đạo. Vì thế lúc  dưới 45 tuổi tôi không phấn đấu để vào đảng. Nhưng rồi sau khi có bằng tiến sĩ, được phong phó giáo sư, xảy ra tình thế buộc tôi phải làm trưởng bộ môn. Từ đó tôi bắt đầu quan tâm đến lãnh đạo và quản lý. Càng quan tâm tôi càng phát hiện ra hai vấn đề. Một là những bất cập của nền giáo dục, của trường ĐH Xây dựng, của Khoa Xây dựng. Hai là trong tôi hình thành những ý tưởng về cải cách giáo dục, đổi mới đào tạo, quản lý nhân sự, lãnh đạo tổ chức. Tôi tự phát hiện năng khiếu quản lý và lãnh đạo.
Trong lần đại hội công đoàn toàn trường năm 1974, phát biểu của tôi được nhiều người hoan nghênh và tôi được bầu vào BCH. Ở cương vị cán bộ công đoàn tôi đã làm nhiều việc có ích cho tập thể và được nhiều người biết đến. Nhưng rồi tôi bị mang tiếng là người nói nhiều, nói hay mà làm được ít. Vì sao vậy? Vì tôi chỉ có thể phát biểu những ý tưởng ở các hội nghị chứ không có chức vụ chính quyền, không thể tổ chức thực hiện.
Tôi thấy rõ là muốn thực hiện ý tưởng tốt đẹp thì cần có quyền lực, vì thế khi gần 50 tuổi tôi mới vào đảng với hy vọng có thể tham gia sâu hơn về công tác quản lý để phát huy khả năng.
Tin tức từ trường Đại học Sư phạm cho biết người được bầu làm Hiệu trưởng nguyên là một trưởng bộ môn. Tin đó khích lệ tôi. Nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc tôi có thể chuyền hướng làm quản lý, và nếu được như vậy tôi sẽ đóng góp nhiều cho sự phát triển của trường. Tôi đem ý đó trao đổi với anh Nguyễn Xuân Đặng và Lê Văn Thưởng. Cả hai anh đều nguyên là Hiệu phó ĐHXD, đều là Vụ trưởng Bộ Đại học, nay cùng tôi làm chuyên gia. Các anh có nhận xét tốt về tôi và khuyến khích tôi ứng cử khi có dịp.
Dịp ấy đã đến. Năm 1991 trường Đại học Xây dựng tổ chức bầu hiệu trưởng. Danh sách ứng viên gồm 5 người, trong đó xét về bằng cấp, học vị, chức vụ chính quyền, tuổi đảng thì tôi xếp thấp nhất. Từ khi đi làm chuyên gia và sau khi  trở về vào năm 1990, tôi đã thôi giữ chức trưởng bộ môn, chỉ còn là một thầy giáo bình thường với 5 năm tuổi đảng và học vị phó tiến sĩ. Trong lúc đó 4 anh còn lại là hiệu phó và chủ nhiệm khoa, có trên 20 năm tuổi đảng và học vị tiến sĩ khoa học. Nhưng tôi biết mình có một số điểm mạnh hơn các anh ấy, tôi năng động hơn, có nhiều ý tưởng hơn. Cả 5 chúng tôi đều làm Chương trình hành động, in và phổ biến rộng rãi. Chúng tôi đều có những vận động riêng và có một ngày để trình bày chương trình và trả lời chất vấn trước toàn thể cử tri.
Tôi đã bỏ nhiều công sức để làm Đề cương tranh cử. Tôi gặp anh Hoàng Trọng Yêm vừa thắng cử ở ĐH Bách khoa để học hỏi và tham khảo cách làm đề cương. Anh Yêm đã cho biết một vài kinh nghiệm và đưa cho tôi 9 bản Kế hoạch hành động mà anh thu thập được từ các cuộc bầu cử của ĐHBK và các ĐH khác.. Đọc kỹ cả 9 bản tôi thấy có 1 ý nổi bật và bao trùm: Hiệu trưởng mới sẽ làm những việc gì, chỉ tiêu cần đạt được. Tôi không tán thành cách viết như vậy. Trong đề cương của mình tôi chỉ viết qua về các công việc cần làm ngay, không nêu chỉ tiêu, mà tập trung vào trình bày “sẽ làm như thế nào và các lời hứa”. Đề cương đó bị số đông cho là thiếu cụ thể, nhưng lại được các giáo sư, các tiến sĩ đánh giá cao vì sự mới mẻ, có sáng tạo, không theo lối mòn.
Dư luận rộng rãi về cuộc bầu này cho rằng thực chất sẽ là cuộc đua giữa hai người. Một người đang đứng đầu bảng xếp hạng là anh Nguyễn Chọn (Tiến sĩ khoa học, hiệu phó phụ trách đào tạo, 35 năm tuổi đảng, thường vụ đảng ủy) và tôi ở cuối bảng (thầy giáo thường, chỉ mới kinh qua trưởng bộ môn vài năm, phó tiến sĩ, 5 năm tuổi đảng). Tôi không mơ ước thắng cử ở vòng một mà đặt hy vọng vào vòng hai. Nhưng anh Chọn đã thắng ở vòng một. Tôi chỉ là người có số phiếu cao thứ hai.
Năm 1992 tôi lại tranh cử Chủ nhiệm khoa. Lần họp chi bộ bàn về bầu chủ nhiệm khoa tôi đi dạy tại chức nên vắng mặt. Chi ủy và chi bộ thống nhất giới thiệu anh Đoàn, là Chủ nhiệm khoa đương nhiệm, làm tiếp kỳ mới. Tin đó lan rộng ra và mọi người đinh ninh sẽ là như thế. Đảng đã cử rồi dân chỉ việc bầu. Nhưng ở cuộc họp cán bộ toàn khoa tôi đã tự ứng cử (với suy nghĩ không làm được hiệu trưởng thì ít nhất cũng phải làm chủ nhiệm khoa). Tôi với anh Đoàn có tuổi đời, tuổi đảng, học vị ngang nhau; anh Đoàn là chủ nhiệm khoa đương chức, tôi là thầy giáo, ứng cử trượt chức hiệu trưởng. Việc tự ứng cử của tôi làm một số đảng viên băn khoăn vì có khả năng người do Đảng cử khó đạt số phiếu cao hơn tôi. Cuối cùng danh sách bầu gồm 2 người. Mỗi người làm một bản Kế hoạch hành động, trình bày trước cuộc họp cán bộ toàn khoa, trả lời chất vấn, vận động và đối thoại trực tiếp. Cử tri gồm toàn thể cán bộ và một số đại diện của sinh viên. Tôi đã thắng cử. Thì ra tuy có đảng cử, nhưng có người  ứng cử xứng đáng hơn và cử tri có trình độ thì họ vẫn bầu theo sự lựa chọn.
Trong một nhiệm kỳ làm chủ nhiệm khoa tôi đã có cơ hội để thực thi nhiều ý tưởng tốt trong phạm vi quyền hạn. Nhưng không phải mọi cải cách đều được tiến hành suôn sẻ mà vẫn gặp sự chống đối của những lực lượng mà sự cải cách đó đụng chạm đến quyền lợi, trong đó có một số  giảng viên, giáo sư và một vài cán bộ quản lý cấp cao.
Chỉ xin kể vài việc. Đầu tiên tôi cải cách quy trình làm đồ án tốt nghiệp của sinh viên. Trước đó việc làm này theo sát hình mẫu của Liên Xô từ những năm 1950. Nó quá nặng nề, quá hình thức, kém hiệu quả, nhiều lãng phí. Sự cải cách này gặp phải phản ứng của một vài giáo sư vì họ đã rất quen với cách làm cũ.
Tiếp đến tôi cải cách một số đồ án môn học, thí dụ bỏ đồ án kết cấu gỗ và kiến trúc công nghiệp. Điều này bị các thầy giáo đang hướng dẫn các đồ án đó phản đối vì bị mất khối lượng thanh toán để nhận tiền công.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển
Việc bầu cử dân chủ ở các trường đại học chẳng mấy chốc bị bãi bỏ vào những năm cuối nhiệm kỳ của Bộ trưởng Trần Hồng Quân và bắt đầu nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, vào giai đoạn ông Đỗ Mười làm Tổng bí thư ĐCS. Hình như là Bộ Giáo dục nhận được chỉ thị phải dừng ngay việc bầu bán dân chủ, việc ấy tạo một cách làm mà các cơ quan ĐCS không thể chấp nhận.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

KHÔNG ĐỂ 'LƯƠN, CHẠCH' TRÈO CAO NHƯ TỔNG BÍ THƯ ĐÃ YÊU CẦU
NGUYỄN VIẾT THÔNG/ VNN 7-7-2020

Đến nay, quy định về nhân sự cho Đại hội Đảng đã tương đối hoàn chỉnh, cụ thể. Kể cả những vấn đề những nhiệm kỳ trước chưa rõ, không thể đong, đo, đếm được cũng đã được khắc phục...

PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận TƯ nói như vây khi trao đổi với VietNamNet về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13.
Thế hệ trẻ đủ sức gánh vác trọng trách cha ông giao phó
Khi nói về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có đề cập đến “thời điểm chuyển giao thế hệ”. Là người theo dõi nhiều kỳ Đại hội Đảng, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Đúng là thời điểm này có sự chuyển tiếp giữa thế hệ cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hoà bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.
Không để 'lươn, chạch' trèo cao như Tổng Bí thư đã yêu cầu
PGS.TS Nguyễn Viết Thông. Ảnh: T.H
Nhưng cũng không lo lắm, bởi vì đội ngũ cán bộ hiện nay đã qua rèn luyện, thử thách và chỉ những người đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ mới được giới thiệu vào các cấp ủy.
Tôi nghĩ, với sự chuẩn bị bài bản, thế hệ kế cận hiện nay đủ sức đảm đương, gánh vác được những trọng trách mà thế hệ cha ông giao cho. Tôi cho rằng đấy chỉ là một điểm đáng lưu ý chứ không có gì đáng lo.
Rõ ràng thế hệ trẻ có lợi thế là được học hành bài bản nhưng còn về mặt phẩm chất, bản lĩnh chính trị, tư tưởng theo ông có điều gì đáng lưu ý?
Một trong những tiêu chuẩn với đảng viên nói chung và nhân sự được quy hoạch vào BCH TƯ nói riêng là phải kiên định chủ nghĩa Marx–Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định Cương lĩnh, đường lối của Đảng.
Đây là 3 vấn đề cốt lõi nhất mà Đảng ta, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội Đảng đã khẳng định và được ghi vào trong Hiến pháp là “Đảng lấy chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng". 
Trong thực tế, đúng là cũng có những ý kiến dao động. Có những người lập trường, quan điểm không vững vàng, thiếu kiên định do chưa được rèn luyện trong thực tế, kể cả những người được đào tạo bài bản.
Để khắc phục tình trạng này, Đảng đã có nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp là đào tạo để lựa chọn những đồng chí vào BCH TƯ như vừa rồi chúng ta làm quy trình giới thiệu cán bộ nguồn, cán bộ cấp chiến lược.
Những nhân sự này đã được bồi dưỡng qua 4 lớp, chia thành 2 đợt. Và hiện nay đang đào tạo thêm một lớp nữa. Nhưng học là một chuyện, vấn đề là xem thực tiễn hàng ngày những nhân sự này có kiên định không mới có ý nghĩa quyết định.
Nếu những người không kiên định về chủ nghĩa Marx–Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; không kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; không kiên định với Cương lĩnh, đường lối của Đảng được giới thiệu vào Trung ương thì đấy là điều rất nguy hiểm cho Đảng.
Đây cũng là một trong bảy điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý không để lọt vào BCH TƯ khoá 13. Đó là kiên quyết “không để lọt vào TƯ những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng…”.
Điều đó cho thấy, tiêu chuẩn được coi trọng đầu tiên là nói đến phẩm chất chính trị, chứ không phải nói đến năng lực. Nghị quyết TƯ cũng nhấn mạnh phẩm chất chính trị đầu tiên, rồi mới đến năng lực.
Bác Hồ ngày xưa cũng nói đến đức trước, đức là gốc rồi mới đến tài. Người không có đạo đức khó sửa lắm; còn người không có tài, chưa đủ tài thì có thể đào tạo, bồi dưỡng để trở thành người có tài. 
Cần “có con mắt tinh đời“
Khi nói đến nhân sự Đại hội Đảng, vấn đề dư luận quan tâm là làm sao không để lọt vào khóa mới những nhân sự bị kỷ luật như vừa qua, thưa ông?
Một trong những điểm nổi bật của khiệm kỳ 12 này là BCH TƯ, Bộ Chính trị rất chú ý đến công tác cán bộ và đã ra một số nghị quyết, cũng như nhiều quy định về công tác cán bộ.
Cụ thể, TƯ ban hành một nghị quyết chuyên đề về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ". Đồng thời, ban hành nhiều quy định như Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCH TƯ…
Không để 'lươn, chạch' trèo cao như Tổng Bí thư đã yêu cầu
Các đại biểu dự hội nghị TƯ 12. Ảnh: TTXVN
Tại hội nghị TƯ 12 vừa rồi, TƯ cũng thảo luận, đánh giá công tác nhân sự khẳng định những ưu điểm đã đạt được, nhưng đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm trong công tác nhân sự khóa 12.
Một trong những hạn chế, khuyết điểm là thẩm tra, đánh giá cán bộ chưa tốt dẫn đến tình trạng để lọt vào BCH TƯ, thậm chí lọt vào cả Bộ Chính trị những người không đủ phẩm chất năng lực, uy tín.
Khóa này, chúng ta đã xem xét kỷ luật 2 ủy viên Bộ Chính trị là ông Đinh La Thăng đang chịu án tù, ông Hoàng Trung Hải bị cảnh cáo. Sai phạm của cả 2 đồng chí này không phải xảy ra khi bầu vào ủy viên Bộ Chính trị mà trước đó khá lâu. Điều đó cho thấy công tác thẩm tra, đánh giá cán bộ có vấn đề.
Một khuyết điểm nữa, hội nghị TƯ 12 chỉ rõ là tình trạng vận động, lôi kéo, bằng động tác này, động tác khác kể cả quà cáp mà ta vẫn gọi là tình trạng chạy chọt để vào BCH TƯ, thậm chí Bộ Chính trị, đây cũng là khuyết điểm. Tổng bí thư còn dùng hình ảnh để cho những “con lươn, con chạch” lươn lẹo nó trèo lên cao mà trèo lên tận Bộ Chính trị. 
Rút kinh nghiệm, lần này TƯ ban hành một số quy định cho chặt chẽ hơn như Quy định 205 về chống chạy chức chạy quyền, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Hay như Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định này quy định rõ tiêu chuẩn ủy viên TƯ, ủy viên Bộ Chính trị và có cả tiêu chuẩn của cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội... rất cụ thể từng chức vụ một.
Để khắc phục khuyết điểm về nhận sự trong khóa 12 và các khóa trước, hội nghị TƯ 12 vừa rồi thống nhất kiên quyết không để lọt vào BCH TƯ những người có một trong 7 khuyết điểm như: người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh...
Tức là theo ông, khóa mới sẽ không còn những nhân sự như ông Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Xuân Anh,..?
Về mặt lý thuyết, quy trình, quy định đến giờ phút này tương đối hoàn chỉnh, cụ thể, kể cả những vấn đề những nhiệm kỳ trước chưa rõ, không thể đong, đo, đếm được.
Chẳng hạn như thế nào là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyện hóa thì Nghị quyết TƯ 4 khóa 12 cũng đã chỉ rõ 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện tự chuyển biến tự chuyển hóa. Hay quy định 205 quy định rất rõ 6 hành vi của chạy chức chạy quyền và 8 hành vi bao che cho chạy chức chạy quyền, quy trình 5 bước…
Những điều đó để nói rằng tinh thần của TƯ và cũng là mong mỏi của toàn dân là phải lựa chọn được những người vào BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 13 những người thật sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức lối sống; thật sự tiêu biểu về năng lực, uy tín. Nói gọn lại theo Bác Hồ là đủ đức, đủ tài.
Nhưng vấn đề khó nhất là có làm được không, quan trọng nhất là người thực hiện quy trình, quy định đó phải có ý thức rất cao thì mới hy vọng chọn được những người đủ đức, đủ tài vào BCH TƯ.
Nhưng chúng ta cũng đừng tuyệt đối hóa vấn đề, đừng có lý tưởng hóa cho rằng tới đây lựa chọn những người sáng ngời tất cả, khó lắm. Bởi vì đánh giá con người, đánh giá cán bộ rất khó, không đơn giản. 
Như Tổng Bí thư nói “đừng thấy đỏ mà tưởng chín” nên nói như kinh nghiệm của cha ông ta cần “có con mắt tinh đời“ thì mới phát hiện ra những người phẩm chất, tài năng. Hồ Chí Minh là mẫu mực về con mắt tinh đời, phát hiện cán bộ, giao việc cán bộ quá tinh đời.
Ví dụ điển hình là một thầy giáo về xã hội nhân văn như đại tướng Võ Nguyên Giáp,  Bác Hồ đã tinh đời nhìn thấy được tiềm năng, khả năng của ông Võ Nguyên Giáp để giao cho chức Bộ trưởng Quốc phòng và những chức vụ khác.
Tôi hy vọng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Đại hội 13 sẽ cố gắng khắc phục, hạn chế những trường hợp như Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh... để lựa chọn vào BCH TƯ, Bộ Chính trị khóa mới những người thật xứng đáng.
Thu Hằng (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét