Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

20200719. BÀN VỀ KHỦNG HOẢNG THẤT NGHIỆP

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHỦNG HOẢNG THẤT NGHIỆP
VÕ ĐÌNH TRÍ */  TBKTSG/ BVN 17-7-2020
Thứ Ba tuần trước (7-7-2020), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố báo cáo Triển vọng việc làm 2020, nhấn mạnh cuộc khủng hoảng về sức khỏe do dịch Covid-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng việc làm và rất có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng xã hội.
https://cdn.thesaigontimes.vn/Uploads/Articles/305912/455b0_khunghoangthatngiep_650.jpg
Ngành dệt may - một trong những ngành hiện đang có tỷ lệ người lao động bị mất việc cao. Ảnh: THÀNH HOA
Những hệ lụy nguy hiểm từ thất nghiệp
Khủng hoảng việc làm hiện nay bỏ xa các đợt khủng hoảng khác kể từ cuộc đại suy thoái năm 1930. Đến cuối tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp của OECD là 8,4% với 54,4 triệu lao động. Theo ước tính của tổ chức này, tỷ lệ thất nghiệp của các nước thành viên đến cuối năm nay vào khoảng 9,4%, và dự kiến không thể phục hồi trước năm 2021 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm 6% năm nay. Ở nhiều nước, số giờ làm việc giảm gấp 10 lần so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nhưng mức độ bị ảnh hưởng của các nhóm lao động trong cùng một nền kinh tế là khác nhau. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nhóm lao động trẻ, phụ nữ, những nhóm công việc được trả lương thấp, công việc tạm thời hay tự kinh doanh. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, những lao động có thu nhập thấp có rủi ro bị mất việc làm gấp 2 lần so với đồng nghiệp có thu nhập cao. Ngoài ra, nhóm lao động có thu nhập cao thì có nhiều khả năng được làm việc tại nhà hơn là lao động có thu nhập thấp vì tính chất công việc của họ có thể làm được qua Internet.
Đã có rất nhiều nghiên cứu về hệ lụy của thất nghiệp, trong đó có hai hệ lụy chính là đói nghèo và sức khỏe. Rơi vào ngưỡng đói nghèo có thể dễ hình dung đối với những lao động có thu nhập thấp, sẽ nghiêm trọng hơn ở những nơi chế độ bảo hiểm thất nghiệp và an sinh xã hội chưa đủ đảm bảo. Khi bị rơi vào tình trạng thất nghiệp, các chế độ liên quan đến bảo hiểm y tế cũng bị giảm hoặc cắt, do đó người lao động phải chi trả thêm từ tiền túi của mình nếu không may bị bệnh tật.
Tuy vậy, khả năng rơi vào diện nghèo cũng dễ xảy ra đối với một số lao động có thu nhập cao khi bị thất nghiệp. Đó là vì những người này không có tích lũy dự phòng rủi ro, chi tiêu chủ yếu dựa vào tín dụng trên mức lương hiện tại của mình. Có những người vay mua nhà vượt quá nhu cầu và khả năng tài chính của mình, thường xuyên thay đổi xe, có các chuyến du lịch xa xỉ, dùng nhiều đồ hiệu trong khi các khoản chi này đều dựa vào tín dụng. Khi thất nghiệp ập đến, thu nhập giảm mạnh đột ngột nhưng các khoản nợ định kỳ vẫn phải trả, sẽ dẫn đến túng quẫn như một số trường hợp làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở cuộc khủng hoảng năm 2008.
Hệ lụy thứ hai không kém phần quan trọng là sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần. Tâm lý chung của người bị thất nghiệp là chán nản, căng thẳng, có thể chuyển sang trầm cảm. Những người này cũng có xu hướng gia tăng sử dụng các chất gây nghiện như thuốc lá, thức uống có cồn, hay thậm chí ma túy. Ngay cả ở những nước phát triển có hệ thống bảo hiểm thất nghiệp tốt, các chế độ an sinh xã hội hỗ trợ cho người lao động thì sang chấn tâm lý của người bị thất nghiệp là rất lớn vì cảm thấy mình là người thất bại, trở thành gánh nặng của xã hội.
Vai trò của bảo hiểm
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thất nghiệp ở Việt Nam có lẽ còn nghiêm trọng hơn. Theo thống kê sáu tháng đầu năm 2020, số lao động bị ảnh hưởng lên đến 30 triệu người
Trong số các nước có hệ thống bảo hiểm thất nghiệp và an sinh xã hội tốt nhất, có thể kể đến nước Pháp. Ở đây, người lao động bị thất nghiệp được hưởng trợ cấp trung bình 79% đối với thu nhập thấp và 64% đối với thu nhập cao, trong khoảng thời gian 24-36 tháng. Với mức trợ cấp này, người lao động vẫn có thể đảm bảo các nhu cầu chi tiêu tối thiểu, nhưng ảnh hưởng về sức khỏe và tâm lý là không thể tránh được.
Để giảm thiểu hệ lụy của thất nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp là một công cụ hữu hiệu mà hầu hết các chính phủ đều triển khai để bảo vệ người lao động. Nhưng cách vận hành ở mỗi nước là khác nhau, thậm chí khác nhau giữa các bang trong cùng một nước có thể chế liên bang.
Sự khác nhau về quyền lợi của người lao động thất nghiệp được xác định ở ba yếu tố: tỷ lệ được hưởng so với mức thu nhập trước đó, thời gian được hưởng, và các hỗ trợ tìm việc làm mới. Các nước thường quy định tỷ lệ hưởng ở mức 60-80%, có nước quy định thu nhập cao thì tỷ lệ  hưởng thấp hơn để thực hiện chức năng điều tiết. Thời gian được hưởng có thể dao động từ trung bình sáu tháng như ở Mỹ (tùy theo bang), lên đến 24 tháng như ở Pháp, có nước cho gia hạn thêm một thời gian nhưng người lao động phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Cuối cùng là hỗ trợ tìm việc làm mới, cũng với các chính sách và cách thức tổ chức khác nhau.
Ở Việt Nam thì sao?
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thất nghiệp ở Việt Nam có lẽ còn nghiêm trọng hơn. Theo thống kê sáu tháng đầu năm 2020, số lao động bị ảnh hưởng lên đến 30 triệu người, phần lớn bị giảm thu nhập do giảm giờ làm hoặc bị thất nghiệp. Theo quy định hiện nay, người lao động ở Việt Nam được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, với mức hưởng 60% bình quân lương sáu tháng trước đó, và tối đa là 5 lần lương tối thiểu vùng.
Nhưng thu nhập thực tế của rất nhiều người lao động lại không giống như bảng lương để tính bảo hiểm xã hội, vì có nhiều khoản hỗ trợ hay thu nhập tăng thêm được hạch toán để né không tính vào thu nhập đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Lúc này, phần thiệt của người lao động mới thấy được rõ.
Một vấn đề khác của người lao động Việt Nam là tỷ lệ lao động phi chính thức còn rất cao, đến cuối năm 2019 là 54,6% và hầu hết các lao động này không có bảo hiểm xã hội bắt buộc, nghĩa là không có bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy có thể thấy, một phần lớn lao động thất nghiệp do dịch Covid-19 ở Việt Nam sẽ không có trợ cấp thất nghiệp, số có được trợ cấp thì trợ cấp nhận được cũng chênh lệch khá nhiều so với thu nhập thực tế trước đó. Tình cảnh sẽ càng khó khăn hơn đối với các lao động di cư, vì các chi phí nhà ở, ăn uống dù ở mức tối thiểu nhất cũng là một gánh nặng lớn đối với họ.
Mặc dù sự hỗ trợ của gia đình, người thân, bạn bè là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam trong lúc khó khăn, nhưng người lao động cần chú ý hơn đến việc tích cốc phòng cơ, trích dành một phần thu nhập khi đang có việc làm vào một quỹ dự phòng, thường cần đủ cho sáu tháng đến một năm. Quan trọng hơn, cần biết và đấu tranh cho quyền lợi của mình trong việc thực hiện hợp đồng lao động, đưa hết các thu nhập vào chính thức để tính đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, cũng cần luôn trau dồi, học thêm những kiến thức cũng như kỹ năng mới, để có khi cần thiết cho việc chuyển đổi sang công việc khác.
(*) Giảng viên trường Đại học Kinh tế  TPHCM và IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức AVSE Global
V.Đ.T.
Nguồn: Thesaigontimes


LUẬT DOANH NGHIỆP CÓ THẮP LÊN NGỌN LỬA CẢI CÁCH ?
TƯ GIANG/ TVN 15-7-2020
Ngọn lửa cải cách hết hừng hực?
Phải thú thật, tôi đã do dự nhưng rồi vẫn đặt ra câu hỏi trên trong buổi họp báo cuối tuần rồi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giới thiệu 3 luật sửa đổi vừa được thông qua là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Do dự là ở chỗ, câu hỏi đó có thể bị hiểu là mang tính ‘truy bức’ và không mang lại sự dễ chịu trong cuộc họp báo giới thiệu về sự thành công của các luật được Bộ tổ chức lần đầu tiên trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, là nhà báo đã theo dõi luật này từ những năm 2000, tôi có lý do để đặt câu hỏi.
Luật Doanh nghiệp là một trong những luật mang lại thành công nhất về kinh tế khi thắp lên ngọn lửa cải cách “người dân được làm những gì pháp luật không cấm”. Hơn nữa, kinh nghiệm ở nền kinh tế chuyển đổi của nước ta, nơi trước đây chỉ có 1 thành phần rồi nay có thêm nhiều thành phần, cho thấy, Nhà nước rút khỏi thị trường đến đâu là người dân và doanh nghiệp có cơ hội phát triển tươi tốt, thịnh vượng đến đấy.
Luật Doanh nghiệp có thắp lên ngọn lửa cải cách?
Hướng dẫn thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Hà Nội mới
Từ góc độ đó, đưa hộ kinh tế gia đình vào Luật, có nghĩa là đưa 5,4 triệu hộ đang tạo ra hơn 30% GDP của đất nước, vào vòng quản lý của nhà nước khéo thành ra lợi bất cập hại, có thể siết chặt thay vì ‘kiến tạo’ cho họ. Họ sẽ phải tốn kém nhiều chi phí và công sức để hoàn thành thủ tục đăng ký, quy chuẩn hóa đơn, cũng tuân thủ nhiều quy định khác, tức là gánh thêm nhiều chi phí mà chưa kể đến khả năng bị vòi vĩnh khi không tuân thủ các quy định đó. Ngay trên Tuần Việt Nam đã có nhiều tiếng nói của những bậc “trưởng thượng” từng hình thành nên luật cải cách này như ông Trần Xuân Giá, ông Lê Đăng Doanh, ông Nguyễn Đình Cung và nhiều người khác. Liệu ngọn lửa cải cách mà luật này thắp lên có bị nhòa đi?
Tất nhiên, câu hỏi đó không được trả lời, nhưng, cũng không quan trọng nữa. Quan trọng là Luật Doanh nghiệp 2020 này sẽ mang lại tinh thần cải cách gì cho người dân và doanh nghiệp?
Phải tăng khởi sự kinh doanh hơn 30 bậc
Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu giải thích, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp là trọng tâm chính của luật. “Thay đổi lớn nhất trong luật này là quản trị công ty. Điều này khá là kỹ thuật nhưng có tác động thay đổi bản chất trong hoạt động doanh nghiệp, hay nói nôm na là khi doanh nghiệp có cơ chế quản trị tốt sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Họ tin họ sẽ đến và ngược lại”, ông nói.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 bãi bỏ toàn bộ thủ tục hành chính về dấu, có nghĩa doanh nghiệp có thể quyết định hoàn toàn về con dấu, kể cả dấu truyền thống và dấu số. Doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh trong môi trường số, thay vì tình trạng “nửa nạc, nửa mỡ” hiện nay, khi doanh nghiệp nộp hồ sơ qua mạng và khi lấy giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì mang bộ hồ sơ giấy đến.
Vấn đề là Luật Doanh nghiệp 2020 có thể làm tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp mới không? Ông Hiếu nói: “Tôi không kỳ vọng điều đó vì dư địa để đăng ký kinh doanh hiện nay chỉ còn 3 ngày, thực tế ghi nhận là 2 ngày. Giờ chúng ta có cải cách xuống 1 ngày thì cũng không phải là động lực để thành lập doanh nghiệp nữa".
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, tác động của Luật Doanh nghiệp sắp tới vẫn sẽ mạnh mẽ vì có ưu điểm lớn. Quá trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam còn 8 thủ tục và 16 ngày. Với các cải cách như loại bỏ thủ tục về dấu, miễn thuế môn bài trong năm đầu tiên thành lập, và nghị định "một cửa" đang trình chính phủ về việc khi đăng ký doanh nghiệp thì thực hiện luôn đăng ký lao động và bảo hiểm nếu được Chính phủ ký thì thủ tục gia nhập thị trường của Việt Nam chỉ còn khoảng 6 ngày.
"Chính phủ đặt mục tiêu phải tăng khởi sự kinh doanh hơn 30 bậc trên bảng xếp hạng của World Bank. Với những cải cách này, tôi tin rằng còn phải tăng nhiều hơn thế", ông Hiếu khẳng định.
Trong suốt giai đoạn 1990-2000 chỉ có khoảng 50.0000 doanh nghiệp được thành lập, kém xa so với con số 130.000 doanh nghiệp được thành lập chỉ trong năm 2019.
Song vấn đề không chỉ có thế.
Giúp doanh nghiệp trước ‘họa’ đại dịch Covid-19
So sánh thực trạng của khu vực kinh tế tư nhân trong nước trong lịch sử và hiện tại quả là khập khiễng. Trong quá khứ, khu vực kinh tế này từng bị xóa bỏ, còn nay thì phát triển bùng nổ, đa dạng và đã xuất hiện nhiều tỷ phú người Việt. Chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước ngày càng ghi nhận sự đóng góp quan trọng hơn của khu vực kinh tế này.
Những bước tiến lớn này đã giúp khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển nhưng, phải nói một cách công bằng, lại chưa đáp ứng được với những khó khăn chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19 gây ra mà họ phải đối mặt.
Theo Cục Đăng ký Kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 62.049 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi đó có 56.227 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2019, bao gồm: 29.169 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 38%), 19.625 doanh nghiệp chờ giải thể, 7.433 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi tháng có 9.371 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đó là những con số rất đáng lo nhưng chưa được phân tích cặn kẽ để nhận biết được sức khỏe thật của khu vực doanh nghiệp. Song, hệ quả ban đầu là rất nghiêm trọng. Theo kết quả Điều tra lao động việc làm quý được Tổng cục Thống kê công bố mới đây, đến hết tháng 6/2020, có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập. Thậm chí, Tổ chức Lao động Quốc tế phát đi thông cáo kêu gọi: “Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động cần đoàn kết lại trong bối cảnh hơn 30 triệu người đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 tính đến cuối quý II”. 
Cho dù ILO động viên “Việt Nam ở vị thế tốt hơn phần lớn các nước khác để vượt qua những thách thức kinh tế, thị trường lao động” do thành tích chống dịch, nhưng bản thân những con số thất nghiệp đó là quá khủng khiếp trong bối cảnh tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên ở VN là 46,8 triệu người.
Trước Tết, không ai có thể hình dung nền kinh tế đang phát triển này lại rơi vào cú sốc lớn đến như vậy do dịch bệnh. Nhiều chủ doanh nghiệp đơn giản là nghỉ chơi suốt từ Tết đến giờ, nhiều doanh nghiệp lớn cắt giảm, hay hoãn việc làm để cắt giảm chi tiêu.
Mặt trận chống dịch là quan trọng, nhưng mặt trận chống suy thoái kinh tế cũng quan trọng không kém. Trong khi đó, nguồn lực tài khóa, tiền tệ của Chính phủ cũng còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp.
Chính vì thế, không nên tạo bất kỳ một chính sách mới nào có thể tạo ra gánh nặng lên doanh nghiệp.
Rào cản kinh doanh
Hôm nọ, có doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, lĩnh vực chịu tác động bậc nhất từ đại dịch Covid-19, phản ánh, họ phải chi cho kiểm định chất lượng của Việt Nam 6 triệu đồng để xuất khẩu trang sang Mỹ. Vấn đề là phía doanh nghiệp Mỹ nói rằng, họ không cần cái kiểm định đó. Vậy vì sao các cơ quan chức năng của Việt Nam lại phải bắt doanh nghiệp “nộp” ra 5 triệu đồng? Mà chuyện này không phải với 1 doanh nghiệp.
Báo cáo với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong nửa đầu năm nay, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu “ít chuyển biến”. Những vướng mắc, bất cập về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh nhiều lần, nhiều nơi, song vẫn chậm được giải quyết như: Yêu cầu kiểm tra nhà nước về an toàn lao động trước thông quan đối với sản phẩm hàng hoá nhóm 2 của Bộ LĐ-TB-XH; kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi; kiểm tra hiệu suất năng lượng;…
Cho đến nay, chỉ có Quốc hội có quyền quy định việc cấm hay không cấm một hành vi kinh doanh, nhưng điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành vẫn được cài cắm đâu đó trong cấp nghị định, thậm chí ở văn bản thấp hơn, tạo điều kiện cho các cán bộ vòi vĩnh, nhũng nhiễu.
Mà những điều đó, và nhiều rào cản kinh doanh khác nữa thì bản thân Luật Doanh nghiệp vừa thông qua không thể xử lý được. Cho nên, tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp đang được làm mờ đi bởi các rào cản kinh doanh, các quy định mới trong các luật khác, các quy định khác. Đó là điều rất đáng suy nghĩ, kể cả khi đại dịch qua đi. Tuy nhiên, hi vọng rằng những rào cản này rồi sẽ được dỡ bỏ, bị triệt tiêu để thắp lên ngọn lửa xuyên suốt mà luật này đã mang lại cho xã hội, cho nền kinh tế Việt Nam.
Tư Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét