Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

20200724. BÀN VỀ CHỌN NHÂN TÀI CHO ĐẠI HỘI XIII

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHỌN NGƯỜI TÀI VÀ QUY ĐỊNH 'QUY HOẠCH, ĐỘ TUỔI'
LAN ANH pvLÊ THANH VÂN */ TVN 21&22-7-2020
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã dành cho Tuần Việt Nam một cuộc đối thoại về những vấn đề quan trọng trước thềm Đại hội Đảng XIII.
- Đại hội Đảng XIII đang đến gần và vấn đề lựa chọn nhân sự luôn luôn quan trọng. Ông có ý tưởng nào góp ý cho vấn đề này?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Cha ông ta nói, “dụng nhân như dụng mộc”. Đó cũng là nguyên lý trong việc dùng người. Ví như, khi xây một ngôi nhà, thì gỗ lim được chọn làm cột cái, tre nứa thì dùng làm phên, dậu; còn ngược lại, nếu lấy tre nứa làm cột trụ, thì ngôi nhà sẽ nghiêng, đổ.
Một người có khả năng làm tốt công tác phong trào chưa hẳn trở thành một chính trị gia hay một nhà lãnh đạo trong hệ thống chính trị; một doanh nghiệp giỏi về sản xuất, kinh doanh chưa hẳn trở thành một nhà quản lý, điều hành trong bộ máy hành chính; một nhà khoa học xuất sắc chưa hẳn trở thành một chính khách.
Từ lâu, tôi đã thấy nhiều vấn đề bất cập trong chính sách cán bộ và chế độ nhân sự hiện nay. Đó là, cứ người giỏi về chuyên môn thì đưa lên làm quản lí, lãnh đạo, cứ vào cấp uỷ là có thể làm tất cả. Cách làm này phải thay đổi trên cơ sở xác định thành 6 nhóm tương ứng với 6 lĩnh vực trụ cột trong lãnh đạo, quản lý xã hội, đó là: (i) chính trị, (ii) quản lý, (iii) điều hành, (iv) chuyên môn, (v) khoa học - công nghệ và (vi) văn hóa - nghệ thuật.
Chọn người tài và quy định “quy hoạch, độ tuổi” - Phần 1
Kì họp thứ Chín - Quốc hội khoá XIV
Nhóm cán bộ thứ nhất là những người làm chính trị, hay còn gọi là cán bộ cấp chiến lược. Hiện nay có thể nhìn hai đối tượng này trong Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội. Chính khách là những nhân vật tham gia vào chuỗi quyết định các chính sách pháp luật, nền tảng trị quốc. Họ là những người: (i) Có năng lực tư duy vượt trội, có tầm nhìn xa, hiểu được quy luật vận động tự nhiên để đặt ra con đường đi cho dân tộc; (ii) có khả năng tổng kết thực tiễn, am hiểu thời thế; (iii) biết quy tụ, trọng dụng nhân tài và năng lực tổ chức các lực lượng vật chất, tinh thần; (iv) có tâm huyết, dốc lòng vì lợi ích chung với tinh thần dĩ công vi thượng, mà không màng đến lợi ích cá nhân và (v) có khả năng thuyết phục muôn người trong đối nội và đối ngoại, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thế nhưng việc chọn lựa nhân sự của ta vẫn đang theo kiểu truyền thống là người giỏi chuyên môn được lên Trưởng phòng, rồi lên Vụ phó, rồi lên Chủ tịch huyện,… cứ thế lên dần. Nhờ bộ máy giúp việc, họ cứ thế lên dần cho đến lúc lên cấp cao dù thiếu hụt trình độ và năng lực.
Những người kém mà lại nằm trong bộ máy hoạch định chính sách, vạch đường chỉ lối thì làm sao chất lượng chính sách, pháp luật bảo đảm được! Vì sao nhiều nghị quyết của Đảng không thể đi vào cuộc sống? Bởi vì nó chung chung, thiếu giải pháp; còn các luật được thiết kế kém, chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi.
Vì vậy, theo tôi, phải tiêu chuẩn hoá cho các cấp Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương và Đại biểu Quốc hội.
Nhóm thứ hai là nhóm quản lí. Đặc điểm nổi trội của nhóm quản lí là những người vận hành những ý tưởng của nhóm chính trị gia, thể hiện được tầm nhìn, khuôn khổ mà các chính trị gia đã khoanh vùng, định hướng bằng các quy tắc xử sự. Nhóm quản lí hiểu sâu về chuyển hoá giữa quy định, ý tưởng chính trị sang pháp luật, biết cách vận hành hệ thống thể chế đó để phù hợp với mục tiêu mà các chính trị gia đặt ra. Trong nhóm này có thể xếp cấp bộ trưởng, họ là lớp cán bộ biến các ý tưởng về mặt chính trị thành khuôn khổ pháp lý, có sự lồng ghép giữa chính trị gia và người quản lí. Những người này có cả trong Quốc hội và Chính phủ vì Quốc hội lập pháp, Chính phủ lập quy.
Nhóm cán bộ thứ ba là những người điều hành, tạm xếp cấp Thứ trưởng ở Trung ương và Phó Chủ tịch tỉnh, Giám đốc sở ở địa phương. Thực chất nhóm này là những người chỉ huy hệ thống, điều hành bộ máy. Cấp Thứ trưởng là công chức hành chính cao cấp, có trách nhiệm tuân thủ, thực thi chính sách, pháp luật bằng các biện pháp cụ thể. Họ đóng vai trò tổ chức, thực hiện chính sách do các chính trị gia đề ra. Họ có vai trò là vệ tinh cho việc thực thi chính sách và giúp cho quy trình vận hành bộ máy hiệu quả. Nếu gặp phải trở ngại trong quá trình điều hành, họ có quyền đề xuất với cấp chiến lược để sửa đổi, bổ sung, hay ban hành chính sách mới, chứ không có quyền quyết định chính sách.
Nhóm cán bộ này muốn trở thành chính trị gia phải có những hoạt động xã hội bộc lộ được năng lực khác thì mới thay đổi được vị trí chứ không phải cứ theo tuần tự tiến lên như hiện nay, nghĩa là từ chuyên viên lên chính trị gia phải có quá trình thay đổi, có bứt phá mới được.
Nhóm thứ tư, nhóm chuyên gia, những người tham mưu giúp việc. Những người này tinh thông, am hiểu sâu vấn đề chuyên môn, biết quy trình thủ tục, xử lí những vấn đề vi mô.
Nhóm thứ năm, nhóm cán bộ tay nghề, tạm gọi là nhóm kĩ thuật công nghệ lành nghề. Họ cũng tương ứng nhân viên tham mưu chính sách.
Nhóm thứ sáu hoạt động ở lĩnh vực văn hoá nghệ nghệ thuật. Đặc biệt chú ý đến lớp cán bộ nhân tài ở lĩnh vực khoa học kĩ thuật và nhân văn. Họ có thể sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, hội hoạ, điện ảnh…Những lớp người nổi trội trong lĩnh vực này thì đừng nghĩ rằng họ trở thành nhà quản lí, nhà khoa học hay các nhà làm chuyên môn cũng vậy. 
- Ông đã phân định rất rõ 6 nhóm cán bộ trong lãnh đạo, quản lí xã hội. Vậy theo ông, con đường nào, cách thức nào để tuyển chọn được những người phù hợp vào các vị trí đó?
Ở nhiều quốc gia phát triển, con đường để trở thành Tổng thống cực kì nghiêm ngặt, đó là sự xuất hiện của họ trước quần chúng để thuyết trình được những ý tưởng trị quốc.
Có 3 lí do để các chính trị gia xuất hiện ở nghị trường. Thứ nhất, nghị trường là nơi bàn việc nước, chính trị gia chỉ là những người bàn việc nước. Thứ hai, các chính trị gia xuất sắc có nghị trường để bộc lộ được tài năng khởi xướng chính sách, thuyết phục chính sách dưới sự sát hạch của hàng trăm người đại diện cho tầng lớp tinh hoa. Thứ ba, đề xuất của chính trị gia được giám sát bởi các phương tiện truyền thông cả nước. Ba cách này nhận diện nhân tài rất dễ.
Chọn người tài và quy định “quy hoạch, độ tuổi” - Phần 1
"Đảng muốn tồn tại, phát triển, đi vào lòng dân tộc phải coi trọng nhân tài. Đó là uy tín, vai trò, sự tồn vong của Đảng" - ĐBQH Lê Thanh Vân. Ảnh: Phạm Hải
- Như những tiêu chí ông nói thì ở cấp quản lí, xét về Đảng là như thế nào? Đặc biệt là các cấp bên hành pháp, họ có nhất thiết phải là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng hay không nếu như họ thực sự có tài năng, kinh nghiệm, năng lực kỹ trị…?
Nhóm những nhà quản lí, với nền tảng và kiến thức của họ phần lớn thiên về vận hành theo công cụ, phương thức có sẵn, đi theo nguyên lí của bộ máy. Còn việc phá vỡ nó hay tạo đột phá là công việc của nhóm chính trị gia. Người quản lí chỉ hoạt động trong khuôn khổ và giới hạn nhất định.
Chẳng hạn, đường lối chính trị trong khuôn khổ vòng kim cô thì nhiệm vụ của nhà quản lí là biến hoá nó thành các quy tắc xử sự cụ thể, đòi hỏi tính chuyên nghiệp trong việc đặt ra qua tắc xử sự cao. Vì thế, tính chính trị gia của họ khiêm tốn, tính quản lí lại cao hơn, có nghĩa là phần chính trị gia không nên xem trọng mà nên đề cao tính chuyên nghiệp của họ.
Do đó, không nhất thiết phải cơ cấu họ trong Uỷ ban Ban chấp hành Trung ương. Trong Chính phủ nhà nước đầu tiên của Việt Nam năm 1946, lúc đó Bác Hồ dùng người rất tài, không phải chỉ vì vận nước lúc đó buộc phải dùng như vậy mà Bác nhìn thấu vào năng lực từng người. Kể cả sau này khi Đảng hoạt động công khai thì cách dùng người cơ bản của Bác Hồ vẫn vậy. Có những Bộ trưởng không phải là Uỷ viên Trung ương. Ví dụ, ông Nguyễn Đình Lộc, Lê Ngọc Hoàng, Đặng Vũ Chư có phải Uỷ viên Trung ương đâu!
Nói vậy để phân định rõ, người quản lí là người hiểu phương thức vận hành đường lối chính trị để cụ thể hoá thành quy tắc xử sự trong giới hạn được phép.
Đảng “chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”, tức là đang lãnh trách nhiệm dẫn dắt đất nước, dân tộc trên con đường phát triển. Vậy, chọn được người tài hẳn phải là ưu tiên mới đảm nhận được sứ mệnh đó chứ, thưa ông?
Sứ mệnh, trách nhiệm của Đảng không chỉ để cập trong cương lĩnh mà được cụ thể hoá trong điều 4 của Hiến pháp quy định sứ mệnh, tính chịu trách nhiệm của Đảng trước quốc gia dân tộc.
Với sứ mệnh như vậy, Đảng lãnh đạo đất nước bằng ba con đường: Một là, hoạch định đường lối chính sách để dẫn dắt dân tộc đi con đường tốt đẹp và phồn thịnh hơn. Hai là, bằng nhân sự; Đảng giới thiệu ra các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bầu ra những người tài năng, đây là việc quan trọng nhất. Ba là, bằng kiểm tra giám sát của Đảng với cán bộ của mình.
Nếu Đảng không lựa chọn được đội ngũ tinh hoa xứng đáng sẽ không có đường lối đúng đắn. Nếu Đảng không có đội ngũ thực sự công tâm, dĩ công vi thượng sẽ không kiểm tra giám sát được bộ máy của mình. Vì vậy, nhân sự quyết định nhất.
Cha ông ta đã từng nói: “Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi cấp”. Việc taọ lập ra nhà nước, trước tiên phải xem dân trí hàng đầu, quốc sách là giáo dục để nâng cao dân trí. Nhưng đến lúc xây dựng phát triển đất nước phải dùng nhân tài. Đó là nguyên lí bất di bất dịch của mọi quốc gia, lịch sử cổ đại, trung đại và hiện đại đều thế.
Đảng muốn tồn tại, phát triển, đi vào lòng dân tộc phải coi trọng nhân tài. Đó là uy tín, vai trò, sự tồn vong của Đảng. Bàn về câu chuyện nhân sự Đại hội XIII không phải là câu chuyện mới.
Chính vì vậy, công tác chuẩn bị cho Đại hội đã được nhìn nhận chuẩn bị từ trước. Trước hết, sửa đổi các quy định về nhân sự, về các bước tổ chức thực hiện nhân sự đến bây giờ vẫn đang trong quá trình này. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, nếu không nhìn nhận nó ở góc độ thực tiễn hơn, vẫn có thể không thoát được những ràng buộc do chính mình đặt ra, không tránh được sai lầm và hậu quả đến bây giờ khó lường định.
Những quy định nhân sự hiện nay chúng ta đã hoàn thiện bước mới, chặt chẽ đầy đủ hơn trên cơ sở tổng kết những gì mà ta đã vấp phải. Nhưng bây giờ nói rằng lựa chọn nhân tài thực sự thì quy định hiện nay vẫn bị ngáng trở, chưa vượt qua được độ tuổi, quy hoạch.
Tuần Việt Nam tiếp tục giới thiệu cuộc đối thoại về vấn đề lựa chọn nhân sự trước thềm Đại hội Đảng XIII đang đến gần với Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.
Các tiêu chí về quy hoạch, về độ tuổi cho các ứng cử viên, ở góc độ nào đó, giúp xác lập trước được công tác nhân sự, nhưng, ở góc độ khác, cũng cản trở lựa chọn những ứng cử viên có tài khác. Ông nghĩ sao về các tiêu chí quy hoạch và độ tuổi?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Chúng ta cứ phát động toàn dân, toàn Đảng tìm kiếm nhân tài để tiến cử cho Đảng, nhưng công tác nhân sự lại phải theo quy hoạch, theo độ tuổi thì rất khó. Nếu không dỡ bỏ những quy định đó, nhân tài đích thực sẽ khó xuất hiện, nếu có chẳng qua nằm trong số ngẫu nhiên đã quy hoạch, khoanh vùng mà thôi. 
Tôi nói vậy vì tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy tuổi, chạy bằng cấp vẫn diễn ra một cách tinh vi hơn. Tổng Bí Thư đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần chuyện này. Vì sao có hiện tượng như vậy? Vì chính quy định của ta "trói". Quy trình tiến cử nhân sự phải tuân theo các bước nội bộ có tính chất khuôn hẹp nên không thể chọn người tài được.
Quy hoạch cán bộ, vừa động vừa mở, chỉ là nguồn tham khảo chứ không phải nguồn bắt buộc. Trên cơ sở quy định đó, các cấp Uỷ Đảng cũng lại áp dụng một cách máy móc, cho rằng tiêu chí lựa chọn nhân sự đầu tiên phải trong quy hoạch nên người tài mấy nhưng nằm ngoài quy hoạch cũng không được chọn. Quy định này đã ngáng trở lựa chọn nhân tài, nếu ta không điều chỉnh sẽ rất khó có nhân tài.
Về quy định độ tuổi cũng vậy. Cho đến nay, chưa có công trình nào đánh giá về tài năng lại hạn chế độ tuổi. Trong lịch sử, thời Trần có Nguyễn Hiển đỗ trạng nguyên năm 13 tuổi nhưng Vua Trần Minh Tông cho rằng, trạng đang còn nhỏ nên cần học thêm lễ. Sau này, khi triều đình phương Bắc đưa ra câu đối, ông Nguyễn Hiển trả lời ngay. Lúc đó người ta mới biết tài năng thực sự của ông. Đó là cách dùng người không chỉ xem xét qua học vấn mà còn kiếm chứng qua thực tiễn. Hay Lí Thường Kiệt năm 81, 82 tuổi vẫn xung trận và đánh đâu thắng đó. Đảng ta gần đây nhất có ông Đỗ Mười vào Ban chấp hành Trung ương dự khuyết lúc 59 tuổi; ông Lê Khả Phiêu lần đầu tiên vào Ban chấp hành Trung ương là 60 tuổi.
Chọn người tài và quy định “quy hoạch, độ tuổi” - Phần 2
Các Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thời kì trước, Đảng lựa chọn nhân sự chính xác như các đồng chí Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu,... Mỗi người có vai trò khác nhau nhưng đều đóng góp vào công cuộc Đổi mới, chỉnh đốn Đảng rất cao. Từ cổ chí kim chẳng có quy định nào đến 60 tuổi là không được tham gia nữa.
Những quy định hạn chế về độ tuổi thể hiện sự bất khả kháng trong đánh giá, lựa chọn nhân tài. Đó là những nhận định chủ quan trái với quy tắc khách quan.
- Vậy theo ông, đâu là giải pháp?
Tôi đề nghị nên dỡ bỏ hai quy định về quy hoạch và độ tuổi, còn lại lựa chọn nhân sự, nhân tài phải có quy trình khách quan.
Để phát hiện nhân tài không có cách nào khác là dựa vào quần chúng nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây đã nhắc lại câu nói của Bác Hồ rằng cái gì không biết thì hỏi dân, dân biết hết. Năm 1946, Bác Hồ đã có hai công thư gửi Ủy ban hành chính các cấp về việc tiến cử nhân tài cho Chính phủ, Nhà nước, có trọng thưởng và xử phạt nghiêm minh. Đó chính là tư duy tiếp biến của Bác Hồ trong việc sử dụng “chiếu cầu hiền” của các vị vua anh minh trước đây.
Nhưng bây giờ ta chưa có “chiếu cầu hiền” nào tầm cỡ như vậy. Đảng có chủ trương trọng dụng nhân tài nhưng mới chỉ nằm rải rác trong các quy định chứ chưa có một đạo luật về trọng dụng nhân tài; pháp luật, nghị định và chính sách của nhà nước cũng chưa có.
Bác Hồ đã lựa chọn nhân tài theo 3 cách: Hỏi qua bạn bè xem họ có thừa nhận người đó giỏi không; xem ứng xử của người đó trong gia đình với cha mẹ, anh em hàng xóm có hiếu nghĩa, đạo đức hay không; nền tảng học vấn giỏi giang, đức độ trong ứng xử. Người giỏi và người tài khác nhau. Người giỏi có thể là giỏi kiến thức thôi, nhưng người tài là ứng biến qua công việc cụ thể.
Chọn người tài và quy định “quy hoạch, độ tuổi” - Phần 2
Để phát hiện nhân tài không có cách nào khác là dựa vào quần chúng nhân dân. Ảnh: Lê Anh Dũng
Sau khi hơn 100 cán bộ cao cấp bị kỉ luật gần đây có một thực tế khác. Đó là dường như không thấy các nhà lãnh đạo địa phương dám tạo đột phá mang lại phồn thịnh cho địa phương mình. Vậy vấn đề nằm ở chỗ không có người tài, hay là họ bị gò bó không phát huy được hết khả năng, hoặc họ không muốn phá vỡ hiện trạng để giữ an toàn…?
Đúng là có hiện trạng đó. Nhìn vào các địa phương hiện nay có sự ỷ lại, trông chờ vào cấp trên cho ý kiến trước khi thực hiện trong khi đường lối chính sách có rồi nhưng không làm mà đùn đẩy lên trên, hoặc không dám làm vì sợ vi phạm, hoặc có tình trạng đi đâu cũng nói lời êm ái để giữ cho mình tròn trịa.
Nguyên nhân bắt nguồn từ một số loại cán bộ sau đây:
Loại cán bộ thứ nhất, do năng lực tầm nhìn của người đứng đầu cấp uỷ chính quyền ở đó còn hạn chế. Họ không nhận thức được cái sẵn có trong chủ trương, quyết sách.
Loại cán bộ thứ hai, nhận thức được nhưng không dám làm vì không có bản lĩnh.
Loại cán bộ thứ ba, do mua quan bán chức. Dạng này không ít, từ mua quan bán chức, quan hệ huyết thống đến quan hệ “không trong sáng”. Những loại này không biết gì, chỉ dựa vào đội tham mưu, bày gì làm nấy.
Cuối cùng, chỉ còn một dạng cán bộ là dám chịu trách nhiệm, dám bứt phá sáng tạo. Bộ Chính trị cho các địa phương thí điểm nhiều. Dựa trên nền tảng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để vận dụng sáng tạo bứt phá, còn thấy sai lệch thì xin chủ trương trên cho thí điểm để tìm ra cách làm mới. Làm được việc này thể hiện tầm nhìn bản lĩnh của người đứng đầu. 
Tôi cho rằng những cán bộ lãnh đạo như Bí thư, Chủ tịch tỉnh hay Phó Chủ tịch không làm gì, giữ cho mình an toàn thì phải xử lí. Bởi họ để cơ hội tuột mất, vốn đầu tư không được giải ngân, làm thiệt hại cơ hội phát triển thì phải xử lí. Không làm gì không có nghĩa là không vi phạm.
Có lần Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xuống tỉnh chứng kiến đợt bỏ phiếu đánh giá cán bộ, thấy Bí thư của tỉnh đó được phiếu cao. Sau đó, Tổng Bí thư nhắc khéo anh ấy có làm gì đâu mà có lỗi, mà không có lỗi nên phiếu cao. Thực trạng này đến bây giờ vẫn còn. Trong pháp luật gọi là “Bất tác vi”, không làm gì cũng là một hành động làm thiệt hại cho tổ chức, địa phương, nhà nước.
Vậy theo ông, nhìn rộng ra cả ở cấp trung ương, cả ở cấp địa phương, làm thế nào để loại bỏ được những cán bộ trì trệ; làm thế nào để chọn được những người tài năng, dám làm, dám chịu vì sự phát triển?
Phải có quy trình thủ tục tranh cử. Ngày xưa, con đường xuất hiện của nhân tài có tiến cử, bảo cử và khoa cử.
Tiến cử là bất cứ ai tài giỏi đều có thể được tiến cử cho triều đình. Qua một cuộc sát hạch nếu đúng là người tài đích thực thì người tiến cử được trọng thưởng, ai tiến cử sai người bị phạt.
Bảo cử là một vị quan đứng đầu một cơ quan phải có trách nhiệm bồi dưỡng một người xứng đáng thay thế mình. Nếu đề cử sai thì người tiền nhiệm dù có về hưu cũng bị xử phạt.
Khoa cử là thi cử rất nghiêm ngặt. Nhìn vào bốn môn thi để biết tầm tư duy: kinh văn (hệ thống lí thuyết, tứ thư ngũ kinh là bộ tri thức rộng ứng dụng vào trị quốc); chế chiếu (soạn thảo các văn bản pháp luật để đưa thành quy tắc xử sự); thi phú (khả năng cảm thụ với tự nhiên xã hội); văn sách (những kế sách trị quốc).
Chúng ta cứ tham khảo quy trình tranh cử đó của cha ông ta. Cụ thể hiện nay, nếu ta gỡ bỏ được hai quy định về độ tuổi, quy hoạch thì con đường tiến thân của nhân tài sẽ rộng mở hơn.
Trước hết vận dụng con đường tranh cử đó trong Đảng. Bảo cử là những vị đứng đầu các cơ quan trọng trách của Đảng và nhà nước, có trách nhiệm tiến cử cho Đảng, và viết cam kết về sự tiến cử của mình.
Ví dụ, một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị có thể bảo cử một cá nhân vào một vị trí nào đó và chịu trách nhiệm trước Đảng. Việc tiến cử trong Đảng có thể không phải là người đang đương chức nhưng đã từng là lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ có quyền tiến cử nhưng việc này phải có thẩm tra kĩ hơn bào cử vì đang đương nhiệm. Khoa cử là thi bốn môn như trên. Hiện nay ta đang tiếp biến là thi môn lí luận, nhưng lí luận không phải tầm chương trích cú mà là giải thích hiện tượng, thực tiễn.
Quy trình lựa chọn dù bảo cử, tiến cử, khoa cử phải có thẩm định. Các bộ máy tham mưu, cơ quan tổ chức phải giúp thẩm định, có biên bản xác định thẩm định thông qua các bằng chứng. Cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm từng cá nhân trong quá trình thẩm định. Trách nhiệm của cơ quan tham mưu như người đứng đầu phải kí xác nhận trách nhiệm nhân sự.
Về mặt phiếu bầu phần phiếu phải chia làm hai phần: phần phiếu và cuống phiếu, đóng dấu của cơ quan cấp uỷ và văn phòng cấp uỷ. Sau khi phiếu bầu xong lưu ở cơ quan tổ chức, còn lại cuống phiếu lưu ở Uỷ ban kiểm tra. Khi phát hiện nhân sự gian dối, không xứng đáng, vi phạm pháp luật thì truy cứu bằng cách hoàn phiếu lại.
Phòng thiết kế kiểm phiếu ngay cạnh nơi tổ chức Đại hội chứ không phải như tình huống tôi đã từng trải nghiệm, bê từng thùng phiếu từ tầng năm xuống tầng một. Như vậy không ai giám sát cả. Đến lúc kiểm phiếu thì tắt điện và nói đó là tình cờ bị mất điện.
Làm được như vậy, mọi cá nhân trong tập thể đều minh bạch như ánh sáng.
Lan Anh 
TIN LIÊN QUAN:


BẦU CHỌN CÁN BỘ KHÔNG THỂ VÌ CƠ CẤU MÀ BỎ QUA TIÊU CHUẨN
XUÂN HẢI pv PHAN DIỄN / LĐ 21-7-2020
Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn. 
Ảnh: Xuân Hải
Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn. Ảnh: Xuân Hải
Không có vùng cấm trong xử lý cán bộ
Liên quan tới xử lý cán bộ có sai phạm, cuối tuần qua, nhiều cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo như cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã bị khởi tố.
Nhiều quan chức TPHCM (đang đương chức) như Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, thậm chí có những trường hợp vừa được bổ nhiệm như ông Trần Trọng Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Thành uỷ TPHCM cũng bị xử lý, khởi tố. Cũng liên quan tới xử lý cán bộ có vi phạm, trong nhiệm kỳ vừa qua, gần 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật. Ngay trong khóa XII đã có 2 Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý kỷ luật, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị đã bị khởi tố trước pháp luật và hiện nay đang chấp hành án tù, trước đó người này đã bị cách tất cả chức vụ trong Đảng, cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. 
Trao đổi với PV Lao Động về việc này, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn cho rằng, trong những năm vừa qua chúng ta làm nghiêm công tác xây dựng Đảng, công tác chỉnh đốn đảng, chúng ta đã xử lý kỷ luật rất nhiều cán bộ, trong đó có đồng chí là uỷ viên Bộ Chính trị hoặc nguyên uỷ viên Bộ Chính trị, chúng ta cũng đã phải xử lý cả một đồng chí nguyên Phó Thủ tướng, nhiều uỷ viên trung ương, nhiều bộ trưởng, thứ trưởng và nhiều tướng lĩnh cao cấp của lực lượng vũ trang và nhiều cán bộ đảng viên giữ vữ vị trí quan trọng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Đây là điều thắng lợi của nhiệm kỳ này vì chúng ta đã thẳng thắn đấu tranh và đã đưa ra được những quyết định xử lý kỷ luật nghiêm túc. Việc xử lý nghiêm cán bộ  vi phạm đã thể hiện không có vùng cấm trong xử lý cán bộ và nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Vậy theo ông, làm thế nào để công tác bổ nhiệm cán bộ không lọt những người vi phạm vào vị trí cao hơn?
- Tôi nghĩ rằng, để làm tốt được công tác nhân sự trước hết chúng phải xác định đúng các tiêu chuẩn, của các chức vụ bầu vào các cấp uỷ, tiêu chuẩn để bầu vào Trung ương, tiêu chuẩn để bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương thì chúng ta phải có được các tiêu chuẩn thật rõ ràng, chính xác. Bởi vì đó là những căn cứ để chúng ta lựa chọn. 
Bên cạnh đó, công tác nhân sự phải rút kinh nghiệm từ các khoá trước. Trước đây nhiều lúc chúng ta không thực sự căn cứ vào tiêu chuẩn, có lúc chúng ta căn cứ vào những thói quen hoặc còn nặng quá về cơ cấu, để cơ cấu lấn át tiêu chuẩn. Tôi cho rằng, để bầu chọn cán bộ thì không thể vì cơ cấu mà bỏ qua các tiêu chuẩn cần thiết, như vậy sẽ bầu ra những người không đúng tiêu chuẩn.
Mỗi giai đoạn chúng ta phải thấy được điểm mà chúng ta phải nhấn mạnh. Về mặt chính trị những người được bầu vào Trung ương, bầu vào Bộ chính trị, bầu vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước phải là những người có lòng yêu nước và có quyết tâm, ý chí xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mong muốn chúng ta lựa chọn được những người vừa có tài, vừa có đức. Và bây giờ cái khó là làm thế nào để lựa chọn được người xứng đáng. 
Phải dân chủ, công khai minh bạch trong quá trình bầu cử
Như ông vừa nói cái khó nhất là chọn người cán bộ thế nào, vậy theo ông căn cứ làm sao để chọn được người tài?
- Theo tôi, chúng ta phải mở rộng dân chủ, công khai minh bạch trong quá trình bầu cử. Tôi cho rằng phải căn cứ vào tiêu chuẩn là chính để mà chọn lựa. Đồng thời, chúng ta cũng phải có thêm các hình thức để trao đổi công khai, để mọi người có hiểu biết về những người mình sẽ bầu chọn nhiều hơn. 
Vậy đối với những người mà dư luận có ý kiến thì cần có giải pháp kiểm tra thế nào, thưa ông?
- Đối với những trường hợp có dư luận, có ý kiến của xã hội theo tôi nên công khai. Đặc biệt những đợt sinh hoạt cuối nhiệm kỳ của các cấp uỷ, nhất là các cơ quan lãnh đạo Trung ương nên làm tốt, cởi mở, nghiêm túc, có tính chiến đấu, tránh làm hình thức, thẳng thắn phê bình, góp ý kiến, tạo cho các đại biểu có căn cứ chuẩn xác để cân nhắc trong việc lựa chọn. Tôi cũng tán thành việc các cấp uỷ nên giao cho những ban chuyên môn về xây dựng đảng, tập hợp những dư luận để làm rõ đúng sai của các đồng chí liên quan. 
Như ông vừa nói cần phải kiểm tra, làm rõ các trường hợp cán bộ khi bổ nhiệm, vậy trường hợp như ông Trần Trọng Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Thành uỷ TPHCM vừa mới bổ nhiệm đã bị xử lý, khởi tố, theo ông làm thế nào để “vá” được lỗ hổng ấy?
- Trường hợp cụ thể như anh vừa nói, chúng ta phải rút kinh nghiệm xem vì sao những người  khi bầu cử là đã có sai lầm mà chúng ta không biết. Việc này, tất nhiên không phải mọi trường hợp chúng ta dễ mà tránh được. Nhưng theo tôi nếu chúng ta nghe dư luận của nhân dân rộng rãi hơn, thoải mái hơn thì chúng ta dễ phát hiện hơn, không để những trường hợp như vậy bị bỏ qua. Tất nhiên, việc đấu tranh chống tiêu cực là rất khó không phải lúc nào chúng ta cũng dễ phát hiện được. Nhưng nếu chúng ta càng công khai, minh bạch, phát huy dân chủ, trao đổi trong quá trình bầu cử thì chúng ta sẽ bớt đi những sai lầm.
Xin cảm ơn ông! 

XUÂN HẢI THỰC HIỆN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét