Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

20200718. BÌNH LUẬN VỀ XỬ CÁC QUAN CHỨC BỊ KỶ LUẬT

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHỞI TỐ ÔNG TRẦN VĨNH TUYẾN-CỦI TƯƠI ROI RÓI CŨNG CHÁY
XUÂN DƯƠNG /GDVN 15-7-2020
Bản đồ đại dịch Covid-19 toàn thế giới rực một màu đỏ, hơn 13 triệu người nhiễm virus, 571.060 ca tử vong, mức độ nóng không phải bàn cãi.
Việt Nam đang trải qua một mùa hè nóng bỏng, truyền thông luôn đưa lời khuyên mọi người hạn chế ra ngoài trời nếu không thực sự cần thiết, tránh bị “sốc nhiệt”.
Còn câu chuyện “lò nóng” thì chỉ trừ những người không đọc báo hoặc không xem tivi, những ai còn chút lo lắng cho vận mệnh quốc gia, dân tộc đều cảm nhận được có điều gì đó khác biệt trong vụ khởi tố Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến so với lúc đa phần “củi” bị cho vào lò đều là “củi khô, củi ai ái”.
Có hai chuyện cũ xin nhắc lại:
Thứ nhất, chuyên trang Infonet của báo điện tử Vietnamnet.vn viết:
“Ông Nguyễn Thanh Hóa giữ chức vụ Cục trưởng C50 (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - người viết chú thích) nhưng không có hiểu biết gì về mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, thiết bị số. Thậm chí ông Hóa không biết sử dụng máy vi tính...”. [1]
Thứ hai, Tạp chí Tổ chức Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ viết về cựu Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến:
“Ông Nguyễn Văn Hiến bị tuyên phạt 4 năm tù giam về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, trả lời câu hỏi của luật sư tại phiên tòa, ông Hiến khai rằng, ông được đào tạo rất cơ bản về chỉ huy quân sự tới 9 năm ở nước ngoài, song chưa từng một ngày được đào tạo về quản lý kinh tế, đất đai”. [2]
Ông Trần Vĩnh Tuyến (Ảnh: VTV)
Đưa ra những quyết định gây thiệt hại cho dân, cho nước rồi biện hộ mình kém hiểu biết để giảm nhẹ hình phạt không phải là chuyện lạ với không ít quan chức phạm tội.
Trường hợp ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa bị khởi tố và tạm đình chỉ chức vụ, có gì đặc biệt?
Một vị độc giả (xin không nêu tên) cho biết ông đọc rất kỹ bài báo trên Tienphong.vn về quan lộ của ông Tuyến và đưa ra nhận xét khá tinh tế, rằng ông Tuyến sinh năm 1965, tháng 6/1984, khi mới 19 tuổi đã làm việc tại Ban Chỉ huy Quân sự phường 7, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ năm 1984 đến khi bị khởi tố (tháng 7 năm 2020), ông liên tục làm việc tại các cơ quan đảng và chính quyền thành phố, không có thời gian ngắt quãng.
Vị độc giả đưa ra nghi vấn: “Thông tin cho thấy không có thời gian nào ông Tuyến nghỉ làm việc để theo học đại học, vậy bằng Cử nhân Luật, Thạc sĩ chính trị học và các bằng cấp khác (lý luận chính trị, quản lý nhà nước,…) chỉ là bằng tại chức?
Để kiểm chứng, người viết đã tìm đọc lại bài tại địa chỉ [3] và thấy đúng là ông Tuyến không có thời gian nghỉ việc, không biết ông Tuyến đi học tập trung/chính quy vào lúc nào?, không những thế, vị quan chức này lại còn phụ trách lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin kiêm Trưởng ban điều hành đề án "Thành phố thông minh" của Thành phố Hồ Chí Minh. [3]
Liệu rồi đây nếu phải đứng trước tòa, ông Tuyến có nên học ông Nguyễn Thanh Hóa và Nguyễn Văn Hiến, rằng mình phải làm việc rất nhiều, chưa được đào tạo cẩn thận nên “sơ xuất phạm tội”?
Chuyện học vấn thực sự của vị lãnh đạo này chỉ là bán tín bán nghi nên xin không bàn luận, có điều trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố quan trọng nhất nhì cả nước thì không thể nói ông Tuyến không … có tài!
Con đường “quan lộ” của ông Tuyến, nói chính xác phải là con đường “quan” trước khi “lộ” của ông ấy có lẽ không thể nằm ngoài quy luật mà các cụ nhà ta nói về sự trưởng thành của con trẻ: “Miệng ăn, chân chạy”.
Không ăn, không chạy thì làm sao mà … trưởng thành?
Thế chuyện “Miệng ăn, chân chạy” của ông Tuyến khác gì cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa?
Vẫn báo Tienphong.vn cho biết:
“Sau khi nghỉ hưu, bà Thoa sang Pháp. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định bà này có hành vi vi phạm pháp luật nên ra quyết định khởi tố.
Cơ quan điều tra đang làm các thủ tục tương trợ tư pháp với Interpol ra lệnh quốc tế, sau đó phối hợp mới bắt về nước…". [4]
Ngôn từ mà Tienphong.vn sử dụng khá nhẹ nhàng, không giống Vietnamnet.vn viết về bà Thoa: “Gây tội rồi bỏ trốn”. [5]
Trước khi “bỏ trốn” sang Pháp, ngày 20/11/2018, bà Thoa đã bán 1,4 triệu cổ phiếu Điện Quang (Mã chứng khoán DGC), ước tính thu về 39,13 tỉ đồng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: “Những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật”.
Biết bà Thoa phạm tội, đã thi hành kỷ luật đảng và chính quyền (cách chức thứ trưởng, cho nghỉ hưu từ 01/09/2017) mà vẫn để người ta công khai “bỏ trốn”, bây giờ phải làm việc với Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) để truy nã, rõ ràng là có gì đó chưa ổn trong quá trình xử lý tội phạm.
Dư luận vẫn chưa quên Vũ Đình Duy, cựu giám đốc PVTex bỏ trốn bị công an phát lệnh truy nã đến nay vẫn chưa bắt được.
Thông tin trên một số tờ báo nổi tiếng nước ngoài cho hay tội phạm này sinh sống ở Ba Lan, có liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh và thường xuyên chơi golf tại Cộng hòa Séc.
Theo yêu cầu của Việt Nam, Interpol đã ban bố lệnh truy nã đỏ với ông chủ Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy về tội “buôn lậu và trốn thuế”, hiện vẫn chưa bắt được người này.
Phải chăng các vụ việc nêu trên đã được cơ quan chức năng “rút kinh nghiệm sâu sắc” nên ông Trần Vĩnh Tuyến bị khởi tố, bị cấm đi khỏi nơi cư trú khi ông này vẫn đương chức Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và chưa bị kỷ luật đảng.
Có thể thấy vụ ông Trần Vĩnh Tuyến gióng lên hồi chuông cảnh báo, rằng chiến dịch “đốt lò” đã chuyển sang giai đoạn mới, rằng đừng hy vọng trốn ra nước ngoài như Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) hay Hồ Thị Kim Thoa là có thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.
Các vụ khởi tố liên quan đến các đương sự Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa, Trần Vĩnh Tuyến, một số cán bộ thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và 2 nhân sự thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy dù trời nóng, dù dịch Covid-19 nóng cũng chưa nóng bằng ngọn lửa đốt các loại củi, đặc biệt là củi tươi roi rói như Trần Vĩnh Tuyến.
Và phải chăng đây cũng là cảnh báo cho những kẻ đang nắm giữ chiếc ghế quyền lực liên quan đến chính trị, kinh tế, rằng nếu không biết giữ mình, nếu lóa mắt vì tiền bạc thì “khát nước” sẽ đến ngay tức thì, không phải chờ đến đời sau, cũng đừng hy vọng được an nhàn vài năm sau khi hạ cánh mới bị pháp luật sờ gáy.
Tuy nhiên người dân vẫn “băn khoăn”, vẫn chưa hết lo lắng bởi lẽ:
Năm 2017, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của ông Phạm Văn Vọng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc là “nghiêm trọng” và quyết định thi hành kỷ luật ông Vọng bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Tháng 3/2020, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải - nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - bằng hình thức cách chức Bí thư Thành uỷ nhiệm kỳ 2010-2015.
Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Hoàng Quân – nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bằng hình thức cảnh cáo.
Cùng bị cơ quan chức năng bên đảng đánh giá “khuyết điểm là nghiêm trọng”, hình thức kỉ luật giống nhau “cách chức” hoặc “cảnh cáo”, liệu có sự khác biệt trong xử lý về mặt pháp luật khi đối chiếu trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa với các đối tượng khác?
Nói cách khác hình thức kỷ luật “cảnh cáo hoặc cách chức” bên đảng có tương đương với hình thức “cảnh cáo hoặc cách chức” bên chính quyền, hình thức “khai trừ khỏi đảng” có tương đương hình thức “buộc thôi việc” hoặc cho “nghỉ hưu trước tuổi” với công chức, viên chức nhà nước?
Nếu tương đương thì những trường hợp bị cách chức Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy nhiệm kỳ nào đó liệu có nên bị xử lý như cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa?
Vẫn biết vội vã dễ dẫn tới sai sót, xử lý cán bộ cao cấp mắc khuyết điểm phải thận trọng, tránh “ném chuột vỡ bình quý” nhưng có nên thận trọng đến mức để đương sự có thời gian tẩu tán tài sản, trốn ra nước ngoài mới phát lệnh truy nã?
Tín hiệu từ vụ khởi tố ông Trần Vĩnh Tuyến và hai cán bộ thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định quyết tâm chống “giặc nội xâm” của các cơ quan trung ương, nhưng vì sao chính quyền hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lại không phải là nơi khởi xướng?
Phải chăng đâu đó vẫn có những cái … “đầu lạnh”?
Tài liệu tham khảo:
[1]https://infonet.vietnamnet.vn/phap-luat/khong-biet-su-dung-may-tinh-vi-sao-nguyen-thanh-hoa-lam-lanh-dao-c50-248926.html
[2]https://tcnn.vn/news/detail/47473/Xet-xu-ong-Nguyen-Van-Hien-Bai-hoc-ve-trach-nhiem-nguoi-dung-dau.html
[3]https://www.tienphong.vn/phap-luat/pho-chu-tich-tran-vinh-tuyen-vua-bi-khoi-to-dam-nhiem-cong-viec-gi-o-ubnd-tphcm-1686610.tpo
[4]https://www.tienphong.vn/phap-luat/ba-ho-thi-kim-thoa-o-phap-khi-bi-khoi-to-1686578.tpo
[5]https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ba-ho-thi-kim-thoa-dong-loa-voi-ong-vu-huy-hoang-truoc-khi-bo-tron-657464.html
Xuân Dương
TIN LIÊN QUAN:
'PHÓ THÁNH'
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 17-7-2020
Chuyện cũ nhiều năm, xin nhắc lại vài tí để bạn đọc “ném Còm (Comment)”:
Năm 2015, ông “Trưởng to” nhất xứ Quảng (Nam) tìm mọi cách xoay cho con trai chức “Trưởng sở”, thế là gạch đá tung mù trời.
Sau hai năm inh ỏi cả trên truyền thông lẫn “truyền” mà không “thông”, năm 2017, một ông Phó Bộ ở Kẻ Chợ chỉ huy đoàn kiểm tra vào tận nơi xem xét, thế rồi kết luận đưa ra đúng như “dân lề” dự đoán, rằng chức “Trường sở” của cậu ấm 30 tuổi con ông “Trưởng to” ấy được chính quyền địa phương cất nhắc hoàn toàn “đúng quy trình”.
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, ông “Trưởng to” và cậu “Trưởng sở” bị “rớt đài”, còn ông Phó Bộ thì: “Trong quá trình trả lời miệng, văn nói có thể chưa chuẩn xác, gây hiểu lầm”. [1]
“Văn nói” của ông Phó ấy liệu có giống mấy bà sồn sồn hay “nói nhịu”?
Không những thế, ông Phó Bộ còn tỉnh bơ: “Trong thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có một ý kết luận là Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam báo cáo Bộ Nội vụ một số nội dung không chính xác.
Vậy thì chúng tôi cũng có khuyết điểm là chưa phát hiện được nội dung chưa chính xác ấy. [1]
(Ảnh minh hoạ trên baoyenbai.com.vn)
Hơ hơ, chẳng cần là nhà ngôn ngữ học, dân quê tinh ý một tí đều nhận thấy cụm từ “vậy thì” trong “văn nói” của ông Phó Bộ có nét gì đó mà dân chúng gọi là “phớt đời”.
Này nhé, do Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói thế “vậy thì” chúng tôi “có khuyết điểm”, nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chưa kết luận, dù sai trái có lè lè 100% thì chúng tôi cũng không có khuyết điểm, mặc dù công tác cán bộ là chức năng chúng tôi quản lý.
Lại chợt nhớ câu chuyện đã trích dẫn nhưng chẳng biết trong bài nào, đăng bao giờ, đại ý kể về thằng bé to xác bắt nạt đứa bé hàng xóm, bị hàng xóm chất vấn bố nó bắt nó xin lỗi, nó giơ nắm đấm bảo đứa bé hàng xóm: “Bố ông bảo ông xin lỗi mày, ông xin lỗi, thích chưa, (chỉ tay) – biến”.
Một ông nguyên “ngang ghế” với ông “trả lời miệng” phụ họa thêm:
“Đề bạt như thế chắc chắn họ đã thông qua các quy trình để bổ nhiệm người đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Đối với một lực lượng trẻ mới 30 tuổi mà đã làm Giám đốc sở là rất tốt”. [2]
Ngoài Bắc có một ông “Trưởng to” cấp tỉnh lại còn kiêm thêm mấy chức trưởng ở các chỗ khác, cánh báo chí đưa khá nhiều tin, bài nhưng dè dặt bình luận.
Nghe nói “dân lề” thì săm soi các đoàn xe vua chở phế thải chạy mù tăng tít khắp phố phường xem có đánh rơi gạch, đá nhưng chuyện đã “êm” rồi.
Công lao làm êm chuyện thuộc về của một ông phó.
Ông phó của ông “Trưởng to” đăng đàn tuyên bố, rằng theo tiêu chuẩn của chức trưởng mà pháp luật quy định thì chức trưởng mà ông “Trưởng to” ấy nhận thêm có hơi thiếu một tí về “kinh nghiệm” song chẳng có gì phải lăn tăn bởi mọi việc đã có “Phó thường trực” lo toan, giải quyết, không ảnh hưởng gì đến các loại nhiệm vụ tại các loại cơ quan hay bộ phận mà sếp của ông phó ấy làm trưởng.
Khi Trung ương bảo chưa chính xác, ông Phó bộ gật gù “ừ thì chưa chính xác”, tiêu chuẩn theo quy định thiếu, ông Phó tỉnh khề khà “ừ, đúng là có thiếu một tí”,…
Thế liệu đã đủ cứ liệu để kết luận, rằng không ít ông Phó ngày nay chẳng sợ gì trên, chẳng sợ gì luật, thế có phải các “phó” ấy xem mình như “Phó thánh”!
Một khi “Thần” không bảo sai đố ai dám cho là “Thánh” nói … bậy!
Nhưng sao tự nhiên lại thêm “Thần” vào chuyện này?
“Thần” trong dân gian, trong kinh sách hay văn học như thần đèn, thần biển, thần sấm, thần núi, thần trí tuệ, thần công lý, thần sắc đẹp,… vốn chẳng ai nhìn thấy.
Sức mạnh tuyệt đối của thần chẳng qua là do tô vẽ mà thành chứ thực tế chẳng ai kiểm chứng.
Ngược lại “Thánh” đa số trường hợp là người thật được dân chúng suy tôn như Đức Thánh Trần, Thánh thơ Cao Bá Quát,…
Có điều các “Phó thánh” thời 4.0 đại đa số không phải do dân suy tôn, họ chỉ dựa hơi “thần” mà xem mình là “thánh”.
Mấy hôm trước có ông “Phó” đi khám bệnh về, xe biển xanh ra tận chân cầu thang đón ông ấy cùng với con cháu “đi nhờ”, ai đó ghi lại hình ảnh rồi tung lên mạng xã hội.
Có tờ báo lập tức tìm hiểu, viết bài, hóa ra tiêu chuẩn cho phép ông “Phó” ấy được làm như vậy, tức là “tiêu chuẩn” bảo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy được ô tô đón tận chân cầu thang máy bay, còn “tiêu chuẩn” có cho phép đến bệnh viện khám bệnh bằng máy bay thì không thấy nói,… Tóm lại dân làm ầm ĩ là sai.
Ông phó ấy đi khám bệnh là theo yêu cầu của trên chuẩn bị cho đại hội.
Sức khỏe là vô cùng quan trọng để ông ấy còn phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, hơn nữa trời lại nóng như đổ lửa nên ô tô đón tận chân cầu thang máy bay là cần thiết.
Nói dại ông ấy mà ốm lăn quay ra thì Ban bảo vệ sức khỏe tỉnh có mà vắt chân lên cổ.
Chuyện sau đó ở ta mà cứ tưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ, ấy là khi tờ báo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam viết:
“Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên lớn tiếng “đòi” các cơ quan quản lý nhà nước phải “xử” báo chí, cơ quan công an phải “xử” người đã đăng hình ảnh phản cảm của ông và gia đình lên mạng xã hội”. [3]
Tạm bỏ qua chuyện “đăng hình ảnh phản cảm” của ông Phó Bí thư và gia đình nhưng có chuyện bé bằng cái móng tay này không biết có nên để ý:
Chiếc xe Toyota Land Cruiser Prado biển xanh 78A - 001.14 ngành Y tế tỉnh Phú Yên mua năm 2012 có giá khoảng 2,3 tỷ đồng, năm 2016 chuyển về Văn phòng Tỉnh uỷ Phú Yên và được định giá là 490 triệu đồng. [4]
Liệu việc định giá ấy có phải là cách phù phép nhằm phù hợp với quy định “Phó Bí thư Tỉnh uỷ được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng”?
Nói “phù phép” vì lý do sau:
Sau 04 năm sử dụng (từ 2012 đến 2016) chiếc xe mất giá đến hơn 1,8 tỷ đồng, tính bình quân chỉ với một chiếc xe con, thuế của dân mỗi năm mất đi khoảng 450 triệu đồng.
Kể cũng lạ, xe riêng đưa đón Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy chắc chắn phải là xe tốt, nếu xe cà tàng đi công tác chết máy như cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh từng thổ lộ thì chẳng lẽ Phú Yên lại phải hỏi kinh nghiệm “Vũ Nhôm”?
Xe còn tốt lại dùng phục vụ lãnh đạo cấp cao mà mất giá thảm hại thế, chẳng trách những thứ phục vụ toàn dân như khu gang thép Thái Nguyên hay hàng loạt dự án nghìn tỷ trường kỳ “đắp chiếu” nguy cơ biến thành rác thải công nghiệp chỉ là chuyện vặt!
Nếu “truyền thống định giá” ôtô tại Phú Yên (mỗi năm giảm 450 triệu) được phát huy thì sau 13 tháng ông Phó Bí thư sử dụng, chiếc xe sẽ có giá 0 đồng, và liệu có cần mua xe mới cho “ông Phó” sử dụng?
Cơ quan quản lý công sản nhà nước có nên tìm hiểu vì sao chiếc xe trị giá 2,3 tỷ sau 4 năm chỉ còn 490 triệu?
Người viết cho rằng cơ quan chăm sóc sức khỏe cán bộ các cấp cần phải đặc biệt quan tâm khi chiếc xe chỉ còn khoảng 20% giá trị (vào năm 2016) mà lại dùng thường xuyên phục vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đến tận năm 2020 là không ổn, rất không ổn.
Quả thật lương cán bộ lãnh đạo thấp nếu chỉ nhìn vào thang bảng lương nhà nước quy định, nhưng nếu cộng tiền vé may bay đi khám bệnh, cộng tiền xăng xe, khấu hao tài sản và lương nhân viên phục vụ,… thì thực tế lương của họ là bao nhiêu?
Cái gọi văn vẻ là “tiêu chuẩn” ấy có phải đặc quyền, đặc lợi?
Và có phải những khoản kinh phí trả lương và chi phí phục vụ ông Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên ấy lấy từ ngân sách chứ không phải lấy từ tiền thuế?
Mấy tí rồi nhưng vẫn phải thêm tí nữa về một vị “phó” đang khiến người dân Sài Gòn bức xúc.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cùng tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tiếp xúc với cử tri quận 5, có người dân nói:
“Như ông Tất Thành Cang, quan lộ quá nhanh, từ Bí thư quận 2 lên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, lên phó chủ tịch thành phố rồi lên phó bí thư Thành ủy…
Trong quá trình đi lên lại dính nhiều sai phạm, đến nay Trung ương kỷ luật, nhưng TP vẫn giữ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân, Thành ủy viên”. [5]
Với ông Cang, Trung ương đã kỷ luật nhưng chức vụ tại thành phố thì “Vũ Như Cẫn”, liệu có phải với cấp phó như ông Cang, dẫu “Thần bảo sai” nhưng “Thánh bảo Hãy đợi đấy” thì dân chúng cứ yên tâm … đợi đấy?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://plo.vn/thoi-su/giam-doc-so-30-tuoi-thu-truong-noi-vu-noi-co-hieu-lam-746254.html
[2] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nguyen-thu-truong-co-vu-giam-doc-so-tuoi-30-263874.html
[3] http://daidoanket.vn/pho-bi-thu-phu-yen-nghi-co-ke-chong-pha-490474.html
[4] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/phu-yen-tiet-lo-gia-tri-xe-bien-xanh-don-pho-bi-thu-sat-may-bay-1684863.tpo
[5] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/cu-tri-quan-5-buc-xuc-khi-ong-tat-thanh-cang-con-duoc-trong-dung-657634.html#inner-article
Xuân Dương
TIN LIÊN QUAN:

ĐỒNG TIỀN VÀ QUYỀN LỰC KHIẾN TƯ DUY NHIỀU CÁN BỘ BỊ BIẾN DẠNG
NGUYỄN HOÀNG/ GDVN 17-7-2020
Thời gian vừa qua có nhiều cán bộ cấp cao đương chức hoặc đã nghỉ hưu bị khởi tố, nhiều trường hợp đã bị kỷ luật nghiêm khắc (khai trừ ra khỏi Đảng), thậm chí phải chịu án tù giam.
Mới nhất dư luận đang tập trung sự chú ý vào việc Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đã khởi tố bị can, khám xét đối với nhiều người nguyên là lãnh đạo Bộ Công thương, gồm: Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng; cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự 2015.
Các bị can trên bị khởi tố trong quá trình điều tra mở rộng vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai liên quan đến dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 42/QĐ-C01-P4, ngày 8/11/2018 của C01.
Liên quan vụ án này, trước đó C01 đã khởi tố đối với các bị can Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Trương Văn Út (Phó trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên – Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Văn Thanh (Phó chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Chương (Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh).
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Luật sư Hoàng Nguyên Hồng - nguyên Chuyên viên Cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương (chuyên gia Nghiên cứu Độc lập về Pháp chế, Kiểm tra và Thanh tra) nêu quan điểm: “Khi những dấu hiệu đủ căn cứ chứng minh có liên quan tới sai phạm thì khởi tố là việc làm cần thiết, thể hiện thái độ, quan điểm, tư tưởng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong cuộc chiến tham nhũng, diệt dứt điểm giặc nội xâm.
Những kẻ thoái hoá, biến chất lợi dụng danh nghĩa đảng, nhà nước và công trình, dự án rút ruột tiền của của nhân dân, làm giầu nhanh và bất chính, cần nghiêm trị dù đương chức hay nghi hưu.
Khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử những kẻ tham nhũng, quan liêu, lôi bè, kéo cánh dùng quyền uy cướp đất đai và làm hại dân, hại nước là nguyện vọng của nhân dân”.
Luật sư Hoàng Nguyên Hồng - nguyên Chuyên viên Cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương. ảnh: NH.
Theo ông Hoàng Nguyên Hồng, nhiều lần lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm, bất cứ ai sai phạm đều phải chịu trách nhiệm.
Việc xử lý nghiêm khắc sai phạm của lãnh đạo cấp cao dù đương nhiệm hay đã nghỉ hưu, không cho phép “hạ cánh an toàn” tiếp tục củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng; đồng thời khẳng định chủ thuyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân là chủ của chính quyền và cán bộ là công bộc chứ không phải quan cách mạng.
“Qua rất nhiều vụ việc trong những năm gần đây cho thấy đồng tiền và quyền lực chi phối nhiều quá, nên đạo làm người bị biến dạng. Việc những kẻ tham quyền, tiền, của để giàu nhanh rồi phải ngồi tù là sự báo ứng nhân quả và luân hồi.
Người xưa cảnh báo thế hệ trước làm sai thế hệ sau nhận hậu quả, nay thì chính người gây ra phải nhận hậu quả, thậm chí những người có liên quan trong gia đình cũng phải chịu sự trừng phạt.
Câu hỏi đặt ra là vì sao trong nhiều năm qua công tác tuyển chọn, đào tạo cán bộ luôn là vấn đề được quan tâm, nhưng vẫn xảy ra rất nhiều vi phạm đối với cán bộ ở cấp cao?
Luật sư Hoàng Nguyên Hồng phân tích:
Thứ nhất, tất cả là do con người và con người quản lý bỏ qua danh dự và trách nhiệm thực thì công vụ nhà nước và nhiệm vụ người đảng viên.
Thứ hai, ý thức và sự liêm sỉ của người được giao hoặc ngồi ghế quản lý và điều hành không có kiến thức chuyên môn, năng lực điều hành, nên bị con buôn, các doanh nghiệp xu nịnh, đút lót và mưu cầu lợi ích... dẫn tới dễ thỏa hiệp và làm theo “quân sư kém cả đạo đức và năng lực”, chạy theo nhóm lợi ích.
Thứ ba, sự tệ hại của việc quy hoạch và luôn chuyển cán bộ đã làm cho trách nhiệm người được quy hoạch, luôn chuyển không thể hiện được chính năng lực và chính kiến của bản thân, nên ngậm miệng ăn tiền, không dám nói, chờ thời, nín thở mong đến hẹn để về hoặc lên ghế mới.
Thứ tư, nhiều cán bộ còn thói quan liêu, xa dân và thiếu tin dân mà như Tổng Bí thư Chủ tịch nước từng nói là có những cán bộ nói mà không làm, nói nhiều làm ít. Chính bởi sự quan liêu nên mới dẫn tới oan sai xảy ra ở nhiều nơi, khiếu kiện đất đai kéo dài triền miên qua nhiều năm. Không thực sự nghe dân và tin tiếng nói của dân thì hậu quả sẽ tiếp tục xảy ra.
Thứ năm, dân chủ trong Đảng và trong dân thì nói là nhiều còn ít khi có ý kiến thẳng thắn, bởi vì những ý kiến công khai cho dù nói đúng cũng có thể bị quy chụp gắn với “thế lực thù địch”. Những kẻ như Vũ Nhôm, Đường Nhuệ… tồn tại suốt một thời gian dài trong xã hội ta chẳng phải là có bàn tay của cán bộ nhà nước hay sao?
Từ trái qua, các bị can: Hồ Thị Kim Thoa, Vũ Huy Hoàng, Phan Chí Dũng. Ảnh tổng hợp từ cổng thông tin điện tử Bộ Công an.
Muốn ngăn chặn có hiệu quả những hành vi sai phạm của cán bộ thì phải làm gì?
Ông Hoàng Nguyên Hồng bày tỏ: “Thứ nhất, chính quyền, Cấp ủy phải trực tiếp lắng nghe thường xuyên ý kiến của người dân đang khiếu kiện về oan sai, trong đó có nhiều vụ liên quan tới đất đai, đền bù không thoá đáng... kéo dài trong nhiều năm.
Nghe xong phải lập tổ công tác giải quyết khiếu kiện xuống từng địa phương xem xét giải quyết dứt điểm, không để kéo dài và vượt cấp lên tới trung ương.
Thứ hai, sinh hoạt Đảng và ghi nhận ý kiến của nhân dân thật dân chủ, cho người dân nói hết ý kiến (đúng, sai), không nói một phía. Tổ chức cho nhân dân tự quản gia đình, giáo dục con cháu và phát hiện những điều bất thường để bàn hướng giải quyết.
Thứ ba, xây dựng nền tư pháp nhân dân và quản trị quốc gia dân chủ, tôn trọng pháp luật, tách bạch nhiệm vụ của các lực lượng để đảm bảo từ bắt nghi can cho tới điều tra, xét xử phải độc lập, khách quan, không chịu sự tác động của bất cứ ai, bất cứ thế lực nào.
Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa".
Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật”.
Nguyễn Hoàng
TIN LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét